Trong chế độ bạo chúa cộng sản Việt Nam, khi họ tiến hành đàn áp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền bằng hình thức bắt giam cầm tù. Ngoài mục đích tước đoạt tự do của người đấu tranh, chúng còn mong muốn thực hiện một âm ưu độc ác và tàn bạo đó là tước đoạt sức khoẻ về thể chất và tinh thần của những người đó.
Bạo chúa cộng sản âm thầm thực hiện việc tước đoạt sức khoẻ về tinh thần và thể chất của những người tù nhân lương tâm từ khi họ bị tạm giam cho tới trong quá trình ở trại cải tạo.
Về mặt thể chất, bạo chúa cộng sản Việt Nam không trực tiếp đánh đập, tra tấn hay bỏ đói. Nhưng họ tiến hành các biện pháp gây ức chế, bức xúc về tâm lý, tinh thần với người bị tạm giam, bị cầm tù.
Kinh nghiệm hai năm rưỡi bị tạm giam của tôi tại trại tam giam B14 là quản giáo thực hiện lặp đi lặp lại việc cho ăn cơm sống, canh thiu hoặc cho xà phòng vào, nước uống luôn có mùi khó chịu, không cho đọc báo, nghe radio, thỉnh thoảng cắt nước sinh hoạt, phát dao cạo râu nhưng đòi lại ngay làm người cạo râu vội vàng và tự làm tổn thương, đưa phích nước nóng bị hỏng có thể làm bỏng người sử dụng, phát thuốc chữa bệnh vào nửa đêm, dùng gót giầy bẩn dẵm lên nắp khay cơm, cho ăn cháo pha nước, rút ruột báo gia đình gửi vào, đồ ăn gia đình gửi buổi sáng nhưng để tới chiều mới phát, chúng xé nát bao bì đựng bánh kẹo để nếu ăn không kịp thì sẽ bị hỏng…
Mục đích của những việc làm trên là làm cho người bị tạm giam tức giận, ức chế dẫn đến suy sụp về tâm lý và tinh thần. Bởi trong hoàn cảnh tạm giam chưa được gặp gia đình, luật sư, nên không tìm cách nào để thông báo ra bên ngoài. Cách duy nhất có thể thực hiện là tuyệt thực. Nếu làm điều này thì trúng kế độc ác và tàn bạo của bạo chúa cộng sản, bởi họ chỉ mong chờ mình tuyệt thực để tự huỷ hoại sức khoẻ và tinh thần. Điều này làm bạo chúa cộng sản vô cùng đắc chí.
Ngay từ khi bị bắt và tạm giam, tôi đã nhận rõ âm ưu và bản chất nham hiểm của bạo chúa cộng sản, nên tôi chuẩn bị tâm lý luôn lạc quan, bình tĩnh, nhẫn nhịn với tâm lý thoả mái. Cho dù chúng có làm gì đi nữa cũng không để ảnh hưởng tới tâm lý của mình. Bởi tôi không thể chọn biện pháp tuyệt thực vì lý do sức khoẻ và cũng không bao giờ để bạo chúa cộng sản đắc ý.
Trong trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị quản giáo nhà tù thực hiện việc cho côn đồ ở cùng để đe doạ, gây bức xúc, gây khó chịu, áp lực,… Còn trường hợp của anh Trần Huỳnh Duy Thức thì chúng giảm tiêu chuẩn viết thư về nhà, ép nhận tội, không chuyển đơn khiếu nại,… Những việc làm của quản giáo đã làm chị Quỳnh và anh Thức tức giận. Làm cho họ buộc phải sử dụng biện pháp đấu tranh duy nhất ở trong tù là tuyệt thực.
Nhưng điều này không làm cho bạo chúa cộng sản Việt Nam lo sợ mà thay vào đó là chúng vui mừng vì chúng đã đạt được mục đích là làm sói mòn sức khoẻ thể chất và tinh thần của hai người. Bởi tuyệt thực dài ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não, tim, thận, dạ dày, thậm chí là sinh mệnh.
Bạo chúa cộng sản sẽ để mặc cho các tù nhân tuyệt thực, thậm chí chúng còn âm thầm kích động để các tù nhân thực hiện tuyệt thực kéo dài nhằm triệt hạ tinh thần,sức khoẻ và thậm chí là mạng sống của những tù nhân lương tâm. Tại nhà tù Nam Hà, Ba Sao, tỉnh Hà Nam đã có một thành viên của nhóm Pháp luân công chết vì tuyệt thực dài ngày vào năm 2015.
Trong trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị đã tuyệt thực được 16 ngày và ngưng tuyệt thực sau chuyến viếng thăm của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Còn trường hợp của anh Trần Huỳnh Duy Thức thì bạo chúa cộng sản có nhượng bộ không ?
Tới hôm nay anh Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 30 ngày, nhưng có lẽ chúng chỉ nhượng bộ khi anh Thức đã hoàn toàn kiệt sức.
Trong lao tù của bạo chúa cộng sản, mọi tù nhân lương tâm đều bị chúng đối xử bất công và bạo ngược. Lựa chọn hình thức đấu tranh để đòi công bằng là quyền của mỗi tù nhân lương tâm.
Nhưng "tuyệt thực" là một cuộc chiến không cân sức giữa tù nhân lương tâm và bạo chúa cộng sản Việt Nam. Nếu cuộc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực được nhiều tù nhân lương tâm cùng tham gia thì sẽ có kết quả tốt và nhanh chóng. Nhưng bạo chúa cộng sản hiểu rõ điều này, nên chúng đã giam riêng và cách biệt các tù nhân lương tâm với nhau.
Qua bài viết này, tôi chỉ muốn nhắn gửi tới thân nhân của các tù nhân lương tâm, các anh chị em đang hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Cần hiểu rõ mục đích kích động của bạo chúa cộng sản để các tù nhân lương tâm tuyệt thực và hãy cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn hình thức đấu tranh tuyệt thực dài ngày.
Ngày 13 tháng 9 năm 2018
Nguyễn Văn Đài
Nguồn : RFA, 13/09/2018 (nguyenvandai's blog)
Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực ngày thứ 28. Hãy thử nhịn ăn 28 giờ để hiểu cái quyết tâm phi thường của một người đấu tranh cho nhân quyền, cho đất nước. Tập đoàn cầm quyền im lặng, không thèm đếm xỉa.
Hãy thử nhịn ăn 28 giờ để hiểu cái quyết tâm phi thường của một người đấu tranh cho nhân quyền, cho đất nước nhx Trần Huỳnh Duy Thức
Trong cái im lặng đó, có cái lạnh lùng của bọn giết người, có sự thách thức ngạo nghễ của một bọn cướp ngày (tao chơi vậy đó, đứa nào làm gì tao ?), cái man rợ tiền sử (coi mạng người như cỏ rác), cái sadisme bệnh hoạn (tìm thú vui trong trò chơi độc ác), cái tính toán thâm độc (đánh chết vài người để răn trăm họ, như ngày xưa họ cắt cổ, bêu đầu nạn nhân ở đầu làng), cái ngu dốt của thất phu (làm mọi cách để thế giới văn minh ghê tởm, trong khi cần thế giới giúp tiền trước khủng hoảng kinh tế, giúp sức trước họa diệt vong).
Phải thêm cái trung thành của lâu la đối với lời dạy bảo của bác Lê (Lenin : những chế độ cộng sản, muốn tồn tại, phải có can đảm tiêu diệt không nương tay, từ trứng nước, những mầm mống phản kháng).
Cũng có thể đó là chính sách, chỉ thị của đàn anh láng giềng : giúp Việt Nam càng ngày càng cô lập với thế giới văn minh, để chỉ còn một con đường là càng ngày càng chui vào rọ Tàu.
Tất cả những cái đó, xây dựng trên một nền tảng : sự sợ hãi. Sự sợ hãi của người dân là một thực tế, tại một xứ quyền hành xây dựng trên bạo hành, khủng bố, nhồi sọ từ trên nửa thế kỷ nay.
Nhưng cái gì cũng có giới hạn. Một lúc nào đó, sự khiêu khích quá trớn, cái phẫn nộ, uất hận lớn hơn cái sợ, hậu quả sẽ khó lường. Trong lịch sử thế giới, chỉ vài ngày hay vài giờ trước khi sụp đổ, chế độ độc tài nào cũng ngạo nghễ, tưởng mình sẽ vĩnh viễn trường tồn
Paris 10/09/2018
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com , 10/09/2018
Tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực để phản đối việc trại giam đang giam giữ anh đã cố tình o ép anh để anh phải viết giấy nhận tội và hưởng đặc xá. Rõ ràng là đây là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa người tù lương tâm số 1 Việt Nam Trần Huỳnh Duy Thức với cả hệ thống giam giữ của chính quyền Việt Nam.
Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực để phản đối việc trại giam đang giam giữ anh đã cố tình o ép anh để anh phải viết giấy nhận tội và hưởng đặc xá.
Ở trong ngục tù đen tối đã gần 10 năm dài đằng đẵng, Trần Huỳnh Duy Thức đã vài lần từ chối đi ra nước ngoài. Và bây giờ thì anh cũng từ chối nhận lệnh đặc xá nếu phải viết ra giấy để nhận những tội mà anh không làm. Đó là những phẩm chất không có gì phải bàn cãi về tính cương quyết, sự không khoan nhượng và phẩm chất chịu đựng hơn người, thậm chí là sự chấp nhận hy sinh cả mạng sống của anh. Dĩ nhiên là chúng tôi ủng hộ vô điều kiện cuộc đấu tranh một mất một còn đó của anh.
Nhưng là những người yêu mến Trần Huỳnh Duy Thức, chúng tôi cũng cần phải nói với anh rằng, anh tuyệt thực đã đủ rồi. Tuyệt thực nữa sẽ trở nên vô ích và có thể đưa anh đến cái nơi bất tử của một người đã chết, và cũng là nơi vô ích với chúng tôi nữa. Chúng tôi ủng hộ mọi chọn lựa đấu tranh của anh nhưng chúng tôi ủng hộ hơn nữa nếu anh khỏe mạnh và bước chân ra khỏi nơi đang giam cầm đày ải anh. Cha mẹ, vợ con anh và những người thân thiết với anh cần anh, chúng tôi cần anh và đất nước này cũng cần anh hơn bao giờ hết. Tất cả đều cần anh như một con người đang sống và hoạt động vì những lý tưởng cao cả mà anh đã vì nó mà dấn thân chứ không phải như một cái tượng đài đã chết. Chúng tôi cần anh như một con người đấu tranh hết mình với cường quyền nhưng cũng là một con bình thường với các bổn phận với gia đình và xã hội. Chúng tôi cần anh như cần một chiến sĩ đấu tranh dân chủ đã hết lòng cho sự nghiệp thiêng liêng, và cần anh phải sống để nhìn thấy cái sự nghiệp mà anh đã góp công vào đã đơm hoa kết trái.
Anh đã tuyệt thực nhiều ngày đủ để cho cường quyền khiếp sợ và để cho chúng tôi khâm phục. Hãy dừng lại ngay khi nó còn ở trong tầm kiểm soát của anh. Chúng tôi ủng hộ công cuộc tuyệt thực của anh nhưng nó không được làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng và tự do của anh. Chúng tôi ủng hộ những ngày đấu tranh kiên cường từ trong ngục tù cộng sản của anh 9 năm qua nhưng chúng tôi không muốn anh phải ở tù thêm 6 năm nữa. Bởi anh là một con người quí giá và không thể phung phí cuộc đời hay sức chiến đấu của mình cho những lần tuyệt thực hay cho những năm tháng tù đầy thêm nữa. Công cuộc đấu tranh dân chủ cũng cần anh như một thủ lĩnh thực sự ở bên ngoài chứ không phải chỉ là một tấm gương chói sáng nhưng lại không giúp ích gì nhiều khi cứ phải mòn mỏi ở mãi trong ngục tù tối tăm.
Trong khi những người đấu tranh ở bên ngoài như anh đang hiếm hoi như một giọt nước nơi sa mạc thì chúng tôi mong sự trở về của với chúng tôi như mong một dòng nước mát tràn về nơi nắng cháy khô hạn. Chúng tôi không cần một ông Thánh đấu tranh đến chết hay ở tù mãi mãi mà chỉ muốn có một con người giản dị như anh, cùng với những trách nhiệm to lớn với người dân của mình. Hãy làm những điều tốt nhất cho anh nhưng cũng phải là những điều tốt đẹp nhất cho công cuộc đấu tranh ở bên ngoài. Và chỉ có thể làm những điều đó khi anh đã ở bên ngoài ngục tù đen tối kia. Người anh hùng đôi khi phải có những bước dừng để thấy được biển rộng trời cao, thấy được con đường đang đi để tiến bước tiếp mạnh mẽ gấp trăm lần.
Đã có những con người đấu tranh dân chủ ở trong tù chấp nhận ra đi để có thể tiếp tục đấu tranh ở nước ngoài. Những Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và cả luật sư Nguyễn Văn Đài mới đây đã ra đi, và cho dù họ có phải ký những giấy tờ nào đó để ra đi thì chúng tôi cũng vẫn yêu quí và trân trọng họ như những người đấu tranh dân chủ hàng đầu của đất nước chúng ta. Chúng tôi tin rằng chỉ vài ngày sắp tới thì Trần Huỳnh Duy Thức sẽ chọn lựa đúng con đường đi kế tiếp của mình.
Chúng tôi mong mỏi rằng những suy nghĩ vụng dại nhưng đầy yêu thương này của chúng tôi sẽ đến được với anh để anh hiểu rằng, cho dù ai nói ngả nói nghiêng thì với chúng tôi, những mảnh giấy vụn hay những lời cam kết mà những người như anh đã viết ở trong ngục tù CS (nếu có) sẽ không bao giờ có thể thay đổi được những phẩm chất anh hùng hay thay đổi được những người anh hùng như anh. Không bao giờ...
Người chiến binh bước về phía sông Dịch,
Mà đầu chưa một lần ngoái cố hương.
Gươm đàn qua sông bao lần gãy gánh,
Nhưng lòng trung vẫn dành trọn cho quê hương...
Mai Tú Ân
Nguồn : VNTB, 09/09/2018
********************
Sáng ngày 9/9, ông Trần Văn Huỳnh, cha ruột của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã gửi thư kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và nhân dân Việt Nam "cùng lên tiếng giữ lại tính mạng" của ông Trần Huỳnh Duy Thức, "trước đe dọa đã tính từng ngày" do tuyệt thực dài ngày.
Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức - Courtesy FB
Cựu Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI -Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc "hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân", đang tuyệt thực trong trại giam số 6 Thanh Chương - Nghệ An từ ngày 14/8/2018.
Ngày 9/9/2018 là ngày thứ 27 ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật bằng cách trả tự do cho ông theo khoản 3 của điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 và công an trại giam ngừng việc áp bức ông.
Bức thư gửi cho lãnh đạo nhà nước, chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự cùng toàn thể nhân dân Việt Nam bày tỏ quan ngại về sức khỏe của ông Thức và cho rằng :
"Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào".
Qua đó, gia đình yêu cầu 2 điểm như, cán bộ trại giam ngay lập tức phải thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Thức và cho ông này gọi điện thoại về gia đình.
Thứ hai, gia đình của tù nhân đang thụ án qua năm thứ 9 "yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam xem xét ngay các yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức và có trả lời ngay, dựa trên các quy định của Pháp luật".
Đây là cuộc tuyệt thực dài ngày lần thứ hai của ông Thức trong trại giam, đã gây cảm hứng cho nhiều người dân, những nhà hoạt động và các nhân sĩ trí thức thực hiện các cuộc nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng với ông.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…
Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là "trộm cước viễn thông", tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là "sự nhạo báng công lý".
Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, ông Thức và những đồng sự thành lập nhóm Nghiên cứu chấn để đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Từ đó thông qua kế hoạch "Đoài đánh Đoài", tức là sử dụng những người cộng sản "đánh" cộng sản, từ đó, chia rẽ, phân hoá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố "ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước".
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang bước đến ngày thứ 30, tròn một tháng tuyệt thực tại trại giam số 6 Nghệ An.
Số người ghi danh đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức đã vượt qua con số 60, và có ý kiến kêu gọi tổ chức tuyệt thực tập thể để ủng hộ.
Theo các báo cáo y khoa, ngưỡng chịu đựng của một người tuyệt thực từ 30 cho đến 45 ngày.
Hàng chục người tham gia đồng hành tuyệt thực với Trần Huỳnh Duy Thức
Gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết, mỗi ngày đều có người của gia đình gọi điện thoại vào trại giam số 6 Nghệ An để thăm hỏi tình hình sức khỏe của ông Thức. Tuy nhiên điều kỳ lạ là số điện thoại chính của trại giam đã luôn có chuông mà không hề có ai bắt máy. Điều này đã xảy ra kể từ khi ông Thức bắt đầu tuyệt thực được một tuần.
Vào ngày thứ 22 tuyệt thực của ông Thức, tổ chức Amnesty International, văn phòng tại Thái Lan đã phát động chiến dịch ủng hộ cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, có tên "Tôi Thức để #Free Thức". Chương trình này kêu gọi các người dùng facebook quan tâm đến tình trạng của ông Thức hãy đổi hình đại diện (avatar) do Amnesty International, văn phòng Thái Lan đề nghị.
Văn bản phát động chiến dịch này ghi rằng :
"Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực ở trong tù để phản đối sự ngược đãi và việc công an ép ông phải nhận tội. Chúng tôi đồng hành cùng với gia đình của ông và kêu gọi mọi người ủng hộ bằng cách share hoặc sử dụng hình ảnh này làm hình đại diện cho trang cá nhân của mình.
Trần Huỳnh Duy Thức là một kĩ sư và là một doanh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông sáng lập ra EIS, một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ internet cho điện thoại di động ở Việt Nam có chi nhánh ở Singapore và Mỹ. Ông sau đó trở thành một nhà hoạt động và tập trung vào việc viết blog về tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam và góp ý cho chính phủ về các hướng cải cách. Ông cũng thành lập phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức nhằm cổ xúy các giá trị của nhân quyền và dân chủ.
Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và kết án 16 năm tù vào năm 2010 với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền". Ông là một trong những tù nhân lương tâm có tên trong danh sách mà chúng tôi công bố hồi tháng Tư năm nay".
Cùng với lời vận động này, gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng phát đi lá thư ngỏ, kêu gọi mọi giới trong và ngoài nước hãy quan tâm đến tình trạng của ông Thức. Và đây có lẽ là lá thư ngỏ đầu tiên phát đi không có ý định gửi cho bất kỳ một cơ quan nào nhà nước hay nhân vật lãnh đạo hiện thời, mà chỉ nhằm gửi đến người dân Việt Nam. Nói mọi cách nào đó, lá thư ngỏ này thể hiện tuyệt đối tinh thần kiên cường của ông Trần Huỳnh Duy Thức là "không van nài, không xin xỏ".
Lời kêu gọi của thư ngỏ nhấn mạnh rằng :
"Hãy gọi tên Trần Huỳnh Duy Thức, như một cách gọi tên công lý phải được thực thi, trên mọi trang mạng xã hội, mọi phương tiện giao tiếp của thế giới phẳng.
Hãy nhắc tên Trần Huỳnh Duy Thức ở mọi cơ hội trò chuyện trực tiếp và giải thích về quyền con người và đạo đức của một nhà cầm quyền.
Xin mọi thánh lễ Công giáo, nhật tụng Phật giáo hay các buổi cầu nguyện của Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành… hãy dành chút thời gian đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức trong việc đòi công lý, bày tỏ một chính kiến ôn hoà trước một hiện thực bị che giấu.
Lên tiếng cho Trần Huỳnh Duy Thức hôm nay, là lên tiếng cho chúng ta và quê hương ngày mai, với niềm tin mãnh liệt rằng con người Việt Nam không bao giờ từ chối lẽ phải, không bao giờ né tránh sự thật".
Ngay sau khi thư ngỏ này phát đi, danh sách những người quyết đồng hành tuyệt thực cùng với Trần Huỳnh Duy Thức đã nhanh chóng tăng lên từng ngày, hiện đã vượt con số 60 người, bao gồm, sinh viên, công nhân, thầy tu, bác sĩ… trong số đó có những người quen thuộc với giới bất đồng chính kiến như tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, Điều phối viên Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Bá Hải, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà văn Phạm Đình Trọng…
Thầy Thích Ngộ Chánh, một trong những người đầu tiên tuyệt thực đồng hành, từ Lâm Đồng, nói rằng "Những gì ông Thức đang làm, cho thấy ông là một người vô ngã, vị tha với tấm lòng cho quê hương đất nước, vì vậy tôi đồng hành là để kêu gọi thêm sự quan tâm đến trường hợp của ông".
Vy Nguyễn, một trong những người tuyệt thực đồng hành cho biết không chỉ riêng cô, mà cả gia đình đều ủng hộ việc cô lên tiếng đồng hành với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Thậm chí các anh của cô cũng sẳn sàng tuyệt thực đồng hành bên cạnh cô.
Có tin, có thể một số người tuyệt thực đồng hành cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tập hợp tuyệt thực, bất chấp việc có thể bị đàn áp.
Nói trên đài Á Châu Tự Do, bà Trần Diệu Liên, chị gái TNLT Trần Huỳnh Duy Thức nới rằng gia đình hết sức cảm động và ấm lòng khi thấy có nhiều người chia sẻ ước mơ và hoài bão của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong lúc này. "Chỉ cần mỗi con người với một chút sức,thì chính quyền sẽ phải lắng nghe và đối thoại", bà Trần Diệu Liên nói.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 08/09/2048 (tuankhanh's blog)
"Chúng tôi cùng đồng hành với Trần Huỳnh Duy Thức để yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải thượng tôn pháp luật"
Giáo xứ Song Ngọc và Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy : Facebook Nguyễn Đình Thục
Tính đến ngày 6/9, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 24 ngày, và ông tuyên bố vẫn tiếp tục tuyệt thực để phản đối đòi hỏi từ phía công an rằng ông sẽ được đặc xá nếu như ông nhận tội, cũng như trại giam hạn chế đối với thư tín của ông gửi ra ngoài.
Đài RFA có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức ; cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, là người cũng đã bị bắt và bị tuyên án tù trong cùng vụ án với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức ; và tù nhân nhân quyền-Blogger Nguyễn Ngọc Già để biết thêm thông tin về sự sống còn của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, mà không ít người ưu ái gọi ông là "Nelson Mandela Việt Nam".
Trước hết, bà Trần Thị Diệu Liên chia sẻ về chuyến thăm gặp mới nhất vào ngày 31 tháng 8 vừa qua.
Bà Trần Thị Diệu Liên : Chuyến đi thăm vào ngày 31 tháng 8 là chuyến đi ngoài tiêu chuẩn của gia đình. Trong tháng 8 thì gia đình đã đi thăm vào ngày 18/8 rồi. Và tại thời điểm đó, Thức tuyên bố tuyệt thực từ ngày 14/8. Chúng tôi muốn thực hiện chuyến đi ngoài tiêu chuẩn là vì gia đình rất quan tâm đến tình hình sức khỏe của Thức. Gia đình đã nhiều lần gọi điện thoại liên tục đến trại giam để hỏi về tình hình sức khỏe của em mình, nhưng chúng tôi hoàn toàn không có một thông tin nào từ trại giam, và chúng tôi quyết định đi. Chúng tôi cũng muốn cần có một gặp giữa gia đình với ban lãnh đạo của trại giam là để tìm hiểu và yêu cầu họ hãy ngưng đàn áp Thức, để dẫn đến tình trạng Thức phải tuyệt thực.
Trước khi lên đường thì chúng tôi vẫn trên tinh thần là sẽ động viên Thức để Thức ngừng tuyệt thực. Thật sự, khi chúng tôi gặp Thức, chúng tôi thấy Thức tuyệt thực là không phải đòi hỏi tự do cho riêng mình, mà Thức đòi hỏi công lý ở Việt Nam phải được thực thi. Điều đó, chúng tôi đã biết suốt bao nhiêu năm Thức dấn thân, cho nên mặc dù là rất xót xa và rất thương em của mình, nhưng mà chúng tôi đành quyết định và phải đồng hành hỗ trợ cùng với Thức trên con đường đấu tranh này. Từ hôm đó đến nay thì gia đình không nhận được thông tin gì về Thức hết.
Hòa Ái : Và bây giờ, một câu hỏi dành cho Blogger Nguyễn Ngọc Già, ông nhận định như thế nào về tình trạng các tù nhân lương tâm, trong thời gian gần đây phải tuyệt tực để phản đối cách hành xử hà khắc của trại giam, qua trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, hay Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ?
Blogger Nguyễn Ngọc Già : Theo ý kiến của tôi thì chúng ta phải thấy nhà tù là nơi thực thi pháp luật. Nhưng tình trạng hiện nay tại các nhà tù làm người dân hình dung về một hang ổ dùng để tra tấn, đày đọa, và ghê sợ nhất đó là sự trả thù được thực hiện tại các nhà tù. Tôi cho đó là tín hiệu SOS mà nhà cầm quyền Việt Nam phải lưu tâm. Bởi vì, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm thuộc Liên Hiệp Quốc, được hàng trăm quốc gia công nhận, không thể để tình trạng vô pháp như vậy được.
Bên cạnh đó, còn có Thông tư 27 của Bộ công an, có hiệu lực từ ngày 06/10/17, tức là còn rất mới, do ông Tô Lâm ký, quy định về quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân. Trong đó, điều 4 và điều 7 quy định rất rõ, nhưng thực tế thì giới công an không thi hành ; do đó, trại tù Nghệ An đặt ra luật lệ riêng. Với tư cách là người đã từng ở tù, tôi khẳng định toàn bộ tất cả trại tù trên toàn quốc hiện nay, mỗi giám thị là một lãnh chúa ; họ tự đặt ra luật riêng. Điều đó, chính là họ đang làm xói mòn lòng tin của dân chúng dành cho nhà cầm quyền, chứ không phải do thế lực thù địch nào cả.
Còn riêng về chị Quỳnh và anh Thức thì hình thức tuyệt thực giống nhau, nhưng nội dung khác nhau. Chị Quỳnh tuyệt thực để phản đối trại tù dùng "tù trị tù" để sỉ nhục nhân phẩm và đe dọa sinh mạng của mình. Trong khi anh Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật. Anh Thức nhấn mạnh rằng dù có đặc xá thì anh ấy cũng không chấp nhận, bởi đơn giản là anh Thức không có tội. Do đó, đặc xá dù ở gốc độ nào chăng nữa thì vẫn đồng nghĩa là có tội ; trong khi những những cớ trước đây, mà mọi người thấy để kết tội anh Thức, thì đó là những quan điểm khác biệt không trai lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong tất cả các bộ luật hiện hành, không có một bộ luật nào mà có bất kỳ điều, khoản nào buộc người tù phải nhận tội thì mới được thả. Do đó, ép anh Thức nhận tội thì không chỉ vô pháp, vô lý mà còn là tư duy quá lạc hậu.
Tóm lại, việc anh Thức tuyệt thực là anh ấy đang đòi hỏi chung, chứ không phải cho cá nhân anh ấy. Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng tuyệt thực là phương pháp cuối cùng của những người đấu tranh ôn hòa, nhưng nó chỉ có giá trị đối với những xứ sở tồn tại quyền con người. Rất tiếc, ở Việt Nam thì chúng ta vẫn đang phải đấu tranh cho điều đó.
Cư dân mạng đăng tải hình ảnh kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy : Facebook Trần Huỳnh Duy Tân
Hòa Ái : Xin được trở lại với bà Trần Thị Diệu Liên. Thưa bà, sau chuyến thăm của gia đình đến gặp ông Trần Huỳnh Duy Thức vào ngày 31/8 thì gia đình đã kêu gọi người dân cùng tham gia tiếp sức cho ông Trần Huỳnh Duy Thức để đấu tranh cho tự do nhân quyền của Việt Nam. Bà cảm nhận thế nào khi có rất nhiều người ủng hộ việc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực và bà có nghĩ rằng phong trào đồng hành này sẽ có tác động hiệu quả đến Chính quyền Việt Nam trong việc trả tự do cho em trai của bà ?
Bà Trần Thị Diệu Liên : Gia đình chúng tôi rất ấm lòng khi biết rằng có rất nhiều người đang đồng hành cùng đi trên con đường với Thức. Và tôi cũng tin rằng Thức rất là vui và vững tin khi biết được rằng bên ngoài có những người bạn cũ, những người bạn mới và có những người chưa từng quen biết và họ đang tiếp sức và tiếp lửa để cùng đi trên con đường với Thức.
Còn về việc có nghĩ được rằng động thái của Chính quyền Việt Nam như thế nào, thì tôi có suy nghĩ như thế này : Về việc Thức được tự do thì tôi nghĩ rằng ai cũng mong muốn điều đó hết. Việc Thức có tội hay không thì tôi nghĩ cũng đã có câu trả lời. Việc mà gia đình đang quan tâm lúc này không phải là Thức được thả ra như thế nào, thả ra làm sao mà việc gia đình chúng tôi quan tâm là về sức khỏe của Thức, và chúng tôi làm sao để Thức có thể tiếp tục thực hiện được những ước mơ, hoài bão mà Thức luôn dành cho Việt Nam. Và, tôi cũng rất tin tưởng vào sức mạnh của người dân, khi chúng ta biết kết hợp cùng nhau lên tiếng đòi hỏi một điều chính đáng bằng cách thức ôn hòa, thì lúc đó chính quyền phải biết lắng nghe và đối thoại.
Hòa Ái : Xin thưa với ông Lê Thăng Long, theo như phân tích pháp lý của Luật sư Ngô Ngọc Trai, Luật sư Ngô Ngọc Trai, là luật sư tư vấn cho gia đình của ông Thức, thì ông Trần Huỳnh Duy Thức phải được trả tự do. Nhưng, có một mấu chốt ở chỗ, như Luật sư Lê Công Định cho rằng Chính quyền Hà Nội không muốn làm việc này, bởi vì như thế thì sẽ buộc phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với những người đang bị bắt giam vì tội "lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông dự đoán như thế nào về sự tự do của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, thưa ông ?
Ông Lê Thăng Long : Thật sự, mọi người đều mong anh Thức được về sớm nhất, và điều đó chỉ xảy ra khi nhà cầm quyền nhận thấy được : thứ nhất là người ta cũng hiểu ra, thứ hai là người ta cảm thấy yên tâm khi anh Thức ra thì anh Thức không gây nguy hại gì cho họ.
Theo tôi, vụ án của anh Thức và chúng tôi thì có những nhận định sai và dẫn đến kết án sai. Thứ hai, anh Thức từ khi thụ án đến giờ luôn thể hiện là một người rất nghiêm túc, không có tội thì không nhận. Thứ ba, theo Bộ luật Hình sự mới thì cần phải trả tự do cho anh Thức đúng luật, Nhà nước Việt Nam cần phải thực hiện điều đó. Thứ tư là từ cả một quá trình trước giờ những phản hồi của anh Thức ra bên ngoài nhà tù ; bao gồm thư từ, tất cả mọi thứ đều hết sức ôn hòa và hết sức vì quyền lợi của đất nước, của dân tộc và của tất cả mọi người ; cho nên không có việc gì phải giữ anh Thức nữa.
Tôi mong rằng và tôi nghĩ rằng việc trả tự do cho anh Thức sẽ sớm xảy ra. Có thể có một bước tiến ban đầu, vì giữ thể diện hay gì đó, thì sẽ thả anh Thức ra với hình thức chẳng hạn như chữa bệnh. Đó cũng là một bước tiến để chúng ta đạt tới một giải pháp tổng thể hơn, không những cho anh Thức mà cho tất cả mọi tù nhân lương tâm, cũng như cho đất nước của chúng ta để hướng tới dân chủ, văn minh thật sự tốt đẹp hơn.
Hòa Ái : Xin được chân thành cảm ơn bà Trần Thị Diệu Liên, ông Lê Thăng Long và Blogger Nguyễn Ngọc Già dành thời gian tham gia buổi hội luận này.
Tham khảo toàn bộ cuộc hội luận :
https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/1419885658155334/
Hòa Ái thực hiện
Nguồn : RFA, 06/09/2018
Nhiều người tuyệt thực tiếp sức cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức (RFA, 02/09/2018)
Ngày 2/9/2018, hàng chục người tuyên bố nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang tuyệt thực ngày thứ 20 trong Trại giam số 6 - Thanh Chương, Nghệ An để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật và trả tự do cho ông căn cứ vào Bộ luật hình sự mới có hiệu lực hồi đầu năm.
Nhà hoạt động Lê Thăng Long (trái) và Phạm Bá Hải tham gia tuyệt thực ủng hộ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức - Courtesy FB Lê Thăng Long & Hai Ba Pham
Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức
Hôm 1/9, gia đình của tù nhân lương tâm hiện đang thụ án 16 năm tù giam với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" kêu gọi người dân cùng tham gia tiếp sức cho ông ‘để đấu tranh cho sự tự do nhân quyền của Việt Nam’.
Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đến Trại giam số 6 để thăm gặp ngày 31/8/2018 nói như sau :
"Gia đình cũng muốn đi cùng với Thức trên con đường này, những việc Thức làm không chỉ là trách nhiệm của riêng Thức mà là trách nhiệm của cả một dân tộc.
Cho nên gia đình muốn thực hiện trách nhiệm của mình thông qua cách đồng hành tuyệt thực cùng với Thức. Thông qua việc này, gia đình muốn mọi người biết đến Thức và những cái mong ước Thức dành cho Việt Nam và chúng ta cùng nhau biến cái đó thành sự thật".
Trên trang Facebook của nhà hoạt động Lê Bảo Nhi hiện đang sinh sống tại Sài Gòn cũng có thông báo phát động "Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức" với mục tiêu "thượng tôn pháp luật qua việc đòi tự do ngay lập tức cho anh".
Căn cứ vào khoản 3, Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực hồi đầu năm 2018 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm, xét trong trường hợp của ông Thức đã phải ngồi tù qua 9 năm thì việc trả tự do cho ông là cần thiết.
Mỗi người tham gia sẽ nhận 1 ngày để nhịn ăn bắt đầu từ 1/9, chụp ảnh cùng tấm biển ghi khẩu hiệu "Free T.H.D.Thuc" và đăng tải lên Facebook cá nhân. Tính đến tối ngày 2/9 số người đăng ký đã kín lịch đến 26/09/2018.
Theo thông báo này, "cuộc tiếp sức tuyệt thực này có thể kéo dài một vài tháng, và cũng có thể lên đến vài năm cho đến khi nào Trần Huỳnh Duy Thức được thả vô điều kiện".
Tuyệt thực là phương thức duy nhất của tù nhân lương tâm
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy FB Tiếp sức tuyệt thực free THD Thức
Doanh nhân Lê Thăng Long, cựu tù nhân lương tâm, người chịu án 5 năm trong cùng vụ với ông Trần Huỳnh Duy Thức giải thích với chúng tôi rằng, tuyệt thực là ‘vũ khí’ cuối cùng mà người tù chính trị dùng đến để chống lại áp bức trong trại giam.
"Ngay sau khi xử sơ thẩm, lúc tôi đang còn bị tạm giam thì có làm đơn để kháng án lên phúc thẩm thì tôi đã tuyệt thực 10 ngày và trước khi phiên tòa phúc thẩm xảy ra thì tôi cũng đã tuyệt thực 11 ngày. Trong điều kiện chúng tôi ở trong tù thì gần như phương tiện duy nhất để phản kháng đó là tuyệt thực.
Tuy nhiên ngay khi chúng tôi được chuyển về trại giam Xuân Lộc ngay khi bản án có hiệu lực thì tôi cũng tiếp tục tuyệt thực để phản đối, tuy nhiên anh Thức và anh Định cùng tôi lúc đó ở chung tại Xuân Lộc đã ngăn cản và nói cần giữ sức khỏe để tiếp tục đấu tranh.
Và vì sao anh Thức phải dùng đến phương thức tuyệt thực ? Như chúng ta đã biết đây là lần tuyệt thực thứ hai. Anh Thức là người hiểu rất rõ về sự an toàn tính mạng và sức khỏe, anh hiểu rất rõ cái nguy hiểm và sự cần thiết phải tồn tại, nhưng không còn cách nào khác ngoài phương thức cuối cùng mà anh phải dùng đến, thông qua đó chúng ta cũng hiểu và cần có sự lên tiếng và hỗ trợ ảnh", ông Lê Thăng Long nói với chúng tôi vào chiều 2/9 sau khi ông nhịn ăn vào một ngày trước đó để đồng hành với người đồng sự của mình.
Tuy nhiên, ông Lê Thăng Long vẫn đề nghị cựu Tổng Giám đốc công ty Internet One Connection có trụ sở ở Singapore dừng tuyệt thực để bảo toàn tính mạng và "chúng tôi sẽ tiếp sức với anh để ủng hộ anh đấu tranh cho việc thượng tôn pháp luật và nhất là trả tự do sớm nhất cho anh căn cứ vào bộ luật mới".
Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, một người từng tuyệt thực dài ngày trong trại giam để phản đối những bất công, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 23.8 rằng có những lúc người tù có án "an ninh quốc gia" phải bất chấp thân thể trước những chà đạp của trại giam.
"Như bản thân tôi dùng những vật sắc nhọn rạch trên cơ thể mình những vết cắt để thể hiện việc chống lại những áp bức, tôi đã từng dùng mẩu dao lam, kềm cắt để rạch.
Đối với người tù chính trị, tôi cho rằng chúng ta đều phải thể hiện cho họ thấy rằng chúng ta không cần cơ thể của chúng ta nữa, một khi chúng ta bị chà đạp, đày đọa và điều mà chúng ta đòi hỏi đó là họ phải tuân thủ luật pháp.
Trong quá trình như thế thì tôi cho rằng cái để thúc đẩy nhanh hơn và tạo hiệu ứng tốt cho những người hy sinh trong tù đấy là thông tin ở bên ngoài.
Chúng ta ở bên ngoài phài dùng truyền thông để gây sức ép đó mới có thể yểm trợ cho người ở bên trong", bà Hằng khẳng định.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…
Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là "trộm cước viễn thông", tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là "sự nhạo báng công lý".
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố "ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước".
*******************
Thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức
Tỳ kheo : Thích Ngộ Chánh
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa tất cả quý Phật Tử Việt Nam !
Tính đến ngày hôm nay, ngày 2/9/2018, một Phật tử thiện tâm luôn hướng về Phật pháp, đang tuyệt thực trong chốn lao tù cộng sản đã 20 ngày, đó là anh Trần Huỳnh Duy Thức. Anh Thức tuyệt thực với mục đích yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thượng tôn pháp luật.
Việc làm này của anh Thức hết sức cao cả, anh đấu tranh không phải cho riêng anh, cho gia đình anh, mà anh đấu tranh cho sự tự do, dân chủ, cho tất cả mọi người dân Việt Nam nói chung, bao gồm cả Phật tử chúng ta.
Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi tất cả thiện nam tín nữ, là Phật tử Việt Nam, hãy làm một việc cụ thể, thiết thực để đồng hành, sẻ chia, tiếp ngọn lửa thương yêu, nguyện cầu cùng với anh Trần Huỳnh Duy Thức yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam buộc phải thượng tôn pháp luật.
Chúng ta có thể đồng hành cùng anh Thức bằng cách mà quý vị thấy thiết thật nhất.
Kính chúc quý vị vô lượng an lạc trong ánh hào quang của mười phương Chư Phật.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Đồi thông Phương Bối ngày 02/09/2018
Trân trọng !
Tỳ kheo : Thích Ngộ Chánh
Một nguồn tin từ thân nhân của ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết, ông đang chuẩn bị viết đơn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bày tỏ nguyện vọng hai cơ quan này kháng nghị bản án đã tuyên đối với ông. Lý do : Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức (trái) và Nguyễn Bắc Truyển (phải)
Điểm chung của Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Bắc Truyển : doanh nhân, trí thức
Ông Trần Huỳnh Duy Thức sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, tại Sài Gòn. Năm 1990, ông tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 1993, ông Thức khởi nghiệp bằng việc mở một cửa hàng vi tính nhỏ mang tên EIS. Chỉ một vài tháng sau, cửa hàng của ông đã có thể tự lắp ráp những chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên.
Nhờ chất lượng sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi, doanh thu của EIS tăng nhanh, EIS trở thành thương hiệu chi phối phân khúc máy tính gia đình trên thị trường Sài Gòn vào năm 1994.
Tháng 2 năm 2003, One Connection Singapore của Trần Huỳnh Duy Thức nhanh chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu. Nhờ thành công về thương mại của công ty, các hãng thông tấn quốc tế và Singapore bắt đầu đưa tin sự kiện công nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu. Kể từ đó Trần Huỳnh Duy Thức thường được mời và đối đãi trọng thị của cơ quan phát triển kinh tế Singapore, theo chính sách thu hút nhân tài và đầu tư của họ.
Tháng 3 năm 2009, sở Thông tin - Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định buộc One Connection Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ và xử phạt hành chính, tịch thu các máy móc thiết bị.
Chủ Nhật, ngày 24 tháng 5 năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức bất ngờ bị bắt với thông tin ban đầu là trộm cước viễn thông. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau cả Lê Công Định, Lê Thăng Long đều lần lượt bị bắt và cùng với ông bị chính quyền cáo buộc tội "lật đổ chính quyền".
Sau đó cơ quan điều tra nói rằng vào năm 2005, ông Thức cùng một số nhân vật lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn, thông qua việc nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Từ đầu tháng 11 năm 2008, ông lập hai Blog trên mạng internet : Change We Need và Trần Ðông Chấn xuất hiện nhiều bài viết và bình luận về lãnh đạo cũng như nền chính trị Việt Nam, với tổng cộng khoảng 49 bài viết. Thông tin ở đây được một số hãng thông tấn quốc tế đăng lại.
Cũng theo cơ quan điều tra, tháng 3 năm 2009, ông Thức đi Phuket, Thái Lan. Tại đây ông gặp một số nhân vật trí thức khác, cùng họ thành lập tổ chức chính trị nhằm thay thế Đảng cộng sản Việt Nam khi xảy ra biến cố chính trị trong tương lai, có tên Đảng xã hội Việt Nam. Sau khi về nước, ông cùng với ông Lê Công Định, Nguyễn Sĩ Bình hợp tác viết cuốn sách "Con đường nước Việt", trong đó Lê Công Định viết phần cải cách Tư pháp, Nguyễn sĩ Bình viết về phần cải cách xã hội, còn ông Thức viết về phần cải cách Kinh tế.
Ông bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ông bị đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, tuyên án 16 năm tù giam.
Tương tự ông Trần Huỳnh Duy Thức, khi nhận bản án tù đầu tiên, ông Nguyễn Bắc Truyển là một doanh nhân.
Ngày 10/05/2007, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" ra xét xử và tuyên phạt Lê Nguyên Sang (SN 1959, bác sĩ) 5 năm, Nguyễn Bắc Truyển (SN 1968, giám đốc Công ty TNHH Việt Thịnh Phú, quận Phú Nhuận) 4 năm, và Huỳnh Nguyên Đạo (SN 1968, giám đốc Công ty TNHH Liên hiệp Huỳnh) 3 năm tù giam cùng về tội : "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Đến năm 2017, theo cáo buộc của cơ quan điều tra, ngày 24 tháng 4 năm 2013, cùng với các ông như Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Trần Đức Thạch…, ông Nguyễn Bắc Truyển xúc tiến thành lập một tổ chức mang tên Hội Anh em Dân chủ. Tuy nhiên sau đó, ông Truyển đã rời tổ chức này ngay khi vừa thành lập. Thế nhưng vào ngày 30 tháng 7 năm 2017, ông Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức bị bắt, và truy tố vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Nhìn từ vụ án "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"
Ông Trần Huỳnh Duy Thức nhận bản án tuyên vào tháng 01/2010. Ông Nguyễn Bắc Truyển nhận bản án tuyên vào tháng 06-2018. Cả hai đều được xét xử theo Điều 79, Bộ Luật Hình sự 1999. Như vậy liệu đề xuất kháng nghị từ nội dung của Bộ Luật hình sự 2015 có hợp lý ?
Và tình tiết nào cho thấy cả hai phiên tòa hình sự xử ông Thức và ông Truyển đã cùng vi phạm cả 3 nội dung thường dùng để làm căn cứ kháng nghị : (1) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án ; (2) Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án ; (3) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Ông Nguyễn James Han tại phiên tòa (hàng trên, ngoài cùng, từ phải qua). Ảnh : Phan Thương (TNO)
Một dẫn chứng điển hình cho củng cố cả 3 nội dung như vừa nêu, đó là bản án tuyên vào chiều 22/08/2018, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo là thành viên của tổ chức phản động "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" phạm tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo nội dung vụ án được công tố trình bày, thì lợi dụng sự phát triển của mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội và các ứng dụng trên không gian mạng, tổ chức phản động "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" do đối tượng Đào Minh Quân (sinh năm 1952, quốc tịch Mỹ, cựu quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa) cầm đầu đã thực hiện nhiều thủ đoạn, kế hoạch tuyên truyền xuyên tạc chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lôi kéo những đối tượng bất mãn chế độ và Nhà nước Việt Nam, đưa người từ nước ngoài về lôi kéo người trong nước thực hiện các hoạt động chống phá, bạo động vũ trang với mục đích phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong vụ án này, các bị cáo Nguyen James Han (sinh năm 1967, Việt kiều Mỹ), Phan Angle (sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ) đã truyền đạt chỉ thị của Đào Minh Quân, chủ động bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác thực hiện như : rải truyền đơn, đột nhập đài phát thanh chèn sóng để phát các nội dung tuyên truyền cho tổ chức, xịt sơn bôi bẩn tượng đài Bác Hồ ở nơi công cộng, tụ tập biểu tình phản đối Formosa...
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt các bị cáo : Nguyen James Han, Phan Angle mức án 14 năm tù, trục xuất 2 bị cáo ngay sau khi chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam. Các bị cáo còn lại có mức án 11 năm đến 5 năm tù.
Căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm : Điều 109, Bộ Luật hình sự 2015
Trở lại với vụ án ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Nguyễn Bắc Truyển. Kết luận điều tra và cáo trạng tại các phiên xét xử đều cho thấy cả hai không có hành vi, hay ý định cho hành động bằng vũ lực để "lật đổ chính quyền nhân dân" như ở vụ án tuyên hôm chiều 22/08 đã nói ở trên.
Cả hai ông đều không trực thuộc một tổ chức vũ trang nào đang hướng đến việc ‘lật đổ chế độ cộng sản’, chứ chưa vội nói tới ‘chính quyền nhân dân’ như việc làm của "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" đang được cho là ‘lật đổ chế độ’ Việt Nam hiện nay.
Như vậy, nếu không vì chuyện ngần ngại đền bù oan sai, chấp nhận kháng nghị giám đốc, có lẽ các vị trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã có thể tuyên rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để xem hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức là "lật đổ chính quyền nhân dân" ; vì việc kêu gọi cải cách kinh tế, cải cách đường lối chính trị của ông Thức không nhằm thay đổi "chính quyền nhân dân", mà chỉ nhằm giúp đất nước phát triển tốt hơn – tương tự như kêu gọi một cuộc cách mạng 4.0 hiện nay của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Điều 109, Bộ Luật hình sự 2015
Tương tự, hoàn toàn không thuyết phục khi người được cho là ‘đầu vụ án’ lại được phóng thích với yêu cầu phải rời Việt Nam, thì ông Nguyễn Bắc Truyển lại tiếp tục chịu mức án tù 11 năm về những hành vi được chính các bút lục vụ án thể hiện, là ông đã rời Hội Anh em dân chủ ngay khi Hội này vừa thành lập, và ông cũng không thực hiện bất kỳ hành động nào trong phạm vi điều chỉnh của Điều 79, Bộ Luật Hình sự 1999.
Trong trường hợp ‘vuốt mặt nể mũi’, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có thể vận dụng Công văn số 04/TANDTC-PC, do phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Trí Tuệ ký ngày 09 tháng 01 năm 2018.
Theo đó, "Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và thi hành án hình sự cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau [trích] :
(…) b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng ; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới ; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích".
So với vụ án "lật đổ chính quyền nhân dân" tuyên hôm chiều 22/08/2018, thì cả ông Thức lẫn ông Truyển, nếu vẫn giữ nguyên cáo buộc về tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân", thì chỉ có thể tuyên hai ông mức án tại khoản 3, Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015 : "Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Cả ông Thức và ông Truyển đều có thể được trả tự do theo đúng quy định của pháp luật, mà không cần viện dẫn đến Luật Đặc xá.
Thảo Vy – Trần Thành
Nguồn : VNTB, 24/08/2018
Nhà văn Anh gốc Pakistan Babar Ahmad từng viết rằng "Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn". Ông ghi lại suy nghĩ này sau khi được trả tự do, với 8 năm bị cầm tù tại Anh do bị nghi ngờ là tiếp ý tưởng cho khủng bố khi viết những câu chuyện về cuộc xung đột sắc tộc ở Bosnia và Chechnya, rồi một trang web có khuynh hướng ủng hộ Taliban đăng lại.
"Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn" (Babar Ahmad)
Suốt trong thời gian đó, thư từ của của Babar Ahmad gửi ra ngoài, đều bị mật vụ Anh soi chiếu cẩn mật, vì lo ngại rằng các ngôn từ ẩn dụ của ông có thể là thông điệp cho ai đó.
Nhưng xét cho cùng, cuộc đời của Babar Ahmad không ngặt nghèo như Trần Huỳnh Duy Thức, vì tất cả những lá thư mà người ta gửi cho ông, cũng như ông gửi đi đều đến đúng địa chỉ mà không bị cắt gọt gì. Với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, từ tháng 6/2018, khi có những đòi hỏi từ phía trại giam về việc ông Thức phải làm đơn nhận tội và xin khoan hồng để được đặc xá, ông đã bị hành hạ bằng nhiều cách vị quyết liệt từ chối việc đổi chác đó.
Trần Huỳnh Duy Thức, từ tháng 6/2018, đã bị hành hạ bằng nhiều cách vị quyết liệt từ chối việc đổi chác đó.
Lâu nay, khi viết thư về gia đình, ông Thức vẫn viết một mạch thăm hỏi ba mẹ, anh em, vợ con. Nhưng giờ, theo "quy định mới", ông Thức mỗi lần viết thư về thăm nhà, chỉ được viết cho một người. Nếu là cho ba thì không được cho mẹ, đã viết cho vợ thì không được cho con. Cán bộ mới nhậm chức là Trần Duy Phong xuất hiện ở trại giam số 6 Nghệ An đã quyết định như vậy, nhưng không giải thích là vì sao.
Trước đây, anh Thức làm thơ, viết nhạc và gửi về gia đình như một cách chia sẻ tinh thần. Giờ thì trại giam cũng không cho cho phép anh gửi những tác phẩm đó về nhà. Thư từ bên ngoài của người ủng hộ tinh thần cho anh gửi đến trại cũng bị giấu đi, không tới tay anh.
Trước đó, ông Thức từng bị một thời gian dài giam trong buồng tối, không có ánh sáng sinh hoạt. Mắt của ông không thể thấy được và bị giảm thị lực trầm trọng. Lúc đó gia đình xin được gửi các đèn pin bằng nhựa vào để giúp ông sinh hoạt dễ đang hơn, dĩ nhiên cán bộ trại giam cũng từ chối vì lý do an ninh.
Tường tự như Barba Ahmad, ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ có ngôn ngữ và suy nghĩ của mình để thể hiện. Ông Thức bị kết tội vì lên tiếng chỉ ra các sai lầm của một nhà nước về kinh tế, chính trị và kêu gọi phải thay đổi. Nhưng điểm khác biệt giữa hai con người ấy, là Barba Ahmad bị kết tội là liên quan đến một nhà nước khủng bố, còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thì bị một nhà nước kết tội và giam cầm ông bằng phương thức khủng bố.
Barba Ahmad bị giam từ năm 2004 đến 2012, sau đó Tòa án tối cao của Anh Quốc đã ra phán quyết buộc chính phủ bồi thường ông 60.000 bảng Anh và công bố hồ sơ về việc ông bị kết tội oan, bị ngược đãi trong nhà tù. Năm 2009 cũng là năm ông Thức bị bắt. Một năm sau, ông bị đưa ra toà, và bị kêu án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế vì ngay tại toà, ông lên tiếng tố cáo quá trình điều tra đã bức cung và nhục hình đối với ông. Mức án này cao gấp đôi so với ban đầu dự kiến của Viện kiểm sát, như một cách trả thù cho thái độ của ông.
Đến ngày 23/8/2018, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 10 ngày để phản đối hành vi ngược đãi của cán bộ trại giam trong việc kiểm duyệt thư từ, sách nhiễu sinh hoạt của ông mà không theo bất kỳ một quy định chính thức nào. Và ông nói nếu việc ngược đãi vẫn tiếp tục, ông sẽ lại tuyệt thực để chống lại sự bất công và sai trái này.
Hàng ngày, trong thời gian ông Thức tuyệt thực, gia đình vẫn điện thoại vào trại giam để theo dõi tình trạng của ông, nhưng phía trại giam im lặng, không phản hồi bất kỳ điều gì. Vì sức khỏe hiện nay của ông Thức rất yếu, việc tuyệt thực của ông là điều khiến gia đình vô cùng lo lắng.
Trong suốt thời gian Barba Ahmad vướng vòng lao lý, nhiều lần và hàng chục ngàn người đã ký thỉnh nguyện thư để ủng hộ ông. Năm 2015, ông trở lại cư ngụ ở Anh trong sự trọng thị của cảnh sát và chính phủ Anh, vì thái độ ôn hòa và quyết đòi công lý cho mình.
Ở Việt Nam, đã córất nhiều lần và hàng chục ngàn chữ ký, lời kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức. Năm 2018, dư luận trong và ngoài nước một lần nữa dậy lên ý kiến đồ trả tự do cho ông, sau khi ông đã chịu án 9 năm tù. Nhiều lần, đại diện của chính phủ Việt Nam đề nghị ông đi tỵ nạn để được tự do, ông đã dứt khoát từ chối và nói "tôi phải ở lại để phục vụ cho đất nước mình".
Năm 2018, Trần Huỳnh Duy Thức hiện rõ hơn trong suy nghĩ và trái tim của hàng triệu người Việt, vì thái độ ôn hòa và quyết liệt đòi công lý cho mình, và khó khăn hơn Barba Ahmad vì nơi ông đòi hỏi, là một một quốc gia độc tài và không có nền tư pháp độc lập.
Nhưng ông vẫn không ngừng lại. Trong hơi thở yếu đuối vì tuyệt thực nhưng không khoan nhượng, nói từ trại giam, ông vẫn căn dặn gia đình mình rằng "Không cần phải van xin, và cũng đừng kêu gọi ân huệ nào, mà chúng ta chỉ cần đòi hỏi một nhà nước biết tuân thủ với luật pháp của chính họ đề ra".
Như Barba Ahmad viết "Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn". Những năm tháng hành hạ và ngược đãi Trần Huỳnh Duy Thức từ nhà tù đã không làm thay đổi ông. Nhà tù của chế độ cộng sản đã tước đoạt tuổi trẻ, sức sáng tạo của ông, nhưng không thể đánh bại được ước mơ phải xây dựng và đổi thay đất nước của ông.
Một ước mơ đầy cảm động của con người yêu nước mình, thứ mà chủ nghĩa cộng sản không bao giờ có hay tước đoạt được.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 23/08/2018 (tuankhanh's blog)
Khác với thái độ kênh kiệu cường quyền trước đây, dường như trong nội bộ giới chóp bu và công an trị Việt Nam từ cuối tháng Bảy năm 2018 đến nay đã diễn biến một cuộc đấu tranh tư tưởng 50/50 : Thả hay không thả Trần Huỳnh Duy Thức ?
Ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Vì sao công an thúc ép ‘nhận tội’ ?
Trần Huỳnh Duy Thức được nhiều người biết như một nhà đấu tranh dân chủ kiên cường, đã ở tù cộng sản được 9 năm trong cái án tù giam khủng khiếp 16 năm mà chế độ không hề chấp nhận đa nguyên đa đảng đã dành cho anh với lý cớ ‘lật đổ chính quyền’.
"Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá" - Trần Huỳnh Duy Thức nói với vợ anh và người em là Trần Huỳnh Duy Tân trong lần gia đình thăm gặp anh gần đây nhất ở nhà tù Nghệ An, được nhà hoạt động nhân quyền Lê Công Định thông tin cho cộng đồng mạng.
Một lần nữa trong nhiều lần, gia đình Trần Huỳnh Duy Thức chứng kiến anh rất mệt và yếu do đã tuyệt thực 5 ngày, kể từ 14/8/2018. Lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá.
Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày 2/9 - quốc khánh Việt Nam…
Vì sao công an lại cố ép Trần Huỳnh Duy Thức ‘nhận tội’ để được đặc xá, khi vào đầu tháng Tám năm 2018 Tổng cục 8 (Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) của Bộ Công an đã có văn bản trả lời luật sư Ngô Ngọc Trai - người thường xuyên lên tiếng đề nghị chính quyền đặc xá và trả tự do cho Thức : "Hiện nay Nhà nước ta chưa có chủ trương đặc xá năm 2018 nên không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức" ?
Và vì sao công an vẫn cố ép Trần Huỳnh Duy Thức ‘nhận tội’ khi họ thừa biết Thức ngoan cường đến thế nào khi từ nhiều năm qua đã không những không chịu nhận tội mà còn từ chối mọi đề nghị của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu để đi tị nạn chính trị ở nước ngoài ?
Kinh nghiệm bị ‘tống xuất’
Theo kinh nghiệm của những tù nhân lương tâm đã bị chính quyền Việt Nam tống xuất ra nước ngoài như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (năm 2014), blogger Tạ Phong Tần (năm 2015) và gần đây nhất vào tháng Sáu năm 2018 là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà cầm quyền Việt Nam rất thường mang những nhà hoạt động nhân quyền đang phải thụ án tù giam lâu năm ra để mặc cả và đổi chác với Mỹ và cả Đức sau này lấy những lợi ích về thương mại và viện trợ (Hiệp định Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA)). Cứ vài ba tháng, những quan chức an ninh của Bộ Công an lại vào trại giam ‘thăm’ tù chính trị và gợi ý để họ chấp nhận nhận tội và được đi nước ngoài dưới dạng ‘chữa bệnh’.
Thậm chí một chính quyền được xem là ‘chính danh’ ở Việt Nam rốt cuộc đã chẳng cần quan tâm đến việc đối tượng tù nhân dùng để mặc cả thương mại không chịu nhận tội và cũng chẳng chịu đi tị nạn chính trị ở nước ngoài, mà thi hành luôn chế độ cưỡng bức họ phải đi.
Vậy là vào một đêm tối trời tháng Mười năm 2014, tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bất thần bị công an dựng dậy ở nhà tù Nghệ An, với hành trang chỉ là đôi dép tổ ong mòn vẹt nổi tiếng của các trại tù Việt Nam, bị áp giải tới sân bay quốc tế Nội Bài và bị tống xuất thẳng sang Hoa Kỳ.
Và một đêm 7 tháng Sáu năm 2018, tù nhân lương tâm được cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền đặc biệt quan tâm là luật sư Nguyễn Văn Đài, cùng nữ cộng sự của ông là Lê Thị Thu Hà, cũng đã bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam tống xuất ra nước ngoài, nhưng không phải đi Mỹ mà là đi Đức.
Tuy nhiên vào tháng Sáu trên đã không có tin tức gì về Trần Huỳnh Duy Thức được đặc xá, dù luật sư Ngô Ngọc Trai đã lập hồ sơ đề nghị đặc xác cho Trần Huỳnh Duy Thức gửi hầu hết cơ quan chính quyền từ sau tết nguyên đán năm 2018.
Mãi đến gần đây, sau một số lần gửi thư đề nghị và yêu cầu được hồi âm, luật sư Trai mới nhận được văn bản trả lời của Viện kiểm sát tối cao, Văn phòng Chính phủ và gần đây nhất là Bộ Công an - tất cả đều ‘nhà nước ta chưa có chủ trương đặc xá…’.
Tuy trả lời theo cách trên, nhưng một nghi ngờ không thể bỏ qua là thái độ nằng nặc của an ninh Việt Nam ép Trần Huỳnh Duy Thức phải nhận tội, như thể phía công an đang phải tiến hành một động tác cấp bách, chịu sức ép về thời gian và nhắm tới một mục đích ẩn giấu nào đó.
Mục đích đó, nếu có, là cái gì ?
Lại ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’
Nếu liên tưởng với trường hợp bị tống xuất gần đây nhất là Nguyễn Văn Đài, chẳng khó để nhận ra là một lần nữa từ sau hai năm 2013 và 2014 dùng chiến thuật ‘đổi tù nhân chính trị lấy TPP’, vào năm 2018 này giới chóp bu Việt Nam lại mang cái kho đầy ắp người bất đồng chính kiến bị tống giam ra đổi chác EVFTA.
Trong khoảng thời gian này, lợi ích và cũng là hy vọng tiền bạc duy nhất của chính thể Việt Nam là EVFTA, ngoài ra không có gì khác.
Vào đầu tháng Sáu năm 2018, chính tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung - FAZ) của Đức đã tiết lộ cái chiến thuật trên của chính thể độc đảng Việt Nam : Trịnh Xuân Thanh - người bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017 - sẽ được trả tự do "trong thời gian tới đây". Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc. Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài. Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác…
Đến gần cuối tháng Bảy năm 2018, tình cảnh xảy đến với những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn khốn khó hơn nhiều : phiên tòa của Tòa Thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long - một nghi can tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - đã dẫn đến kết quả Nguyễn Hải Long ‘khai sạch’ để được hưởng mức án khoan hồng chỉ có 3 năm 10 tháng tù giam thay vì gấp đôi nếu không chịu nhận tội làm gián điệp và bắc cóc.
Sang đầu tháng Tám năm 2018, cơn địa chấn mang tên ‘Trịnh Xuân Thanh’ đã chính thức lan sang Slovakia và cả một phần Châu Âu theo cách Bộ trưởng công an Việt nam là Tô Lâm bị nghi ngờ trầm trọng về việc ông ta đã làm ‘bình phong’ để mượn một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia nhằm ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh từ sân bay Bratislava đến thủ đô Moscow của Cộng hòa liên bang Nga.
Cơn địa chấn trên đang khiến tương lai EVFTA bong bóng hơn bao giờ hết.
Kịch bản nào với Trần Huỳnh Duy Thức ?
Cũng vào thời gian sôi sục trên, một nhóm nhà ngoại giao của Đức và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã vào nhà tù thăm Trần Huỳnh Duy Thức. Một lần nữa Trần Huỳnh Duy Thức khẳng khái trả lời ‘không tị nạn chính trị’.
Còn sắp tới đây, liệu kịch bản nào sẽ xảy ra với Trần Huỳnh Duy Thức ?
Trong nhiều ‘đặc thù xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam, hành động công an gấp rút thúc ép tù chính trị phải ‘nhận tội’ khá thường là một tín hiệu báo trước sự thay đổi số phận của người tù.
Thông thường, sự thúc ép nhận tội từ phía cơ quan công an và tư pháp chỉ xảy ra trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, chứ không phải khi bị cáo đã trở thành tù nhân.
Năm 2018, này, Trần Huỳnh Duy Thức đã thụ án đến 9 năm - quá lâu để công an ép ‘nhận tội’, nếu không phải nhằm mục đích cầu may một lời thú tội để nếu có miễn cưỡng phải đặc xá cho Trần Huỳnh Duy Thức thì ‘nhà nước ta’ cũng không đến nỗi quá bỉ mặt.
Không chịu ‘nhận tội’, số phận của Trần Huỳnh Duy Thức sẽ không được ‘đặc xá’ và vẫn phải tiếp tục thụ án nốt 7 năm còn lại ?
Hay Trần Huỳnh Duy Thức sẽ bị lặp lại kịch bản đã xảy ra với Điếu Cày Nguyễn Văn Hải - cưỡng bức đưa lên máy bay để tống xuất ra nước ngoài vào một đêm tối trời nào đó ?
Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày 2/9. Hy vọng cho kịch bản Trần Huỳnh Duy Thức nhận ‘đặc xá’ theo điều kiện ‘yêu cầu đối ngoại của nhà nước Việt Nam’ trong Luật Đặc xá, được trả tự do và được ở lại Việt Nam mà không bị tống xuất ra nước ngoài và để những người dân Việt được ôm chầm lấy anh, có lẽ thật mỏng manh.
Nhưng vẫn là hy vọng…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 22/08/2018
Anh Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục tuyệt thực phản đối giới cầm quyền ép nhận tôi để được đặc xá
Theo thường lệ, hôm thứ Bảy 18/8 mới đây gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức đến Trại giam số 6 Nghệ An thăm anh thì thấy anh Thức rất mệt và yếu, anh Thức cho biết đó là do anh đã tuyệt thực 5 ngày, kể từ 14/8/2018.
Trước đó, từ ngày 6/8/2018 anh Thức cũng đã từ chối thức ăn của trại và chỉ ăn mì gói do gia đình gửi vào trước đó. Từ 5 ngày nay, anh Thức chỉ uống nước và nói gia đình mang tất cả thức ăn trong lần thăm gặp này về.
Lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá. Trong suốt buổi thăm gặp hôm nay, anh Thức luôn lặp lại nhiều lần với vợ và em trai rằng : "Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá".
Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn.
Từ Sài Gòn, luật sư nhân quyên Lê Công Định đã có cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành. Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
YouTube PV luật sư Lê Công Định
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 20/08/2018