Căng thẳng tại Biển Đông với việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa không chỉ khiến các láng giềng Châu Á hay Hoa Kỳ lo ngại. Sức mạnh trên biển của Trung Quốc có tham vọng vượt khỏi các vùng nước bao quanh quốc gia này gây lo ngại cho cả Châu Âu.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế gây lo ngại. Trong ảnh, tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan 981, hoạt động hồi đầu năm 2014, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình thanhnien.com
Trong bài viết "Cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung Quốc ?" (Que faire de la puissance navale chinoise ?), đăng ngày 03/07/2017, nhà chính trị học Pháp Mathieu Duchatel (1), nhấn mạnh đến mối đe dọa lớn về dài hạn mà Châu Âu cần phải đối mặt. Đó là ỷ vào sức mạnh hải quân và hàng hải, Trung Quốc có thể "trực tiếp thách thức hơn nữa" hệ thống luật pháp quốc tế về biển. Tăng cường hợp tác hải quân với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực cách tân công nghệ hàng hải, được tác giả đề xuất như các biện pháp để hóa giải mối đe dọa này. RFI giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel.
Ỷ sức mạnh, thách thức luật pháp quốc tế
Nhà chính trị học Mathieu Duchatel nhấn mạnh "kịch bản tồi tệ nhất đối với Châu Âu" là một nước Trung Hoa ngày càng dựa vào sức mạnh hải quân bất chấp luật pháp quốc tế về biển, không cần chú ý đến hợp tác quốc tế. Điều này đặc biệt thấy rõ với phán quyết của một tòa án quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, đưa ra hồi tháng 7/2016. Vụ kiện được coi là một thắng lợi của Manila được đông đảo các nước trên thế giới ủng hộ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của European Council on Foreign Relations lưu ý, thay vì coi phán quyết này là "một yếu tố quan trọng" bảo đảm sự ổn định quốc tế, thì Bắc Kinh lại ngày càng có xu hướng coi luật pháp quốc tế về biển như là "một công cụ thống trị của phương Tây". "Việc Trung Quốc quyết định không công nhận phán quyết của tòa để lại một tình thế nguyên trạng gây khó xử cho tất cả các bên".
Nhà chính trị học giải thích : Thái độ của Trung Quốc phơi bày sự "rạn nứt quốc tế" (clivage international) trong việc giải thích công ước Montego Bay, tức Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, gọi tắt là UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Seas). Tác giả khẳng định là lờ đi mối rạn nứt này không phải là giải pháp, bởi vấn đề không những sẽ trở lại, mà có thể còn trở nên "nghiêm trọng hơn", với "những thách thức trực tiếp hơn của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế về biển".
Châu Âu đã chứng kiến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa tại Trường Sa, Biển Đông, kể từ năm 2015, nguy cơ đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và liên quân Mỹ-Nhật. Trong tình hình này, nhận xét có thể rút ra là trong hiện tại Châu Âu rất khó mang lại "một ảnh hưởng tích cực đối với vấn đề an ninh hàng hải Châu Á".
Tàu sân bay – bề nổi của tham vọng Trung Quốc
Hậu thuẫn cho thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là sức mạnh hải quân mà nước này đang có kế hoạch phát triển, trước hết là các tàu sân bay. Theo nhà chính trị học Pháp, Châu Âu không nên "giả đò ngạc nhiên", trong năm năm nữa, khi một trong các tàu sân bay của quân đội Trung Quốc thả neo tại Djibouti (Đông Phi), nơi Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Trong hiện tại, rất ít có khả năng Trung Quốc tiến hành một cuộc không kích tại vùng Vịnh hay miền đông Châu Phi. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể, nếu một quốc gia yêu cầu Trung Quốc can thiệp để giành lại một phần lãnh thổ, như kiểu chính quyền Syria cầu viện Nga, hay việc tham gia vào một chiến dịch của liên quân quốc tế, được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Việc sở hữu tàu sân bay cho phép Trung Quốc dễ dàng thực hiện mục tiêu này.
Tàu sân bay vừa được dùng để giành ưu thế trong chiến tranh trên biển, cũng như là điểm tựa cho sức mạnh không quân, nhưng đồng thời cũng là một vũ khí răn đe, và phương tiện gây áp lực về ngoại giao. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc coi tàu sân bay là "phương tiện gần nhất với binh pháp của Tôn Tử (Sun Tzu), cho phép khuất phục đối phương mà không cần chiến tranh". Cụ thể là, Bắc Kinh có thể tổ chức rầm rộ một cuộc sơ tán thường dân Trung Quốc khỏi một khu vực nguy hiểm tại một quốc gia khác, với sự hỗ trợ của một nhóm tàu chiến, với tàu sân bay làm trụ cột.
Theo nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel, kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã công khai nói đến "các chiến dịch quân sự không phải là chiến tranh", nhằm phục vụ cho "các lợi ích ở nước ngoài" của Trung Quốc, trong đó có việc bảo vệ kiều dân và đầu tư Trung Quốc.
Hải quân : Trọng tâm trong chiến lược toàn cầu
Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh là các tàu sân bay chỉ là bề nổi của sức mạnh hải quân mà Trung Quốc đang phát triển. Truyền thông Trung Quốc coi đây là biểu tượng của uy lực. Tuy nhiên, đây chỉ một phần "không đáng kể" trong các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc cho ngành đóng tàu và các khoa học và công nghệ về biển.
Năm 2012, tại Đại hội 18 của đảng Cộng Sản, Bắc Kinh chính thức đưa việc phát triển "sức mạnh hải quân qui mô lớn" vào hàng các mục tiêu chiến lược quốc gia. Trong Đại hội thứ 19, mùa thu năm nay, chắc chắn mục tiêu này sẽ được tái khẳng định. Hải quân sẽ tiếp tục được coi như một "phương tiện chính" để bảo đảm an ninh cho "giai đoạn toàn cầu kinh tế mới" của Trung Quốc, với đặc điểm là đầu tư mạnh ra nước ngoài.
Chiến lược quân sự chính thức của Trung Quốc được công bố năm 2015 coi các đại dương như lĩnh vực trọng yếu về an ninh, cũng như không gian và tin học. Chiến lược này đưa ra khái niệm "bảo vệ các vùng biển xa" (open seas protection), phối hợp với "phòng ngự biển gần" (offshore defense), vốn là trục chính trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh cho đến lúc đó.
Nhà chính trị học Pháp đặt ra một loạt câu hỏi về chiến lược quân sự của Trung Quốc trong tương lai, mà Châu Âu cần hiểu rõ. Bắc Kinh sẽ ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự trên biển hay trên bộ ? Chiến lược "biển xa" liệu có trở thành "chủ trương chính" của hải quân Trung Quốc ? Liệu Trung Quốc sẽ ưu tiên tàu ngầm nguyên tử trong hệ thống răn đe hạt nhân nói chung ? Phải chăng mục tiêu bảo vệ Con đường Tơ lựa trên biển sẽ quyết định đường hướng phát triển của hải quân Trung Quốc ? Và đặc biệt là vấn đề mối liên hệ giữa chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc và các căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay.
***
Để hóa giải những thách thức của Trung Quốc, nhà chính trị học Mathieu Duchatel ủng hộ việc Liên Hiệp Châu Âu gia tăng các hợp tác về hải quân với Bắc Kinh. Hiện tại các hợp tác mới chỉ giới hạn trong một số cuộc diễn tập chống hải tặc quy mô nhỏ tại vùng vịnh Aden, hay việc hộ tống các đoàn tàu biển của Chương Trình Lương Thực Liên Hiệp Quốc tới Somalia. Theo tác giả, Bruxelles hiện đã có kế hoạch nâng cấp các hợp tác.
Bên cạnh việc hợp tác hải quân, công nghệ đóng tàu và hàng hải nói chung của Trung Quốc cũng là "một thách thức kinh tế" đối với Châu Âu. Công nghệ hàng hải là một trong 10 lĩnh vực ưu tiên của chương trình "Made in China 2025", nhằm đưa Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt.
Tác giả cảnh báo là trong hiện tại, nhiều người vẫn còn "khinh rẻ" trình độ công nghệ của Trung Quốc, nhưng về dài hạn Châu Âu rất có thể sẽ phải cạnh tranh với Bắc Kinh trong hàng loạt lĩnh vực như xuất khẩu tàu chiến, tàu du lịch hạng sang, công nghệ thăm dò, khai thác đáy biển. Các tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này buộc Châu Âu phải có các chính sách hỗ trợ "cạnh tranh công nghiệp" một cách thích đáng.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 05/07/2017