Chuột được vào nhiều nhất trong ngụ ngôn của La Fontaine - nhà văn nổi tiếng thế giới. Nhân năm Tý xin giới thiệu vài truyện ngụ ngôn liên quan đến chuột.
Hội đồng chuột
Chuột tổ chức họp bàn để diệt con mèo hung dữ luôn đứng trấn lỗ cửa, làm đàn chuột đói. Một lão chuột cố vấn, lấy chuông buộc cổ mèo khi hắn ngủ, khi mèo đi đâu, chuông reo đấy là họ nhà chuột thoát được săn lùng… Tất cả hoan nghênh. Nhưng ai sẽ xung phong buộc chuông vào cổ mèo là một vấn đề được đặt ra. Thế là tan hội đồng. Ra quyết định thì dễ, làm mới khó.
Minh họa trong ngụ ngôn La fontaine "Mèo và lão chuột"
Dơi và hai con cầy hương
Một con cầy hương chỉ mê thịt chuột bắt được dơi. Dơi biện bạch "dơi không phải chuột nhưng ai cũng nhầm, cứ nhìn hai cánh của dơi, biết ngay dơi chẳng họ hàng anh em chi với chuột". Cầy hương thấy đúng liền thả dơi đi. Lần sau con dơi này lại bị một cầy hương khác mê thịt chim tóm gọn. Dơi lại nhanh trí "ông xem này tôi đâu phải chim, tôi chỉ có cánh giống thôi, chứ tôi là họ hàng nhà chuột". Thế là hai lần dơi đều thoát chết. Tài khéo ngụy biện để sống của một số người.
Chuột nhà và chuột đồng
Một hôm chuột phố đến thăm chuột đồng. Trên đường đi chuột phố rất khó chịu vì sự buồn tẻ của đồng ruộng. Chuột đồng đón bạn vui vẻ với sản phẩm đồng quê như lúa mạch, ngô, lạc… Chuột phố dè bỉu chê bai, nói ở phố đầy đủ và sướng, ấm áp hơn nhiều, rồi mời bạn ghé thăm mình. Chuột đồng đến thăm bạn, được mời thịnh soạn với phô mai, thịt,… Chưa kịp ăn nghe tiếng mèo kêu, vội kéo bạn vào trốn trong lỗ. Mèo bỏ đi, chuột phố lại rủ bạn chui ra ăn thức ăn thừa thãi trên bàn. Đang định ăn, chủ nhà về, hai chú chuột lại chạy trốn. Trong cuộc sống mọi thứ đều có giá. Để đổi sự sung sướng phải trả giá tính mạng, cũng như để có tự do phải biết tránh cám dỗ.
Chuột và sư tử
Sư tử chúa sơn lâm bắt được chuột đã tha để tỏ uy quyền vĩ đại. Một hôm sư tử bị rơi vào lưới của người. Tiếng gầm rít của sư tử, móng vuốt sắc cũng không thoát được. Chuột nhắt đi qua, cảm ơn sư tử từng tha mạng sống cho mình nên đã dùng răng cắn đứt hết các dây lưới cứu sư tử thoát chết. Mỗi người có một khả năng, biết sử dụng đúng lúc đều có giá trị.
Mèo và lão chuột
Tưởng mèo chết, đàn chuột hí hửng lôi vào để làm bữa chén. Không ngờ mèo vùng dậy xơi tái đàn chuột, chỉ có lão chuột là thoát vì biết thận trọng, nghi ngờ. Cảnh giác là mẹ của an toàn.
Gà chọi, mèo và chuột nhắt
Chuột nhắt đi loăng quăng về kể với mẹ, nó thấy con gà chọi hung hăng, vỗ cánh trông ghê lắm, còn con mèo trông dễ thương, có đôi tai dài, mắt sáng rực… Mẹ chuột vội vã dặn "ấy chết, con kia tưởng ghê nhưng không nguy hiểm, còn con mèo trông như vậy nhưng lại là con vật chuyên ăn thịt chúng ta đấy. Đừng vội nhìn bên ngoài mà đánh giá".
Ngoài ra cũng rất nhiều chuyện của La Fontaine nhắc đến chuột như Mèo già và chuột trẻ, Chuột và mèo cùng hét… Chuột trong ngụ ngôn La Fontaine rất đa dạng với những bài học phong phú và đầy ý nghĩa giáo dục.
Trần Thu Dung
Nguồn : Tiền Phong, 26/01/2020
Tìm gà cúng giao thừa ở Paris
Trần Thu Dung, 08/02/2018
Thành phố - Mâm cúng giao thừa vừa để hội tụ con cháu, vừa cầu may, nên vô cùng quan trọng đối với người Việt. Tuy nhiên những người ở xa quê hương, không còn nhiều người làm mâm cúng giao thừa do tết ở Việt Nam, nhưng ở nước ngoài vẫn đi làm bình thường. Đó là chưa kể việc lệch múi giờ.
Quà cúng giao thừa - Ảnh minh họa
Một lần, anh Việt kiều Pháp mới bảo lãnh mẹ già qua, bỗng được bà mẹ nhắc ba ngày nữa tết đến. Anh ta mới sực tỉnh 15 năm nay, anh đã quên mất Tết vì toàn đi học và đi làm kiếm tiền. Bà mẹ qua Pháp vẫn mang theo mình toàn bộ quan niệm cổ truyền dân tộc. Bà giao cho anh danh sách hàng phải mua : bánh chưng, hoa, ngũ quả, giò, miến… Đút ngay tờ giấy vào túi, đi làm về anh ghé qua chợ Châu Á với ý nghĩ mua gì ở đó chẳng có. Chỉ mất nửa tiếng anh đã mua đủ các thứ bà mẹ dặn trừ con gà trống choai. Anh điện thoại hỏi mẹ cụ thể về con gà. Bà mẹ dặn phải đúng gà trống choai chưa đạp mái, và đòi mẹ tự đi chọn gà. Quả là một đánh đố với một anh bác sĩ cả đời chỉ cặm cụi trong bệnh viện.
Nhưng anh lại lóe lên hy vọng tìm được nhanh gà trống choai vì Pháp là dân Gaulois. Con gà trống gaulois là biểu tượng của nước Pháp từ sau cách mạng 1789 thay thế bằng hoa loa kèn của chế độ quân chủ cũ. Trên các nóc nhà thờ ở bất kỳ nơi nào trên đất Pháp cũng có hình con gà trống. Gà trống còn trạm trổ trên huân chương, in trên tem của Pháp… Gà trống tượng trưng cho sự kiêu hãnh, tham vọng, báo bình minh, sự thức tỉnh. Tuy thế dân Pháp không mê tín, thịt gà bán đầy ở siêu thị.
Anh nghĩ trên đất Pháp này tìm gà phải dễ hơn ở Việt Nam. Chiều mẹ, anh quay về đưa cụ đi cửa hàng thịt ở gần nhà. Thịt gà bán trong cửa hàng được phân loại rõ ràng : gà trống, gà mái, gà con. Nhưng gà toàn làm sẵn làm sao biết con nào khỏe mạnh tràn trề sức sống trước khi bị vặt lông đưa đi bán. Con nào cũng bị chặt cụt đầu. Anh lại cất công chở cụ đến chợ Châu Á. Do biết rõ phong tục Châu Á, cửa hàng bày sẵn mấy con gà còn để nguyên cái cổ còn lông và cái đầu còn mào đỏ, chân vàng. Nhưng cụ không chịu mua, vì gà làm sẵn cổ ngoẹo trông không còn linh khí và không thể phân biết được con nào chuẩn bị le te. Bên Pháp chủ yếu là gà công nghiệp, gà con nuôi nhốt chắc chắn là gà chưa đạp mái, nhưng như thế đâu phải là gà tràn trề sức sống, chỉ là gà chíp. Hơn nữa gà tròn trùng trục không phải gà le te. Gà trống choai đùi thon, mình lẳn. Thông thường ở Pháp, người ta chỉ nuôi gà mái để lấy trứng một thời gian, rồi đem bán, chỉ giữ vài con trống khỏe để lấy giống. Số trống ngay khi chưa kịp gáy đã bị bán đi vì không có hiệu quả kinh tế cao. Ở thành phố tuy không có luật cấm nuôi gà, nhưng nuôi gà trống rất khó kể cả nhà có vườn rộng. Sáng sớm, gà gáy o o. Hàng xóm mất ngủ sẽ thưa kiện.
Gà trống Gaulois - Ảnh minh họa
Cụ nhất quyết nhờ con chở cụ đi đến trại gà mua trực tiếp, nếu không cụ đòi quay về Việt Nam sống. Anh con trai chiều mẹ, nhân thể cho mẹ biết nông thôn Pháp. Nhờ thông tin bạn bè, anh đưa mẹ đến một trại gà gần nhất cách Paris 40 cây số. Tết nhằm vào mùa đông ở Pháp. Trời gió, tuyết rơi. Đồng trắng xóa. Gà trống choai có khỏe cũng rúc trong chuồng. Đến nơi, nghe anh con trai kể về phong tục Tết Việt Nam, ông chủ trại gà cười vang nhiệt tình dẫn vào trại để chọn gà. Ông chủ chỉ xa xa vài con gà trống hừng hực đã đầy kinh nghiệm tình trường và một khu toàn gà trống mào mới nhú đang nhốt chuẩn bị làm thịt. Bà mẹ thất vọng khi ông chủ bảo "loại gà trống chíp còn phải 2 tuần nữa mới thành trống choai". Ngắm mãi, cuối cùng cụ đành phải chọn con to nhất trong đám gà trống chưa kịp nhổ giò này về cúng giao thừa. Ông chủ nhanh tay bắt ngay con gà trống bỏ vào trong hộp các tông và chúc hai mẹ con đón năm mới vui vẻ.
Trên đường về, bà mẹ lo sợ gà nghẹn thở chết trong hộp các tông sẽ mất linh. Cụ bèn mới mở nắp hộp cho gà thở. Con gà nhanh như chớp vụt nhảy ra, cụ giữ lại không kịp. Con gà sợ nhảy loạn xạ vào vô lăng xe ô tô. Anh con trai suýt đâm vào vệ đường. Hú vía, đường vắng, anh vội phanh xe, bắt con gà lại, và ấn vào hộp cẩn thận. Đến nhà, cậu cháu trai ra bê giúp vào. Một tay bưng hộp, một tay ẩn cửa. Cái đáy hộp bị tụt, con gà lại được một lần tự do. Nó chạy chui ngay qua hàng rào sang vườn nhà hàng xóm, rồi lọt ra đường. Hai bố con lại vội chạy đi bắt gà. Hàng xóm và vài người đi bộ qua buồn cười khi thấy cảnh một ông đeo kính chạy theo con gà trượt chân ngã chỏng vó vì đường đóng băng. Họ xúm vào lùa giúp xua bắt được lại con gà.
Đêm cúng giao thừa, khách được một trận cười ngả nghiêng khi biết được chuyện con gà chống choai toan tẩu thoát.
Năm đó, bà cụ chẳng may bị bệnh qua đời. Anh được lên chức chủ nhiệm bộ môn di truyền. Bạn bè đùa khuyên anh phải mua gà trống choai làm lễ tạ ơn mẹ vì đó là năm đầu tiên gia đình anh làm lễ cúng giao thừa ở Pháp.
Mỗi lần Tết đến, anh và gia đình không bao giờ quên con gà trống choai và mâm cúng giao thừa. Cậu con trai giờ đã đi học xa gọi điện về ? : "bố ơi, hình như Tết đến, con thấy bắt đầu bán bánh chưng ở cửa hàng, bố đã đi mua gà trống choai chưa ?". Thế là hai bố con cười trong điện thoại. Sau đó, mắt rớm lệ, anh lặng lẽ thắp nén hương cho mẹ.
Gà cúng mang đầy ý nghĩa
Gà bày lên mâm cúng được chọn kỹ lưỡng. Đó là con gà trống tơ, chưa đạp mái, tiếng gáy te te, mào đỏ, mỏ và chân vàng.
Ở Việt Nam, đón năm mới người ta hay làm mâm cơm cúng trời đất và tổ tiên mong phù hộ cho năm mới tốt đẹp. Trong mâm cúng bao giờ cũng có con gà luộc. Gà bày lên mâm cúng được chọn kỹ lưỡng. Đó là con gà trống tơ, chưa đạp mái, tiếng gáy te te, mào đỏ, mỏ và chân vàng. Mào đỏ rực thể hiện sức khỏe, may mắn. Màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, quyền lực. Con gà chưa đạp mái, gà vừa lớn có nghĩa là còn trong sạch, tinh khiết chưa bị vẩn đục của cuộc đời. Con gà phải khỏe mạnh, mào đỏ đứng mang ý nghĩa báo hiệu một tương lai rạng rỡ, tràn trề nhựa sống. Gà phải đang chạy nhảy giữa đàn gà, giữa cánh đồng mới gọi là gà đầy tương lai và hy vọng. Gà trống thường dũng mãnh chống lại diều hâu rình rập gà con. Vì vậy đầu năm cúng gà trống sẽ đem lại nhiều điềm tốt lành cho cả năm. Nhiều nơi, gia chủ phải tự tay cắt tiết để xem đầu gà ngoảnh về đâu, xem điềm báo năm mới.
Trần Thu Dung
(Paris, 09/02/2018)
Bánh mì Baguette Pháp một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới trong tương lai ?
Baguette trong tiếng Pháp là đũa, que dài. Do hình dáng bánh mì dài nên người Pháp ví von gọi là bánh mì đũa, khác với cái bánh mì hình tròn bự truyền thống xưa. Nhân một lần chờ sân bay Nội Bài, tôi thấy biển để bánh mì que Pháp, tôi bật cười, vì đúng như cái que. Còn bánh mì baguette của Pháp to dài bằng 8 cái của chiếc bày bán trên quầy. Chữ đũa đây phải hiểu là cái đũa bản dầy to như đũa cả để quấy những nồi cơm tập thể, trong quân đội, bếp lớn mới đúng nghĩa. Bánh mì baguette vì thế nhiều nơi trên thế giới không dịch và để nguyên tên và mở ngoặc Pháp để thu hút khách mua hàng. Bánh mì baguette dài khoảng 65 cm và nặng 250 gam.
Bánh mì baguette chỉ thực sự chính thực có mặt và được thịnh hành trên thị trường tiêu thụ ở Pháp từ năm 1920 do luật lao động đề ra cấm người làm bánh mì làm việc trước 4 giờ sáng để bảo vệ người lao động. Việc sản xuất bánh mì tròn bự không đủ thời gian để cung cấp bánh buổi sáng cho các nơi. Bánh tròn đòi hòi thời gian nướng lâu hơn. Bánh mì baguette đáp ứng được luật lao động và vẫn giữ được một số công thức chế biến truyền thống. Trước kia, người thợ bánh mì rất vất vả, phải dậy từ hai, ba giờ sáng để kịp ra lò giao hàng năm giờ sáng. Bánh mì baguette ra đời giảm sức lao động và thời gian. Hình dài làm cho thời gian nướng và ủ bánh rút ngắn nửa thời gian cùng số gam quy định. Bánh mì baguette do bớt sữa, giảm được giá thành, giòn hơn, do bề mặt tiếp xúc với lửa nhiều hơn, thơm hơn nên nhanh chóng được người Pháp ưa chuộc. Trên bàn ăn của người Pháp giờ đây không thể thiếu được bánh mì baguette. Giá rẻ lại ngon thơm.
Có ba giả thuyết về lịch sử chiếc bánh mì này. Thời Napoléon do lính phải di chuyển nhiều, tiêu chuẩn ăn mỗi bánh thường 250 g, người làm bánh mì của Napoléon đã nghĩ ra nặn cái bánh dài để dễ nhét vào túi quần, sử dụng tiện hơn bánh tròn to.
Hình ảnh quảng cáo bánh mì baguette Pháp xưa.
Giả thuyết thứ hai chiếc bánh bắt chước bánh Viên hình dài do August Zang nhập sang Pháp năm 1839. Nhưng bánh mì baguette của Pháp khác hoàn toàn với bánh mì Viên về chất lượng, và mùi vị. Bánh mì Viên vỏ rất mềm và hơi hơi ngọt, ruột đặc.
Giả thuyết thứ ba, khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, do công việc xây dựng đường tàu ngầm Paris, mỗi thợ đào hầm xuống dưới lòng đất sâu đều mang theo một con dao díp để cắt bánh mì tròn bự. Đôi khi thợ hay gây lộn ẩu đả sau chén rượu gây ra tai nạn. Việc cấp cứu trong hầm sâu gặp nhiều khó khăn và gây rối loạn công việc. Viên kỹ sư Fulgence Bienvenüe phụ trách thi công đã để nghị người cung cấp bánh mì làm sao không cần dao vẫn cắt được bánh. Vì thế người thợ bánh mì đã sáng chế ra cái bánh mì baguette, dài, giòn bẻ bằng tay không cần cắt.
Bánh mì đũa của Pháp trở nên nổi tiếng vì hương vị đặc biệt và chất lượng. Muốn nhận biết một bánh mì baguette truyền thống thực sự không phải bánh mì công nghiệp rất đơn giản. Nhiều lò bánh mì nhỏ lấy bánh mì công nghiệp chế biến sơ về nướng lại. Bánh mì ngon truyền thống ngoài giòn,vàng nâu nhạt, trong mềm có lỗ tổ ong như miếng xốp trắng ngà, khi ấn nhẹ ngón tay lên bánh, bánh sẽ đàn hồi trở lại dạng cũ. Còn bánh không đúng truyền thống thì lõm xuống chút, để trong túi lâu thì bị bẹp nếu một vài bánh khác đè lên.
Sau đại chiến thế giới thứ hai, các lò bánh mì Pháp được hiện đại hóa, sản xuất hàng loạt và chiếm được thị trường thế giới. Năm 1980, ngành thủ công truyền thống bị eo lại. Nghiệp đoàn nghệ nhân làm bánh khu vực ngoại ô và Paris thành lập từ 1801 có trụ sở từ 1843, đã đấu tranh đòi sản xuất theo chuẩn quy truyền thống. Cuộc đấu tranh đã đạt được thành công. Ngày 13 tháng 9 năm 1993, thông tri 93-1074, đã quy định về sản xuất bánh mì với những tỉ lệ chuẩn quy định truyền thống như 2% bột đỗ tằm, 0,5% bột đậu nành…
Bánh mì baguette kẹp nách cùng chiếc mũ nồi béret là tượng trưng cho hình ảnh người Pháp. Hàng năm nước Pháp xuất khẩu 155 ngàn tấn bánh mỳ. Nhưng rất tiếc chỉ là bánh mì công nghiệp, vì bánh mì thủ công rất dễ gãy vì giòn. Nhưng chất lượng hơn hẳn bánh mì công nghiệp. Bánh mì thủ công truyền thống làm từ 4 nguyên liệu gồm bột mì, men bia, nước và muối. Bột mì trộn xong phủ khăn ủ chừng nửa tiếng và đem vào lò nướng. Bánh mì chất lượng không để đông lạnh trước khi đem vào lò và không có chất bảo quản hay gia phụ hóa học.
Một điều bất ngờ rất nhiều người tưởng bánh mì được coi như món ăn chay như cơm, xôi. Thực ra chất gia phụ làm mềm và dẻo bánh tùy thuộc người sản xuất, có nhiều nơi lấy chất chiết xuất từ mô bì động vật.
Biển đề : Trụ sở nghiệp đoàn nghệ nhân làm bánh từ 1843 tại số 7 ke Anjou, Paris quận 4.
Để vinh danh bánh mì baguette Pháp và bảo vệ danh hiệu, từ 1994 hàng năm, thành phố Paris có tổ chức cuộc thi «Bánh mì baguette ngon nhất Paris» dưới sự bảo trợ của "Phòng quản lý nghệ nhân làm bánh". Thực ra những cuộc thi làm bánh tại Pháp có từ 1830, nhưng chính thức được thủ đô Paris vinh danh chỉ có từ sau cuộc đấu tranh thành công bảo vệ thương hiệu bánh mì baguette Pháp truyền thống. Người thắng cuộc sẽ được tặng huy chương cùng số tiền thưởng là 4000 euros và được vinh dự trở thành nhà cung cấp bánh chính thức trong một năm cho cung điện Champs - Elysée (nơi làm việc của tổng thống và đón tiếp các chính khách thế giới). Doanh thu của người thắng sẽ lên 30-40% hàng năm và được treo biển ở ngoài cửa hàng.
Djibril Bodian, nghệ nhân bánh ở cửa hàng "Kho bánh"(Le Grenier à pain) quận 18 người 3 lần được giải (2010 /2014 /1016), Raoul Maeder quận 17 hai lần (2000/2003)…
Danh tiếng của những người đoạt giải không chỉ ở nước Pháp mà vang ra thế giới. Những nghệ nhân bánh mì baguette Pháp không bao giờ thất nghiệp dù ở đâu trên quả địa cầu.
Cuộc thi bánh mì baguette Pháp.
Phải chăng cây lúa mì Pháp có hương vị riêng như nhãn lồng chỉ có đất Hưng Yên mới tạo ra quả dầy cùi và ngọt sắc, mọng nước. Nhiều nơi thử nhập bột mì Pháp nhưng cũng không ra được kết quả như mong muốn. Đó cũng chính là bí quyết riêng của nghệ nhân Pháp. Nghe nói những người học làm bánh baguette để thành tài thực sự phải thề chỉ truyền nghề cho người có tài và yêu nghề bánh mì Pháp thực tâm. Nước Nhật là nước mê bánh mì baguette Pháp, là nước đầu tiên đã cử người chính thức đến Pháp học nghề, sau đến Mỹ.
Ridha KHADHER, gốc Tunisie, là người " cung cấp chính thống bánh mì cho điện Champs Elysée". Ảnh Ridha KHADHER chụp ảnh chung với Tổng thống Pháp François Hollande tại Điện Champs Elysée.
Nhiều nước trên thế giới học sản xuất bánh mì baguette, nhưng không hiểu sao không bao giờ có hương vị bánh mì baguette Pháp về cả độ giòn và thơm. Ngay cả Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ những nước láng giềng của Pháp cũng không bắt được bí quyết.
Biết ăn ngon mới nấu ăn ngon. Đó cũng là bí quyết. Người Pháp vốn có truyền thống ẩm thực nổi tiếng châu Âu và thế giới. Họ luôn vinh danh trân trọng những người đầu bếp giỏi. Ẩm thực chính là một phần văn hóa, linh hồn của một dân tộc. Người Pháp đề cao văn hóa cũng là đề cao ẩm thực. Chính vì thế mà tổng thống Macron nhân dịp năm mới 2018 đã mời tất cả các nhà làm bánh giỏi vào điện Champs Elysées, và ông đề nghị nộp đơn đem bánh mì baguette Pháp vào danh sách văn hóa phi vật thể của Unesco cần được bảo tồn. Đó không chỉ vinh danh cho văn hóa ẩm thực Pháp mà còn bảo vệ bản quyền và danh hiệu. Paris xứng đáng được mệnh danh thủ đô văn hóa thế giới. Tổng thống không chỉ quan tâm đến việc đại sự mà quan tâm đến cái bánh mì baguette, món ăn hàng ngày trên bàn của dân. Một việc đề nghị tưởng nhỏ nhặt thể hiện sự quan tâm đến văn hóa truyền thống. Chính cái nhỏ đó là một sản phẩm xuất khẩu đem lại lợi nhuận cho kinh tế Pháp mà cũng là vinh danh cho các nghệ nhân bánh mì Pháp và văn hóa ẩm thực Pháp.
Bánh mì baguette ra lò
Hiện nay có lẽ chỉ có một vài nước thành công làm bánh mì baguette tương đối giống Pháp, là ở mấy nước thuộc địa cũ Pháp : Algérie, Maroc, Tunisie và Đông Dương (trong đó có Việt Nam). Vì người Pháp tin tưởng đó là thuộc địa vĩnh viễn của họ, nên đã truyền lại chút bí quyết. Tuy nhiên có thể chủ trộn công thức là người Pháp, người bản xứ chỉ thực thi công đoạn sau, và học lỏm, nên bánh vẫn không hoàn toàn như bánh baguette sản xuất tại Pháp. Một phần, do chiến tranh, việc nhập bột mì trở ngại, cộng thêm sự hận thù bị mất nước, nên khi giành được độc lập, nhiều lò bánh mì thời thuộc địa chủ yếu phục vụ cho đám thực dân đã bị bỏ hoang ở miền bắc Việt Nam. Chữ bánh mì trong tiếng Việt cũng có thể do từ pain de mie (đọc là mi) là ruột bánh mì không cùi cứng. Chữ bánh cũng đọc giống tiếng Pháp (pain = banh). Thời thuộc địa rất nhiều từ ẩm thực được Việt hóa mượn từ Pháp như sốt vang (sauce au vin), rượu vang (vin), cà rốt (carotte), sú lơ (chou fleur), su hào (chou rave), sà lát (salade), súc xích (saucisson), ga tô (gateau), bích quy (biscuit), phở (pot au feu) * ... Ngày nay, một số nơi đã bán bánh mì baguette Pháp.
Nhiều khách du lịch qua Pháp rất thích bánh mì baguette. Muốn ăn bánh mì baguette thực thụ phải sang Pháp và buổi sáng sớm phải dậy sớm đón bình minh, đứng gần cửa hàng gia công bánh mì truyền thống để hưởng được mùi thơm tỏa từ lò bánh mì trong khi chờ xếp hàng chờ mới có cảm giác thèm và hiểu tại sao khách du lịch mê bánh mì baguette Pháp. Biển đề bánh mì thủ công truyền thống càng đông khách, hàng càng dài. Nhiều người vừa trả tiền xong, đã bẻ ngay cho vào miệng vì không cưỡng nổi trước hương vị nồng thơm và nóng hổi của bánh baguette Pháp thon thon mềm mại giòn tươi như nụ cười thiếu nữ đầy tự tin và tràn sức sống đang tuổi dậy thì.
Trần Thu Dung
* Tản mạn bên bát phở báo Nông Nghiệp 28/01/2014 http://nongnghiep.vn/tan-man-ben-bat-pho-post119405.html
Sân khấu biểu diễn giống như rạp xiếc. Bước vào bên trong rạp, người xem cảm giác lạc vào một không gian Việt, với nhưng chiếc nón đèn lồng và chú Tễu trưng bày ở nơi chờ với quán ăn giải khát. Trước khi xem biểu diễn, mọi người có thể tận mắt xem các chú Tễu, các con rối, rồng cùng đồ kỷ niệm Việt Nam bày bán ngay bên cạnh...
Hoạt cảnh chú Tễu trên sân khấu nước
Một người bạn Pháp từng đến Việt Nam rất mê chú Tễu Việt. Thấy quảng cáo về chú Tễu giữa Paris, ông rủ tôi đi xem. Đến nơi, rạp khá đông khoảng hơn 300 người dù trời mưa se se lạnh giữa mùa đông ở Paris. Thật bất ngờ, chú Tễu gỗ giật lên giật xuống trên nước hấp dẫn người Pháp dù họ không hiểu lời nói ẩn dụ bóng gió trong các lời ca "Này chị em ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ…", rồi lối hát ví von đưa đẩy thời xưa. Đến lớp trẻ Việt bây giờ chỉ thích nhảy ầm ầm, híp hop và tân nhạc, phim giật gân, ít quan tâm đến âm nhạc và sân khấu truyền thống.
Đêm khuya, khu Trung tâm văn hóa Villette rực đèn đỏ chiếu xuống kênh Saint Martin đầy quyến rũ. Múa rối nước Việt Nam phải có sức thu hút lắm mới được tham gia biểu diễn ở khu này. Xã hội tư bản luôn đề cao văn hóa, nhưng cũng quan tâm đến lợi nhuận. Trước kia, trong quá trình trao đổi hợp tác văn hóa, các đoàn Việt Nam sang biểu diễn thường được nước bạn đài thọ tổ chức. Múa rối nước Việt Nam phải đạt ở trình độ nhất định và có sức thu hút đặc biệt nên ban tổ chức mới tạo điều kiện cho Đoàn biểu diễn ở đấy. Suốt dọc đường đến rạp, biển quảng cáo múa rối Việt Nam chạy trên màn hình cùng với những buổi biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật Pháp ở khu đó, thật hãnh diễn cho Việt Nam. Loay quanh lạc đường, vì có nhiều rạp ở khu này, nhưng khi tôi hỏi thì có rất nhiều người biết và chỉ cho tôi đến rạp biểu diễn múa rối Việt.
Các nghệ sĩ giới thiệu nhạc cụ dân tộc
Sân khấu biểu diễn giống như rạp xiếc. Bước vào bên trong rạp, người xem cảm giác lạc vào một không gian Việt, với nhưng chiếc nón đèn lồng và chú Tễu trưng bày ở nơi chờ với quán ăn giải khát. Trước khi xem biểu diễn, mọi người có thể tận mắt xem các chú Tễu, các con rối, rồng cùng đồ kỷ niệm Việt Nam bày bán ngay bên cạnh.
Thỉnh thoảng những diễn viên mặc áo tứ thân hay áo dài kiểu quan họ đi ra vào chuẩn bị biểu diễn.
Sân khấu đơn giản, một bể nước tượng trưng ao làng Việt với vài cây giả mọc ven cùng đình làng nhỏ.
Mở màn là tiếng nhạc, tiếng hát vang lên. Tiếng đối thoại đơn giản khi ra diễn ở nước ngoài. Tiếc rằng không có bản dịch điện tử chạy nên đôi khi sẽ rất khó hiểu, vì không thể vừa xem vừa đọc lời giới thiệu in trên giấy dưới ánh đèn lờ mờ để làm nổi bật phía ao làng nhỏ. Lời thoại dẫn nhập rất quan trọng trong múa rối hay sân khấu chèo Việt. Bài thơ "Nam quốc sơn hà" đầy ý nghĩa cũng không được dịch trước khi những chiến binh nông dân cưỡi ngựa ra chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc. Giá như câu đó được dịch thì sự hấp dẫn và ý nghĩa của tiểu phẩm đó càng được đánh giá cao. Khi tôi dịch cho người bạn từng đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Paris, ông đã cười và thì thầm nói : "Câu này đủ chứng minh vì sao Việt Nam luôn thắng giặc ngoại xâm rất mạnh như Trung Quốc, Pháp, Mỹ. Cuộc chiến Điện Biên Phủ đã không chỉ ghi vào lịch sử Việt mà cả lịch sử thế giới và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người Pháp".
Diễn viên chào khán giả lúc kết thúc
Những cảnh sinh hoạt bên bờ tre, ruộng lúa xen lẫn với những màn vui nhộn đuổi cáo, bắt cò, cảnh giặc giã hấp dẫn khán giả ở mọi lứa tuổi. Làng quê thanh bình bỗng bị xáo trộn. Cùng những chú Tễu, những người nông dân hiền lành ấy giờ cầm giáo mác nhổ tre lên ngựa đuổi giặc ngoại xâm. Liễu Thăng bị chém đầu. Lê Lợi thắng trận đã trở về trả gươm. Dân tộc Việt yêu hòa bình. Vũ khí chỉ dùng khi có giặc xâm lăng. Lịch sử Việt Nam theo truyền thuyết với con rồng cháu tiên cùng với lịch sử thực tại chống xâm lăng đầy ấn tượng. Người Việt mong mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Những nàng tiên bay xuống hay chính là những thôn nữ đẹp như tiên hạnh phúc giản đơn với chàng trai cùng lớn lên từ ao làng nhỏ vui cấy cày. Chính những chàng trai ấy sẵn sàng lên đường để bảo vệ bờ cõi cho làng quê thanh bình.
Trẻ em và người lớn ngồi xem với sự ngạc nhiên, sao những chú rối lại múa được trong nước không thấy người điều khiển. Những con rồng phun lửa phì phì múa nhẩy trên nước khác hẳn với những cảnh làm xiếc người phun lửa trên sân khấu. Diễn viên xiếc phải châm cho lửa cháy trước mặt khán giả. Còn ở đây từ nước rồng gỗ tự phun ra lửa quả là một sự bất ngờ đối với khán giả nói chung và khán giả nhí nói riêng. Cảnh chiêng trống làng vang lên trong ngày hội thật gây náo động không khí.
Trời Paris se lạnh giữa chớm đông, người xem tưởng sẽ có cảm giác sông nước lãnh lẽo khi xem múa rối nước. Hoàn toàn ngược lại, không gian ấm lên với những màn diễn vui sôi động và những tràng vỗ tay không ngớt sau mỗi màn.
Kết thúc buổi biểu diễn, khán giả trực tiếp được gần diễn viên điều khiển rối, ca sĩ và dàn nhạc. Họ cũng ra chào khán giả và tham gia bán đồ kỷ niệm, chụp ảnh cùng khách. Những nụ cười thân thiện rạng rỡ làm ấm lòng thêm khách. Một số khán giả mua con rối, nón về làm kỷ niệm. Hình ảnh người Việt xinh đẹp thướt tha trong áo dài tứ thân với màu sắc nổi bật đã in sâu vào kỷ niệm mỗi khán giả. Ngay khi ra khỏi sân khấu là không gian Việt với những đèn lồng, nón treo bay nhẹ nhẹ nghiêng nghiêng trong gió thoảng từ cánh cửa rạp. Mùi phở và hương vị cà phê trung nguyên thơm nồng hấp dẫn. Đêm sắp về khuya, khách vẫn nán lại thưởng thức vài món ăn dân tộc Việt và nếm chút cà phê hồn Việt.
Đoàn múa rối nước Trung ương đã thành công khi mang đến khán giả không chỉ một hình ảnh Việt Nam anh hùng mà cả một Việt Nam có chiều sâu văn hóa với những chiếc áo dài tha thướt và những chú tễu ngộ nghĩnh đáng yêu, cùng chiêng trống với tiếng đàn bầu da diết. Chính chiều sâu văn hóa đó là một thành trì vô hình bảo vệ đất nước, là sợi dây kết nối người Việt dù sống xa quê và là tiếng mời gọi trở về đất nước với câu ca dao ngân lên trong đêm biểu diễn "Ta về ta tắm ao nhà/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
Khán giả ra về lòng lâng lâng khát khao một ngày đến thăm làng quê Việt thanh bình và mơ được dự một buổi lễ đón mùa lúa mới hay lễ hội quê hương quan họ đầy lưu luyến.
Trần Thu Dung (từ Pháp)
Texas nổi tiếng và quen thuộc trong phim cao bồi Mỹ, với những cánh đồng cỏ mênh mông cùng những đàn ngựa phi tung bụi xuyên qua những thị trấn hoang sơ đường đất. Giờ đây những hình ảnh đó chỉ còn là hoài niệm trong bảo tàng hay quảng cáo du lịch thành phố. Những ngôi nhà cao ốc, đường bê tông lát đá, xe ô tô chạy vù vù, đã thay thế tất cả.
Khu Ánh Đêm ở Austin (Texas)
Austin là thủ phủ của Texas. Muốn đi tìm hình ảnh xưa ở đây thật là khó. Một vài thị trấn lận cận như Wimberley hay For Worth Stockyard còn giữ lại chút nét xưa nhưng mọc đầy cửa hàng bán đồ kỷ niệm mũ giầy ca bồi, yên ngựa sản xuất từ Trung Quốc. Khách đi rạc cẳng không tìm ra chiếc mũ cao bồi sản xuất tại Mỹ.
Ngay màn biểu diễn Rodéo tưởng được xem những màn hung tợn của những người cao bồi dũng cảm thuần ngựa hoang hí vang quẫy mình phản ứng, nhưng chỉ thấy những người cưỡi ngựa thao tác tung vòng dây bắt ngựa với những cô gái dũng cảm nhảy lên lưng ngựa như trong rạp xiếc. Những chú ngựa hiền lành sợ hãi nép vào góc khi thấy đoàn người cầm roi và vòng dây tiến lại.
Đón Giáng Sinh giờ đây khác hẳn trong phim. Austin dành một góc rừng ven sông Colorado để làm khu đón mừng Chúa ra đời và chào năm mới với đèn chiếu lung linh. Tất cả đều chủ yếu sử dụng kỹ thuật ánh sáng do nhiều công ty tư nhân dịp muốn quảng cáo tham gia tài trợ.
Nếu ở Paris rực rỡ với những đèn kết nghệ thuật thành những ly rượu vang đang tuôn trào sức sống đón năm mới, ở Texas đèn nhiều màu kết quanh thân cây, kết thành những con đường hầm tạo nên không gian tự nhiên ảo ảo thật thật. Đi trong đó, ta cảm giác như đi giữa những hành tinh đầy sao nhấp nháy. Khát vọng chinh phục thiên nhiên, vươn tới những vì sao là khát vọng muôn thủa của loài người. Ngay trong những chuyện cổ Hy lạp, Icar đã được cha tài giỏi chắp cho đôi cánh bằng sáp bay lên cao. Mặc lời khuyên dặn của cha, Icar thích thú khám phá mặt trời, nhưng mặt trời nóng quá, sáp từ từ chảy ra, Icare rơi xuống biển. Ở Việt Nam chú Cuội, chị Hằng, Từ Thức lên tiên đều thể hiện khát vọng khám phá vũ trụ.
Trong ảo ảnh của ánh sáng đêm, những chuyện cổ tích được dựng lên xen kẽ. Từ nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn đến Piter Pan, nàng tiên cá đều được tái dựng thu hút trẻ em. Mọi người đều như lạc vào thế giới thần tiên lấp lánh. Austin thủ phủ Texas không bao giờ quên những hình ảnh cưỡi ngựa của cao bồi Lucky Luc trong phim hoạt hình nhiều tập nổi tiếng.
Người đẹp và quỷ dữ
Ở Mỹ không có văn hóa riêng, tất cả đều là văn hóa du nhập. Hầu hết dựa theo truyền thuyết Châu Âu xem đôi chút hình ảnh thổ dân đã từng bị gần như diệt chủng khi người da trắng đến. Giờ đây nước Mỹ trở thành một nước với nhiều di dân trên thế giới. Nơi đây, ta sẽ thấy thấp thoáng hình ảnh của thế giới đa chủng tộc, tuy nhiên tiếng Anh vẫn là tiếng ngự trị. Nước Mỹ hơn 200 năm thành lập với văn hóa du nhập mang tính chất ngoại lai nhưng được hiện đại hóa nhờ kỹ thuật phát triển.
Mọi người tấp nập đến khu rừng "Ánh đêm". Người vào xếp hàng dài dẳng dặc dưới đêm lạnh. Nhưng tình bạn, tình yêu, sự hàn huyên cùng sự nhộn nhịp làm nóng không gian. Cái lạnh như bị đầy lùi. Những nụ hôn nồng cháy bên đống than hồng. Mọi người vui vẻ ra về.
Tác giả đi xem "Ánh đêm"
Vừa ra khỏi cổng khu "Ánh đêm" một nghệ sĩ Violon ngồi kéo đàn bài "Mừng Giáng Sinh" bên cạnh hộp đàn mở đựng tiền phước. Xa chút là những người da màu mưu sinh đứng bán đồ lặt vặt bày dưới đất.
Trên đường trở vào trung tâm, thành phố Austin sáng rực trong đêm khuya. Những chú ngựa đẹp lông trắng muốt ủ rủ buồn buồn nhớ thảo nguyên hoang vắng một thời lững thững những bước chân kéo cái xe chở khách du lịch một cách bất đắc dĩ theo lệnh cái roi quất lên quất xuống của ông chủ.
Những cây thông Giáng sinh dựng lên khắp nơi trong thành phố, từ trung tâm thương mại đến quán cà phê. Cả năm có một ngày. Chúa ban lộc, hãy tưng bừng đón nhận. Một số cửa hàng đóng cửa ngày lễ như mồng một Tết ở Việt Nam. Nhưng không ít cửa hàng tranh thủ bán nhân dịp lễ. Người người tập nập ra vào. Austin thành phố nổi tiếng của nhạc Rock. Đêm đã khuya vẫn vang vọng trên đường tiếng nhạc rock mạnh mẽ rập rập như vó ngựa vang trên thảo nguyên xa vắng. Gần khu xa lộ, những người ăn mày, ngồi la liệt quanh Quán ăn Từ thiện, nhà thờ phước cầu nguyện chờ mong chúa công bình ban phước lành trong đêm Giáng sinh. Amen ! Chúa chắc nghe được lời cầu nguyện của tất cả.
Paris, 02/02/2017
Trần Thu Dung
Tin vua nhạc rốc Johnny Halliday vừa mất làm nhiều người trên thế giới xúc động. Johnny Halliday nổi tiếng là ca sĩ rock thành công tổ chức sự kiện hát rất lớn, thu hút đông đảo cả ngàn người xem. Một ca sĩ đa tình, dũng cảm với năm lần kết hôn không ngần ngại. Yêu là cưới. Mối tình nổi tiếng là với nữ ca sĩ Sylvie Vartan xinh đẹp với giọng hát quyến rũ. Cặp đôi làm nghiêng ngả sân khấu một thời trên thế giới. Cuộc tình cuối cùng với cô gái trẻ Laeticia. Việt Nam biết thêm về ca sĩ vì đã cùng người vợ cuối cùng nhận hai con nuôi gốc Việt. Những người đã có con và còn dám nhận con nuôi cũng phải có tình yêu và lòng vị tha nhân đạo.
Johnny cùng vợ và 2 cô con gái gốc Việt.
Ông đã từng được mời hát nhân buổi quốc tang Charb và đồng nghiệp khi kẻ cuồng tín đạo Hồi sát hại tuần báo hí họa Charlie. Ông đã ủng hộ tuần báo Charlie, bảo vệ giá trị tự do của nền cộng hòa Pháp. Sự cuồng nhiệt hừng hực với cây đàn ghi ta trên sân khấu của ông thể hiện khát vọng tự do tuyệt đối.
Ông đã ủng hộ tuần báo Charlie, bảo vệ giá trị tự do của nền cộng hòa Pháp.
Cái mất của vua nhạc rock nhắc lại trong tôi một kỷ niệm mãi mãi không quên. Thời sinh viên năm thứ hai khi tôi du học ở Bucarest Rumanie. Tôi được phân học chuyên ngành triết văn Pháp. Tất cả sinh viên khoa đó từ năm thứ hai được phép vào trung tâm văn hóa Pháp tại Bucarest sinh hoạt, xem phim, nghe nhạc. Đám Việt Nam sung sướng. Còn gì may mắn hơn là học văn chương ngôn ngữ của nước được hưởng luồng ánh sáng văn hóa nước đó. Đây là dịp may để tiếp xúc với người Pháp và tìm hiểu thêm văn hóa Pháp. Háo hức chuẩn bị đi làm thẻ sinh hoạt, bỗng bí thư chi đoàn tập hợp lại và tuyên bố "ban chấp hành đoàn, cán bộ đã trình bày lên tòa đại sứ Việt Nam việc này. Sứ quán không cho phép đến đó. Vậy mong các đoàn viên đừng ai phạm kỷ luật". Niềm vui chưa được một ngày, bỗng bị hụt hẫng. Cả đêm tôi nằm dằn vặt suy nghĩ. Đi học ngôn ngữ Pháp, chưa bao giờ đối thoại người Pháp. Tôi mắn mắn hơn nhiều bạn bè cùng học, do thi đậu vào trường năng khiếu đại học sư phạm, được cô giáo Pháp chính cống sống ở Hà Nội dạy tiếng Pháp.
Johnny biểu diễn
Sang Ru, tiếng Pháp võ vẽ lại phải học song đồng tiếng Ru, sinh viên Việt rất khốn khổ. Cuốn từ điển Pháp Việt Việt Pháp không có. Mọi việc học toàn thông qua tiếng Ru. Từ điển Ru- Việt hay Việt Ru đều không có nốt. Nhiều sinh viên đã khóc mỗi lần bị thầy mắng vì không hiểu và phát âm sai. Tiếng Pháp phức tạp. Năm thứ nhất đại học vào học chung với sinh viên Ru như vịt nghe sấm. Không đi học thì sợ bị phê bình, đi học thì như đóng kịch câm điếc. Buồn lắm, thấy thầy cô giảng trên lớp, sinh viên Ru cười vang vỡ lớp, chục đứa Việt mặt ngẩn tò te, có đứa phải cười theo để có nụ cười đại diện dân tộc : ừ tôi cũng hiểu. Tôi dường như đạt kỷ lục trốn học nhất trong đám Việt Nam, thầm lặng xuống thư viện cẩn mẫn đọc đi đọc lại dù chỉ một trang. Để nói được tiếng Pháp, tôi kết bạn với đám châu phi từ các thuộc địa Pháp sang du học. Một thứ tiếng Pháp, mà sau này qua Pháp tôi mới hiểu cách phát âm địa phương nặng trình trịnh, và đôi khi hơi kỳ kỳ. Anh họ tôi từng học tiếng Pháp từ nhỏ ở các trường Pháp tại Sài gòn kể khi anh qua Montréal, anh hoảng quá, tưởng mình nói tiếng Pháp sai. Sau mới biết bọn Quebec tiếng Pháp đáng sợ thế. Thời trước, không có vi tính, wifi, không có thông tin cập nhật qua mạng, nên ngay ở Sài Gòn, các anh họ tôi cũng chưa bao giờ biết Montréal (Canana) nói tiếng Pháp như vậy. Một thứ tiếng Pháp xen đầy thổ ngữ của một nhóm thuyền chài, hay thôn quê Pháp di cư từ thế kỷ 16, 17. Tôi nghĩ muốn học được phải lợi dụng dịp này. Tôi liều đi làm thẻ với giấy chứng nhận là sinh viên khoa triết văn Pháp. Trung tâm đón tiếp sinh viên rất vui vẻ và trao cho chương trình các sự kiện văn hóa. Các buổi biễu diễn văn nghệ làm tôi hứng thú. Ngôn ngữ chưa thạo, âm nhạc và hội họa không bị rào cản ngôn ngữ nhiều như tiểu thuyết, thơ. Tôi ẽ là sinh viên duy nhất thời đó bỏ tiếng mua cái máy quay đĩa và rình mua đĩa hát (đặc biệt là đĩa tiếng Pháp), và "lẻn" đi xem balet. Mọi bạn bè tiếp kiệm tiền mua đồ về nước, nên mua đĩa hát, xem ba let là xa xỉ phẩm. Thời đó ngay ở Rumani cái gi cũng hiếm. Có cuốn từ điển chia động từ Pháp ra vài ngày là hết ngay. Đĩa hát nhạc Pháp cũng hiếm và rất đắt tiền. Tôi loay hoay nghe đi nghe lại để học tiếng Pháp qua những bài hát Dalida, Mathieu. Nhiều khi chẳng hiểu rõ lời, tôi nhờ bạn Ru biết tiếng Pháp thạo cùng lớp nghe hộ, chép ra học cách phát âm.
Bản thân cũng mê văn nghệ. Từ nhỏ tôi đã sơ tán theo bộ văn hóa, nơi có các đoàn văn công sơ tán xung quanh, tôi theo con các nghệ sĩ lang thang chiều chiều ngồi xem các diễn viên tập kịch, hát chèo, hát bội, hát chòi như bà Lệ Thi, dân ca liên khu năm Ái Liên và nghe đám diễn viên nhí Ái Vân, Ái Xuân, Hạnh Nguyên… mỗi đầu tuần hát trước lớp, trường. Xem diết rồi cũng thuộc lòng những bài hát họ tập. Ông già làm trưởng ban thi đua ở Bộ, tôi được hưởng xem tất cả những buổi trình diễn ra mắt thời đó.
Sang Ru, ngay hôm đầu tiên tôi đã rủ rê được 3 cô bạn thân cùng trường trung học phiêu lưu vào thử một rạp xem phim ở Bucarest trước khi xuống thành phố khác học dự bị ngoại ngữ. Võ vẽ dăm chữ Ru, chữ Pháp liều đi xem không xin phép cao bồi Mỹ (lúc đó cấm xem). Cả bốn đứa ú ớ xem xong chẳng hiểu gì nhưng khoái vì được thấy cái rạp phim rộng hơn rạp Công nhân, hay Hồng Hà và đám cà bồi cưỡi ngựa với những nụ hôn cháy bỏng với một nàng xinh đẹp. Phim Việt Nam lúc đó, chẳng bao giờ có nụ hôn tình yêu. Tất cả quên tình yêu vì chiến trường... Có đứa chẳng bao giờ biết rạp phim ở Hà Nội lúc đó toàn xem phim bãi ngoài trời. Cả bọn bị lạc đường, nói thì không thạo, mất 3 tiếng mới về đúng nơi tập kết đi. Hú vía, cả đoàn đang chờ, và lo lắng không biết 4 đứa mất tích từ sáng, tận 5 giờ chiều mới quay về vừa kịp đi thành phố Cluj. Mọi người "quan tâm" hỏi đi đâu ? Đã chuẩn bị trước câu trả lời, đổ lỗi nhầm hướng buýt, xuống linh tinh họ chỉ đi linh tinh vì không hiểu… Cuối cùng tất cả vội lục đục kéo vali lên ô tô, chỉ bị dặn rút kinh nghiệm lần sau, đi đâu phải hỏi các anh chị năm trên…
Trung tâm văn hóa Pháp ở Rumani rất hấp dẫn. Lúc đó tôi cũng chưa biết các ca sĩ Pháp nào. Nhớ lúc đi học dự bị thầy giáo Ru thử trình độ văn hóa chung của đám Việt Nam mới hỏi "ai là nhạc sĩ nổi tiếng thế giới"khi học từ "giao hưởng", "cổ điển". Lớp 20 đứa Việt Nam, chẳng ai trả lời, tôi mới sực nhớ đáp "Tchaikoski" mà tôi vẫn được nghe giới thiệu khi xem biểu diễn ở nhà hát lớn về người trình diễn đào tạo từ học viện âm nhạc Tchaikoski. Thầy giáo bảo cũng được, còn ai khác hay hơn không…, tôi bật nhớ đến bản nhạc mà đám trình diễn vẫn chơi "Beethoven" bản định mệnh… Thầy giáo gật đầu. Đúng là một dịp để cứu sự xấu hổ về"tình trạng văn hóa nghèo nàn thời chiến tranh ở Việt Nam" và trình độ kiến thức văn hóa chung đào tạo ở ngay Hà Nội.
Năm thứ nhất, về Bucarest học đại học, giáo sư tách chúng tôi ra, 6 đứa học riêng vì trình độ tiếng Pháp cao hơn, đám còn lại phải học ngoại ngữ tiếp, do 4 đứa học trường năng khiếu khoa Pháp và 2 sinh viên đi từ Sài gòn (xuyên rừng ra Bắc, con cán bộ ngầm trong thành Sài gòn thời đó). Vừa vào lớp ngày đầu tiên, giáo sư dạy về văn chương Pháp, chỉ lên tường một chân dung một ông già râu xồm chống tay trên trán đang suy tư" hỏi ai đây. Cả sáu đứa (cả nam lẫn bắc đều được học tiếng Pháp trung học) lắc đầu. Ở Hà Nội chúng tôi chỉ thấy ảnh ông "tây" râu xồm duy nhất là Các Mác, và một ông đầu hói treo khắp nơi là Lê Nin. Tưởng miền Bắc đói khổ, bom đạn, việc dạy không có sách giáo khoa là chuyện thường tình. Hóa ra đám học ở Sài gòn cũng thế nốt. Chiến tranh cả hai miền đều khốn khổ, đều phải chịu thiệt thòi. Chúng tôi học tiếng Pháp, cô giáo Pháp dạy gì biết nấy. Cô tên là Monique, chồng Việt, cô cùng chồng về Việt Nam theo tiếng gọi của đất nước hòa bình. Cô cũng phải chịu cực đi đào hầm như học sinh. Cô nói tiếng Việt lơ lớ, chậm chậm. Cô ít cười hơi buồn. Chúng tôi rủ cô sang làng bên hay qua sông chơi,cô tâm sự cô không được đi đâu xa, đi đâu phải báo công an. Nên chỉ quẩn quanh đúng Hà Nội và làng sơ tán cho phép. Cô cũng chẳng có sách báo nước ngoài bằng tiếng Pháp để chỉ cho chúng tôi xem, làm sao chúng tôi có thể biết ai là ông râu xồm kia. Cô trình độ có hạn, chỉ dạy phát âm, chính tả cùng vài bát hát nhi đồng, trong đó có nhiều bài bây giờ bên Pháp không thấy ai hát, chỉ có mấy ông già sinh 1930 mới biết. Một lần, bố tôi không biết kiếm đâu ra cuốn sách thiếu nhi bằng tiếng Pháp dịch từ Nga, có vẽ hình màu, in khổ lớn mang về quà cho tôi. Tôi thích quá, loay hoay đọc và cứ nhớ mãi đến thuộc luôn vì có mỗi 1 cuốn "Natasha va à l’école" (Natasha đến trường). Từ nào không biết, bố là từ điển. Cả sáu đứa đang ngớ ngẩn, giáo sư thủng thỉnh đáp : đấy là nhà đại văn hào Victor Hugo. Lần đầu tiên tôi nghe cái tên đó. Thời đi học phổ thông, thầy giáo văn có lẽ cũng chẳng biết ông này là ai, chỉ loanh quanh với Thép đã tôi thế đấy, Thời thơ ấu của Maxim Gocky. Thơ văn Trung Quốc, tôi biết mỗi tên Đỗ Phủ nhờ học di chúc Hồ Chí Minh, còn thơ văn của ông cũng mù tịt. Thơ văn học thời đó toàn ca dao chống Pháp, chống mê tín dị đoan, phong kiến "cặc bụp cắc bụp xòe, ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo… Cặc bụp cặc bụp xòe… hoặc bài thơ cách mạng "Anh La Văn Cầu,… giặc bắn què tay, anh chặt phăng ngay, xông lên nổ súng…" làm gì được học những áng thơ văn Victor Hugo.
Mười năm học thêm một năm vỡ lòng, tổng cộng mười một năm, hầu như tuần nào cũng học địa lý, sử mà tôi cũng chẳng nắm được gì mà vẫn được coi là học sinh giỏi. Tôi rất sợ học sử vì cứ Thái Tôn, Nhân Tôn, Thánh Tôn… Lý Trần Lê loạn cào cào trong đầu. Cô giáo cũng chẳng biết. Thầy sử phải đi ra chiến trường. Trường thiếu giáo viên cô giáo kỹ thuật toàn lấy sách giáo khoa sử địa đọc cho học sinh chép là hết giờ. Học sinh chỉ biết vài sự kiện lớn : cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại 1917, đảng cộng sản Việt Nam thành lập 1930 và 1945 giành độc lập, Điện Biên Phủ 1954… nhờ hầu như bài kiểm tra năm nào cũng chỉ hỏi mấy câu đó. Đến lúc dự bị nước ngoài được học thêm 3 dòng thác cách mạng. Thực ra tôi cũng chẳng nắm được, buổi sáng, mấy lớp khối tự nhiên thi trước với câu 3 dòng thác cách mạng. Tôi mới lôi sách ra đọc lại. Chiều kiểm tra thi 3 dòng thác, phân tích dòng thác thứ ba "về vai trò văn hóa tư tưởng". May mắn tôi đạt được điểm tốt, còn cô bạn thi buổi sáng rớt môn chính trị nên phải ở lại học trong nước. Hồi lớp sáu, đang chơi với trẻ con ngoài đường nhẩy dây,cô giáo chủ nhiệm đi xe đạp đến bảo "mai em đi thi sử học sinh giỏi", Tôi hoảng quá từ chối, cô bảo "không em phải đi, vì lớp không có ai. Em đại diện cho lớp". Tôi đến thi cho lấy lệ, biết là trượt, nhưng cô giáo bảo phải nghe, không được quyền phản đối. Sau này qua Rumanie tôi mới hiểu thế nào học sử địa. Ở Việt Nam dạy ngoại ngữ chỉ để nói, nhưng ở nước ngoài ngay dự bị học tiếng, chúng tôi đã được thầy giáo dạy sử địa minh họa rất rõ, dù ngoại ngữ yếu cũng vẫn hiểu. Thầy treo bản đồ, chỉ rõ tên các nước và biên giới, chiến tranh thế giới, phân chia biên giới… Học xong lịch sử địa lý thế giới, Ông giáo cho bài tập "Lịch sử Việt Nam qua các thời đại". Ông tin là lịch sử Việt Nam thì đám sinh viên Việt không thể không biết như lịch sử châu Âu và sẽ có điều kiện gỡ điểm. Đúng hẹn, cả 20 đứa nộp bài. Hôm trả bài, ông giáo nói mặt lanh tanh "Nước Việt không có lịch sử, vì 20 bài làm 20 lịch sử hoàn toàn khác nhau." Thú thật, tôi nghe được xấu hổ muốn độn thổ xuống đất. Tôi vốn thi ban toán lý hóa nhưng lại bị xếp đi học cùng với đám ban văn sử địa vì học bổng ngành Pháp ngữ thiếu người. Vừa mới hiệp định Paris chấm dứt, tình trạng thiếu người biết tiếng Pháp ở lớp trẻ đang khủng hoảng, Bộ đại học quyết cho đi đào tạo tiếng Pháp để chuẩn bị sẵn thế trận nhớ phải ký kết hiệp định tiếp, chiến tranh còn có thể kéo dài. Đám văn sử địa thi đậu đi nước ngoài hóa ra cũng thảm hại về kiến thức sử Việt.
Ngay thời tôi đã trở thành giảng viên đại học khoa văn, trong chương trình văn học thế giới 1/3 là văn học Trung Quốc, 1/3 là văn học Nga xô Viết, còn lại văn học châu Á, Châu Mỹ Latinh, với văn học Pháp, Anh. Sách truyện dịch hiếm hoi, ngay những năm 80. Đi du học tôi gửi 3 bộ từ điển rất nặng Larousse, và Petit Robert cùng sách về từ Bỉ về trước qua bưu điện bị mất không nhận được. Tôi còn nhớ thời đó hễ có cuốn dịch nào mới ra hay, anh bạn thân tôi cũng tìm cách mua tặng tôi một cuốn. Thời đó sách là một món quà rất quý mà tôi mãi nhớ.
Sách thiếu thốn, từ điển không có, có điều kiện được mượn sách và tìm hiểu bổ sung kiến thức thì bị cấm.
Johny Halliday biểu diễn nhạc Rock
Nhưng khát vọng tìm hiểu thế giới tư bản, văn hóa Pháp càng thôi thúc tôi bất chấp kỷ luật âm thầm đến trung tâm văn hóa Pháp ở Bucarest. Buổi đầu tiên tôi đến xem phim ca nhạc ở đấy, chính là phim về buổi biểu diễn nhạc Rock của Johny Halliday. Tất cả làm tôi bất ngờ ngạc nhiên. Vốn chỉ quen nghe các ca sĩ Việt ăn mặc chỉnh tề, hát nghiên túc buồn buồn những bài dân ca hoặc hùng tráng nghiêm trang ca những bài cách mạng. Johny Halliday hát rất đa dạng, hát tình yêu với tất cả nhiệt huyết. Vừa hát ca sĩ vừa cởi phanh áo, mồ hồi nhễ nhại, quẳng áo tung xuống khán giả, đám cuồng mê hét hò tranh nhau cướp và xé hít chiếc áo đấy. Tất cả như quay cuồng loạn điên trên sân khấu. Những bản nhạc đập thình thình, đàn ghi ta nghiên ngả, sân khẩu như đảo lộn… Cuồng nhiệt và tự do đến ngạt thở. Tôi tự hỏi tư bản là thế ư ? Qua Paris mới biết Johnny Halliday là ca sĩ Pháp đầu tiên chơi nhạc rock và thành công rực rỡ với giọng hát tuyệt vời.
Một bến metro Paris mang thêm tên mới Durock Johnny
Johny Halliday đã mất, nước Pháp mất đi một người nghệ sĩ lớn. Tổng thống Macron cùng phu nhân đã đến tận gia đình Johnny chia buồn. Tàu điện ngầm hàng năm ở Pháp thu hút hàng trăm triệu người. Chỉ một ngày sau khi nghe tin ca sĩ ra đi, sở giao thông đã không cần họp bàn lâu dài quyết định tôn vinh nghệ sĩ, lấy tên ông đặt thêm cho bến tàu điện ngầm có tên Durock. Những người yêu âm nhạc có dịp đến tận bến để chụp ảnh kỷ niệm. Johnny Halliday ra đi nhưng mãi mãi đi vào lòng người hâm mộ. Một vinh quang không chỉ dành cho ông mà cho cả Paris. Paris xứng danh là thành phố ánh sáng văn hóa luôn tôn vinh văn hóa nghệ thuật.
Johnny Halliday đã in vào đầu tôi không chỉ sự cuồng nhiệt tự do tuyệt đối mà cùng với bao kỷ niệm buồn vui một thời du học mãi mãi không quên là thế.
Paris, 10/12/2017
Trần Thu Dung