Trung Quốc phá âm mưu ám sát con trai Kim Jong Nam (VOA, 02/11/2017)
Bảy gián điệp Triều Tiên đã được bí mật phái đến Trung Quốc để thực hiện sứ mệnh giết Kim Han-sol, con trai ông Kim Jong-nam, người đã bị ám sát bằng chất độc VX tại sân bay Malaysia hồi năm ngoái. Hai trong số 7 gián điệp bị nhà chức trách Trung Quốc bắt hồi tuần trước và đang được thẩm vấn ở một vùng ngoại ô Bắc Kinh, nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo dẫn một nguồn tin độc lập cho biết ngày 2/11.
Kim Han-sol xuất hiện trong đoạn video trên YouTube sau cái chết của cha.
Nguồn tin cho biết thêm rằng các gián điệp là thành viên của Cục Trinh sát Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm về tình báo ở nước ngoài. Các điệp viên này mới được đưa tới Trung Quốc gần đây và có lẽ không thông qua Bắc Kinh. Nhiệm vụ của họ là truy lùng và giết Kim Han-sol, 22 tuổi, cháu trai của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Âm mưu ám sát Han-sol bị phá vỡ khi các giới chức Bộ An ninh Trung Quốc bắt giữ hai điệp viên, nhưng chi tiết về vụ bắt giữ và số phận của 5 điệp viên còn lại không được đề cập tới.
Các điệp viên bị bắt khai họ không biết gì về âm mưu ám sát.
Kim Han-sol là con trai cả của ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Mẹ của Kim Han-sol là bà Rih Hye-kyong, vợ thứ hai của ông Kim Jong-nam. Sau Kim Han-sol, vợ chồng ông Kim Jong Nam còn có thêm một đứa con gái tên Kim Sol-hui.
Gia đình ông Kim Jong-nam sống ở Ma Cao cho đến đầu năm nay, khi ông Kim Jong-nam bị một nhóm điệp viên Triều Tiên giết chết tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur vào ngày 13/2, trong đó có hai nghi phạm bị bắt là một phụ nữ Indonesia, và cô Đoàn Thị Hương, người Việt Nam.
Kim Han-sol từng được quốc tế biết đến qua cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình Phần Lan hồi năm 2012, khi anh công khai gọi chú mình, Kim Jong Un, là một "nhà độc tài".
Lớn lên tại Ma Cao, Kim Han-sol được gửi theo học một trường quốc tế tại thành phố Mostar ở Bosnia Herzegovina, một cơ sở giáo dục có mục tiêu thúc đẩy hòa bình và thống nhất, điều hoàn toàn tương phản với chủ nghĩa dân tộc bài ngoại đã cắm sâu ở Triều Tiên, theo The Times.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Phần Lan, Kim Han-sol xuất hiện trong một bộ vest đen, thắt cà vạt, đeo kính đen và xỏ lỗ tai. Với vốn tiếng Anh lưu loát, Kim Han-sol cho biết anh lớn lên mà không hề biết mình là "thái tử" duy nhất của một nhà nước cộng sản duy nhất thực hiện chính sách "truyền ngôi" trên thế giới.
Anh cho biết anh chưa bao giờ gặp người chú Kim Jong Un, hay ông nội, cựu lãnh tụ Kim Jong Il. "Tôi đã đợi [ông Kim Jong-il] cho đến khi… ông qua đời, hy vọng ông ấy sẽ đến tìm tôi bởi vì tôi thực sự không biết liệu ông ấy có biết về sự hiện hữu của tôi hay không. Tôi chỉ muốn biết ông là người như thế nào", Kim Han-sol chia sẻ với đài truyền hình Phần Lan.
Kim Han-sol nói anh hy vọng một ngày nào đó, sẽ đóng góp cho "hòa bình thế giới".
Sau khi cha bị ám sát, Kim Han-sol xuất hiện trở lại trong một video trên YouTube do nhóm Cheollima Civil Defense đưa lên.
Anh nói : "Cha tôi đã bị giết cách đây vài ngày và tôi hiện đang ở cùng mẹ và em gái. Và chúng tôi rất biết ơn..".. Phần tiếp theo của câu nói bị cắt đi. Cuối cùng, Kim Han-sol nói : "Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ sớm tốt đẹp hơn".
Trong một tuyên bố sau đó, nhóm Cheollima Civil Defense nói theo yêu cầu khẩn cấp của những thành viên còn sống sót trong gia đình Kim Jong Nam, họ đã sơ tán và bảo vệ những người còn lại, và cho biết rằng ba thành viên trong gia đình ông Kim Jong Nam đã "được đưa đến một nơi an toàn". Nhóm này không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Nhóm Cheollima cũng ngỏ lời cảm ơn Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc và một chính phủ thứ tư không được nêu tên, đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để bảo vệ gia đình ông Kim Jong Nam, đồng thời nhấn mạnh đến sự giúp đỡ của Đại sứ Hà Lan ở Hàn Quốc Lody Embrechts.
****************
Nhà xuất bản Đức Springer Nature phải tự kiểm duyệt ở Trung Quốc (RFI, 02/11/2017)
Theo thông tin được tờ Financial Times tiết lộ hôm qua 01/11/2017, nhà xuất bản Đức Springer Nature với các tạp chí khoa học uy tín như "Nature" và "Scientific American", vừa phải phong tỏa trên 1.000 bài viết trên trang web tại Trung Quốc, theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Ảnh minh họa© gettyimages
Nhà xuất bản Đức cho rằng "đây là điều rất đáng tiếc, nhưng phải thực hiện để tránh các hậu quả lớn hơn cho khách hàng và các tác giả". Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :
"Các bài viết liên quan đến đợt tự kiểm duyệt này có những từ bị cho là nhạy cảm về chính trị đối với chính quyền Trung Quốc như "Tây Tạng", "Đài Loan", hay Cách mạng văn hóa"… Những bài bị xóa khỏi trang web của Springer Nature tại Trung Quốc đã được đăng trên hai tạp chí Khoa học Chính trị Trung Quốc và Chính trị Quốc tế.
Trong một thông báo, Springer Nature khẳng định những bài bị chặn chỉ chiếm có 1% tổng số các bài viết, số còn lại vẫn có thể đọc được. Nhà xuất bản Đức nói rằng bị buộc phải tuân theo luật của địa phương về việc phổ biến, và điều này không có ảnh hưởng gì đến quan điểm biên tập và các ấn phẩm của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà xuất bản phải tự kiểm duyệt để tiếp tục được phép bán sản phẩm tại Trung Quốc. Hồi tháng Tám, nhà xuất bản trường đại học Cambridge cũng đã xóa hơn 300 bài viết về Trung Quốc trên internet, theo lệnh của Bắc Kinh. Một kiến nghị phản đối đã thu thập được hàng trăm chữ ký. Nhà xuất bản Cambridge đành phải thay đổi thái độ, và rốt cuộc những bài báo bị rút xuống đã được đăng lại trên mạng".
Thụy My