Ngày 20/01/2018, Trung Quốc thông báo đã phải điều một tầu chiến để đẩy lùi khu trục hạm Mỹ bị cho là "vi phạm" chủ quyền của nước này khi cắt ngang khu vực 12 hải lý của bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.
Một tàu của Hải Quân Mỹ hoạt động gần khu vực bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Ảnh chụp 21/04/2015. AFP PHOTO/TED ALJIBE
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc tầu khu trục USS Hopper đã đi qua bãi cạn Hoàng Nham (Huangyan), tên mà Trung Quốc đặt cho Scarborough, vào ngày 17/01/2018 mà không thông báo cho Bắc Kinh. Ông Lục Khảng lên án tầu chiến của Mỹ đã "vi phạm chủ quyền và lợi ích về mặt an ninh của Trung Quốc" và "đe dọa nghiêm trọng" đến an toàn của các tầu Trung Quốc hoạt động gần đó.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, được AFP trích dẫn, khẳng định đã điều một tầu để lập tức nhận dạng, kiểm tra thông tin về tầu chiến của Mỹ và đẩy lùi chiến hạm USS Hopper ra khỏi khu vực.
Những thông tin trên được phía Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi bộ Quốc Phòng Mỹ công bố Chiến lược Quốc Phòng. Theo tài liệu này, Trung Quốc và Nga bị đánh giá là "những mỗi đe dọa gia tăng", đồng thời Trung Quốc còn bị cáo buộc sử dụng "chiến thuật kinh tế hăm dọa các nước láng giềng, trong khi vẫn tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông".
Đáp trả những cáo buộc trên, ngày 20/01, bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố rằng "tình hình Biển Đông không ngừng ổn định" và tố cáo Hoa Kỳ "thường xuyên điều chiến hạm một cách bất hợp pháp đến các khu vực gần các đảo và bãi cạn ở Biển Đông".
Thu Hằng
Năm I của nước Mỹ thời Donald Trump : Dấu ấn của sự thái quá
Phát hành vào đúng dịp kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, các tuần báo Pháp dĩ nhiên đã dành nhiều trang bài điểm lại một năm cầm quyền của người lãnh đạo cường quốc số một trên thế giới. Nổi bật nhất là hồ sơ chính của Courrier International, trong đó tuần báo Pháp nêu bật sự kiện là những hành động "thái quá" của ông Trump trong vai trò lãnh đạo nước Mỹ đã gây chấn động khắp nơi.
Ảnh chụp màn hình trang bìa Courrier International (18-24/01/2018), thể hiện tác phẩm hội họa Tiếng Hét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch. RFI / Tiếng Việt
Trang bìa của Courrier International rất ấn tượng : Trên nền cờ Mỹ, người ta thấy hình vẽ một người ôm đầu, mắt và miệng đều mở to, ngay bên cạnh dòng tựa "Làm người Mỹ dưới thời Trump" và câu hỏi bên dưới : "Làm sao để sống ở một đất nước đã bầu lên một tổng thống như thế". Bức hình mô phỏng tấm tranh nổi tiếng Tiếng Thét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thường được cho là thể hiện nỗi lo âu, tuyệt vọng.
Trong hồ sơ chính bên trong, Courrier International trước hết đã trích dịch một bài viết của nhà văn Canada Omar El-Akkad đăng trên báo The Globe and Mail, ghi nhận rằng một năm sau ngày nhậm chức, chủ nhân Nhà Trắng vừa gây lo ngại, vừa kích động một nước Mỹ bị chia rẽ giữa hai xu hướng bảo thủ và chủ nghĩa tiến bộ.
Về câu hỏi làm sao để sống trong một quốc gia đã bầu một người như ông Trump lên làm tổng thống, một người có tính tình dễ nổi nóng và tính khí thất thường, người Mỹ đã có những phản ứng khác nhau, người thì tìm cách trường kỳ kháng chiến, kẻ thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đặt lại vấn đề lịch sử và bản sắc Mỹ.
Một điều chắc chắn, theo Courrier International, là người Mỹ trong thời Donald Trump không dễ dàng chút nào.
Donald Trump và sự thái quá
Trong bài xã luận tựa đề : "Vị tổng thống thái quá", Courrier International cho rằng một năm cầm quyền của ông Trump quả đúng là một năm của những sự quá đáng. Tổng thống Mỹ không chỉ thái quá trong ngôn từ, với những tin nhắn Twitter hay lời lẽ đầy tính chất khiêu khích, kỳ thị chủng tộc hay thô lỗ, mà ông còn chạm đến điểm sâu xa nhất của nước Mỹ.
Theo tờ báo Pháp, thực tế hàng ngày thời tổng thống Trump là một sự xúc phạm đến cử tri Mỹ, đến hình ảnh nước Mỹ.
Nếu diễn văn của ông không thay đổi từ khi được bầu, vẫn xen kẽ giọng điệu hùng hồn thời vận động tranh cử với những tuyên bố công phẫn đầy tính chất dân túy, thì bảng sơ kết một năm cầm quyền của ông cho thấy một sự thụt lùi ngày càng xa trên bình diện xã hội.
Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2017, ông đã hứa : "Mỗi quyết định về thương mại, thuế khóa, nhập cư, ngoại giao sẽ được đưa ra vì lợi ích của các gia đình, các người lao động Mỹ". Thế nhưng, ông đã nuốt lời hứa. Không những người lao động Mỹ bị phớt lờ mà chính sách của tổng thống còn chia rẽ thêm nước Mỹ và chỉ quan tâm đến những kẻ giàu có.
Còn ở nước ngoài thì quả là thảm hại. Cứ mỗi một tuần là có một vụ tai tiếng mới. Nước Mỹ của ông Trump đã trở về "thời đại của lửa và sự cuồng nộ" như tuần báo Đức Der Spiegel đã chạy tựa. Và người ta rất muốn nói (như trong phim) "Washington, we’ve got a problem - Washington ơi, chúng tôi đang có chút vấn đề" nhưng không phải là một cách hóm hỉnh.
Nền dân chủ Hoa Kỳ trong cơn hấp hối ?
Cũng đánh giá về nước Mỹ sau một năm cầm quyền của tổng thống Trump như Courrier International, nhưng tuần báo L’Obs lại rất bi quan, và ở trang quốc tế đã cho rằng "Nền dân chủ Hoa Kỳ đang thoi thóp".
Tờ báo ghi nhận là cho đến giờ này, mọi sự đều êm ả, theo quan điểm của một phần nước Mỹ, không chỉ ở những người ủng hộ ông Trump, mà cả ở nhiều người khác, từng sợ rằng Hoa Kỳ sẽ gặp thảm họa. Nhìn chung, kinh tế vẫn tăng trưởng, thị trường chứng khoán vẫn khỏi sắc, không một cuộc chiến nào nổ ra, kể cả chiến tranh thương mại.
Đối với L’Obs, các cơ chế của nền dân chủ Mỹ vẫn vận hành tốt, nhưng câu hỏi đặt ra là với cách hành xử hiện nay của tổng thống Trump, liệu các cơ chế này còn vững vàng được hay không.
Trong lãnh vực đối ngoại cũng thế, L’Obs công nhận là thế giới không bùng nổ trong năm 2017, nhưng trong năm 2018 này, không có gì là chắc chắn cả. Theo tuần báo Pháp : "Trump đã rải ra nhiều quả mìn, đến mức mà ngày nay, ta chỉ còn cách cầu trời cho những trái mìn đó đừng nổ".
Và L’Obs nêu bật ba ví dụ : Bắc Triều Tiên, với trò "nút bấm của tôi lớn hơn nút bấm của anh", vùng Trung Đông với ưu tiên quan hệ với Saudi Arabia, với ý định phá hủy hiệp định hạt nhân Iran, và với việc đứng hẳn về phe Israel trong cuộc tranh chấp với Palestine.
Theo tạp chí Pháp, trên trường quốc tế, chưa bao giờ có tổng thống Mỹ nào bị cô lập như ông Trump hiện nay, và ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập một liên minh quân sự nếu chiến tranh bùng lên.
Mặt khác, đường lối ngoại giao của ông không chỉ thiếu nhất quán đối với các đồng minh của Mỹ, mà còn mở rộng cửa cho Nga, và nhất là cho Trung Quốc, vốn rất sung sướng khi được dịp chiếm lấy quyền lãnh đạo thế giới 10 năm sớm hơn thời hạn mà chính Bắc Kinh dự trù.
Nhật Bản : Nghề làm thế thân
Riêng về châu Á, Courrier International trích tờ báo Mỹ The Atlantic, đã nhìn sang Nhật Bản và chú ý đến một hiện tượng xã hội ngày càng phổ biến : Đó là thuê người đóng đủ vai trò từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến người thân, thậm chí người chồng… để giữ thể diện hoặc do nhu cầu hành chính !
Phóng viên của báo The Atlantic đã gặp một nhân vật đảm trách dịch vụ này : Yuichi Ishii, 36 tuổi, đã đóng rất thành thạo những vai từ bạn đời, cha, anh, người thân buồn bã trong đám tang...
Cách đây 8 năm, Yuichi đã thành lập công ty Family Romance, cung cấp dịch vụ nói trên với khoảng 800 diễn viên chuyên nghiệp - có cả trẻ em lẫn người già - đóng đủ mọi vai trò trong đời sống riêng tư. Công ty rất hãnh diện cho là có thể đáp ứng mọi yêu cầu, trong mọi tình huống có thể tưởng tượng được, giúp lấp những khoảng thiếu vắng quá nặng nề hay những khoảng trống mà nhiều người xem như những thất bại trong cuộc đời họ. Trong một xã hội mà cuộc sống ngày thêm cô độc, thì loại dịch vụ này phát triển vô cùng nhanh chóng.
Trả lời phóng viên The Atlantic, Yuichi kể lại rằng vai đầu tiên của anh, là đã đóng vai người chồng cho một cô bạn gái, một người mẹ đơn thân muốn ghi tên cho con trai vào một trường tư thục nhưng bị từ chối vì lý do duy nhất là đứa bé không có cha. Bất bình trước bất công xã hội này, Yuchi đã đóng vai người cha đứa bé. Nhưng lần đó anh đã không thành công, không thuyết phục được nhà trường.
Chính sau sự kiện đó mà Yuchi đã nghĩ đến thành lập công ty dịch vụ và đã gặt hái thành công đầu tiên. Khách hàng cũng là một bà mẹ đơn thân, tìm người đóng vai người cha cho cô gái 12 tuổi, thường bị sách nhiễu vì không có cha.
Yuchi Ishii đã đóng vai này 8 năm nay và là người cha duy nhất mà cô bé biết đến. Nay cô bé này đã học xong trung học, và bà mẹ vẫn không cho biết sự thật. Yuchi sẽ phải tiếp tục vai trò của mình, có lẽ cho đến khi cô bé lấy chồng và sau đó đóng nốt vai trò ông ngoại !
Nếu cô bé khám phá sự thật thì sẽ là một cú sốc, cho nên câu hỏi đầu tiên đối với khách hàng là có thể nói dối lâu dài được không. Đây là khó khăn lớn nhất. Đối với cô bé gái nói trên khả năng cô khám phá sự thật không phải không có. Tại Family Romance mỗi diễn viên chỉ có thể đóng song song 5 vai mà thôi, để bí mật được giữ kín…
Trung Quốc : Sách sử bỏ chương về Cách Mạng Văn Hóa
Courrier International trích các trang mạng và báo Hồng Kông tiết lộ thông tin về sách sử mới cho học sinh trung học, bỏ đi chương về Cách Mạng Văn Hóa thời Mao như giảng dậy hiện nay.
Thông tin này đã được tiết lộ trên trang mạng Giảng Sử Đường (Jiangshitang) ngày 10/01 và đã được cư dân mạng phố biến nhanh chóng, gây tranh luận sôi nổi, theo website Hồng Kông HK01. Trang tiết lộ thông tin đã bị kiểm duyệt chỉ sau 4 tiếng đồng hồ, tài khoản bị đóng.
Trong sách giáo khoa mới sắp được sử dụng thì giai đoạn 1966-1976, giai đoạn mà Trung Quốc bị xáo trộn dữ dội, một thời kỳ tai ác, sẽ được nêu ngắn trong 6 đoạn, đưa vào mục thời khởi đầu của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (từ năm 1949).
Chi tiết ít hơn, ca ngợi nhiều hơn
Các quyết định của Mao trong thời gian này không còn được cho là "sai lầm" như trong bản cũ. Sách mới khẳng định là việc khởi động Cách Mạng Văn Hóa "đã có những nguyên nhân lịch sử và xã hội phức tạp" và đối với với Đảng cộng sản Trung Quốc đó là "một đường vòng trong những mò mẫm (của đảng)" và kết luận "trong thế giới này, không có gì tiến triển chỉ dưới một ngọn gió thuận lợi, lịch sử thế giới kinh qua những diễn tiến ngoằn ngoèo, những thành công và thất bại".
Theo tờ Minh Báo Hồng Kông, sách sử mới do bộ Giáo Dục Trung Quốc biên soạn và dĩ nhiên là phần phân tích thì họ đã đưa bộ Tuyên Truyền đọc lại. Do đó người ta có thể tự hỏi là sự thay đổi này có phải là dấu hiệu một sự chuyển biến chính trị chính thức hay không ?
Đối với tờ báo Hồng Kông, "Việc bình thường hóa Cách Mạng Văn Hóa là một ý định không tốt, vào lúc kỷ niệm cải cách thì không nên quên lịch sử". Tạp chí Courrier International nhắc lại là năm 2018 đánh dấu 40 năm cải cách của ông Đặng Tiểu Bình.
L’Obs : Nữ văn sĩ bí ẩn với 2 triệu độc giả
Trở lại với trang bìa và hồ sơ đặc biệt của các tuần báo Pháp, L’Obs tuần này đã giới thiệu bài phỏng vấn độc quyền một nữ văn sĩ Ý với tựa lớn : "Rốt cuộc Elena Ferrante đã lên tiếng", bên cạnh một tiểu tựa mang tính giải thích : "Người mà không ai biết với 2 triệu độc giả".
Ở trang trong, L’Obs nói rõ hơn : "Kể từ khi công bố tập đầu tiên của tiểu thuyết "Người bạn gái phi thường" vào năm 2011, nữ tiểu thuyết gia người Ý đã gặt hái thành công lớn trên toàn thế giới. Thế nhưng, bà không đồng ý tiết lộ danh tính của mình".
Tuy nhiên, nhân dịp tập thứ tư trong tiểu thuyết của mình ra mắt độc giả, nhà văn đã dành riêng cho tuần báo L’Obs bài phỏng vấn duy nhất tại Pháp. Ba tập đầu tiên của tiểu thuyết Người bạn gái phi thường của Elena Ferrante dịch ra tiếng Pháp, đã bán được cả triệu bản.
Pháp : Hơn 600 công chức có lương cao hơn tổng thống Macron
Về nước Pháp, L’Obs có một hồ sơ rất thú vị, tìm hiểu về những công chức cao cấp có mức lương cao hơn cả tổng thống Emmanuel Macron.
Tuần báo đã giới thiệu quyển biên khảo Những kẻ bất khả xâm phạm trong guồng máy Nhà Nước của Vincent Jauvert, phóng viên của L’Obs chuyên theo dõi những vấn đề liên quan đến giới công chức cao cấp.
Ghi nhận của nhà báo này rất cay đắng khi phát hiện ra sự suy đồi, bất chấp các quy tắc đạo đức của giới trên nguyên tắc là phải phục vụ Nhà Nước. Nhà báo đã nêu ví dụ của những người nguyên là "trùm sò" tại Bercy, tức là bộ Kinh Tế Tài Chánh, đã "bán mình" cho các công ty đa quốc gia để chỉ cho những ông chủ mới của họ tất cả những kẽ hở trong luật thuế do chính họ đề ra.
Nhà báo cũng tiết lộ mức lương khổng lồ của các công chức cao cấp, với hơn sáu trăm người có mức cao hơn cả mức lương của tổng thống Pháp, từng được ấn định từ thời tổng thống François Hollande là 150.000 euro mỗi năm.
Theo số liệu của năm 2012, có sáu trăm người kiếm được hơn khoản tiền nói trên, đứng đầu là các công chức Bộ ngoại giao, với 300 người. Còn năm 2015, riêng Bộ kinh tế - tài chánh, cũng đã có 150 người được khoản lương cao ngất ngưởng.
L’Express gáy vang về kinh tế Pháp !
Cũng chú ý đến nước Pháp, nhưng tuần báo L’Express đã nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế, với hình trên trang bìa là một con gà trống với lông ba màu xanh trắng đỏ của quốc kỳ Pháp. Đặc điểm là con gà này đang chống nạng để đi. L’Express giải thích bằng hàng tựa lớn "Vực dậy rồi, nhưng mà…", ý muốn nói đến sự hồi phục kinh tế.
Tiểu tựa ở trang bìa L’Express nói rõ thêm : "Tăng trưởng kinh tế vẫn mong manh, các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng thêm người một cách khó khăn". Bên trang trong, tuần báo còn đi sâu vào phân tích các "lợi thế và khuyết điểm" của kinh tế Pháp.
Thế nhưng, L’Express vẫn rất lạc quan khi ghi nhận uy tín của nước Pháp bắt đầu tăng cao trở lại trên trường quốc tế : "Phải chăng thời kỳ nước Pháp bị bêu riếu đã qua rồi ? Dẫu sao thì trong khoảng thời gian vài tháng nay, tình yêu nước Pháp ở ngoại quốc đã trở lại, thậm chí láng giềng Anh Quốc, thường khi hay đả kích những "Froggies" ("Lũ ếch", biệt danh người Anh dùng để chỉ người Pháp, nổi tiếng là thích ăn đùi ếch), cũng phải công nhận thực tế đó".
Theo L’Express, trên bình diện chính trị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được các tờ báo và tạp chí lớn ở Anh, Mỹ và Đức đưa lên trang nhất để khen ngợi. Kết quả là nước Pháp đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng thường niên Soft Power 30 của các nước có ảnh hưởng nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ.
Kết quả này đã được công bố trước khi Paris giành được quyền tổ chức Thế Vận Hội 2024, trước lúc Viện Bảo Tàng Louvre ở Abu Dhabi mở cửa hồi tháng 11/2017, và trước cả ngày công bố số liệu rất tốt về thành tích của điện ảnh Pháp ở nước ngoài.
Mai Vân
Donald Trump làm lung lay thế giới tự do, Nga-Trung thủ lợi
Trong bài phân tích trên Le Monde mang tựa đề "Sự quan trọng về mặt lịch sử của ông Trump", cây bút Alain Frachon nhận định lợi dụng sự xuống cấp của tự do dân chủ do Donald Trump gây ra, đã giúp Nga và Trung Quốc thủ lợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Maryland, 06/01/2018. Reuters/Yuri Gripas
Cứ mỗi lần Donald Trump gây rắc rối, có ít nhất hai "đồng nghiệp" đắc chí, đó là Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Riêng về việc làm xấu đi hình ảnh của nền tự do dân chủ, ông Trump là vô địch. Tổng thống Mỹ tỏ ra rất tài ba trong khía cạnh này, ngay từ khi mới bước vào Nhà Trắng. Thái độ "lịch sự" mới nhất, gọi Haiti và các nước Châu Phi là những nước "thối tha",đã được lan truyền rộng rãi ở Moskva và Bắc Kinh. Truyền thông Nga và Iran đưa tin bằng tiếng Ả rập, China Global Television Network phát ở Châu Á và Châu Phi…
Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc chiến tranh tư tưởng để biện hộ cho độc tài chính trị. Đó là một cuộc chiến đầy quyết tâm, chủ yếu diễn ra tại Liên Hiệp Quốc, với việc thường xuyên chỉ trích nền dân chủ phương Tây, nhằm khẳng định tính chính danh cho cách thức cai trị độc đoán. Tham vọng của hai nước này là xúc tiến một cách diễn dịch khác của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền : cách hiểu của chúng tôi tốt đẹp hơn, quý vị không độc quyền về nhân quyền đâu nhé ! Theo Bắc Kinh và Moskva, tự do dân chủ chỉ là sự mị dân của những nước mà với những gì diễn ra quá khứ không thể dạy dỗ ai cả.
Không có bài diễn văn nào của tổng thống Mỹ bảo vệ cho tự do dân chủ cả, mà thái độ của ông ngày càng làm giảm đi sự hấp dẫn của mô hình dân chủ. Thay vì cổ vũ, ông lại chỉ trích các định chế Mỹ, thả lỏng cho những gì bị các định chế này phản đối trên trường quốc tế.
Ở khía cạnh này, theo tác giả Alain Frachon, Donald Trump quan trọng về mặt lịch sử. Ông ngự tại Nhà Trắng vào lúc mô hình dân chủ tự do bị sa sút từ nhiều năm qua, và Trump càng làm tăng tốc. Năm 1989, sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ, dân chủ tự do cùng với kinh tế thị trường trở thành viễn cảnh không thể tránh được. Mỗi nước đều cố chuyển đổi theo nhịp độ của mình, và những nước nào không muốn cũng giả vờ theo xu hướng này. Số lượng các nền dân chủ tăng lên.
Dân chủ giảm, toàn trị tăng
Nhưng dần dà sau đó, từ việc Mỹ đổ quân vào Iraq năm 2003 cho đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, mô hình dân chủ nhạt nhòa đi. Kể từ năm 2000, thế giới đã mất đi khoảng 20 nền dân chủ - các nước này ít nhiều đã trở nên toàn trị.
Các nhà phân tích Mỹ lo lắng. Từ vài tháng qua, xuất hiện những cuốn sách đặt vấn đề, liệu dân chủ tự do đã lỗi thời ? David Brooks trên New York Times hôm 14/1 viết "Các nền dân chủ suy tàn như thế nào", và hôm sau, cây bút Ross Douthat đặt câu hỏi "Sau chủ nghĩa tự do là gì ?".
Trong Liên Hiệp Châu Âu (EU), hai thành viên Hungary và Ba Lan đang chuyển sang dân chủ không tự do. Đối với các nước "phương Tây bị Liên Xô bắt cóc" này - theo từ ngữ của Milan Kundera - quay lại với phương Tây có nghĩa : bầu cử tự do, Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường. Nhưng theo chuyên gia Jacques Rupnik : "Tại Ba Lan, người ta đang chứng kiến Nhà nước pháp quyền đang đi xuống, còn tại Hungary thì bị tháo dỡ".
Nguyên tắc dân chủ tự do rất đơn giản : đảng thắng cử sẽ làm chủ Nhà nước. Chính quyền, tư pháp, Tòa Bảo hiến, cảnh sát, truyền thanh truyền hình công đều nằm trong tay người thắng cuộc. Theo Rupnik : "Xu hướng chuyển sang toàn trị đánh vào tam quyền phân lập, độc lập của báo chí và tính trung lập của các định chế công". Trấn áp đối lập, kiểm soát tòa án… cốt lõi của Nhà nước pháp quyền bị Viktor Orban ở Budapest và Jaroslaw Kaczynski ở Warsawa tấn công.
Tự do dân chủ bị xuống dốc còn do những lý do khác từ bên kia Đại Tây Dương : nhập cư, cảm giác về đa văn hóa đè bẹp văn hóa quốc gia, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, bất bình đẳng gia tăng… Một trong những đặc tính của mô hình tự do là khả năng tái tạo, nhưng Donald Trump lại thích tham gia vào việc hủy diệt mô hình này.
Trump năm II vẫn sẽ hỗn loạn
Cũng về tổng thống Mỹ, nhà báo Virginie Robert trên Les Echos phân tích "Vì sao năm II của Trump cũng sẽ hỗn loạn".
Từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump toàn làm những điều khiến cử tri của ông hài lòng. Không có tư tưởng gì mới, ông tin rằng người thắng cuộc có thể làm tất cả, tuy nhiên vấn đề là lớp cử tri của khá hẹp. Tỉ lệ tín nhiệm 39% là thấp nhất từ trước đến nay trong năm đầu của một tổng thống Mỹ. Ngoài cải cách thuế và một Tối cao Pháp viện thiên hữu, những thành công của Donald Trump quá ít.
Tính nghiệp dư của tổng thống và ê-kíp của ông khiến những nỗ lực của ông hoặc bị Quốc hội, hoặc tòa án chận lại, giúp người Mỹ được trấn an về sức mạnh của các định chế. Nếu không có cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, thì Nhà Trắng vẫn có vẻ bình thường. Nhưng các cuộc thăm dò bắt đầu cho thấy thế của phe Dân Chủ đang lên ở Hạ Viện.
Tổng thống Mỹ sẽ phải tìm ra phương cách đồng thuận, có thể là về chính sách đối ngoại, tuy đây là điều giới trung lưu không mấy quan tâm. Nhiều nước không còn coi Hoa Kỳ là đồng minh khả tín. John Sawers, người từng đứng đầu cơ quan tình báo Anh, coi ông Donald Trump là "tổng thống bất tài nhất của Hoa Kỳ". Hàn Quốc luôn trong tình trạng cảnh báo, không chỉ vì Bắc Triều Tiên mà còn vì tính cách bất định của tổng thống Mỹ. Nhất là với sự thiếu vắng một chiến lược khu vực và quốc tế, đại cường số một thế giới đã bỏ trống sân chơi cho Tập Cận Bình.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ coi như trưng cầu dân ý
Thông tín viên của Les Echos tại New York, Elsa Conesa nhận định "Chưa hết năm thứ nhất, Donald Trump đã sẵn sàng lao vào chiến dịch". Theo tác giả, cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2018 mang ý nghĩa một cuộc trưng cầu dân ý.
Tờ báo nhắc lại, tám tháng sau khi thông qua được cải cách bảo hiểm y tế, và hai năm sau khi đắc cử tổng thống, ông Barack Obama đã bị mất đa số ở Hạ Viện. Người ta không khỏi nhớ lại sự kiện này khi vào ngày mai, ông Donald Trump sẽ mừng một năm cầm quyền náo động ở Nhà Trắng, với một cải cách quy mô : giảm 1.500 tỉ đô la thuế trong 10 năm.
Nhưng đây là cải cách duy nhất mà Nhà Trắng đạt được trong năm qua, và vẫn không thể làm tăng tỉ lệ tín nhiệm cho tổng thống. Ông Trump đích thân lao vào chiến dịch, dành thời gian cho việc vận động, chủ yếu về chủ đề kinh tế. Ê-kíp của ông đã bắt đầu tiếp xúc 116 ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh cử ở Thượng Viện, Hạ Viện và một số ghế thống đốc. Đặc biệt là một số tiểu bang có thể nghiêng ngả như Missouri, Florida, Maine.
Tuy nhiên, một số ứng viên Cộng Hòa lại muốn giữ khoảng cách với Donald Trump. Số khác làm đảng lúng túng khi quyết định không ra ứng cử ở Hạ Viện, nơi mà số dân biểu Cộng Hòa chỉ vượt qua Dân Chủ một ít. Ông Jared Leopole, thuộc hiệp hội các thống đốc Dân Chủ giễu cợt : "Chúng tôi rất nóng lòng chờ xem những gì sẽ được phát ra từ iPhone của tổng thống".
Dân Chủ chuẩn bị phản công
Libération đề cập đến một nước Mỹ của những người Dân Chủ, đang tổ chức phản công, qua việc hàn gắn những quan hệ tại chỗ và làm hồi sinh ngọn lửa xã hội tại đất nước tư bản hàng đầu này.
Trong bài xã luận với tựa đề "Tỉnh thức", Libération nhận định, cuộc bầu cử giữa kỳ là cơ hội cho các phe cấp tiến đang bị đảng Dân Chủ che khuất chứng tỏ khả năng thuyết phục và huy động của mình. Liệu năm 2018 sẽ vang lên hồi chuông đánh thức cho phe phản kháng ? Hồi 2 chỉ mới bắt đầu. Tờ báo điểm qua tình hình của nhiều phong trào và các đảng nhỏ, những khuôn mặt nổi bật trong phe Dân Chủ, cả cũ và mới, đang trên con đường tái chinh phục.
Donald Trump làm thế giới thêm xáo trộn
Nhật báo La Croix có bài đầu tiên trong loạt bốn bài viết theo chủ đề "Hoa Kỳ dưới thời Trump", mang tựa đề "Một tay đại khuấy động ở Washington". Theo tờ báo, chủ nghĩa dân tộc dẫn đường cho chính sách đối ngoại của ông Donald Trump đã làm thế giới thêm xáo trộn.
Trong năm qua, Mỹ đã rút khỏi hiệp định TPP, hiệp ước khí hậu Paris, đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ ALENA, hiệp định nguyên tử Iran và thỏa ước với Bắc Triều Tiên. Dự thảo ngân sách 2018 cắt giảm đến 42% viện trợ cho các nước, Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng bị nằm trong tầm ngắm. Quan hệ với các đồng minh và đối tác được đánh giá theo trao đổi thương mại với Hoa Kỳ. Các nhà độc tài như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Rodrigo Duterte được ca ngợi vì "tính hiệu quả".
Một chính sách đối ngoại như thế cộng với tính bốc đồng của tổng thống Mỹ, khiến Hoa Kỳ trở thành "nhân tố gây bất ổn", theo cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Pierre Vimont. Còn theo Richard Haass, chủ tịch hội đồng đối ngoại ở New York, thì "việc tự nguyện chối từ quyền lực và trách nhiệm" của Hoa Kỳ, đã tạo thêm nghi ngại về sự phân chia quyền lực mới, trong một thế giới không phải là lưỡng cực hay đơn cực, mà không còn cực nào.
Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp ngày 19/01/2018, Le Figaro nhấn mạnh "Macron muốn tái lập lòng tin nơi quân đội". Nhận xét về quyết định của chính phủ từ bỏ một dự án sân bay lớn, Le Monde cho rằng "Notre-Dame-des-Landes, một bước rẽ để ra khỏi ngõ cụt".
Nhật báo kinh tế Les Echos phân tích "Bitcoin, những nguyên nhân của cơn điên toàn cầu",còn tờ báo công giáo La Croix cho biết "Giáo hội trên tuyến đầu ở Congo", đấu tranh chống độc tài.
Trang bìa của Libération mang nền đen, với tấm ảnh một ngón tay giữa chỉ ngược, đầu ngón tay mang hình tổng thống Mỹ và chạy tựa "Trump, một năm sau". Một năm cầm quyền của ông Donald Trump cũng là đề tài được hầu như tất cả các báo Pháp hôm nay đề cập đến.
Thụy My
Hàn Quốc : Thỏa thuận với Bình Nhưỡng về Thế Vận Hội gây tranh luận (RFI, 18/01/2018)
Thỏa thuận đạt được tại Bàn Môn Điếm ngày 17/01/2018 giữa Seoul và Bình Nhưỡng được xem là một biểu tượng hoà giải trong bối cảnh đe dọa chiến tranh. Tuy nhiên, quyết định cho hai phái đoàn diễu hành chung và lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng thống nhất gây bất bình cho nhiều người Hàn Quốc.
Vận động viên Bắc Triều Tiên Jang Choo-pak (T) và Hàn Quốc Chung Eun-soon mang cờ với biểu tượng thống nhất bán đảo trong buổi diễn hành khai mạc Thế Vận Sydney, Úc, 15/09/2000. Reuters/Andy Clark/Files
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật :
"Chung một phái đoàn, hai nước Nam Bắc Hàn cùng diễu hành dưới một lá cờ hình bán đảo Triều Tiên màu xanh dương trên nền trắng. Biểu tượng rất có ý nghĩa, đây là cơ may bằng vàng để làm giảm căng thẳng, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khen ngợi.
Về phía Hoa Kỳ, Nhà Trắng cho rằng tham gia Thế Vận Hội là một dịp để Bắc Triều Tiên và các vận động viên của Bắc Triều Tiên cảm nhận một ít hương vị tự do. Washington nghĩ rằng Thế Vận Hội Pyeongchang là cơ may để miền Bắc thấy được lợi ích nếu họ chấp nhận mở cửa, đánh đổi tình trạng cô lập bằng cách nhượng bộ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, những người bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa chỉ trich thỏa thuận diễu hành chung. Họ cho rằng Hàn Quốc đánh mất cơ hội giương cao ngọn cờ quốc gia trong buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội. Các nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng của Hàn Quốc cũng tức giận vì bị áp đặt phải đấu chung với những đồng đội không hề quen biết, ba tuần trước khi vòng tranh tài bắt đầu.
Nhưng để có thể hoà giải dân tộc thì phải chấp nhận một số nhượng bộ cần thiết, một nhật báo thiên tả của Hàn Quốc bình luận như thế.
Trong thập niên trước, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã ba lần diễu hành chung (2000 tại Sydney, 2004 tại Athen và 2006 tại Turino). Tiếc thay, biểu tượng tuyệt đẹp này không có tác dụng chính trị lâu dài".
Bắc Triều Tiên diễu binh
Phải chờ đến ngày 20/01/2017 mới biết Ủy Ban Thế Vận có chấp thuận các thỏa thuận trên đây của Bình Nhưỡng và Seoul. Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc hôm nay, vào ngày 08/02 tới đây, tức một ngày trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông khai mạc, quân đội Bắc Triều Tiên biểu dương lực lượng qua một cuộc diễu binh lớn tại Bình Nhưỡng với khoảng 12.000 binh sĩ và vũ khí tối tân để ghi dấu 70 năm thành lập.
Mỹ lên án Nga phá hoại nỗ lực quốc tế trừng phạt Bắc Triều Tiên
Trả lời phỏng vấn của Reuters hôm 17/01/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Nga đã vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc cấm vận Bình Nhưỡng, ám chỉ các vụ tàu Nga chuyển hàng cấm sang tàu Bắc Triều Tiên trên biển. Theo tổng thống Trump, Nga đã giúp cho Bình Nhưỡng tránh được cấm vận quốc tế và bán cho Bắc Triều Tiên những loại hàng mà Trung Quốc ngưng bán. Ngay lập tức, Bộ ngoại giao Nga cho rằng những lời buộc tội này là "vô căn cứ".
Tú Anh
*********************
Đội tuyển Liên Triều tại Olympic Pyeongchang : Ý kiến trái chiều (RFI, 18/01/2018)
Vào ngày 20/01/2018, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế sẽ họp tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) để bàn về việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký tặng trên một cây gậy chơi khúc côn cầu của một nữ vận động viên, nhân chuyến thăm Trung Tâm Đào Tạo Quốc Gia ở thành phố Jincheon (Hàn Quốc). Ảnh ngày 17/01/2018.Yonhap via Reuters
Trong khi chờ đợi, trong những ngày qua, hai phái đoàn Seoul và Bình Nhưỡng đã rốt ráo thảo luận về những điểm cụ thể liên quan đến việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội. Trong số này, có sáng kiến mang tính biểu tượng cao cho mong muốn hòa giải Nam-Bắc đã được hai bên nhất trí trên nguyên tắc : Có ít ra một đội tuyển chung để cùng thi đấu, mà cụ thể là ở môn khúc côn cầu trên băng dành cho phái nữ. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 16/01, đã có một sự lệch pha rõ rệt giữa mong muốn của chính quyền Hàn Quốc, chủ trương sử dụng Thế Vận Hội Mùa Đông sắp tới để cho thấy sự đoàn kết Liên Triều, với một bộ phận dư luận tại miền Nam. Cụ thể là một số vận động viên Hàn Quốc rất "tức giận" về đề nghị lập ê kíp hỗn hợp với đồng nghiệp Bắc Triều Tiên.
Điều này phơi bày sự thiếu hứng thú nói chung trước một số điểm trong kế hoạch hòa giải của chính phủ, một phản ứng có thể tác hại đến kế hoạch của Seoul muốn tranh thủ sự kiện thể thao quan trọng này để cải thiện quan hệ song phương, sau một năm căng thẳng lên cao vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Đội tuyển khúc côn cầu nữ : Điển hình hòa giải bất đắc dĩ
Đội tuyển nữ Hàn Quốc về môn khúc côn cầu trên băng là đội đầu tiên được chính quyền Seoul chọn để lập ê kíp chung với một số tuyển thủ Bắc Triều Tiên, khi bộ trưởng thể thao Do Jong-hwan cho biết chính phủ sẽ yêu cầu Ban Tổ Chức Thế Vận Hội tăng số thành viên đội tuyển từ 23 lên hơn 30 người.
Theo lời một viên chức Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Trên Băng Hàn Quốc, đề nghị đó là một cú sốc đối với đội tuyển Hàn Quốc mới từ Mỹ về vào thứ Sáu tuần qua sau ba tuần tập huấn.
Trả lời Reuters, viên chức này cho biết : "Họ rất tức giận và cảm thấy ý kiến đó thật phi lý… Chúng tôi đã lặng người khi chính phủ đột nhiên quyết định như vậy và yêu cầu chúng tôi chơi cùng với những người hoàn toàn xa lạ ở Thế Vận Hội."
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, huấn luyện viên trưởng đội tuyển khúc côn cầu nữ Hàn Quốc Sarah Murray hôm 16/01, cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về việc thành lập đội tuyển chung cùng với một số nữ cầu thủ Bắc Triều Tiên.
Trong lúc bộ trưởng Thể Thao Hàn Quốc Do Jong Hwan và thủ tướng Lee Nak Yon đều cho rằng việc thêm một vài tuyển thủ miền Bắc vào đội hình Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng gì tới vận động viên nước nhà, bà Murray cho là điều đó đồng nghĩa với việc một số tuyển thủ miền Nam sẽ phải ngồi ngoài sân, và là một cách hành xử rất bất công đối với những người đã cố sức trong thời gian qua để giành được suất tại đội tuyển và đi thi đấu tại Thế Vận Hội.
Kiến nghị trên mạng chống việc thành lập đội tuyển liên Triều
Đề nghị trên cũng làm hàng ngàn người dân Hàn Quốc không hài lòng, họ ký kiến nghị trên mạng yêu cầu phủ tổng thống từ bỏ ý định đó.
Một người ủng hộ kiến nghị nhận định : "Tôi nghĩ là chính phủ đang lạm dụng quyền hành để thu hoạch lợi ích chính trị từ Thế Vận Hội... Lấy chỗ của các vận động viên Hàn Quốc đã nỗ lực kinh khủng cho Thế Vận Hội, một sân khấu mà tất cả vận động viên Hàn Quốc đều mơ ước, để cho người Bắc Triều Tiên hưởng thì không công bằng chút nào".
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà văn phòng chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc và đài truyền hình SBS công bố, hơn 70% người Hàn Quốc phản đối việc thành lập đội tuyển hỗn hợp với Bắc Triều Tiên. Thế nhưng cũng có hơn 80% cho biết họ tán đồng việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội nói chung.
Bị chất vấn, một phát ngôn viên phủ tổng thống đã từ chối trả lời, và đề nghị là nên đi hỏi các bộ có liên quan với các cuộc thảo luận với phía Bắc Triều Tiên.
Trên vấn đề này, bộ trưởng Thể Thao tuyên bố là đã thảo luận với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế hầu "giảm thiểu mọi bất lợi" cho đội Hàn Quốc. Một viên chức của bộ này đã khẳng định với hãng tin Reuters : "Chúng tôi cũng sẽ quan tâm dến ý kiến của dư luận Hàn Quốc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng". Riêng bộ Thống Nhất thì từ chối bình luận.
Đối sách Bắc Triều Tiên của Seoul luôn gây chia rẽ tại Hàn Quốc
Phản ứng bất bình của công luận cho thấy chính sách về Bắc Triều Tiên, thường chỉ là trợ giúp đơn phương từ phía Hàn Quốc, vẫn là một yếu tố gây chia rẽ và căng thẳng trong nội bộ Hàn Quốc.
Tổng thống cánh tả Moon Jae-in muốn sưởi ấm lại quan hệ với Bắc Triều Tiên đã bị đông cứng sau gần một thập niên chính phủ bảo thủ cánh hữu cầm quyền ở Hàn Quốc. Chính quyền của ông đã đề nghị hai miền thể hiện sự thống nhất nhân Thế Vân Hội Mùa Đông, cùng diễu hành trong buổi lễ khai mạc và bế mạc, cũng như cùng hợp sức tranh đua như thể là một quốc gia duy nhất.
Thế nhưng theo quan chức cao cấp của Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Trên Băng Hàn Quốc được Reuters trích dẫn, thì họ không hề được nghe nhiều về ý định đó từ các chính trị gia, mà chỉ được bộ Thể thao ra lệnh và nói với họ là "hãy chuẩn bị sẵn sàng".
Quan chức này khẳng định : "Nói thật là chúng tôi không biết chuyện diễn ra như thế nào. Nói thẳng ra là tôi không biết họ muốn gì khi nói Hãy chuẩn bị, khi mà chúng tôi không có bất kỳ kênh nào để nói chuyện với đội Bắc Triều Tiên".
Nhiều vấn đề cần chuẩn bị như đội hình gồm những ai, chiến lược thi đấu ra sao và ai sẽ là huấn luyện viên chính cho đội tuyển hỗn hợp Nam Bắc đó.
Vẫn theo viên chức trên, "không hề có vấn đề then chốt và cơ bản nào nói trên được bàn thảo. Và chỉ có ba tuần nữa là đến trận đấu đầu tiên của đội tuyển Hàn Quốc tại Thế Vận Hội (vào ngày 10/02). Liệu ai có thể tưởng tượng nổi điều đó ? Thật là phi lý".
Trong phiên họp Quốc Hội ngày 15/01 vừa qua, bộ trưởng Thể Thao Hàn Quốc đã bảo vệ đề nghị thành lập đội tuyển nữ chung Nam Bắc, và giải thích rằng với việc tăng số vận động viên, thì không có vận động viên Hàn Quốc nào phải đứng ngoài. Hàn Quốc vẫn giữ "quyền điều hành" đối với đội tuyển chung, và đội này sẽ không "tác hại đến vận động viên và năng lực của đội tuyển Hàn Quốc".
Cánh hữu bảo thủ rất hoài nghi về chủ trương ngoại giao Olympic
Theo ông Choi Moon-soon, tỉnh trưởng tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế Vận Hội, cái nhìn tiêu cực của công chúng có lẽ xuất phát từ việc quan hệ liên Triều bị giá lạnh thời chính quyền bảo thủ trước đây, nhưng cái nhìn này sẽ thay đổi một khi Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội.
Ông nhắc lại : "Hai miền Triều Tiên đã cùng diễu hành nhân 9 lần Thế Vận Hội, và thế giới đã rất hoan nghênh. Rất ít người phản đối".
Thế nhưng Kim Dae, một kỹ sư 26 tuổi ở Seoul, không thấy có lợi ích gì rõ ràng khi thành lập một đội hỗn hợp: "Cứ tựa như là hai đội riêng biệt bị buộc phải thi đấu chung. Như vậy thì lợi ích ở đâu ?".
Nghị sĩ bảo thủ, Kim Ki-sun, thắc mắc : lợi ích chính trị có đáng với các vấn đề đặt ra hay không : "Nhiều người lo ngại là Bắc Triều Tiền tranh thủ Thế Vận Hội Pyeongchang để tuyên truyền. Và hòa bình đã kéo dài được bao lâu sau khi hai nước Triều Tiên cùng diễn hành trong những kỳ Thế Vận Hội trước đây ?"
Dẫu sao thì một cuộc thăm dò dư luận ngày 08/01 của hãng Realmeter cho thấy là 54% người Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch của chính quyền Seoul chăm lo và tài trợ cho đoàn Bắc Triều Tiên trong thời gian Olympic. 41% không tán thành.
Mai Vân
Hai nước Triều Tiên tìm cách nắm lại vận mệnh của mình
Tình hình lắng dịu trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm đến gần Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang mà Bắc Triều Tiên sẽ tham gia, liệu có mở đầu cho một thời kỳ hòa dịu bền vững sau khi sự kiện thể thao này chấm dứt hay không ? Hay là sau Thế Vận Hội, bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí không loại trừ nguy cơ xung đột ?
Phái đoàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đàm phán tại Bàn Môn Điếm ngày 17/01/2018.Yonhap via Reuters
Theo phân tích của chuyên gia về Bắc Triều Tiên Philippe Pons, trên báo Le Monde, các tuyên bố của Bình Nhưỡng và Seoul cho phép nghĩ rằng không loại trừ giả thuyết đầu tiên, bởi vì cả hai nước Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều đang cố gắng làm chủ lại tình hình trong một "trò chơi" có quy cơ dẫn đến xung đột "huynh đệ tương tàn".
Ngoài việc nối lại liên lạc chính thức liên Triều, vốn bị đình chỉ từ hai năm qua, và được tái lập ngày 09/01, bước khởi đầu năng động trong tiến trình xích lại gần nhau giữa Bình Nhưỡng và Seoul có thể làm thay đổi bối cảnh và tương quan.
Báo Le Monde nhắc lại, các dự án hợp tác được quyết định trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 10/2007, đã bị tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak, lên cầm quyền năm 2008, "xếp xó". Ông trách cứ những người tiền nhiệm đã thực hiện chính sách "Vầng Thái Dương", hòa hoãn với Bắc Triều Tiên nhưng không ngăn cản được Bình Nhưỡng thực hiện tham vọng hạt nhân.
Tại Seoul, những người chủ trương xích lại gần Bình Nhưỡng, tuy không hề ảo tưởng về chế độ Bắc Triều Tiên, cố tìm cách tạo dựng một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau nhằm hóa giải sự thù địch liên Triều kéo dài từ nửa thế kỷ qua. Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền của tổng thống George Bush, ngay từ năm 2002, xếp Bắc Triều Tiên vào "Trục tội ác", tìm mọi cách phá hỏng chính sách "Vầng Thái Dương".
Giờ đây, Bắc Triều Tiên trên thực tế là một cuờng quốc hạt nhân. Tuy vẫn còn nghi ngờ về khả năng làm chủ tên lửa đạn đạo tầm xa của Bắc Triều Tiên, nhưng Washington coi đây là mối nguy hiểm và không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu, phòng ngừa. Mối đe dọa này đè nặng lên sự tồn tại của bản thân chế độ Bình Nhưỡng, làm tăng tâm lý trong người dân Bắc Triều Tiên là nước này bị các quốc gia thù địch vây hãm và lại càng giúp Bình Nhưỡng biện minh cho việc phát triển lực lượng răn đe hạt nhân.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh - chủ ý hoặc do hiểu lầm - càng làm cho Hàn Quốc lo sợ họ sẽ ở tuyến đầu và hứng chịu hậu quả nặng nề : Seoul nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên. Theo thẩm định của bộ Quốc Phòng Mỹ, một vụ tấn công với vũ khí theo quy ước - chưa dùng đến vũ khí nguyên tử - chỉ trong vài giờ có thể làm cho 20 ngàn người thiệt mạng.
Đối với giới phân tích tại Hoa Kỳ, thì Hàn Quốc là mắt xích yếu nhất trong cuộc đọ sức với Bắc Triều Tiên và cử chỉ "thiện chí" của Kim Jong-un qua việc chấp nhận đối thoại liên Triều là nhằm làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn, đồng thời, Bình Nhưỡng tìm cách tranh thủ thời gian để tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa khác.
Cũng có những diễn giải khác và được cánh hữu Hàn Quốc khai thác : Bắc Triều Tiên nắm lấy cơ hội đối thoại với Hàn Quốc để giảm bớt áp lực của cấm vận quốc tế, tránh bị Mỹ tấn công và làm xói mòn liên minh Mỹ-Hàn.
Thế nhưng, theo Le Monde, không chỉ Bình Nhưỡng muốn đối thoại mà Seoul cũng mong muốn điều đó. Ưu tiên hiện nay của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là tránh những hành động khiêu khích bất thường của Bắc Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội. Ông đã thuyết phục được Hoa Kỳ tạm hoãn các cuộc tập trận chung. Thế nhưng, điều mà nguyên thủ Hàn Quốc lo ngại nhất là xẩy ra xung đột quân sự, do vậy, cần phải đối thoại với Bắc Triều Tiên. Việc nối lại đối thoại liên Triều làm cho các tính toán địa chính trị thêm phức tạp, nhưng không nên quên một điều : tương lai của bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào người dân Triều Tiên.
Việc sưởi ấm quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên đã làm "xì hơi" những tuyên bố hiếu chiến của Donald Trump. Thậm chí tổng thống Mỹ lại cho rằng chính thái độ cứng rắn của ông đã mang lại kết quả là giảm căng thẳng và hai miền Triều Tiên lại đối thoại với nhau. Để vuốt ve Donald Trump, tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ sự biết ơn về đóng góp của nguyên thủ Hoa Kỳ vào sự hòa dịu này. Việc Nam-Bắc Triều Tiên tiếp tục nói chuyện với nhau giúp giảm nguy cơ xảy ra xung đột quân sự, nhưng vấn đề cốt lõi không được giải quyết : Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử. Tổng thống Hàn Quốc chống vũ khí hạt nhân nhưng ông không chủ trương tiếp cận hồ sơ này bằng cách đối đầu với Bắc Triều Tiên như Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh cánh hữu Hàn Quốc tỏ ra bi quan, chống lại mọi nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản khó chịu, kêu gọi cứng rắn và không loại trừ giải pháp quân sự, đi kèm với tính khí bốc đồng hiếu chiến của Donald Trump, những yếu tố này làm u ám tương lai bán đảo Triều Tiên.
Theo Le Monde, tổng thống Moon Jae-in cần phải nhanh chóng hành động để khởi động tiến trình hòa dịu khả tín với Bắc Triều Tiên, tránh rơi vào tình thế bị kìm kẹp giữa Bình Nhưỡng và Washington. Thế nhưng, động thái này cũng có nguy cơ làm gia tăng bất đồng với Hoa Kỳ và sự chống đối ở trong nước.
Nhật Bản đối mặt với làn sóng "tàu ma" Bắc Triều Tiên
Vẫn liên quan tới Bắc Triều Tiên, báo Les Echos cho biết "Nhật Bản đối mặt với làn sóng "tàu ma" Bắc Triều Tiên". Tokyo đang lo ngại trước hiện tượng ngày càng có nhiều xác tàu đánh cá của Bắc Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật Bản. Hôm thứ Ba 16/01/2018, cảnh sát Nhật thông báo phát hiện trên bãi biển Kanazawa ở miền tây nước này 7 thi thể đang trong giai đoạn phân hủy mạnh bên trong xác một con tàu đánh cá bằng gỗ. Một trong các nạn nhân mặc một chiếc áo bên trong có cài một huy hiệu in hình các lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-Il.
Trong cả năm 2017, lực lượng tuần duyên Nhật Bản tìm thấy tổng cộng 104 "tàu ma" kiểu này, con số này chỉ là 45 và 66 vào các năm 2015, 2016. Lo ngại về hiện tượng trên, chính phủ Nhật Bản đã cho tăng cường công tác tuần duyên. Tokyo lo ngại hiện tượng trên sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh quốc tế thắt chặt chặt các biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong-un.
Để tìm kiếm các nguồn ngoại tệ, Bình Nhưỡng đã cho phép các tàu cá Trung Quốc được đánh bắt sát bờ biển Bắc Triều Tiên. Theo chính quyền Hàn Quốc, biện pháp trên mang lại cho chính quyền Kim Jong-un 75 triệu đô la, nhưng đồng thời buộc ngư dân Triều Tiên phải đi rất xa ngoài khơi để đảm bảo đủ chỉ tiêu mà chế độ đề ra.
Chuyên gia về Bắc Triều Tiên Satoru Miyamoto thuộc đại học Seigakuin cho biết từ năm 2013 Bình Nhưỡng đã tìm cách tăng thu nhập từ đánh bắt cá để có thêm kinh phí cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhà nghiên cứu Satoru Miyamoto cũng khẳng định việc này không nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân nói chung mà ngược lại, chỉ đáp ứng nhu cầu hải sản cho tầng lớp người giàu.
Tác giả bài viết trên báo Les Echos kết luận là những chiếc tàu cá quá cũ của Bắc Triểu Tiên, ban đầu được thiết kế để đi đánh bắt gần bờ, chứa ít nhiên liệu, trang thiết bị đánh bắt thô sơ, đã khiến ngư dân lâm vào tình cảnh nguy ngập khi phải ra khơi xa, nơi biển động, gió to sóng mạnh để tới được vùng biển giàu hải sản của Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gây hại cho nhân quyền
Trong bài viết "Kenneth Roth : Trump đã gây ảnh hưởng xấu tới nhân quyền", báo Le Figaro cho biết nhân dịp tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công bố báo cáo thường niên, ông Kenneth Roth, một cựu chưởng lý của Hoa Kỳ, giám đốc điều hành của tổ chức này từ năm 1993 đánh giá là tổng thống Mỹ Donald Trump là một tai họa cho nhân quyền.
Về chính sách đối ngoại, Donald Trump cho thấy ông khao khát liên kết với các lãnh đạo nắm trong tay nhiều quyền lực và luôn làm theo ý mình như tổng thống Nga Putin, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình … Về đối nội, ông Trump đã phá vỡ nhiều quy định vốn được đề ra vì lý do nhân đạo.
Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, giám đốc điều hành Human Rights Watch đánh giá việc một nguyên thủ quốc gia ủng hộ sự kỳ thị chủng tộc, miệt thị nữ giới và bài ngoại là điều không thể chấp nhận. Ông lo ngại là Donald Trump đã làm hại về lâu dài các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà một chính quyền phải tuân thủ.
Ông Donald Trump còn có xu hướng coi mọi lời chỉ trích nhắm vào ông là tin giả "fake news". Điều này rất nguy hiểm vì các nhà chuyên chế sẽ nói "Tôi cũng làm giống Trump". Và đó là cái cớ để "tấn công" các nhà báo độc lập và những người chỉ trích, đồng thời ngấm ngầm phá hủy lòng tin vào một thực tế khách quan. Mà lòng tin đó là cần thiết để hoạt động bảo vệ nhân quyền đạt hiệu quả.
Châu Âu - Nhật Bản : Ván bài làm thay đổi thương mại thế giới
Trong lĩnh vực hợp tác thương mại, báo Les Echos chú ý tới thỏa thuận thương mại và hợp tác Châu Âu - Nhật Bản và nhận định đó là "ván bài sẽ làm thay đổi thương mại thế giới".
Thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn là Châu Âu và Nhật Bản sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do mậu dịch lớn nhất toàn cầu, mang đến bộ mặt mới cho thương mại thế giới, theo hướng bất lợi cho Mỹ. Theo Les Echos, việc Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã mang lại cơ hội cho Liên Hiệp Châu Âu.
Thỏa thuận tự do mậu dịch Châu Âu - Nhật Bản được ký kết hôm 08/12/2017 và chỉ cần có sự thông qua của Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu là thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Đối với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thỏa thuận sẽ tạo nên "khu vực kinh tế công nghiệp tự do lớn nhất toàn cầu". Còn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker nhấn mạnh : "Đó là thỏa thuận thương mại song phương quan trọng nhất mà Liên Hiệp từng ký kết".
Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản chiếm 1/3 PIB thế giới. Chuyên gia kinh tế thế giới Sébastien Jean nhận xét chưa tính tới giao thương riêng giữa Liên Hiệp và Nhật Bản, khối này chiếm 21% xuất khẩu thế giới, và nhập khẩu 20% lượng hàng hóa toàn cầu. Giao thương của Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản với phần còn lại của thế giới tập trung nhiều trong các lĩnh vực công nghệ cao như hàng không, dược phẩm, chế tạo máy móc …
Ủy Ban Châu Âu khẳng định thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp của Liên Hiệp xuất khẩu sang Nhật Bản tiết kiệm được 1 tỉ euro thuế quan mỗi năm và hy vọng xuất khẩu từ Châu Âu sang Nhật Bản tăng từ 16% lên 24%. Trong nhiều lĩnh vực, thỏa thuận trên sẽ cho phép giảm các tiêu chuẩn khác biệt vốn tác động tiêu cực tới giá thành sản phẩm và các phát minh và các tiêu chuẩn kỹ thuật chung Châu Âu - Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội trở thành tiêu chuẩn chung trên toàn cầu.
Cuộc đua bào chế thuốc chữa bệnh gan nhiễm mỡ
Trong lĩnh vực sức khỏe, báo Les Echos cho biết "các hãng dược phẩm chạy đua để bào chế thuốc chữa bệnh gan nhiễm mỡ". Gan nhiễm mỡ không do rượu, hậu quả do chế độ ăn uống quá nhiều chất hiện ảnh hưởng tới hơn 10% dân số của các nước phát triển. Tại Pháp, có 3-6 triệu người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong 20% trường hợp, bệnh tiến triển thành bệnh xơ gan và là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người phải ghép gan. Hiện vẫn chưa có phương thuốc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ nên nhiều hãng dược phẩm của Pháp và Mỹ đang tập trung đầu tư nghiên cứu tìm thuốc chữa bệnh này.
RFI tiếng Việt
Robert Mueller, công tố viên đặc biệt làm Trump đứng ngồi không yên
Nhật báo kinh tế Les Echos (17/01/2018) phác họa chân dung của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, khiến tổng thống Trump đứng ngồi không yên. Hiếm khi cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cùng đồng thuận như trong việc đề cử ông Mueller làm công tố viên đặc biệt vì suốt sự nghiệp, ông luôn hành động vì luật pháp và lợi ích chung.
Ông Robert Mueller, khi còn là giám đốc FBI, ảnh chụp tại Washington, ngày 13/06/2013. Reuters/Yuri Gripas/File Photo
Ông Mueller điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và đã cho điều tra một số nhân vật thân cận của ứng viên Cộng Hòa lúc đó vì đã tiếp xúc với chính phủ nước ngoài. Dù bị áp lực tứ bề, công tố viên đặc biệt giữ bí mật gần như tuyệt đối, không để tiết lộ bất kỳ thông tin nào về tiến triển cuộc điều tra.
Vào tháng 12/2017, tổng thống Mỹ khẳng định không có ý định cách chức ông Mueller, nhưng đội ngũ của Nhà Trắng đang "bới lông tìm vết" vì biết rằng không thể tấn công công tố viên đặc biệt nếu không có bằng chứng vững chắc. Dĩ nhiên có một vài thắc mắc về mối quan hệ giữa một số cộng tác viên của ông Mueller, trong nội bộ đội ngũ mà ông thành lập… nhưng không đủ nghiêm trọng để viện cớ cách chức vị công tố viên đặc biệt này, vì "Mueller là người không thể mua chuộc được", theo tựa đề bài báo của Les Echos.
Có thể nói, ông đã trải qua rất nhiều biến cố lớn nhỏ tại Mỹ. Sinh ra tại New York, lớn lên ở Philadelphia, từ nhỏ ông đã được đào tạo trong một ngôi trường danh tiếng Saint-Paul, ở New Hampshire, nơi thành tích học tập được công khai để học sinh tự so sánh và ganh đua. Nhờ vậy, ông rèn luyện được đức tính kỷ luật và bền bỉ. Sau đó, ông theo học luật và khoa học chính trị tại Princeton trước khi gia nhập Hải Quân Mỹ. Tham chiến ở Việt Nam và bị thương ở đùi vào năm 1969, ông hồi hương một năm sau đó rồi xuất ngũ vì tôn trọng ý kiến của vợ. Tiếp tục học luật ở đại học Virginia rồi làm việc ở tòa án San Francisco và chuyển sang sống ở Boston để con gái được điều trị bệnh tại đây.
Dần dần từng bước, ông bắt đầu giữ những chức vụ quan trọng hơn. Năm 1988, khi Bush cha lên làm tổng thống, ông Mueller vào bộ Tư Pháp, làm việc ở bộ phận hình sự và góp phần hình thành đơn vị phòng chống tội phạm mạng đầu tiên của Mỹ. Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông George W. Bush (Bush con) tìm một giám đốc mới cho FBI, lúc đó đang mất lòng tin ở dân, để cải tổ cục điều tra liên bang, ông Mueller ứng cử dù không có kinh nghiệm trong ngành cảnh sát. Bản điều tra về thân thế của ông Mueller ghi rõ ông là người trung thành, nhiệt tình, chăm chỉ và kín đáo. Đúng những tiêu chí mà tổng thống Bush tìm kiếm. Nhân viên của FBI cần phải trung thành, dũng cảm và toàn tâm toàn ý, Robert Mueller hội tụ đủ ba phẩm chất này.
Khi nhậm chức giám đốc FBI, Robert Mueller vừa điều trị xong ung thư tuyến tiền liệt. Không có kinh nghiệm thì học, nhưng chỉ sau tám ngày nhậm chức, sự kiện 11/09/2001 là thử thách lớn đầu tiên trong vai trò lãnh đạo FBI của vị tân giám đốc. Ông Mueller làm việc cật lực và guồng máy cũng làm việc theo nhịp độ của ông. Nhờ đó, FBI đã lấy lại được lòng tin của người dân Mỹ, hiện đại hóa và hướng đến lĩnh vực chống khủng bố. Uy tín của ông Mueller có thể được tóm gọn trong việc tổng thống Barack Obama đã triển hạn thêm hai năm nhiệm kỳ giám đốc FBI cho Robert Mueller, dù ông đã hết hai nhiệm kỳ 10 năm.
Điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ : "Đặc vụ cuối cùng" ?
Được Rod Rosenstein, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Jeff Sessions, bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Vụ điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có lẽ là "đặc vụ cuối cùng" trong sự nghiệp của ông Mueller. Đích thân ông tuyển chọn đội ngũ của mình, với những nhân vật nổi tiếng là kiên trì và trung thực : James Quarles từng tham gia vụ Watergate ; Aaron Zebley, hung thần của al-Qaeda ; Andrew Weissmann từng đứng đầu cuộc điều tra về Enron ; Ryan Dickey, một trong những chuyên gia giỏi nhất về tội phạm mạng… Ngoài ra, đây còn là một đội ngũ trình độ cao, quy tụ nhiều luật gia và các nhà điều tra giỏi nhất Hoa Kỳ mà ông Robert Mueller từng tiếp xúc hoặc làm việc chung trước đó.
Sau tám tháng điều tra, dường như công tố viên đặc biệt Mueller và nhóm cộng sự đã có những tiến triển dù chủ yếu là các cuộc thẩm vấn, vì gần như không có thông tin nào bị tiết lộ. Gọng kìm đang dần siết chặt quanh những người thân cận của tổng thống Donald Trump : hai cố vấn đã bị buộc tội, hai người khác thừa nhận đã nói dối FBI. Tuy nhiên, cho đến nay, khó có thể khẳng định là công tố viên đặc biệt Mueller có đủ yếu tố để quy tội tổng thống Mỹ, hoặc liệu có chuyện cản trở tư pháp, thông đồng với nước ngoài… Đối với phe của tổng thống Trump, thế là đã quá giới hạn. Còn với Mueller, chắc chắn còn chưa đủ.
Châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Một điều trớ trêu, Châu Âu tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga nhưng phải sưởi ấm nhờ vào khí đốt của nước này. Theo thông báo vào tuần trước của tập đoàn dầu khí Gazprom, các nước Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khầu 194 tỉ mét khối vào năm 2017, cho thấy ngày càng "phụ thuộc hơn vào khí đốt Nga", theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.
Đức và Áo là hai nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga. Trong khi đó, Pháp, dù đã đa dạng hóa nguồn cung cấp, cũng phải tăng thêm 7% lượng khí nhập khẩu từ Nga. Nguyên nhân chính là quyết định đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế Châu Âu cũng là một lý do giải thích nhu cầu gia tăng này. Nhờ vậy, khí đốt của Nga chưa bao giờ lại lấn át như vậy trên thị trường Châu Âu, chiếm 35% thị phần trên toàn Liên Hiệp.
Nhưng "ngoài Ba Lan và một số nước vùng Baltic tiếp tục theo đuổi chính sách đa dạng hóa, Châu Âu không thật sự hành động", theo nhận định của một chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) vì khí đốt của Nga giá rẻ. Sắp tới, thế thống trị của Gazprom trên thị trường Châu Âu sẽ chấm dứt vì Novatek, một tập đoàn khác của Nga, đã đưa vào hoạt động khu chế xuất khí đốt trên bán đảo Yamal, ở Siberia, và tập đoàn Pháp Total là một đối tác.
Miến Điện : Hai năm để hồi hương người Rohingya
Thời sự Châu Á được chú ý là số phận của người Hồi Giáo Rohingya tị nạn tại Bangladesh. Theo thỏa thuận ký ngày 15/01/2018 giữa hai chính phủ Miến Điện và Bangladesh, khoảng 655.000 "người Rohingya sẽ được hồi hương trong vòng hai năm".
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ tỏ ra hoài nghi, theo nhận định của nhật báo La Croix. Còn nhật báo Libération đánh giá "kế hoạch hồi hương có vẻ đánh lừa" để xoa dịu cộng đồng quốc tế. Cụ thể, theo giải thích của Ro Nay San Lwin, một nhà đấu tranh Rohingya tại Châu Âu, với nhịp độ xét 300 đơn mỗi ngày theo kế hoạch, thì cần đến 10 năm mới giải quyết được hết yêu cầu của người Rohingya tị nạn, chứ không phải 2 năm được nêu trong thỏa thuận.
Tổ chức phi chính phủ Hành động chống nạn đói (Action contre la faim) cũng dự đoán : "Tình hình liên quan đến hơn 650.000 người không thể giải quyết trong vài tuần. Các tổ chức phi chính phủ hiểu rằng họ còn ở lại Bangladesh trong nhiều năm nữa".
Cả Libération và La Croix đều cho biết phía Miến Điện đã thông báo xây 5 khu trại tại bang Rakhine nơi người Rohingya sinh sống. "Trong những ngày tới, người tị nạn có thể bắt đầu đăng kí hồi hương", theo phát biểu của đại sứ Bangladesh tại Miến Điện. Thời gian có vẻ cấp bách vì người tị nạn sống trong điều kiện rất bấp bênh ở Cox’s Bazar, trong khi mùa mưa sắp đến vào tháng Tư.
Dân số : "Nước Pháp già"
Theo thống kê được cơ quan Insee công bố ngày 16/01/2018, tỉ lệ sinh con ở phụ nữ Pháp tiếp tục giảm trong vòng ba năm liên tiếp, thay vì trung bình 2 con hiện chỉ còn 1,88 con. Chủ đề này được các nhật báo Pháp đề cập.
Với Le Monde, "Tỉ lệ sinh đẻ : Trường hợp đặc biệt Pháp đến hồi kết thúc". Le Figaro đánh giá trên trang nhất : "Sự sụt giảm đáng lo ngại về tỉ lệ sinh đẻ tại Pháp". Tương tự, với Les Echos "Tỉ lệ sinh đẻ tiếp tục giảm tại Pháp". Ngoài bài xã luận đánh giá "Nước Pháp già cỗi", La Croix cũng lo ngại "nguy cơ suy giảm dân số".
Theo các nhật báo, dù dân số Pháp vẫn tăng trong năm 2017 và hiện là 67,2 triệu người, nhưng không còn tăng theo nhịp độ của những năm trước (tăng 0,3%, so với +0,5% giữa những năm 2008 và 2013). Sự chênh lệch giữa tỉ lệ sinh và từ là 164.000 người, đuợc coi là mức thấp nhất kể sau chiến tranh.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính ? Nhật báo Le Monde nêu một số lý do : công việc bấp bênh, chính sách gia đình, cách sống… Tuy nhiên, bài xã luận của nhật báo La Croix lại cho rằng cha mẹ Pháp sinh con không phải để được hưởng phúc lợi xã hội hoặc đảm bảo tương lai cho hệ thống hưu trí.
Trang nhất các nhật báo
Ngoài chủ đề dân số Pháp được các nhật báo đề cập, chính sách nhập cư và chuyến thị sát của tổng thống Pháp Macron về tình trạng người nhập cư tập trung ở Calais được nhật báo Le Monde và La Croix chú ý.
Người đứng đầu nhà nước Pháp thể hiện tham vọng kết hợp "nghĩa vụ nhân đạo" trong việc tiếp đón người nhập cư nhưng đồng thời tôn trọng "trật tự của nền cộng hòa", ông cũng nhấn mạnh là nước Pháp không thể đón hết được người nhập cư trên thế giới. Le Monde cũng cho biết số người nhập cư đến và bị trục xuất cũng tăng mạnh trong năm 2017.
Thời sự quốc tế nổi bật là số phận của nhân viên công ty sản xuất xi măng Pháp Lafarge ở Syria được Libération dành trọn trên trang nhất cùng với 6 trang điều tra.
Thu Hằng
Kim Jong-un dùng "ngoại giao rock Moranbong" để quyến rũ thế giới (RFI, 16/01/2018)
Ngày 15/01/2018, hai miền Nam - Bắc Triều Tiên tiếp tục đàm phán về việc tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Kết quả là Bình Nhưỡng thông báo gởi 140 nghệ sĩ đến biểu diễn tại kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn này. Đáng chú ý là trong phái đoàn nghệ thuật, còn có nhóm nhạc pop nữ nổi tiếng Moranbong. Với báo La Croix (16/01/2018), sự việc cho thấy "Bắc Triều Tiên muốn quyến rũ thế giới tại Thế Vận Hội".
Ban nhạc pop nữ Bắc Triều Tiên Moranbong trong một chương trình biểu diễn ở Bình Nhưỡng, ngày 20/04/2014. Ảnh : AFP / KCNA via KNS
Sau hai cuộc đàm phán, lần thứ nhất vào ngày 09/01 và lần thứ hai 15/01, Bắc Triều Tiên đã quyết định gởi một phái đoàn đến tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông không chỉ có các vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên, pom-pom girls (các nữ hoạt náo viên) mà còn có cả nghệ sĩ.
Phái đoàn nghệ thuật được gởi đi lần này sẽ do ông Kwon, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Văn hóa dẫn đầu. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là sự hiện diện của nữ ca sĩ Hyon Song-wol, ngôi sao nhạc pop và là giọng ca chính của ban nhạc pop nữ nổi tiếng của Bắc Triều Tiên, Moranbong.
(Ở đây RFI tiếng Việt xin lưu ý là năm 2013, tình báo Hàn Quốc từng loan tin là ca sĩ Hyon Song-wol, người yêu cũ của Kim Jong-un đã bị hành quyết. Sự việc đã được báo chí phương Tây loan tin rộng rãi, nhưng hôm nay không thấy đính chính).
La Croix cho biết nhóm nhạc nữ đặc biệt này, được thành lập vào năm 2012 ngay sau ngày Kim Jong-un lên nắm quyền, bao gồm 10 nữ nghệ sĩ, do chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyển chọn. Ban nhạc đã làm chao đảo sàn nhạc trong nước, nổi tiếng thể hiện thành công các ca khúc Mỹ và phương Tây như My Way hay bài hát chính cho phim Rocky. Hình ảnh ban nhạc nữ trẻ, đệm đàn violon và chơi guitare điện tràn ngập các màn ảnh TV trong các quán bar, nhà hàng, khách sạn.
Theo tác giả bài viết, ông Dorian Malovic, với việc gởi ban nhạc pop nữ này đến Hàn Quốc, chế độ Bình Nhưỡng đang chơi lá bài "quyến rũ văn hóa" khi cho phô bày hình ảnh một đất nước hiện đại, ngoài sự mong đợi của cả thế giới.
Thế nhưng, theo La Croix, kế hoạch "quyến rũ" của Kim Jong-un cũng có thể gặp nhiều trở ngại. Một số nhạc phẩm trong danh mục của ban nhạc nữ này mang ý nghĩa ngợi ca lãnh tụ và Đảng Lao Động Triều Tiên như "Sinh nhật Mẹ" hay "Chúng tôi gọi ông ấy là Cha". Với Hàn Quốc, những lời lẽ ca tụng này rất có thể sẽ bị xem là vi phạm an ninh quốc gia và có thể bị cấm.
Thêm vào đó là cảnh trí sân khấu. Các nữ nghệ sĩ biểu diễn trên những nền ảnh mang đậm tính "hiếu chiến" như cảnh diễu binh, tập trận, bắn tên lửa ca ngợi vinh quang của Kim Jong-un. Và nhất là giọng ca chính, Hyon Song-wol lại là đại tá quân đội. Đây cũng chính là những lý do vì sao một buổi biểu diễn tại Bắc Kinh đã bị hủy vào năm 2015.
Dù vậy, La Croix cho rằng chủ đề này cũng nhậy cảm như vấn đề hạt nhân và tên lửa. Do đó, nếu muốn nền "ngoại giao rock Moranbong" không bị chết yểu như tại Bắc Kinh, chắc chắn là cả hai bên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ phải có những bước nhượng bộ.
Minh Anh
*******************
Mỹ và đồng minh họp bàn trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 16/01/2018)
Hôm 16/01/2018, ngoại trưởng Hoa Kỳ và đại diện ngoại giao của các đồng minh họp tại Vancouver, Canada, bàn các biện pháp áp dụng hiệu quả lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên lần thứ 9, New York, ngày 22/12/2017. Reuters/Amr Alfiky
Cuộc họp của các đại diện ngoại giao 20 nước do ngoại trưởng Canada và Mỹ đồng chủ trì. Trung Quốc và Nga không tham dự hội nghị.
Những ngày qua, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt phần nào do cuộc đối thoại giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên liên quan đến việc Bình Nhưỡng tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Theo nguồn tin thân cận với chính phủ Canada, vì một số nước vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc áp dụng trừng phạt, nên cuộc họp các ngoại trưởng lần này nhằm bàn các biện pháp sao cho việc áp dụng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng được thực thi đồng đều trong cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, Mỹ cho biết cuộc họp phải đề cập đến vấn đề tăng cường kiểm soát hàng hải để ngăn chặn các tàu Bắc Triều Tiên lách lệnh cấm vận của quốc tế.
Nhật Bản cũng muốn, qua hội nghị này, các nước gia tăng sức ép tối đa bằng mọi cách buộc Bắc Triều Tiên thay đổi chính sách.
Hôm qua, trong cuộc điện đàm với tổng thống Donald Trump, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định lại là các bên cần tiếp tục duy trì tình hình hòa dịu, mà khó khăn lắm mới có được trong những ngày qua trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện nay, đại diện Nam-Bắc Triều Tiên đang có các cuộc thảo luận chi tiết về thể thức cho đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang vào tháng tới. Trong khi đó, theo các cuộc thăm dò dư luận, 70% dân Hàn Quốc không đồng tình với dự định thành lập đoàn thể thao chung của hai miền Triều Tiên tham dự Pyeongchang 2018. Tuy nhiên 80 % hoan nghênh việc Bắc Triều Tiên dự Thế Vận Hội này.
Anh Vũ
Mỹ bị cô lập vì "ngoại giao tối hậu thư" của Donald Trump
Tổng thống Mỹ đang thay đổi triệt để đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, đi từ chỗ tìm kiếm đồng thuận sang áp đặt "tối hậu thư". Nhà báo Renaud Girard trên mục ý kiến của Le Figaro ngày 16/01/2018 cảnh báo "Những tai hại của chủ nghĩa đơn phương hành động" này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 10/01/2018. Reuters/Carlos Barria
Đầu tiên hết tác giả nhận định : Khác với người tiền nhiệm, sau một năm lãnh đạo đất nước của chính quyền Donald Trump, nền ngoại giao Mỹ đã đi từ tiếp cận đa phương đối với các thách thức lớn trên thế giới sang cách tiếp cận đơn phương, gạt bỏ phương pháp ngoại giao đồng thuận để lựa chọn ngoại giao tối hậu thư.
Bằng chứng mới nhất là ngày 12/01/2018, tổng thống Donald Trump ra tối hậu thư cho ba cường quốc Châu Âu (Anh, Pháp, Đức) có 120 ngày để "khắc phục những thiếu sót khủng khiếp" trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết vào tháng 07/2015, dưới thời tổng thống Barack Obama.
Theo cách nhìn của tổng thống Donald Trump, thỏa thuận hạt nhân được ký kết chỉ bắt Iran đình chỉ trong vòng 10 năm các hoạt động làm giàu uranium, thay vì cấm hẳn, hoặc lập cơ chế thanh tra các cơ sở hạt nhân của Iran một cách bất ngờ và tăng dần, thay vì kiểm tra ngay lập tức.
Lập luận này đối với một quốc gia mà Hoa Kỳ coi là kẻ thù từ 38 năm qua nghe thuận tai và làm hài lòng các cử tri của đảng Cộng Hòa và kể cả bên đảng Dân Chủ vốn luôn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ về Israel. Thế nhưng, theo nhà báo Renaud Girard, tổng thống Donald Trump đã quên thông báo cho người dân Mỹ hai thực tế hiển nhiên.
Thứ nhất, hiệp định hạt nhân Iran thiết lập một cơ chế thanh tra quốc tế sâu sát nhất trong lịch sử kể từ khi hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) được ký vào năm 1968. Đối với các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA), thì văn bản này được coi là chuẩn mực trong lĩnh vực thanh tra hạt nhân, làm mẫu cho các hiệp định trong tương lai.
Thứ hai, các nước Châu Âu đã nói không sửa đổi một dòng nào trong văn bản được đánh giá là vừa phức tạp vừa cụ thể, kết quả của hai năm thương lượng. Mặt khác, Nga và Trung Quốc, hai nước cùng ký hiệp định hạt nhân, không hề muốn nghe nói đến đàm phán sửa đổi văn bản. Ứng xử của Hoa Kỳ hiện nay là cách tốt nhất để làm suy yếu phe cải tổ tại Iran và thúc đẩy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo đòi phục hồi hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử.
Đoạn tuyệt với nguyên tắc tiếp nối
Kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, chính sách đối ngoại của nước Mỹ luôn luôn thể hiện sự tiếp nối. Một số tổng thống muốn đổi mới, nhưng không bao giờ tháo gỡ, xóa bỏ hẳn chính sách đối ngoại mà những người tiền nhiệm đã vạch ra.
Sau những thất bại do việc áp dụng chính sách biệt lập trong những năm 1920 – 1930 (phá hủy toàn bộ các thành quả ngoại giao của tổng thống Wilson), nước Mỹ rất vất vả mới khôi phục lại được phần nào lòng tin. Thế nhưng, Donald Trump đã đoạn tuyệt với nguyên tắc tiếp nối ngoại giao này.
Theo tác giả, cần phân biệt giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương. Donald Trump không hẳn theo chủ nghĩa biệt lập bởi vì trên một số hồ sơ quốc tế quan trọng, ông đã dấn thân và thu được một số kết quả, như trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo, trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thế nhưng, chính chủ trương hành động một mình của Donald Trump mới gây ra nhiều tác hại. Ông muốn Hoa Kỳ có được tất cả các quyền nhưng không chấp nhận bất kỳ nghĩa vụ nào. Trong chính sách đối ngoại, nguyên thủ Mỹ không chấp nhận khái niệm "nghĩa vụ của một Nhà nước".
Do vậy, tại Châu Âu, tổng thống Mỹ gây e ngại ngờ vực sau khi rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, tỏ thái độ mập mờ trong việc áp dụng điều 5 của Hiến chương NATO (trách nhiệm phòng thủ tập thể bảo vệ một thành viên). Tại Châu Mỹ Latinh, ông làm mất lòng tin khi từ chối thảo luận đa phương về vấn đề di dân.
Đối với thế giới Ả Rập – Hồi Giáo và Châu Phi, ông làm nẩy sinh hận thù qua việc chỉ trích một số dân tộc và từ bỏ vai trò trung lập của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột Palestine-Israel. Tại Châu Á, có thể không muốn, nhưng nguyên thủ Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc củng cố ý đồ bành trướng qua việc rút Washington ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhà báo kết luận, kể từ thời tổng thống Roosevelt, người ta đã quen với việc Hoa Kỳ luôn chủ động khởi xướng, lên tiếng về các vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế. Giờ đây, nước Mỹ của Donald Trump không làm như vậy nữa.
Tầu dầu Sanchi "bốc hỏa" : Thảm họa môi trường ?
Về thời sự Châu Á, một số báo Pháp quan tâm đến vụ chiếc tầu chở dầu của Iran, mang cờ hiệu Panama chở theo 136.000 tấn dầu, sau mười ngày bốc cháy trong vụ va chạm tầu hàng Trung Quốc đã chìm ngoài khơi Thượng Hải.
Le Figaro có bài đề tựa "Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, một thủy triều đen bao la đang lan rộng". Libération báo động "Đắm tầu Sanchi : Hệ sinh vật biển lâm nguy".
Chiếc tầu chở dầu bị đắm trong khu vực sinh sản và để trú đông của nhiều loài cá mà ngư dân ưa đánh bắt (cá ngừ đỏ, mực, cá trích, cua xanh,…). Vào mùa này, khu vực trên còn là hành lang di trú cho loài cá voi. Các chuyên gia còn lưu ý hệ quả lên môi trường sẽ còn lâu dài. Bởi vì con tàu tuy đã nằm sau 120 mét dưới đáy biển, vẫn tiếp tục thải hàng trăm tấn diesel, nhiên liệu của con tàu, đe dọa hệ sinh thái Biển Hoa Đông.
Airbus 380 : Số phận mong manh
Trong lĩnh vực kinh tế, số phận của chiếc Airbus 380 giờ như chỉ treo mành chuông. "Airbus : Số phận của A380 trong tay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất". Le Figaro không giấu giếm cho biết "Thiếu đơn đặt hàng, Airbus rất có thể ngưng sản xuất A380".
Bất chấp việc 5 năm liền Airbus có nhiều đơn đặt hàng hơn hãng Boeing của Mỹ, nhưng các khó khăn vẫn tiếp tục đè nặng lên chương trình sản xuất loại máy bay dân dụng kích cỡ lớn A380, do khó khăn tìm được khách hàng.
Theo hai nhật báo, hiện hãng chế tạo và lắp ráp máy bay khổng lồ của Châu Âu này đang kỳ vọng nhiều vào lời hứa đặt hàng từ Trung Quốc và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Nếu không đạt được kết quả cụ thể từ hai đối tác này, chương trình sản xuất chiếc siêu jumbo này có nguy cơ bị ngưng hoạt động.
Châu Âu : Tranh luận về việc đánh bắt cá bằng xung điện
Cũng liên quan đến kinh tế, La Croix và Libération lần lượt có các bài viết "Tranh luận về tương lai của việc đánh bắt cá bằng điện" và "Đánh bắt bằng điện : Châu Âu tranh cãi".
Cho phép hay không ? Vào đầu giờ chiều ngày thứ Ba này, các nghị sĩ Châu Âu sẽ ra quyết định về việc có tiếp tục cho phép dùng xung điện trong đánh bắt cá tại Liên Hiệp Châu Âu. Bị cấm từ năm 1998 tại những vùng biển của Liên Hiệp, cách đánh bắt này đã được cho phép trở lại dưới danh nghĩa "thí điểm" vào năm 2006 tại vùng phía nam của Biển Bắc.
Trước kỳ bỏ phiếu hôm nay, vào ngày 10/01, gần 250 đại biểu Châu Âu đã kêu gọi Nghị Viện cấm hoàn toàn việc sử dụng xung điện trong đánh bắt mà các nhà khoa học, nhiều ngư dân và nhiều quốc gia lên án là có những hệ quả tai hại.
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp ngày 16/01/2018 tập trung khai thác các chủ đề thời sự trong nước. "Hạt nhân : ASN đánh giá dự án này là nguy hiểm" là tít chính trên Le Monde. Nhật báo trích giải thích của chủ tịch Cơ Quan An Toàn Hạt Nhân ASN, Pierre-Franck Chevet, cho rằng dự án trữ chất thải hạt nhân tại Bure phải được xem xét lại vì lý do "rủi ro hỏa hoạn".
Le Figaro thì quan tâm đến việc "Macron đối mặt với những ưu tiên của người dân Pháp : An ninh, Di dân, Việc làm". Theo thăm dò của Kantar-Sofres-OnePoint, theo đơn đặt hàng của báo Le Figaro, RTL và LCI, công luận mong muốn lãnh đạo Pháp có thái độ cứng rắn hơn trên một số chủ đề nóng bỏng.
Theo đó, 43% số người được hỏi xem việc củng cố luật chống khủng bố và chống nhập cư trái phép là ưu tiên. 41% cho rằng chính phủ nên đặt trọng tâm vào việc tạo thuận lợi cho giới trẻ gia nhập thị trường lao động. 38% ưu tiên giảm thuế và 37% ưu tiên cho việc thiết lập mức án trần cho những kẻ hành hung cảnh sát.
Les Echos thông báo "Bery khởi động tranh luận về ngưỡng xã hội". Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire mong muốn giảm bớt thuế và phần đóng góp của doanh nghiệp có liên quan đến việc vượt ngưỡng.
Libération dành trang nhất và nhiều trang báo lớn để nói lên nỗi bất bình của những người làm công tác quản giáo trong các trại giam. Sau vụ ba người quản giáo bị một tù nhân hành hung, các nhân viên giám sát trại tù hôm nay đình công để lên án điều kiện làm việc.
Căng thẳng xung quanh dự án mở rộng sân bay Notre-Dames-Des-Landes tại Nantes, miền trung tây nước Pháp là chủ đề chính của La Croix. Trên nền ảnh một người nông dân, trước nông trại của mình có gắn tấm biển ghi chữ "Sân bay thì Không", tờ báo cho biết số phận của dự án này đang được đếm từng giờ từng phút sau chuyến thăm bất ngờ của thủ tướng Edouard Phillipe.
Minh Anh
"Chiến tranh tâm lý" của Bắc Kinh chống Đài Loan
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân thế giới gia tăng, Tunisia kỷ niệm 7 năm cách mạng Hoa Nhài, trong không khí xã hội căng thẳng, là một số chủ đề thời sự quốc tế lớn của báo chí Pháp hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài "Bắc Kinh siết chặt gọng kìm xung quanh Đài Loan". Phân tích của Le Figaro cho thấy áp lực của Trung Quốc lên hòn đảo - đang có xu hướng đòi độc lập - đã gia tăng gấp bội trong năm qua, viễn cảnh chiến tranh lơ lửng.
Trung Quốc và Đài Loan - Ảnh : Wikipedia
Đe dọa mới nhất của Trung Quốc nhắm vào Đài Bắc là việc ngày 04/01/2018, Bắc Kinh đơn phương cho mở bốn hành lang bay, trong đó có tuyến bay M503, nằm sát vùng "Thông báo bay" (FIR - Flight information region) của hòn đảo. Tổng thống Đài Loan lên án "thái độ vô trách nhiệm", "không chỉ đe dọa an toàn hàng không, mà còn gây tổn hại cho tình thế nguyên trạng trong khu vực".
Đài Bắc nhìn nhận hành động này của Trung Quốc như một nỗ lực "gây áp lực chính trị", chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể sử dụng các hành lang này, để xâm nhập vào không phận Đài Loan. Cho đến nay, kêu gọi Cơ Quan Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế (ICAO) can thiệp từ phía Đài Bắc không có kết quả, bởi đứng đầu cơ quan quốc tế nói trên là một công dân Trung Quốc.
Le Figaro dẫn lại báo chí Đài Loan, tổng kết trong năm vừa qua, Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tập trận không quân gần các khu vực chiến lược, sát với Đài Loan, gấp đôi so với năm 2015. Người phát ngôn Quân Đội Trung Quốc gọi các hoạt động này là nhằm "bao vây hòn đảo".
Căng thẳng giữa hai eo biển Đài Loan tăng thêm một nấc với việc, đầu tháng 12/2017, tổng thống Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng, dự kiến tái lập các chuyến viếng thăm hải quân giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Bắc Kinh bắn tiếng sẽ tấn công Đài Loan, ngày nào mà chiến hạm Mỹ cập cảng Cao Hùng (Kaohsiung), một cảng lớn phía nam hòn đảo.
Khát vọng độc lập với Trung Quốc ở Đài Loan đang gia tăng. Theo một thăm dò dư luận hồi cuối năm ngoái, chỉ có 14% dân Đài Loan còn nghĩ Đài Loan cùng với Hoa Lục là một quốc gia. Cách đây 20 năm, tỉ lệ này là 50%.
"Không chinh phục được trái tim người dân Đài Loan, Bắc Kinh gia tăng gấp bội các nỗ lực quân sự". Theo các thông tin nội bộ của Quân Đội Trung Quốc mới rò rỉ gần đây, được nhà nghiên cứu Ian Easton, chuyên gia think-tank Project 2049 dẫn lại, các đầu tư quân sự của Trung Quốc - kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền – chủ yếu nhắm vào cuộc chiến tương lai xâm lược Đài Loan. Trung Quốc có thể dành tới một phần ba ngân sách quân sự cho mục tiêu này. Một số tài liệu nêu ra thời điểm 2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nghi ngờ tính xác thực của thời hạn này.
Chuyên gia Pháp : Nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng
Cuối tuần trước, tổng thống Mỹ ra "tối hậu thư" đe dọa đơn phương phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Washington đồng thời dự kiến tháng Hai tới công bố các điều chỉnh theo hướng mở rộng khả năng sử dụng vũ khí vốn được coi là "răn đe chiến lược" này. Le Monde có bài tổng hợp : "Vũ khí hạt nhân : Paris lo ngại nguy cơ gia tăng". Tổng giám đốc quan hệ quốc tế và chiến lược của bộ Quân Lực Pháp, ông Philippe Errea – người mà theo Le Monde đôi khi được xếp vào nhóm "diều hâu" - có bài phát biểu trước Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), hôm 09/01.
Nhà ngoại giao Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ căng thẳng leo thang vượt khỏi vòng kiểm soát, có thể dẫn một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tìm cách tấn công phủ đầu (thay vì chỉ để tự vệ theo thuyết "răn đe hạt nhân"), hoặc một vụ tên lửa hạt nhân rời khỏi bệ phóng do bất cẩn, sẽ châm ngòi nổ chiến tranh.
Theo chuyên gia Pháp, đe dọa chiến tranh hạt nhân có thể đến từ 5 quốc gia : Iran, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Đối với Paris, cũng như các nước châu Âu, Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân nói riêng, nhưng chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran có thể là một nguy cơ về trung hạn. Thỏa thuận hạt nhân Iran, cho dù không bị chính quyền Trump phá bỏ, chỉ có tuổi đời 10 năm.
Về phần Bắc Triều Tiên, nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh là : "Sẽ là sai lầm khi cho rằng, đối với Bình Nhưỡng, vũ khí hạt nhân mà nước này đang hoàn thiện, chỉ mang tính răn đe, để chống lại các đe dọa từ bên ngoài". Theo ông Philippe Errea, đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Triều Tiên đang bắt đầu gắn liền chương trình "tên lửa đạn đạo" với mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.
Bên cạnh nước Nga, với chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật bị đánh giá là "mờ ám", Trung Quốc bị điểm mặt là "quốc gia duy nhất" trong số 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đang gia tăng số lượng dự trữ nhiên liệu phóng xạ.
Thế Vận Triều Tiên : "Ngoại giao thể thao" khó giúp ngăn ngừa xung đột
Về căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên tạm lắng dịu trước thềm Thế Vận Hội mùa đông tại Hàn Quốc, với việc Bắc Triều Tiên quyết định cử đoàn tham gia, tờ Libération đặt câu hỏi với nhà sử học về thể thao và chính trị Patrick Clastres, giáo sư đại học Lausanne (Thụy Sĩ). Bài viết mang tựa đề "Thế Vận Triều Tiên : Chính trị thực dụng có trọng lượng hơn chính sách ngoại giao của Ủy Ban Thế Vận (CIO)".
Nhà nghiên cứu hết sức hoài nghi về viễn cảnh quan hệ liên Triều trong thời gian tới sẽ được cải thiện, sau các cử chỉ hòa dịu của Bình Nhưỡng và Seoul. Phân tích các quan hệ phức tạp giữa các nỗ lực của giới thể thao Olympic từ một thế kỷ qua với lĩnh vực chính trị quốc tế, chuyên gia Thụy Sĩ rút ra nhận xét : cho dù có một số ví dụ tích cực trong chuyện này, như việc giúp Tây Đức và Đông Đức xích lại gần nhau trong những năm 1950-1960, tác động ngoại giao của thể thao rất hạn chế. Khẩu hiệu "đình chiến" trong thời gian Olympic vẫn chỉ là một giấc mơ của nhân loại. Đóng vai trò quyết định trong chuyện này vẫn là các quốc gia.
Chuyên gia về lịch sử thể thao và chính trị này cũng lưu ý công chúng cần thận trọng trước việc thể thao vốn có thể được sử dụng cho "các mục tiêu cao quý", cũng như cho "các chế độ xấu xa nhất". Khác với rất nhiều cuộc tranh tài về điện ảnh, hay văn học, nơi các nghệ sĩ hay tác giả không tham dự với lá quốc kỳ trong tay, giới thể thao hiện chưa làm được điều này.
Kỉ niệm 7 năm Cách mạng Tunisia : Căng thẳng tạm lắng
Hồ sơ Tunisia, nhân dịp đúng 7 năm ngày Cách mạng Hoa Nhài (Chủ nhật 14/01), mở đầu phong trào phản kháng vì dân chủ, thường được gọi là "Mùa xuân Ả Rập" được nhiều báo Pháp chú ý. Dịp kỷ niệm diễn ra trong "không khí căng thẳng" là nhận định của Les Echos. Ít ngày trước dịp kỉ niệm năm nay, nhiều cuộc biểu tình dữ dội phản đối chính quyền bùng phát.
Tình hình tạm lắng lại hôm Chủ nhật vừa qua, tối hôm trước, tổng thống Essebsi đã thông báo một loạt các biện pháp hỗ trợ 120.000 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền 23,5 triệu euro, và các hứa hẹn giúp đỡ nơi ở cho những người nghèo khó nhất. Nước Tunisia hậu cách mạng vẫn đang phải đối mặt với cùng các thách thức như thời điểm chế độc độc tài Ben Ali sụp đổ. Cụ thể là nạn nghèo đói, thất nghiệp và tham nhũng, cho dù các quyền tự do đã được cải thiện.
Cải cách hành chính và kinh tế : Điều Cách mạng Tunisia chưa làm được
Libération cũng theo sát hồ sơ Tunisia, với phóng sự "Tunisia : Biểu tình phản kháng mất đà, nhưng "nỗi phẫn nộ" vẫn còn nguyên". Libération phỏng vấn chuyên gia về thế giới Ả Rập, ông Gilbert Achcar, khẳng định các phong trào phản kháng tại Tunisia hiện nay theo cùng một lô-gic với phong trào Cách mạng lật đổ chế độ Ben Ali trước đây. Đó là khát vọng đòi dân chủ và tình cảm phẫn nộ xã hội trước thực trạng đời sống bị bần cùng hóa.
Chuyên gia Achcar cho rằng cuộc Cách mạng 2011 chỉ mới loại trừ "phần nổi của tảng băng chìm", đó là chế độ gia đình trị Ben Ali. Chính quyền hiện nay, với một tổng thống 91 tuổi, xuất thân từ chế độ cũ, đang áp dụng cùng một phương pháp điều hành như chế độ cũ. Theo ông, cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập không phải là một sự kiện thoáng qua, mà "là một quá trình dài, với các cao trào và thoái trào…". Tunisia cũng như khu vực này không thể nào có được ổn định, chừng nào các "chính sách kinh tế - xã hội" vĩ mô không được sửa đổi. Chuyên gia Pháp cũng liên hệ tình hình tại Tunisia với phong trào biểu tình chống chính quyền vừa bùng lên tại Iran.
Le Monde có bài phân tích "Tunisia, khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài", nhận định là một trong các cản trở lớn với kinh tế quốc gia Bắc Phi này là "gánh nặng hành chính". Việc cải cách hệ thống hành chính là một điều nan giải bởi chính quyền Tunisia do liên minh hai đảng vốn có lập trường đối lập nhau điều hành. Liên minh giữa đảng Nidaa Tounes – gọi là phe cải cách, với đảng Ennahda – phe Hồi giáo, đã cho phép đất nước "tiến lên trong quá trình dân chủ hóa", nhưng ngược lại, các cải cách về định chế kinh tế là rất khó khăn, do quan điểm của hai đảng quá xa cách.
Tunisia : Trường hợp "bất thường" của thế giới Ả Rập
Le Monde có cuộc phỏng vấn ông Safwan Marsi, chuyên gia về tiến trình chuyển đổi dân chủ Tunisia, thuộc đại học Columbia (Hoa Kỳ), một người có quan điểm lạc quan về các thay đổi hiện nay tại Tunisia hậu cách mạng. Tác giả cuốn "Tunisia, một trường hợp bất thường trong thế giới Ả Rập" đưa ra các phân tích trái ngược với nhận định của chuyên gia trên Libération. Theo ông, một thành quả không thể phủ nhận được của Cách mạng, là quyền tự do ngôn luận, một trong các quyền tự do cơ bản nhất, đã được cải thiện rõ rệt.
Ông cảnh báo dân chúng Tunisia đôi khi quên rằng "cuộc chuyển đổi dân chủ đòi hỏi phải có thời gian". Điều đặc biệt đáng chú ý là Tunisia đã thành công được, điều mà các quốc gia Ả Rập khác không làm được. Tác giả cuốn "Tunisia, một trường hợp bất thường trong thế giới Ả Rập" nhấn mạnh đến sự chuyển biến của đảng Hồi giáo Ennahda, hiện đã chấp nhận tham gia cuộc chơi dân chủ. Cho dù "khó dự đoán được tương lai", nhưng đây là một tiến bộ rất quan trọng.
Saudi Arabia : Thái tử Salman quyến rũ nữ giới để dọn đường đến ngôi báu
Mỗi quốc gia phải tự tìm ra con đường hiện đại hóa và dân chủ hóa cho mình, và điều này luôn là chuyện không hề đơn giản. Theo dõi các động thái mới đây của chính quyền Saudi Arabia, xã luận Libération nhận xét : Ryad hiện nay có trong tay nhiều thế mạnh để hiện đại hóa, như tài nguyên khoáng sản và dân cư rất trẻ, thế nhưng cuộc cải cách mở cửa của thái tử Salman rất có thể đổ vỡ.
Libération chú ý đến cuộc triển lãm xe hơi đầu tiên tại Saudi Arabia dành cho phụ nữ, mở cửa hôm thứ Năm tuần trước. Hôm tiếp theo, lần đầu tiên phụ nữ Saudi Arabia được phép đi xem đấu bóng đá. Bằng cách ban nhiều quyền tự do hơn cho nữ giới, thái tử Saudi Arabia hy vọng động viên được thế hệ trẻ, vốn bị các phe nhóm Hồi giáo siêu bảo thủ Wahhabit khống chế.
Tuy nhiên, theo Libération, nỗ lực cải cách hiện nay của thái tử được tiến hành dưới sự bảo trợ của vua cha, một khi ông mất đi, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Chống nạn ấu dâm : Nỗ lực lập tổ chức quốc tế nhân chuyến giáo hoàng đi Nam Mỹ
Trong lĩnh vực xã hội, Libération chú ý đến chuyến tông du của giáo hoàng Francis tới Nam Mỹ. Libération cho biết, trước dịp này, khoảng 30 hiệp hội quốc tế tập hợp tại Santiago, thủ đô Chili, để chuẩn bị thành lập một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu đầu tiên, chống nạn ấu dâm trong môi trường Công giáo.
Hoạt động này được coi là để gây áp lực với người đứng đầu đạo Công giáo, vốn có thái độ, được đánh giá là "mâu thuẫn" trước tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em dai dẳng trong giới chức Công giáo. Giáo hoàng Francis hứa hẹn sẽ phải đối mặt với nhiều biểu tình tại Chili và Peru.
Mỹ : Người chuyển tài liệu mật cho Wikileaks ra ứng cử thượng nghị sĩ
Cũng Libération cho hay tin mới về cựu quân nhân Mỹ Chelsea Manning, nổi tiếng với vụ án chuyển tài liệu 700.000 tài liệu mật cho Wikileaks, và bị phạt án tù 35 năm hồi 2013. Trước khi rời chức vụ, tổng thống Obama đã ân xá cho quân nhân này. Theo Washington Post cuối tuần trước, cựu quân nhân Chelsea Manning, 30 tuổi, đã chuyển đổi giới tính thành phụ nữ khi ở trong tù, có thể ra ứng cử thượng nghị sĩ, dưới màu cờ đảng Dân Chủ, tại tiểu bang Maryland.
Chelsea Manning được nhiều người bảo vệ nhân quyền coi là "anh hùng", nhưng bị tổng thống Trump cho là kẻ "phản bội".
Trọng Thành
Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới
Trong lĩnh vực kinh tế, tuần báo Le Point kỳ này đặc biệt chú ý đến Ấn Độ, trong năm nay sẽ qua mặt nước Pháp để trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 5 thế giới, nhờ mức tăng trưởng được dự báo là 7,4%.
Diễu binh nhân Ngày Cộng Hòa của Ấn Độ tại New Delhi ngày 11/01/2018. Reuters
Với mức tăng trưởng hàng năm trên 7% từ 2014 đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm G20. Hơn nữa, sự phát triển của Ấn Độ rất cân đối và theo số liệu chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp của nước này không quá 3,5%, nhờ vậy mà trong 10 năm qua đã góp phần giảm tỉ lệ nghèo đói từ 38% xuống còn 21% dân số.
Theo Le Point, tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ đó là các cải tổ do thủ tướng Narendra Modi tiến hành. Ông đã "chữa trị" kinh tế Ấn Độ bằng một liệu pháp cú sốc chưa từng có. Đầu tiên là cú sốc về sản xuất, với khẩu hiệu "Sản xuất tại Ấn Độ", nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo công ăn việc làm.
Tiếp đến là cú sốc tiền tệ, với việc chuyển tiền mặt thành các tài khoản ngân hàng. Rồi cú sốc thuế khóa, với việc ban hành một loại thuế quốc gia duy nhất, thay thế cho vô số loại thuế địa phương tại 29 bang của Ấn Độ. Về tài chính, ông Modi đã cho bơm vốn vào các ngân hàng công tổng cộng 32 tỉ đôla trong vòng 2 năm, để gia tăng nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ còn tự do hóa các khu vực tài chính, phát thanh truyền hình và quốc phòng, đồng thời mở các dự án cơ sở hạ tầng cho đầu tư nước ngoài.
Le Point dự báo là cứ theo đà này thì Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới vào năm 2032, thậm chí hàng đầu thế giới vào năm 2050. Nhưng để đối đầu với những thách thức to lớn, nước này phải thực hiện những chuyển đổi sâu rộng. Những nhược điểm của Ấn Độ cũng to lớn không kém.
Tỉ lệ tử vong trẻ em của nước này vẫn còn rất cao, ở mức 42%. Tỉ lệ nghèo khó giảm, nhưng tình trạng bất bình đẳng lại ngày càng trầm trọng. Hiện giờ, những người giàu nhất chiếm 10% dân số đang nắm đến 56% thu nhập quốc gia. Hệ thống giáo dục của nước này là thuộc loại yếu kém nhất thế giới. Các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lên tới 12% và đang cần phải được bơm thêm 90 tỷ đôla. Sự phát triển của Ấn Độ còn bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nạn tham nhũng và việc chưa mở cửa nhiều ra thế giới.
Đó là chưa kể những nguy cơ về chính trị và địa chính trị. Tuy có công lao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, thủ tướng Modi cũng là người đã khiến chủ nghĩa dân tộc Hindu trở nên cực đoan hơn đối với thiểu số Hồi Giáo, chỉ chiếm 14% dân số. Bên ngoài, Ấn Độ phải đối phó với láng giềng Trung Quốc, hiện vẫn thi hành chiến lược bao vây trên bộ và trên biển, đặc biệt là với hành lang kinh tế với Pakistan. Căng thẳng giữa hai cường quốc Châu Á này đã leo thang đến mức nguy hiểm trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2017, với các vụ chạm súng trên vùng cao nguyên Doklam.
Kim Jong-un mở ra khả năng đối thoại với Mỹ, Hàn
Về thời sự địa chính trị Châu Á, tờ Le Courrier International giới thiệu một bài đăng trên nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc ngày 04/01/2018 nhận định rằng, khi thông báo gởi một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, ông Kim Jong-un đã mở ra viễn cảnh đối thoại không chỉ với Seoul, mà cả với Washington.
Như vậy là lần đầu tiên Kim Jong-un muốn nói chuyện với miền Nam Triều Tiên. Có thể đó là một tin mừng, nhưng có thể là không. Hãy chờ xem. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã tuyên bố rằng : "Nếu Seoul và Bình Nhưỡng muốn đàm phán với nhau, đó là sự chọn lựa của họ", trước khi nói thêm là Hoa Kỳ vẫn rất nghi ngờ thực tâm của Kim Jong-un.
Theo nhật báo Hankyoreh, tuyên bố nói trên dường như phản ánh thái độ phần nào bực bội và lo ngại của Mỹ đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vì Kim Jong-Un đã không hề nói đến chuyện phi hạt nhân hóa theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế.
Vừa chìa tay cho Seoul, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng vừa đe dọa Washington khi nói rằng chiếc nút hạt nhân đang nằm trên bàn của ông. Theo tờ báo Hàn Quốc sẽ là không tưởng nếu chờ đợi là Bình Nhưỡng đùng một cái tuyên bố sẽ tiếp tục thương lượng mà không cần điều kiện tiên quyết, với mục tiêu là phi hạt nhân hóa. Cho dù đối thoại liên Triều hôm nay sẽ chưa dẫn đến các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, ít ra nó là một điểm khởi đầu và mở ra một viễn cảnh cho quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Washington. Hankyoreh kêu gọi chính quyền Donald Trump nên tích cực ủng hộ đối thoại liên Triều và hãy cùng với Hàn Quốc kéo Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Phát súng cảnh cáo cho Iran
Thời sự Iran tiếp tục thu hút sự chú ý của các tuần báo Pháp. "Iran. Phát súng cảnh cáo", đó là tựa trên trang nhất của tờ L’Express. Theo tuần báo này, chế độ chuyên chế của Iran sẽ vẫn sống sót sau cuộc bạo loạn vừa qua, nhưng trận động đất mới này, mang tính xã hội nhiều hơn là chính trị, làm lộ rõ những nhược điểm của một chính quyền bị chia rẽ và thủ cựu.
Tuần báo nhận định : "Nước Cộng hòa này, mà năm tới sẽ tròn 40 tuổi, có lúc bị rung chuyển từ cơ sở. Đó là do những bất đồng nội bộ và do chế độ này không đủ khả năng đổi mới ý thức hệ trước một thế hệ trẻ đang rất nóng lòng muốn canh tân, thế hệ của thời đại công nghệ thông tin, toàn cầu hóa, khao khát tự do".
Theo L’Express, việc chính quyền cứ ra ra rả về "âm mưu phá hoại của các thế lực bên ngoài"cho thấy bộ máy tuyên truyền chính thức nay đã hụt hơi. Họ có thể ngăn chận những tin nhắn trên các mạng xã hội như Instagram hay Telegram, nhưng làm sao có thể kiểm soát được 48 triệu điện thoại di động thông minh và biết bao trang web có trang bị những công cụ vượt tường lửa ?
Tờ Le Courrier International thì đăng một bài báo trên tờ L’Orient - Le Jour ở Liban, với hàng tựa "Những bài học từ cuộc nổi dậy ở Iran". Đối với nhật báo Liban này, những cuộc biểu tình chống tình trạng vật giá leo thang và chống chính quyền từ cuối tháng 12 vừa qua cho thấy là chế độ Tehran nay bị suy yếu do sự phản kháng của những người mà cho tới nay vẫn ủng hộ họ, đó là những công dân thuộc tầng lớp nghèo khó.
Cũng như người dân tại các nước Ả Rập cách đây 7 năm, người dân Iran nay đòi có thêm công bằng xã hội. Những yêu sách của người dân Ả Rập đã không được đáp ứng. Người dân Iran chắc cũng sẽ không được hơn. Nhưng theo tờ L’Orient-Le Jour, nỗi bất mãn của dân chúng, dù có được bày tỏ hay bị bóp nghẹt, cũng đều là một mối đe dọa thường trực đối với các chính quyền, không chỉ ở Iran, mà cả ở Syria, Iraq hay Yemen. Ai Cập sắp tới đây cũng sẽ bị rung chuyển giống như Iran.
Tình báo Pháp thâm nhập nhà tù để điều tra quân thánh chiến
Về tình hình xã hội tại Pháp, theo tuần báo L’Obs, trước sự bùng nổ con số tù nhân cực đoan hóa, cơ quan quản lý các nhà tù đã thành lập một bộ phận tình báo mới, với 300 nhân viên trà trộn vào tù nhân để điều tra.
Tờ báo cho biết là vào tháng 9 vừa qua, một báo cáo của tình báo cơ quan quản lý nhà tù cho biết là hiện có 1.157 phạm nhân hiện bị xem là cực đoan hóa. Ấy là chưa kể 509 người đã bị giam trong khuôn khổ các vụ án khủng bố. Đây là một con số đáng kể bởi vì như vậy là có hơn 1.000 phạm phân trước đó không bị xếp là quân thánh chiến đã trở nên cực đoan hóa trước hoặc trong thời gian ở tù.
Theo tuần báo L’Obs, đối với các nhân viên tình báo cơ quan quản lý trại giam của Pháp, giám sát những phần tử này giống như là một cuộc chạy đua với thời gian. Họ sợ nguy cơ khủng bố, sợ sẽ có một hành động tập thể, sợ rằng sẽ có một "lãnh tụ" khủng bố nào tác động tinh thần đến các tù nhân chung quanh, hoặc chuyển được ra ngoài lệnh hành động.
Mùa hè vừa qua, khi tuyển mộ các thông dịch viên tiếng Ả Rập cho bộ phận chống khủng bố và cực đoan hóa, tình báo của cơ quan quản lý trại giam đã yêu cầu đó phải là những người phải có nghị lực rất mạnh, sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm, có khả năng dịch ngay bất cứ thư từ, bản ghi âm nào hoặc giải mã những mật lệnh.
Về âm nhạc, dĩ nhiên là các tuần báo Pháp vinh danh nữ danh ca France Gall vừa qua đời cách đây một tuần do bệnh ung thư ở tuổi 70.
Nữ ca sĩ France Gall về với "Thiên đường trắng"
Trên tờ Le Point, trong bài viết tựa đề : "France Gall, cô em gái của chúng ta", nhà văn Charles Dantzig ghi nhận France Gall đã trở nên nổi tiếng nhờ đoạt giải Eurovision với ca khúc "Poupée de cire, poupée de son". Chỉ có nhóm nhạc Thụy Điển Abba và nữ danh ca Canada Céline Dion là được như vậy. Không chỉ thể hiện các bài hát, France Gall còn là người sáng tạo phong cách. Vào thập niên 1980, khi trình bày ca khúc "Résiste" do người chồng Michel Berger sáng tác, France Gall đứng thẳng, hất đầu từ phía sau ra phía trước, vừa lắc mái tóc vàng hoe của cô. Và thế là cả nước Pháp đã bắt chước nhảy giống như France Gall.
Tuần báo L’Obs thì nhắc lại rằng France Gall đã không còn cất tiếng hát từ 25 năm nay. Nếu France Gall có xuất hiện trở lại trước công chúng thì chỉ là để quảng cáo cho những sáng tác của chồng hoặc của chính mình, như vở ca nhạc kịch "Résiste" vào năm 2015. Tờ báo tiếc nuối : "Sau Johnny Halliday vào tháng 12, giờ đến lượt France Gall. Những thần tượng, tiêu biểu cho một thời trẻ đã qua, đang tàn lụi dần"…
Tờ L’Express thì lưu ý rằng, France Gall chưa bao giờ viết hồi ký. Mà viết làm gì ? Cuộc đời của cô đã được thể hiện qua các bài hát. Những bài hát do những người tình, người chồng đã viết cho France Gall, lấy cảm hứng từ cô. Tuần báo này thán phục : "Đằng sau dáng vẻ mảnh mai là một phụ nữ rất can đảm, vẫn đứng vững sau biết bao bi kịch : Người chồng Michel Berger chết đột ngột vì lên cơn đau tim năm 1992, bản thân bị ung thư vú từ năm 1993, con gái chết trẻ vì bệnh mucoviscidose năm 1997". Ở tuổi 70, nữ ca sĩ kín đáo nhất nước Pháp đã về chốn Thiên đường trắng, Paradis blanc, như tựa một bài hát của Michel Berger.
Trang nhất các tuần báo
Trong số ra tuần này, L’Express đưa tựa trên trang nhất : "Những gì mà thế hệ dưới 40 tuổi muốn". Tuần báo này tìm hiểu về những trông đợi của giới trẻ Pháp trong các lĩnh vực : thực phẩm, an ninh, trường học, nhập cư, cần sa…..
Không hẹn mà gặp, tờ Le Courrier International tuần này cũng đi hàng tít ở trang bìa : "2018, nay đến lượt giới trẻ". Tờ báo ghi nhận là từ Sebastian Kurz (Áo), Jacinda Ardern (New- Zealand), Emmanuel Macron (Pháp) hay Mohammed ben Salmane (Saudi Arabia), hàng loạt lãnh đạo trong độ tuổi 30 hay 40 đã lên cầm quyền ở nhiều nơi trên thế giới.
"Nước Pháp đã khá hơn chưa ?", đó là câu hỏi mà tờ Le Point đặt trên trang nhất, với bức ảnh minh họa là tổng thống Pháp Emmanuel Macron như là một vị cứu tinh thoát ra từ chiếc đèn thần. Tờ báo trình bày kết quả điều tra về một "đất nước lạc quan mới".
Tuần báo L’Obs thì chú trọng đến hồ sơ nhập cư qua hàng tựa : "Chào mừng đến với đất nước của nhân quyền", cũng với bức ảnh tổng thống Pháp Macron phía sau hàng rào kẽm gai, chỉ trích thái độ nước đôi của lãnh đạo Pháp trong hồ sơ này.
Thanh Phương