Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trang web www.eastpendulum.com, một trang chuyên về tình hình Châu Á và biển Đông, bản Pháp Ngữ, đã đăng tải một bài của nhà báo Henri Kenhmann có tụa đề "Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam" (tạm dịch : Gần một tháng tập trận đổ bộ gần cửa khẩu Việt Nam).

taptran1

Bài viết đăng từ ngày 22/8, cho thấy sự kiện Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển, cách Đà Nẳng chỉ có 75 hải lý, chỉ là một hoạt động đầy tính răn đe với riêng Việt Nam, tiếp theo cuộc tập trận trên bộ, kéo dài suốt trong cả tháng 8/2017.

Bài viết ghi rõ như sau "Kể từ đầu tháng Tám, Thủy quân lục chiến Trung Quốc cho thấy đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, bằng cách tiến hành một loạt các chiến dịch cứu hộ hỏa hoạn".

Thế nhưng đó chỉ là bề ngoài của một cuộc tập trận quy mô với lệnh giới nghiêm, cấm mọi sinh hoạt qua lại của thường dân cũng như báo chí mà thời gian tập trận kéo dài từ ngày 1/8, cho đến ngày 23/8 vẫn còn dấu hiệu thao dượt.

taptran2

Bài báo viết "Cần lưu ý rằng các vùng bắn dần dần chuyển hướng về phía Tây, theo hướng của Việt Nam, khi diễn tập diễn ra, trước khi quay về phía Đông. Khu vực gần nhất cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 kilômét".

Dựa trên các hình ảnh quân sự chính thức phát đi của phía Trung Quốc nhưng không tiết lộ rõ địa điểm, người ta thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc đã dàn ra các loại xe bọc thép, như pháo tự hành PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05 hoặc xe chiến đấu bộ binh lội nước ZBD-05.

Theo một phóng sự trên kênh TV CCTV-7, một 'chiến dịch đào tạo đổ bộ' đã được tổ chức khoảng 30 phần diễn tập khác nhau, bao gồm phá hủy dưới nước, tiềm thủy công, tiến công đổ bộ…

Các bức ảnh khác được công bố vào ngày 21/8 cho thấy một lữ đoàn không quân của Quân đội Trung Quốc, thuộc Bộ tư lệnh miền Đông (Commandement du théâtre de l’Est), cũng có mặt trong việc thực tập đáp máy bay trên biển. Đặc biệt, máy bay trực thăng chiến đấu Z-10 cũng xuất hiện bên cạnh 998 Kunlun Shan, chiến hạm lớp 071 của Hạm đội Nam Hải.

taptran3

Một nguồn tin khác từ RFI, cho biết các cuộc diễn tập cận bờ này khởi đầu có vẻ là nội bộ của Trung Quốc, nhưng rồi vùng tập trận đã lặng lẽ dịch chuyển về hướng gần biên giới Việt Nam. Vòng ra biển rồi sau đó tiến vào một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.

Giờ thì cuộc đại diễn tập của Trung Quốc chỉ còn cách bờ biển Đà Nẳng 75 hải lý.

taptran4

Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 31/8, trước các câu hỏi dồn dập của giới phóng viên về tình hình căng như dây đàn trên biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao lại cũng chỉ nói bằng một giọng điệu buồn chán, rằng "Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông".

Trên thực tế, Trung Quốc đã đẩy mọi thứ trở nên hết sức phức tạp, từ tháng 6/2017 cho đến hiện nay chứ không phải chỉ riêng chuyện diễn tập. Đến lúc này, tin về việc Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực với Hà Nội để buộc ngừng khoan thăm dò ở lô 136/03, đuổi hãng Repsol chạy khỏi Việt Nam chắc không còn là đồn đoán. Cách mà Bắc Kinh muốn nhắc nhở Việt Nam một lần nữa qua cuộc tập trận rầm rộ trên biển này, cho thấy người đàn anh cộng sản không vui trước tin tức Việt Nam định khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở lô 118 vào tháng 11 này. Con số hải quân Trung Quốc chỉ còn 50 cây số nữa là đến Đà Nẳng, là một thông điệp rất rõ, vì lô 118 Cá Voi Xanh cũng chỉ cách bờ biển Việt Nam hơn 80 cây số mà thôi.

Quả là ngôn ngữ "quan ngại" thường dùng của Hà Nội giờ đây trở thành một trò hề trước các hành động rất cụ thể của Bắc Kinh. Và "quan ngại" cũng không thỏa mãn được hàng triệu người Việt đang xao xuyến trước vận mệnh đất nước mình, đặc biệt là những người từng cảnh báo về âm mưu xâm lăng của Trung Quốc lại bị chính nhà cầm cầm quyền Việt Nam đánh đập hay cầm tù.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 01/09/2017 (tuankhanh's blog)

http://www.eastpendulum.com/bientot-un-mois-dexercice-amphibie-devant-la...

Published in Diễn đàn

Trò chuyện với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuấn Khanh : Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến với Nhà nước Việt Nam, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay : nợ công tăng, tiền của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn hay suy sụp của Việt Nam sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông ?

oan1

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa : Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa là thế nào là suy sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trãi qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997 thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc.

Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng 5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến, sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc Việt.

Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối. Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ. Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản là dựa vào các yếu tố như vậy.

Tuấn Khanh : Nhà nước cộng sản Việt Nam lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh chính trị, dù chưa rõ ràng ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường bãi nhiệm bà tổng thống Park Geun-hye như vậy.

Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ. Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.

Tuấn Khanh : Nhân dịp ông nói về giới "trung lưu thấp", chúng ta hãy bàn về giới "trung lưu cao". Nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó, nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vậy chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị đến, thì mọi thứ sẽ bị kéo sát đáy.

Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt Nam Cộng Hòa có cùng một trình độ phát triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung-hee đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ quốc phòng chia chác, lạm dụng đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể chạy khỏi.

Có thể trong con cháu của những người lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.

Tuấn Khanh ghi

Nguồn : RFA, 30/08/2017 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 09 août 2017 16:18

"Đuổi Mỹ đi, lại đón Mỹ về"

Ghi chép, nhân một bản tin của báo chí Nhà nước – về Mỹ và Việt Nam

Năm 1995, trong buổi học cuối cùng của môn chính trị, tôi được nghe ông thầy (cũng là bí thư đảng ủy) nói với giọng tức giận "đánh Mỹ chạy đi, giờ lại trải thảm đỏ đón Mỹ về".

Ông nói vậy, bởi Việt Nam và Mỹ mở lại bang giao vào tháng 7/1995. Lúc đó, đại diện nước Mỹ là tổng thống Bill Clinton, còn Việt Nam là thủ tướng Võ Văn Kiệt.

duoi1

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc ở Washington, DC hôm 8/8/2017. AFP photo

Tâm trạng hoang mang và tức giận đó của ông bí thư đảng ủy, là điều mà tôi vẫn nhìn thấy ở những người bỏ một đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, rồi bất chợt một ngày cảm thấy bị hụt hẩng vì cảm giác như mình bị phản bội – đồng thời mơ hồ mình có thể bị bỏ rơi vào lúc nào đó.

20 năm sau, với những nỗ lực không ngừng từ phía Mỹ, Việt Nam đã có những cuộc phối hợp đầu tiên giữa quân đội hai nước. Mặc dù đó chỉ là khởi đầu các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương.

Vào tháng 8/2015, hải quân Việt Nam dè dặt bước vào cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương, là bước đi gấp rút sau sự kiện giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc tiến vào vùng của Việt Nam trong năm 2014. Vai trò của một cựu thù lúc này ở Việt Nam thật đầy tính "ấm áp".

Đến thời điểm đó, rất nhiều người già đã bỏ một đời đi theo lý tưởng cộng sản mà tôi gặp lại, đều thay đổi. "Trung Quốc mới chính là kẻ thù", tôi nghe những câu nói như vậy thường xuyên và lớn giọng hơn. Thậm chí, có những người đã cùng tham gia xuống đường chống Trung Quốc rồi bị đánh đập hay tù đày.

Hơn vậy, tôi nghe khắp trên các con đường mình đi qua, từ Nam chí Bắc, là những lời bàn không chỉ về kẻ thù của Việt Nam mà còn bàn về những kẻ sẵn sàng bán mình cho kẻ thù của Việt Nam. Nghe như một cuộc chuyển mình rầm rộ mà thinh lặng.

Hôm 09/08/2017, hàng không mẫu hạm của Mỹ nói sẽ ghé vào Cam Ranh với cuộc "bảo trì" đầy ý nghĩa, nhất là sau khi Bắc Kinh ép Hà Nội phải ngừng khoan dầu trên biển, và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa sang Mỹ. Tôi lại nhớ về ông bí thư đảng ủy đó.

Lịch sử đang đổi thay. Con người cũng đang đổi thay. Thậm chí con cái các quan chức cấp cao đã rùng rùng chọn học, sống và mua nhà ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây "thù địch". Nhiều gia đình quan chức chỉ quyết chọn đến định cư ở những nước mà lý tưởng cộng sản được sách giáo khoa nơi đó dạy rằng, là tội ác của nhân loại. Bất chấp trong đất nước này, các đại học Việt Nam vẫn ép sinh viên phải lèn chặt chủ nghĩa Marx-Lenin như công cụ tư tưởng sống còn của chế độ.

Hôm nay, chỉ còn lại rơi rớt những lời ngợi ca Trung Quốc bạn vàng công khai từ một ít tướng lĩnh, hay luận điệu hằn học được huấn luyện của lớp thanh niên bị nhồi sọ phục vụ. Nhưng mỗi lúc, những âm thanh đó càng ngày càng tẻ nhạt và vô ích. Đôi khi, có thể đó là thành phần phải bị hy sinh để giữ lại thể diện hữu nghị trước những khúc quanh lịch sử khó lường sẽ đến.

Vài năm sau nữa, lớp người rơi rớt ấy có đập bàn hằn học cho số phận của mình, như ông bí thư đảng ủy mà tôi nhìn thấy không ?

Tất cả như một sân khấu vĩ đại. Mà nhân dân là khán giả xuyên suốt. Sân khấu lúc có tiếng súng và nhà tù, lúc có hoan hô và đả đảo. Trò diễn cứ liên hồi, nỗi niềm rồi chỉ còn lại nhân dân im lặng cảm nhận.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 09/08/2017 (tuankhanh's blog)

Tham khảo :

http://m.anninhthudo.vn/the-gioi/tau-san-bay-my-se-lan-dau-tien-tham-viet-nam-dot-pha-trong-quan-he-hai-quan-hai-nuoc/737458.antd

Published in Diễn đàn

Tin từ gia đình của nhà tranh đấu vì môi trường Hoàng Đức Bình cho biết, vào cuối tháng 7/2017, công an Nghệ An đã quyết định khởi tố thêm một tội danh nữa với anh. Như vậy cho đến nay, Bình đã bị khép tất cả là 3 tội danh.

hdb2

Hoàng Đức Bình bị khởi tố thêm một tội danh

Theo luật sư Hà Huy Sơn và luật sư Lê Luân, thì Hoàng Đức Bình bị cáo buộc vào điều 257 (chống người thi hành công vụ), điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân) và điều 143 (hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).

Ngày 15/5/2017, anh Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an thường phục lẫn sắc phục phối hợp bắt giữ anh bất ngờ, khi anh đang cùng linh mục Nguyễn Đình Thục đi trên đường bằng xe ô tô. Trước đó vào ngày 11/5, một người bạn tranh đấu của anh Bình là Bạch Hồng Quyền cũng bị công an phát lệnh truy nã.

Hoàng Đức Bình là thành viên của phong trào Lao Động Việt, một tổ chức tranh đấu vì quyền lợi người lao động.

Anh Hoàng Đức Hảo, em trai anh Hoàng Đức Bình, có cung cấp thêm một số chi tiết về sự kiện về tội danh thứ ba như sau :

"Cách đây khoảng 3 tuần, vào khoảng giữa cuối tháng 7, hai luật sư đang tham gia bào chữa cho anh Bình là luật sư Hà Huy Sơn và luật sư Lê Luân cho biết, hiện anh Bình đang bị khép vào một tội danh mới là tội cố ý phá hoại tài sản.

Như vậy là anh Bình có 3 tội danh, xét theo điều 257, điều 258 và điều 143. Khi gia đình nghe phía luật sư thông báo đã hết sức ngạc nhiên vì những tội danh như vậy là vô lý, không đúng sự thật.

Nếu xét về điều 257, thì anh Bình chưa hề chống lại chuyện gì. Em biết là anh Bình không hề chống công an, không chống ai cả. Điều 258 lại càng đáng ngạc nhiên vì nếu gọi là lợi dụng quyền tự do dân chủ, thì Việt Nam làm gì có điều ấy mà lợi dụng. Anh Bình chỉ nói lên ý kiến của mình, và trái chiều với nhà nước thôi. Nếu kết tội như vậy thì mơ hồ vô cùng. Còn tội danh 143 là phá hoại tài sản, thì làm gì có chuyện nào như vậy ? Bên chính quyền đưa ra tội danh này thì thật không hiểu nổi".

Hỏi : Nhưng gia đình có hỏi thăm luật sư là dựa vào chứng cứ nào mà phía cơ quan điều tra kết tội Hoàng Đức Bình như vậy ?

Đáp : Hiện các luật sư cho biết họ chưa thể nói gì lúc này do mọi thứ còn đang trong quá trình điều tra. Gia đình cũng có hỏi dự kiến khi nào sẽ xử, phía luật sư cũng nói rằng mọi thứ chắc sẽ còn lâu.

Hỏi : Còn về sức khỏe của anh Hoàng Đức Bình thì như thế nào ?

Đáp : Anh Bình có chứng đau lưng và đau mắt. Nhưng lúc này thì anh vẫn cố được. Còn tinh thần thì anh Bình rất mạnh mẽ và tỉnh táo.

Hỏi : Về phía gia đình của Hoàng Đức Bình thì sao ? Ba mẹ của Bình có hiểu và chia sẻ được công việc của Bình không, hay lo sợ và không muốn Bình đi vào con đường tranh đấu này ?

Đáp : Dạ, không chỉ gia đình mà họ hàng đều đồng ý và ủng hộ anh Bình. Vì rõ ràng mọi họat động của anh Bình chỉ đều nhằm giúp cho người dân trước thảm họa do Formosa gây ra. Đây là việc làm đúng nghĩa của một con người. Mọi người trong gia đình đều biết rõ việc anh Bình làm nên không có gì là lo ngại hay không đồng ý cả.

Hỏi : 3 tội danh như vậy, có người dự đoán có thể là sẽ có mức án rất cao. Trong hoàn cảnh mà các nhà tranh đấu đều bị các mức án rất nặng như Mẹ Nấm, Thúy Nga… thì gia đình của Bình có suy nghĩ gì ?

Đáp : Dạ, những người hoạt động như anh Bình đều đang bị án rất nặng. Gia đình có thấy qua chuyện của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần Thị Nga… và lúc này khi nghe tin anh Bình có thêm tội danh thì mọi người đều hiểu mục đích chính của việc tăng tội danh cũng chỉ là để tạo một mức án cao mà thôi. Mọi người đã nghĩ đến và cũng chấp nhận điều xấu nhất sẽ đến. Bởi họ muốn khép tội ai thì làm. Không có chứng cứ gì thì họ cũng khép tội cho được. Mình có hoảng hốt hay chống lại cũng bằng thừa.

Hỏi : Gia đình còn gặp áp lực nào khác không ?

Đáp : Ngay cả khi anh Bình còn ở bên ngoài và hoạt động cho bà con, thì gia đình đã phải chịu nhiều áp lực từ công an, an ninh… Họ canh nhà thường xuyên, triệu tập hết người này đến người khác rồi kiếm cớ gây sự về việc làm ăn của từng người trong gia đình.

Sau khi anh Bình bị bắt thì cũng vậy. Những ai đến thăm gia đình thì họ cũng đi theo. Gia đình cũng vẫn bị canh trước nhà hay đi lòng vòng quanh nhà dòm ngó, điều tra khiến cho công việc làm ăn, sinh hoạt của gia đình bị khó khăn. Trước đây còn có chuyện Ủy ban tập hợp hội cựu chiến binh, hội phụ nữ để đấu tố gia đình. Nhưng gia đình thì không sợ vì được bà con hàng xóm chung quanh thương mến và ủng hộ. Nhờ vậy mà gia đình có thể vượt qua.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 08/08/2017 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn
Trang 7 đến 7