Luật An ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực (VOA, 02/01/2019)
Luật An ninh mạng của Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay ngày 1/1 năm 2019 khiến cho việc biểu đạt ý kiến trên mạng ở Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Luật An ninh mạng của Việt Nam được cho là đàn áp các tiếng nói bất đồng
Trong khi đó, đạo luật này cũng đã bị các tổ chức quốc tế chỉ trích là ‘mô hình kiểm soát thông tin toàn trị’. Hà Nội được cho rằng đã bắt chước Bắc Kinh trong việc kiểm duyệt nội dung Internet một cách đàn áp.
Đạo luật này yêu cầu các công ty Internet phải dỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là ‘độc hại’.
Các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook và Google sẽ phải giao nộp dữ liệu người dùng nếu được chính quyền yêu cầu và phải mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, đạo luật này quy định.
Hồi tháng 11, Bộ Công an đã ra thông tư hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng và cho thời hạn 12 tháng để các công ty cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam tuân thủ.
Bộ Công an cũng nói rằng Đạo luật này nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công mạng và nhổ sạch các ‘thế lực phản động và thù địch’ vốn sử dụng Internet để kích động bạo lực và bất đồng, theo bản ghi phiên chất vấn tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 10.
Đạo luật này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 6.
Facebook nói rằng họ cam kết bảo vệ quyền của người dùng và tạo điều kiện để mọi người có thể biểu đạt dự do và an toàn.
"Chúng tôi sẽ dỡ bỏ những nội dung vi phạm chuẩn mực của Facebook khi chúng tôi được thông báo", Facebook cho biết trong một email gửi đến hãng tin AFP và nói rằng hãng này có quy trình rõ ràng để xử lý các yêu cầu từ các chính phủ trên thế giới.
Hà Nội cho biết hãng Google đã có những bước mở văn phòng đại diện ở Việt Nam để tuân thủ đạo luật.
Đạo luật cũng cấm những người sử dụng Internet ở Việt Nam lan truyền những thông tin được cho là chống phá Nhà nước, chống phá chính quyền, xuyên tạc lịch sử và ‘đăng tải những thông tin thất thiệt có thể gây hiểu nhầm và phá hoại các hoạt động kinh tế-xã hội’.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi giới chức cộng sản sửa chữa lại đạo luật và hoãn thực thi.
"Đạo luật này nhằm để nâng cao hơn nữa khả năng giám sát sâu rộng của Bộ Công an để truy tìm những người chỉ trích và củng cố sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản", ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, được AFP dẫn lời nói.
Đạo Luật An ninh mạng có hiệu lực chỉ một tuần sau khi Hội Nhà báo Việt Nam thông qua bản quy tắc ứng xử mới dành cho các nhà báo về cách sử dụng mạng xã hội. Theo đó, các nhà báo bị cấm đăng tin tức, hình ảnh hay bình luận ‘đi ngược lại’ với quan điểm của Nhà nước.
Ông Daniel Bastard thuộc tổ chức Nhà báo Không biên giới được AFP dẫn lời lên án những quy định này đối với nhà báo cũng như Luật An ninh mạng. Ông gọi đây là ‘mô hình kiểm soát thông tin một cách chuyên chế’.
*******************
Nhiều người có ảnh hưởng kêu gọi thách thức Luật An ninh mạng (VOA, 02/01/2019)
Luật An ninh mạng của Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2019, nhưng trong những ngày này, liên tục có nhiều nhà hoạt động vì tự do, dân chủ và những người khác có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội cùng đưa ra lời kêu gọi hãy bất tuân hoặc thách thức luật này.
Các nhà hoạt động phản đối Luật An ninh mạng của Việt Nam kể cả sau khi nó có hiệu lực từ 1/1/2019
Bộ luật gây nhiều tranh cãi, lo lắng đã được ban hành từ hồi tháng 6/2018. Hôm 1/1/2019, các báo lớn ở Việt Nam, trong đó có Lao Động và trang Zing News, công bố tóm tắt "những hành vi bị cấm trên mạng" kể từ thời điểm luật có hiệu lực.
Đứng hàng đầu là các hành vi được coi là "chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", hay "xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Đưa ra thông tin "sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ" cũng là hành vi có thứ tự cao trong danh sách cấm.
Ngoài ra, bản tóm tắt đề cập đến những hành vị bị cấm khác, trong đó có việc "thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng ; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia".
Trong khi đó, cùng thời điểm đầu năm mới, nhóm các nhà hoạt động trẻ có tên SaveNET đã tung ra trên mạng cuốn cẩm nang "Luật An ninh mạng : Những điều cần biết", mà theo lời giới thiệu của nhóm, có mục đích xóa đi những "đồn đoán rằng giờ đây bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội đều dễ dàng bị bắt bớ và xét xử".
Nhóm được thành lập vào tháng 6/2018 và hoạt động nhằm thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về quyền tự do ngôn luận, cho biết thêm rằng cuốn sách 90 trang của họ cũng giúp trả lời câu hỏi đặt ra là "chúng ta có nên ‘tự kiểm duyệt’ mình hay không ?"
Cẩm nang về Luật An ninh mạng, sách của nhóm SaveNET
Theo SaveNET, cuốn sách có những phân tích thấu đáo về luật, nhờ đó "mỗi người có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và chủ động hơn trong cách ứng xử trên internet, đặc biệt trong việc nói lên chính kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội".
Trong phần cuối cuốn cẩm nang, các tác giả khẳng định rằng một số điều của Luật An ninh mạng là "không cần thiết" và "không phù hợp" trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Dù luật đã được thực thi, nhóm tác giả vẫn đưa ra đề xuất "hoãn thi hành", và đề nghị các cơ quan nhà nước, bao gồm cả Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hãy "nghiên cứu và đánh giá lại", và nếu cần, hãy "điều chỉnh Luật An ninh mạng và các quy định liên quan".
Hai ngày trước khi luật có hiệu lực, nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang viết trên trang Facebook cá nhân rằng trong khi có những người lo sợ, chị không tin rằng Đảng Cộng sản và Bộ Công an có thể "bịt miệng" được những người như chị.
Người được vinh danh với nhiều giải thưởng nhân quyền của nước ngoài lý giải về niềm tin của chị, trong đó điều hàng đầu, theo chị, là "đến lúc này, khi người dùng Việt Nam đã quen với internet và mạng xã hội, đã nghiện, bắt họ trở về trạng thái câm mù điếc như trước kia là điều bất khả thi".
Một lý do khác, theo nhà hoạt động nữ có khoảng 58.000 người theo dõi trên mạng xã hội, đó là "với năng lực quản lý tồi tàn của mình, nhà cầm quyền độc tài chẳng hy vọng làm được cái gì triệt để". Chị viết thêm : "Không kẻ độc tài nào có thể kiểm soát 100% đời sống của nhân dân, kể cả trong chế độ toàn trị như Việt Nam. Đơn giản là chúng không đủ nguồn lực, nhất là trong tình trạng kinh tế sa sút, ngân sách thâm hụt, lòng dân đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay".
Từ góc nhìn của một cựu luật sư, ông Lê Công Định đưa ra phân tích trên trang Facebook cá nhân cho thấy Luật An ninh mạng một mặt "cho phép nhà nước thu thập thông tin cá nhân của công dân", mặt khác lại "hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin của công dân", vốn là các quyền được nêu trong Hiến pháp.
Nhà hoạt động từng là tù nhân lương tâm nhấn mạnh rằng luật này thật "bất công" và "bất hợp lý", vì nó "xâm phạm quyền con người và quyền công dân". Trên trang Facebook có khoảng 40.000 người theo dõi, ông Định đưa ra lời kêu gọi rằng với "bổn phận lương tâm và đạo đức của mỗi công dân", họ hãy "xem nó như chưa bao giờ tồn tại, thậm chí khi cần, hãy vi phạm nó !"
Nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân có lượng theo dõi lên đến xấp xỉ 75.000 người trên Facebook không trực tiếp nhắc đến Luật An ninh mạng và một quy định mới đây về những điều nhà báo không được làm trên mạng xã hội. Song ông đưa ra ý kiến hôm 2/1 rằng "Khi chúng ta viết đúng, viết không đổi trắng thay đen hay ngược lại, khi chúng ta viết một cách vô tư không vì lợi ích của ‘phe nhóm’ nào mà chỉ vì lợi ích của đất nước và người dân thì chẳng sợ bất cứ thứ gì. Nếu sợ thì không nên làm báo".
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội và có lượng người theo dõi lên đến trên 305.000, đăng một ý kiến ngắn hôm 2/1, bày tỏ rằng cho dù Luật An ninh mạng đã đi vào thực thi, song nếu mọi người "viết đúng, phê đúng, đặt câu hỏi đúng… thì cứ việc viết thôi". Theo bà, khi làm như vậy, những người lên tiếng trên internet, trên mạng xã hội không phải sợ bất cứ ai cả.
Võ sư Đoàn Bảo Châu, người cũng là nhà văn và phóng viên, trong bài viết mà ông gọi là "đôi lời đầu năm" với bạn bè trên Facebook, ông cho rằng Luật An ninh mạng hay bất kỳ một luật nào sinh ra "cũng không bao giờ khiến những con người yêu quý sự thật và có khát vọng cải tạo xã hội bằng ngòi bút nao núng chứ đừng nói tới run sợ".
Liên hệ đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Châu bày tỏ quan điểm rằng nếu người dân "không dũng cảm lên tiếng", nếu mạng xã hội "bị hạn chế sức mạnh", nhiều quan chức bị nghi phạm tội tham nhũng ở các địa phương "sẽ thoát tội và sẽ ‘hạ cánh’ an toàn".
Do vậy, võ sư có tầm ảnh hưởng tới gần 100.000 người theo dõi đã gửi đi thông điệp tới giới lãnh đạo nhà nước rằng "Các ông hãy chọn người thực thi Luật An ninh mạng một cách tử tế để tránh lạm quyền, dùng luật sai mục đích, cản trở sự phát triển của đất nước".
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phản đối Luật An ninh mạng
Các bài viết của các nhà hoạt động và những người có nhiều ảnh hưởng như kể trên đã nhận được nhiều ủng hộ, thể hiện qua hàng nghìn phản ứng "yêu thích" và hàng trăm lời bình luận đồng tình.
Trên Facebook những ngày này, giới hoạt động chia sẻ những hình ảnh cho thấy nhiều người cầm các biểu ngữ kêu gọi "bất tuân", "phản đối" Luật An ninh mạng" hoặc các biểu ngữ viết rằng "Luật An ninh mạng tước đoạt tự do, nhân quyền".
Trong một bài báo đăng hôm 1/1, trang Zing.vn ở Việt Nam trích lời Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng, nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, khẳng định Luật An ninh mạng "không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận".
Theo lời vị trung tướng công an, "không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của chúng ta mà không vi phạm". Ông Thuận giải thích thêm rằng Luật An ninh mạng nhắm đến việc cấm những hành vi trên mạng tương ứng với "29 nội dung mà Bộ luật hình sự cấm".
Quan chức công an này đưa ra ví dụ minh hoạ : "Không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt. Tương tự, không thể nào kích động biểu tình ngoài đời thì bị xử lý còn trên mạng thì không…".
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam hôm 30/12/2018 đăng thông báo "Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019, với phần tóm tắt các quy định chính trong luật.
Bài viết nhận được hơn 600 phản ứng "yêu thích" và 28 lời bình luận, trong đó, bình luận hiện lên trên cùng viết rằng "Mấy đứa phẫn nộ [về Luật An ninh mạng] thì 1 là phản động, 2 là hay đặt điều vu oan, 3 là bán hàng online".
Lời bình luận hiện lên ở vị trí thứ nhì cho rằng người dân Việt Nam ủng hộ luật này vì nó "đúng đắn, hợp lòng dân". Vẫn lời bình luận này nói thêm rằng luật "đã ngăn chặn" những người bị xem là "bọn phản động, lưu vong, xuyên tạc chống nhà nước Việt Nam".
Hai lời bình luận này nhận được lần lượt 45 và 11 phản ứng "yêu thích" trên trang Facebook Thông tin Chính phủ.
*******************
Việt Nam : Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực (RFI, 01/01/2019)
Đạo luật An ninh mạng khắt khe, buộc các công ty internet phải gỡ bỏ tất cả những nội dung bị chính quyền cho là "độc hại", bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 01/01/2019 tại Việt Nam. Những người chỉ trích tố cáo luật này là "một mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin".
Tại một quán cà phê internet ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 1/8/2013. AFP/Hoang Dinh Nam
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng Sáu đã bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các nhà đấu tranh cho tự do internet chỉ trích là bắt chước Trung Quốc trong việc kiểm duyệt thế giới mạng.
Luật này buộc các trang mạng trong vòng 24 giờ phải gỡ bỏ mọi lời bình đe dọa đến "an ninh quốc gia". Các tập đoàn như Facebook, Google phải cung cấp dữ liệu của người sử dụng, khi chính quyền yêu cầu, và mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Bộ Công An, hồi tháng 10 đã khẳng định với Quốc hội là đạo luật nhằm tự vệ trước tin tặc và diệt trừ "các thế lực thù địch, phản cách mạng" sử dụng internet, vào tháng 11 đã công bố dự thảo nghị định, cho các đơn vị liên quan 12 tháng để chuẩn bị thích ứng với luật mới.
Facebook trong một thông cáo gởi qua mail cho AFP cho biết cam kết bảo vệ quyền của người sử dụng và khả năng tự do biểu đạt, khẳng định "Chúng tôi sẽ gỡ bỏ mọi nội dung vi phạm các tiêu chí (của Facebook) khi được báo cáo". Còn Google, mà Hà Nội cho biết đang tiến hành mở văn phòng tại Việt Nam, hiện chưa muốn đưa ra lời bình luận với hãng tin Pháp.
Theo các nhà đấu tranh, tự do thông tin tại Việt Nam đã bị thu hẹp kể từ năm 2016. Human Rights Watch (HRW) đòi hỏi chính quyền Việt Nam xem xét lại Luật An ninh mạng và dời lại thời gian áp dụng. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á nhận định : "Luật này được soạn thảo để tăng cường khả năng giám sát của bộ Công An nhằm nhận diện những người chỉ trích và củng cố sự độc quyền của Đảng cộng sản".
Một tuần trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Hội Nhà Báo Việt Nam đã công bố bản Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, cấm các nhà báo đăng những tin tức, hình ảnh và bình luận "chống lại Nhà nước".
Ông Daniel Bastard của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) tố cáo bản quy tắc nói trên và Luật An ninh mạng là "mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin". Theo ông, luật này có nguy cơ làm các start-up phải suy nghĩ lại trước khi đến làm ăn tại Việt Nam, đất nước đang muốn trở thành trung tâm công nghệ ở Đông Nam Á.
Hơn phân nửa trong số 93 triệu dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ người sử dụng Facebook.
Thụy My