Lúc này, mọi thông tin về Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) đối với người Việt Nam hiện rất mơ hồ. Trên các thông tin bên ngoài dội về thì gọi là đối đầu, còn phía Hà Nội, thì gọi là đấu tranh. Nếu dựa trên những ngôn từ này, có thể tự lý giải rằng, Trung Quốc bằng nhiều cách như đang muốn vào trực tiếp Bãi Tư Chính chứ không chỉ là ngăn Việt Nam thăm dò và khai thác ở tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính. Còn Việt Nam thì dùng tàu của mình cố ngăn đường đi của Trung Quốc, và mặt khác thì nỗ lực ngoại giao theo kiểu không muốn làm quá.
Lúc này, mọi thông tin về Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) đối với người Việt Nam hiện rất mơ hồ.
Nhưng Bắc Kinh rõ ràng không dừng lại, và bộc lộ rõ việc muốn chiếm lấy Bãi Tư Chính. Ngày 26/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng Việt Nam "vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính kể từ tháng Năm", cho thấy cuộc tranh chấp có nội dung lớn hơn : Bắc Kinh muốn hoàn thành đại nghiệp đường 9 đoạn trên biển Đông, mà Việt Nam là kẻ gây khó trước mắt.
Trên bàn làm việc của các cơ quan tình báo quốc tế, kịch bản về một Bãi Tư Chính còn thuộc quyền Việt Nam, và một Bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc ắt đã được lập ra, và cục diện thế giới cũng sẽ thay đổi, dựa vào đó. Từ tháng 5/2019, các thông tin tình báo và chuyển động trên biển Đông đã cung cấp cho ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của Mỹ nhận định rằng sớm muộn gì trong năm nay, Trung Quốc sẽ mở một cuộc chiến trên biển với Việt Nam về pháp lý, và có thể cả đụng độ nhanh. Giờ thì điều ấy đã thành sự thật.
Mỹ cũng nhận biết rõ tính toán này của Trung Quốc nên việc tăng cường các chuyến hải hành tự do, gọi là FONOP, hay lên giọng chỉ trích trực tiếp và mạnh mẽ Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Tờ The National Interest, số ra ngày 31/7, của tác giả David Axe, với bài viết có nhan đề "Phi tiễn của Mỹ và Trung Quốc nằm chen cứng trên biển Đông, ai sẽ thắng ?" (1) đã nhận định như vậy. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không ngần ngại phô trương việc mang các phi tiễn chống hạm vào biển Đông, thử nghiệm hồi đầu tháng 7/2019 như một cách ngầm cảnh báo.
Rõ ràng hơn, Bắc Kinh cũng phô trương trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo rằng hàng loạt các phi đạn tầm xa có tên DF-26 đã được kéo đến vùng Nội Mông (cách vùng biển Hoàng Sa khoảng 2000 dặm), hướng vào các lộ trình tự do hải hành của Mỹ. Hoàn Cầu Thời Báo cũng không ngần ngại tuyên bố DF-26 có tầm bắn đến 2.500 dặm, và sẽ đánh trúng bất kỳ chiến hạm nào của Mỹ trong vài giây.
Kịch bản của việc Trung Quốc muốn cướp Bãi Tư Chính là gì ? Các nhà phân tích phỏng đoán rằng sau khi tạo các bước gây căng thẳng lên cao, các tàu cá – mà thực tế là các tàu dân quân biển sẽ được đưa ra hàng đầu để tiến vào mục tiêu, sau đó, tạo ra một tình huống bị phía Việt Nam ngăn chận, đánh chìm… dẫn đến cuộc gia tốc và can thiệp của hàng chục tàu cảnh sát biển vũ trang Trung Quốc "bảo vệ tàu cá vô tội". Bãi Tư Chính có thể có một cuộc đổ bộ thần tốc của Trung Quốc, không khác gì trường hợp đảo Gạc Ma. Sau khi cắm cờ, Bắc Kinh có thể ung dung đối phó với Việt Nam – một quốc gia mắc cạn với chiến sách "ba không" của mình, tức 1/ không tham gia các liên minh quân sự. 2/ không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác. 3/ không có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam, trong cách thức "đấu tranh" của mình, đang chuyển hướng bố cáo dần các sự việc với các quốc gia để tạo áp lực quốc tế. Gần đây nhất, là Hà Nội đã chuyển sự kiện cho New Delhi – cũng là một cách thăm dò phản ứng Bắc Kinh. Sau Ấn Độ, có thể sẽ có thông tin thêm, rộng hơn, phản đối tăng cấp độ. Nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi vì Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tốc độ lấn chiếm, trước khi mọi chuyện bùng phát ở tầm quốc tế hơn là giữa một vài nước.
Có nhiều hy vọng từ đám đông bàn tán trên các trang mạng Việt Nam, là Mỹ sẽ can thiệp cho Việt Nam. Nhưng đó là một khả năng rất thấp. Bởi câu chuyện Bãi Tư Chính đang trở thành chuyện riêng của anh em nhà Cộng sản – đặc biệt khi Nga vẫn phớt lờ khi công ty khai thác dầu khí Rosneft của họ bị uy hiếp. Và quan trọng nhất, Mỹ sẽ không có tư cách gì can thiệp cho Việt Nam, khi các cơ hội về một liên minh hợp tác quốc phòng luôn bị Hà Nội né tránh. Hãy nhìn vào Hồng Kông, nếu có sốt ruột trước phong trào đòi dân chủ ở đó, Mỹ cũng không thể làm gì hơn là chỉ trích.
Việt Nam cũng vậy, đặc biệt, mọi chuyện có vẻ như thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc, khi người đứng đầu tối cao của đảng- nhà nước Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng chỉ nói chuyện tham nhũng, mà không cất một tiếng nào về an nguy quốc gia, dù gần 1 tháng bị uy hiếp và xâm lấn.
Bãi Tư Chính có thể sẽ mất như Gạc Ma. Và sau đó, người dân Việt Nam sẽ rồi chỉ còn nghe lời tuyên bố dữ dội của một quan chức cấp cao rằng chuyện đòi lại Hoàng Sa, Gạc Ma, Tư Chính là điều của thế hệ con cháu phải làm.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 31/07/2019 (tuankhanh's blog)
(1) Here's How China and America's Missiles in the South China Sea Stack Up, who wins ?
Anh bạn người Việt gốc Hoa kể lại cho tôi nghe chuyến đi "bán chính thức" kinh hoàng của anh vào đầu năm 80. Dù nhiều năm định cư và thành đạt ở Pháp, ký ức như chưa hề mờ nhạt trong lời kể của anh.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 11/8/2012 : những ngư dân kéo lưới trên một tàu đánh cá ngoài khơi đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi AFP
Những năm tháng đó, người Việt gốc Hoa giật mình khi thấy mình không thuộc về nơi đâu trên thế giới này. Bắc Kinh mở chiến dịch nạn kiều để tạo làn sóng bất ổn trong Việt Nam. Còn Hà Nội thì cũng muốn tống khứ bớt đạo quân thứ năm của Trung Quốc - theo quan điểm của nhà cầm quyền - đồng thời cũng kiếm được không ít tiền của từ người bỏ ra đi.
Người Hoa không thể quay về quê quán bởi nơi đó cộng sản là bạo quyền, và họ ra đi, vì nơi chốn hiện tại, cộng sản cũng đang cầm quyền.
Nhưng trong lời kể của anh bạn Việt kiều gốc Hoa đó, điều anh cay đắng, là con người luôn bị lợi dụng. Đặc biệt trong chế độ độc tài luôn bị biến thành đinh ốc, biến thành bánh răng để chở đẩy cho cỗ máy phi nhân tính.
Nhưng ghê tởm nhất, họ luôn tự gọi mình là chính quyền nhân dân.
Năm 79, thế kỷ 20, Hà Nội kêu gào, buộc nhân dân phải đứng lên ngồi xuống, gọi Trung Quốc là kẻ thù. Thậm chí viết vào sách giáo khoa, lập bảo tàng tội ác… nhưng rồi đến thập niên 90, họ tự xé sách, tổ chức vui tình hữu nghị với Trung Quốc, buộc nhân dân phải gọi hai đảng cộng sản là "bạn vàng", buộc các bà mẹ liệt sĩ phải im lặng, ngay khi nén nhang cho liệt sĩ 6 tỉnh phía Bắc còn chưa tàn.
Đầu thế kỷ 21, khi cuộc sống của người dân Việt Nam không còn là một cái nồi đóng nắp kín, tin tức về âm mưu lấn chiếm Việt Nam và ngư dân chết trên biển xuất hiện mỗi lúc càng nhiều. Trung Quốc hiện nguyên hình là một con ác quỷ và không có bạn bè keo sơn nào trên thế giới này, ngoài trừ Việt Nam.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 19/1/2014 : Người dân Việt Nam biểu tình ở tượng đài Lý Thái Tổ nhân kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc AP
Như một câu chuyện cổ tích về những loài thủy quái trên đại dương, nhưng khác biệt ở đây cả thế giới đều biết rõ con thủy quái đó là gì. Thế nhưng Hà Nội chưa bao giờ dừng lại việc hiến tế ngư dân của mình trên biển, cho con thủy quái đó, bằng cách luôn luôn đẩy họ ra biển để chứng minh "chủ quyền Việt Nam". Như một loại bùa mê áp đặt, Hà Nội phát cho ngư dân những lá cờ, và để mặc cho công dân của đất nước mình bị đâm tàu trên biển, bị bắt, bị cướp, thậm chí bị giết. Trong khi ngư dân sợ hãi và cố gắng đi xa hơn vào vùng biển của những nơi khác để kiếm sống, thì Hà Nội lại ra những đạo luật phạt nặng tất cả những ai bỏ chạy, không đi vào vùng biển có cái chết chờ sẵn đó.
Những năm tháng nguy nan nhất, đau đớn nhất cho ngư dân, truyền thông tay sai của Hà Nội đẩy mạnh việc lợi dụng con người bằng việc ca ngợi những gương sáng liều chết như anh Mai Phụng Lưu - con sói biển - đi vào Hoàng Sa. Yêu nước như một đơn thuốc liều chết, được phát một cách rộng rãi cho ngư dân, trong chính sách ngoại giao giữ gìn Hòa Bình của Hà Nội với Bắc Kinh.
"Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?"… ngày /12/2015, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói như vậy, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), tổ bầu cử số 1, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Năm 2015, cũng là một trong những năm cao điểm mà tàu của Trung Quốc hành hạ ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Hơn 20 tàu chính thức báo cáo là đã bị đâm, bắn, cướp... dã man hơn năm trước. Mộ gió của miền Trung Việt Nam cũng nhiều hơn. Máu của ngư dân nhuộm đỏ nỗi uất hận của người Việt, đỏ như phông màn của đại hội.
Giờ thì đến anh Mai Phụng Lưu cũng đã quá mệt mỏi và sợ hãi, để có thể liên tục đi vào vùng biển đầy chết chóc đó, cho dù có được phát nhiều lá cờ, và các loại bằng cấp tán dương của bọn cầm quyền thích ngồi trên bờ. Ai rồi cũng nhận ra rằng mình đang bị lợi dụng, lòng yêu nước của mình đang bị lợi dụng. Cái bánh vẽ khổng lồ được chia đều cho khắp mọi nơi, nhưng nhồm nhoàm thật, chỉ có một ít người.
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông có kể rằng, ông nghe nói mỗi khi có những hành động lấn lướt của Bắc Kinh thì Hà Nội hay triệu tập những thành phần cơ bản để hội ý về vấn đề đối phó. Năm 2014, thì Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, những người được hội ý, bí thế, nên đã chọn giải pháp đưa thông tin đến người dân và bật đèn xanh cho những cuộc biểu tình lớn nhằm gây áp lực quốc tế với Trung Quốc. Nhưng cũng với tinh thần tương tự đối với quê hương, tổ quốc được khơi dậy như vậy, hàng ngàn người Việt đã bị Hà Nội cho đánh đập, kết án, bỏ tù, sách nhiễu... từ năm 2015 cho đến nay.
Hình minh họa. Hình chụp từ video hôm 1/6/2014 từ tàu Cảnh sát biển Việt Nam : tàu Hải cảnh Trung Quốc (trái) đang đuổi theo một tàu Việt Nam ở gần giàn khoan dầu ở Biển Đông AFP
Năm 2019, khi nhóm tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiến vào thềm lục địa Việt Nam, Hà Nội cũng đã hội ý và dường như sớm nhận ra rằng, cần phải kìm giữ thông tin và không thể bật đèn xanh biểu tình mạnh mẽ như năm 2014. Bởi họ nhận ra rằng sự phản bội với thực tế, chà đạp lên lòng yêu nước qua việc níu kéo mối quan hệ của hai đảng, bất chấp dân tộc và tổ quốc, có thể khiến mọi thứ bùng nổ - không phải với chỉ Bắc Kinh - mà với cả Hà Nội.
Tôi hỏi anh bạn Việt kiều gốc Hoa, là vì sao bây giờ đã là một công dân của quốc gia khác, thong dong hơn, sao anh không về ở Việt Nam sống. Anh không giải thích nhiều, mà chỉ cười,nói đơn giản rằng "về cũng chỉ để bị lợi dụng mà thôi". Anh chỉ là một con người bình thường và yêu thương nơi mình đã được sinh ra, đã lớn lên. Nhưng phẩm giá tối thiểu có một con người bình thường, vẫn là không muốn bị lợi dụng.
Chỉ là biết trước hoặc biết sau. Chỉ là biết khi đang còn sống hoặc đang nằm dưới những nấm mồ được gắn huy chương. Tất cả chúng ta rồi cũng nhận ra rằng trong một chế độ độc tài, nhân dân mãi mãi là phía bị lợi dụng với những ngôn ngữ mỹ miều. Chế độ độc tài có thể hy sinh xương máu con người, tài nguyên, đất đai… Thậm chí có thể buộc cả dân tộc trở thành một loại con tin để duy trì sinh mệnh chính trị, mà họ tự sơn phết lên hai chữ nhân dân.
Cũng có thể rồi ngày nào đó, sẽ có những cuộc biểu tình rầm rộ do nhà nước phát động để chống Trung Quốc. Báo chí và truyền hình sôi động đã không khác gì như một ngày hội theo nghị quyết. Vào lúc ấy bạn cũng đừng quên lắng nghe, để thấy trong sự ồn ào ấy, là cả không gian chết lặng âm thầm của phẩm giá một dân tộc bị lợi dụng đến tận cùng.
Thật bối rối, nhưng rồi chúng ta, một dân tộc phải làm sao ?
Chúng ta vẫn sẽ không từ chối bổn phận làm người Việt Nam. Bởi đất nước này, quê hương này của người Việt chứ không phải của đảng Cộng sản. Nên chúng ta sẽ không tha thứ cho bất kỳ kẻ xâm lược nào. Và bên cạnh đó, chúng ta cũng không bao giờ ngủ quên trước sự lợi dụng của bọn độc tài đối với con người và đất nước này. Đó là phẩm giá của một người Việt tự do, không nô lệ cho bất kỳ ai, bất kỳ âm mưu chính trị nào.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/07/2019
Ngày 4/7/2019 là một ngày đáng nhớ với nhiều người làm báo tự do, có chân trong tổ chức xã hội dân sự, dưới cái tên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Đây là tổ chức tập hợp những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, lên tiếng cho công lý và vận động cho một xã hội không độc tài cộng sản. Nhân kỷ niệm năm năm của Hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã dành ít thời gian để nói về mình, về những anh em trong Hội, đã sống sót như thế nào qua những cuộc đàn áp, sách nhiễu… suốt thời gian qua.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là tập hợp những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, lên tiếng cho công lý và vận động cho một xã hội không độc tài cộng sản.
Phạm Chí Dũng : Hội Nhà báo độc lập Việt Nam giống như một con thuyền vượt thác, đã suýt chìm trong năm đầu tiên, gượng dậy trong năm thứ hai, tạm bình ổn trong những năm kế và đế năm thứ năm, thì có vẻ đã khởi sắc. Có thể hình dung như vậy.
Anh em trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng đã trải qua nhiều rủi ro, không khác gì những anh chị em đấu tranh dân chủ trong nước. Tức là các Hội viên cũng đã bị công an liên tục triệu tập, sách nhiễu, đánh đập, bắt cóc… nhưng cho đến nay thì không có ai bỏ cuộc cả. Nói tóm lại là, chúng tôi hoạt động ôn hòa, mang sự thật khách quan đến cho người dân. Chúng tôi tự nhận thấy rằng cũng đã đạt được những điều tương đối trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, bên cạnh đó sự trả giá, cũng không là quá nhiều. Năm 2017, được coi là khởi đầu của đỉnh cao đàn áp. Nhiều người đã bị bắt bớ, bỏ tù… Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng bị sứt mẻ nhưng vẫn duy trì được cho đến nay.
Trong suốt năm năm, trang báo điện tử của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn làm việc đều đặn, trong tình trạng bị tường lửa bao vây, vẫn luôn lên tiếng từng ngày, cũng không để thiếu nhuận bút với ai. So với năm đầu, lúc này thì số Hội viên đã tăng lên gấp đôi, gần 70 người. Đó là con số chắt lọc của giới cầm bút tự do có tiếng nói thuyết phục và tâm huyết.
Trong tình hình mới hiện nay của Việt Nam, dù vẫn xiết bức nhân quyền, nhưng đang lộ khuynh hướng ngã dần sang quỹ đạo của phương Tây, thì chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để đẩy mạnh sự đòi hỏi về quyền thành lập hội nhóm xã hội dân sự, quyền tự do ngôn luận. Đặc biệt với việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, lại là một cơ hội lớn cho người lao động xây dựng Công đoàn độc lập. Chúng tôi cũng coi đây là một phần nhiệm vụ quan trọng của mình, vì trên trang Việt Nam Thời Báo (IJAVN), đã có hẳn một mục riêng để thông tin, cổ xúy về vấn đề này.
Sẽ còn những khó khăn, nhưng với những gì đã qua, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tin rằng con thuyền của mình dù có chòng chành, nhưng vẫn tiến về phía trước.
Tuấn Khanh : Điểm lại trong 2 năm vừa qua, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã liên tục đưa đến các đề tài phản biện đối với luật an ninh mạng, cũng như rất sát sao mọi chuyển động liên quan đến luật cho phép thành lập các nhóm xã hội dân sự, công đoàn độc lập…
Phạm Chí Dũng : Trước tiên, nói về luật an ninh mạng, thì đó là một đạo luật chống lại quyền tự do ngôn luận, và công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đã ký vào năm 1982. Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc phản biện luật này, vì nó đi ngược lại xu thế của thời đại. Không chỉ phản biện, mà chúng tôi muốn chấm dứt nó.
Còn đối với quyền tự do thành lập các nhóm, hội xã hội dân sự là điều phải đến. Ngay cả ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng của chính thể độc tài tại Việt Nam, khi nói về các cột trụ giúp cho kinh tế ở Việt Nam như doanh nghiệp, cơ sở kinh tế nhà nước và xã hội. Ông Phúc không dám nói rõ về "xã hội" tức là xã hội dân sự, mà chỉ nói mấp mé vậy. Ai cũng hiểu đó là một phần của cái kiềng ba chân của lý thuyết phát triển, là xã hội dân sự. Nên trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc phải công nhận sự có mặt của hệ thống xã hội dân sự trong đời sống. Và đó cũng là cam kết mà Việt Nam đã ký về quyền dân sự và chính trị trước Liên Hợp Quốc.
Đó là hai điều rất quan trọng của xã hội Việt Nam lúc này, nên chúng tôi đặt mọi trọng tâm vào đó.
Tuấn Khanh : Là một tổ chức xã hội dân sự có lẽ là duy nhất còn hoạt động lúc này, giữa bối cảnh nhà nước cộng sản Việt Nam đã truy cùng đuổi tận tất cả các nhóm, cá nhân có khuynh hướng khác biệt với chủ trương độc tài, ông có nghĩ rằng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng đang trong tầm ngắm và cũng sẽ bị triệt tiêu bằng cây gậy An ninh mạng, sắp tới đây hay không ?
Phạm Chí Dũng : Về bản chất mà nói, luật An ninh mạng cũng như nghị định 72 được ban hành trước đây, mọi thứ đều phản tác dụng và vô nghĩa trước Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.
Nhưng với quan điểm của tôi, thì tôi không đặt nặng chuyện luật An ninh mạng như là một mối hiểm nguy đối với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam nói riêng, và giới hoạt động cho dân chủ nhân quyền nói chung.
Lý do là thế này, không cần đến luật an ninh mạng, mà chỉ cần nghị định 72 (năm 2013) về quản lý internet, điều 88, trong bộ luật hình sự cũ, tức điều luật mơ hồ về "tuyên truyền chống nhà nước" thì cũng đã quá đủ cho công an xiết bức, bóp cổ bóng họng giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Luật An ninh mạng chỉ màng một sự nối dài của nghị định 72, của luật về an toàn thông tin của ngành công an để kiểm soát về an ninh mạng mà thôi. Và luật An ninh mạng không thể phát triển đến mức tối đa mục tiêu của nó về vấn đề chế tài An ninh mạng. Vì nếu triệt tiêu hoàn toàn hệ thống thông tin này, tức sẽ triệt tiêu luôn môi trường đấu đá nội bộ, phương tiện để đấu đá nội bộ mà phe phái ở trong đảng đã tận dụng từ năm 2012 cho đến nay.
Do đó, tôi không đặt nặng những rủi ro từ luật An ninh mạng. Mà nói thật ra thì có một luật An ninh mạng hay hàng chục luật An ninh mạng cũng không có ảnh hưởng gì đáng kể đến giới đấu tranh dân chủ nói chung, và cho quyền tự do ngôn luận nói riêng.
Tuấn Khanh : Hội Nhà báo độc lập Việt Nam dù đứng trên vị trí là phát triển quyền tự ngôn luận và phản biện xã hội, nhưng thật ra tiêu chí ấy chưa bao giờ được chấp nhận ở trong một xã hội - ngày càng độc tài như ở Việt Nam. Trải qua năm năm của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, theo ông, liệu tiêu chí này của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có tạo được nên được các tác động tích cực nào với nhà cầm quyền không ? Hay Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn là "những giọng điệu đánh phá của thế lực thù địch ?"
Phạm Chí Dũng : Có một ví dụ,như một bằng chứng, như thế này. Mới đây tôi đưa ba mình đi khám bệnh ở một nơi có tên nguyên văn là Ban bảo vệ sức khỏe Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Có một cụ già đến gặp tôi. Cụ trước đây là cán bộ của Ban Tuyên huấn Thành ủy. Cụ nói với tôi rằng "Dũng ơi, những bài của Dũng viết, không chỉ có tôi mà có cả những người trong nội bộ đảng đã đọc. Nhưng theo tôi, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp về độc đảng là khó lắm. Nên bây giờ cần kêu gọi đảng phải dân chủ và chống Trung Quốc".
Tôi kể chuyện này như một ví dụ để thấy rằng ngay cả những người công tác lâu năm trong đảng cộng sản, đã nói trực tiếp với tôi điều đó. Điều đó cho thấy rằng – một cách nào đó như anh đã nêu ra - thì công việc cổ xúy cho tự do ngôn luận, khai dân trí của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hay của chúng ta nói chung, không chỉ tác động đến người dân mà tác động đến cả nội bộ đảng cộng sản. Và công việc đó, đã nhận được sự đồng tình, đồng cảm và kể cả yêu thương của những người ở trong nội bộ đảng cộng sản. Rõ ràng điều chúng ta làm có hiệu quả, nhưng hiệu quả như tế nào thì tôi không dám nói là quá lớn, nhưng chắc chắn là có hiệu quả. Và theo phản ánh của nhiều nguồn dư luận, nhiều anh em, kể cả các đảng viên, rằng nhiều bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo đã nhận được sự đồng thuận tương đối. Tức có những đảng viên theo dõi thường xuyên. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những người công an về hưu tiết lộ cho tôi biết. Không đâu xa, ngay cả một sĩ quan công an về hưu ở ngay phường tôi cư trú cũng cho biết ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Hiệu quả là như vậy. Nhưng với những luận điểm phản biện hay chỉ trích mang tính ôn hòa, không có nghĩa là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang đi tìm con đường thỏa hiệp với đảng cộng sản. Chúng tôi – Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – không bao giờ có quan điểm đó. Tôi luôn yêu cầu anh em trong Hội là phải luôn đặt vấn đề có tính chiến đấu. Mỗi bài viết là một viên đạn phản biện xã hội, viết bằng sự bức bối của mình, bằng tình cảnh của mình, đó là việc ưu tiên. Sau đó mới nâng dần bài viết lên bằng chuyên môn của mình.
Trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, có những bạn trẻ khởi đầu tham gia, viết còn rất ngô nghê, thì nay đã hoàn toàn chuyên nghiệp. Bằng giác quan của một nhà báo tự do, những cây viết đó đã dần dần có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Tuấn Khanh : Chấp nhận những thách thức để xiển dương quyền tự do ngôn luận, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã có được những niềm kiêu hãnh riêng của mình qua chặng đường năm năm, thay mặt cho các cây viết của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông có lời gì muốn nhắn gửi đến những người đang dõi theo những thông tin từ trang Việt Nam Thời Báo ?
Phạm Chí Dũng : Tôi chân thành biết ơn rất nhiều độc giả đã công khai lẫn thầm lặng ủng hộ, trong đó có những mạnh thường quân đã giúp để trang Việt Nam Thời Báo vượt qua sóng gió. Tôi vẫn nói với anh em rằng chúng ta đã nhận được những nguồn giúp đỡ, những đồng tiền nhuận bút đáng tự hào. Đó là những đồng tiền đóng thuế cho tiền đề của một xã hội tiến bộ, và chúng ta đã không phung phí nó. Chúng ta sẽ trân trọng và sử dụng nguồn lực đó để khai dân trí, để đóng góp thêm sức sống tự do về trong lòng dân tộc.
Nói về báo chí tự do, không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Báo chí tự do của anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Anh và những người bạn của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho báo chí tự do trong lòng chế độ độc tài, và từ tiền đề đó cho Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tiếp tục phát triển, chuẩn bị cho một xã hội tự do báo chí, dân chủ, mà tôi tin rằng sẽ không còn quá xa nữa.
Tuấn Khanh : Xin cám ơn anh, và những anh chị em của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Tuấn Khanh (ghi)
Nguồn : RFA, 07/07/2019
Trong một tweet của Hoàng Chí Phong gần đây, anh gửi lên một tấm ảnh về lực lượng trấn áp mặc áo đen, có chỉ dấu riêng. Đây là lực lượng bị nhiều người Hồng Kông thắc mắc vì đó là những người đánh đập người biểu tình tháng 6/2019, hết sức tàn bạo. Đánh đến mức mà cảnh sát áo xanh quen thuộc của Hồng Kông phải chạy đến can.
Hình chụp trên Twitter của Joshua Wong cho thấy đội quân đàn áp người biểu tình Hong Kong - Courtesy of Twitter Joshua Wong
Tấm ảnh trên twitter của Hoàng Chí Phong, cho thấy nhân vật trấn áp nở nụ cười khoái trá. Nó kỳ lạ và khác biệt với hàng trăm ngàn người biểu tình đang xao xuyến trước tương lai mơ hồ của họ.
"Loại người gì mà chĩa vũ khí vào dân chúng mà cười như vậy ?", Hoàng Chí Phong đặt một câu hỏi, có vẻ ngạc nhiên, và pha lẫn sự tức giận.
Nhưng câu hỏi đó, không phải chỉ người Hồng Kông biết, mà thậm chí những người Việt Nam cách một bờ đại dương, cũng biết. Nụ cười đó quen thuộc lắm. Nụ cười thỏa mãn của cái ác hợp pháp. Nụ cười có hình dáng con người, nhưng thật ra, đó là một giống loài khác.
Nụ cười đó, nhắc nhiều người Việt Nam nhớ những ngày tháng họ xuống đường đòi một môi trường trong lành, đòi một chính sách của lòng dân, đòi kẻ thù xâm chiếm quê hương phải biết rõ sự căm hờn đang dồn nén… thì cũng là lúc những lực lượng đàn áp cũng xuất hiện các nụ cười như vậy. Những kẻ cầm bộ đàm oai phong trong trận càn với quân thù, những nhân vật ngồi quan sát… họ có chung một nụ cười ấy, của cái ác hợp pháp.
Hình minh họa. Biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 6/2018 - Courtesy of FB
Ở công viên Tao Đàn, mùa hè năm 2018. Có những người rất trẻ, họ cũng cười như vậy và đánh đến nôn ra máu, đánh đến hôn mê những người có tuổi như chị, như mẹ, như anh của họ. Những trận đòn thay phiên và hả hê thú tính ấy, như muốn chứng minh rằng cái ác hợp pháp, hay cái ác mặc áo lý tưởng ấy chính là đỉnh cao của cách mạng.
Những người bạn trẻ ở Hồng Kông cũng góp bình luận của mình vào tweet của Hoàng Chí Phong bằng những đoạn video quay được các lực lượng lạ lùng ấy rượt đuổi, và khi bắt được một ai đó thì tất cả bu bám và đánh bằng dùi cui không hề thương xót. Ngăn cản một cuộc biểu tình có vẽ như là chuyện phụ, nhưng thỏa mãn thú tính, mới là chuyện chính.
Năm 2015, ông Nguyễn Văn Lía, một nguyên lão của đạo Hòa Hảo Thuần Túy khi đi dự lễ tưởng niệm thầy vắng mặt ở An Giang. Ông bị chận ở một ngã ba đường vắng. Nơi đó nhiều đệ tử của Hòa Hảo đi dự lễ đã bị đánh và nằm quằn quại trên đường. Viên công an chỉ huy nói ông phải quay lại, nếu không sẽ bị đánh như vậy. Thấy mình tuổi cao sức yếu, và cũng không thể vượt qua được hàng hàng lớp lớp công an hung hăng đó, ông Lía quay về, nhưng đi chưa được mười bước, chính viên công an đó đã xông lại đạp ông ngã chúi xuống mương lộ. Đạp xong, viên công an ấy cười.
Tháng 6 năm 2018, Chánh trị sự Hứa Phi, nguyên lão của Đạo Cao Đài Chơn Truyền ở Lâm Đồng, vào chiều tối khi nghe có người gõ cửa tìm, ông ra đón thì hơn chục người của nhà cầm quyền đạp cửa xông vào đánh đập ông đến bất tỉnh. Những người đó thay phiên lấy kéo, dao cạo… cắt râu và cắt tóc của ông, và cười.
Năm 2019, nhà báo tự do Thư Lê đột nhiên bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ khi cô đang ở Tây Ninh, vu khống cô vượt biên giới. Những công an viên vây quanh, tra vấn, cho lột đồ khám xét. Viên công an ở Đồng Nai cợt nhã ve vuốt cô, khi bị phản ứng trừng mắt đe dọa. Sau đó tài sản cá nhân của cô nhà báo tự do nghèo khó bị cướp sạch. Viên công an Đồng Nai khi rời khỏi phòng thẩm vấn, nhìn cô và cười.
Cũng như gương mặt cười của tay đặc vụ Trung Quốc được cử sang Hồng Kông để đánh đập, để vui niềm vui dã thú… những nụ cười ấy cũng xuất hiện ở Việt Nam. Và tất cả, chắc chắn đều phải có chung một cảm giác rất đặc biệt về cái ác hợp pháp. Họ - dù khác quê hương và tiếng nói, ắt cũng đều cảm thấy chung một sự khác biệt với con người.
Trong Animal Farm của George Orwell, những con heo nhỏ bị bắt đi. Được dạy và sống theo một lý tưởng mới, khi quay lại, chúng là sức mạnh và nụ cười của kẻ ác cầm quyền. Vẫn có hình dáng là heo, nhưng chúng đã là một thứ súc sanh khác.
Những cái ác hợp pháp vẫn xuất hiện ở Việt Nam, khắp nơi. Từ sau các chấn song nhà tù ở những vùng khắc nghiệt nhất, cho đến tiếng xua đuổi tại vườn rau Lộc Hưng, hay, hay tiếng máy xúc ở chùa Liên Trì. Trong câu chuyệ kể về vụ cướp đất của dân tại Thủ Thiêm, những người có nụ cười ấy cũng đã hỏi người dân rằng "muốn đất hay muốn mất mạng ?".
Sẽ rất vô nghĩa khi chúng ta bàn về luật pháp, nói về tòa án… hay nói về tương lai của một dân tộc, khi cái ác hợp pháp đang là điều hiển nhiên được hậu thuẫn từ nhà cầm quyền. Câu chuyện Hồng Kông là một ví dụ rõ - những lời kêu gọi yêu thương, chia sẻ và góp sức cho chính quyền xây dựng đất nước… sẽ luôn chỉ là phần biếm họa của sách giáo khoa lịch sử, về triều đại hợp pháp của cái ác.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 25/06/2019
Lời kể của chị Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An, là một điểm nhấn tàn bạo khó tin về hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Chuyện thật mới mẻ, chỉ vào giữa tháng 6/2019 thôi, chỉ chưa đầy nửa năm, sau khi đại diện của Nhà nước Việt Nam khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng không có chuyện đối xử tàn tệ hay tra tấn tù nhân.
Ước tính có khoảng 200.000 tội phạm đang bị giam giữ trong các nhà tù Việt Nam
"Chắc anh không thể còn về được để gặp em", nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị tuyên án 12 năm tù với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Nhân vật bị nhận định với tội danh ghê gớm đó đã vô số lần bị an ninh thường phục đánh đập đến nhập viện, bị câu lưu, giam tù 5 năm trước đó do đã viết bài ủng hộ cho giới công nhân bị đàn áp, bị bóc lột bởi giới chủ cũng như bày tỏ quan điểm về một Việt Nam cần một chính quyền tốt hơn.
Chị Kim Thanh kể lại lời nhắn này trong sự thảng thốt. Người tù chính trị ở Việt Nam thường phải chọn mãn hạn ra tù như một kẻ bị bẻ gãy ý chí, sống chấp nhận nhục nhằn với quản giáo, hoặc không còn là mình nếu sống theo luật pháp và quyền con người trong một trại giam. Anh Trương Minh Đức được nói lại với gia đình những điều này, khi anh và thầy Đào Quang Thực, ông Nguyễn Văn Túc cùng tuyệt thực phản đối sự đối đãi tàn tệ trong trại giam này. Đã hơn 2 tuần lễ của cuộc tuyệt thực này diễn ra – điều cùng cục mà những người tù nhân lớn tuổi này quyết phải làm – là bởi họ đã yêu cầu, kêu gọi bằng tiếng nói con người.
Mùa hè ở Nghệ An, nơi những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn 43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt sức nóng. Khi mọi người xin mở quạt, thì giám thị đáp nhanh là "quạt hỏng". Nhưng đó chỉ là một lý do để không cải thiện tình hình, kéo dài sự hành hạ mà mục đích là bóp chết dần sức sống của những tù nhân bệnh tật và cao tuổi.
Tù nhân lương tâm Trương Minh Đức Courtesy of Duc Minh Truong
Câu chuyện của tù nhân Trương Minh Đức, Đào Quang Thực và Nguyễn Văn Túc chỉ là một góc nhỏ của nấm mồ khồng lồ mang tên trại giam, trại cải tạo dành cho người Việt trên đất nước hiện nay.
Đã có quá nhiều câu chuyện kể, nối tiếp và kinh hoàng, từ cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, mục sư Tin Lành Ksor Xiem… rồi những người bị tra tấn trong tù một cách tàn bạo như mục sư Nguyễn Công Chính, Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng… Thậm chí những nghi vấn về thức ăn có chủ đích tàn phá sức khỏe người bị giam giữ cũng đã được phát đi từ Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh Duy Thức… khiến lịch sử về nhà tù và thái độ ứng xử của một nhà nước với tù nhân bất đồng chính kiến đã ngày càng được phác thảo rõ hơn.
Và nếu tất cả đang diễn ra đồng bộ mở mọi trại giam, mọi quản giáo và mọi thời điểm, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy đó hoàn toàn có tính hệ thống chứ không thể là của một vài cá nhân có thói quen tàn bạo – như kiểu Thượng tướng Lê Quý Vương từng trả lời trước Liên Hợp Quốc về công ước chống tra tấn, vào tháng 11/2018, là có sai lầm của một vài cá nhân cán bộ.
Không chỉ trong nhà giam, mà cách hành xử bên ngoài với dân thường ở các trại tạm giam, nhục hình điều tra, thậm chí khi không có lệnh khởi tố… cũng là những hình ảnh khác nhức nhối về một nhà nước Việt Nam tự ứng cử vào ghế Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngay cả với câu trả lời các sai lầm thuộc về cá nhân cán bộ - người ta phải tự đặt câu hỏi, vì sao ngành công an Việt Nam – đặc biệt là trong trại giam lại tuyển dụng nhiều kiểu người tàn bạo và phi nhân tính như vậy ?
Có rất nhiều thứ để người ta phải ngẫm nghĩ về đạo đức của một nhà cầm quyền, dẫu đó là loại đạo đức giả hiệu. Từ sau năm 1989 đến nay, thế giới vẫn chưa bao giờ ngừng thu thập các tài liệu về các vụ tra tấn thể chất và chà đạp tinh thần con người trong các nhà tù cộng sản ở Ba Lan, Đức, Romania, Nga… những kẻ thi hành nhiệm vụ cho đến những kẻ ra lệnh vẫn luôn được gọi tên và đưa ra xét xử. Nhưng điểm chung của tất cả các trại giam và phạm nhân chính trị ấy đều có chung một đặc điểm là một bên thì cố bẻ gãy ý chí, thậm chí bào mòn sức sống của tù nhân bằng mọi cách. Một bên thì cố giữ lại phần nhân tính của mình để dành lại cho quê hương mai sau không còn cộng sản – mà điều ấy chắc chắn sẽ đến. Nột bật hơn hết, là trò kỳ quái, khi đã kết án, các trại giam và các quản giáo xay thịt luôn buộc các phạm nhân phải viết bản nhận tội và tự thú thành khẩn trong những năm tháng bị giam hãm.
Nhiều ví dụ ở Việt Nam cũng đang cho thấy điều đó, tương tự.
Khi bạn đọc được những dòng chữ này. Ở Việt Nam, vẫn còn ai đó đang tuyệt thực. Vẫn có ai đó đang bị chà đạp tinh thần hay thân thể trong các trại giam. Và ở đâu đó, vẫn còn những con người Việt Nam luôn muốn sống với luật pháp, với tư duy văn minh và đòi một làn gió cho mình, bất chấp nhà cầm quyền có thể chối bỏ hay che lấp những số phận đó.
Nếu bạn là yêu sự công bằng. Yêu sự tồn tại đường hoàng của con cái mình trong tương lai, ở một quốc gia tiến bộ và có quyền con người, bạn cần lắng nghe thấy họ, và lên tiếng cho những người như ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Binh, Nguyễn Trung Tôn, Trần Hoàng Phúc, Phan kim Khánh… rất nhiều ở Việt Nam lúc này, không thể kế hết. Bạn cần lên tiếng cho những con người đang chịu tù đày – dù đúng hay sai đi nữa – vì nơi đó không phải là để dành cho việc hủy diệt nhân tính.
Bạn hãy lên tiếng, kể cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 23/06/2019
Nhân lễ Phật Đản (2563), Tăng đoàn của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất gửi thông điệp đến nhà cầm quyền Việt Nam
Nhân mùa Phật Đản 2019, Phật Lịch 2563, đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Thống Nhất đã phát đi thông điệp, gồm 5 điểm chính đến nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đại lễ đã diễn ra tại chùa Phước Bửu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào đêm 18-5-2019, nhằm 14 tháng Tư âm lịch với sự chứng kiến của đông đảo tín hữu đến tham dự.
Hình minh họa : lễ Phật Đản tại chùa Phước Bửu ở Vũng Tàu hôm 18/5/2019 - Photo by blogger Tuấn Khanh
Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, Phó Tổng vụ trưởng tổng Vụ Cư sĩ Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đại lễ đã diễn ra trang nghiêm với lòng hướng Phật, cũng như thành tâm phát nguyện lên tiếng cho đất nước, dân tộc hôm nay, với 5 điểm sau đây :
1. An ninh quốc phòng và vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải đang bị uy hiếp, phải nhờ vào sức mạnh toàn quân, toàn dân mới có thể đương đầu.
2. Hãy trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm, họ chỉ vì yêu Tổ quốc và lên tiếng đòi công bằng cho người dân mà bị tù đày, lao lý.
3. Hãy phổ biến ý thức, đặt sự sống còn của Tổ quốc và dân tộc lên trên mọi ý thức hệ cục bộ Xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng ý kiến trung thực, xây dựng của nhân dân.
4. Can đảm và cấp thời cải tổ thể chế chính trị sâu rộng, từ thể chế độc đảng, sang thể chế chính trị đa đảng, đa nguyên, tam quyền phân lập, để toàn dân và các thành phần dân tộc có thể tham gia, cùng chung sức cứu nguy Tổ quốc.
5. Hãy về với dân để sống an vui, hạnh phúc với gia đình. Xa dân, ghét dân thì chết, cửa nhà tan nát, tài sản bị tịch thu, trưng dụng.
Trong diễn văn tại đại lễ, hòa thượng Thích Vĩnh Phước có nhắc đến thông bạch của Đức Thượng Thủ Thích Thiện Hạnh kêu gọi đến tất cả những Phật tử Việt Nam rằng "Phật giáo có mặt trên quê hương Việt Nam đã hơn hai nghìn năm lịch sử truyền thừa và phát triển, mà Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là biểu tượng lịch sử truyền thừa, mục tiêu duy nhất, tạo dựng an lạc, hạnh phúc đích thực cho nhân loại, chúng sinh. Trong quá trình lịch sử dài lâu, giáo lý Đức Phật đã thấm sâu, in đậm vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân tộc, gắn bó cùng dân tộc qua mọi thăng trầm, vinh nhục của Tổ quốc". Chính vì vậy, thăng trầm của dân tộc và đất nước, người Phật tử chân chính không thể bàng quan, mũ ni che tai, không thể an phận lo riêng cho đời mình.
Tại buổi lễ, lời của Đức Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất có đoạn : "Trong hiện tình của đất nước hiện tại, với những tà tín tà ngụy mê hoặc nhân tâm, với những tranh chấp quyền lợi kinh tế, chính trị, có nguy cơ dẫn đại khối dân tộc đến những thiên tai nhân họa khôn lường, khiến cho lòng người điên đảo, nhân tâm ly tán ; trong hiện tình đó, một phần các cộng đồng đệ tử Phật tự biến thái để trở thành công cụ thống trị của thế gian, đuổi bắt những giá trị kinh tế và xã hội thấp hèn, phần khác tương tranh nội bộ vì những giá trị phù phiếm, vì những địa vị hư ảo không có thực, khiến cho những người chưa có tín tâm thì không thể thấy nơi đây có giá trị thiết thực để khởi tín tâm, và những người đã có tín tâm thì bị mất hướng và thoái thất".
Được biết, không chỉ riêng chùa Phước Bửu, mà hầu hết các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất còn hoạt động ở khắp Việt Nam, cũng như các tăng ni, Phật tử có liên quan, cũng đều truyền đi thông điệp 5 điểm và lời của Đức Tăng thống Thích Quảng Độ trong mùa Phật đản 2019.
Ngay lúc diễn văn của hòa thượng Thích Vĩnh Phước chưa kết thúc, khắp trong viên chùa Phước Bửu đã xuất hiện hàng chục an ninh thường phục với sự căng thẳng, thăm dò lẫn khiêu khích. Tuy vậy, đại lễ đã diễn ra trọn vẹn. Suốt hơn 3 giờ đồng hồ (từ 7g30 cho đến hơn 10g30 tối) không khí đông đúc và oi bức của tháng 5, đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Phía đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng ghi nhận thiện chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc tôn trọng toàn bộ tiến trình của đại lễ.
Được biết, cũng trong ngày 18/5, chùa Phước Bửu cũng đã phát đi hàng trăm phần quà cho người nghèo trong vùng và đặc biệt chuyển đến cho các gia đình tù nhân lương tâm, hay những người đang bị nhà cầm quyền cầm giữ không theo luật pháp như gia đình của tù nhân Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Ngọc Ánh, Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Trần Phương… "Phụng sự chúng sanh theo lời Đức Phật, không chỉ riêng cho người nghèo khó, mà còn phải nghĩ đến và đứng cùng cả những người yêu nước đang lâm hoạn nạn. Đó là những con người cao quý vì biết đặt quyền lợi của tổ quốc, dân tộc lên trên quyền lợi nhỏ bé của bản thân", hòa thượng Thích Vĩnh Phước gửi lời đến từng gia đình như vậy.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 19/05/2019 (tuankhanh's blog)
Từ tháng 6/2019, hy vọng rằng dân cư mạng vẫn còn thấy được thường xuyên chương trình Hội luận Cà Phê Đá, với hình ảnh đã trở nên quen thuộc lâu nay.
Công việc truyền thông, phụng sự cho những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cũng được nhiều người đặt dấu hỏi về việc có thể tồn tại lâu dài hay không ở Dòng Chúa Cứu Thế.
Đây là một trong những chương trình vlog có hàng chục ngàn người Việt trên toàn thế giới đón coi mỗi sáng thứ Hai, xuất hiện tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn. Câu chuyện thời sự hàng tuần của đất nước, được hai linh mục Lê Ngọc Thanh và Trương Hoàng Vũ dẫn dắt, đã kiên trì mở ra nhiều góc tối của xã hội, lên tiếng cho tù nhân lương tâm và dân oan, trình bày quyền con người và luật pháp hiện hành.
Nhìn thoáng qua, Hội luận Cà Phê Đá giống như các cuộc tán gẫu thời sự, thế nhưng trong một thời gian ngắn, chương trình này đã trở thành điểm tựa cho nhiều người đang sống trong một đất nước đầy sự vô pháp, thất nhân tâm… Chương trình làm người xem thương mến, bởi họ vẫn còn tìm thấy những tiếng nói chân thành, kêu gọi sự minh bạch cho đất nước, cho số phận con người. Đã từng có lời bình luận của người xem, nói rằng Hội luận Cà Phê Đá giống như giờ thời sự định kỳ của đài truyền hình phía tự do ngôn luận, chương trình truyền hình thật sự của nhân dân.
Dĩ nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó. Bên cạnh những lời cỗ vũ và chờ đón dành cho chương trình này, cũng có những sự căm ghét và những âm mưu từ kẻ có quyền.
Mới đây, có lệnh thuyên chuyển nhiệm sở đối với linh mục Lê Ngọc Thanh và Trương Hoàng Vũ, cho thấy linh mục Thanh phải về Vĩnh Long, còn linh mục Vũ sẽ phải đến Cần Giờ. Như vậy, từ cuối tháng 5/2019, dù có cố gắng nối tiếp, nhưng vlog Hội luận Cà Phê Đá ắt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Công việc mới bận rộn ập đến với từng linh mục, và quan trọng là họ phải rời trung tâm Sài Gòn, nơi tiếp nhận không ngừng hơi thở sự sống, vốn luôn bị bịt chặt các phần sống động nhất trên các trang báo của Nhà nước.
Từ năm ngoái, 3 vấn đề lớn mà vlog Hội luận Cà Phê Đá đặt ra, làm nhức nhối những kẻ muốn bưng bít thông tin tại Việt Nam là vấn đề bắt bớ, giam giữ, kết án, bỏ tù một cách quái dị đối với những người yêu nước đã xuống đường từ ngày 10 tháng 6, năm 2018 để chống luật an ninh mạng, chống luật đặc khu nhượng địa cho Trung Quốc. Kế đến là vấn đề Luật an ninh mạng và tuờng trình các diễn biến quanh vụ cướp đất ở Vườn rau Lộc Hưng.
Nhưng đến sự kiện Vườn rau Lộc Hưng, không chỉ vlog Hội luận Cà Phê Đá có vai trò mở đường đưa ra các lời tố cáo, vạch trần sự lừa dối và trắng trợn của chính quyền quận Tân Bình, mà người ta còn thấy chương trình này đã tạo ra niềm cảm hứng cũng như khởi động sức mạnh truyền thông của giáo dân Công giáo. Thậm chí, chương trình này từ khi ra mắt, cũng tạo cảm hứng cho giới tự do tín ngưỡng ở Việt Nam trong việc gầy dựng truyền thông cho mình. Từ đầu năm 2019 đến nay, việc xuất hiện các vlog ngắn tường trình hay livestream của các phái Cao Đài Chơn Truyền, Hòa Hảo Thuần Túy, và kể cả Phật giáo Thống Nhất… đã trở nên nhiều hơn. Thậm chí trong các chứng cứ thu thập cho phúc trình của Ủy ban Tự do tôn giáo của Hoa Kỳ (USCIRF) năm 2019 về Việt Nam, có cả các video về người H’mong theo đạo Tin Lành gửi đến – điều mà trước nay vô cùng hiếm hoi.
Đã có nhiều lời đồn đoán về nhà cầm quyền tác động đến việc thuyên chuyển của các linh mục. Nhưng nói trên trang cá nhân của mình, linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng nhiệm kỳ và thuyên chuyển của các linh mục vẫn luôn là nguyên tắc bình thường.
Tuy vậy, với cái nhìn từ bên ngoài, rõ là tiếc nuối, khi những các nguyên tắc đó bắt buộc phải thi hành vào những thời điểm mà các linh mục đang cống hiến tốt nhất, mạnh mẽ nhất khả năng của họ. Và thậm chí cũng bất thường, khi liên hệ đến trường hợp linh mục Nguyễn Duy Tân phải rời bỏ giáo xứ Thọ Hòa để về phụ việc ở công trình Đức Mẹ Núi Cúi, lúc này.
Công việc truyền thông, phụng sự cho những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cũng được nhiều người đặt dấu hỏi về việc có thể tồn tại lâu dài hay không ở Dòng Chúa Cứu Thế. Đặc biệt là vào cuối năm ngoái, khi có tin hành lang rằng nhà cầm quyền muốn chấm dứt việc tập hợp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa như vậy, dù chỉ là giúp đỡ từ thiện. Khi được hỏi về điều này, linh mục Phạm Trung Thành – người từng bị cấm xuất cảnh và nhiều lần bị tra vấn bởi nhà cầm quyền, đã nói rằng ông vẫn làm, và sẽ phải làm cho những con người bị thiệt thòi đó. "Chúng tôi phụng sự Chúa, và đã là việc của Chúa thì không ai có thể cản được", linh mục Phạm Trung Thành nói, cũng trên một vlog của truyền thông Công giáo.
Hội luận Cà Phê Đá sẽ tiếp tục hay tạm dừng ? Khán giả của vlog này nhìn về hiện tại và lo lắng. Nhưng trên thực tế, dù tiếp tục hay tạm dừng, thì chương trình này cũng đã làm được điều tưởng chừng như vô vọng vào những lúc khó khăn nhất : thổi một luồng gió mới đầy cảm hứng về truyền thông tự do, trong một đất nước độc tài kiểm duyệt.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 12/05/2019 (tuankhanh's blog)
Thỉnh thoảng, tôi vẫn hay phải kể lại những câu chuyện về thời người Việt Nam khốn khó, những ngày tháng sau 1975, khi bữa cơm độn với khoai, với trấu. Và thậm chí bữa ăn chỉ toàn là bo bo, một loại thức ăn cho ngựa của Nga sô. Rất nhiều người không biết về giai đoạn đó. Người ta hay dễ quên. Nhất là vào giai đoạn cái ăn cái mặc dễ dàng hơn. Người ta hay quên.
Sách "Những mảnh đời sau song sắt" của Phạm Thanh Nghiên
Cũng như vậy, khi tôi đọc cuốn sách của Phạm Thanh Nghiên - Những mảnh đời sau song sắt – cảm giác lúc đó cũng không khác gì những người trẻ tuổi. Tôi thấy mình dường như cũng đang quên. Cuốn sách kéo giật tôi về hiện thực, rồi nhắc tôi nhớ lại rất nhiều tác phẩm nói về tù ngục và sự cùng quẩn của một con người bị đẩy đến chân tường. Những con người với suy nghĩ bình thường – nhưng chỉ bình thường thôi đã là trọng tội trong chế độ độc tài.
Cuốn sách bắt đầu với ngày 18 tháng 9 năm 2008, vào lúc 9g45 phút sáng. Rất đông công an đã đến bao vây tư gia của mẹ cô Phạm thanh Nghiên, lúc cô Nghiên đang tọa kháng tại phòng khách, phản đối công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi đến chính phủ Trung Quốc vào ngày 14 tháng 9 năm 1958. Chứng cứ để bắt Nghiên, là cô đang ngồi ở phòng khách nhà mình, và có biểu ngữ "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam".
Từ một phụ nữ có tiếng nói khác biệt, Nghiên dần dần trở thành một người tranh đấu cho lẽ phải, giới thiệu về lẽ phải với cả những nhân viên công quyền. Và cô ghi chép lại cả cuộc tranh đấu đó với một thế giới quan hấp dẫn.
Những đoạn đối thoại trong sách, thật sự thú vị. Nó thú vị đến mức khiến người đọc hồi hộp trước những tình huống, và các câu hỏi mà Phạm Thanh Nghiên gặp phải, vì nếu tự đặt mình vào tình huống đó, chưa chắc gì mình đã có được một phản ứng suông sẻ.
Tôi may mắn được được đọc nhiều tác phẩm đối thoại trong nhà tù của cộng sản. Từ Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái (giải thưởng văn học của Việt Nam Cộng Hòa năm 1970) cho đến Số không với vô tận của Arthur Koestler, từ đó, nhận ra rằng những cuộc đối thoại giữa công an viên và tù nhân trong các chế độ cộng sản thay đổi dần qua năm tháng. Từ sự dã man và vô luân lý, họ đi dần qua các thủ thuật tâm lý rồi dẫn đến những kẻ giăng bẫy người tinh khôn, thậm chí điên cuồng săn lùng nhân tính của người đối diện để kết án.
Sách của Phạm Thanh Nghiên cũng vậy, nhưng mở ra một thế giới mới, hiện đại của các nhân viên thẩm vấn của thế kỷ 21. Tất cả mọi thứ là một chuẩn mực mới : thô bỉ hơn, trớ trẽn hơn, kiên nhẫn hơn và xảo quyệt hơn.
Tôi không thể diễn tả hết được cảm giác của mình khi đọc đến đoạn Chiềm (tôi không biết đó là tên thật hay đã được thay đổi), một công an thẩm vấn, tặng cho Phạm Thanh Nghiên cuốn tập nhạc của Trịnh Công Sơn và đề nghị hát cho cô nghe. Chú mục và sự kiện, có thể tưởng rằng đó là một hoạt động đáng mến giữa người và người, nhưng nhìn rộng, sẽ thấy đó chỉ là một bước của trò đặt bẫy cảm giác cũng như nhân đó giới thiệu phần "văn hóa" và "nhân cách" của mình với người đang bị giam cầm.
Trong lời giới thiệu Trại Đầm Đùn, Nhà xuất bản Nguyễn Trãi viết rằng "tai họa bất ngờ không biết đâu mà lường trước được. Miệng cán bộ, miệng đảng viên có gang có thép, họ bắt bẻ, buộc tội như thế nào, tù nhân cũng đành chịu, cán bộ bảo sống là sống, bảo chết là chết, tù nhân không thể nào tránh né được"..
Trong Số không với vô tận, nhân vật Rubashov đã phải chịu liên tục các phiên thẩm vấn đêm, từ hai nhân viên là Ivanov và Gletkin. Trong đó có một người từng là đồng chí của Rubashov – để nhằm dễ luồn và tâm lý và khai thác.
Những gì Phạm Thanh Nghiên chịu đựng trong tù là tổng hợp cả những điều ấy. Vì các thẩm vấn viên giỏi chuyển mình như thể là những người am hiểu và chia sẻ tính cách, suy nghĩ của cô, nhưng bất kỳ giờ nào họ cũng trở thành "có gang có thép" và trở thành phán quan.
Nhưng có lẽ, cuốn sách của Nghiên là cuốn sách đầu tiên của một phụ nữ nói về nhà tù và hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của những người phụ nữ khác. Cuốn sách chân thật đến nỗi, người ta có thể cảm nhận được mùi của phòng giam tổng hòa thức ăn và hố xí kề bên. Nó gai góc và rõ nét đến mức ngang hàng với một hồ sơ tố cáo.
Nhưng Phạm Thanh Nghiên viết ra không để hù dọa những ai đang dám cất lên tiếng nói của mình mà giới thiệu rõ phía bên kia của bóng tối là gì. Nghiên viết không phải để làm nhụt chí những ai có lẽ sống như mình, mà viết như một chứng thực rằng với sự thật và niềm tin, cô đã đi qua những nơi đó, và bất kỳ ai cũng có thể.
Hơn cả đáng quý, đây là một cuốn sách chân thật và hiếm hoi, cho tôi và cho bạn.
Khác với miếng cơm độn hôm qua, bọn trẻ hay chúng ta có thể quên, nhưng sự phi nhân tính và bóp nghẹt quyền được nói trong cuộc sống, là điều buộc chúng ta phải nhớ, phải đòi quyền thanh tẩy. Sách sẽ luôn nhắc tôi và bạn về điều đó.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 25/04/2019 (tuankhanh's blog)
--------------------
TB : Trong sự kiện hàng trăm người dân Vườn Rau Lộc Hưng bị rơi vào cảnh khốn khó. Phạm Thanh Nghiên đã quyết định dành trọn số tiền bán sách có được, để giúp cho người dân ở đây (mà chính cô cũng là một nạn nhân). Sách bán được đợt 1 (46 triệu) và đợt 2 (28 triệu) đã trao tặng cho trẻ em và gia đình những nạn nhân Vườn Rau Lộc Hưng, thông qua linh mục Nguyễn Duy Tân.
Lúc này, Phạm Thanh Nghiên dự định dành 100 bản in cuối để gây quỹ cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng, hiện đang rất bức thiết. Xin mời bạn góp tay cho quỹ này.
--------------------
Hướng dẫn mua sách : Giá sách là 200.000 VND/cuốn. Bạn gửi tiền mua sách về tài khoản của linh mục Nguyễn Duy Tân (giáo xứ Thọ Hòa, Long Khánh, Đồng Nai).
Dưới đây là thông tin tài khoản :
Nguyen Duy Tan Ngân hàng Agribank, chi nhánh Long Khánh
Số tài khoản : 590 620 522 4304
Sau đó, bạn gửi thông tin cho chúng tôi (những người đăng bài giới thiệu, quảng bá cuốn sách). Thông tin gồm : Tên người nhận + Địa chỉ nhận sách + Số lượng + Số điện thoại di động + Đính kèm biên lai chuyển tiền hoặc tên người chuyển tiền. Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ chuyển sách cho bạn. Xin cám ơn.
Cách đây hai năm, có 3 người phụ nữ đến trước cửa trường Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức tìm cách giơ khẩu hiệu để yêu cầu nhà trường phải có tiếng nói với vụ ấu dâm xảy ra một bé gái học lớp 1, mà nơi đó có những dấu hiệu bao che tội phạm.
Cách đây hai năm, có 3 người phụ nữ đến trước cửa trường Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức tìm cách giơ khẩu hiệu để yêu cầu nhà trường phải có tiếng nói với vụ ấu dâm
Đó là ngày 16 tháng 3, năm 2017. Một ngày thật khó quên đối với 3 người phụ nữ là Nguyễn Thị Bích Ngà, Lê Thúy Bảo Nhi và Nguyễn Thanh Loan. Những người phụ nữ này không bao giờ tưởng tượng được rằng việc đòi hỏi sự thật và thực thi công lý cho một bé gái bị xâm hại, đã khiến công an phường Linh Đông - quận Thủ Đức dùng hàng chục an ninh thường phục, dân phòng và cả cảnh sát địa phương và giao thông chặn bắt và hành hung dã man. Một trong ba người phụ nữ đó phải đi cấp cứu vi chấn thương đầu.
Trong cuộc bắt bớ và điều tra rầm rộ đến man rợ đó, công an đã chất vấn những người phụ nữ này rằng "Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng". Loại câu hỏi như vậy vẫn thường được thấy trong các vụ bắt giữ và điều tra khi người dân vì ý chí muốn lên tiếng cho cộng đồng, vì những giá trị chung.
Giống như kiểu nhà cầm quyền muốn tách từng chiếc đũa ra khỏi bó đũa nguyên khí Việt. Những chiếc đũa bị tách ra và âm mưu bẽ gãy, là những chiếc đũa đạo đức cá nhân, tình đồng bào và ý chí công dân trong một quốc gia. Những người phụ nữ ấy bị đàn áp bởi loại chủ trương muốn con người Việt co cụm và hèn nhát. Chủ trương âm mưu muốn con người Việt Nam sống chết mặc bây, dễ bảo. Và như vậy, đất nước và con người Việt Nam thật dễ kiểm soát.
Lần này, những việc thô bỉ như chặn bắt, điều tra đánh đập người phản ứng với nạn ấu dâm đã không thể diễn ra như hai năm trước được nữa.
Có thể âm mưu đó thành công trong một giai đoạn, vì có không ít người đã cảm thấy sợ hãi, và tự dặn mình rằng chuyện xã hội không còn là chuyện của mình. "Lo làm ăn đi", lời đe dọa quen thuộc này vang lên ở rất nhiều nơi. Người Việt được gợi ý rằng phần tự do nhất của họ hôm nay là "làm" và "ăn". Còn suy nghĩ là chuyện của người có quyền.
Năm 2018, một vụ ấu dâm điển hình khác ở chung cư Lakeside, Vũng Tàu, đã bị công luận gây áp lực đến mức thủ phạm bị xử 3 năm tù giam. Sự kiện này là một nấc thang mới về mặt dân quyền, khi dân chúng quá tức giận, sau vụ tình nghi bao che thủ phạm là người nhà "ai đó" ở Thủ Đức, thì đến nhân vật NKT ở Vũng Tàu bị tố cáo, là đảng viên lão thành và là cựu quan chức của bộ máy chính quyền.
Vấn đề được liên tục bàn tán trên các trang mạng, là chính quyền sẽ bao che đảng viên của mình như thế nào đây ? Vụ án xử NKT thật nhọc nhằn, dằng dai đến mức luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân phải gửi thư kêu cứu lên thủ tướng và tổ chức Unicef tại Việt Nam. Cuối cùng khi có kết quả giơ cao đánh khẽ, thủ phạm đã tức giận đến mức đốt thẻ đảng của mình, như một lời trách cứ rằng vì sao có hồng bài ấy, mà đảng vẫn không cứu nỗi ông ta.
Có thể cũng có người muốn cứu ông ta, nhưng ý chí khát khao công lý của đám đông không chịu khuất phục trước mờ ám và công lý lụn bại đã dẫn đường đến một happy-end. Người mẹ trong vụ án đó cũng có một ý chí kiên cường, khi chấp nhận mọi thứ, để sau mình, không còn mây đen trên những mái đầu trẻ thơ, nơi bà đang sống.
Năm 2019, sự kiện đình đám là vụ ông Nguyễn Hữu Linh, Viện phó Viện kiểm sát Thành phố Đà Nẵng không chối được chứng cứ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4, Sài Gòn. Nhưng có vẻ như một lần nữa, việc xử tội một đảng viên cao cấp – một giai cấp đặc biệt ở Việt Nam - là điều thật khó.
Lần này, những việc thô bỉ như chặn bắt, điều tra đánh đập người phản ứng với nạn ấu dâm đã không thể diễn ra như hai năm trước được nữa. Nhưng việc lần lữa, tìm phương cách "tốt nhất" cho vụ án này diễn ra không chỉ ở các tin tức giả được tổ chức trên mạng, bao gồm cả hành động trong giới cầm quyền và tư pháp.
Mới đây, một thẩm phán hiện đang làm việc cho nhà nước, đã từng khẳng định với tôi rằng "sẽ không thể bắt tội được Nguyễn Hữu Linh. Vì dù có hành động nhưng không có cách nào chứng minh được ý chí của Linh là ấu dâm, và đó chỉ là âu yếm trẻ em". Thậm chí ông ta còn nói rằng đã có những luật sư liên hệ với gia đình của ông Linh, tự tin rằng họ nắm chắc phần thắng trong vụ bảo vệ ông Linh, thậm chí sẽ kiện ngược gia đình nạn nhân.
Ý chí – phần mà khoa học A.I ở các quốc gia tiên tiến nhất vẫn chưa dám áp dụng để đưa vào nền tư pháp, nhưng ở Việt Nam, các tội danh "tuyên truyền để chống chế độ", "âm mưu lật đổ" vẫn sàm sỡ kết tội con người hàng ngày. Thậm chí, 12 bạn trẻ ở Biên Hòa bị 10 tháng tù do biểu tình chống Luật đặc khu, bởi bị xét về ý chí là họ muốn "gây rối trật tự công cộng".
Và trong vụ án của ông Linh, ý chí đã được nhắc đến như giải pháp có thể cứu nguy, giới thiệu sự trong trắng của một đảng viên cao cấp.
Sự va chạm ý chí vẫn đang diễn ra từng ngày. Sự va chạm nảy lửa giữa người dân Việt Nam khát khao một đất nước tốt đẹp hơn, ít đồi bại hơn, ít quyền lực bao che… như đang chất vấn nhà cầm quyền – một dấu hỏi về khả năng có còn xứng cho việc cầm quyền hay không.
Người ta vẫn nhắc nhau từng ngày về việc trì hoãn khởi tố thủ phạm Nguyễn Hữu Linh. Dân chúng có đủ mọi cách để nhắc : bằng các lời bình trên mạng, bằng cách đến trước cửa nhà thủ phạm để selfie và căng biểu ngữ tố cáo. Những cây bút của nhà nước được chỉ đạo phản ứng bằng cách lên giọng chỉ trích những hành động như vậy, là vô đạo đức.
Nhưng ngay cả trong hành động bị gọi là "vô đạo đức" ấy để nhằm nhắc về một thủ phạm ấu dâm đang bình yên bất thường trước các chứng cứ, những con người ấy đang chịu hy sinh phần mình, để bày tỏ một ý chí phế truất bộ mặt đạo đức giả của nhà cầm quyền, đang tỏ ra không quyết liệt trước tội ác.
Đó là ý chí của một dân tộc, đầy thông minh và không cam chịu trước bất công và cường quyền. Hãy nhớ, khi những công dân dám hy sinh những vấn đề cá nhân của mình cho ý nghĩa chung của xã hội, thì đó cũng là lúc một xã hội mới khỏe mạnh đang hình thành, vận động vì ý nghĩa của từng cá nhân.
Từ những người phụ nữ bị đánh đập hôm qua ở Thủ Đức, cho đến những bạn trẻ vô danh hôm nay hành động trước căn nhà số 30 ở Đà Nẳng, cho đến những chiếc áo lẻ loi phản đối, xuất hiện trên đường phố. Tất cả, tôi thấy mình mang ơn ý chí của các bạn.
Nguồn : RFA, 18/04/2019 (tuankhanh's blog)
Trong những ngày này, trên các trang mạng đang lan truyền các bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa được dùng trong sách giáo khoa, được cho là nằm trong tập Tiếng Việt và Toán lớp 2, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, dùng cho học sinh toàn Việt Nam.
Hình minh họa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa và bài thơ trong sách học của học sinh - Courtesy of FB, RFA edit
Cảm xúc hay tuyên truyền ?
Nhưng rồi đọc những vần thơ của ông Trần Đăng Khoa trên sách giáo khoa ấy, thật sửng sốt, và hơn nữa, "thơ" lại còn giúp mở ra những điều nghi hoặc về một vùng tối trong lịch sử cách mạng.
"Bệnh viện vừa truy điệu bác chiều nay
Nhưng bác chỉ yên nghỉ ban ngày
Chứ ban đêm là bác rời linh cửu
Bác chào chú lính gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ em
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện"
(trích)
Trích trang sách học có thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa Courtesy of FB, blogger Tuấn Khanh
Những câu văn tuyên truyền vặt và nhảm nhí như vậy được đưa vào sách giáo khoa, đem lại một cảm giác đau đớn cho các thế hệ sau của Việt Nam, những đứa trẻ bị tù đày trong cái gọi là "trí tuệ xã hội chủ nghĩa" như vậy. Thật đáng thương.
Đọc thơ, lại dấy lên một nghi vấn về một vụ lobby tinh thần chính trị, được dựng lên để mê mị người dân miền Bắc trong những ngày tháng bị dẫn dắt vào cuộc chiến tranh thống khổ. Thậm chí, "thần đồng" có thể là một nghi án về văn chương, cần được thảo luận rộng rãi để làm rõ hơn.
Một nền giáo dục nát, và cả những con người nhân danh giá trị giáo dục, cũng nát – đang hiện rõ từ sách giáo khoa của con trẻ Việt Nam như vậy.
Ký ức có màu gì ?
Nhưng có vẻ chạm vào thơ của Trần Đăng Khoa, là chạm vào ký ức của rất nhiều người miền Bắc đã từng sống ở đó trước tháng 4/1975. Cũng có một ít người công khai lên tiếng phản đối việc tôi bất bình với sách giáo khoa và giá trị "thần đồng" của ông được dùng trong sách, mà danh hiệu ấy vốn được chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên tặng rất trân trọng trong thời mở cuộc chiến vào miền Nam.
Ký ức của chúng ta luôn đẹp. Nhưng đôi lúc, ký ức chất chứa các giá trị được giảng rao vào lúc tri thức và thông tin khó khăn, khan hiếm, rồi cũng đến lúc chúng tự thú về các giá trị mang tính tạm dung - chuyên chở trong một giai đoạn.
Sự phản đối từ cách rất trí thức cũng như vô học của các ý kiến, cho thấy sự khác biệt văn hóa và tư duy rất lớn của 2 bên vĩ tuyến 17.
Miền Nam, nếu có ai đó đó đòi xét lại giá trị nghệ thuật của Nguyễn Du, điều đó sẽ mở ra những cuộc tranh cãi mang tính tri thức chứ không phải là việc giành giật cho những điều được ấn định trong tư duy, nhất định không thể thay đổi. Dù không có ý phân biệt vùng miền, hay kỳ thị, nhưng tôi nhận ra rằng không ít những anh chị bạn bè ở phía Bắc không dám thay đổi những giá trị trong ký ức mà họ đã được giáo dục, hay tệ hơn là những trường hợp từng bị gọi là nhồi sọ.
Người miền Nam có thể rất thích âm nhạc Trịnh Công Sơn nhưng đồng thời cũng có thể chỉ ra bất kỳ bài hát nào đó của ông để chê trách không tiếc lời. Thậm chí những quan điểm không đánh giá cao Truyện Kiều của Nguyễn Du hay Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh đều được trao đổi, chia sẻ một cách hết sức bình thường.
Dĩ nhiên, đó là nói về công chúng và giới trí thức thừa hưởng tinh thần dân chủ và tự do ngôn luận được thừa hưởng từ 2 nền Cộng hòa của chính quyền miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Còn về giới trí thức đã quen o ép trong khung tư duy của chế độ độc tài thì không cần phải bàn.
Riêng về trường hợp của thần đồng Trần Đăng Khoa, cũng có rất nhiều lời xì xầm và chuyện những bài thơ xuất sắc của ông đã nhận được sự chỉnh sửa của nhà thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên, vốn là những bậc thầy về ngôn ngữ mà mục đích để tạo dựng một điểm tựa văn hóa tinh thần, và rồi sau đó được sử dụng trong tuyên truyền chính trị rất nhiều.
Dĩ nhiên, lời đồn đãi thì không thể kiểm chứng, nhưng những sự khác biệt cơ bản giữa những bài thơ xuất sắc của ông và những bài thơ thường ngày sau đó khiến cho người ta phải suy nghĩ rất nhiều. Khoảng cách thật xa.
Đặc biệt những giá trị "thần đồng" đó đã không thể nối dài, vào lúc nhà thơ đã trở thành một người chín chắn hơn, nhiều tri thức hơn, và trải đời hơn.
Ký ức thật quan trọng, nhưng ký ức không thể chỉ là bức tranh treo tường đầy màu sắc, mà đôi khi cũng cần được nhìn lại nội dung đó, mảng màu đó mang ý nghĩa gì với đời mình.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 10/04/2019