Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

03/02/2018

Bánh mì Baguette Pháp

Trần Thu Dung

Bánh mì Baguette Pháp một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới trong tương lai ?

Baguette trong tiếng Pháp là đũa, que dài. Do hình dáng bánh mì dài nên người Pháp ví von gọi là bánh mì đũa, khác với cái bánh mì hình tròn bự truyền thống xưa. Nhân một lần chờ sân bay Nội Bài, tôi thấy biển để bánh mì que Pháp, tôi bật cười, vì đúng như cái que. Còn bánh mì baguette của Pháp to dài bằng 8 cái của chiếc bày bán trên quầy. Chữ đũa đây phải hiểu là cái đũa bản dầy to như đũa cả để quấy những nồi cơm tập thể, trong quân đội, bếp lớn mới đúng nghĩa. Bánh mì baguette vì thế nhiều nơi trên thế giới không dịch và để nguyên tên và mở ngoặc Pháp để thu hút khách mua hàng. Bánh mì baguette dài khoảng 65 cm và nặng 250 gam.

banhmi1

Bánh mì baguette chỉ thực sự chính thực có mặt và được thịnh hành trên thị trường tiêu thụ ở Pháp từ năm 1920 do luật lao động đề ra cấm người làm bánh mì làm việc trước 4 giờ sáng để bảo vệ người lao động. Việc sản xuất bánh mì tròn bự không đủ thời gian để cung cấp bánh buổi sáng cho các nơi. Bánh tròn đòi hòi thời gian nướng lâu hơn. Bánh mì baguette đáp ứng được luật lao động và vẫn giữ được một số công thức chế biến truyền thống. Trước kia, người thợ bánh mì rất vất vả, phải dậy từ hai, ba giờ sáng để kịp ra lò giao hàng năm giờ sáng. Bánh mì baguette ra đời giảm sức lao động và thời gian. Hình dài làm cho thời gian nướng và ủ bánh rút ngắn nửa thời gian cùng số gam quy định. Bánh mì baguette do bớt sữa, giảm được giá thành, giòn hơn, do bề mặt tiếp xúc với lửa nhiều hơn, thơm hơn nên nhanh chóng được người Pháp ưa chuộc. Trên bàn ăn của người Pháp giờ đây không thể thiếu được bánh mì baguette. Giá rẻ lại ngon thơm.

Có ba giả thuyết về lịch sử chiếc bánh mì này. Thời Napoléon do lính phải di chuyển nhiều, tiêu chuẩn ăn mỗi bánh thường 250 g, người làm bánh mì của Napoléon đã nghĩ ra nặn cái bánh dài để dễ nhét vào túi quần, sử dụng tiện hơn bánh tròn to.

banhmi2

Hình ảnh quảng cáo bánh mì baguette Pháp xưa.

Giả thuyết thứ hai chiếc bánh bắt chước bánh Viên hình dài do August Zang nhập sang Pháp năm 1839. Nhưng bánh mì baguette của Pháp khác hoàn toàn với bánh mì Viên về chất lượng, và mùi vị. Bánh mì Viên vỏ rất mềm và hơi hơi ngọt, ruột đặc.

Giả thuyết thứ ba, khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, do công việc xây dựng đường tàu ngầm Paris, mỗi thợ đào hầm xuống dưới lòng đất sâu đều mang theo một con dao díp để cắt bánh mì tròn bự. Đôi khi thợ hay gây lộn ẩu đả sau chén rượu gây ra tai nạn. Việc cấp cứu trong hầm sâu gặp nhiều khó khăn và gây rối loạn công việc. Viên kỹ sư Fulgence Bienvenüe phụ trách thi công đã để nghị người cung cấp bánh mì làm sao không cần dao vẫn cắt được bánh. Vì thế người thợ bánh mì đã sáng chế ra cái bánh mì baguette, dài, giòn bẻ bằng tay không cần cắt.

Bánh mì đũa của Pháp trở nên nổi tiếng vì hương vị đặc biệt và chất lượng. Muốn nhận biết một bánh mì baguette truyền thống thực sự không phải bánh mì công nghiệp rất đơn giản. Nhiều lò bánh mì nhỏ lấy bánh mì công nghiệp chế biến sơ về nướng lại. Bánh mì ngon truyền thống ngoài giòn,vàng nâu nhạt, trong mềm có lỗ tổ ong như miếng xốp trắng ngà, khi ấn nhẹ ngón tay lên bánh, bánh sẽ đàn hồi trở lại dạng cũ. Còn bánh không đúng truyền thống thì lõm xuống chút, để trong túi lâu thì bị bẹp nếu một vài bánh khác đè lên.

Sau đại chiến thế giới thứ hai, các lò bánh mì Pháp được hiện đại hóa, sản xuất hàng loạt và chiếm được thị trường thế giới. Năm 1980, ngành thủ công truyền thống bị eo lại. Nghiệp đoàn nghệ nhân làm bánh khu vực ngoại ô và Paris thành lập từ 1801 có trụ sở từ 1843, đã đấu tranh đòi sản xuất theo chuẩn quy truyền thống. Cuộc đấu tranh đã đạt được thành công. Ngày 13 tháng 9 năm 1993, thông tri 93-1074, đã quy định về sản xuất bánh mì với những tỉ lệ chuẩn quy định truyền thống như 2% bột đỗ tằm, 0,5% bột đậu nành…

Bánh mì baguette kẹp nách cùng chiếc mũ nồi béret là tượng trưng cho hình ảnh người Pháp. Hàng năm nước Pháp xuất khẩu 155 ngàn tấn bánh mỳ. Nhưng rất tiếc chỉ là bánh mì công nghiệp, vì bánh mì thủ công rất dễ gãy vì giòn. Nhưng chất lượng hơn hẳn bánh mì công nghiệp. Bánh mì thủ công truyền thống làm từ 4 nguyên liệu gồm bột mì, men bia, nước và muối. Bột mì trộn xong phủ khăn ủ chừng nửa tiếng và đem vào lò nướng. Bánh mì chất lượng không để đông lạnh trước khi đem vào lò và không có chất bảo quản hay gia phụ hóa học.

Một điều bất ngờ rất nhiều người tưởng bánh mì được coi như món ăn chay như cơm, xôi. Thực ra chất gia phụ làm mềm và dẻo bánh tùy thuộc người sản xuất, có nhiều nơi lấy chất chiết xuất từ mô bì động vật.

banhmi3

Biển đề : Trụ sở nghiệp đoàn nghệ nhân làm bánh từ 1843 tại số 7 ke Anjou, Paris quận 4.

Để vinh danh bánh mì baguette Pháp và bảo vệ danh hiệu, từ 1994 hàng năm, thành phố Paris có tổ chức cuộc thi «Bánh mì baguette ngon nhất Paris» dưới sự bảo trợ của "Phòng quản lý nghệ nhân làm bánh". Thực ra những cuộc thi làm bánh tại Pháp có từ 1830, nhưng chính thức được thủ đô Paris vinh danh chỉ có từ sau cuộc đấu tranh thành công bảo vệ thương hiệu bánh mì baguette Pháp truyền thống. Người thắng cuộc sẽ được tặng huy chương cùng số tiền thưởng là 4000 euros và được vinh dự trở thành nhà cung cấp bánh chính thức trong một năm cho cung điện Champs - Elysée (nơi làm việc của tổng thống và đón tiếp các chính khách thế giới). Doanh thu của người thắng sẽ lên 30-40% hàng năm và được treo biển ở ngoài cửa hàng.

Djibril Bodian, nghệ nhân bánh ở cửa hàng "Kho bánh"(Le Grenier à pain) quận 18 người 3 lần được giải (2010 /2014 /1016), Raoul Maeder quận 17 hai lần (2000/2003)…

Danh tiếng của những người đoạt giải không chỉ ở nước Pháp mà vang ra thế giới. Những nghệ nhân bánh mì baguette Pháp không bao giờ thất nghiệp dù ở đâu trên quả địa cầu.

banhmi4

Cuộc thi bánh mì baguette Pháp.

Phải chăng cây lúa mì Pháp có hương vị riêng như nhãn lồng chỉ có đất Hưng Yên mới tạo ra quả dầy cùi và ngọt sắc, mọng nước. Nhiều nơi thử nhập bột mì Pháp nhưng cũng không ra được kết quả như mong muốn. Đó cũng chính là bí quyết riêng của nghệ nhân Pháp. Nghe nói những người học làm bánh baguette để thành tài thực sự phải thề chỉ truyền nghề cho người có tài và yêu nghề bánh mì Pháp thực tâm. Nước Nhật là nước mê bánh mì baguette Pháp, là nước đầu tiên đã cử người chính thức đến Pháp học nghề, sau đến Mỹ.

banhmi5

Ridha KHADHER, gốc Tunisie, là người " cung cấp chính thống bánh mì cho điện Champs Elysée". Ảnh Ridha KHADHER chụp ảnh chung với Tổng thống Pháp François Hollande tại Điện Champs Elysée.

Nhiều nước trên thế giới học sản xuất bánh mì baguette, nhưng không hiểu sao không bao giờ có hương vị bánh mì baguette Pháp về cả độ giòn và thơm. Ngay cả Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ những nước láng giềng của Pháp cũng không bắt được bí quyết.

Biết ăn ngon mới nấu ăn ngon. Đó cũng là bí quyết. Người Pháp vốn có truyền thống ẩm thực nổi tiếng châu Âu và thế giới. Họ luôn vinh danh trân trọng những người đầu bếp giỏi. Ẩm thực chính là một phần văn hóa, linh hồn của một dân tộc. Người Pháp đề cao văn hóa cũng là đề cao ẩm thực. Chính vì thế mà tổng thống Macron nhân dịp năm mới 2018 đã mời tất cả các nhà làm bánh giỏi vào điện Champs Elysées, và ông đề nghị nộp đơn đem bánh mì baguette Pháp vào danh sách văn hóa phi vật thể của Unesco cần được bảo tồn. Đó không chỉ vinh danh cho văn hóa ẩm thực Pháp mà còn bảo vệ bản quyền và danh hiệu. Paris xứng đáng được mệnh danh thủ đô văn hóa thế giới. Tổng thống không chỉ quan tâm đến việc đại sự mà quan tâm đến cái bánh mì baguette, món ăn hàng ngày trên bàn của dân. Một việc đề nghị tưởng nhỏ nhặt thể hiện sự quan tâm đến văn hóa truyền thống. Chính cái nhỏ đó là một sản phẩm xuất khẩu đem lại lợi nhuận cho kinh tế Pháp mà cũng là vinh danh cho các nghệ nhân bánh mì Pháp và văn hóa ẩm thực Pháp.

banhmi6

Bánh mì baguette ra lò

Hiện nay có lẽ chỉ có một vài nước thành công làm bánh mì baguette tương đối giống Pháp, là ở mấy nước thuộc địa cũ Pháp : Algérie, Maroc, Tunisie và Đông Dương (trong đó có Việt Nam). Vì người Pháp tin tưởng đó là thuộc địa vĩnh viễn của họ, nên đã truyền lại chút bí quyết. Tuy nhiên có thể chủ trộn công thức là người Pháp, người bản xứ chỉ thực thi công đoạn sau, và học lỏm, nên bánh vẫn không hoàn toàn như bánh baguette sản xuất tại Pháp. Một phần, do chiến tranh, việc nhập bột mì trở ngại, cộng thêm sự hận thù bị mất nước, nên khi giành được độc lập, nhiều lò bánh mì thời thuộc địa chủ yếu phục vụ cho đám thực dân đã bị bỏ hoang ở miền bắc Việt Nam. Chữ bánh mì trong tiếng Việt cũng có thể do từ pain de mie (đọc là mi) là ruột bánh mì không cùi cứng. Chữ bánh cũng đọc giống tiếng Pháp (pain = banh). Thời thuộc địa rất nhiều từ ẩm thực được Việt hóa mượn từ Pháp như sốt vang (sauce au vin), rượu vang (vin), cà rốt (carotte), sú lơ (chou fleur), su hào (chou rave), sà lát (salade), súc xích (saucisson), ga tô (gateau), bích quy (biscuit), phở (pot au feu) * ... Ngày nay, một số nơi đã bán bánh mì baguette Pháp.

Nhiều khách du lịch qua Pháp rất thích bánh mì baguette. Muốn ăn bánh mì baguette thực thụ phải sang Pháp và buổi sáng sớm phải dậy sớm đón bình minh, đứng gần cửa hàng gia công bánh mì truyền thống để hưởng được mùi thơm tỏa từ lò bánh mì trong khi chờ xếp hàng chờ mới có cảm giác thèm và hiểu tại sao khách du lịch mê bánh mì baguette Pháp. Biển đề bánh mì thủ công truyền thống càng đông khách, hàng càng dài. Nhiều người vừa trả tiền xong, đã bẻ ngay cho vào miệng vì không cưỡng nổi trước hương vị nồng thơm và nóng hổi của bánh baguette Pháp thon thon mềm mại giòn tươi như nụ cười thiếu nữ đầy tự tin và tràn sức sống đang tuổi dậy thì.

Trần Thu Dung

* Tản mạn bên bát phở báo Nông Nghiệp 28/01/2014 http://nongnghiep.vn/tan-man-ben-bat-pho-post119405.html

Quay lại trang chủ
Read 1230 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)