Giới cầm quyền cho hay Khối Cờ Đỏ do nhân dân "tự động" thành lập để đánh phá những người chống chế độ. Quả thực Việt Nam là một nước dân chủ : ai muốn lập đảng cứ lập, ai muốn biểu tình, cứ tự nhiên.
Người ta ví Đảng Cờ Đỏ với Vệ Binh Đỏ của Tàu. Theo đúng phong tục cái gì có ở Tàu, sẽ có ở Việt Nam.
Đảng Cờ Đỏ Việt Nam giống Vệ Binh Đỏ của Tàu
Nhắc cho các đảng viên Cờ Đỏ một sự kiện lịch sử : Mao thành lập Vệ Binh Đỏ để củng cố quyền lực, nhưng khi đã tàn sát hết các đối thủ và lực lương thù nghịch, Mao sợ nạn kiêu binh, đã quay lại tàn sát bọn Vệ Binh Đỏ cũng tàn bạo không kém.
Mao sáng chế ra Vệ Binh Đỏ sau khi thất bại thê thảm trong kế hoạch Bước Nhẩy Vọt, trên lý thuyết là một cuộc cách mạng canh nông sẽ đưa nước Tàu đến no ấm, phú cường, trên thực tế đã khiến canh nông Trung Hoa phá sản, hàng triệu người chết đói.
Lòng thờ kính lãnh tụ lung lay, có người đã bóng gió chỉ trích. Mao phát động phong trào Vệ Binh Đỏ, trước hết để tiêu diệt những kẻ bị nghi ngờ theo chủ nghĩa xét lại, mặc dù đã theo Mao từ thời Vạn Lý Trường Chinh, sau đó để xóa bỏ văn hóa cổ truyền, đẩy mạnh "cách mạng vô sản".
Vệ Binh Đỏ phát động "Cách Mạng Văn Hóa" mùa hè 1966. Chỉ trong một tháng, 77 ngàn người bị đuổi khỏi nhà, gia sản bị cướp, gần nửa triệu bị đưa đi nông trường, còn ghê rợn hơn vùng kinh tế mới ở Việt Nam, cũng nhập cảng từ Trung Hoa.
Các trí thức, giáo sư, nghệ sĩ, tóm lại, những người biết đọc, biết viết, có khả năng suy nghĩ bị đấu tố, bị tòa án nhân dân kết tội, làm nhục, hành hạ cho đến chết. Hay tự thắt cổ chết.
Vệ Binh Đỏ phát động "Cách Mạng Văn Hóa" mùa hè 1966 : hàng chục triệu người đã bị hành hạ
Những tên sát nhân được đào tạo trong căm thù nhiều khi chỉ mới 12, 13 tuổi. Nhiều người bị chính con cháu của mình đấu tố, khai tử. Những lãnh tụ cao cấp bị nghi ngờ như Lưu Thiếu Kỳ (cựu chủ tịch nước), Bành Đức Hoài (nguyên soái quân đội nhân dân) bị bức tử, Đặng Tiểu Bình bị hành hạ thân tàn ma dại, con trai bị đánh gẫy chân. Vợ Lưu Thiếu Kỳ, cùng với 300 "tên phản động xét lại" bị đấu tố, nhục mạ, gục mặt, quỳ gối trước 300.000 khán giả gào thét man rợ.
Chưa đủ, Mao phát động chiến dịch tiêu diệt Bốn Cái Cũ : phong tục, văn hóa, tập quán, tư tưởng.
Trường học đóng cửa trong hai năm để học sinh đi cứu cách mạng. Hàng trăm ngàn Vệ Binh Đỏ kéo nhau đi đốt sách, đốt thư viện, san bằng những di tích của hàng ngàn năm lịch sử, những kiến trúc cổ xưa, những nơi thờ tự, tất cả những gì liên hệ đến văn hóa cũ.
Những tên sát nhân được đào tạo trong căm thù nhiều khi chỉ mới 12, 13 tuổi.
Khi đã tiêu diệt hoàn toàn đối lập, để vãn hồi trật tự, vì các phe phái vệ binh bắt đầu giết nhau, Mao ra lệnh cho "quân đội nhân dân " thanh toán Vệ Binh Đỏ.
Mười bẩy triệu thanh thiếu niên, trong đó gần 5 triệu vệ binh đỏ bị đày đi nông trường, hàng trăm ngàn bị tra tấn, hành hạ hay bị xử tử.
Vệ Binh Đỏ chấm dứt đầu năm 1968, sau hai năm tàn sát, đốt phá, gây kinh hoàng, nhưng vết thương của xã hội Tàu cho tới nay vẫn chưa lành. Phong hóa Tàu ngày nay bại hoại một phần lớn là hậu quả của "cách mạng văn hóa".
Cộng Sản Việt Nam, trước phong trào chống đối, đem kịch bản kiêu binh ra soạn lại, xúi côn đồ đánh phá những người chống đối, chứng tỏ cái sợ đã đổi bên. Một cách thú nhận lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo hùng hậu không còn hiệu quả nữa.
Các đảng viên Đảng Đỏ hãy biết phương pháp hành động của "cách mạng" : dùng cung để bắn thỏ, khi hết thỏ sẽ bẻ cung. Và hãy nhớ điều này : những người mà các anh đang hung hăng phá phách, hành hạ là những đồng bào còn có lòng với đất nước, tranh đấu cho quyền làm người, muốn đưa dân tộc, trong đó có các anh, ra khỏi thân phận nô lệ. Nhiều Vệ Binh Đỏ đã ân hận cho đến hơi thở cuối cùng.
Từ Thức
Mẹ tôi, em có gặp đâu không ?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông !
(Mắt người Sơn Tây, Quang Dũng)
Thơ Quang Dũng nói về thảm họa chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã dứt, hình ảnh quê hương vẫn vậy.
Lũ đã nhấn chìm hàng trăm ngàn ngôi nhà, ruộng vườn ngập trong nước, vật nuôi bị chết, cuốn trôi, nhà cửa, tải sản đồ dùng bị hỏng hóc
Nước ngập đồng, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn. Xác người lẫn với xác gia súc trôi lềnh bềnh trên sông… Những hình ảnh bi thảm không dám nhìn lâu. Bao nhiêu người chết ? Có ai đếm xác, làm thống kê những người chết ở Việt Nam. Và thống kê kiểu Việt Nam, ai tin nổi ?
Ở một nước bình thường, nhà nước đã công bố quốc tang và đặt các địa phương bão lụt vào tình trạng khẩn cấp, dồn mọi năng lực quốc gia vào việc cứu trợ và phòng ngừa.
Ở Việt Nam, chuyện đầu tiên của các quan chức là phủi tay, trốn tránh trách nhiệm. Như ông chi cục trưởng Cục đê điều thành phố Hà Nội, Đỗ Đức Thịnh : "Dân mình nói là có vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ đê nhưng vỡ đê có kế họach, chứ không phải bất ngờ" (Người Lao Động Online 15/10/2017).
Ông chi cục trưởng không nói, hay không biết, rằng kế hoạch hữu hiệu nhất để vỡ đê là đốn hết cây, phá hết rừng để không còn gì cản nước lũ.
Cũng như cách hữu hiệu nhất để tạo ngập lụt tới cổ trong thành phố, là xây nhà bừa bãi, nhất là các cao ốc, dinh thự, khách sạn lớn không theo một kế hoạch địa ốc nào, ngoài kế hoạch làm giầu.
Nền nhà bằng xi măng cốt sắt, cắm sâu dưới đất, chặn các mạch nước, khiến nước bị ứ đọng, tràn lên mặt đường. Không ngập lụt mới là một phép lạ. Dân lãnh đủ, nhà nước oán trách "trời làm mua lụt mỗi năm".
Còn một kế hoạch khác, dã man hơn : người bạn Trung Quốc xả nước lũ.
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng Lào Cai cho biết : "nguyên nhân lụt lội là do phía thượng, người Trung quốc thông báo có xả lũ do mưa lớn những ngày qua. Vị trí xả lũ cách thành phố Lào Cai khoảng 100 km với lưu lượng xả lũ 25.000 mét khối mỗi giây" khiến nước lũ dâng cao bất ngờ, cuốn trôi nhà cửa, ruộng đồng (Thanh Niên Online, 11/10/2017).
Cứu trợ vô kế hoạch
Tai họa theo kế hoạch, nhưng phòng ngừa vô kế hoạch. Ở những nước khác, người ta thông báo từng giờ, tổ chức di tản để không có người chết, hay số thiệt hại nhân mạng rất nhỏ. Ở Việt Nam, đừng mơ tưởng chuyện phòng ngừa đại quy mô.
Các đài khí tượng làm việc tắc trách, lấy lệ. Chính báo chí "lề phải" than phiền những tin tức khí tượng "nói vậy nhưng không phải vậy", loan báo hết bão nhưng bão gia tăng, nước xuống trong khi nước dâng ngập đồng, cuốn trôi nhà cửa.
Nhiều nơi, dân chúng không tin các đài khí tượng nhà nước nữa, chỉ ngóng cổ trông chờ tin tức các "đài" khí tượng tư nhân, do dân lập ra với những phương thiện thô sơ để giúp nhau, để cứu nhau.
Tai họa có kế hoạch. Cứu trợ là vô kế hoạch. Các bà cán bộ mặc váy, bắt tùy tùng kéo bè đi thăm dân khi nước chỉ tới mắt cá chân, giải thích bởi vì đi gấp quá, không kịp thay quần áo.
Những câu ngớ ngẩn đã nghe hàng trăm lần, có thể cười chơi vài phút, nếu không liên hệ đến tai họa bi thảm của hàng chục, hàng trăm ngàn người.
Phải làm gì, ngoài việc than khóc và phẫn nộ ? Cứu trợ ? Đồng bào trong nước và hải ngoại sẵn sàng… Ai cầm được nước mắt trước cảnh xác trẻ trôi sông ? Nhưng có gì bảo đảm là tiền cứu trợ đến tay đồng bào nạn nhân, hay lại giúp mafia đỏ xây thêm cao ốc, dinh thự ?
Bế tắc. Vấn nạn gì của Việt Nam cũng bế tắc. Như nước cống rãnh trong các thành phố Việt Nam.
Paris, 15/10/2017
Từ Thức
Một buổi sáng chủ nhật, nắng rực rỡ, trời xanh và sạch như thủy tinh, mát mẻ. Y xách chiếc xe gắn máy ra đường, bà vợ chạy theo : "Anh phơi đầu trần, lại đau cho mà coi". Bà vợ cằn cỗi, nhăn nhó mọi ngày, dịu dàng chụp lên đầu y cái mũ vải, với nụ cười thật tươi. Y bắt gặp nụ cười đám cưới năm nào.
Y buột miệng "cám ơn em", ngạc nhiên không biết ba chữ rất lạ, kỳ cục ấy, không biết ở đâu rơi xuống. Bình thường, người ta chỉ dấm dẳn, gây gổ, cằn nhằn, đay nghiến nhau về chuyện tiền bạc, ăn uống. Đề tài trao đổi luẩn quẩn chung quanh cái dạ dầy. Những lời âu yếm, những câu tử tế nó trốn đâu đó, sâu trong tiềm thức, hôm nay tự nhiên bò ra.
Y cao hứng, huýt sáo một bản nhạc vàng tình tứ, tưởng đã quên, lơ đãng vượt qua đèn đỏ, ở một ngã tư.
Một viên cảnh sát giao thông dơ tay chặn y lại.
Y ngừng xe, lập cập kiếm giấy tờ, lập cập vuốt thẳng mấy tờ giấy bạc vợ đưa cho, để đong gạo và mua chai nước mắm, kẹp vào giữa mớ giấy tờ. Đau xót, giã từ tờ giấy bạc.
Viên cảnh sát trẻ đưa tay lên trán, lễ phép chào y, như cảnh sát Tây chào dân, trên TV.
Anh ta coi giấy tờ, đưa lại y mấy tờ giấy bạc : Tiền bạc, coi chừng. Để lung tung, rơi mất lúc nào không hay. Và hỏi, thân thiện như một người bạn : anh có biết đã vượt đèn đỏ ?
Bình thường, trước khi thương lượng giá cả với cảnh sát, y chối biến, mang trời đất, thánh thần, Phật Chúa, ra chứng giám cho mình là công dân gương mẫu, không bao giờ vi phạm luật giao thông.
Y ngạc nhiên thấy mình trả lời : Tôi vui quá, không để ý.
Viên cảnh sát trả lại anh giấy tờ, vẫn nụ cười trên môi : Thôi được. Nhưng lần sau, nên cẩn thận. Không nên vui quá, gây tai nạn". Anh lý nhí nói cám ơn. Viên cảnh sát lễ độ giơ tay chào : "Chúc anh một ngày vui".
Y ghé quán phở quen, kêu một ly cà phê đen, không dám nhìn chủ quán. Ông ta vẫn nhăn nhó mỗi lần y tới, chỉ kêu một ly cà phê đen. Y đã nghe nhiều lần ông ta bô bô nói với vợ : ĐM, lại đến ngồi ăn vạ.
Ông chủ quán, bình thường râu ria, tóc tai xồm xoàm, quần áo xốc xếch, dơ bẩn vì bụi và mỡ bò, hôm nay sạch sẽ, sáng sủa như một đồng xu mới, mặt mũi hồng hào, hỏi :
- Hôm nay có thịt tươi, bánh mới. Anh làm một bát nhé ?
Y lúng túng. Y thèm phở, kể cả phở bột ngọt, thịt thiu, bánh vữa, nhưng chỉ uống cà phê để ngửi mùi phở. Ông chủ đi guốc trong bụng khách, tươi cười :
- Đừng ngại chuyện tiền bạc. Hôm nay nhà hàng mời khách. Chỗ anh em với nhau cả.
Y không ngờ ông chủ quán cũng có óc khôi hài. Y đã thấy hai vợ chồng ông ta xỉ vả, xỉa xói một thằng nhỏ đói quá, kêu phở ăn xong mới thú thực không đủ tiền trả. Ông ta đấm mặt nó máu mê đầm đìa, nắm tóc, lôi ra khỏi tiệm, đá đít thằng nhỏ ngã vập đầu trên vỉa hè. Trước sự bàng quan của khách hàng, cúi đầu ăn uống. Không nhìn thấy gì, không nghe gì, không nói gì là nhân sinh quan của dân tộc này.
Ảnh minh họa
Nhưng ông chủ quán không giỡn chơi, ông ta trở lại với một tô phở nóng, thơm ngào ngạt, đặt trên một cái đĩa, rất sang. Rau xanh, ớt đỏ, Y không tưởng tượng nổi người ta có thể trình bày tô phở đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Bình thường, ông chủ quán quẳng một tô phở nước dùng đục ngầu, lổn ngổn những thịt, những mỡ, những bánh phở, trên vành bát còn ấn dấu tay đen thui, đầy mỡ của bà chủ, ông chủ. Như người ta ấn dấu tay làm giấy tờ.
Trong góc cuối tiệm ăn, vài người châu đầu, mắt dán vào màn ảnh TV, coi ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng tuyên bố qua nụ cười nhân hậu, nhưng cương nghị của một lãnh tụ lớn : Để toàn dân góp phần vào việc xây dựng lại đất nước, chống ngoại xâm, đảng cộng sản tuyên bố tự giải tán. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dân chủ đích thực. Ông Trọng nói đất nước là đất nước chung, không phải của một đảng phái nào cả. Bắt trên chín chục triệu người đi theo một đảng mafia là dẫn dận tộc vào tử địa.
Ông Trọng nói đất nước là đất nước chung, không phải của một đảng phái nào cả.
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần thị Nga vừa được trả tự do, vòng hoa quành cổ, vui vẻ trả lời phỏng vấn trước sự reo hò, hoan nghênh của dân chúng hai bên đường. Bộ trưởng nội vụ nói, tay quàng vai Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Đài : Tôi hãnh diện đứng bên cạnh các anh chị. Các anh chị là lương tâm của dân tộc này.
Trên một đài khác, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố cống hiến 95% gia sản khổng lồ của gia đình vào việc chung.
Ông nói : Giống như Bill Gates, Warren Buffet, tôi nghĩ 5% gia sản của mình cũng đủ sống. Phần còn lại xã hội đã cho, tôi trả lại cho xã hội. Quốc gia đang khó khăn, mỗi người phải ghé lưng đóng góp.
Một chủ tịch xã nói : Tôi sẽ mở cửa căn biệt thự 15 phòng, xây được nhờ nuôi heo thối móng tay, lao động và tiết kiệm, cho đồng bào không nhà cửa có nơi trú ngụ.
Một lãnh tụ tối cao tuyên bố sẽ bán ngôi nhà mạ vàng, bàn ghế bằng vàng để xây trường học. Ông nói lãnh tụ không thể nhẫn tâm ngồi ngự trên ghế vàng trong khi giáo chức lãnh lương chết đói, học sinh đu dây, lội suối tới những trường học giột nát.
Một đại gia, không giấu được sự xúc động, đem bán đấu giá chiếc xe Mercedes mới và một trong những biệt thự nguy nga ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, lấy tiền mở một quán cơm miễn phí cho người nghèo, cho trẻ em đói, theo kiểu "Restos du Cœur "của Tây. Ông nói sống xa xỉ giữa cái biển nghèo đói là một điều đáng hổ thẹn, nhưng có gì đáng hãnh diện, vênh váo như ông vẫn sống cho tới hôm nay. Nghĩ lại, ông ta thấy mình trơ trẽn, thô bỉ.
Một cán bộ cao cấp nói, hai mắt ươn ướt : "Trước đây, nhiều đồng bào, vì yêu thương người của Đảng, đã tự hiến nhà cửa, vườn ruộng. Tôi đã bàn với vợ con : chúng tôi xin trả lại tất cả cho nhân dân. Chúng tôi sẽ ống thanh đạm, lấy việc phục vụ dân làm vui".
Kiến trúc sư Khánh Casa sẽ dành những ngày còn lại và gia sản để tranh đấu cho bình đẳng nam nữ, cho nhân phẩm phụ nữ. Ông nói một dân tộc đốn mạt là một dân tộc trong đó người hành hạ người, đàn ông đánh đập đàn bà. Khánh Casa trước đây đã nổi tiếng vì tát tai, đập mặt một nữ nhân viên bán hàng không làm ông hài lòng.
Tại Đồng Tâm, cán bộ, công an cởi trần giúp dân dựng nh, dọn vườn trong không khí của một ngày hội. Không khí của những ngày kháng chiến chống Pháp ngày xưa.
Tin tức các nơi về dồn dập.
Ban quản lý các BOT cho hay đã gỡ các trạm thâu tiền mãi lộ. Thông cáo nói : chúng tôi đã thâu quá số tiền đã bỏ ra kinh doanh, ngày nay đường xá là của dân, của nước.
Người ta biến những trạm thu tiền thành những trạm phân phát đồ giải khát, sách báo cho người lái xe. Đó là những thư viện bỏ túi, người ta đến lấy những cuốn sách người khác tặng, và để lại những cuốn mình đã đọc. Trao đổi kiến thức, gởi nhau những bài thơ, những cái đẹp, những giấc mơ.
Hãng Formosa bị đóng cửa, những người liên hệ các cấp sẽ bị đưa ra xét xử.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức sau khi đã thành khẩn xin lỗi nạn nhân thuốc giả. Các nạn nhân thuốc giả sẽ được nhà nước lo chu đáo. Dân chúng thỉnh cầu bà bộ trưởng ở lại, nhưng bà Tiến nhất dịnh từ chức. "Phục vụ dân phải có tinh thần trách nhiệm, bà nói. Chúng ta sẽ để lại cho lớp trẻ bài học gì, nếu chúng ta trốn tránh trách nhiệm ?".
Hàng hóa độc hại của Tàu bị dân tẩy chay, nhà nước tịch thu, chất như núi ngoài đường, đốt không kịp. Nông dân hân hoan, hết phải đổ xuống sông những hoa quả, rau trái đã đổ mồ hôi sản xuất. Một nông dân nói : sống được bằng ruộng đất, chúng tôi sẽ hết lòng giữ đất. Người Tàu dù tiền rừng, bạc biển cũng không tới đây mua đưọc.
Thủ tướng chính phủ ra đón những chuyến bay đầu tiên tới các nước láng giềng chở về nước phụ nữ Việt bi gởi đi bán dâm. Chính phủ sẽ lo việc huấn nghệ, kiếm công ăn việc làm cho họ. Thủ tướng nói đi tới nước nào cũng thấy đàn bà Việt Nam bán thân để sống là một cái tát vào mặt một dân tộc còn đôi chút tự trọng.
Bộ nội vụ cho hay vừa mở một cơ sở mới, gọi là "Đồ Lượm Được", theo khuôn mẫu "Objets Trouvés" của Tây Mỹ, để thiên hạ mang tới những thứ lỉnh kỉnh, tiền bạc lượm được ngoài đường.
Mới mở cửa, người ta đã xếp hàng dài, mang tới một núi những iPhone, máy hình, máy quay phim, ví tiền. Trong ba tháng, sở hữu chủ có thể tới lấy, nếu không tiền bạc, vật dụng sẽ trao cho những hội đoàn từ thiện mọc ra như nấm ở mỗi góc đường.
Người ta không khỏi nghĩ đến chuyện xẩy ra ở Nhật. Một ông triệu phú vô danh Nhật, nghĩ đã hưởng thụ đủ, muốn có một thú vui khác : tạo thú vui cho người khác. Mỗi ngày, ông ta đặt một phong bì ở một nơi công cộng, tiệm ăn, rạp hát, trên xe đò, xe lửa. Trong mỗi phong bì một số tiền lớn và một câu nhắn : "Hãy thực hiện chuyện bạn vẫn mong muốn ; chúc bạn một ngày vui". Nhiều người mang những phong bì tới nộp cảnh sát, trao tiền cho những văn phòng giữ đồ lượm được.
Tại một công viên, y thấy một nhóm đàn ông ngồi đan áo, cười đùa như vỡ chợ. Đó là những công an, đan áo giúp nạn nhân bão lụt. Một anh nói : bây giờ dân không bị cướp đất, cướp nhà nữa, không còn bạo loạn. Thiên hạ cũng chẳng còn ai ẩu đả nhau. Đạp lên người khác không còn là một thú vui. Trộm cướp không còn. Công an, cảnh sát ngồi chơi cũng chán, phải bày chuyện làm. Có chuyện gì ý nghĩa hơn là giúp đồng bào thiếu may mắn hơn mình ? Chúng tôi khám phá ra mình đan áo không thua gì phụ nữ.
Trong một góc khác ở công viên, những đám học sinh, sinh viên tụ tập, chuẩn bị di cứu lụt miền Trung, cười đùa như vỡ chợ. Những tiệm quần áo H&M, Mango, Gap ngồi vêu chờ khách.
Ngoài biển, Trung Quốc gỡ các dàn khoan và rút khỏi Trường Sa, Hoàng Sa. Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam khuyến cáo Bắc Kinh : toàn dân Việt Nam đoàn kết. Rất khó, nếu không nói không thể, thôn tính một dân tộc đoàn kết, một lòng giữ nước. Cái giá phải trả sẽ rất đắt. Cách hay nhất là đối xử với họ như một quốc gia độc lập, một dân tộc có tư cách, đáng kính trọng. Từ nay, không thể tiếp tục đối xử chính quyền Việt Nam như tôi tớ, phải coi họ như những người có liêm sỉ.
Nguyên bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố bổn phận của quân đội là giữ nước, không phải làm ăn, buôn bán, xây khách sạn, khai thác siêu thị. Ông nói từ nay quân đội sẽ đổ tới giọt máu cuối cùng để giữ từng thước đất của ông cha để lại.
Trước đây, ông Thanh nói "tôi thấy lo lắng lắm, không biết ta tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ tới người già đều có khuynh hướng ghét Trung Quốc. Ai tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó rất nguy hiểm cho dân tộc".
Hôm nay, ông ta không thấy "cái đó" nguy hiểm, trái lại, là cái may mắn, cái hy vọng cuối cùng của dân tộc. Cũng chính ông ta (bộ trưởng quốc phòng !) đã tuyên bố : "quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các mặt đang phát triển tốt đẹp. Chỉ có… vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông", nhưng đó là hôm qua, là chuyện quá khứ.
Quốc hội triệu tập phiên họp khẩn cấp để xét lại những thỏa ước về biên giới, lãnh thổ, những giao kèo bán đảo, bán rừng, thuê đất ký kết với người Trung Hoa. Được dân ca ngợi, bà chủ tịch quốc hội khiêm nhượng trả lời : chúng tôi chỉ làm bổn phận của những người đại diện dân. Lúc nào chúng tôi cũng tự hỏi những người dân cử đã làm gì cho đất nước ?
Khắp nơi, từ Nam ra Bắc, thiên hạ tràn ra đường như trẩy hội. Những thiếu nữ thướt tha trong áo dài muôn mầu bên cạnh những đàn "trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường.
Y ra khỏi tiệm ăn, bụng no, đầu óc thảnh thơi... Y thấy yêu mọi người, muốn ôm hôn bà chủ quán hôi mùi mỡ bò, nước mắm. Nghĩ tới tựa một cuốn sách trước đây không hiểu tại sao bị đốt : "Ở một nơi ai cũng yêu nhau".
Trên lề đường, một bà cụ già muốn qua bên kia nhưng không sao qua được. Mỗi lần đặt chân xuống đường, một biển xe gắn máy tràn tới, như những con quái vật chồm tới, nuốt sống bà già. Y lại gần, nói :
- Để con giúp bác.
Y nắm tay bà già tóc bạc phơ. Cái biển xe gắn máy ngưng lại, ngoan ngoãn nhường cho hai người,một già một trẻ, ung dung qua đường. Người ta có cảm tưởng ở Tokyo giờ tan sở, hàng triệu người ra đường nhưng không ai chen lấn, cãi vã, giành giựt.
Bà già móm mém cám ơn, móm mém hỏi :
- Con là Việt kiều về thăm nhà hả ?
Y nói không phải, và hỏi tại sao. Bà già nói bởi vì ngày nay người trong nước đã quên lễ độ, quên kính trọng người già cả, quên giúp đỡ người khác, quên tử tế, chỉ biết chụp dựt.
Y cười : bác lầm rồi, bác thấy không ?
Bà già cũng cười, nhe hàm răng chỉ còn hai vợ chồng cái răng cửa : "lần đầu, bác thấy vui khi biết mình lầm".
Về nhà, y tưởng lạc vào nhà người khác. Thay vì quần áo, rác rưởi ngổn ngang, một căn phòng gọn ghẽ, ngăn nắp. Và những bình hoa rực rỡ những mầu sắc. Y có lúc đã quên những bông hoa, đã quên tất cả những gì không nhậu được. Cô vợ nói hoa của bà hàng xóm tặng.
- Tưởng bà ấy thù ghét mình sau vụ chửi nhau vì mất gà năm ngoái, ai ngờ bà ấy dễ thương quá.
Y ân hận, nghĩ có lần đã muốn mua thuốc bả chó, lẻn vào trộn vại gạo bà ta để trong bếp :
- Bà ấy vui là phải, cô vợ nói tiếp. Hôm nay đi khám bệnh, không biết có tới lượt mình không, hay lại chờ suốt buổi rồi mang bệnh về. Đã bán sạch đồ đạc trong nhà, nhưng tiền bạc không bằng cái móng chân thiên hạ. Y tá nó cũng không thèm tiếp, nói gì tới bác sĩ. Ai ngờ ai cũng tử tế, tiếp đón niềm nở, khám bịnh tận tình. Đưa tiền, ông bác sĩ cười : đây là nhà thương công, nhà thương của dân, do dân đóng thuế, tiền bạc gì. Cô y tá cũng nhất định từ chối : bác giữ tiền, lo chuyện ăn uống cho đầy đủ, bệnh tật mà thiếu bổ dưỡng là hại lắm.
Y nói thảo nào bà ấy tử tế với mình, nghĩ tới một câu không biết nghe ở đâu nhưng vẫn nghĩ là rởm : hãy tử tế với mọi người, mọi người sẽ tử tế với bạn, cuộc đời sẽ dễ chịu hơn. Xã hội sẽ đáng sống hơn.
Y mở la de, phưỡn bụng coi TV. Ông bộ trưởng giáo dục tuyên bố từ nay trường học sẽ không dạy tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Ông nói dân tộc ta đã trưởng thành. Mỗi người có thể tự suy nghĩ, không cần Bác nghĩ giùm, cái gì cũng phải hỏi bác. Ông nói không thể tưởng tượng một dân tộc 92 triệu người, chỉ có một người suy nghĩ, chỉ có một người có quyền suy nghĩ. Anh nào nghĩ khác là đi ngồi tù, hay bị một đám côn đồ xúm lại đánh hôi, thân tàn ma dại. Sức mạnh của một dân tộc là chất xám. Tiêu diệt chất xám, bỏ tù sự thông minh, giam cầm óc sáng tạo, có dân tộc nào nào đần độn, quái dị đến thế ?
Y đang thú vị với bài diễn văn của ông bộ trưởng thì bị bà vợ đánh thức dậy.
Người đàn bà mặt mũi cằn cỗi như một trái táo khô, cằn nhằn :
- Đéo mẹ, sướng quá nhỉ, nằm ngủ thẳng cẳng, mơ cái gì, hết cười lại vỗ tay như thằng điên. Không dậy đi đong gạo thì tối nay ăn cám à ? (1).
Paris, tháng 9/2017
Từ Thức
(1) Tôi viết bài này, sau khi nghe một ông bạn tâm sự, giữa hai ly rượu đỏ : "tôi mong dân mình được sống như thiên hạ, dù chỉ một ngày".
Nhân dịp các hội đoàn Việt Nam ở Đức xây tượng để tri ân ông Rupert Neudeck, người đã cứu trên 10 ngàn thuyền nhân với chiếc tầu Cap Anamur, cũng nên nhớ tới một chiếc tàu khác, Île de Lumière. Một chiếc tàu Pháp đã cứu hàng chục ngàn boat people khác.
Cái bắt tay lịch sử
Île de Lumière (Đảo Ánh Sáng) cũng tạo ra cái bắt tay lịch sử của hai trí thức, triết gia hàng đầu của Pháp : một của phe tả, Jean-Paul Sartre, một của phe hữu, Raymond Aron. Và làm lung lay, nếu không tan vỡ, giấc mộng thiên đường xã hội chủ nghĩa, thế giới đại đồng của cả một lớp trí thức không tưởng.
Cái bắt tay lịch sử giữa Jean-Paul Sartre và Raymond Aron
Île de Lumière ra đời do sáng kiến của Bernard Kouchner, được gọi là French Doctor, vì đã sáng lập Médecins Sans Frontières, tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới, đưa các y sĩ Pháp đi giúp đỡ nạn nhân chiến tranh hay thiên tai trên khắp thế giới.
Bernard Kouchner, người chủ trương đưa tàu sang cứu thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông
Trí thức Pháp thời đó có một ranh giới không ai muốn, hay có can đảm, vượt qua : tả và hữu
Sartre và Aron chống nhau kịch liệt. Sartre thiên cộng, đã từng nói "những người chống ộng là những con chó" (tout anticommuniste est un chien). Và không lỡ một cơ hội đả kích, miệt thị Aron.
Aron là triết gia, bình luận gia chính trị hiếm hoi đã viết sách báo không ngừng nghỉ, để vạch trần bộ mặt thực của cộng sản, thực chất của chiến tranh Việt Nam, và hiểm họa độc tài toàn trị đe dọa thế giới.
Đó là một thái độ can đảm hiếm có ở một nước, một thời điểm, thiên tả đồng nghĩa với trí thức. Những người chống cộng không dám bày tỏ ý kiến của mình, sợ bị coi là phản động (réactionnaire), chưa nói tới chống cộng kiên trì, với những lập luận sắc bén như Raymond Aron, hay Jean-François Revel. Câu nói quen thuộc của trí thức thời đó : "Thà lầm lẫn với Sartre còn hơn có lý với Aron" (Il vaut mieux avoir tort avec Sartre que raison avec Aron). Đó là cái phi lý của tinh thần mù quáng vì ý thức hệ. Sartre được ngưỡng mộ, Aron bị đả kích, chế nhạo, mặc dù với thời gian, người ta thấy, về chính trị, Sartre lầm từ đầu tới cuối, trong khi Aron có lý trên mọi phương diện. Sartre đã mua chuộc những lầm lẫn của mình bằng một thái độ đáng phục : khi tuổi đã cao, gác bỏ tự ái, đã cùng với Aron gõ cửa chính quyền, kêu gọi cứu giúp khẩn cấp các thuyền nhân Việt Nam
Từ Hải Hồng tới Île de Lumière
Một ngày gần cuối năm 1979, chuyện khó tin nhưng có thực đã xẩy ra : hai ông lãnh tụ trí thức không đội trời chung, Sartre và Aron, ngồi lại với nhau, lên tiếng ủng hô dự án Île de Lumière, kêu gọi dân Pháp mở rộng bàn tay tiếp đón thuyền nhân, nạn nhân của cái mà trước đó những trí thức như Sartre nghĩ là một cuộc giải phóng. Khi quân Khmer Đỏ tiến vào Pnom Penh, tờ báo trí thức thiên tả Le Monde viết : dân chúng chen lấn hai bên đường đón rước.
Thảm trạng của boat people trên chiếc thuyền Hải Hồng trên màn ảnh truyền hình đã làm họ tỉnh ngủ.
Hình ảnh lạ hơn nữa là Sartre cùng với Aron vào điện Elysée, yêu cầu tổng thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp.
Sartre là một trí thức anarchiste, không nhìn nhận nhà cầm quyền, hay những cơ cấu của xã hội trưởng giả, đã từng từ chối giải Nobel Văn chương.
Nước Pháp còn là nơi tiếng nói của những trí thức lớn có ảnh hưởng đáng kể. Việc Sartre cùng với Aron vào Dinh tổng thống kêu gọi giúp boat people gây mộ tiếng vang lớn trong dư luận.
Tổng thống Giscard d’Estaing chấp thuận, dân chúng vui lòng đón tiếp và tận tình giúp đỡ trên 128. 000 thuyền nhân, chỉ trong những năm đầu, trong đó nhiều người đã được tàu Île de Lumière cứu vớt ngoài khơi.
Nên nhớ lúc đó kinh tế Pháp đang kiệt quệ. Chính phủ Pháp đã quyết định ngưng nhận di dân. Việc đón tiếp, giúp đỡ, cấp giấy cư trú và giấy phép hành nghề dễ dàng cho hàng trăm ngàn boat people đi ngược lại chích sách nhà nước đã được dân Pháp ủng hộ. Hầu như không có một phản ứng tiêu cực nào, tại một xứ chia làm hai : cái gì phe tả cho là tốt, phe hữu cho là xấu. Hay ngược lại.
Là sáng kiến của Bernard Kouchner, dự án Một con tàu cho Việt Nam được sự ủng hộ tích cực của các trí thức tả phái nổi danh như triết gia Michel Foucault, ca sĩ Yves Montand, tài tử Simone Signoret, trước đó là những người chống Mỹ, chống chiến tranh Việt Nam.
Hình Sartre ngồi họp báo với Aron sau khi gặp Tổng thống Pháp chạy trên trang nhất tất cả các tờ báo lớn nhỏ. Ngồi giữa là André Gluckmann, triết gia thiên tả, maoiste (người tôn thờ Mao), sau vụ này trở thành chống cộng. Ngày nay, tất cả đều đã qua đời, Sartre, Foucault, Aron, Gluckmann, Signoret, Montand. Bernard Kouchner về hưu. Sau khi tàu Île de Lumière ngưng hoạt động, Kouchner rời Médecins Sans Frontières, sáng lập và điều hành tổ chức Médecins Du Monde (Y Sĩ Thế Giới), trước khi trở thành Tổng trưởng ngoại giao dưới thời Sarkozy.
Nhà thương nổi
Île de Lumière là một chiếc tàu cũ, 1.500 tấn, 90m chiều dài, được sửa cấp tốc, chạy tới đảo Poulo Bidong, ngoài khơi Mã Lai, khởi đầu dùng làm nhà thương nổi, với 100 giường, chữa trị cho 20.000 thuyền nhân trên đảo.
Île de Lumière là một chiếc tàu cũ, 1.500 tấn, 90m chiều dài, được sửa cấp tốc, chạy tới đảo Poulo Bidong, ngoài khơi Mã Lai
Thuyền trưởng François Herbelin, 29 tuổi, nói đó là những kỷ niệm sâu đậm nhất trên đời ông. "Tôi rất cảm phục những người Việt rất bình tĩnh, có tổ chức, có tư cách (digne), quyết tâm ra khỏi đại nạn. Khi mới tới, họ kiệt lực, nhưng hồi phục rất nhanh, nghĩ tới tương lai".
Thuyền trưởng François Herbelin và Bernard Kouchner trước mũi tàu Île de Lumière tại Poulo Bidong
Chín tháng sau, Île de Lumière bắt đầu sứ mạng mới : ra khơi cứu vớt những thuyền nhân phấn đấu trên biển cả, giữa cái sống và cái chết, giữa mưa bão và hải tặc.
Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển tìm tự do, với những phương tiện thô sơ gây kinh ngạc cho người Tây phương. Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.
Île de Lumière đã cứu hàng chục ngàn người, chở về Poulo Bidong chờ ngày được nhận đi định cư ở Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu.
Hàng chục ngàn người đã được chở về Poulo Bidong chờ ngày được nhận đi định cư ở Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu
Sau 14 tháng ngược xuôi, Île de Lumière được thay thế bởi một chiếc tầu mới, Île de Lumière II. Herbelin thành hôn với một phụ nữ thuyền nhân Việt Nam, trở thành thuyền trưởng một tàu thương mại. Làn sóng vượt biển bớt đi từ 1986, khi Việt Nam bắt đầu cởi trói, ít nhất về kinh tế.
Devoir d'ingérence
Île de Lumière đánh dấu một phong trào tương trợ đáng cảm phục ở Pháp, và sau đó ở các nước Tây Phương. Bernard Kouchner nhân đó đưa ra chủ thuyết "Devoir d’ingérence" (Nghĩa vụ can thiệp), theo đó các nước dân chủ Tây phương có bổn phận phải can thiệp, để cứu các nạn nhân, tại những nơi nhân quyền bị chà đạp. Sau đó, các nước Tây phương đã nhân danh nguyên tắc này để can thiệp vào Kosovo.
Île de Lumière cũng đánh dấu sự thức tỉnh của trí thức thiên tả Pháp. Trước đó, từ 1975 tới 1979, Khmer Đỏ thảnh thơi tàn sát dân ở Cambodge, không ai phản ứng gì. Người ta bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nói tới những sự thực phũ phàng.
Người ta không quên câu nói nổi tiếng của Sartre, khi giải thích tại sao ông ta không đề cập đến Goulag và những chà đạp nhân quyền ở Nga Xô Viết : Il ne faut pas désespérer Billancourt. Không nên làm Billancourt tuyệt vọng. Boulogne Billancourt là một ngoại ô của Paris, nơi có trụ sở của hãng Renault, tượng trưng cho thợ thuyền Pháp. Không đả động gì tới những tệ hại ở Nga để khỏi làm tuyệt vọng giới thợ thuyền, đang mơ thiên đường xã hội chủ nghĩa như ông già trong thơ Tố Hữu, ngồi đan rổ mơ nước Nga.
Raymond Aron, tác giả cuốn L’Opium Des Intellectuels (Thuốc phiên của trí thức) viết : những trí thức thiên tả là những nhà cách mạng phòng khách, căm ghét xã hội đang sống, một xã hội cho họ một đời sống sung túc và đủ mọi quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận.
Sau làn sóng boat people, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, phong trào thiên tả đi xuống, Đảng Cộng Sản Pháp trước đó là một trong hai chính đảng lớn nhất, làm mưa làm gió ở Pháp, ngày nay trở thành một đảng bỏ túi, với trên 1% phiếu bầu.
Paris, 04/09/2017
Từ Thức
Có nên dựng một"ngôi nhà sách cấm Việt Nam", như ngôi đền Parthenon of Books ở Kassel, Đức Quốc ? Một ngôi nhà, theo đúng khuôn mẫu của đền Parthénon, Hy Lạp, nhưng được "xây cất "với 100.000 ấn bản của những cuốn sách bị kiểm duyệt trên khắp thế giới.
Đền Parthenon of Books ở Kassel, Đức Quốc - Ảnh minh họa
Kassel (Cassel) là một thành phố nhỏ, cách Berlin 4-5 giờ xe hơi, có trường đại học, được biết tới về cuộc triển lãm (năm năm một lần) về nghệ thuật hiện đại. Đặc biệt năm nay có Parthenon of Books, ngôi đền sách, của Martha Minujinn. Một sáng kiến tuyệt vời để vinh danh những tác giả đã bị cấm, bị đe dọa, bị tù đầy, bỏ mạng vì tự do tư tưởng. Để nhắc nhở mỗi người là quyền tự do ngôn luận luôn luôn và vẫn còn bị đe dọa.
100.000 cuốn sách
Parthénon là ngôi đền nổi tiếng, chế ngự Athènes (địa danh, tên người trong bài này viết theo tiếng Pháp), thủ đô Hy Lạp, xây cất từ gần 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, được coi là tiêu biểu của dân chủ Hy Lạp và thế giới.
Parthénon là ngôi đền nổi tiếng, chế ngự thành phố Athènes ở Hy Lạp
Bà Minujinn, người Argentine, xây lại ngôi đền bằng những thanh sắt, theo đúng khuôn mẫu đền Parthénon (10m chiều cao, 70m chiều dài, 30m chiều rộng). Những cuốn sách được gói trong bao nylon để tránh mưa, nắng, phủ đầy mái đền và 46 cây cột lớn.
Đó là 100.000 ấn bản của 17.000 cuốn sách đã từng bị cấm, do dân chúng khắp nơi gởi về sau lời kêu gọi của Martha Minujinn. Từ Thánh Kinh tới Gatby Le Magnifique, Les Versets Sataniques, từ Lewis Caroll tới Soljenitsyne, Rushdie Salman.
Đền sách cấm đã mở cửa cho công chúng từ tháng Sáu tới 17/09/2017 ; sau đó sẽ được gỡ đi ; sách sẽ phân phát cho dân địa phương và du khách.
Đền sách cấm đã được xây ngay tại nơi trước đây Hitler đã ra lệnh đốt sách của các tác giả Do Thái (1933)
Một ngôi đình sách cấm ?
Có nên dựng một đền, hay chùa, hay đình sách bị cấm, bị đốt, bị kiểm duyệt ở Việt Nam để tưởng nhớ những tác giả đã từng bị hành hạ, bị cầm tù hay bỏ mạng, vì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận ? Nếu không có phương tiện để làm lớn như Parthenon of Books, có thể làm những một ngôi nhà khiêm nhượng hơn. Nếu chưa làm được ở trong nước, có thể làm tại hải ngoại.
Có nên dựng một đình sách bị cấm ở Việt Nam để tưởng nhớ những tác giả đã từng bị hành hạ vì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận ?
Đã đến lúc người Việt nên chú tâm đến những phương thức truyền thông mới, để các hoạt động của mình hữu hiệu hơn.
Thay vì, hay bên cạnh những cuộc hội thảo bỏ túi, lẩn quẩn những khuôn mặt quen, nên nghĩ tới những hình thức truyền thông độc đáo, nẩy sinh từ sáng kiến của mỗi người, để lôi cuốn quần chúng. Nhất là giới trẻ.
Chỉ một cái Kim tư tháp bằng kiếng do kiến trúc sư Ming Pei xây ở bảo tàng viện Louvre (Paris) đã mang tới cho Louvre hàng triệu du khách, trước đó chưa bao giờ đặt chân tới một bảo tàng viện.
Một ngôi Đình Sách Cấm Việt Nam sẽ mang tới bao nhiêu người ngoại quốc, hay những người trẻ không biết gì về đất nước ?
Đó cũng sẽ là nơi tụ họp, thảo luận, triển lãm để giải thích về bộ mặt thực của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Là cơ hội cho giới trẻ khám phá Nhân Văn - Giai Phẩm, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Côn… hay hàng trăm ngòi bút khác, nạn nhân của Cộng Sản, những chiến dịch đốt sách, tiêu diệt các tác giả ở Việt Nam
Hình ảnh nói nhiều hơn diễn văn. Một ngôi đền sách, hay đình sách cấm, chắc chắn sẽ là phương tiện khai dân trí và truyền thông hữu hiệu hơn một ngàn bài diễn văn.
70.000 sách cấm
Trên lịch sử thế giới, có 70.000 cuốn sách đã bị cấm. Đó chỉ là thống kê những cuốn sách nổi tiếng. Nếu kể cả những cuốn sách gần như vô danh hay chỉ có tầm vóc địa phương, con số đó sẽ lớn gấp bội. Chỉ riêng ở Việt Nam, đã có bao nhiêu sách bị cám, bị đốt. Bao nhiêu tác giả bị gởi đi cải tạo, nằm tù, bỏ mạng ?
Danh sách những tác giả có tác phẩm bị cấm dài không dứt. Homère, Diderot, Molière, Joyce, Kundera..Người ta có đủ lý do để cấm đoán, kiểm duyệt. Gallilée, Copernic vì những khám phá khoa học. Orwell, Huxley, Soljenitsyne vì chống chế độ toàn trị. Flaubert (Madame Bovary), Beaudelaire (Les Fleurs du mal), Nabokov (Lolita), vì lý do luân lý. Voltaire, Hugo vì đề cập tới nhân quyền..
Trong số những tác phẩm đã từng bị cấm có cả L’Encyclopédie của Diderot, Les Misérables (Hugo), Les voyages de Gulliver (Swiff) Sherlock Holmes (Doyle), Les Seigneux des Anneaux (Tolkien), L’appel de la Forêt (London), Les Raisin de la colère (Steinbeck), Frankenstein (Shelley), Ulysse (Joyce), La case de l’oncle Tom (Stower).
Lạ hơn nữa, những sách viết cho trẻ em : Alice au pays des merveilles (Carroll), Harry Potter (Rowling) hay Robin des Bois
Paris, 30/08/2017
Từ Thức
Một số đoàn thể Việt Nam tại Đức cho hay một tượng đồng để vinh danh và tri ân ông Rupert Neudeck, ân nhân lớn của thuyền nhân Việt Nam sẽ được dựng trong lâu đài Wissem ở thành phố Troisdorf.
Rupert Neudeck, từ trần năm ngoái, là một trong những người Đức được kính trọng nhất, đã được trao tặng nhiều giải về nhân quyền. Ông cùng bà, Rachel Neudeck, đã lập "Một con tầu cho Việt Nam "và đã cứu ít nhất 10.000 thuyền nhân Việt Nam những năm 80.
Tượng đồng để vinh danh và tri ân ông Rupert Neudeck, ân nhân lớn của thuyền nhân Việt Nam sẽ được dựng trong lâu đài Wissem ở thành phố Troisdorf.
Chiếc thuyền nhỏ, chở 52 thuyền nhân kiệt sức, được tầu Cap Anamur hiện còn trưng bày ở Troisdorf, một thị trấn gần Bonn.
Là ký giả, triết gia, ông đã bỏ trọn cuộc đời để cứu giúp những người thiếu may mắn.
Ông đã sáng lập tổ chức Cap Anamur, giúp nạn nhân chiến tranh ở Phi Châu, tổ chức Mũ Xanh (Greenhelms) giúp dân chúng ở Trung Đông. Đôi khi được coi như một ông thánh, Rupert Neudeck mất năm ngoái, hưởng thụ 77 tuổi. Hiện nay có 4 trường học ở Đức mang tên Rupert Neudeck.
Rupert Neudeck đã sáng lập tổ chức Cap Anamur, giúp nạn nhân chiến tranh ở Phi Châu, tổ chức Mũ Xanh giúp dân chúng ở Trung Đông.
Rupert Neudeck cũng là thuyền nhân, khi chữ boat people chưa được dùng để chỉ những người vượt biển tìm tự do. Ông đã theo gia đình trốn khỏi Ba Lan khi còn 6 tuổi để tránh Hồng Quân Nga
Tượng đồng sẽ khởi công và có thể hoàn tất cuối năm nay hay đầu năm tới, với sự đồng ý của bà Neudeck và thành phố Troisdorf, trong công viên của lâu đài Wissem, một trung tâm du lịch, giữa hai bảo tàng viện.
Tượng đồng sẽ do Joost Mayer, nghệ sĩ điêu khắc và giảng viên tại đại học nghệ thuật Aachen đảm nhận. Dưới tượng sẽ ghi câu châm ngôn của thành phố Danzig, ngày nay là Gdansk, Ba Lan, nơi ông sinh ra : "Không táo bạo, cũng chẳng sợ hãi "và một hàng chữ đơn giản : "Robert Neudeck 1939-2016. Do thuyền nhân Việt Nam tại Đức xây dựng".
Tầu Cap Anamur đã cứu hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông - Ảnh minh họa
Không liều lĩnh, nhẹ dạ, cũng không sợ hãi, không cúi đầu trước bất cứ bạo lực nào, suốt đời làm hết sức mình để giúp người khác, đó cũng là nhân sinh quan của Rupert Neudeck.
Việc vinh danh để bày tỏ lòng tri ơn đối với những nhân vật địa phương đã hết lòng giúp chúng ta trong những bước đầu cực kỳ khó khăn là một thái độ đẹp, một việc rất nên làm. Biết nhớ ơn những ân nhân của mình là dấu hiệu của một dân tộc có văn hóa, của những người tử tế.
Paris, 31/08/2017
Từ Thức
Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch đại quy mô để chinh phục thế giới nhằm thay thế vai trò cường quốc số một của Hoa Kỳ và giải quyết những khó khăn nội bộ. Kế hoạch gọi là "Cuộc chạy đua 100 năm" (The Hundred-Years Marathon) chính giới Tây Phương đều biết, nhưng không ai đề cập tới vì sợ dư luận lo sợ.
Kế hoạch một vòng đai, một đại lộ của Trung Quốc (OBOR, One Belt, One Road).
One Belt One Road
Tuần báo Pháp Le Point, trong số đặc biệt về tham vọng đế quốc của Trung Quốc (1), đã nói về những chương trình vĩ đại của Trung Quốc. Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên, vì kẹt giữa hai lộ trình của Tầu, mệnh danh là kế hoạch OBOR, One Belt, One Road (một vòng đai, một đại lộ).
Đại lộ : con "đường lụa "(route de la soie), chạy từ Trung Quốc, qua Lào, sát nách Việt Nam, Pakistan tới tận Âu Châu.
Vòng đai : con đường hàng hải từ Biển Nam Hải qua Đại dương Ấn độ, dẫn tới các hải cảng Á và Phi Châu.
Kế hoạch OBOR sẽ củng cố thế lực chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc
Biển Đông kiểm soát 1/3 giao thương thế giới, cũng là nguồn tài nguyên vô giá về dầu lửa, dầu khí, hải sản. Con đường lụa bảo đảm việc chuyên chở hang hóa tới các thị trường Á, Âu và Phi Châu.
Chỉ riêng việc thực hiện con đường lụa (xẻ núi, đốn rừng, làm đường và hệ thống xe lửa), Tập Cận Bình đã quyết định dành một ngân khoản… 124 tỷ dollars, kể cả ngân khoản để mua chuộc chính quyền địa phương. Một phần lãnh thổ Lào đã bị chính quyền thối nát Vientiane, trong tay đảng duy nhất, đảng CS nổi tiếng tham nhũng Pathet Lao , bán cho Tầu
Boten, nhận xét Tàu trên xứ Lào
Ký giả Sébastien Faletti của Le Point mô tả hành động xâm lấn ngang ngược của người Tầu ở Boten, một thị trấn nghèo của Lào, nằm giữa Vân Nam (Yunnan) và Vientiane, đã cho Trung Quốc thuê 99 năm (nghiã là bán đứng cho Tầu).
Boten, một thị trấn nghèo của Lào đang biến thành một Thành phố ăn chơi với những casino, cửa hàng ăn uống, hàng hóa và dịch vụ phục vụ người Trung Quốc
Boten ngày nay người ta nói tiếng tầu, sống kiểu Tầu, 85% trên 3000 dân đến từ Trung Quốc.
Duan Yenping nói : "Chúng tôi đã đuổi người Lào. Họ quá chậm chạp, và không có khả năng. Trong vòng 3 năm nữa, sẽ có 30.000 người Tầu tới cư ngụ, và sau đó 100.000".
Duan Yenping là nữ giám đốc marketing của công ty địa ốc Heifeng Group. Heifeng được trao nhiệm vụ biến Boten thành một đô thị tân tiến của Trung Quốc. Một dự án vĩ đại trên 34 km2. "Chúng tôi sẽ san bằng 7 ngọn đồi để có thêm 10 ngàn hecta đất. Sẽ có một trung tâm thương mại, với những cửa hàng duty free, một trường sinh ngữ, khách sạn 10.000 phòng ngủ để đón khách Tầu". Chưa kể một trường đua ngựa 500 hecta, lớn nhất Á Châu.
Boten sẽ là chặng đầu tiên trên con đường lụa, gồm hai hệ thống lưu thông. Thứ nhất là đường xe lửa từ Bắc Kinh tới Bangkok, sau đó, từ 2025, tới Singapore. Thứ hai là đại lộ từ Tầu xuyên qua Lào, tới thủ đô Thái, Bangkok. Mục tiêu của con đường lụa, theo Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học tại Hồng Kông, là biến kinh tế thương mại Trung Quốc thành trung tâm vũ trụ. Duan Wenping giải thích : OBOR là dự án tối cần, không có OBOR, vấn đề thặng dư sản xuất của Trung Quốc sẽ cực kỳ nan giải.
Trung Quốc đang ngày đêm xẻ núi, phá rừng làm đường xe lửa trên đất Lào, qua những thỏa ước chỉ dành cho Lào một chút cơm thừa, canh cặn : Tầu sẽ nhận 70% lợi tức của hệ thống xe lửa, công nhân và kỹ thuật hoàn toàn đến từ Trung Quốc được quyền định cư dọc đường sắt. Những điều kiện quá đáng như dưới chế độ thuộc địa khiến thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi lo ngại chủ quyền của các quốc gia liên hệ bị đe dọa.
Trump : cái may của Tập
Lịch sử cận đại Trung Hoa có ba nhân vật chủ yếu. Mao đã giành độc lập, cướp chính quyền, áp đặt chủ nghĩa cộng sản. Đặng Tiểu Bình đã giải phóng kinh tế. Và Tập Cận Bình, với tham vọng đế quốc càng ngày càng lộ liễu.
Le Point viết : Donald Trump, với chính sách bế quan tỏa cảng đã giúp Tập thực hiên mưu đồ của Trung Quốc.
Zhang Lifan, một sử gia độc lập, sống tại Bắc Kinh nói : "Trump, với chính sách Amérique d’abord (America first) là một cái may lớn cho Tập. Ông ta tóm ngay cơ hội, đóng vai trò lãnh đạo phong trào thế giới hóa". Tại Davos, Thụy Sĩ, Tập đóng vai người hùng của kinh tế thị trường. Thế giới ngây thơ rơi vào bẫy. Tại Paris, Trump ca ngợi Tập là nhà lãnh đạo lớn, báo chí ca tụng Tập tích cực ủng hộ thỏa ước Paris về môi trường trong khi Trump rút lui. Bên cạnh Poutine (Putin) hùng hổ, thế giới thấy Tập có vẻ hiền hòa. "Quên việc Tập đã xây những đảo nhân tạo ở biển Nam Hải để xác định chủ quyền của Trung Quốc, bất chấp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đàn áp đối lập còn tàn bạo hơn Poutine".
Tập, với chính trách bành trướng thế lực Trung Quốc, được sự ủng hộ của dân Tầu và đảng cộng sản, có hy vọng kéo dài thời gian nắm quyền quá 10 năm như đã quy định. Ông ta hy vọng lợi dụng sự lúng túng của Tây Phương để lấn tới, thắng ván cờ quyết định.
Liu Mingfu, lý thuyết gia, cố vấn được tin cẩn của Tập nói : Trung Quốc không thể chỉ đóng vai thứ nhì. "Trận đấu chung kết đã bắt đầu. Tập Cận Bình sẽ dẫn chúng tôi tới ngôi vị vô địch thế giới".
Cuộc chạy đua 100 năm
Trả lời một cuộc phỏng vấn của Le Point, Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến Lược Trung Quốc của Hudson Institute, nói : kế hoạch "Chạy đua 100 năm" của Trung Quốc nhằm thay thế Hoa Kỳ trong vai trò cường quốc số 1 trước 2049, kỷ niệm 100 năm ngày Mao nắm quyền.
Pillsbury, được coi như chuyên gia hàng đầu của Tây Phương về Trung Quốc, tác giả cuốn sách nên đọc "The Hundred Years Marathon" (2), nói : từ 50 năm nay, Hoa Kỳ theo một chính sách ngây thơ "hợp tác xây dựng" với Trung Quốc.
Người ta nghĩ Trung Quốc đang trên đường dân chủ hóa, có cùng một hoài bảo như Mỹ. Người ta nghĩ sự trợ giúp của Mỹ cho một nước Tầu còn yếu, với giới lãnh đạo suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ, yêu hòa bình, không có tham vọng bành trướng địa phương cũng như toàn cầu. Thực tế đã chứng minh ngược lại.
Trong nhiều năm qua, khi còn yếu, Trung Quốc đóng vai trò hiền lành đó. Nhưng kể từ 2007, Michael Pillsbury nói, Trung Quốc thay đổi thái độ, nhất là từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, lợi dụng thế yếu của Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Khởi đầu là Biển Đông. "Trước đó , người Tầu nói với tôi, họ không phải là một cường quốc lãnh đạo, bởi vì họ không có hàng không mẫu hạm và căn cứ quân sự ở nước ngoài. Ngày nay, họ có cả hai. Việc xây dựng một căn cứ trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa có mục tiêu chiến lược chống các nước láng giềng, bảo vệ quyền lợi kinh tế Trung Quốc. Tôi đã dự một hội nghi ở Bắc Kinh, trong đó người ta giải thích rằng kinh tế quốc gia phát triển nhanh nhất là nhờ các tài nguyên ngoài biển, từ dâu lửa, dầu khí tới hải sản".
Mua, dễ và rẻ hơn là đánh chiếm
Pillsbury nói có thể có đụng độ ở Biển Đông, vì Trung Quốc có thói quen hành động như vậy, để dằn mặt đối phương. Nhưng thực ra, người Tầu rất thực tiễn. Họ không cần chiến tranh. "Họ có thể chiếm than đá, dầu lửa qua những công ty quốc doanh đặt cơ sở ở nước ngoài. Cựu chủ tịch nước Hu Jin-tao (Hồ Cẩm Đào) đã nói mua Đài Loan dễ và rẻ hơn là đánh chiếm Đài Loan".
Pillbury nói cái hiểm họa là năm 2049, PIB của Trung Quốc sẽ gấp đôi PIB Hoa Kỳ. Hãy tưởng tượng những tai họa (nếu Trung Quốc trở thành cường quốc số 1) : nạn ô nhiễm, tệ trạng ăn cắp kỹ thuật, và sự ưu ái của Trung Quốc đối với những nhà độc tài như Assad hay Mugabe. Nhưng nếu mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đạt tới 4%, và mức tăng trưởng của Trung Quốc thụt lùi hay chậm lại, Hoa Kỳ vẫn là cưòng quốc số 1.
Để kết luận, Pillsbury tỏ ra bi quan. Ông nói muốn đương đầu với Tầu, Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn chính sách, coi Trung Quốc là một nước cạnh tranh, không phải là một quốc gia phải giúp đỡ. Phải kiếm ra những lãnh vực có thể làm áp lực. Khuyến khích các quốc gia trong vùng liên kết thành một khối để Trung Quốc bớt hung hăng. Bảo vệ những người chống chế độ, ủng hộ những người muốn cải cách. "Hoa Kỳ mới bắt đầu thức dậy. Hy vọng chưa quá trễ".
Những người đáng lo ngại hơn một ngàn lần là người Việt Nam. Nhìn những gì xẩy ra ở Lào, đang diễn ra ở Boten, nghe lại câu nói của Hồ Cẩm Đào, chúng ta không khỏi ớn lạnh. Mua Đài Loan dễ và rẻ hơn là đánh chiếm Đài Loan.
Đối với Đài Loan, đó là lý thuyết, vì Đài Loan là một nước dân chủ, không có lãnh tụ bán nước, và nhân dân Đài Loan sẽ không để cho ai bán một tấc đất. Ở Việt Nam, trái lại, đó là một thực tế. Lãnh thổ đã dần dần bán cho Tầu. Mua Việt Nam dễ và rẻ hơn đánh chiếm Việt Nam.
Từ Thức
Paris 07/08/2017
(1) Les nouvelles ambitions de la Chine, Le Point. N°N° 2343 . 3 Oct 2017. France
(2) The Hundred Years Marathon, Michael Pillsbury.