Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kế hoạch Con đường tơ lụa mới, tức dự án "Một vành đai, Một con đường" (Nhất đới, Nhất lộ), của chính quyền Bắc Kinh, chiếm một vị trí quan trọng trong cương lĩnh hành động của ông Tập Cận Bình, được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng trước, 10/2017. Kế hoạch này là một biểu tượng cho sức mạnh đang lên của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới. Trên thực địa, việc triển khai dự án trên ra sao ? Một số quan sát gần đây cho thấy hàng loạt công trình khổng lồ của dự án, tại nhiều quốc gia, đang đình trệ.

conduong0

Kế hoạch "Nhất đới, nhất lộ" của Trung Quốc. Ảnh : Wikipedia

Bài nhận định của AFP mô tả : "Dự án đường sắt ở Indonesia đang hoàn toàn bất động, khu công nghiệp ở Kazakhstan trống rỗng phân nửa, nhiều công trình tại Pakistan bị đe dọa tấn công : tình trạng thực tế của ‘‘những con đường tơ lụa" mà Trung Quốc trông đợi còn rất xa với các tuyên bố đầy tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".

Dự án Một vành đai, Một con đường, được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013, đặt mục tiêu nối liền nền kinh tế thứ hai thế giới với Tây Âu, với ngả đường bộ qua Trung Á và Nga, tức dự án "Một con đường", và với đường biển nối liền với Châu Phi và Châu Âu qua Biển Đông - Ấn Độ Dương, tức dự án "Một vành đai". Hàng loạt công trình đường sá, hải cảng, đường sắt, khu công nghiệp, được dự kiến xây dựng tại 65 quốc gia, với tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đô la.

Tuy nhiên, thực tế tương phản hoàn toàn với những tuyên truyền hùng biện của các lãnh đạo Trung Quốc. Rất nhiều dự án trong số đó được tiến hành hoặc tại các quốc gia, với nền dân chủ đang bị chao đảo, hoặc tại các chế độ độc tài, hoặc tại những nơi các lực lượng nổi dậy thường xuyên đe dọa.

Ví dụ như tại Indonesia, nơi Bắc Kinh đã giành được từ năm 2015 một hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này, các công trình xây dựng chỉ vừa mới bắt đầu ít lâu, chủ yếu do các bất đồng chính trị trong nước. Tổng thống Indonesia đã cho khởi sự dự án vào tháng 1/2016, tại khu vực miền tây đảo Java, tuy nhiên, theo chứng kiến của nhiều phóng viên AFP mới đây, chưa hề có dấu vết gì của tuyến đường sắt tương lai. Bộ trưởng giao thông Indonesia và các công ty Indonesia và Trung Quốc tham gia dự án này, từ chối trả lời các câu hỏi của AFP.

Một dự án đường sắt cao tốc khác nối liền Trung Quốc với Singapore, qua Lào, Thái Lan và Malaysia, cũng ở trong tình trạng tương tự. Đoạn đường qua Thái Lan bị chậm do các tranh chấp về tài chính, điều kiện vay tiền, cũng như quy định liên quan đến thi công. Chỉ đến tháng 7/2017, chính quyền quân sự Thái Lan mới phê chuẩn khoản kinh phí 5,2 tỉ đô la, để khởi sự công trình.

Tại Lào, tuyến đường dự kiến dài khoảng 415 cây số. Tuy nhiên, tại quốc gia được coi là đồng minh ruột của Bắc Kinh, dự án gây rất nhiều phản đối, do giá đắt – khoảng 5 tỉ đô la, tương đương với một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Lào. Nhiều ý kiến lên án cho rằng dự án đường sắt này không có ích lợi gì cho "một quốc gia quá nghèo" như Lào.

Bên cạnh các quốc gia Đông Nam Á nói trên, Trung Quốc cũng chọn đầu tư tại những nước nguy hiểm về an ninh, như Pakistan. Nhiều hợp đồng giữa Bắc Kinh và Islamabad, với tổng trị giá 46 tỉ đô la, được ký kết năm 2013, với mục tiêu xây dựng một hành lang đường bộ và đường ống năng lượng, nối liền khu vực viễn tây hẻo lánh của Trung Quốc với vùng biển Nam Á.

Tuy nhiên, tại tỉnh Balochistan (tây nam Pakistan), các lực lượng nổi dậy đã tấn công vào các công trình xây dựng đường ống dẫn dầu, một số đoàn tàu và kể cả các kỹ sư Trung Quốc.

Nhìn chung, cho dù các dự án đường tàu cao tốc của Trung Quốc được giới lãnh đạo Trung Quốc và chính quyền các nước đối tác thường xuyên ca ngợi và cổ vũ, người dân thường tại các địa phương nơi tàu cao tốc dự tính sẽ đi qua, không hề hưởng ứng. Trả lời AFP, một dân làng Indonesia nhận xét : "Tàu cao tốc không phải cho chúng tôi… chỉ những nhà kinh doanh cỡ bự mới nghĩ rằng thời giờ là tiền bạc".

Biển Ấn Độ - Thái Bình Dương : Bộ Tứ Ấn-Nhật-Mỹ-Úc lần đầu nhóm họp

Trong lúc Trung Quốc nỗ lực quảng bá cho dự án Nhất đới, Nhất lộ nghìn tỉ đô la, một số quốc gia láng giềng lo ngại tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt là tại hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đã tìm cách hợp sức. Hôm Chủ Nhật, 12/11, đại diện bốn quốc gia - Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ - đã có cuộc họp chính thức lần đầu tiên, để thảo luận về một dự án bảo vệ "tự do" và "trật tự quốc tế mở dựa trên luật pháp" tại vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Cuộc họp quan chức ngoại giao cấp bộ của bốn quốc gia nói trên, gọi tắt là cuộc họp Bộ Tứ, diễn ra tại Manila, bên lề thượng đỉnh Đông Á, và vào hôm trước cuộc thượng đỉnh của khối ASEAN.

Theo thông báo của Bộ ngoại giao Ấn Độ, được đưa ra sau khi hội nghị kết thúc, được báo Ấn Độ The Economic Times trích lại, "các bên tham gia đang tìm cách thống nhất quan điểm, nhằm mục tiêu chung" là thúc đẩy "hòa bình, ổn định và thịnh vượng, bằng cách gia tăng hợp tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Xây dựng một liên minh tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương là một dự án trùng với chiến lược Hướng Đông của New Delhi từ nhiều năm nay.

Về phần mình, Bộ ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh tất cả các bên tham gia hội nghị Bộ Tứ đều "lo ngại trước các hoạt động đòi hỏi chủ quyền, thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, có thể đe dọa quyền tự do hàng hải ở khu vực này". Nhật Bản và Hoa Kỳ đều ủng hộ việc Ấn Độ "có một vai trò chiến lược chủ chốt" tại vùng biển nói trên, mà Biển Đông là một bộ phận.

conduong2

Vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ).Wikipedia

Như vậy, sau 10 năm nhen nhóm, dự án thành lập một liên minh Bộ Tứ gồm ba quốc gia dân chủ ở Châu Á – Thái Bình Dương và Hoa Kỳ, tại vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bước đầu hình thành, nhờ nhiều nỗ lực ngoại giao dồn dập trong những tháng gần đây.

Ý tưởng về một liên minh bốn quốc gia đã được thủ tướng Nhật Bản nêu lên lần đầu tiên vào năm 2007 (*). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do các áp lực của Trung Quốc, chính phủ Úc đã quyết định không tham gia. Chính phủ Ấn Độ lúc đó cũng giữ khoảng cách với dự án này.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 13/11/2017

----

(*) Ngày 22/08/2007, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu trước Quốc Hội Ấn Độ, với tựa đề "Confluence of the Two Seas/Hợp lưu hai biển", trong đó ông Abe dẫn lại tác phẩm "Majma ul-Brahrain/Confluence of the Two Seas" của Dara Shikoh (1615–1659). Tác phẩm của nhà tâm linh Ấn Độ thời Mô-gôn (nổi tiếng với những tư tưởng khoan dung và nỗ lực tìm cách tăng cường hiểu biết giữa hai cộng đồng Ấn Giáo và Hồi Giáo) được thủ tướng Nhật gợi ra như một ẩn dụ cho khát vọng lâu đời, tìm kiếm liên thông giữa hai thế giới, hai vùng biển Thái Bình và Ấn Độ Dương, thúc đẩy quan hệ toàn diện Nhật - Ấn.

Published in Diễn đàn

Cách nay bốn mươi năm, trung tâm không gian Mỹ NASA phóng lên vũ trụ hai phi thuyền, Voyager 1 và 2. Cặp phi thuyền có sứ mạng gửi đến các nền văn minh ngoài Trái Đất các thông tin về hành tinh chúng ta, nhưng nhiệm vụ trước hết của cặp đôi này là nghiên cứu các hành tinh nằm ở "vòng ngoài" của Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, trong 40 năm hoạt động của hai sứ giả của nhân loại, giới thiên văn và công chúng đặc biệt nhớ đến một tấm hình.

voyager1

Voyager Golden Record - Đĩa vàng khảm các âm thanh và hình ảnh về Trái Đất và nhân loại, được hai phi thuyền Voyager mang vào không gian. Ảnh : Wikipedia

Theo AFP, 40 năm sau, người phụ trách khoa học của dự án hồi đó, ông Edward Stone, vẫn vô cùng phấn chấn khi nói đến hai phi thuyền ngày nào : Khi phóng lên cách nay 40 năm, đã không ai hình dung được là "chúng tôi" vẫn đang còn hoạt động, và "chúng tôi" vẫn tiếp tục là "những người tiên phong trong cuộc phiêu lưu này".

Năm 1977, các hành tinh xa xôi nhất trong Hệ Mặt Trời, như Mộc Tinh, Diêm Vương Tinh, Hải Vương Tinh vẫn còn là một thế giới rất xa xôi. Những hình ảnh đầu tiên mà Voyager 1 và 2 gửi về Trái Đất cho thấy những cơn bão khổng lồ có kích thước gấp hai lần Trái Đất, hoành hành trên Mộc Tinh, hay những dấu hiệu cho thấy có cả một đại dương trong lòng đại dương trên Europa, một vệ tinh của Mộc Tinh….

Không thể phủ nhận được là hai phi thuyền nhỏ bé Voyager 1 và 2 đã mang lại một bước ngoặt cho ngành thiên văn non trẻ, vào thời điểm mà ngân sách và công nghệ còn quá nhiều hạn chế so với hiện nay. Trung tâm không gian NASA nhấn mạnh là Voyager 1 và 2 "đã làm nên một cuộc cách mạng".

Điểm tí xíu trong vũ trụ bao la

Tuy nhiên, đối với nhiều người, đóng góp vĩ đại nhất của cặp phi thuyền chính là bức ảnh chụp Trái Đất.

Năm 1990, đúng vào ngày hội các tình nhân, ngày thánh Valentin, Voyager 1 đã gửi về NASA hình ảnh về Trái Đất, một điểm tí xíu trong không gian vô tận, chụp từ khoảng cách 6,4 tỷ cây số.

Vào thời điểm đó, nhà thiên văn Carl Sagan - người phụ trách bộ sưu tập các thông tin về nhân loại để gửi đến các nền văn minh ngoài Trái Đất - tuyên bố : "Tôi nghĩ rằng góc nhìn này nhấn mạnh với chúng ta trách nhiệm bảo vệ và nâng niu cái điểm xanh xao nhỏ xíu, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta có được".

voyager2

"Pale Blue Dot", bức ảnh nổi tiếng Voyager 1 chụp Trái Đất ngày 14 tháng Hai 1990. Trong hình, Trái Đất chỉ là một điểm tí xíu, chưa đầy một nửa pixel. Ảnh : NASA/JPL-Caltech/Space Science Institute

Thông điệp của Voyager đã chạm vào lòng người.

Voyager 1 – vật thể xa xôi nhất, do con người tạo ra – giờ vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu. Cuối tháng 8 này, phi thuyền đã đi vào không gian bên rìa Hệ Mặt Trời, cách Trái Đất 20,9 tỷ cây số, tức gấp 3 lần so với khoảng cách từ Mặt Trời đến Diêm Vương Tinh, hành tinh được coi là xa xôi nhất. Với năng lượng hiện tại, các phi thuyền sẽ còn hoạt động và tiếp tục truyền thông tin về Trái Đất, cho đến năm 2020.

Dù trở nên bất động kể từ đó, nhưng nếu "một nền văn minh ngoài Trái Đất" tiếp xúc được với Voyager, vẫn có thể phát hiện ra Trái Đất chúng ta, những thông tin về nhân loại, qua các chỉ dẫn tường tận được khảm vào một chiếc đĩa vàng. Họ có thể tìm đến hành tinh chúng ta.

"Những sinh vật ngoài hành tinh" có thể sẽ thưởng thức được tiếng kêu của cá voi, giao hưởng của Bạch, nhạc rock của John B. Good, tiếng hát của thổ dân Châu Úc, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, hay Nhật Bản, hình ảnh người mẹ cho con bú, hay bào thai trong bụng mẹ, cũng như những sinh hoạt bình thường hơn như một bữa ăn Trung Hoa, một sân bay hay một xưởng máy…

Hy vọng đến khi đó, Trái Đất vẫn là Hành tinh Xanh của Hệ Mặt Trời.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 27/08/2017

Published in Văn hóa

Hôm Chủ nhật, 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử lần thứ sáu, với độ công phá chưa từng thấy. Việc chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H., tức bom nhiệt hạch - mà nhiều thông số cho thấy đây là sự thực - buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét nghiêm túc các lời đe dọa. Báo Libération, ngày 04/09, đặt ra sáu câu hỏi để giải mã các thách thức Bắc Triều Tiên.

bom1

Một vụ thử bom nguyên tử - Ảnh minh họa : pixabay

Câu hỏi thứ nhất : Thực chất của mối đe dọa là gì ? Theo các chuyên gia, chỉ cần so sánh tần số các vụ thử là có thể thấy nguy cơ ngày càng lớn.

Kể từ đầu năm đến nay, chế độ Bình Nhưỡng đã 17 lần bắn thử hỏa tiễn tầm trung và tầm xa, và bây giờ là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Năm ngoái, cũng tương tự, hơn 20 vụ thử hỏa tiễn và hai vụ thử bom.

Chương trình hạt nhân tăng tốc, sẽ còn "những bất ngờ"

Chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, được khởi sự ngay từ cuối những năm 1950, nhưng đang được tiến hành gấp rút dưới thời Kim Jong-un. Lãnh đạo trẻ này, ngay khi lên nắm quyền năm 2011, đã tuyên bố đẩy nhanh các vụ thử. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Nhớ lại lời hứa hẹn của Kim Jong-un hồi đầu năm, là Bắc Triều Tiên đang ở giai đoạn trước khi bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM). Lúc đó, tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump tung ra một thông điệp trên Twitter : "Điều đó sẽ không xảy ra" (xem thêm : Diễn viên hài mở triển lãm "Thư viện twitter" của tổng thống Trump).

Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua, lãnh đạo đời thứ ba nhà Kim đã cho bắn thử hai hỏa tiễn, có tầm xa gần 10.000 km, có thể tấn công một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Và cách đây ít hôm, lần đầu tiên kể từ năm 2009, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa vượt qua không phận Nhật Bản, như để chứng minh là quốc gia này hoàn toàn có khả năng sử dụng tên lửa ở góc bắn thấp, một khi chiến tranh nổ ra.

Nhà nghiên cứu Young Keun Chang, chuyên gia không gian Đại học Korea Aerospace, Seoul, ngạc nhiên về tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên. Sau một loạt thất bại năm 2016, Bình Nhưỡng đã hoàn thiện được các động cơ tên lửa, đưa vào sử dụng hệ thống nhiên liệu rắn, và phát triển các bệ phóng di động. Theo chuyên gia Boris Toucas viện tư vấn Mỹ CSIS (Center for Strategic and International Studies), rất có thể sẽ còn có "những điều gây bất ngờ khác".

Dù sao, trong hiện tại, theo chuyên gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng chưa làm chủ được giai đoạn hỏa tiễn quay trở lại bầu khí quyển trong môi trường hàng ngàn độ C và công nghệ thu nhỏ đầu đạt hạt nhân.

Bom H. dễ thu nhỏ hơn bom nguyên tử thông thường

Sức công phá của trái bom nhiệt hạch vừa được thử hôm qua là vấn đề thứ hai được đặt ra. Rất có thể đây là vụ thử bom H. Lần thứ nhất, bởi chưa có bằng chứng nào khẳng định vụ thử hồi tháng Giêng năm ngoái là bom nhiệt hạch.

Tổ chức NORSA của Na Uy, nêu khả năng vụ thử vừa qua tương đương 120 kilotonne (tức 120 nghìn tấn thuốc nổ TNT), gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Sức công phá của bom nhiệt hạch khủng khiếp hơn nhiều. Trái bom nhiệt hạch đầu tiên của Pháp ước tính 26.000 kilotonne.

Điều đáng sợ là, về lý thuyết, bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn, do chiếm ít thể tích hơn, có thể dễ dàng được thu nhỏ hơn.

Mục tiêu và cách hành xử của Kim Jong-un ?

Libération đặt câu hỏi : Đằng sau nỗ lực nhanh chóng hoàn thiện vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là gì ?

Tờ báo nhấn mạnh đến quan điểm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, dùng vũ khí này như một "phương tiện tốt nhất" để bảo vệ sự sống còn của chế độ độc tài. Kim Jong-un không tin tưởng vào phương Tây, và đã có dịp rút ra được các bài học từ sự sụp đổ của các chế độ độc tài Kadhafi ở Libya và Saddam Hussein ở Iraq.

Theo chuyên gia Hajime Izumi, thuộc một trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên, Đại học Shizuoka, Nhật Bản, với "thành công" của vụ thử này, kể từ giờ trở đi chế độ Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng thương lượng trên thế mạnh. Tham vọng của lãnh đạo Bình Nhưỡng là, nếu không chính thức được thừa nhận là một cường quốc nguyên tử, ít nhất cũng đạt được một thỏa thuận hòa bình (với Hoa Kỳ - người viết).

Chuyên gia Boris Toucas của CSIS dự đoán Kim Jong-un sẽ còn cho bắn thêm một hỏa tiễn nữa, sát gần lãnh thổ của một quốc gia khác để thách thức Washington và Tokyo, buộc Mỹ Nhật phải bắn chặn, và nhân đó mà lên án đối phương leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, chuyên gia viện tư vấn Mỹ cũng lưu ý là "cho đến nay, chưa bao giờ Kim Jong-un" có những hành xử "vượt qua lằn ranh đỏ".

Đảo lộn thế cân bằng khu vực ?

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là : Liệu vụ thử bom hạt nhân hôm qua có làm "đảo lộn thế cân bằng vốn đã mong manh của khu vực" ? Libération trả lời là có.

Chuyên gia Pháp Valérie Niquet giải thích : Hành động này là "một tín hiệu trực tiếp gửi đến toàn khu vực, cho thấy Hoa Kỳ bất lực". Hàng loạt trừng phạt và áp lực tỏ ra không còn hiệu quả, Washington ngày càng khó khăn trong việc đảm nhiệm vị trí của một người bảo đảm an ninh toàn cầu, trước một "Trung Quốc bá quyền" và "nước Nga không nhân nhượng".

Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng lộ rõ thế yếu, với hàng loạt "thông điệp huênh hoang" trên Twitter, và "chính sách xoay như chong chóng", thì chính quyền Hàn Quốc "gần như" bị hạ nhục. Các đề nghị đối thoại của tổng thống Moon Jae-in "không nhận được bất cứ hồi đáp nào" từ Bình Nhưỡng.

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta ngày càng nói nhiều hơn đến việc tự trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Tình hình có tệ hơn ?

Libération nhắc lại những thời điểm chiến tranh tưởng như cận kề mà bán đảo Triều Tiên từng trải qua gần đây. Ví dụ như năm 2010, từng được coi là "năm nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên", kết thúc năm 1953. Mở đầu với vụ tàu chiến Cheonan bị bắn chìm, rất có thể do tàu ngầm Bắc Triều Tiên.

Năm 1994, tổng thống Mỹ Clinton từng định không kích địa điểm hạt nhân Yongbyon của chế độ Bình Nhưỡng, nơi làm giàu nhiên liệu Uranium. Năm 1968, một đội biệt kích Bắc Triều Tiên mưu sát tổng thống Park Chung-hee…

Chiến tranh rốt cuộc đã không xảy ra. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên hiện giờ là rất khác.

Vai trò bí ẩn của Bắc Kinh

Libération kết thúc bài phân tích với nhận định về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nói chung.

Chính quyền Kim Jong-un chọn ngày thử bom đúng vào hôm khai mạc thượng đỉnh khối BRICS, do Trung Quốc chủ trì. Hội nghị của các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy chiếm tới 40% GDP toàn cầu, lẽ ra là một dịp để tăng thêm gấp bội vầng hào quang cho ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Kim Jong-un "phá hoại" một sự kiện quan trọng của Trung Quốc. Hồi tháng 2/2013, tức một tháng trước khi Tập Cận Bình chính thức nhậm chức chủ tịch nước, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, vào đúng dịp Tết nguyên đán. Vào thời điểm đó, cho dù toàn khu vực biên giới rung chuyển, Bắc Kinh cũng chỉ phản ứng một cách chiếu lệ.

Trên thực tế, đồng minh số một của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên đang ở trong một thế ứng xử nước đôi. Không đứng hoàn toàn về phía người anh em cứng đầu, nhưng Bắc Kinh cũng không thực sự chủ trương các biện pháp khiến Bắc Triều Tiên phải khuất phục.

Tình trạng bất ổn gia tăng ở phía bên kia biên giới đông-bắc, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, đang buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ. Hồi tháng 2, Trung Quốc đình chỉ nhập than, và đầu tháng 8 thông qua loạt trừng phạt mới. Nhưng nhìn chung, nhiều chuyên gia phỏng đoán dường như Trung Quốc đã "mất các kênh" gây ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 04/09/2017

----

Tin bài liên quan :

Vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có đáng sợ hay không ?

Các cường quốc chạy đua, tương lai thế giới không hạt nhân xa vời 

Tên lửa Bắc Triều Tiên khiến Mỹ bớt chú ý Biển Đông

Published in Diễn đàn

Các phim bom tấn với thu nhập cả tỉ đô la không còn là độc quyền của Hollywood. Trong tháng vừa qua, một bộ phim được làm theo phong cách rất Hollywood, nhưng của người Trung Quốc, đã lọt vào danh sách 100 phim bán chạy nhất thế giới. Bộ phim Wolf Warrior 2 (tạm dịch là Chiến Binh Sói 2) được hưởng ứng mạnh mẽ tại Trung Quốc, bị nhiều người cho rằng là một công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc phủ nhận.

soi1

Hình ảnh quảng cáo bộ phim Wolf Warrior 2/Chiến Binh Sói tập 2 - Ảnh chụp màn hình : wellgousa.com

Đại liên hàng tràng, bom nổ tung trời, cận chiến ác liệt tại một thành phố Châu Phi bị lực lượng nổi dậy dìm trong máu, với sự giúp đỡ của lính đánh thuê... Chỉ duy nhất một con người dũng cảm dám đến nơi để giải cứu các kiều dân đang bị mắc kẹt… Những cảnh tượng không khác gì trong phim Hollywood, chỉ có điều người hùng không mang tên Rambo, mà là Lãnh Phong (Leng Feng).

Lòng dũng cảm của cựu quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt Trung Quốc hoàn toàn chinh phục được Li Yiming, một học sinh 18 tuổi. Người thanh niên này đã xem phim tổng cộng ba lần. Li Yiming tâm sự : "Gần như tất cả các bạn bè cùng lớp tôi đã xem bộ phim này. Các kỹ xảo đặc biệt, các cảnh chiến tranh thật là tuyệt vời ! Trong cảnh cuối cùng, chúng tôi cũng thấy cả một tấm hộ chiếu Trung Quốc… Điều đó có ý nghĩa là một công dân Trung Quốc gặp nguy hiểm không nên sợ hãi. Tổ quốc chúng ta rất hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ chúng ta. Tôi xúc động về điều này" (1).

Chiến Binh Sói 2, cũng gọi là Chiến Lang 2, không phải là một bộ phim hành động thông thường. Một phụ nữ Trung Quốc khác cho biết cảnh tượng khiến bà hết sức xúc động là khi nhân vật chính giơ cao lá cờ Trung Quốc giữa trận tiền. Li Shenshen tấm tắc :

"Đây là một bộ phim hết sức tuyệt vời. Phim cho thấy một đất nước Trung Quốc hùng mạnh ! Bộ phim làm sôi sục huyết quản của tôi ! Phim làm cho chúng tôi trở nên yêu nước hơn. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người Trung Quốc đều muốn xem nó".

Bí quyết thành công

Giải thích về bí quyết thành công của phim, đạo diễn Ngô Kinh (Wu Jing), cũng thủ vai người hùng Lãnh Phong, cho biết : "Nhân vật chính của phim sử dụng những diễn đạt rất đơn giản, như "tôi là người Trung Hoa", nhằm cổ vũ cho tinh thần yêu nước, và cổ vũ niềm tin vào bản thân. Chúng ta, các công dân Trung Quốc, được an toàn, và được bảo vệ ở khắp nơi, bởi chúng ta giương cao lá quốc kỳ của mình ở khắp mọi nơi".

Không biết là ngẫu nhiên hay chủ ý, Chiến Binh Sói 2 được công chiếu chỉ ít ngày trước dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc. Tuy nhiên, để chứng tỏ chính quyền hoàn toàn không liên quan đến bộ phim, tờ Hoàn Cầu Thời Báo – nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa – giải thích là phim được tài trợ 100% bởi các quỹ tư nhân, và đạo diễn thậm chí còn phải "thế chấp" cả nhà mình để có đủ tiền làm phim.

Bộ phim có kích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hán hay không, đến mức nào ? Câu trả lời có thể phần nào thấy được qua phản ứng của các em nhỏ. Chen Yuxuan, mới 12 tuổi, nhưng dường như đã học rất thuộc bài. Bài học mà ắt hẳn em đã lĩnh hội trước đó qua sách vở ở nhà trường.

Chen Yuxuan : "Em thấy đất nước chúng ta là vĩ đại nhất, em rất yêu đất nước vĩ đại của mình. Nhân vật chính trong phim là một người yêu nước thực sự. Em cũng muốn noi gương ông ấy để phục vụ tổ quốc".

Theo những người quan sát tại chỗ, với những ai còn lưỡng lự sau khi xem phim này, các rạp phim tại Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn nhiều đoạn clip ngắn, được tung ra trước mỗi buổi chiếu, để biểu dương cho "giấc mộng Trung Hoa" - tức tham vọng khôi phục một nước Trung Hoa hùng mạnh - một chủ trương mà chính quyền của ông Tập Cận Bình thường xuyên cổ vũ.

Lễ Tình Nhân Trung Quốc : Gấu bông cho người độc thân

Tại Trung Quốc có đến hai dịp lễ cho các đôi yêu nhau. Dịp Lễ Valentin ngày 14/2, và ngày Lễ Tình Nhân, theo tập tục cổ truyền, trùng vào ngày 28 tháng 7 âm lịch năm nay. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là nhân vật chính trong dịp này thường khi lại là những người độc thân. Thông tín viên Angélique Forget tường trình từ Thượng Hải,

"Trong những ngày gần đây, trên khắp các đường phố, mặt tiền của các cửa hàng, người ta thấy tràn ngập các quảng cáo kêu gọi ăn mừng ngày Ngưu Lang Chức Nữ (người Việt gọi là ông Ngâu, bà Ngâu), được coi là ngày Lễ Tình Nhân rất phổ biến tại Trung Quốc.

Khởi đầu của ngày hội này là một câu chuyện thần thoại, về một mối tình không thể trở thành hiện thực giữa một tiên cô và một người nông dân. Hai người chỉ được gặp nhau một năm có một lần vào dịp ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch.

Tuy nhiên, đối với một đất nước mà có đến 200 triệu người không lập gia đình… ngày hội này cũng được dành cho cả những người độc thân ! Tối hôm nay, ví dụ như tại các quán ăn thuộc chuỗi nhà hàng lẩu Hải Để Lao (Haidilao), người ta mời các khách độc thân ăn tối với một gấu bông đối diện, để có bầu có bạn.

Những người độc thân - được mệnh danh là "những con chó cô đơn" - thường phải chịu rất nhiều áp lực gia đình, buộc họ phải tìm được người phối ngẫu. Bởi tại Trung Quốc, lấy vợ, lấy chồng là một bảo đảm cho thành công trong xã hội.

Để giúp cho các thanh niên tìm được nửa thứ hai của mình, ngay cả Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cũng can thiệp. Trong những ngày gần đây, nhân dịp Lễ Tình Nhân Trung Quốc, cơ quan này đã tổ chức này đã tổ chức nhiều trắc nghiệm "các test mù" hay các trắc nghiệm ngẫu nhiên để những người độc thân có cơ hội gặp nhau tại nhiều thành phố".

Trung Quốc : Cấm tình yêu đồng giới để làm "sạch" internet

Cổ vũ cho hôn nhân để chống lại tình trạng lão hóa dân số, cùng lúc đó chính quyền Trung Quốc tiếp tục có những chính sách bài trừ tình yêu giữa những người đồng giới. Hồi cuối tháng 6, cơ quan phụ trách internet (CNSA) nước này ra một chỉ thị mới, cấm tuyên truyền cho "các hành động hay quan hệ tình dục " bất bình thường" như… đồng tính luyến ái", nhằm làm sạch không gian mạng.

Tình yêu giữa những người đồng tình được xếp cùng nhóm với các quan hệ bị lên án khác, như ngoại tình, mãi dâm, hay ma túy. Chính quyền ra lệnh cho ba trang mạng (Sina Weibo, iFeng.com và ACFUN), nằm trong số các địa chỉ được nhiều người truy cập nhất, ngừng đăng tải cả video và các băng âm thanh có chứa đựng các nội dung nêu trên.

Trong tháng bảy, công luận Trung Quốc khá bất ngờ với việc một người đồng tính – bị cưỡng bức vào bệnh viện tâm thần hồi 2015 – đã được xử thắng trong vụ kiện chống lại bệnh viện nói trên. Đây là sự kiện hy hữu tại một quốc gia mà quyền của những người đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới không được thừa nhận.

Trung Quốc chính thức đưa tình dục đồng giới ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần vào năm 2001, nhưng các bệnh viện vẫn tiếp tục các "trị liệu" chữa "bệnh đồng tính".

Quyết định nói trên của tư pháp Trung Quốc rõ ràng là một bước tiến, nhưng phán quyết của tòa án không khẳng định "các trị liệu" là phi pháp, mà chỉ cho rằng việc cưỡng bức vào bệnh viện là xâm phạm quyền của đương sự, vì nguyên đơn không phải là một nhân vật nguy hiểm. Cộng đồng đồng tính và LGBT nói chung vẫn tiếp tục là đối tượng đàn áp tại Trung Quốc.

Pierre Frolla : Người "bay" trong lòng biển cả

Đối với những ai yêu quí biển, những ngày gần đây có một sự kiện nhỏ, nhưng rất được truyền thông Pháp chú ý. Vận động viên Pierre Frolla, bốn lần lập kỷ lục thế giới về môn lặn tự do, vừa hoàn tất một bộ trang phục đặc biệt.

Bộ áo liền quần mang tên "Đôi cánh đại dương/Oceanwings" – lấy cảm hứng từ môn thể thao mạo hiểm wingsuit - cho phép bơi lượn tự nhiên trong thế giới của các loài cá, như thể một đồng loại của chúng. Với "Đôi cánh đại dương", Pierre Frolla có thể đi xa hơn trong ước mơ của anh : làm bạn với những loài cá mập nổi tiếng hung dữ.

"Đôi cánh đại dương", thai nghén từ bốn năm trước, giờ được trang bị thêm bốn bình gaz có trọng lượng chỉ 38 gam mỗi chiếc, nhưng giúp anh có thể nhanh chóng trở lại mặt nước từ bất cứ độ sâu nào, nhờ thế đi được thật xa dưới nước.

soi2

Pierre Frolla trong "Đôi cánh đại dương" - Ảnh chụp màn hình : AFP qua youtube

Pierre Frolla, sinh năm 1975 tại Monaco và suốt đời gắn bó với bờ biển Cote d’Azur, đẹp như mơ ở Địa Trung Hải. Với bộ đồ này, nhà vô địch Pháp có kế hoạch lấy mẫu sinh thiết của các sinh vật biển và làm nhiều thực nghiệm khác, nhưng khao khát lớn của anh là giúp cho mọi người thấu hiểu sự mong manh của môi trường biển cả.

Nói chuyện với AFP, Pierre Forlla cho biết, khác với cách làm của nhà môi trường nổi tiếng Nicolas Hulot – hiện là bộ trưởng Sinh Thái Pháp – cách riêng của anh là chuyển đến công chúng những xúc cảm khi được chung sống với các loài sinh vật biển lớn nhất như cá nhà táng, cá mập hay cá đuối.

Đến với đại dương, về với chính mình

Pierre Frolla tâm sự : "Ở trong nước, tôi nhận ra mình là ai. Nước siết chặt cơ thể tôi, giúp tôi đi đến tận nơi sâu thẳm của chính mình… Ở dưới đáy đại dương, tôi đến được với nơi sâu nhất trong mình…

Lặn không thở, đó là sự chia sẻ, cuộc truy tầm sự thật sâu xa, cuộc tìm kiểm không ngưng nghỉ những cảm giác thuần khiết nhất… Tôi bay đi không trọng lượng, nghe vọng về tiếng rầm rì của cuội, đá dưới lòng đại dương...

Hạnh phúc tràn ngập khiến tôi nghẹn thắt, mắt nhắm nghiền, tôi giang rộng vòng tay. Gió bao bọc toàn thân thể, khiến tôi chao đảo… tiếng hát của của những cá voi lưng gù làm tim tôi tăng tốc… Tôi cảm thấy hạnh phúc, một thứ mùi gợi lại trong tôi ký ức tuổi thơ…" (Libération 15/08/2017).

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 02/09/2017

Published in Văn hóa

Căng thẳng tại Biển Đông với việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa không chỉ khiến các láng giềng Châu Á hay Hoa Kỳ lo ngại. Sức mạnh trên biển của Trung Quốc có tham vọng vượt khỏi các vùng nước bao quanh quốc gia này gây lo ngại cho cả Châu Âu.

chinoise1

Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế gây lo ngại. Trong ảnh, tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan 981, hoạt động hồi đầu năm 2014, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình thanhnien.com

Trong bài viết "Cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung Quốc ?" (Que faire de la puissance navale chinoise ?), đăng ngày 03/07/2017, nhà chính trị học Pháp Mathieu Duchatel (1), nhấn mạnh đến mối đe dọa lớn về dài hạn mà Châu Âu cần phải đối mặt. Đó là ỷ vào sức mạnh hải quân và hàng hải, Trung Quốc có thể "trực tiếp thách thức hơn nữa" hệ thống luật pháp quốc tế về biển. Tăng cường hợp tác hải quân với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực cách tân công nghệ hàng hải, được tác giả đề xuất như các biện pháp để hóa giải mối đe dọa này. RFI giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel.

Ỷ sức mạnh, thách thức luật pháp quốc tế

Nhà chính trị học Mathieu Duchatel nhấn mạnh "kịch bản tồi tệ nhất đối với Châu Âu" là một nước Trung Hoa ngày càng dựa vào sức mạnh hải quân bất chấp luật pháp quốc tế về biển, không cần chú ý đến hợp tác quốc tế. Điều này đặc biệt thấy rõ với phán quyết của một tòa án quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, đưa ra hồi tháng 7/2016. Vụ kiện được coi là một thắng lợi của Manila được đông đảo các nước trên thế giới ủng hộ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của European Council on Foreign Relations lưu ý, thay vì coi phán quyết này là "một yếu tố quan trọng" bảo đảm sự ổn định quốc tế, thì Bắc Kinh lại ngày càng có xu hướng coi luật pháp quốc tế về biển như là "một công cụ thống trị của phương Tây". "Việc Trung Quốc quyết định không công nhận phán quyết của tòa để lại một tình thế nguyên trạng gây khó xử cho tất cả các bên".

Nhà chính trị học giải thích : Thái độ của Trung Quốc phơi bày sự "rạn nứt quốc tế" (clivage international) trong việc giải thích công ước Montego Bay, tức Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, gọi tắt là UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Seas). Tác giả khẳng định là lờ đi mối rạn nứt này không phải là giải pháp, bởi vấn đề không những sẽ trở lại, mà có thể còn trở nên "nghiêm trọng hơn", với "những thách thức trực tiếp hơn của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế về biển".

Châu Âu đã chứng kiến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa tại Trường Sa, Biển Đông, kể từ năm 2015, nguy cơ đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và liên quân Mỹ-Nhật. Trong tình hình này, nhận xét có thể rút ra là trong hiện tại Châu Âu rất khó mang lại "một ảnh hưởng tích cực đối với vấn đề an ninh hàng hải Châu Á".

Tàu sân bay – bề nổi của tham vọng Trung Quốc

Hậu thuẫn cho thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là sức mạnh hải quân mà nước này đang có kế hoạch phát triển, trước hết là các tàu sân bay. Theo nhà chính trị học Pháp, Châu Âu không nên "giả đò ngạc nhiên", trong năm năm nữa, khi một trong các tàu sân bay của quân đội Trung Quốc thả neo tại Djibouti (Đông Phi), nơi Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.

Trong hiện tại, rất ít có khả năng Trung Quốc tiến hành một cuộc không kích tại vùng Vịnh hay miền đông Châu Phi. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể, nếu một quốc gia yêu cầu Trung Quốc can thiệp để giành lại một phần lãnh thổ, như kiểu chính quyền Syria cầu viện Nga, hay việc tham gia vào một chiến dịch của liên quân quốc tế, được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Việc sở hữu tàu sân bay cho phép Trung Quốc dễ dàng thực hiện mục tiêu này.

Tàu sân bay vừa được dùng để giành ưu thế trong chiến tranh trên biển, cũng như là điểm tựa cho sức mạnh không quân, nhưng đồng thời cũng là một vũ khí răn đe, và phương tiện gây áp lực về ngoại giao. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc coi tàu sân bay là "phương tiện gần nhất với binh pháp của Tôn Tử (Sun Tzu), cho phép khuất phục đối phương mà không cần chiến tranh". Cụ thể là, Bắc Kinh có thể tổ chức rầm rộ một cuộc sơ tán thường dân Trung Quốc khỏi một khu vực nguy hiểm tại một quốc gia khác, với sự hỗ trợ của một nhóm tàu chiến, với tàu sân bay làm trụ cột.

Theo nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel, kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã công khai nói đến "các chiến dịch quân sự không phải là chiến tranh", nhằm phục vụ cho "các lợi ích ở nước ngoài" của Trung Quốc, trong đó có việc bảo vệ kiều dân và đầu tư Trung Quốc.

Hải quân : Trọng tâm trong chiến lược toàn cầu

Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh là các tàu sân bay chỉ là bề nổi của sức mạnh hải quân mà Trung Quốc đang phát triển. Truyền thông Trung Quốc coi đây là biểu tượng của uy lực. Tuy nhiên, đây chỉ một phần "không đáng kể" trong các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc cho ngành đóng tàu và các khoa học và công nghệ về biển.

Năm 2012, tại Đại hội 18 của đảng Cộng Sản, Bắc Kinh chính thức đưa việc phát triển "sức mạnh hải quân qui mô lớn" vào hàng các mục tiêu chiến lược quốc gia. Trong Đại hội thứ 19, mùa thu năm nay, chắc chắn mục tiêu này sẽ được tái khẳng định. Hải quân sẽ tiếp tục được coi như một "phương tiện chính" để bảo đảm an ninh cho "giai đoạn toàn cầu kinh tế mới" của Trung Quốc, với đặc điểm là đầu tư mạnh ra nước ngoài.

Chiến lược quân sự chính thức của Trung Quốc được công bố năm 2015 coi các đại dương như lĩnh vực trọng yếu về an ninh, cũng như không gian và tin học. Chiến lược này đưa ra khái niệm "bảo vệ các vùng biển xa" (open seas protection), phối hợp với "phòng ngự biển gần" (offshore defense), vốn là trục chính trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh cho đến lúc đó.

Nhà chính trị học Pháp đặt ra một loạt câu hỏi về chiến lược quân sự của Trung Quốc trong tương lai, mà Châu Âu cần hiểu rõ. Bắc Kinh sẽ ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự trên biển hay trên bộ ? Chiến lược "biển xa" liệu có trở thành "chủ trương chính" của hải quân Trung Quốc ? Liệu Trung Quốc sẽ ưu tiên tàu ngầm nguyên tử trong hệ thống răn đe hạt nhân nói chung ? Phải chăng mục tiêu bảo vệ Con đường Tơ lựa trên biển sẽ quyết định đường hướng phát triển của hải quân Trung Quốc ? Và đặc biệt là vấn đề mối liên hệ giữa chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc và các căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay.

***

Để hóa giải những thách thức của Trung Quốc, nhà chính trị học Mathieu Duchatel ủng hộ việc Liên Hiệp Châu Âu gia tăng các hợp tác về hải quân với Bắc Kinh. Hiện tại các hợp tác mới chỉ giới hạn trong một số cuộc diễn tập chống hải tặc quy mô nhỏ tại vùng vịnh Aden, hay việc hộ tống các đoàn tàu biển của Chương Trình Lương Thực Liên Hiệp Quốc tới Somalia. Theo tác giả, Bruxelles hiện đã có kế hoạch nâng cấp các hợp tác.

Bên cạnh việc hợp tác hải quân, công nghệ đóng tàu và hàng hải nói chung của Trung Quốc cũng là "một thách thức kinh tế" đối với Châu Âu. Công nghệ hàng hải là một trong 10 lĩnh vực ưu tiên của chương trình "Made in China 2025", nhằm đưa Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt.

Tác giả cảnh báo là trong hiện tại, nhiều người vẫn còn "khinh rẻ" trình độ công nghệ của Trung Quốc, nhưng về dài hạn Châu Âu rất có thể sẽ phải cạnh tranh với Bắc Kinh trong hàng loạt lĩnh vực như xuất khẩu tàu chiến, tàu du lịch hạng sang, công nghệ thăm dò, khai thác đáy biển. Các tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này buộc Châu Âu phải có các chính sách hỗ trợ "cạnh tranh công nghiệp" một cách thích đáng.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 05/07/2017

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3