Quân đội Trung Quốc "lên gân" nhân dịp đầu năm 2019 RFI, 02/01/2019)
Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ chỉ giảm nhẹ, đặc biệt vào cuối năm 2018 với cuộc hưu chiến thương mại, tờ báo chính thức của Quân Đội Trung Quốc vào đúng ngày đầu năm 01/01/2019 hôm qua đã ra một bài xã luận khẳng định ưu tiên hàng đầu của lực lượng võ trang Trung Quốc trong năm mới. Đó là tăng cường rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Quân đội Trung Quốc làm lễ thượng cờ trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày đầu năm mới 01/01/2019. Reuters/Stringer
Theo một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) trích dẫn, đây là một động thái khác thường, có mục tiêu phô trương thanh thế để thị uy.
Bài xã luận của tờ báo nêu bật ưu tiên số một : "Chúng ta cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt trong một cuộc chiến và tăng cường năng lực toàn diện của binh lính nhằm ứng phó với các tình trạng khẩn cấp… bảo đảm sao cho có thể chiến thắng trước các thách thức".
Những ưu tiên khác được tờ báo nêu lên là lên kế hoạch thấu đáo, thực hiện nghiêm chỉnh để phát triển, cải tiến và đổi mới quân đội, và xây dựng đảng vững mạnh trong hàng ngũ quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc nâng cao năng lực tác chiến của quân đội từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Đối với giới quan sát, việc tăng cường rèn luyện đồng nghĩa với phô trương sức mạnh, và việc nêu bật ưu tiên này ngay vào đầu năm có thể là dấu hiệu cho thấy đó là một phần quan trọng trong kế hoạch năm 2019.
Một cựu trung tá quân đội Trung Quốc, hiện là chuyên gia phân tích quân sự tại Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đã giải thích với tờ SCMP rằng trong suốt 20 năm trước ngày ông giải ngũ vào năm 2004, việc luyện tập để sẵn sàng tác chiến luôn là một trong những công việc hàng đầu của quân đội. Tuy nhiên, điểm khác thường năm nay là việc luyện tập để chuẩn bị cho chiến tranh được nêu bật ngay đầu năm.
Đối với chuyên gia này, điều đó có nghĩa là ưu tiên đó trở thành kế hoạch toàn năm, cho dù ý định thực sự đằng sau động thái đó trước mắt chưa được rõ.
Theo cựu thứ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Lâm Trung Bân (Lin Chong Pin), mục tiêu của Quân Đội Trung Quốc không ngoài việc phô trương sức mạnh để thị uy : "Đặt ưu tiên cho việc rèn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh chỉ là một động thái thị uy để thúc đẩy sức mạnh ngoại giao mà quân đội Trung Quốc thường làm trong 4 thập niên qua, cho dù chưa hề đánh một nước khác trong thời gian đó".
Quan sát viên này ghi nhận : "Động thái này được đưa ra vào lúc mà Hoa Kỳ tăng sức ép lên Trung Quốc với một loạt chiến dịch quân sự. Nhưng tôi chắc chắn 100% là quân đội Trung Quốc sẽ không tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, dù ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan".
Diều hâu Trung Quốc đòi đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Một trong những đối tượng mà Bắc Kinh nhắm đến trong việc thị uy chính là Mỹ. Theo cựu chuẩn đô đốc La Viện (Lou Yuan), một nhân vật nổi tiếng diều hâu trong giới chuyên gia quân sự Trung Quốc, thì muốn thắng Mỹ, chỉ cần đánh chìm hai tàu sân bay của Hoa Kỳ, với 5.000 người trên mỗi chiếc.
Trang thông tin Úc news.com.au đã trích dẫn hãng tin Đài Loan CAN cho biết trong tham luận ngày 20/12 tại một hội nghị ở Thâm Quyến (Trung Quốc), nhà bình luận quân sự này khẳng định rằng tử huyệt của Mỹ chính là tàu sân bay, và các tên lửa hành trình. Đạn đạo chống hạm mới của Trung Quốc có thể tấn công các hàng không mẫu hạm Mỹ kể cả khi nằm giữa một hệ thống phòng thủ chặt chẽ.
Đối với ông La Viện, "những gì Mỹ lo sợ nhất là thương vong" và khi hai tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm, điều đó có nghĩa là 10.000 người làm việc trên tàu sẽ thiệt mạng, "chúng ta sẽ thấy người Mỹ sợ hãi như thế nào".
Trọng Nghĩa
*****************
Tập Cận Bình dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (RFI, 02/01/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài diễn văn hôm nay, 02/01/2019, tuyên bố việc Đài Loan độc lập sẽ dẫn đến "thảm họa". Ông Tập cổ vũ cho sự "thống nhất" một cách hòa bình, nhưng đồng thời cảnh cáo không loại trừ việc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan.
Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh cáo Đài Loan trong bài diễn văn ngày 02/01/2019. AFP/POOL/Mark Schiefelbein
Song song đó, tờ Giải Phóng Quân Báo vừa công bố các mục tiêu cho năm 2019, kêu gọi "chuẩn bị chiến tranh". Từ Thượng Hải, thông tín viên Angélique Forget tường trình :
"Tăng cường huấn luyện và chỉnh đốn thái độ binh lính để có thể sẵn sàng trong trường hợp xung đột : quân đội Trung Quốc giương oai diễu võ trong chương trình năm mới đầy tính hiếu chiến. Tờ báo chính thức của Giải phóng quân Trung Quốc viết : "Chuẩn bị chiến tranh trở thành điều căn bản, đây phải là hướng chính".
Trong khi căng thẳng không ngừng tăng lên với láng giềng Đài Loan, kế hoạch này như một lời cảnh báo cho những ý định độc lập của hòn đảo. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục cho máy bay và tàu chiến quần thảo xung quanh Đài Loan. Và cách đây vài ngày, chính quân đội Trung Quốc đã cảnh cáo chính quyền Đài Bắc là sẽ rơi vào ngõ cụt nếu cố gắng ngăn trở việc thống nhất với Hoa lục.
Trong bài diễn văn đọc sáng nay tại Bắc Kinh, vị chủ tịch đầy quyền lực Tập Cận Bình đồng thời là chủ tịch Quân ủy Trung ương đã răn đe : "Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực để chống lại các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan".
Ông Tập Cận Bình cho rằng việc thống nhất theo chính sách "Một đất nước, hai chế độ" sẽ "bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của đồng bào Đài Loan". Chủ tịch Trung Quốc gợi ý cho thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải công nhận nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Hoa".
Phát biểu ngay sau bài diễn văn của ông Tập, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định đảo quốc không thể chấp nhận đề nghị trên, nhấn mạnh việc thương lượng phải trên cơ sở giữa hai chính phủ với nhau. Trong diễn văn đầu năm mới hôm qua, bà cũng đề nghị Bắc Kinh giải quyết bất đồng một cách hòa bình, và tôn trọng những giá trị dân chủ của Đài Loan.
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông bình luận : "Ông Tập tuyên bố :' Chúng tôi sẵn sàng thương lượng, nhưng trước hết quý vị phải đầu hàng đi !' Như thế thì chẳng đối thoại với ai được». Dân biểu Hồng Kông Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nhận định : "Trung Quốc đang nuốt chửng Hồng Kông trong mọi lãnh vực, nhưng lại giải thích rằng Hồng Kông là mẫu mực tuyệt vời cho Đài Loan. Đó là một trò đùa !".
Thụy My
*******************
Tập Cận Bình nói Đài Loan 'phải và sẽ' hợp nhất với Trung Quốc (BBC, 02/01/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân Đài Loan chấp nhận rằng họ 'phải và sẽ' hợp nhất với Trung Quốc.
Quân đội Đài Loan diễu hành - Hình minh họa
Trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm kể từ khi cải thiện mối quan hệ với Đài Loan, ông Tập nhắc lại lời kêu gọi thống nhất ôn hòa với Bắc Kinh trên cơ sở một quốc gia hai thể chế. Tuy nhiên, ông nói Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực.
Trong khi Đài Loan tự trị và độc lập trên thực tế, Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết cả hai bên là một phần một đại gia đình Trung Quốc và rằng nền độc lập của Đài Loan là "một dòng chảy ngược lịch sử và là ngõ cụt".
Người dân Đài Loan "phải hiểu rằng độc lập sẽ chỉ mang lại khó khăn", ông Tập nói và thêm rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức hành động nào thúc đẩy nền độc lập của Đài Loan.
Ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ với Đài Loan là "một phần chính trị nội bộ của Trung Quốc" và rằng "sự can thiệp của nước ngoài là không thể chấp nhận được".
Bắc Kinh "bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết chống lại các lực lượng bên ngoài can thiệp vào việc thống nhất hòa bình", ông nói.
Một ngày trước bài phát biểu của ông Tập, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng Bắc Kinh nên chấp nhận sự tồn tại của Đài Loan và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn với hòn đảo này.
Trung Quốc nên "tôn trọng sự kiên quyết của 23 triệu người về tự do và dân chủ, và phải sử dụng hòa bình, công bằng để xử lý sự khác biệt của chúng tôi", bà nói thêm.
Vào tháng 11, đảng chính trị của bà Thái Văn Anh đã vấp phải một thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử khu vực được Bắc Kinh coi là một đòn giáng mạnh vào lập trường ly khai của bà.
Vấn đề vì đâu ?
Đài Loan là một nền dân chủ tự trị và trên thực tế đã hoạt động như một quốc gia độc lập kể từ năm 1950, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bị lực lượng cộng sản đánh đuổi ở Đại lục và chạy sang hòn đảo này.
Tuy nhiên, Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai - không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó - một ngày nào đó sẽ được hợp nhất hoàn toàn với đất liền.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán đối với các yêu sách của mình.
Ví dụ, Trung Quốc khẳng định rằng các quốc gia khác chỉ có thể có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc Đài Loan chứ không phải cả hai.
Bắc Kinh đã giành được ngày càng nhiều trong số các đồng minh quốc tế ít ỏi của Đài Bắc, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và thay vào đó thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng buộc các hãng hàng không và khách sạn nước ngoài liệt kê Đài Loan là một phần của Trung Quốc trên trang web của họ.
****************
Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong (VOA, 02/01/2019)
Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Hong Kong hôm 1/1 để đòi dân chủ, các quyền cơ bản và thậm chí là độc lập khỏi Trung Quốc trong bối cảnh họ phải đối mặt với sự đàn áp gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các quyền tự do địa phương.
Cuộc biểu tình đầu Năm Mới thu hút đông đảo người dân Hong Kong
Trong năm qua, Mỹ và Anh đã bày tỏ quan ngại về một số vụ việc mà họ cho rằng đã phá hoại lòng tin về tự do và tự trị của Hong Kong dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Những vụ việc này bao gồm bỏ tù các nhà hoạt động, cấm các đảng phái chính trị cổ súy độc lập và trục xuất trên thực tế một nhà báo phương Tây và ngăn cản các nhà hoạt động dân chủ ra ứng cử.
Cuộc biểu tình vào năm mới cũng bao gồm lời kêu gọi khởi động lại các cuộc cải cách dân chủ đã bị ngưng trệ và đấu tranh với ‘đàn áp chính trị’ của Bắc Kinh.
"Nhìn lại một năm trôi qua, đó là một năm rất tồi tệ… Pháp trị ở Hong Kong đang thụt lùi", Jimmy Sham, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, cho biết.
Những nhà tổ chức cho biết cuộc tuần hành có 5.500 người tham gia – điều chỉnh lại con số ước tính lúc đầu là 5.800 người trong khi cảnh sát nói rằng có 3.200 xuống đường vào lúc cao điểm của cuộc tuần hành.
Mặc dù chính quyền Hong Kong đã đàn áp quyết liệt phong trào đòi độc lập, điều này không hề ngăn khoảng 100 nhà hoạt động đòi độc lập tham gia cuộc tuần hành. Họ trương những biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu đòi Hong Kong tách ra khỏi Trung Quốc.
Trung Quốc xem Hong Kong là phần lãnh thổ không thể tách rời của họ và lên án ‘những kẻ ly khai’ là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, ngay cả khi phong trào đòi độc lập không giành được nhiều sự ủng hộ của người dân.
"Chính quyền sẽ tiếp tục đàn áp phong trào độc lập của Hong Kong, nhưng phong trào sẽ ngày càng lớn mạnh", Baggio Leung, một lãnh đạo phong trào độc lập, nói và cho biết một số thành viên trong nhóm của ông đã bị các băng đảng ‘tam hoàng’ quấy phá trước khi cuộc tuần hành diễn ra.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ vào năm ngoái, chính quyền Hong Kong đã cấm Đảng Dân tộc Hong Kong với lý do an ninh quốc gia vì lập trường đòi độc lập của đảng này.
Nhà báo phương Tây Victor Mallet trên thực tế đã bị trục xuất khỏi Hong Kong chẳng lâu sau khi ông có cuộc trò chuyện với lãnh đạo Đảng Dân tộc Hong Kong tại một câu lạc bộ báo chí.
Việc từ chối cấp thị thực cho Mallet mà cho đến nay chính quyền Hong Kong vẫn không đưa ra lời giải thích, đã bị một số chính phủ nước ngoài chỉ trích.
Một số người biểu tình còn đem theo chân dung của Theresa Cheng, quan chức tư pháp cao nhất của đặc khu, với dòng chữ ‘Truy nã’ để lên án quyết định của bà này ngưng một cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Lương Chấn Anh, cựu đặc khu trưởng và là người thân Bắc Kinh, mà không đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
"Tôi lo ngại rằng áp lực sẽ tiếp tục", ông Joseph Cheng, một nhà vận động nhân quyền kỳ cựu và là một giáo sư về hưu vốn đang gây quỹ ‘công lý’ cho những nhà hoạt động phải chịu chi phí pháp lý cao ngất cho một số phiên tòa.
"Chúng tôi sẽ đối mặt với một vài năm rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải kiên định… Không giống như trong đại lục, ít nhất chúng tôi còn có quyền phản đối", ông Cheng nói.
********************
Dân Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ (RFI, 02/01/2019)
Khoảng vài nghìn người dân Hồng Kông đã xuống đường đúng ngày đầu năm 01/01/2019 để yêu cầu được hưởng một nền dân chủ toàn vẹn, tôn trọng những quyền cơ bản và thậm chí là độc lập với Trung Quốc. Nhiều người biểu tình cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang bóp nghẹt các quyền tự do ở Hồng Kông.
Cuộc tuần hành đầu năm đòi dân chủ ở Hồng Kông ngày 01/01/2019. Reuters/Tyrone Siu
Theo thống kê của các nhà tổ chức, cuộc tuần hành đầu năm mới đã thu hút khoảng 5.800 người nhằm yêu cầu khôi phục các biện pháp cải cách dân chủ và phản đối "hành động trấn áp chính trị" của Bắc Kinh.
Ông Jimmy Sham, một nhà đồng tổ chức cuộc tuần hành, nhận xét : "Nếu nhìn lại năm vừa qua, đó là một năm rất xấu. Nhà nước pháp quyền bị thụt lùi ở Hồng Kông".
Hãng tin Reuters cho biết hàng trăm nhà đấu tranh vì độc lập cho Hồng Kông đã tham gia đoàn tuần hành bất chấp các biện pháp ngăn chặn của chính quyền. Trong đoàn người biểu tình xuất hiện nhiều băng-rôn, khẩu hiệu ủng hộ ly khai.
Đối với Bắc Kinh, Hồng Kông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và "toàn vẹn lãnh thổ quốc gia" đang bị hoạt động của "các nhà ly khai" Hồng Kông đe dọa, dù phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Hồng Kông không thực sự được ủng hộ rộng rãi trong dân chúng.
Thu Hằng