Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/12/2018

Mỹ và Nhật không còn nhân nhượng Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông

Tổng hợp

Hoa Kỳ thúc giục các đồng minh Thái Bình Dương tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông (RFA, 28/12/2018)

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang thúc giục các quốc gia đồng minh của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông trong nổ lực đối trọng lại Trung Quốc.

bd1

Đại diện Việt Nam lên tàu Tuần Duyên Hoa Kỳ CSB-8020. Ảnh chụp ngày 25 tháng 5 năm 2017 - AFP PHOTO / US COAST GUARD / PETTY OFFICER 2ND CLASS MELISSA MCKENZIE

Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ về các vấn đề Châu Á- Thái Bình Dương, ông Randy Schriver, trong trả lời phỏng vấn gần đây với tờ The Australian đưa ra kêu gọi như vừa nêu.

Một số báo Úc và Mỹ loan tin vào ngày 28 tháng 12. Theo đó thì những hoạt động nhằm gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Nam Thái Bình Dương, bao gồm các khoản biếu tặng cho giới chính trị gia và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những đảo quốc nhỏ, khiến quan chức Australia và New Zealand phải chú ý.

Ông Randy Schriver còn đưa ra cảnh báo là những người cộng sản Trung Quốc có thể còn muốn thiết lập căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương.

Cho nên ông này đi đến nhận định để có thể gây áp lực thêm nữa đối với Trung Quốc thì những đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ phải tham gia vào các hoạt động tại khu vực Biển Đông ; nếu như không cùng tham gia chiến dịch tự do hàng hải với Mỹ thì cũng nên tuần tra chung, cũng như các hoạt động chứng tỏ sự hiện diện của nước mình tại khu vực đó.

Chiến dịch tự do hàng hải của Hoa Kỳ là một thách thức đối với tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là nơi mà Bắc Kinh trong thời gian qua cho bối lấp nên các đảo nhân tạo rồi đưa trang thiết bị đến gồm cả máy bay, tên lửa.

Trung Quốc cho tàu chiến ra đối mặt với chiến hạm của Hoa Kỳ khi thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Đơn cử như vào tháng 8 vừa qua, một tàu chiến của Trung Quốc suýt đụng phải khu trực hạm USS Decatur của Mỹ khi chiến hạm này đi gần quần đảo Trường Sa.

Không riêng gì chiến hạm Hoa Kỳ, mà vào tháng tư khi tàu của Hải Quân Australia đi qua Biển Đông trên đường đến Việt Nam cũng bị tàu Hải quân Trung Quốc sách nhiễu.

Cho đến nay, một số quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ gồm Anh, Pháp, Canada cũng đã tăng cường hoạt động quân sự của họ tại Biển Đông.

Một nhà phân tích an ninh ở Auckland, New Zealand, ông Paul Buchanan được Mạng báo Stripes dẫn lời rằng các đồng minh của Hoa Kỳ chắc hẳn hồi đáp thuận lợi cho kêu gọi có biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Trong khi đó theo ông này thì Australia và New Zealand, hai đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, đang quân bằng mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng.

*********************

Mỹ đề nghị các đồng minh tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông (RFI, 29/12/2018)

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với báo chí Úc, một quan chức cao cấp bộ quốc phòng Mỹ đã yêu cầu các đồng minh gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc tại vùng biển này. Trang mạng chính thức của quân đội Mỹ Stars and Strips hôm qua, 28/12/2018, dẫn lại thông tin nói trên, theo đó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Randy Schriver, phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã nhấn mạnh là việc các đối tác và đồng minh của Mỹ tham gia vào các hoạt động quân sự tại Biển Đông sẽ "tạo áp lực nhiều hơn với Trung Quốc".

bd2

Khu trục hạm USS Decatur đang hoạt động tại Biển Đông (Ảnh chụp ngày 28/06/2016) (www.public.navy.mil)

Quan chức quân sự Mỹ nói với báo The Australian là các đồng minh khác của Mỹ, gồm Anh, Pháp và Canada, đã tăng cường hiện diện tại Biển Đông. Ông Randy Schriver cảnh báo là việc luật pháp quốc tế "bị xói mòn" ở Biển Đông sẽ có "những hậu quả trên quy mô toàn cầu».

Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo và gia tăng triển khai quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây tại Biển Đông khiến nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế lo ngại là Bắc Kinh sẽ dần dần lấn lướt và tiến đến độc chiếm Biển Đông, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới.

Hải Quân Mỹ, kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, đã tiến hành 10 cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (thời tổng thống Obama, có 4 cuộc, kể từ năm 2015). Một số quốc gia đồng minh như Anh, Pháp năm nay cũng vào cuộc. Hồi tháng 8/2018, tàu đổ bộ Anh Albion, trọng tải 22.000 tấn đã đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Đầu năm, tàu hộ tống chống ngầm Vendémiaire của Pháp, trọng tải 3.000 tấn, cũng đã thực thi một cuộc tuần tra FONOP.

Các cuộc tuần tra FONOP của Mỹ và đồng minh mỗi lần đều khiến Bắc Kinh phản đối dữ dội. Mới đây nhất, ngày 30/09/2018, khi chiến hạm Mỹ USS Decatur (DDG-73) đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo nhân tạo do Bắc Kinh kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã điều một tàu chiến ra chặn đường, và áp sát ở khoảng cách 40 mét, phạm vi được coi là hết sức nguy hiểm, dễ dẫn đến đụng độ ngoài ý muốn.

Riêng về phần nước Úc, cho đến nay Canberra tỏ ra lưỡng lự trước đề nghị tham gia các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải thách thức trực tiếp yêu sách chủ quyền Trung Quốc, cùng với Mỹ. Tuy nhiên, về hiện diện quân sự nói chung ở Biển Đông và Thái Bình Dương, Úc cùng Mỹ, Anh đang có nhiều dự án phối hợp.

Trọng Thành

*******************

Biển Hoa Đông : Nhật chận máy bay gián điệp Trung Quốc (RFI, 30/12/2018)

Lần thứ nhì trong vòng một tháng, Nhật Bản đã điều chiến đấu cơ ngăn chận máy bay gián điệp Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Vụ việc xảy ra ngày 27/12/2018 và được công bố một ngày sau trên báo mạng The Diplomat.

bd3

Ảnh minh họa : Một chiến đấu cơ của không quân Nhật xuất kích từ căn cứ HokKaido, ngày 7/9/2017.Kazuhiro NOGI / AFP

Theo bộ quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc cho máy bay gián điệp điện tử gia tăng tuần tra gần lãnh thổ Nhật trong thời gian gần đây. Không quân Nhật đã hai lần can thiệp trong tháng 12 này, lần đầu là vào ngày 14.

Lần mới nhất diễn ra hôm 27/12 khi chiếc máy bay do thám của Trung Quốc vượt qua eo biển Tsushima (Đối Mã) nằm giữa Hoàng Hải, Biển Nhật Bản và Hoa Đông. Tokyo cho biết thêm là máy bay gián điệp Trung Quốc, loại Y-9JP mới nhất, không xâm nhập vào không phận nước Nhật.

Trong sáu tháng trở lại đây, 7 lần máy bay chiến đấu của Nhật phải cất cánh cảnh báo hoặc "đi kèm" máy bay tuần tra Trung Quốc ra xa không phận Nhật Bản.

Theo thống kê trong năm tài chính, từ tháng Tư 2017 đến tháng Ba 2018, chiến đấu cơ Nhật phải can thiệp 904 lần chống "máy bay lạ" tiến gần : 500 vụ liên quan đến máy bay Trung Quốc, phần còn lại là máy bay Nga.

Đài Loan cũng bị trắc nghiệm

Ngày 18 tháng 12 này, một đoàn máy bay quân sự Trung Quốc gồm oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Sukhoi 30 và máy bay gián điệp Y-9JP bay gần Đài Loan. Không Quân của hải đảo đã đưa chiến đấu cơ lên "nghênh tiếp" nhưng không xảy ra va chạm.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)