Tổng thống Donald Trump làm thế giới mất phương hướng
Ông Donald Trump vẫn đang thu hút chú ý của báo chí Pháp với chuyến công du dài ngày ở Châu Á và đặc biệt là ngày mai, 8/11, đánh dấu đúng một năm ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với khẩu hiệu nổi tiếng "nước Mỹ trước tiên". Nhật báo Công giáo La Croix nhân sự kiện này nhìn lại phong cách và những việc đã làm của người lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới. Tựa trang nhất của La Croix nhận định : "Trump làm thế giới mất phương hướng".
Chính sách đối ngoại của tổng thống Donald Trump làm thế giới đảo điên. Ảnh minh họa. Reuters/Toru Hanai
Xã luận của La Croix viết : Với khẩu hiệu tôn chỉ "America first - Nước Mỹ trước tiên", một năm sau khi đắc cử tổng thống, "Donald Trump đã thành công trong việc làm suy yếu mọi logic của quan hệ đối tác vô cùng cần thiết trong một thế giới bất ổn". Một năm, Donald Trump cũng đã cho thấy ông là một vị tổng thống với "nguyên tắc hoài nghi".
La Croix nhắc lại : Trả lời truyền hình Mỹ trước chuyến công du dài 12 ngày tại Châu Á, khi phóng viên lưu ý ông là ở bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn còn có nhiều vị trí khuyết chưa bổ nhiệm, nhất là các vị trí cho khu vực Châu Á (cho đến giờ vẫn chưa có đại sứ Mỹ ở Seoul), tổng thống Trump đã ngạo nghễ nói : "Ngoại giao Mỹ là tôi, chỉ có tôi". Ông cũng nhấn mạnh thêm"Tôi là một doanh nhân" vì thế mọi quyết định cuối cùng phải thuộc về cá nhân ông.
La Croix nhận định : Với phong cách lãnh đạo của là một doanh nhân, ông Trump thích tạo mối tương quan lực lượng. Tổng thống Mỹ phủ nhận các mối quan hệ quốc tế đa phương, một phương thức vẫn tồn tại trong hầu hết các tổ chức quốc tế hay định chế tài chính kinh tế. Trong năm 2017, theo ý kiến của ông, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi nhiều tổ chức hay thỏa thuận ngoại giao, thương mại. Lý do chỉ vì ông Donald Trump nhận thấy các tổ chức và thỏa thuận đó chỉ gây bất lợi cho lợi ích trước mắt của công dân Mỹ. Đó là các thỏa thuận TPP ngay ngày đầu bước vào Nhà Trắng tháng Giêng, rồi đến thỏa thuận khí hậu Paris tháng 6, gần đây nhất là rút khỏi Unesco và hôm 13/10 vừa qua ông thông báo có thể không phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran….
La Croix nhận xét : Donald Trump vừa qua hai đêm ở Nhật Bản, ông sẽ còn một đêm ở Seoul trong khi đó mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên liên quan đến Hàn Quốc nhiều hơn cả. Đơn giản là vì tân tổng thống Hàn Quốc, một người ủng hộ đối thoại với Bắc Triều Tiên, không hợp ông Trump lắm.
Sau màn đấu khẩu hiếu chiến trên Twitter với Bắc Triều Tiên và Kim Jong-un, ông Donald Trump lại bất ngờ tuyên bố có thể sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Theo La Croix, những ngày tới ở Trung Quốc mới là thách thức lớn của tổng thống Trump. Chuyến đi sẽ cho thấy mối ưu tiên thực sự của Mỹ ở Châu Á có phải là mối lo ngại sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ? Liệu Mỹ có còn giữ được ưu thế chiến lược ở Châu Á ?
Với Trung Quốc, người ta đã thấy những lời nói tiền hậu bất nhất của ông Trump. Khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump không ngớt lời mắng nhiếc Trung Quốc "đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ". Nhưng trên cương vị tổng thống, tiếp chủ tịch Tập Cận Bình tại Florida hồi tháng 4, ông Trump lại ve vãn ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc hết lời. Thế nhưng ba tháng sau ông lại lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc thụ động trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.
La Croix nhấn mạnh : Không ai ở Châu Á giải mã được chính sách ngoại giao của Donald Trump. Hơn nữa, "phương pháp" của ông không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu với người đối thoại. Chuyên gia Jean-Eric Branaa về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Paris 2 - Assas, đánh giá phương pháp của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ như sau : "Donald Trump thích làm đảo lộn các lá bài. Chính sách của ông ta dựa trên cái gọi là 'nguyên tắc không chắc chắn'".
Theo nhà phân tích Branaa tổng thống Mỹ chưa hẳn là người khó lường mà ông muốn tỏ cho thấy mình là người không thể hiểu được. Ông làm rối tung vấn đề lên để sao cho thế giới phải chạy theo ông ta và như vậy ông ta làm chủ cuộc chơi.
Thách thức của Mỹ ở Châu Á
Vẫn liên quan đến chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Châu Á, trên trang "ngôn luận" của nhật báo Le Figaro có bài phân tích "Thách thức nào cho nước Mỹ tại Châu Á ?".
Theo tác giả Renaud Girard, tổng thống Mỹ biết ông có hai thách thức chiến lược phải vượt qua ở Châu Á, một ngắn hạn và một dài hạn. Về ngắn hạn, ông phải giải quyết vấn đề đang đặt ra cho nước Mỹ và các đồng minh lịch sử là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là sự gia tăng đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo đến từ Bắc Triều Tiên.
Về dài hạn, ông phải tìm được thỏa hiệp với Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng tỏ tham vọng bành trướng trên biển làm tổn hại đến thế thượng phong của hải quân của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á (vốn đã được duy trì từ năm 1945 đến giờ). Đồng thời đà gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia nằm bên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tác giả nhận định : Ông Trump khẳng định Hoa Kỳ sẽ không thể chấp nhận thấy Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Thế nhưng Hoa Kỳ sắp tới đây sẽ không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận thực tế đó. Tất cả mọi người từ ở Mỹ đến Nhật Bản hay Hàn Quốc đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ là thảm họa cho cả Mỹ cũng như cho các đồng minh. Một thách thức khác của ông Trump là làm sao để Nhật-Hàn gạt sang một bên những hiềm khích lịch sử, bắt tay nhau đoàn kết trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Về lâu dài, theo tác giả bài viết, Mỹ sẽ phải chấp nhận phần nào tham vọng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khi Bắc Kinh đang cố gắng đẩy Mỹ ra ngoài các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực.
Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á không còn chính đáng nữa. Trong khi đó tất cả các nước ven biển trong khu vực này đều mong muốn Mỹ trở lại. Tác giả nhận định : Trong mối tương quan Mỹ-Trung, Hoa Kỳ đang bị thiếu chiến lược dài hạn như kiểu "Con đường tơ lụa" mà tập Cận Bình đã vẽ lên. Nhưng Hoa Kỳ lại có những người bạn thực sự ở Đông Á, trong khi Trung Quốc thì không có ai.
Vụ Paradise Papers : vấn đề đạo đức hay kẽ hở của hệ thống ?
Một thời sự khác được các báo Pháp chú ý nhiều là vụ "Paradise Papers" phát lộ một hệ thống cất giấu tài sản để né thuế trên quy mô toàn cầu, liên quan đến hàng trăm quan chức và những nhà tài phiệt, các tập đoàn giầu có nhất thế giới.
Le Monde là tờ báo tham gia vào cuộc điều tra quốc tế này cho nên Paradise Papers là chủ đề lớn phủ kín nhiều trang báo ra hôm nay. Tựa lớn trang nhất của Le Monde nêu con số ấn tượng : 350 tỷ (euro) bí mật trốn thuế. Đây là số tiền mà các quốc gia trên thế giới bị thâm hụt được ước tính từ những khối tài sản được cất giấu nhằm tránh thuế trong vụ Paradise Papers, vừa được 95 hãng truyền thông trên thế giới vừa đồng loạt công bố.
Tuy nhiên theo Le Monde : "Khác với vụ Panama Papers, cuộc điều tra mới này không liên quan mấy đến các hành vi rửa tiền bẩn từ gian lận thuế hay các hoạt động phạm pháp khác (như buôn bán vũ khí, ma túy…). Trong vụ này chỉ là những thao tác tài chính hợp pháp do một đội chuyên gia tiến hành giúp khách hàng trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế dựa trên những kẽ hở của hệ thống quản lý thuế quốc tế".
Vậy ai là những người tránh thuế ? Cuộc điều tra của Le Monde chỉ ra nhiều cái tên thân cận với tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Canada Justin Trudeau, nữ hoàng Anh Elizabeth II và không ít các tập đoàn đa quốc gia giàu có. Những thao tác cất tiền tránh thuế trong hồ sơ Paradise Papers không hề vi phạm luật, nhưng đạo đức và lương tâm của những người muốn lẩn tránh nghĩa vụ thuế là vấn đề cần phải bàn. Chỉ một nhóm nhỏ các công ty và cá nhân khá giả được ưu ái về kinh tế nhưng lại không muốn tuân thủ quy định bình đẳng với những công dân bình thường. Xã luận của Le Monde gọi vụ Paradise Papers là "mặt trái của toàn cầu hóa"
Nga không muốn gây chia rẽ xã hội vì Cách Mạng tháng 10
Hôm nay đánh dấu 100 năm sự kiện Cách Mạng tháng 10 Nga. Tuy nhiên, sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu này được "nước Nga của Putin kỷ niệm một cách kín đáo" như ghi nhận của báo Les Echos.
Thông tín viên của Les Echos tại Moskva ghi nhận : "Đúng một trăm năm sau cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, giờ đây ở nước Nga của ông Vladimir Putin, Lenin vẫn được nhìn nhận tích cực nhưng ông không còn vị thế của người anh hùng dân tộc nữa".
Thời điểm 1917 giờ đây cũng chỉ là một trong nhiều mốc lịch sử đất nước. Trong tuần lễ này, chính quyền Nga thận trọng không muốn kỷ niệm ồn ào cuộc Cách Mạng tháng 10 cũng như tôn vinh cha đẻ của nó, V. Lenin. Thậm chí nhiều người có cảm giác là cuộc cách mạng này đang bị lãng quên ở Nga cho dù vẫn có một số hoạt động của các nhà chuyên môn về lịch sử trước thời điểm kỷ niệm.
Chính quyền Nga cho thấy họ có ưu tiên là không muốn gây thêm chia rẽ mới trong xã hội về di sản cách mạng còn gây nhiều tranh cãi này, theo nhận định của Les Echos.
Anh Vũ
Chuyến công du nhạy cảm của Donald Trump tại Châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du Châu Á đầu tiên từ ngày 05/11 đến ngày 12/11/2017 tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây cũng là chuyến công du dài nhất của một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm kể từ 25 năm qua. Tuy nhiên, những điểm mập mờ về chính sách Châu Á của Washington gây lo ngại trong bối cảnh mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cuộc họp thượng đỉnh tại Điện Akasaka, Tokyo, ngày 06/11/2017. Reuters/Kazuhiro Nogi
Nhật báo Le Monde đánh giá đây là "chuyến công du nhạy cảm của Donald Trump tại Châu Á", đồng thời sẽ là "một bài trắc nghiệm về tài ngoại giao khéo léo" của người đứng đầu Nhà Trắng, dù ông khẳng định chuyến đi sẽ "đạt đầy thành công".
Điều khiến lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh lớn của Mỹ tại Châu Á, lo ngại chính là tổng thống Trump, cũng như đội ngũ thân cận, không quen với những điều tinh tế, hay đúng hơn là những thách thức về địa-chính trị tại khu vực này. Rất nhiều người tại Seoul và Tokyo nghi ngờ về khả năng trình bày một chiến lược liên kết của một vị tổng thống mà một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu là rút Hoa Kỳ khỏi thoả thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận này lẽ ra sẽ giúp Mỹ tái cân bằng chính trị tại khu vực đầy tiềm năng tăng trưởng trong những thập kỷ sắp tới, và cũng chính tại đây, Trung Quốc không ngừng khẳng định sức mạnh.
Quyết định "phá" nỗ lực của người tiền nhiệm Obama đã làm Mỹ mất đi một công cụ và khiến hai đồng minh Nhật, Hàn thêm bối rối. Trước đó, cả hai nước này từng bị chỉ trích trong thời gian ông Trump vận động tranh cử khi nhắc đến các cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ.
Cho đến giờ, tổng thống Mỹ chưa phác hoạ được bất kỳ chính sách nào tại Châu Á, dù ý định ngăn chặn Bắc Kinh chưa biến khỏi lịch làm việc của chính quyền mới. Bằng chứng là phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ngày 18/10 tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhấn mạnh đến mối quan hệ với Ấn Độ. Đến ngày 02/11, khi giới thiệu về chuyến công du của Donald Trump, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, ông H. R. McMaster, đã nhắc đến vùng "Ấn Độ-Thái Bình Dương" để bao trùm thêm một nước có khả năng làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc.
Một chiến lược liên kết tại Châu Á của Mỹ lại càng được trông đợi hơn bao giờ hết trước những tiến bộ vượt bậc về hạt nhân và tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng. Theo nhận định của Le Monde, chính mối đe dọa Bắc Triều Tiên sẽ thử thách quan hệ bền vững giữa các đồng minh. Vậy liệu Hoa Kỳ có bảo vệ các đồng minh của mình trước nguy cơ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hay không ? Mục đích đầu tiên của chuyến công du Châu Á lần này, chỉ đơn giản với sự xuất hiện của tổng thống Mỹ, sẽ phải nhằm khẳng định quan hệ vững chắc với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước tuyến đầu chống Bắc Triều Tiên.
Thăm "bạn hữu" Nhật Bản, thuyết phục Hàn Quốc và Trung Quốc
Theo đánh giá của Le Monde, chuyến thăm Nhật Bản sẽ là chặng dễ dàng nhất trong vòng công du Châu Á đối với tổng thống Mỹ vì giữa hai lãnh đạo này có những điểm tương đồng và thái độ cứng rắn của Tokyo đối với Bình Nhưỡng. Chính quyền Nhật Bản hài lòng công bố giữa Trump và Abe đã có 21 lần tiếp xúc, trong đó 5 lần gặp trực tiếp và 16 lần qua điện thoại. Thủ tướng Nhật Bản có thể tác động đến chính sách Châu Á của tổng thống Donald Trump đến mức nào, đặc biệt là đối với chính sách cực đoan của ông đối với Bắc Triều Tiên ? Điều này còn phải chờ được chứng minh.
Chặng dừng chân ngắn một ngày tại Seoul sẽ phức tạp hơn. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn ủng hộ tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, và tỏ ra giữ khoảng cách với những lời tuyên bố hiếu chiến của Donald Trump. Phát biểu trước Hạ Viện Hàn Quốc, nguyên thủ Mỹ phải làm đuợc hai mục tiêu : vừa trấn an đồng minh, vừa khẳng định quyết tâm của Mỹ đối phó với Bình Nhưỡng.
Tại Bắc Kinh, tổng thống Trump dự định đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng nỗ lực để thuyết phục chế độ Kim Jong-un từ bỏ vũ khí nguyên tử. Dù cả hai nước có chung mục đích phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, nhưng tại Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc ủng hộ tăng cường trừng phạt và tỏ ra không sẵn sàng đẩy thêm Bình Nhưỡng vào chân tường. Để răn đe thêm, ngày 02/11, Washington tuyên bố loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc, nằm ở biên giới Trung-Triều. Hành động này khiến Bắc Kinh tức giận.
Về các hồ sơ liên quan đến Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chỉ có những nhượng bộ tối thiểu. Theo đánh giá của ông Ryan Hass, chuyên gia về Châu Á của trang Brooking Institution, "ông Tập có lẽ sẽ hài lòng về chuyến công du mang tính biểu tượng cao, nhưng lại nhẹ nhàng về mặt nội dung, chủ yếu là do ông Tập không muốn, hoặc không cần nhiều từ phía ông Trump". Chủ tịch Trung Quốc đang trên đà tiến với dự án "Con đường tơ lụa mới" hiện đang phát triển. Thêm nữa, ông Tập vừa hứa "một thời đại mới" và Trung Quốc sẽ chiếm "một vị trí còn trung tâm hơn trên trường quốc tế".
Cảm giác do dự trong chính sách Châu Á của Mỹ lại được Bắc Kinh nhìn nhận là một thời cơ chiến lược. Ông Wang Peng, thuộc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Charhar, nhận xét : "Trump không còn bị coi là nguy hiểm đối với Trung Quốc, dù ông ấy luôn là người khó đoán trước". Vẫn theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, đúng là những lời tuyên bố không nhất quán của tổng thống Mỹ "gây bối rối tại Trung Quốc" nhưng chúng cũng "làm giảm độ tin cậy của Washington".
Tại sao Nhật bản trở thành bạn tốt của Donald Trump ?
Đánh giá về chuyến thăm Nhật Bản trong hai ngày, mở đầu vòng công du Châu Á của tổng thống Mỹ, Le Figaro cho rằng "Trump trên vùng đất đã được chinh phục tại Nhật Bản". Nhật báo thiên hữu trích nhận định của giáo sư Toshihiro Nakayama, thuộc đại học Keio, theo đó "Nhật Bản có thể là nước hữu nghị nhất đối với Donald Trump".
Les Echos đặt câu hỏi : "Tại sao Nhật Bản trở thành bạn tốt của Donald Trump ?" Câu trả lời khá đơn giản : "Để sống sót, Nhật Bản không có phương án B". Vì ngày càng cần sự bảo vệ của Mỹ trước mối đe doạ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, thủ tướng Shinzo Abe trở thành người ủng hộ trung thành trên trường quốc tế của tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, trước một Donald Trump không có chiến lược tại Châu Á, từ vài tháng nay, Nhật Bản nhẹ nhàng thúc đẩy một khái niệm mới "thế giới Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở", trong đó Tokyo miêu tả một quan hệ đối tác chiến lược lớn giữa các nền dân chủ Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản chống lại sức ảnh hưởng chuyên quyền của Trung Quốc và các hành động gây hấn của Bình Nhưỡng.
Donald Trump hay ngành ngoại giao hỗn mang
Là người theo khuynh hướng cô lập, dân túy, thực dụng và không lường trước được, tổng thống Mỹ đang làm lung lay trật tự thế giới từ khi được bầu vào trọng trách cao nhất. Chín tháng cầm quyền của tổng thống Donald Trump theo chính sách "Nước Mỹ trên hết" được nhật báo Le Monde phân tích trong bài viết mang tựa "Donald Trump hay ngành ngoại giao hỗn mang" trên mục "Địa lý chính trị".
Theo kết quả một cuộc điều tra được tiến hành tại 37 nước vào tháng 06/2017 của tổ chức cố vấn Mỹ Pew Research Institute, chủ nhân Nhà Trắng khiến 74% người được hỏi không tin tưởng, vì tính ngạo nghễ và cố chấp của ông. Tại Châu Âu, tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất, đặc biệt là tại Đức (10%), Pháp (14%). Chỉ tại hai nước Israel và Nga, tỉ lệ tín nhiệm đối với tổng thống thứ 45 của Mỹ đạt mức cao hơn (lần lượt là 49% và 53%).
Catalunya : Puigdemont trong tay tư pháp Bỉ
Tại Châu Âu, cựu chủ tịch vùng Catalunya, Tây Ban Nha, cùng với bốn cựu bộ trưởng vùng, đã đến trình diện cảnh sát tại Bruxelles sáng Chủ Nhật 05/11. Tư pháp Bỉ đứng trước ba khả năng : chính thức bắt giam một hay nhiều quan chức của Catalunya ; tạm thả có điều kiện hoặc bảo lãnh ; hoặc "không thực thi" lệnh bắt giữ.
Theo nhận định của Le Figaro, tư pháp Bỉ đang phải xử lý một trường hợp khá nhạy cảm. Nếu bác bỏ lệnh bắt của Tây Ban Nha, đây sẽ là sự sỉ nhục lớn đối với Madrid. Nếu bắt giữ, sau đó tạm giam ông Carles Puigdemont và bốn "cựu cố vấn", thì sẽ cắt đường của phe đòi độc lập trong khi cuộc bầu cử cấp vùng sắp diễn ra vào ngày 21/12 theo lời hứa của chính quyền Tây Ban Nha. Cuối cùng, tương tự hồ sơ Catalunya, Bỉ cũng đang trong tình trạng khó xử vì căng thẳng giữa hai vùng Wallonie và Flamand.
Việc giam giữ tại Tây Ban Nha hay tại Bỉ các chính trị gia được bầu một cách dân chủ có thể để lại vị đắng, dù họ chọn cách vi phạm Hiến Pháp. Các lệnh bắt giam đã làm trì hoãn cuộc đối thoại giữa hai phe mà Liên Hiệp Châu Âu trông đợi. Những ngày gần đây, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp cũng tỏ ra kín đáo hơn trong việc ủng hộ đường lối của thủ tướng Tây Ban Nha.
Khí hậu : Những thách thức thật sự tại hội nghị Bonn
Hội nghị về Khí hậu lần thứ 23 do Liên Hiệp Quốc tổ chức khai mạc tại thành phố Bonn, Đức. Đây là cuộc họp đầu tiên quy tụ đại biểu của gần 200 nước kể từ khi tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Khí hậu Paris.
Theo nhận định của Les Echos, kiềm chế nhiệt độ Trái đất không vượt thêm quá 2°C, theo nhất trí của 195 nước tại COP21, dường như ngày càng khó thực hiện được. Trang nhất của nhật báo La Croix là hàng tựa : "Khí hậu, đến lúc chuyển sang hành động" cùng với nhận định "Một COP23 không được phép sai lầm". Các Nhà nước và xã hội dân sự có hai tuần để thúc đẩy các điều kiện thực hiện cụ thể thỏa thuận về khí hậu ký năm 2015.
Trên lĩnh vực chống biến đổi khí hậu tại Pháp, trả lời phỏng vấn đài RTL, bà Ségolène Royal, vừa được bầu làm đại sứ Bắc Cực và Nam Cực, "hoan nghênh vài trò "lãnh đạo" của người đứng đầu Nhà Nước Pháp" trong hồ sơ môi trường, theo nhật báo Le Figaro.
Libération quan tâm đến việc chống biến đổi khí hậu tại Trung Quốc tại hội nghị Bonn. Trong bài phóng sự mang tựa : "COP23 : Mặt trái của năng lượng mặt trời tại Trung Quốc", đặc phái viên của nhật báo thiên tả nhận định "Bắc Kinh thể hiện là nước đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhưng một phần rất lớn trong việc sản xuất lại bị lãng phí trong một hệ thống phân phối không phù hợp".
Mỹ : Xả súng tại bang Texas
Thời sự quốc tế nổi bật là vụ xả súng trong một nhà thờ ở bang Texas được Le Figaro cập nhật. Ít nhất 27 người chết, 24 người bị thương trong buổi lễ chiều Chủ Nhật 05/11/2017. Thủ phạm chết tại chỗ, danh tính và động cơ của kẻ nổ súng hiện vẫn là một bí ẩn tuyệt đối.
Một số nhà phân tích cho rằng kiểu hành động trong các cộng đồng cô lập có lẽ thường do một người dân địa phương, bị kích động vì khát vọng báo thù hoặc vì tư tưởng giết người.
Trang nhất các nhật báo
Saudi Arabia và cuộc thanh trừng tham nhũng chưa từng có là chủ đề trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos, Le Figaro và Libération. Chiến dịch này giúp hoàng tử Salman kế nghiệp củng cố quyền lực.
Chủ đề khí hậu và chuyển sang hành động cũng là chủ đề trên trang nhất của Le Figaro và La Croix. Riêng trang nhất của Le Monde là hàng tựa "Donald Trump, chính sách ngoại giao hỗn mang" nhân chuyến công du Châu Á đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng, đồng thời kỷ niệm một năm ông được bầu làm tổng thống Mỹ.
Thu Hằng
Bom nguyên tử : Hiểm họa tái hiện
Hồ sơ lớn được các tạp chí hay tuần báo Pháp chú ý và nêu trên trang bìa rất tản mạn, mỗi tờ mỗi vẻ : Le Point với ảnh một cây cổ thụ, chạy hàng tựa ngắn "Cây cối"… trong lúc L’Obs, với ảnh vẽ một nữ sinh chiếm gần cả trang bìa, thì tìm hiểu xem "Các cô bé gái nghĩ gì" về nhà trường, về tương lai, về vấn đề phân biệt nam nữ. Gây ấn tượng mạnh nhất trong số các trang bìa có lẽ là hàng tựa "Ngày trở lại của quả bom – Le retour de la bombe" trên tạp chí L’Express.
Hình ảnh một vụ nổ bom nguyên tử. Ảnh : publicdomainpictures.net
Quả bom được nói đến chính là bom nguyên tử được minh họa bằng hình ghép cột nấm của một quả bom trùm lên một thành phố. Ngay bên dưới tấm hình, tạp chí Pháp nêu bật các hồ sơ lớn đề cập bên trong, trước tiên là câu hỏi : "Liệu Trump có thể đánh Bắc Triều Tiên hay không ?", kế đến là phân tích "Nước Iran lại trở nên đáng sợ", và sau cùng là dự đoán : "Những hiểm họa nguyên tử sắp tới".
Trong hồ sơ đặc biệt dày 16 trang về chủ đề này, L’Express ghi nhận một cách bi quan là triển vọng một thế giới không vũ khí hạt nhân đang trở nên xa vời : Trong lúc Kim Jong-un liên tiếp có những động thái khiêu khích, thì những nước khác khởi động lại tiến trình phổ biến hạt nhân.
Tạp chí Pháp dĩ nhiên là đã chú ý đến cuộc đọ sức đang leo thang – lúc này chỉ mới bằng lời nói – giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, và tự hỏi là liệu đến một lúc nào đó cuộc đấu khẩu đó có thể trở thành tai họa hay không ? Đối với tờ báo, sự trở lại của mối đe dọa hạt nhân là "triệu chứng của việc thế giới đang thiếu lãnh đạo" cũng như là "sự minh họa của việc quốc tế đang lâm vào tình trạng đại lệch lạc".
Nếu Mỹ ra tay đối với Bắc Triều Tiên ?
Trong bài viết "Nếu Mỹ ra tay thì sao", L’Express đã tìm cách đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra nếu Kim Jong-un bắn đi một hỏa tiễn, bị Mỹ cho là giọt nước làm tràn ly. Đối với tạp chí Pháp, "Cuộc chiến sẽ nguy hiểm gay go hơn nhiều so với những lời huênh hoang của Tổng thống Hoa Kỳ" vì đó sẽ là một thảm họa : Chế độ Bình Nhưỡng sẽ bị tiêu diệt, nhưng thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng vậy !
L’Express nêu bật chi tiết là Bắc Triều Tiên đã chôn sâu xuống đất tất cả các mạng lưới truyền thông và đào những con đường hầm trên khắp lãnh thổ để di chuyển quân đội và vũ khí. Trong kho vũ khí của Bắc Triều Tiên thì có khoảng từ 30 đến 60 quả bom nguyên tử, 10 ngàn đến 13 ngàn khẩu pháo đang chĩa về phía Hàn Quốc. Trong tình hình đó, đánh Bắc Triều Tiên không phải là chuyện dễ dàng.
Tạp chí Pháp đã trích lời tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, thừa nhận rằng : "Tôi không có một chút nghi ngờ gì, nếu chúng ta phải đi đến chiến tranh với Bắc Triều Tiên, chúng ta sẽ giành chiến thắng, nhưng sẽ có một số lượng nạn nhân to lớn như chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy trong sáu mươi hoặc bảy mươi năm gần đây".
“Hòa” hay “chiến” ?
Tuy vẽ ra viễn cảnh đáng sợ như vây, nhưng tờ báo cũng trấn an : "Lúc này không thấy có dấu hiệu nào cho thấy là một cuộc chiến tranh như vậy đang được chuẩn bị".
Nhưng trước những hành động bị cho là khiêu khích của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, câu hỏi thường được đặt ra là phải xử lý vấn đề ra làm sao, đánh hay là hòa. Trong bài viết mang tựa "Đánh Bình Nhưỡng hay đàm phán", L’Express đã đặt câu hỏi cho hai nữ chuyên gia Pháp : Sử gia Juliette Morillot, và nhà nghiên cứu Valérie Niquet, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược Pháp Fondation pour la recherche stratégique.
Điểm lý thú là quan điểm của hai học giả hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu bà Juliette Morillot chủ trương đàm phán, nhưng một cách nghiêm túc và không khoan nhượng, thì bà Valérie Niquet cho rằng cần phải thật cứng rắn.
Đối với bà Niquet, đã có nhiều cuộc đàm phán rồi, nhưng chẳng đi đến đâu, thậm chí còn cho phép Bình Nhưỡng, được Bắc Kinh hỗ trợ về kinh tế tài chánh, câu giờ để hoàn thiện các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ, với sự giúp đỡ của Bắc Kinh về kinh tế và tài chánh. Các biện pháp trừng phạt cũng vô hiệu, vì Trung Quốc không sốt sắng áp dụng.
Trong tình hình đó, theo bà Niquet, cần phải có thái độ thật cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên, và việc đe dọa đánh thẳng vào Bình Nhưỡng sẽ có tác dụng trên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ với đàn em. Đối với bà Niquet, đàm phán bằng mọi giá, tránh dùng đến võ lực đồng nghĩa với "không làm gì hết".
Trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, L’Express dĩ nhiên đã đề cập đến vai trò của tổng thống Mỹ Donald Trump như là một người cũng đã thổi cho căng thẳng tăng lên.
"Trump, kẻ phá hủy" ?
Courrier International cũng chú ý đến tổng thống Mỹ, nhưng dưới khía cạnh khác qua hàng tựa : "Trump, kẻ phá hủy" và minh họa bằng ảnh ông Trump phá cờ Mỹ, thổi bay các ngôi sao. Tạp chí ghi nhận : Một năm sau khi ông được bầu lên, các định chế Mỹ còn cầm cự được, nhưng đến bao giờ ?
Courrier trích dẫn nhận định các tờ báo Mỹ như The Atlantic, The New York Times, The Washington Post, nhân Diễn Đàn Thế Giới về Dân Chủ, tổ chức ở Strasbourg, miền đông nước Pháp (3-10/11)
Tạp chí tóm lược tình hình, nhắc lại là cách đây một năm, lo âu đã lên tột đỉnh sau khi ông Trump được bầu. Cuộc vận động tranh cử của ông đầy rẫy sự cố sai lệch, tạo nên lo ngại là ông sẽ hành xử một cách độc đoán.
Tuy nhiên báo The Atlantic nhìn thấy rằng hơn 9 tháng sau khi ông nhậm chức thì các định chế Mỹ vẫn có thể trụ lại được cho dù tổng thống Trump đã chà đạp dưới chân nhiều chuẩn mực, và có thể sẽ bị Tư pháp "thăm hỏi" trong hồ sơ liên hệ với Nga.
Tờ báo nhận định chưa bao giờ có một tổng thống Mỹ ít hiểu biết về nhiệm vụ của mình như thế, chưa bao giờ nói dối một cách thản nhiên như thế, sẵn sàng tấn công, chỉ trích kịch liệt như vậy, từ ngành Tư Pháp, giới truyền thông, cho đến Quốc Hội, người trong đảng Cộng Hòa của ông, một số viên chức cao cấp của ông.
Ông có vẻ khinh thường quy tắc và hành xử theo ý muốn riêng mình, lạm dụng quyền hành của mình, nhưng cho đến giờ ông Trump đã không thành công.
Tờ báo dẫn ví dụ : sắc luật nhập cư của tổng thống Mỹ, tạm cấm công dân 7 quốc gia Hồi Giáo vào Mỹ, hay mối liên hệ với Nga, Tư Pháp đã can thiệp và buộc ông Trump phải tuân theo, cho dù ông hoàn toàn không muốn. Tuy nhiên báo The Atlantic cũng nêu câu hỏi là sự kháng cự chống lại thiên hướng độc tài, thái quá, có thể kéo dài đến bao giờ ?
Tờ New York Times cũng chú ý đến việc khía cạnh thái quá của chủ nhân Nhà Trắng vốn vẫn gây lo ngại. Ông đã biến hoạt động chính trị của mình thành một màn kịch thường xuyên. Riêng đối với tờ Washington Post, ông Trump đã vô tình đã đánh thức tinh thần công dân của người Mỹ trên cả nước.
Courrier International nêu kết quả thăm dò dư luận của viện Gallup, thực hiện từ mùng 6 đến 22/10, tại Mỹ, ông Trump được 38% người tín nhiệm, 58% không tin tưởng. Tuy nhiên trong thành phần cử tri đảng Cộng Hòa thì ông vẫn được 80% người ủng hộ.
Tổng thống Trump nên bớt phát biểu …''linh tinh''
Tuần báo L’Obs thì chú ý dến những người mà ông Trump làm cho thất vọng. Phóng viên của tạp chí đã đi đến 3 tiểu bang vùng Midwest, Wisconsin, Michigan, Pensylvania, nơi mà cử tri đã gây bất ngờ khi bầu cho ông Trump. Tờ báo nhìn thấy là một năm sau, giữa con số đông đảo cử tri vẫn còn trung thành, số người không chịu được ông nữa cũng không ít, tuy rằng họ không cho thấy lộ liễu.
Nhưng cái gì đã làm cho họ bực tức như thế ? Chủ yếu là những phát biểu ‘linh tinh’ của Trump, như lời của Jack Jenson, một cựu quân nhân, mà phóng viên của L’Obs đã gặp. Ông Jenson đã từng bỏ phiếu cho Obama, nhưng đã quay sang ủng hộ Trump. Giờ đây thì ông không chịu nổi, mỗi khi ông Trump mở miệng : "Ông có nghe những điều ngu xuẩn ông ấy nói hay không ? về Porto Rico, về Triều Tiên... Tôi có rất nhiều bạn đóng ở Hàn Quốc hay ở Guam, tôi hiểu tình hình. Ông Trump có can đảm nói lên điều ông nghĩ, tốt thôi. Có điều mỗi lần mở miệng thì tôi rất ghét. Ông ta nên câm miệng thì hơn."
Theo bài phóng sự thì những Jenson từng bỏ phiếu cho ông giờ đây chỉ muốn ông Trump câm miệng, là khá đông. Nhưng nghịch lý là, không ít người cho biết là họ có thể sẽ bầu lại ông một lần nữa.
Trung Quốc không cử người kế vị Tập Cận Bình : Nguy hiểm !
Về Châu Á, Courrier International, trích dẫn bài viết trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông đã thắc mắc đặt câu hỏi "Tập Cận Bình tỏa sáng nhưng đến bao giờ ?"
Như dự kiến, Đại Hội 19 của đảng cộng sản đã cho nhân vật số 1 của Trung Quốc một nhiệm kỳ mới 5 năm. Quyền lực Tập Cận Bình được củng cố, nhưng không có người thừa kế được chỉ định. Một tình hình đáng ngại.
Tờ báo Hồng Kông ghi nhận về mặt nhân sự, những người được chỉ định trong ê kíp cầm quyền thì có nhiều gương mặt mới, (phần đông trung thành với ông Tập Cận Bình) được đưa vào Bộ Chính Trị và Ủy Ban Thường Vụ, nhưng không có chấp hành quy định bất thành văn theo đó ‘một người thừa kế được chỉ định’ nhân dịp này.
Đây là một sự thay đổi không nên xem nhẹ, do tầm quan trọng của nó đối với tổ chức của đảng.
Việc chuyển giao quyền hạn ở thượng tầng đảng cộng sản có tầm quan trọng hàng đầu và theo một tiến trình bí ẩn, với những cuộc đấu đá hung hãn giữa các lãnh đạo cao cấp. Cho nên năm 1978, hai năm sau cái chết của Mao và việc nhóm Tứ Nhân Bang bị dẹp, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đã lập ra "ban lãnh đạo tập thể" ở cấp cao nhất trong đảng để đừng rơi vào tình trạng Mao tập trung quyền hành như trước đó.
Ông cũng cố gắng chỉ định người thừa kế nhiệm vụ, để tránh việc đấu đá giữa các phe phái. Và theo tiến trình đó, ông Hồ Cẩm Đào đã lên nắm quyền vào năm 2002, và ông Tập Cận Bình năm 2012. Việc đề cử trước người kế nhiệm này có vai trò tích cực là tránh được, ít ra là ở bề mặt, những cuộc đấu đá hung hăng bùng lên. Giới quan sát cũng có thể thấy được những đường hướng tương lai, tạo ra cảm giác chính trị ổn định, người Trung Quốc biết được lãnh đạo của mình là ai, quốc tế thì thấy xu hướng tương lai.
Theo tờ Minh Báo, ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình đã được thuận lợi nhờ tiến trình chỉ định trước đó.
Nhiều người cho là ông Tập Cận Bình muốn tạo cơ hội để cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ 3, người thì nói ông muốn khuyến khích những gương mặt mới. Thế nhưng với việc thiếu bố trí người thừa kế này, tương lai chính trị Trung Quốc lại mập mờ hơn - cho dù ông Tập có ở lại thêm 5 năm nữa - thậm chí còn để cửa mở cho những cuộc tranh giành quyền lực không có lợi cho dân chúng.
Mai Vân
Bắc Triều Tiên và kinh tế : hai đích chính chuyến đi Châu Á của Trump
Gọng kìm khép lại đối với phe đòi độc lập Catalunya, tổng thống Mỹ châm ngòi cho "vụ nổ lớn" trong lĩnh vực thuế, là một số tựa chính trang nhất báo Pháp hôm nay. Tuy nhiên, một chủ đề quốc tế thu hút hàng đầu là chuyến công du của tổng thống Mỹ tại Châu Á, chuyến đi dài nhất của một nguyên thủ Mỹ kể từ 25 năm qua. Libération có bài phân tích "Trump công du Châu Á tìm cách chinh phục đối tác".
Ám ảnh chiến tranh lơ lửng trên bán đảo Triều Tiên. Một áp phích tuyên truyền của Bình Nhưỡng, mô tả tổng thống Mỹ tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc đe dọa tiêu diệt 25 triệu dân Bắc Triều Tiên. Ảnh công bố ngày 16/10/2017. NK News/Handout via Reuters
Hồ sơ của Libération nhấn mạnh đến hai mục tiêu chính của tổng thống Mỹ trong chuyến đi này : tái khẳng định lập trường của Nhà Trắng về Bắc Triều Tiên, và thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ tại khu vực, trước hết là với Trung Quốc. Minh họa cho bài viết là ảnh một phụ nữ Trung Quốc, trong trang phục cổ truyền, quý phái, tự chụp ảnh mình, với phông nền là tượng tổng thống Donald Trump bằng sáp. Bức ảnh được thực hiện ngày 8/3/2017, tại tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), miền đông bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ là điểm đến thứ ba của tổng thống Mỹ. Trong vòng 12 ngày, tổng thống Mỹ sẽ công du trước hết Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Lindsey Ford, Viện Asia Society Policy Institute, ưu tiên trước hết của chính quyền Mỹ là "tạo được một đồng thuận về áp lực kinh tế và ngoại giao, đối với chế độ Bình Nhưỡng". Cụ thể là Washington sẽ phải thuyết phục được Bắc Kinh có các trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn nữa đối với Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu rất được trông đợi về hồ sơ Bắc Triều Tiên trước Quốc Hội Hàn Quốc.
Trump - Bắc Triều Tiên : Chính sách mơ hồ
Theo Libération, khả năng ông Trump đạt được đồng thuận với Trung Quốc trong vấn đề này là rất thấp. Hố ngăn cách giữa hai bên là rất sâu. Hai bên, tuy đồng thuận về "mối nguy hiểm" của "cậu nhóc hỏa tiễn", biệt hiệu của Kim Jong-un, theo cách nói của Donald Trump, nhưng trong khi ông Trump muốn Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Bắc Triều Tiên, thì Bắc Kinh chủ trương "áp lực kinh tế" từ từ, để tránh chế độ này sụp đổ.
Hố ngăn cách Mỹ - Trung khó san bằng còn có một lý do khác. Đó là chính sách "hoàn toàn không rõ ràng" của chính quyền Mỹ đối với Bắc Triều Tiên, kể từ khi ông Trump lên cầm quyền. Trong lúc khẳng định cần có một giải pháp ngoại giao trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ liên tục có những phát biểu khiến người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ chỉ có một giải pháp duy nhất là can thiệp "quân sự". Hồi tháng 9, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên. Tiếp theo đó, ông Trump lại phán rằng ngoại trưởng Tillerson "chỉ phí thời gian" thảo luận với Bình Nhưỡng.
Vẫn theo chuyên gia an ninh Lindsey Ford, chiến lược của chính quyền Trump trên thực tế "không khác gì lắm" so với thời Obama, nhưng có điều các phát biểu hung hăng của tổng thống Mỹ gây lo ngại và nghi ngờ. Chưa nói đến Trung Quốc, cả các đồng minh của Hoa Kỳ cũng phải đặt câu hỏi nước Mỹ thời Donald Trump thực sự muốn gì ?
Về mặt lịch trình của chuyến đi, theo Libération, dù sao dường như tổng thống Mỹ cũng có một số biểu hiện cho thấy không muốn làm khủng hoảng Bắc Triều Tiên gia tăng. Ông Trump đã quyết định không đến khu vực phi quân sự, tức biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên, ngược lại với phần lớn các tổng thống Mỹ tiền nhiệm từ hơn 30 năm nay. Theo bình luận của người phát ngôn của Nhà Trắng, một chuyến đi thăm vùng phi quân sự thực ra giờ đây đã trở thành "một tập quán sáo mòn", không còn nhiều ý nghĩa.
Phái đoàn kinh tế Mỹ đến Bắc Kinh rầm rộ, nhưng thiếu chuẩn bị
Trái ngược với hồ sơ Bắc Triều Tiên có vẻ như đang hết sức mơ hồ, theo Libération, mục tiêu siết chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc của tổng thống Mỹ là điều hiển hiện. Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ đến Bắc Kinh, với một đội ngũ đông đảo các chủ tập đoàn lớn như vậy kể từ thời Ronald Reagan những năm 1980. Hơn 40 đại công ty cùng đi với tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, cũng khác hẳn với vẻ ngoài rầm rộ, là thực chất "thiếu chuẩn bị", như lo ngại của chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc Amcham China, ông William Zarif. Thông thường trước một chuyến đi quan trọng như thế này, hai bên phải có một loạt các cuộc gặp cấp cao, tuy nhiên điều này không xảy ra.
Trên thực tế, chính quyền Trump phải đối mặt với một thách thức rất lớn, thâm hụt thương mại hàng trăm tỉ đô la với Hoa Lục. Với chuyến đi này, tổng thống Mỹ hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để bù đắp cán cân thâm hụt, với hàng loạt hợp đồng mới được ký kết. Tuy nhiên, giới chuyên môn không mấy tin tưởng. Lãnh đạo Phòng Thương Mại Mỹ không tin vào phép mầu, cho dù ông vẫn muốn nuôi hy vọng.
Còn theo cựu giám đốc về Trung Quốc của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hai đời tổng thống tiền nhiệm, ông Paul Haenle, thì mục tiêu chủ yếu của tổng thống Mỹ vẫn là đánh bóng hình ảnh của mình, để khoe khoang với cử tri Mỹ, như là người chiến thắng với hàng loạt hợp đồng mới.
Hồ sơ Biển Đông bị ra rìa
Cũng về chuyến đi của tổng thống Mỹ, trong lúc thương mại và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên được coi là hai trọng tâm chính, Les Echos chú ý đến sự thờ ơ của ông Donald Trump với hồ sơ Biển Đông, vùng biển đang bị Trung Quốc nỗ lực chiếm làm của riêng.
Theo Les Echos, trong bối cảnh thiếu một chính sách rõ ràng của tổng thống Mỹ, các cuộc tuần tra của Hải Quân Hoa Kỳ, tại các vùng thuộc phạm vi 12 hải lý của các đảo do Trung Quốc kiểm soát, sẽ chỉ là "những hành động đe dọa, không có mục tiêu rõ ràng". Tổng thống Trump nhìn chung đang dỡ bỏ chiến lược xoay trục sang Châu Á của tổng thống tiền nhiệm, mà "không hề đề xuất gì để thay thế".
Thuế : Tổng thống Trump châm ngòi "một vụ nổ lớn"
Vẫn về chính quyền Mỹ, nhưng trong hồ sơ kinh tế, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Thuế : Trump châm ngòi cho một vụ nổ lớn". Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị một dự án cải cách thuế lớn, dự kiến sẽ phải được thông qua trước cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.
Sau nhiều tranh luận quyết liệt, nội dung của dự án cải cách thuế đã được các lãnh đạo Cộng Hòa tại Hạ Viện trình ra vào buổi tối hôm qua. Les Echos có bài xã luận, so sánh dự án cải cách thuế của ông Trump với cựu tổng thống Reagan.
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ bằng mọi giá phải đạt được một thành công quyết định của dự án này, trong lúc phần lớn các hứa hẹn tranh cử của ông Trump đã không được thực hiện. Theo Les Echos, nguyên tắc của dự án cải cách rất đơn giản : đó là giảm thuế đối với các doanh nghiệp, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một nguyên tắc hoàn toàn giống với chính sách của Reagan.
Điều nguy hiểm của chính sách này là, để bù lại phần thu thuế bị giảm, gánh nặng thuế sẽ đè nặng lên các tầng lớp trung lưu, bên cạnh đó nợ công sẽ tăng vọt, trong lúc khó dự báo được các hệ quả tích cực của cuộc cải cách.
Một trong những nội dung rất được chú ý của dự án này là việc Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một hệ thống thuế mới, thu thuế các doanh nghiệp Mỹ, dựa trên các hoạt động trong nước, thay vì căn cứ trên các hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, mức thuế của các doanh nghiệp Mỹ là 35% lợi nhuận, mức thuế được coi là đứng đầu thế giới (so với 33% của Pháp, hay 30% của Nhật).
Hệ thống thuế này của Hoa Kỳ bị chỉ trích rất mạnh, tuy nhiên, nếu ngừng đánh thuế trên toàn cầu, cũng đồng nghĩa với việc cổ vũ cho việc doanh nghiệp di chuyển cơ sở ra những nước, có mức đánh thuế thấp hơn. Theo Les Echos, rất có khả năng, các nghị sĩ Mỹ sẽ thông qua một sắc thuế mang tính tối thiểu, đối với khoản lợi nhuận, thu được từ nước ngoài.
Bê bối tình dục có thể nhấn chìm chính phủ Anh
Trong lĩnh vực chính trị xã hội, nạn bạo hành tình dục tiếp tục gây chấn động, lần này không phải là trong giới nghệ sĩ, mà là trong chính giới. Le Monde có bài "Bạo hành : Chính phủ May chao đảo". Sau một tuần thông tin về bê bối tình dục được đưa lên truyền thông, hôm thứ Tư 1/11, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, một người thân cận với thủ tướng Theresa May phải thông báo từ chức.
Lý do chính thức của việc từ chức của ông Michael Fallon, 65 tuổi, hiện không thực sự rõ ràng. Bê bối của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Anh trực tiếp liên quan đến một vụ "đụng chạm" xảy ra hồi 2002. Người tố cáo cựu bộ trưởng là một nữ phóng viên chính trị cho biết chính trị gia này đã nhiều lần đặt tay lên đùi cô, dưới gầm bàn, trong một cuộc gặp bên lề một hội nghị của đảng Bảo Thủ.
Theo nữ phóng viên, vụ việc này là nhỏ, và bản thân cô đã có phản ứng thích đáng vào thời điểm đó, nhưng điều quan trọng là đùi cô không phải là trường hợp duy nhất, và có những phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng hơn nhiều.
Việc bộ trưởng Quốc Phòng Anh phải từ chức, theo Le Monde, có thể liên quan đến một loạt các vụ bạo hành tình dục khác, được phát lộ trong cùng thời gian này. Nhân vật số hai của chính phủ Anh, Damian Green, 61 tuổi, cũng vừa bị một nữ đảng viên đảng bảo thủ, trẻ hơn chừng 30 tuổi, cáo buộc cùng một hành vi.
Cách mạng tháng 10 : Một "thảm họa lịch sử"
Trong lĩnh vực lịch sử, đáng chú ý có bài phỏng vấn dài của báo Le Figaro với nhà sử học Stephan Courtois, với tựa đề "Cách mạng tháng 10 Nga, một thảm họa lịch sử".
Nhà sử học kỳ cựu người Pháp cảnh báo sau thế kỷ XX, thế kỷ của sự ra đời của học thuyết toàn trị, với các hình mẫu là chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, chủ nghĩa phát xít Đức, nếu không cảnh giác nhân loại thế kỷ XXI sẽ tiếp tục phải chứng kiến sự ra đời của các chế độ toàn trị mới.
Trọng Thành
Quốc Hội Mỹ chuẩn bị trừng phạt quân đội Miến Điện (RFI, 04/11/2017)
Một nhóm dân biểu Hạ Viện Mỹ hôm 03/11/2017 đã trình lên một dự luật trừng phạt quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh, cho thấy Quốc Hội Hoa Kỳ đã cứng rắn hơn trong vấn đề người Rohingya.
Quân đội Miến Điện bị tố cáo là thủ phạm các hành động tàn ác nhắm vào cộng đồng Rohingya. Trong ảnh, một cảnh tượng ở làng Tin May, sau một cuộc tấn công của quân đội, ngày 14/07/2017. Reuters
Dự luật này hạn chế các hoạt động hợp tác quân sự với Miến Điện, và đòi chính quyền Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các tướng tá có liên can đến những vụ bạo động người thiểu số Rohingya. Nhiều dân biểu cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đều ủng hộ, nên dự luật có nhiều khả năng được thông qua tại Hạ Viện.
Ở Thượng Viện, một dự luật tương tự đã được đệ trình bởi thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, thượng nghị sĩ Dân Chủ phụ trách đối ngoại Ben Cardin, và các nghị sĩ khác của cả hai đảng. Dự thảo này đề nghị cấm trở lại việc nhập khẩu hồng ngọc và cẩm thạch của Miến Điện.
Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố : "Luật pháp của chúng ta phải buộc các lãnh đạo quân sự cao cấp phải trả giá – những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát người vô tội, khiến người dân phải di tản". Còn thượng nghị sĩ Ben Cardin cảnh báo : "Họ sẽ phải chịu hậu quả về tội ác chống nhân loại".
Quốc Hội Hoa Kỳ muốn gởi đi một thông điệp rõ ràng, tăng sức ép lên quân đội Miến Điện, mà Liên Hiệp Quốc từng tố cáo là "thanh lọc chủng tộc".
Hôm 24/10, Washington đã loan báo một số biện pháp trừng phạt như ngưng xét cấp visa cho các tướng tá Miến Điện, hủy lời mời các quan chức cao cấp trong lực lượng an ninh Miến Điện tham dự các sự kiện tại Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Mỹ tránh chỉ trích bà Aung San Suu Kyi, phân biệt rõ chính quyền dân sự với phe quân sự.
Thụy My
******************
Liên Hiệp Quốc : Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya (RFI, 03/11/2017)
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, ngày 02/11/2017, đã yêu cầu Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya tị nạn tại Bangladesh và cho phép họ hồi hương.
Ảnh một trại tỵ nạn người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 20/10/2017.Reuters/Jorge Silva
Người phụ trách Phủ Cao Ủy Tị Nạn nhấn mạnh : "Không thể để những người này mãi không có quốc tịch vì tình trạng này còn khiến họ bị phân biệt và lạm dụng, như từng xảy ra trong quá khứ".
Bị quân đội Miến Điện trấn áp, hơn 600.000 người Rohingya đã phải trốn sang Bangladesh từ cuối tháng 08/2017. "Để những người này có thể hồi hương và ổn định cuộc sống, cần phải giải quyết vấn đề quyền công dân của họ, được đánh giá là rất phức tạp", theo phát biểu của ông Grandi trước báo giới tại Hội Đồng Bảo An.
Vẫn theo ông, ngoài việc công nhận quyền công dân, chính phủ Miến Điện còn phải thông qua một chương trình phát triển cho bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất nước này.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện
Hãng tin AFP cho biết vấn đề người tị nạn Rohingya sẽ là một trong số các chủ đề nghị sự trong chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, bắt đầu từ ngày 15/11. Theo một bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Tillerson sẽ gặp gỡ "các nhà lãnh đạo cao cấp" Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw để bàn về "các hoạt động trước cuộc khủng hoảng nhân đạo tại bang Rakhine và sự hỗ trợ của Mỹ trong tiến trình quá độ dân chủ tại Miến Điện".
Trước khi đến Miến Điện, ngoại trưởng Mỹ tháp tùng tổng thống Donald Trump trong chuyến công du Châu Á đầu tiên nhân hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng và sẽ đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Khoảng 600.000 người Rohingya vô tổ quốc nằm trong số ít nhất 3 triệu người không có quốc tịch trên toàn thế giới được thống kê trong bản báo cáo công bố ngày 03/11/2017 của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Bản báo cáo ghi nhận một số tiến bộ trong thời gian qua, như tại Thái Lan, khoảng 30.000 người đã được chính phủ cấp quốc tịch từ năm 2012. Còn tại Châu Phi, người Makondés đã được công nhận là một bộ tộc tại Kenya vào năm 2016.
Thu Hằng
****************Lãnh đạo Miến Điện Suu Kyi lần đầu tiên đi thăm bang Rakhine (RFI, 02/11/2017)
Bà Aung San Suu Kyi ngày 02/11/2017 lần đầu tiên đến thăm bang Rakhine trong tư cách nhân vật lãnh đạo Miến Điện. Đây là khu vực có đa số cư dân là người Hồi giáo Rohingya mà hơn nửa triệu người trong thời gian qua đã phải bỏ chay qua tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh do các chiến dịch bố ráp của Quân Đội Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi đến Sittwe, Rakhine, ngày 02/11/2017. Reuters/Stringer
Bà Aung Sann Suu Kyi đã đến Sittwe, thủ phủ bang Rakhine vào buổi sáng, rồi sau đó đi ngay đến vùng phía Bắc của bang, nơi có nhiều ngôi làng của sắc dân Rohingya.
Ông Tin Maung Swe, một lãnh đạo trong chính quyền bang Rakhine, cho biết : "Bà Cố Vấn Quốc Gia vừa đến nhưng bà ấy đang đi lên Maungdaw, ở miền bắc Rakhine, cùng với các quan chức của bang". Cố Vấn Quốc Gia là chức danh chính thức của bà Aung San Suu Kyi từ khi lên cầm quyền.
Phát ngôn viên của chính phủ Zaw Htay thì từ chối tiết lộ chương trình làm việc của bà Suu Kyi, viện dẫn lý do an ninh.
Đây không phải là lần đầu tiên mà bà Aung San Suu Kyi đến thăm bang Rakhine. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2015, bà đã đến miền Nam Rakhine, nơi không xẩy ra nhiều xung đột. Nhưng hôm nay, là lần đầu tiên bà đến Rakhine, và đến miền Bắc, nơi đang bị khủng hoảng gay gắt.
Chuyến thăm này diễn ra sau khi nhân vật số một trong chính quyền dân sự tại Miến Điện bị quốc tế chỉ trích về phản ứng quá thụ động trước trong làn sóng di cư của người Rohingya chạy qua Bangladesh để tránh các chiến dịch của quân đội Miến Điện, bị chính Liên Hiệp Quốc gọi là một cuộc thanh lọc sắc tộc.
Từ ngày 25 tháng Tám đến nay, đã có hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya trốn sang Bangladesh, khi các lực lượng an ninh ở Miến Điện, nước có đa số theo Phật giáo, bắt đầu những hoạt động được gọi là chiến dịch dẹp loạn nhằm đối phó với những cuộc tấn công đẫm máu của quân nổi dậy vào các đồn cảnh sát.
Chiến dịch này bị tố cáo là bao gồm cả việc đốt cháy các ngôi làng của người Rohingya và các vụ vi phạm nhân quyền trên bình diện rộng như hãm hiếp phụ nữ, nổ súng giết người do binh lính Miến Điện hay đám đông người Phật giáo tiến hành.
Làn sóng di cư qua Bangladesh đã chậm lại ở một số điểm nhưng chưa dừng hẳn. Vào sáng nay, vẫn có ít nhất 2000 người Rohingya trong tình trạng hoảng hốt và đói khát, bám trụ tại các ruộng lúa gần một đường biên giới băng qua sông Naf. Họ đã đợi hơn 24 giờ để được phép vào Bangladesh.
Trọng Nghĩa
*****************
Miến Điện trách Bangladesh chậm cho hồi hương người Rohingya (RFA, 01/11/2017)
Người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hôm 01/11/2017. AFP
Miến Điện lên tiếng đổ lỗi cho Bangladesh đã làm trì hoãn tiến độ hồi hương của người Hồi giáo Rohingya đang ở trong các trại tị nạn trở về Myanmar, trong lúc Liên Hiệp Quốc cáo buộc Chính phủ Miến thực hiện cuộc thanh tảo sắc tộc khiến hơn 600.000 người thiểu số ở bang Rakhine phải chạy sang nước này lánh nạn.
Phát ngôn nhân Zaw Htay của Chính phủ Miến, vào ngày 1 tháng 11 nói với AFP rằng Myanmar sẵn sàng nhận về số người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh bất cứ lúc nào nhưng Dhaka vẫn cứ xem xét thỏa thuận giữa hai quốc gia và vẫn chưa gửi danh sách liệt kê cụ thể những người đã rời Miến kể từ ngày 25 tháng 8 cho đến nay.
Phát ngôn nhân của Chính phủ Miến nói thêm rằng Dhaka đã nhận gần 400 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh nên Miến Điện e rằng Bangladesh đang trì hoãn chương trình hồi hương cho những người tị nạn này.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Bangladesh phủ nhận cáo buộc của Chính phủ Miến. Giới chức ngoại giao này nói với AFP hai nước đang làm việc để vượt qua những khác biệt trong hiệp định về thoả thuận hồi hương cho người tị nạn Rohingya.
Trọng Nghĩa
Daesh : Sáu mặt trận chống khủng bố chưa hồi kết trên thế giới
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), tưởng như thất trận ở Syria và Iraq, vẫn còn chân rết ở khắp nơi, nhờ những "con sói đơn độc". Trở lại vụ tấn công tại New York, trang nhất của Libération đưa hàng tựa lớn "Daesh, hậu Daesh", với nhận định : "Cuộc tấn công hôm thứ Ba (31/10/2017) nhắc lại rằng sự sụp đổ của "quốc gia Hồi giáo califa" tại Iraq và Syria vẫn không phá vỡ được chiến dịch reo rắc sợ hãi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, vẫn hiển hiện ở nhiều vùng khác nhau, từ khu vực Sahel (Châu Phi) đến Đông Nam Á".
Cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo được phô trương trong làng Akhtarin, phía bắc Aleppo (Syria). Ảnh minh họa Reuters/Khalil Ashawi
Nhật báo Libération liệt kê 6 mặt trận chưa có hồi kết trên khắp thế giới :
Các nước "kẻ thù" : Tấn công ngay khi có thể
Không oanh kích như tại Raqqa hay Mosul, không có chi nhánh ở phương Tây, nhưng những kẻ thánh chiến có thể ra tay ngay khi có điều kiện. Từ giữa năm 2014, các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ Syria hoặc Iraq trở về, những "con sói đơn độc" ra tay theo lời kêu gọi của Daesh, dù chưa một lần đến "vương quốc Hồi giáo" tự xưng, đã tấn công Bruxelles, Luân Đôn, Manchester, Berlin, Paris, Marseille, Nice hay Magnanville (ngoại ô Paris).
Họ tấn công với những dụng cụ có trong tay, từ một con dao đến xe hơi hoặc xe tải để "giết người bằng bất kỳ cách nào" theo lời kêu gọi của cựu phát ngôn viên của Daesh, Mohammed al-Adnani, ngay từ tháng 09/2014. Tính đến tháng 02/2017, Daesh đã thực hiện hoặc truyền cảm cho hơn 140 vụ tấn công tại 29 nước, không kể Syria và Iraq, và giết chết ít nhất 2.000 người.
Daesh không sáng tạo ra gì hết mà chỉ áp dụng lý thuyết của al-Qaeda, có nghĩa là tấn công không ngừng nghỉ các nước phương Tây, đặc biệt là bằng những cuộc tấn công quy mô nhỏ, để làm người dân mệt mỏi và đẩy họ chống lại người Hồi giáo và từ đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến.
Syria và Iraq : Vương quốc "califat" tự xưng
Lãnh thổ của vương quốc Hồi giáo "califat" tự xưng vào tháng 06/2014 tại Iraq và Syria rộng bằng diện tích của Bồ Đào Nha. Nhưng hiện giờ, Daesh chỉ còn chiếm khoảng 10% diện tích nằm gọn trong thung lũng sông Euphrat, sát biên giới với Syria. Vài nghìn chiến binh, địa phương và nước ngoài, đang cố thủ tại đây trước cuộc phản công của lực lượng Iraq bắt đầu từ tuần trước để chiếm lại al-Qaim và các khu vực lân cận nhằm chấm dứt sự hiện diện của Daesh ngay trên quê hương của tổ chức này. Được liên quân quốc tế yểm trợ, cuộc tấn công có vẻ tiến triển nhanh.
Đông Nam Á : Khủng hoảng Rohingya, "bánh thánh" cho Daesh
Hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Châu Á dường như đang được kiềm chết : Thủ lĩnh Isnilon Hapilon của Daesh tại Đông Nam Á bị quân đội Philippines triệt hạ ; ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Indonesia đã bị kiềm chế sau loạt khủng bố tại Jakarta ; sự bành chướng của các cơ sở Daesh tại Bangladesh bị ngăn chặn sau vụ khủng bố đẫm máu ở Dacca (07/2016).
Tuy nhiên, làn sóng người Rohingya Miến Điện theo Hồi giáo đang phải trốn sang Bangladesh có thể là đối tượng mới cho tuyên truyền thánh chiến. Dù quân nổi dậy Rohingya khẳng định không có bất kỳ quan hệ nào với các tổ chức thánh chiến, nhưng các nhóm nước ngoài đang cố biến bang Rakhin thành một "Palestine mới" và bắt đầu chiêu quân dưới danh nghĩa này. Tháng 09/2017, bộ trưởng quốc phòng Malaysia đã lên tiếng báo động : "Nếu chúng ta bỏ mặc người Rohingya trong thất vọng, các nước trong vùng sẽ phải trả giá".
Trung Á : Trung Quốc và Nga trong tầm ngắm của Daesh ?
Uzbekistan, quê hương của kẻ tấn công tại Manhattan ngày 31/10/2017, không phải là một vùng đất của Daesh. Tuy nhiên, rất nhiều người Uzbekistan gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq. Theo nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Á, "Daesh đang chuyển sang phía Trung Á" với việc thánh lập chi nhánh mang tên "tỉnh Khorassan" ở Afghanistan từ cuối năm 2014. Dù không cử lãnh đạo sang, nhưng Daesh có được sự liên minh của các cựu chiến binh Taliban, thanh niên Afghanistan và Pakistan - những tín đồ của thánh chiến mang quy mô quốc tế, trong khi Taliban chỉ tìm cách chiếm lại quyền ở Afghanistan. Tuy nhiên, Daesh không gặp thuận lợi trong việc mở rộng tại đây, hiện chỉ hoạt động ở vài huyện của tỉnh Nangarhar, nằm sát biên giới với Pakistan.
Châu Phi : al-Qaeda và Daesh vẫn hoành hành
Tại Châu Phi, Daesh nhắm đến Libya và đây là nước duy nhất Daesh cử lãnh đạo sang để xây dựng và tổ chức chi nhánh thánh chiến. Tuy nhiên, sau hai năm, lực lượng Daesh tại đây bị phân tán, yếu thế và buộc phải rút vào hoạt động bí mật.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số chi nhánh khác của Daesh tại Châu Phi : Boko Haram tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, dù hiện chưa có bất kỳ yếu tố nào cho thấy có sự phối hợp hành động giữa hai bên ; tổ chức Những binh sĩ của Vương quốc Hồi giáo tại Algeria, tổ chức Đại Sahara hoạt động tại Mali, Burkina Faso và Niger.
Bên cạnh đó, al-Qaeda vẫn hoạt động mạnh trong vùng : tổ chức Shebab tại Somalia, tổ chức ủng hộ Hồi giáo vào người Hồi giáo (Jamaat Nosrat al-Islam wal-Mouslimin) tại vùng Sahel…
Ai Cập : Người du mục Bedouin tuyên thệ trung thành với Daesh
Trên bán đảo Sinai, một nhóm thánh chiến địa phương, gồm khoảng 1.000 đến 2.000 thành viên, chủ yếu người du mục Bedouin, đã tuyên thệ trung thành với Daesh vào năm 2014 và đã sát hại vài trăm cảnh sát và quân nhân Ai Cập. Lực lượng Daesh địa phương cũng nhắm vào người theo đạo chính thống với vụ khủng bố đẫm máu vào đúng mùa Phục Sinh 2017 khiến 29 người chết. Sự hiện diện của Daesh trên bán đảo Sinai cũng khiến Israel lo ngại.
Sau vụ tấn công tại New York, tổng thống Mỹ gia tăng kiểm soát nhập cư
Sau vụ tấn công bằng xe tải khiến 8 người chết ở New York mà thủ phạm là một người gốc Uzbekistan, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi bãi bỏ việc rút thăm "thẻ xanh" (giấy phép thường trú) mà 50.000 nước ngoài được hưởng mỗi năm.
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, thêm một lần nữa "tổng thống Donald Trump lại gây tranh cãi về vấn đề nhập cư" vì đây không phải là lần đầu tiên ông chỉ trích chương trình cấp thẻ xanh bằng cách rút thăm có từ những năm 1980. Tháng 08/2017, chủ nhân Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật của hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa muốn thắt chặt quy định đoàn tụ gia đình và lập một hệ thống dựa trên thành tích để đạt mục đích cuối cùng là hạn chế một nửa số người nước ngoài vào Mỹ.
Theo bài xã luận của Libération, vụ tấn công tại New York cho thấy điểm yếu của các biện pháp hạn chế tự do trong cuộc chiến chống khủng bố : Không phải cứ khép cửa biên giới là có thể hạn chế được nguy cơ tấn công. Hiệu quả phòng ngừa phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan tình báo và cảnh sát theo khuôn khổ luật pháp và đặc biệt là cần phương tiện và quân số.
Bài xã luận của La Croix nhận định vụ tấn công ngày 31/10 một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ không được trang bị kỹ trước nguy cơ khủng bố. Tổng thống Trump yêu cầu gia tăng kiểm soát người nước ngoài muốn vào Mỹ, thế nhưng, thủ phạm vụ tấn công lại sống ở Hoa Kỳ từ 2010, hơn nữa cách hành động dường như không cần quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vắng Mỹ, 11 nước Thái Bình Dương tìm cách khôi phục TPP
Chuyển sang khu vực Châu Á, nhật báo Le Figaro đưa tin "11 nước vùng Thái Bình Dương làm tái sinh thỏa thuận mà Trump bác bỏ".
Thủ tướng Nhật Bản đã tiếp đón 11 nước cam kết phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Urayasu (ngoại ô Tokyo). Như các nhà lãnh đạo khác, ông Abe cho rằng TPP là cơ hội duy nhất để cải cách và hiện đại hóa Nhật Bản, đặt biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
TPP sẽ mở ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Nhật, trong bối cảnh thị trường nội địa bị thu hẹp vì tình trạng lão hóa dân số. Ngoài ra, thỏa thuận này còn giúp Nhật Bản trở thành "thủ lĩnh trong vùng", vị trí mà xứ hoa anh đào chưa từng nắm giữ dù nền kinh tế phát triển mạnh mẽ từ sau Thế Chiến II.
Nhưng liệu các nước trong vùng có hiểu được nhau hay không nêu không có đầu tầu Mỹ ? Đây là câu hỏi của Le Figaro. Vì từ lâu, Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian, vừa về thương mại lẫn quân sự, trong vùng. Ngoài ra, thị trường Mỹ luôn là một nguồn cơ hội dồi dào, đặc biệt cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Các nước còn lại muốn đạt được một thỏa thuận vào tháng 11, trước khi gửi đến Hoa Kỳ để thuyết phục Chú Sam trở lại.
Tổng thống Pháp cải cách quy định trao Bắc Đẩu Bội Tinh
Ngày 02/11/2017, Hội đồng Bộ trưởng Pháp sẽ xác nhận một số thay đổi liên quan đến việc trao huân chương Bắc Đầu Bội Tinh. Hai thay đổi quan trọng là giảm số lượng huân chương được trao và căn cứ theo tiêu chí công lao.
Tổng thống Pháp muốn "khôi phục giá trị" của Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh ra đời năm 1802 dưới thời hoàng đế Bonaparte. Vì vậy, ông Macron muốn giảm rõ rệt số người được trao tặng, mà ví dụ điển hình là chỉ có 101 người (trong đó có 51 phụ nữ) được trao huân chương danh giá này nhân dịp Quốc khánh Pháp 14/07 vừa qua.
Quyết định mới này có thể sẽ làm xáo trộn một số "tục lệ", như trao ruy băng đỏ cho một số người nổi tiếng : các cựu bộ trưởng, thành viên Viện Hàn Lâm và cựu đại sứ. Lực lượng quân nhân, hiện chiếm khoảng 40% số lượng huân chương, cũng sẽ bị tác động.
Trang nhất các nhật báo
Trừ Le Monde ra số đúp nhân lễ Các Thánh (Toussaint), bốn nhật báo Pháp còn lại ra ngày 02/11/2017 đề cập đến bốn chủ đề khác nhau trên trang nhất. Le Figaro quan tâm đến những quy định mới về việc trao bắc đẩu bội tinh mới được tổng thống Pháp Macron ban hành. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin "Châu Âu vượt Hoa Kỳ về tăng trưởng". Với truyền thống ngày lễ Toussaint, tại Pháp là dịp tảo mộ, nhật báo công giáo La Croix nhận định : "Cái chết không còn là chủ đề cấm kị", vì 2/3 người dân Pháp nghĩ đến cái chết của chính mình hoặc của người thân.
Thu Hằng
Nhật Bản hy vọng cứu được TPP trước hội nghị APEC (RFI, 01/11/2017)
Các nhà thương thuyết của 11 thành viên còn lại trong Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương nỗ lực đạt đồng thuận qua ba ngày đàm phán kể từ thứ Hai 06/11/2017 tại Nhật Bản.
12 nước ban đầu nay TPP chỉ còn 11 thành viên sau khi Hoa Kỳ rút chân. Nguồn : Freemalaysiatoday.com
Theo tuyên bố của trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuhisa Shibuya với Reuters, 11 nước còn lại trong TPP, sau khi Mỹ rút chân, sẽ họp tại thành phố Urayasu, tỉnh Chiba, vào thứ Hai tới đây để tìm cách duy trì Hiệp Định Thương Mại.
Ông Kazuhisa Shibuya cho biết tất cả mọi thành viên, kể cả New Zealand, hiện còn bất đồng trên hồ sơ mở cửa thị trường địa ốc, đều tỏ ý muốn đạt được tiến bộ và kết quả ngay trong tuần tới, hai ngày trước Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam. Vẫn theo nguồn tin trên, bên lề APEC ở Đà Nẵng, một cuộc họp cấp bộ trưởng của TPP sẽ đúc kết thỏa thuận chiến lược này.
Tokyo kỳ vọng sẽ đạt được kết quả để chứng tỏ với các nước khác trong vùng Thái Bình Dương là nước Nhật có thể hành động một cách hiệu quả với tư cách là một quốc gia đứng đầu về tự do mậu dịch, và qua thành tích này, khuyến khích chính quyền Donald Trump xét lại chính sách co cụm.
Tú Anh
*******************
Hoa Kỳ từng trực tiếp đối thoại với Bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc (RFI, 01/11/2017)
Trong khi trước công chúng tổng thống Mỹ Donald Trump luôn luôn khẳng định rằng đối thoại với Bắc Triều Tiên chỉ làm phí thời gian, ngày 31/10/2017, một nguồn tin được phép ở bộ Ngoại Giao Mỹ đã tiết lộ rằng trong hậu trường tại Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nói chuyện với Bắc Triều Tiên.
Joseph Yun (T), nhà đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Hong-Kyun (G) và đồng nhiệm Nhật Bản Kenji Kanasugi (P), trong một buổi họp báo tại Seoul ngày 13/12/2016. Ed JONES / AFP
Theo nguồn tin trên, qua ngã gọi là "Kênh New York", ông Joseph Yun, nhà đàm phán Mỹ chuyên trách Bắc Triều Tiên, đã tiếp xúc với phái đoàn Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc.
Vào đầu nhiệm kỳ tổng thống Trump, nhiệm vụ của ông Joseph Yun chỉ là đòi trả tự do cho những người Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ. Nhưng bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là nhiệm vụ đó đã được mở rộng ra.
Tuy không khẳng định nhiệm vụ của ông Yun có mở rộng ra hồ sơ hạt nhân và tên lửa hay không, nhưng viên chức ngoại giao được hỏi đã giải thích với Reuters rằng "tiếp xúc không bị giới hạn, về nhịp độ cũng như nội dung". Vẫn theo viên chức trên, ông Yun đã nói với phía Bắc Triều Tiên là "hãy ngưng thử hạt nhân và tên lửa".
Kênh New York là một trong số phương thức ít oi mà Mỹ sử dụng để tiếp xúc với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng từng cho biết không mấy thiết tha đàm phán chừng nào mà họ chưa phát triển xong một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ.
Về phần ông Yun, lần gần đây nhất mà ông gặp giới chức Bắc Triều Tiên là vào tháng 6/2017, tại Bình Nhưỡng để thương lượng việc trả tự do cho sinh viên Otto Warmbier. Hiện vẫn còn 3 người Mỹ bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân
Tại Seoul, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 01/11/2017 cho biết là Seoul sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân cho dù bị quốc gia láng giềng phương bắc đe dọa.
Phát biểu trước Nghị Viện Hàn Quốc, ông Moon Jae In cũng khẳng định là "nỗ lực của Bắc Triều Tiên để trở thành một cường quốc hạt nhân sẽ không thể được chấp nhận hay dung thứ".
Đối lập và truyền thông Hàn Quốc thời gian qua đã yêu cầu chính quyền cho trang bị vũ khí nguyên tử và tái triển khai các loại vũ khí chiến thuật hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi Hàn Quốc vào những năm 1990.
Tổng thống Mỹ sẽ không đến Bàn Môn Điếm và vùng phi quân sự
Nhà Trắng ngày 31/10 cho biết do thời gian eo hẹp, tổng thống Mỹ sẽ không đến viếng vùng phi quân sự nhân chuyến công du đến Hàn Quốc tới đây. Thay vào đó, tổng thống Mỹ sẽ đến thăm căn cứ Camp Humphreys, cách Seoul khoảng 40 cây số về phía nam, nhằm khẳng định đối tác Mỹ-Hàn.
Sự thay đổi này cho thấy ông Trump đã bỏ đi một truyền thống đã có từ thời ông Eisenhower. Các tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc đều luôn đến Bàn Môn Điếm và vùng phi quân sự, bày tỏ sự ủng hộ đối với Hàn Quốc.
Về phần mình, Bình Nhưỡng, thông qua hãng tin KCNA, đã không tiếc lời thóa mạ, chỉ trích ông Trump là một người bị "tâm thần rối loạn… hiếu chiến và vô trách nhiệm" trước chuyến đi Châu Á của tổng thống Mỹ.
Trong những tháng qua ông Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã không ngớt chỉ trích nhau với những lời lẽ nặng nề, đe dọa nhau, khiến thế giới e ngại xẩy ra xung đột.
Mai Vân
*******************
Những khó khăn trong vụ Mỹ điều tra thương mại Trung Quốc (BBC, 01/11/2017)
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Trung Quốc, chủ đề nằm cao trong chương trình nghị sự là cuộc điều tra thương mại sâu rộng về thương mại Trung Quốc mà ông Trump đã lệnh tiến hành vào tháng Tám.
Căng thẳng thương mại là chủ đề nóng trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump
Nhà Trắng cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động khuyến khích hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ - một thực trạng gây căng thẳng từ lâu nay ở Mỹ, Châu Âu và các nước khác.
Chính phủ Trung Quốc nói cuộc điều tra là "mối quan ngại nghiêm trọng" và cảnh báo sẽ không nhượng bộ nếu Mỹ có những hành động không công bằng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với cuộc điều tra của ông Trump lại đến từ chính nước Mỹ.
Kể từ khi Nhà Trắng bắt đầu cuộc điều tra, một loạt các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã chính thức nộp các góp ý tỏ ý quan ngại.
Tuy nhiên, chỉ có sáu công ty tỏ ra sẵn sàng khiếu nại, theo hồ sơ ghi nhận các nội dung góp ý được công bố. Nhiều công ty trong số đó là những doanh nghiệp nhỏ chỉ mô tả các sự việc đã được biết đến.
Mỹ có thể mạo hiểm một cuộc chiến tranh thương mại với đối tác Trung Quốc
Giới phân tích nói rằng các hãng do dự trong việc phải đặt mình vào tình thế rủi ro, dễ dẫn đến việc mất quyền tiếp cận vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới khi lên tiếng.
Tuy nhiên, việc im lặng cũng gây ra những hậu quả : nó nhiều khả năng sẽ hạn chế việc chính quyền đưa ra một vụ kiện vững chắc để chống lại Trung Quốc.
Nó cũng có thể bất lợi cho việc tìm biện pháp khắc phục hiệu quả, đồng thời khiến Nhà Trắng sẽ phải tính tới việc phải hành động đơn phương.
Lee Branstetter, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon, nói : "Việc các công ty không muốn cung cấp thông tin cụ thể sẽ là một vấn đề lớn vì như vậy chính phủ Hoa Kỳ sẽ rất khó hành động hiệu quả".
*********************
Vụ Nga xen vào bầu cử Mỹ : Moskva tố cáo những lập luận "hoang tưởng" (RFI, 01/11/2017)
Moskva ngày 31/10/2017 một lần nữa lên tiếng bác bỏ các cáo buộc Nga can dự vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Theo điện Kremlin, các cáo buộc được đưa ra hôm thứ Hai tại Hoa Kỳ nhắm vào ba cựu thành viên trong nhóm vận động tranh cử của ông Donald Trump không làm thay đổi bất cứ điều gì về thực tế là Nga bị vu oan.
Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov, ngày 13/07/2017. John MACDOUGALL / AFP
Từ Moskva, thông tín viên RFI Daniel Vallot giải thích :
Dưới mắt chính quyền Nga, không có bất kỳ cái gì làm cơ sở cho các cáo buộc nhắm vào Moskva, và các yếu tố mới được công bố hôm thứ Hai vừa qua ở Hoa Kỳ không làm thay đổi bất kỳ điều gì.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố : "Đó là những cáo buộc lố bịch và vô căn cứ". Nhân vật này nhấn mạnh là trong bản cáo trạng công bố tại Washington, thiếu vắng hoàn toàn các yếu tố cho thấy có sự thông đồng có thể giữa ê kíp của ứng cử viên Trump và các quan chức Nga.
Ông Peskov không nói một lời nào về tiết lộ liên quan đến George Papadopoulos, cựu cố vấn của Donald Trump, vốn thú nhận là đã nói dối về những liên hệ của ông với các trung gian Nga.
Một phản ứng khác là của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cho rằng những cáo buộc chống lại Nga là những điều hoang tưởng. Ông mỉa mai : "Chúng tôi đã bị cáo buộc là đứng đằng sau Brexit, là muốn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Thụy Điển, ở Pháp, ở Đức, nhưng không thấy bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga kết luận : "Chín tháng đã qua rồi kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu, nhưng không ai đưa ra được bằng chứng nhỏ nhất nào về sự can dự của chúng tôi".
Trọng Nghĩa
Biển Đông : Trung Quốc bám sát chiến hạm Pháp ở Hoàng Sa
Liên quan đến khu vực Thái Bình Dương, Le Monde có bài phóng sự mang tựa đề "Trên chiến hạm Auvergne tại Biển Đông". Bài báo tường thuật lại chuyến hải hành của chiến hạm hiện đại Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang bị Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
111111111111111111111
Chiến hạm chống tàu ngầm Auvergne của Pháp.wikipedia
Ngày thứ Sáu 20/10, Auvergne, chiến hạm mới nhất của Hải quân Pháp, đi làm nhiệm vụ tại Biển Đông, hướng về quần đảo Trường Sa hiện đang bị nhiều nước đòi hỏi chủ quyền, mà hàng đầu là Trung Quốc, với những cơ sở vững chắc tự động xây lên tại đây. Trong những ngày sau đó, chiến hạm Auvergne đến quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi Việt Nam, đã bị Bắc Kinh quân sự hóa, trở thành phòng tuyến ở sườn phía nam.
Biển Đông : Đại dương luôn sục sôi
Bản đồ hàng hải của Anh được trải rộng trong buồng lái chiếc Auvergne. Các thủy thủ Pháp còn nhiều điều phải học hỏi về Biển Đông, với độ sâu đến 4.000 mét, nơi phân nửa hàng hóa trên thế giới được vận chuyển qua đây. Căng thẳng khu vực và thế giới tăng lên do chính sách bành trướng của Trung Quốc, mà phương Tây gọi là chiến thuật "việc đã rồi". Hải quân Pháp thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên đến tận phía bắc khu vực, với nhiệm vụ ưu tiên là chống tàu ngầm.
Các nước ở khu vực Thái Bình Dương (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Úc) luôn bảo đảm sự hiện diện cụ thể trên Biển Đông, và cũng trong ngày 20/10 ba chiến hạm chống tàu ngầm của Nga vừa đến Manila, một hôm trước hội nghị các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á.
Thuyền trưởng Xavier Breitel cho biết : "Dưới nước cũng có lắm người", trong đó tất nhiên có các tàu ngầm Trung Quốc, kể cả những chiếc tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Giải phóng quân nước này. Hôm 28/10, Bắc Kinh cũng đã thông báo thành lập một đơn vị cứu hộ tàu ngầm thuộc hạm đội Nam Hải, do số lượng triển khai đông đảo ở đây.
Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước sự hiện diện của Auvergne và trực thăng Caïman của chiến hạm Pháp ? Từ 2015, hơn một chục tàu chiến Pháp đã du hành gần Trường Sa. Tuy phương tiện hạn chế, nhưng Hải quân Pháp vẫn tiến hành tuần tra Biển Đông với nhiệm vụ thám báo. Dù chỉ di chuyển trong vùng biển quốc tế, tức bên ngoài khu vực 12 hải lý của các đảo tranh chấp, phân nửa các chiến hạm Pháp đều bị Bắc Kinh nhận ra và cảnh báo, hoặc chất vấn qua sóng radio, hoặc thô bạo hơn là cho tàu đeo theo sát nút. Tuy nhiên Pháp chỉ "đi qua vô hại" để thực hiện quyền tự do hàng hải, khác với các "chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải" của Mỹ.
Đi qua vô hại và bảo vệ tự do hàng hải
Các chiến hạm Mỹ đi trọn vòng xung quanh các đảo tranh chấp, du hành sát các rạn san hô, vẽ nên những vòng số 8 rộng lớn trên mặt biển… Hồi tháng Tám, chiếc USS McCain đã tiến gần Đá Vành Khăn (Mischief) thuộc quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách có 6 hải lý. Đây là chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải thứ ba tại Biển Đông, kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, người luôn cáo buộc Trung Quốc đã xâm chiếm các đảo này. Bắc Kinh nói rằng đây là "hành động làm phương hại nặng nề chủ quyền của Trung Quốc", khẳng định đã "trục xuất"chiến hạm Mỹ.
Chiếc Auvergne dự kiến đi cách các đảo tranh chấp từ 13 đến 30 hải lý, lặng lẽ hướng đến vĩ tuyến số 10. Radar và hệ thống nhận dạng, thiết bị siêu âm đều tắt, trực thăng cất trong hangar, chiến hạm hiện ra không lớn hơn một chiếc tàu đánh cá trong tầm nhìn đối thủ. Tuy nhiên trong giai đoạn hai thì khác hẳn.
Các thủy thủ được gọi vào vị trí chiến đấu từ lúc 20 giờ. Trong đêm, cờ hiệu, đèn chiếu và máy ảnh đều sẵn sàng, chuẩn bị đối phó với quân Trung Quốc, vì tất cả đều phải được ghi âm, ghi hình. Thuyền trưởng Xavier Breitel nhấn mạnh : "Phía sau là cuộc chiến truyền thông". Sự tinh tế nằm ở chỗ phản ứng nhân danh an ninh hàng hải thay vì theo luật chiến tranh, nhưng không bao giờ tỏ ra phải tuân phục mệnh lệnh của quân đội Trung Quốc. Ông Breitel nói : "Tôi vẫn đi tiếp cùng một hướng, với cùng tốc độ".
Biển Đông đầy dẫy radar, tàu ngầm Trung Quốc
Thứ Bảy 20/10, Đá Công Đo (Commodore) hiện ra ở cánh trái, trên màn hình. Bên ngoài trời nóng như thiêu, chỉ có những ngư dân hành nghề rải rác. Nhưng phía bên trên, gần Đá Vành Khăn, có hai trạm radar Trung Quốc đang hoạt động, rồi đến trưa lại thấy thêm radar thứ ba. Các dữ liệu trao đổi đều bị ghi lại. Ở phía đông, một tàu tiếp liệu Trung Quốc cũng tiến đến Đá Vành Khăn.
Qua khỏi vĩ tuyến thứ 10, chiếc Auvergne hiện hình. "Chiến hạm Pháp !", sĩ quan trực ban hét lên trên sóng radio. Radar lại được bật lên, các công cụ chiến tranh điện tử của Trung Quốc chắc chắn nhận ra. Trực thăng sẵn sàng cất cánh cùng với sonar - thiết bị siêu âm trông giống như chiếc phao, đáng ngại đối với các tàu ngầm. Nhưng chẳng có ai đáp lại, cũng không có chiếc tàu nào hướng về Auvergne. Từ cầu tàu, các thủy thủ quan sát những chiếc tàu gỗ nhiều màu gần đó. Chúng trông giống những tàu cá thật sự, thay vì lực lượng dân quân giả dạng của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Chiến hạm Pháp buộc phải giữ nguyên hướng đi. Đổi hướng, vòng ngược lại hay né tránh được coi như thái độ gây hấn trên biển. Một sĩ quan trực ban nói : "Vấn đề là nếu tránh các tàu cá, rốt cuộc có thể phải đi vào lãnh hải".
Chủ nhật 22/10, chiến hạm Auvergne ra khỏi quần đảo Trường Sa. Trực thăng bay lên bầu trời màu chì, để chắc chắn là không bị theo dõi. Gần đến bãi cạn Scarborough, xuất hiện một tuần duyên Trung Quốc. Thiết bị siêu âm tiếp tục thăm dò dưới nước, và dường như phát hiện được một tàu ngầm.
Chiến hạm Pháp bị kèm sát tại Hoàng Sa
Trên vùng biển động, chiếc Auvergne hướng về Hoàng Sa. Trung Quốc có hai chục điểm tiền tiêu tại đây, và tăng cường thiết trí quân sự trên 8 đảo của quần đảo này. Thứ Tư 25/10, chiến hạm vẽ nên một vòng xoáy ngoài khơi đảo Linh Côn (Lincoln, thuộc nhóm đảo An Vĩnh, Hoàng Sa), định đi về hướng Singapore. Khi đi ngang Đá Bông Bay (Bombay, cũng thuộc nhóm An Vĩnh), tàu lại phát hiện các radar Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc bất ngờ xảy ra khi chiến hạm Pháp vượt qua đảo Phú Lâm (Woody) bên cánh phải, đi dọc theo bãi Macclesfield. Một máy bay dọ thám Trung Quốc xuất hiện từ phía đông bắc, chứng tỏ Bắc Kinh bố trí mọi phương tiện quân sự để theo dõi Biển Đông từ xa. Chiếc phi cơ vòng phía trên chiếc Auvergne bay về hướng nam, rồi quay trở lại hướng bắc. Hai lần chiến hạm Pháp đổi hướng, cả hai lần chiếc máy bay đều vòng theo. Như vậy cho dù im lặng, hải quân Trung Quốc vẫn theo dõi chiến hạm Auvergne ngay từ đầu cuộc hành trình.
Bắc Kinh chứng tỏ ý định không lay chuyển về việc củng cố các vị trí ở Hoàng Sa và Truờng Sa. Đô đốc Denis Bertrand, chỉ huy trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Pháp nhận định : "Nếu tự do hàng hải bị xâm phạm tại đây, thì chẳng bao lâu sẽ bị xâm phạm ở khắp mọi nơi".
Le Monde kết luận, có nguy cơ một ngày nào đó Biển Đông bị biến thành ao nhà của Trung Quốc, làm phương hại đến lợi ích các cường quốc biển khác. Khi tuần tra tại vùng biển nhiệt đới xa xôi này, Hải quân Pháp hy vọng làm chậm lại khả năng trên.
Hồ sơ Nga : Donald Trump ở thế bị động
Hôm 01/11/2017 là ngày lễ Toussaint (Lễ Các Thánh Nam Nữ), các báo Paris đều nghỉ, chỉ duy nhất tờ Le Figaro có mặt, chạy tựa "Ông Trump trong chiếc bẫy những liên lạc với Nga". Tít lớn của tờ Le Monde xuất bản từ chiều hôm qua cũng tương tự "Ông Trump bị bao vây bởi cuộc điều tra về hồ sơ Nga".
Le Figaro nhận định "Donald Trump ở thế bị động trước công tố viên đặc biệt Mueller". Trong bài xã luận "Donald Trump, một tổng thống bị giám sát", Le Monde cũng có cùng một nhận xét. Lần này không còn là "fake news" do các "phương tiện truyền thông dối trá" đưa ra, mà cơn ác mộng của ông Trump mang tên Robert Mueller.
Thông tín viên Le Figaro tại Washington dẫn lời những người thân cận ông Trump cho biết, tổng thống Mỹ rất giận dữ sau khi ba cựu cố vấn bị đặt trong vòng điều tra. Ông không ngớt nguyền rủa ông Robert Mueller, người chỉ huy cuộc điều tra đang đe dọa ông, báo chí đang lao vào loan tin, những kẻ phản bội, và ngay cả các luật sư của mình, bị cho là quá mềm yếu. Nhưng Donald Trump đành phải theo lời khuyên của các luật sư là nên thận trọng.
Các mắt xích yếu, và chiếc bóng của Putin
Công tố viên Mueller tấn công vào các mắt xích yếu nhất bao quanh Donald Trump. Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử không thể mong được tổng thống ân xá, vì các sai phạm của ông nằm trong phạm vi trừng phạt của chính quyền New York. Richard Gates, cộng sự của Manafort, "ít giàu hơn", có thể khai ra tất cả để mong giảm án. Tờ báo dẫn phân tích của The Atlantic, cho rằng Manafort là một con cá lớn, nhưng George Papadopoulos, phụ trách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử, mới là quả bom thực sự. Lời chứng của ông này xác nhận ê-kíp tranh cử của ông Trump ngay từ tháng 3/2016 đã biết rằng điện Kremlin nắm trong tay hàng ngàn email đánh cắp được từ bà Hillary Clinton, trước khi WikiLeaks công bố.
Le Monde nói thêm, chỉ riêng những nghi ngờ đã ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ. Chẳng hạn sau khi tranh cử với chủ trương cải thiện quan hệ với Nga, nay ông Trump hoàn toàn bị trói tay, để tránh nghi vấn thông đồng.
Le Figaro nhận xét, Donald Trump không thể chịu đựng được những ý kiến về sự can thiệp từ phía Nga, làm mờ nhòa đi chiến thắng của ông. Tuy nhiên điều này giờ đây khó thể chối cãi. Quốc hội chuẩn bị nghe lãnh đạo các mạng xã hội điều trần : 126 triệu người sử dụng Facebook đã đọc các thông tin chống bà Clinton, 1.108 video dài tổng cộng 43 tiếng đồng hồ tuyên truyền trên YouTube, 2.752 tài khoản Twitter do tình báo Nga kiểm soát… Chiếc bóng của Putin cuối cùng cũng làm tổn hại đến vầng hào quang của tổng thống Mỹ.
Bài xã luận của Le Figaro cho rằng, cuộc điều tra chỉ mới khởi đầu. Donald Trump đã khôn ngoan khi loan báo sẽ không cách chức công tố viên Mueller, tránh được nghi ngờ cản trở tư pháp. Tuy nhiên vụ này sẽ còn ám ảnh ông Trump suốt nhiệm kỳ tổng thống, với điều kiện là ông còn tại vị đến hết nhiệm kỳ này.
Thụy My
Ba bài học từ một nước Mỹ do Donald Trump cầm quyền
Gần tròn một năm sau khi được bầu làm tổng thống Mỹ và 9 tháng chính thức lên nắm quyền, ông Donald Trump chưa thực hiện được bất kỳ thay đổi quan trọng nào. Một số biện pháp được thông qua đều phải sử dụng đến sắc lệnh. Theo tác giả Jean-Marc Victori trong mục "Ý kiến & Thảo luận" của nhật báo kinh tế Les Echos (31/12/2017), ngoài cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, nền dân chủ Mỹ cũng đang bị tác động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump tổ chức hội Halloween cho trẻ em ở Nhà Trắng, Washington, ngày 30/10/2017. Reuters/Carlos Barria
Tổng thống Trump, được coi là một "Tweetomane", để lại dấu ấn rõ nét trong không gian truyền thông hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Nhưng ông khó khăn khẳng định về mặt chính trị và dấu ấn của ông về mặt kinh tế còn hiếm hoi hơn. Theo tác giả bài viết, sự bất lực này có thể đưa ra ba bài học nên chú ý.
Thứ nhất là một năm "nói nhiều làm chẳng được bao nhiêu". Nhà tỉ phú địa ốc New York đã vận động tranh cử tổng thống dựa trên những lời hứa hùng hồn : Cân đối lại ngân sách, bãi bỏ chính sách bảo hiểm y tế phổ cập Obamacare, đánh thuế 35% hàng nhập khẩu Mêhicô và 45% hàng Trung Quốc, trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp, bỏ các hạn chế tài chính, khuyến khích than đá, đầu tư 1.000 tỉ đô la vào các công trình lớn, hạ thuế doanh nghiệp xuống còn 15%...
Hiện còn quá sớm để biết liệu các dự án ngân sách của tổng thống Mỹ có được thông qua hay không. Nhưng một điều chắc chắn là mọi đề xuất lên Nghị Viện đều ở dưới ngưỡng trong các lời hứa tranh cử của ông, từ giảm thuế đến cân đối thâm hụt ngân sách.
Ngược lại, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Trump tỏ ra "hữu hiệu" : Bãi bỏ thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP), thể hiện lập trường cứng rắn trong việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Mêhicô và Canada (NAFTA). Tổng thống Mỹ cũng cho điều tra về nhập khẩu thép, nhưng rồi chuyện đánh thuế cao vào các mặt hàng này cũng rơi vào quên lãng....
Trên lĩnh vực y tế, Donald Trump cũng chưa đạt được thành công nào. Việc bãi bỏ Obamacare, ban đầu tưởng chừng là việc dễ làm vì bảo hiểm y tế là chủ đề bất đồng tại Nghị Viện giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, dự thảo bãi bỏ Obamacare đã bốn lần bị thất bại ở Quốc Hội. Tổng thống Mỹ quyết định dùng sắc lệnh hạn chế chương trình bảo hiểm y tế và xóa trợ cấp của nhà nước cho hệ thống này. Khi không bị các nghị sĩ "cản đường", sắc lệnh của tổng thống Mỹ lại bị các thẩm phán bác bỏ.
Trong lĩnh vực di dân, sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cư vào Mỹ cũng bị hai thẩm phán ở Hawaii và Maryland bác bỏ. Trong lĩnh vực tài chính, ông Donald Trump đã bổ nhiệm nhiều nhân vật ủng hộ nới lỏng các hạn chế tài chính, như Jay Clayton, tân lãnh đạo SEC (cơ quan giám sát thị trường), nhưng Cơ quan Bảo vệ tài chính Người tiêu dùng (CFPB) lại vừa thắt chặt quy định của người vay dựa trên thu nhập. Trên lĩnh vực môi trường, dường như tổng thống Mỹ có vẻ "thắng thế", nhưng các bang và thành phố chống lại quyết định của liên trong lĩnh vực này.
Tác giả Jean-Marc Victori đi xa hơn khi đánh giá, năm đầu tiên cầm quyền của Donald Trump có thể được tóm gọn là tổng thống Mỹ hiện nay gàn gàn và cỗ máy đối trọng quyền lực ở Mỹ đang hoạt động tuyệt vời.
Bài học thứ hai là khả năng tự huyễn hoặc. Đây là trường hợp của các nhà đầu tư, những người đã mua một chính sách chưa được hình thành, và tự vẽ cho mình những câu chuyện khác để rồi luôn phải trả giá đắt hơn. Đây cũng là trường hợp cử tri của Trump, rất nhiều người tiếp tục tin tưởng vào vị tổng thống dù ông không có khả năng hành động. Đây cũng là trường hợp của Trump và các cố vấn của mình, vẫn muốn tin rằng giảm thuế sẽ làm thất thu nguồn thuế.
Bài học cuối cùng có vẻ đáng ngại hơn. Các đời tổng thống Mỹ thường xuyên tìm cách "lách" các quyết định ngăn chặn của Nghị Viện. Với Trump, ông sử dụng triệt để cách này (từ y tế đến thương mại, từ tài chính đến nhập cư…). Đây không chỉ còn là câu hỏi về hiệu quả, mà trở thành vấn đề tôn trọng hay không tôn trọng nền dân chủ. Thế giới tự do không hẳn còn như trước nữa.
Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ : Ba người thân cận của Trump bị buộc tội
Sắp kỷ niệm một năm được bầu làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng nhận được món quà "đặc biệt" : Cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller cáo buộc 12 tội danh, trong đó có tội chống lại đất nước và rửa tiền.
Sự kiện này đều được các nhật báo Pháp đưa tin, dù không hẳn trên trang nhất. Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh của Paul Manafort với hàng tựa : "Nhiệm kỳ Trump bị tư pháp "rờ" đến vì quan hệ với Nga". Trang nhất của Les Echos là hàng tựa "Cựu giám đốc vận động tranh cử của Donald Trump bị kết tội". Libération đưa tin : "Một số người thân cận của Trump bị cáo buộc "âm mưu chống Hoa Kỳ"". Riêng Le Monde, ra từ chiều hôm trước, đưa tin : "Trump giận dữ vì những tiến bộ trong cuộc điều tra liên quan đến Nga".
Tất cả các nhật báo Pháp đều nhấn mạnh đây là những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra, cho đến giờ được giữ bí mật hoàn toàn. Theo Les Echos, cuộc điều tra tiến triển nhanh, bỗng làm xáo trộn tuần chính trị quan trọng của tổng thống Mỹ : Thứ Tư 01/11, dự án cải cách thuế của tổng thống sẽ được trình bày ở nghị Viện, tiếp theo là tiết lộ danh tính tân thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và chuyến công du Châu Á từ thứ Sáu 03/11.
Le Figaro đưa tin, hai cựu cộng sự, có lẽ đã nộp tiền bảo lãnh từ 5 đến 10 triệu đô, nên được tại ngoại. Cả hai có nguy cơ lĩnh án đến 20 năm tù chỉ riêng tội danh trốn thuế. Dĩ nhiên là cả hai cùng khẳng định vô tội.
Về phần mình, những người thân cận của ông Donald Trump tỏ ra "bình thản", theo Libération, sau khi luật sư của Nhà Trắng Ty Cobb khẳng định với New York Times là cả Manafort lẫn Micheal Flynn không có những thông tin bất lợi cho tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, trước khi Paul Manafort bị buộc tội, tổng thống Trump đã không ngần ngại bày tỏ phẫn nộ trên mạng Twitter, theo nhật báo Le Monde.
Sáng thứ Hai 30/10, ông viết : "Xin lỗi, nhưng chuyện này xảy ra cách đây vài năm, trước khi cả Paul Manafort tham gia vào nhóm vận động tranh cử của Trump. Tại sao lại không phải là bà gàn Hillary và phe Dân Chủ… Không hề có sự thông đồng nào hết".
Tây Ban Nha : Catalunya nằm trong tay "người đàn bà quyền lực"
Ngày đầu tiên vùng Catalunya nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Madrid tiếp tục là chủ đề bình luận của các nhật báo Pháp.
Le Monde trở lại cuộc tuần hành của phe phản đối Catalunya độc lập, với khoảng 300.000 tham gia theo cảnh sát Catalunya, 1 triệu người theo chính quyền Tây Ban Nha, để hy vọng cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ cho phép vùng Catalunya "lập lại cuộc sống chung". Thủ lĩnh của phe ly khai, không xuất hiện trước công chúng từ Chủ Nhật 29/11 chỉ đưa ra lời kêu gọi "phản đối ôn hòa" quyết định áp dụng điều khoản 155 tước quyền tự trị của vùng Catalunya.
Vậy cựu chủ tịch vùng Catalunya ở đâu ? Le Figaro khẳng định : "Puigdemont đang nương náu tại Bỉ". Ông bất ngờ xuất hiện ở Bruxelles hôm thứ Hai, cùng với 5 thành viên của chính phủ vùng Catalunya và xin tị nạn chính trị. Theo nhật báo El Periodico de Catalunya, ông đã đi xe hơi sang Marseille và từ đó đáp máy bay đến thủ đô của Bỉ. Nếu bị truy tố, ông có thể bị kết án đến 15 năm tù, song hiện tại ông vẫn có thể tự do đi lại ở Tây Ban Nha và Châu Âu.
Trong khi đó, "cuộc sống tại Barcelona đã lấy lại nhịp điệu thường nhật từ thứ Hai" kể từ khi "Catalunya nằm dưới quyền của Madrid" như nhận định của Les Echos. Vẫn theo nhật báo kinh tế, thái độ cứng rắn của thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, dường như được bù đắp. Các đảng ly khai đã quyết định tham gia cuộc bầu cử ngày 21/12.
Chính quyền Catalunya nằm trong tay nhân vật số hai của chính phủ, bà Soraya Saénz de Santamaria, nhân vật thân cận của thủ tướng Rajoy. Nhật báo La Croix phác họa chân dung của người phụ nữ quyền lực, 46 tuổi, "kín đáo nhưng hiệu quả" và sự nghiệp chính trị không chút sai sót.
Pháp : Bỏ rút thăm, hồ sơ đại học được xét theo "điều kiện mong muốn"
Cải cách đầu vào đại học là chủ đề thời sự Pháp được chú ý trên trang nhất của các nhật báo. Ngày 30/10/2017, thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng Đại Học Frédérique Vidal, đã giới thiệu một số biện pháp sẽ được áp dụng ngay từ năm học 2018 sau nhiều bất cập xảy ra trong năm 2017.
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, cả thủ tướng và bộ trưởng Đại Học không sử dụng từ "lựa chọn", mà chỉ nhắc đến hệ thống "điều kiện tiên quyết", giờ được gọi là "điều kiện mong muốn" ; "Đối với mỗi bằng đại học, những điều kiện mong muốn sẽ được xác định".
Trang nhất của Libération là hàng tựa : "Trò chơi may rủi vào đại học, thế là chấm hết". "Đầu vào đại học được cải cách sâu sắc" là hàng tựa của La Croix. Năm 2017, các ngành đào tạo nhận được nhiều hồ sơ tuyển sinh nhất đã phải rút thăm ; Thí sinh hồi hộp chờ đợi như chơi sổ xố. Và kết quả là tỉ lệ sinh viên thất bại cũng tăng trong năm qua.
Cách lựa chọn này sẽ bị bãi bỏ từ mùa khai giảng 2018. Như vậy, mỗi trường đại học sẽ tự xử lý hồ sơ đăng ký của mỗi cá nhân. Câu trả lời của trường được dựa trên những "điều kiện mong muốn" để tránh cho các tân sinh viên chọn ngành học không phù hợp với khả năng.
Ngay từ năm nay, đi kèm với dự thảo này là một số biện pháp được áp dụng ngay tại trường cấp 3 để cải thiện định hướng cho học sinh cuối cấp. Chính phủ đã tháo khoán 500 triệu euro để thực hiện "cải cách sâu rộng" trong vòng 5 năm, có nghĩa là 100 triệu euro mỗi năm, vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu 2 tỉ đô la mỗi năm của Hội Liên Hiệp Sinh Viên Pháp (Unef).
Châu Âu : Chủ nghĩa dân túy gia tăng
Cuộc khủng hoảng di dân liệu đảng đẩy Châu Âu vào tình trạng chia rẽ ? Nhật báo Le Figaro nhận định "Làn sóng dân túy mới này đang làm chao đảo Châu Âu", mà gần đây nhất làsự trỗi dậy của đảng AfD tại Đức, theo bài xã luận của Le Figaro.
Mang những giá trị Châu Âu, nền dân chủ tự do đang phải hứng chịu các cuộc tấn công ngay trong lòng các nước thuộc khối Visegrad (CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia), được thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện hòa nhập vào Liên Hiệp Châu Âu. Lo sợ về bùng nổ dân số đi kèm theo với lo lắng về bất ổn, tấn công khủng bố hay quyết tâm bài trừ xã hội đa văn hóa, đang tác động đến cách sống của người dân và làm trỗi dậy tinh thần dân túy.
Tại Áo, tân thủ tướng bảo thủ được bầu nhờ chiêu bài nỗi sợ di dân. Tuy nhiên, cội rễ của sự bất bình tại Áo, Đức, Pháp, Anh hay các nước Bắc Âu xảy ra trước khi cuộc khủng hoảng di dân diễn ra. Đó chính là sự thất vọng của tầng lớp trung lưu và bình dân sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Vì cố làm công chúng bớt chú ý, hoặc tìm cách giảm thiểu tình trạng, các đảng phái truyền thống lại tạo cảm giác họ bất lực. Bài xã luận của Le Figaro cho rằng, nếu muốn xóa bỏ sự chia rẽ này, đã đến lúc Châu Âu phải thức tỉnh.
Thu Hằng
Tây Ban Nha : Catalunya làm liều tự sát
Căng thẳng giữa Catalunya và Madrid lên đến cao trào chiếm lĩnh trang nhất các báo Pháp ngày 30/10/2017. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thông báo truất quyền chủ tịch của lãnh đạo phong trào ly khai, giành lại quyền kiểm soát vùng tự trị Catalunya vừa tuyên bố độc lập cách nay hai ngày. Đa số các báo Pháp có chung nhận xét, nền kinh tế Catalunya đang bắt đầu trả giá cho bất ổn chính trị.
Nghị viện vùng tự trị Catalunya, Tây Ban Nha. Reuters/Albert Gea
"Sau tuyên bố độc lập, Madrid thông báo tổ chức bầu cử tại Catalunya" là tít lớn trên Le Monde. "Catalunya : Tại Barcelona, phe ủng hộ thống nhất tuần hành đông đảo để được ở lại với Tây Ban Nha", Le Figaro thông báo. "Đường phố cứu viện cho Madrid trong cuộc đấu căng thẳng với Catalunya" là nhận định của Les Echos. Thế nhưng, sự kiện cho thấy có sự "Rạn nứt tại vùng Catalunya", nhật báo công giáo La Croix nhận xét.
Hầu hết các báo Pháp đều dành nhiều trang báo để giải thích, đánh giá, dự phóng diễn biến và phân tích sự việc. Tuy nhiên, Le Figaro trên trang Quốc Tế cho hay Catalunya bắt đầu phải hứng chịu hệ quả đầu tiên về bất ổn chính trị khi có "Hơn 1.700 doanh nghiệp đã di dời trụ sở".
Liên Bang Thụy Sĩ : Một mô hình thích hợp cho Catalunya ?
Về điểm này, trong mục ý kiến của Le Figaro, nhà báo Roland Rossier trong bài "Catalunya làm liều tự sát" nêu ra những hậu quả kinh tế của việc phe đòi ly khai muốn tách ra khỏi Tây Ban Nha. Cuộc khủng hoảng chính trị Catalunya sẽ đặt ra những thách thức lâu dài về mối liên kết giữa lãnh thổ tự trị này với Tây Ban Nha, làm rung chuyển Liên Hiệp Châu Âu và gây lo ngại cho Thụy Sĩ.
Theo nhà báo Rossier, khi đi tìm mô hình lý tưởng, phe ly khai Catalunya và một bộ phận Châu Âu thường nêu ra mô hình Liên Bang Thụy Sĩ. Thế nhưng, so sánh này là phi lý, bởi vì Thụy Sĩ được hình thành trên cơ sở quyết tâm chung của nhiều vùng lãnh thổ, mà về mặt pháp lý, thì đó là các bang hoặc nước cộng hòa nhỏ, được gọi là tổng – canton.
Do vậy, Thụy Sĩ là một liên bang tản quyền và điều này thể hiện rõ qua ngân sách : Liên bang có ngân sách rất nhỏ (khoảng 56 tỷ euro), bằng một nửa so với ngân sách các tổng (75 tỷ) và các công xã (40 tỷ). Như vậy, sức mạnh của một bang, một vùng tự trị hay một cộng đồng các công xã thể hiện qua khả năng ngân sách.
Ba hậu quả nghiêm trọng
Nguồn thu ngân sách đến từ phần nộp thuế của công dân và các doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ trong vòng có ba tuần vừa qua, do khủng hoảng chính trị, các doanh nghiệp quan trọng của vùng Catalunya - theo ước tính mới nhất là 1.500 doanh nghiệp - đã chạy vội ra khỏi nơi đây để đến những nơi khác ở Tây Ban Nha.
Câu hỏi đặt ra là giả sử tình hình Catalunya tái ổn định thì liệu những doanh nghiệp nói trên có quay lại hay không ? Câu trả lời là dường như không. Ví dụ cụ thể là trường hợp Quebec. Cách nay 40 năm, lo ngại Quebec trở thành một nước độc lập, rất nhiều công ty lớn đã bỏ Montreal để đến Toronto, hiện là thủ đô kinh tế của Canada. Các doanh nghiệp nói trên không hề quay lại Montreal.
Cuộc tháo chạy hỗn loạn của các doanh nghiệp ít nhất gây ra ba hậu quả có sức tàn phá ghê gớm. Trước hết là sự ra đi của các doanh nghiệp này. Hậu quả thứ hai, nguy hiểm hơn, là sự di dời của các doanh nghiệp quy mô vừa, tuy không nổi tiếng trên phạm vi quốc tế nhưng có liên hệ chặt chẽ và có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Catalunya. Nếu phải lựa chọn giữa một bên là vùng lãnh thổ có 7,5 triệu dân và bên kia là thị trường hơn 500 triệu người tiêu dùng của Châu Âu, thì các doanh nghiệp này có câu trả lời rất nhanh.
Hậu quả thứ ba là cuộc khủng hoảng chính trị đã đưa ra một tín hiệu xấu cho các doanh nhân muốn đầu tư vào một vùng có rất nhiều lợi thế, như nhân công có tay nghề cao, đa dạng văn hóa, chất lượng cuộc sống cao, giá thuê nhà vừa phải, có nhiều hội chợ…
Từ nghìn năm nay, Catalunya là miền đất của sáng tạo, là nơi thử nghiệm nghệ thuật và kiến trúc, luôn luôn phồn thịnh, bởi vì người dân ở đây biết chung sống với nhau. Năm 1992, Barcelona mở được đường ra biển. Một phần tư thế kỷ sau, mảnh đất này tự đóng cửa, co cụm lại. Trong bốn thập niên qua, Catalunya muốn kiểm soát một phần nguồn của cải của mình. Giờ đây, vùng lãnh thổ này có nguy cơ mất toàn bộ quyền kiểm soát và đang hành động tự sát một cách mạo hiểm.
Căng thẳng Catalunya - Madrid : Lỗi cả đôi bên
Trong bài xã luận đề tựa "Sự đánh cược của nền dân chủ", La Croix cho rằng cuộc khủng hoảng Catalunya giống như một bộ phim dài nhiều tập ngán ngẩm và vào lúc này, nói ai đúng ai sai đều vô nghĩa, bởi cả Madrid và Catalunya đều phải chịu trách nhiệm.
Năm 2010, đảng của thủ tướng Mariano Rajoy đã thành công trong việc thuyết phục Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha cắt đi rất nhiều quyền hạn trong quy chế tự trị dành cho vùng Catalunya. Năm 2017, khủng hoảng gia tăng cường độ và bất chấp rất nhiều lời cảnh báo, chủ tịch Catalunya Carles Puigdemont và phe của ông đã cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp, và rồi sau đó tuyên bố độc lập.
Như vậy, cả hai bên đều có lỗi. Và giờ đây, phải tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Liệu nền độc lập có mang lại một tương lai rạng rỡ cho Catalunya hay không ? Chắc chắn là không và xã hội Catalunya bị chia rẽ. Cuộc biểu tình khổng lồ ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất ngày 29/10 tại Barcelona là một ví dụ. Mặt khác, mọi chiến lược co cụm sẽ dẫn đến bế tắc và hậu quả nhãn tiền là các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Catalunya.
Tuy nhiên, mọi toan tính dập nát ý đồ đòi độc lập cũng vô nghĩa, bởi vì không nên nghĩ rằng vùng này ích kỷ nên đòi độc lập. Lịch sử đã hun đúc khát vọng độc lập của vùng này và không thể phẩy tay khinh bỉ gạt bỏ khát vọng đó.
Xã luận của La Croix cho rằng công việc trước tiên là cả hai bên cần làm dịu tình hình. Để giải quyết bất đồng, giải pháp duy nhất là cuộc bầu cử cấp vùng dự định vào ngày 21/12/2017. Trong một nền dân chủ, bầu cử đóng vai trò trọng tài, độc lập, sẽ cho phép cả Catalunya và Tây Ban Nha dịu giọng, tiến hành đối thoại với nhau.
Bầu cử sớm : Một giải pháp cho Catalunya ?
Theo cùng hướng này, trong bài xã luận "Catalunya : đã đến lúc thực hiện dân chủ", báo Le Monde cho rằng "nước cộng hòa độc lập" mà nghị viện Catalunya tuyên bố trong lúc một nửa số nghị sĩ vắng mặt, chỉ là một giả tưởng, huyễn hoặc. Không một quốc gia nào công nhận "nước cộng hòa" này. Phe ly khai đã không đưa ra một dự án nghiêm túc nào để hỏi ý kiến người dân Catalunya ngoài việc tuyên bố độc lập.
Lẽ ra, để giải quyết khủng hoảng, chủ tịch vùng Carles Puigdemont phải cho tổ chức bầu cử cấp vùng trước thời hạn. Thế nhưng, thái độ co cụm, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa "đi tới cùng" của ông đã biến khát vọng chính đáng của người dân vùng này thành mối thù hận đối với nước Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc bầu cử cấp vùng trước thời hạn theo quyết định của thủ tướng Rajoy giúp tháo gỡ bế tắc, mở ra cho phe dân tộc chủ nghĩa Catalunya một triển vọng về tiến trình hợp pháp và thương lượng với Madrid về tương lai quan hệ với Tây Ban Nha.
Giáo dục và Xã hội chủ đề trọng tâm khác của báo Pháp
Dư chấn vụ tai tiếng xâm hại tình dục tại Hollywood vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến tình hình xã hội tại Pháp. Không liên quan gì đến Hollywood, "Weinstein" kiểu Pháp cũng hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống : tài chính, cảnh sát, truyền thông, bệnh viện. Trên trang nhất Libération chạy tít lớn "Cuộc điều tra về những vụ tấn công tình dục tại Pháp". Nhật báo dành đến 7 trang để trình bày lời chứng của các nạn nhân.
Một đề tài khác cũng được các nhật báo Pháp quan tâm đến là chương trình cải cách tuyển chọn đầu vào đại học. Le Figaro cho biết "Chính phủ lùi bước về việc tuyển chọn". Nhưng với Les Echos, đây là "một chương trình cải cách để thông lối vào đại học".
Thủ tướng chính phủ cùng với hai bộ trưởng Đào Tạo Sau Đại Học và Giáo Dục, Frédérique Vidal và Jean-Michel Blanquer ngày 30/10 trình bày dự thảo luật mới cải cách cách thức tuyển chọn đầu vào đại học. Học sinh tú tài vẫn sẽ là người quyết định ngành học của mình. Nhưng một loạt biện pháp sàng lọc sẽ được đề ra nhằm loại trừ bớt những học sinh nào có những kiến thức không thích ứng với chương trình đại học mà họ mong muốn.
Minh Anh