Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/11/2017

Vấn đề người Rohingya : Hoa Kỳ lên tiếng cảnh cáo

RFI tiếng Việt

Quốc Hội Mỹ chuẩn bị trừng phạt quân đội Miến Điện (RFI, 04/11/2017)

Một nhóm dân biểu Hạ Viện Mỹ hôm 03/11/2017 đã trình lên một dự luật trừng phạt quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh, cho thấy Quốc Hội Hoa Kỳ đã cứng rắn hơn trong vấn đề người Rohingya.

myanmar1

Quân đội Miến Điện bị tố cáo là thủ phạm các hành động tàn ác nhắm vào cộng đồng Rohingya. Trong ảnh, một cảnh tượng ở làng Tin May, sau một cuộc tấn công của quân đội, ngày 14/07/2017. Reuters

Dự luật này hạn chế các hoạt động hợp tác quân sự với Miến Điện, và đòi chính quyền Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các tướng tá có liên can đến những vụ bạo động người thiểu số Rohingya. Nhiều dân biểu cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đều ủng hộ, nên dự luật có nhiều khả năng được thông qua tại Hạ Viện.

Ở Thượng Viện, một dự luật tương tự đã được đệ trình bởi thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, thượng nghị sĩ Dân Chủ phụ trách đối ngoại Ben Cardin, và các nghị sĩ khác của cả hai đảng. Dự thảo này đề nghị cấm trở lại việc nhập khẩu hồng ngọc và cẩm thạch của Miến Điện.

Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố : "Luật pháp của chúng ta phải buộc các lãnh đạo quân sự cao cấp phải trả giá – những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát người vô tội, khiến người dân phải di tản". Còn thượng nghị sĩ Ben Cardin cảnh báo : "Họ sẽ phải chịu hậu quả về tội ác chống nhân loại".

Quốc Hội Hoa Kỳ muốn gởi đi một thông điệp rõ ràng, tăng sức ép lên quân đội Miến Điện, mà Liên Hiệp Quốc từng tố cáo là "thanh lọc chủng tộc".

Hôm 24/10, Washington đã loan báo một số biện pháp trừng phạt như ngưng xét cấp visa cho các tướng tá Miến Điện, hủy lời mời các quan chức cao cấp trong lực lượng an ninh Miến Điện tham dự các sự kiện tại Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Mỹ tránh chỉ trích bà Aung San Suu Kyi, phân biệt rõ chính quyền dân sự với phe quân sự.

Thụy My

******************

Liên Hiệp Quốc : Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya (RFI, 03/11/2017)

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, ngày 02/11/2017, đã yêu cầu Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya tị nạn tại Bangladesh và cho phép họ hồi hương.

myanmar1

Ảnh một trại tỵ nạn người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 20/10/2017.Reuters/Jorge Silva

Người phụ trách Phủ Cao Ủy Tị Nạn nhấn mạnh : "Không thể để những người này mãi không có quốc tịch vì tình trạng này còn khiến họ bị phân biệt và lạm dụng, như từng xảy ra trong quá khứ".

Bị quân đội Miến Điện trấn áp, hơn 600.000 người Rohingya đã phải trốn sang Bangladesh từ cuối tháng 08/2017. "Để những người này có thể hồi hương và ổn định cuộc sống, cần phải giải quyết vấn đề quyền công dân của họ, được đánh giá là rất phức tạp", theo phát biểu của ông Grandi trước báo giới tại Hội Đồng Bảo An.

Vẫn theo ông, ngoài việc công nhận quyền công dân, chính phủ Miến Điện còn phải thông qua một chương trình phát triển cho bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất nước này.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện

Hãng tin AFP cho biết vấn đề người tị nạn Rohingya sẽ là một trong số các chủ đề nghị sự trong chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, bắt đầu từ ngày 15/11. Theo một bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Tillerson sẽ gặp gỡ "các nhà lãnh đạo cao cấp" Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw để bàn về "các hoạt động trước cuộc khủng hoảng nhân đạo tại bang Rakhine và sự hỗ trợ của Mỹ trong tiến trình quá độ dân chủ tại Miến Điện".

Trước khi đến Miến Điện, ngoại trưởng Mỹ tháp tùng tổng thống Donald Trump trong chuyến công du Châu Á đầu tiên nhân hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng và sẽ đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Khoảng 600.000 người Rohingya vô tổ quốc nằm trong số ít nhất 3 triệu người không có quốc tịch trên toàn thế giới được thống kê trong bản báo cáo công bố ngày 03/11/2017 của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.

Bản báo cáo ghi nhận một số tiến bộ trong thời gian qua, như tại Thái Lan, khoảng 30.000 người đã được chính phủ cấp quốc tịch từ năm 2012. Còn tại Châu Phi, người Makondés đã được công nhận là một bộ tộc tại Kenya vào năm 2016.

Thu Hằng

****************Lãnh đạo Miến Điện Suu Kyi lần đầu tiên đi thăm bang Rakhine (RFI, 02/11/2017)

Bà Aung San Suu Kyi ngày 02/11/2017 lần đầu tiên đến thăm bang Rakhine trong tư cách nhân vật lãnh đạo Miến Điện. Đây là khu vực có đa số cư dân là người Hồi giáo Rohingya mà hơn nửa triệu người trong thời gian qua đã phải bỏ chay qua tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh do các chiến dịch bố ráp của Quân Đội Miến Điện.

aung1

Bà Aung San Suu Kyi đến Sittwe, Rakhine, ngày 02/11/2017. Reuters/Stringer

Bà Aung Sann Suu Kyi đã đến Sittwe, thủ phủ bang Rakhine vào buổi sáng, rồi sau đó đi ngay đến vùng phía Bắc của bang, nơi có nhiều ngôi làng của sắc dân Rohingya.

Ông Tin Maung Swe, một lãnh đạo trong chính quyền bang Rakhine, cho biết : "Bà Cố Vấn Quốc Gia vừa đến nhưng bà ấy đang đi lên Maungdaw, ở miền bắc Rakhine, cùng với các quan chức của bang". Cố Vấn Quốc Gia là chức danh chính thức của bà Aung San Suu Kyi từ khi lên cầm quyền.

Phát ngôn viên của chính phủ Zaw Htay thì từ chối tiết lộ chương trình làm việc của bà Suu Kyi, viện dẫn lý do an ninh.

Đây không phải là lần đầu tiên mà bà Aung San Suu Kyi đến thăm bang Rakhine. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2015, bà đã đến miền Nam Rakhine, nơi không xẩy ra nhiều xung đột. Nhưng hôm nay, là lần đầu tiên bà đến Rakhine, và đến miền Bắc, nơi đang bị khủng hoảng gay gắt.

Chuyến thăm này diễn ra sau khi nhân vật số một trong chính quyền dân sự tại Miến Điện bị quốc tế chỉ trích về phản ứng quá thụ động trước trong làn sóng di cư của người Rohingya chạy qua Bangladesh để tránh các chiến dịch của quân đội Miến Điện, bị chính Liên Hiệp Quốc gọi là một cuộc thanh lọc sắc tộc.

Từ ngày 25 tháng Tám đến nay, đã có hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya trốn sang Bangladesh, khi các lực lượng an ninh ở Miến Điện, nước có đa số theo Phật giáo, bắt đầu những hoạt động được gọi là chiến dịch dẹp loạn nhằm đối phó với những cuộc tấn công đẫm máu của quân nổi dậy vào các đồn cảnh sát.

Chiến dịch này bị tố cáo là bao gồm cả việc đốt cháy các ngôi làng của người Rohingya và các vụ vi phạm nhân quyền trên bình diện rộng như hãm hiếp phụ nữ, nổ súng giết người do binh lính Miến Điện hay đám đông người Phật giáo tiến hành.

Làn sóng di cư qua Bangladesh đã chậm lại ở một số điểm nhưng chưa dừng hẳn. Vào sáng nay, vẫn có ít nhất 2000 người Rohingya trong tình trạng hoảng hốt và đói khát, bám trụ tại các ruộng lúa gần một đường biên giới băng qua sông Naf. Họ đã đợi hơn 24 giờ để được phép vào Bangladesh.

Trọng Nghĩa

*****************

Miến Điện trách Bangladesh chậm cho hồi hương người Rohingya (RFA, 01/11/2017)

aung2

Người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hôm 01/11/2017. AFP

Miến Điện lên tiếng đổ lỗi cho Bangladesh đã làm trì hoãn tiến độ hồi hương của người Hồi giáo Rohingya đang ở trong các trại tị nạn trở về Myanmar, trong lúc Liên Hiệp Quốc cáo buộc Chính phủ Miến thực hiện cuộc thanh tảo sắc tộc khiến hơn 600.000 người thiểu số ở bang Rakhine phải chạy sang nước này lánh nạn.

Phát ngôn nhân Zaw Htay của Chính phủ Miến, vào ngày 1 tháng 11 nói với AFP rằng Myanmar sẵn sàng nhận về số người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh bất cứ lúc nào nhưng Dhaka vẫn cứ xem xét thỏa thuận giữa hai quốc gia và vẫn chưa gửi danh sách liệt kê cụ thể những người đã rời Miến kể từ ngày 25 tháng 8 cho đến nay.

Phát ngôn nhân của Chính phủ Miến nói thêm rằng Dhaka đã nhận gần 400 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh nên Miến Điện e rằng Bangladesh đang trì hoãn chương trình hồi hương cho những người tị nạn này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Bangladesh phủ nhận cáo buộc của Chính phủ Miến. Giới chức ngoại giao này nói với AFP hai nước đang làm việc để vượt qua những khác biệt trong hiệp định về thoả thuận hồi hương cho người tị nạn Rohingya.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 715 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)