Nước Pháp khóc Arnaud Beltrame, một anh hùng vừa hy sinh để cứu người khác. Vị giám mục làm chủ lễ cầu nguyện nhắc một câu trong kinh thánh : một người tử vong thay cho một dân tộc, để một quốc gia không chết.
Di ảnh Thiếu tá Arnaud Beltrame - Ảnh AFP
Trung tá gendarme (hiến binh, cảnh sát quân phục) Beltrame đã tình nguyện làm con tin để cứu những con tin khác, khi một tên khủng bố Hồi giáo đột nhập vào một siêu thị ở miền Nam nước Pháp, hôm thứ Sáu vừa qua.
Tên khủng bố Radouane Lakdim, quốc tịch Pháp, gốc Ma-rốc, 25 tuổi, đã bắn chết một người lái xe để cướp xe, xả súng bắn một nhóm Cảnh sát dã chiến CRS, trước khi đột nhập vào một siêu thị ở Carcassonne, một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp.
Trung tá Beltrame, 44 tuổi, tình nguyện vào thay, để đổi tự do cho một con tin. Lakdim chấp nhận và đòi chính quyền Pháp trả tự do cho tất cả những tên khủng bố đang bị cầm tù trên đất Pháp. Arnaud Beltrame mở smartphone giấu trong người để lực lượng an ninh bên ngoài có thể theo dõi diễn biến bên trong siêu thị và có đủ thời giờ để chuẩn bị tấn công. Sau ba giờ giằng co, tên khủng bố nổ súng. Lực lượng an ninh liền tấn công, hạ sát tên khủng bố, giải thoát các con tin.
Trung tá Beltrame bị thương nặng bởi những viên đạn do tên khủng bố bắn vào người và những vết dao đâm vào cổ. Ông tạ thế tại nhà thương sáng hôm sau. Ông không chết vì các viên đạn, nhưng vì những nhát dao của tên khủng bố đâm vào cổ họng.
Ba nạn nhân khác tử thương, 20 người bị thương, một số còn đang đưọc điều trị.
Arnaud Beltrame vừa thành hôn với Marielle. Vị tu sĩ, dự định sẽ làm lễ kết hôn theo nghi thức tôn giáo tại nhà thờ ngày 9 tháng Sáu tới, đã vào nhà thương cùng với Marielle, nhưng không thực hiện được nghi lễ vì Arnaud Beltrame ở trong tình trạng hôn mê.
Đậu thủ khoa khi ra trường, được trao tặng nhiều huân chuơng, Arnaud Beltrame vẫn được đồng đội coi là một sĩ quan gương mẫu của lực lượng hiến binh ("gendarmerie").
Nước Pháp có hai lực lượng an ninh dân sự : cảnh sát (police) như tại các nước khác đảm bảo an ninh trong những thị trấn lớn và khu dân cư đông đúc, và hiến binh (gendarmes) là những người làm nhiệm vụ của cảnh sát, nhưng mặc quân phục theo quy chế quân đội mặc dù trực thuộc Bộ Nội vụ như cảnh sát nhưng hoạt động ở những thị trấn nhỏ, những khu dân cư thưa thớt và vùng thôn quê. Thông thường, những hiến binh này, ngày xưa người Việt phiên âm là "sen đầm" (phiên âm từ chữ "gens" và "d'armes"), giữ gìn an ninh ở những vùng quê.
Nước Pháp đã và đang bị đe dọa một cách trầm trọng bởi khủng bố Hồi giáo, vì sự can thiệp võ trang của Pháp ở các nước Trung Đông và Phi Châu. Với khoảng 10% dân số gốc Hồi giáo, ở Pháp có ít nhất 25.000 người bị tình nghi có thiện cảm hay có lên lạc với các tổ chức khủng bố, và bị ghi vào sổ đen "hồ sơ S" (fichier S, tức phải canh chừng). Lực lượng an ninh không thể kiểm soát tất cả số người này, vì muốn theo dõi một người tình nghi, phải huy động ít nhất 20 nhân viên cảnh sát.
Hành động tự thế mạng để cứu người của trung tá Beltrame tưởng chỉ có trong phim ảnh, nước Pháp ngưỡng mộ gương hy sinh của một vị anh hùng. Một lễ quốc táng sẽ được tổ chức trong những ngày sắp tới để tiễn đưa Arnaud Beltrame về nơi an nghỉ cuối cùng.
Động lực gì thúc đẩy một người hy sinh mạng sống của chính mình để cứu người khác ?
Trên cả cái can đảm, Kant gọi đó là cái cao cả của tâm hồn, "le sublime", "la grandeur d’âme".
Triết gia Cynthia Fleury nói cái quyết định trong khoảnh khắc đó là kết quả của của cá tính, cộng với giáo dục, giáo dục gia đình cũng như nghề nghiệp (Arnaud Beltrame gia nhập gendarmerie như vào một dòng tu, "comme on entre dans les ordres", theo lời của các đồng đội). Coi bổn phận, trách nhiệm cao hơn tất cả. Mẹ anh ta nói không ngạc nhiên về hành động của con, vì "Arnaud không chấm nhận cái tầm thường, la médiocrité, lúc nào cũng muốn đi xa hơn, cao hơn. Đó là lý tưởng, là đời sống của Arnaud.
Một sự tự tin phi thường, nghĩ mình có thể giải quyết được vấn đề. Một cái sợ trong vô thức, sợ mình sẽ khó sống yên với lương tâm nếu không làm chuyện phải làm. Tất cả những tâm thức đó chuyển động lẫn lộn với nhau, theo Cynthia Fleury, khiến trong vài giây một người có thể quyết định làm một chuyện ít ai dám làm.
Những gương hành động xả thân để bảo vệ người khác vừa kể rất hiếm hoi, và càng hiếm hơn nữa trong một một thời đại mà con người chỉ biết sống với thực tế : tính toán, cân nhắc, đặt quyền lợi cá nhân của mình lên trên các bậc thang giá trị của cuộc sống.
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 26/03/2018
Dân Nga vừa bầu Putin (Poutine) thêm 6 năm nữa. Sau 18 năm cầm vận mệnh nước Nga, nếu tính cả 4 năm làm Thủ tướng để lươn lẹo với hiến pháp. Sau Tập Cận Bình, Erdogan, những hoàng đế trọn đời, thế giới có thêm một ông vua toàn quyền.
Putin đắc cử vẻ vang với 76% phiếu bầu
Putin đắc cử vẻ vang với 76% phiếu bầu, với 3.000 vụ gian lận. Thế hệ Internet, smartphone, người ta chứng kiến trực tiếp những chuyện nhét phiếu vào thùng.
Sự thực, khỏi cần gian lận, Putin chắc chắn cũng đắc cử. Gian lận chỉ làm cho thắng lợi vẻ vang hơn. Nhiều khi cũng chỉ vì truyền thống. Phản ứng Pavlov, nhiều người thấy thùng phiếu là tự động nhét cho đầy. Các địa phương thi đua nhau để chứng tỏ mình hữu hiệu hơn các vùng lân cận.
Số phiếu bầu nhiều nhất từ 8 tới 9 giờ, trong phòng phiếu chỉ có nhân viên kiểm phiếu ; trời lạnh, cử tri còn ngủ, hay còn trên đường mò tới phòng phiếu, rất gian nan ở những vùng quê.
Putin for Ever
Sự thực, Putin khỏi cần gian lận, khỏi cần tranh cử cũng vẫn đắc cử. Các hãng thăm dò cho hay một nửa dân Nga muốn Putin tiếp tục. Tỷ lệ phiếu bầu cho Putin sẽ cao hơn nhiều, vì số tham dự 67%, và những người chịu khó đội tuyết đi bầu hơn cả là fans của Putin.
Tại sao dân Nga bầu cho Putin, mặc dù kinh tế của Nga đang lúng túng, đời sống dân Nga khó khăn ? Ra khỏi Moscou giầu có, Saint Péterbourg huy hoàng (địa danh viết theo chữ Pháp), Nga là một nước nghèo, bất công chồng chất, tham nhũng lộng hành trong mọi tầng lớp.
Tạm nêu vài lý do :
1.Không có đối lập. Những người đối lập nặng ký hoặc nằm tù, hoặc bị ám sát, hoặc lánh nạn ở ngoại quốc, hoặc bị cấm tranh cử vì những lý do lăng nhăng. Bẩy ứng cử viên tranh cử với Putin chỉ để làm cảnh. Putin không thèm tranh cử, tranh luận.
2.Media hoàn toàn trong tay nhóm cầm quyền, suốt ngày suốt đêm ca tụng, đã tạo một huyền thoại người hùng, coi Putin là người duy nhất có thể bảo toàn lãnh thổ Nga, uy danh Nga, nhất là sau vụ Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.
Ngay cả chuyện hai bố con cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở London, cũng được chính quyền và media tay sai rêu rao là một âm mưu của cả thế giới, nhằm ngăn chặn dân tộc Nga vùng lên, dưới sự lãnh đạo của Superman Putin. Thay vì gây khó khăn, vụ đầu độc còn khiến nhiều người Nga ủng hộ Putin hơn nữa.
3. Dân Nga muốn ổn định, sau nhiều năm xáo trộn sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Người Nga còn trong đầu những kinh hoàng thời Stalin, những năm xáo trộn, đất nước như một con tàu điên dưới thời ông quốc trưởng nghiện rượu Yeltsin.
4.Người Nga nghĩ Putin đã mang lại thịnh vượng cho nước Nga. Sự thực, cả kinh tế Nga xây dựng trên dầu lửa và khí đốt. Putin may mắn lên cầm quyền đúng lúc dầu lửa lên giá, dollars đổ vào như nước. Chính quyền Nga không có một chính sách kinh tế gì lâu dài, mafia chia chác nhau và dùng tiền của quốc gia để củng cố quyền lực.
Nga không có kỹ nghệ gì đáng kể, không sản xuất gì ngoài khí đốt và dầu lửa, súng đạn, võ khí hạng nặng.
Khác với Ấn và Tàu, Nga không có một kế hoạch kinh tế gì lâu dài. Chỉ những cam kết mơ hồ sẽ đóng vai chủ chốt trên thế giới. Khó ai biết nước Nga sẽ đi về đâu
Tổng sản lượng (PIB) của Nga chỉ bằng Tây Ban Nha (Spain). Ngân sách Nga dồn vào quân sự quốc phòng, bỏ quên giáo dục, y tế, xã hội. Mặc dù trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Tây Ban Nha đã xây dựng những hạ tầng cơ sở như xa lộ, nhà thương, trường học, trong khi ở Nga, những cơ sở hạ tầng đó vừa hiếm, vừa trong tình trạng thê thảm của một nước chậm tiến.
5.Dân Nga so sánh đời sống thời Putin với thời Cộng sản, thấy đỡ khổ, đỡ thiếu thốn hơn trước. Không nghĩ rằng làm bệ rạc hơn kinh tế cộng sản là chuyện rất khó. Không thể đói hơn thời Stalin, không thể khổ hơn thời Yeltsin, khi tất cả guồng máy quốc gia tê liệt.
Cũng như ở Việt Nam, có người nói đời sống ở Việt Nam bây giờ thoải mái hơn nhiều, so với thời đói khát trước 75 ở miền Bắc, thời ăn bo bo ở miền Nam những năm sau 75. Không nghĩ rằng nhóm cầm quyền đã bán đổ bán tháo tài nguyên quốc gia, xuất cảng lao động kiếm tiền, chưa nói tới hàng tỷ dollars của người Việt hải ngoại gởi về. Ngân khoản khổng lồ đó rơi vào túi nhóm cầm quyền và tay chân, ngày nay gọi là các "đại gia". Dân chúng chỉ được hưởng những hạt gạo rớt dưới sàng.
Yeltsin và các đại gia, nghĩa là mafia đỏ, đã chia nhau những cơ sở quốc doanh béo bở. Khi Yeltsin tư hữu hóa kinh tế, nhiều người trong phe đảng chỉ việc ký tên mua một cơ sở bằng tiền lèo (tiền ngân hàng hứa cho vay), băng qua đường, có thể bán lại với giá gấp 100 lần giá mua. Có người nói kỷ lục là… 700 lần giá mua.
Putin kín đáo hơn, không khoe của, nhưng không ít tham nhũng hơn. Medvedev, người ra làm tổng thống làm vì, dính dáng tới nhiều vụ tai tiếng về kinh tài. Chung quanh Putin là cả một tập đoàn cựu KGB, ngày nay trở thành mafia đỏ.
6.Sau gần một thế kỷ tẩy não, dân trí Nga còn thấp. Ý niệm dân chủ còn mơ hồ. Ước vọng dân chủ hầu như không có, trừ ở một thiểu số, bị cô lập, đàn áp. Đa số vẫn nghĩ một nhóm người nắm toàn quyền, toàn tài sản đất nước là chuyện thường tình, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế. Giống y chang như tâm não nhiều người Việt Nam.
7. Nhiều người Nga ủng hộ Putin vì thấy chung quanh ông ta là sa mạc, không có ai có đủ khả năng, bản lãnh.
Putin dồn mọi nỗ lực vào quân sự và ngoại giao. Nhờ sự táo bạo hiếm có, khả năng chiến thuật cao, và cũng nhờ sự rụt rè, chia rẽ của Tây Phương, Putin đã thắng ở Crimea, gây rối loạn ở Ukraine, gây khó khăn cho Tây Phương ở Trung Đông và từ đó, chứng tỏ cho dân Nga thấy ông ta đúng là lãnh tụ của một cường quốc.
Sự thực, khả năng quân sự của Nga chỉ ngang với một nước trung bình. Nga có khả năng phá hoại hay đe dọa lớn nhờ hai yếu tố : 1. Có bom nguyên tử 2. Là thành viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có quyền và luôn luôn, cùng với Tàu, sử dụng quyền phủ quyết để gây khó dễ cho các nước Tây Phương.
Nga, ngoài vấn đề kinh tế, còn một vấn đề cực kỳ nan giải : dân số. Mỗi năm dân số Nga giảm hàng trăm ngàn người, có năm gần một triệu, vì y tế lạc hậu, nạn rượu chè trầm trọng, nhất là trong giới trẻ. Trên một lãnh thổ mông mênh, lớn nhất thế giới (17 triệu km2), dân số Nga không tới 150 triệu người !
Dân số ít, khả năng chuyên nghiệp thấp, y tế lạc hậu, giáo dục lỗi thời, giấc mơ cường quốc của Nga còn xa vời.
Khó khăn về kinh tế, xã hội, Putin dung chiêu bài quốc gia cực đoan làm lá bùa hộ mệnh.
Phải công bằng mà nói : Putin ngày nay tận dụng chính sách đương đầu với Tây Phương, để củng cố quyền lực, cũng vì thái độ của Tây Phương.
Khi mới lên cầm quyền, Putin đã tìm cách xích lại với NATO, với Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ không muốn một Châu Âu quá mạnh. Các nước Châu Âu nhìn Nga với con mắt e ngại, nếu không nói là lo sợ đối với Nga, nhất là các quốc gia Đông Âu đã từng bị Liên Xô xâm chiếm, cai trị.
Putin ngồi lì trên ngai, Tập Cận Bình, Erdogan trở thành hoàng đế trọn đời. Thực tế nham nhở đã cải chính lý thuyết "la fin de l’histoire et le dernier homme" (The End of History and the Last Man) nổi tiếng của Francis Fukuyama.
Fukuyama nói lịch sử đã chấm dứt, không thay đổi nữa, vì thế giới sẽ đi dần dần tới chế độ dân chủ.
Paris, tháng 3/2018
Từ Thức
Hiện tượng một phụ huynh đảng viên bắt cô giáo quỳ không phải là một tin vặt. Đó là hình ảnh một xã hội băng hoại, một văn hóa suy đồi trầm trọng mà Gramsci gọi là" những hiện tượng quái dị" của một thời đại tranh tối tranh sáng.
Antonio Gramsci : "Cái khủng hoảng nằm trong hiện tượng một thế giới cũ đang chết, một thế giới mới chưa thành hình. Trong cái tranh tối tranh sáng đó, diễn ra những hiện tượng bệnh hoạn dưới đủ mọi hình thức…" (1).
Trong cái tranh tối tranh sáng đó, diễn ra những hiện tượng bệnh hoạn dưới đủ mọi hình thức…
Chế độ cộng sản đang thối rữa, nhưng một chế độ lành mạnh hơn, ít bệnh hoạn hơn chưa thành hình, và trong bối cảnh đó, đủ mọi chuyện bệ rạc, quái dị xẩy ra mỗi ngày.
Chuyện cô giáo bị bắt quỳ, và chấp nhận quỳ gối, chỉ là một thí dụ. Nhưng một thí dụ cho thấy cả khuôn mặt của một xã hội lở lói :
1. Cô giáo bắt học sinh quỳ. Đó là một phương pháp giáo dục hoàn toàn lạc hậu, ngày nay chỉ còn áp dụng ở những nước chậm tiến, nếu không nói là man rợ.
Bắt học sinh học thuộc lòng, hành hạ học sinh là chuyện ngày nay không tưỏng tượng được ở những xứ văn minh, nơi roi vọt hay bạo hành đối với trẻ em, ở học đường hay trong gia đình, là một hành động bị pháp luật trừng trị. Người ta dạy dỗ bằng lý lẽ, bằng thuyết phục, bằng gương sáng (éducation par exemple), không ai giáo dục bằng sự đe dọa, bạo hành, chà đạp nhân phẩm. Chưa nói tới chuyện nhồi sọ chỉ có ở những xứ độc tài, toàn trị
2. Một phụ huynh, đúng ra một phụ huynh đảng viên bắt cô giáo quỳ gối chứng tỏ tất cả bậc thang giá trị của xã hội đã hoàn toàn đảo lộn.
Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An), nơi xảy ra vụ việc. Ảnh : Giáo Dục và Thời Đại.
Văn hóa cổ truyền Việt Nam coi thầy cô như cha mẹ," nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Văn hóa nhân loại coi học đường là một nơi linh thiêng, bất khả xâm phạm, vì là nơi truyền bá kiến thức.
Ở bên Pháp chẳng hạn, dưới sự đe dọa của khủng bố Hồi giáo, người ta đã tranh luận sôi nổi về việc có nên để nhân viên cảnh sát vào sân trường hay không. Một bên là an ninh của học sinh, một bên là nguyên tắc độc lập của học đường. Cuối cùng người ta quyết định, trong một đoạn đặc biệt, sinh mạng của học sinh bị đe dọa, cảnh sát có thể tới canh giữ trong sân trường, với điều kiện đó là đề nghi của ban giám đốc nhà trường.
Bắt cô giáo quỳ gối là nhục mạ học đuờng, giáo dục, giáo chức, đánh tan sự kính trọng với những người có trọng trách truyền bá kiến thức.
Người cộng sản, trong quá trình tiêu diệt những giá trị cũ để tạo những" giá trị" mới, đã thành công trong việc phá vỡ tất cả nền tảng đạo lý. Học đường và nơi thờ tự là những" tabous" cuối cùng, đã sụp đổ.
Chuyện một tên đảng viên quèn, ngang nhiên vào trường học, bắt cô giáo quỳ, sau 30 phút vẫn không cho phép đứng dậy vì con anh ta đã bị bắt quỳ 40 phút, không phải chỉ là chuyện bạo hành ngang ngược, lỗ mãng của một cá nhân. Nó điển hình cho não trạng của cả một tập đoàn thống trị. Họ nghĩ làm đảng viên là làm chủ dân, có toàn quyền ngồi trên đầu, trên cổ thiên hạ.
Trong nội bộ Đảng, anh cao nhất ngồi trên đầu anh thấp hơn. Anh vừa vừa ngồi trên đầu anh thấp nhất. Và các anh cán bộ, đảng viên quèn hành hạ dân ngu cu đen. Thói quen đội trên, đạp dưới đã trở thành văn hóa.
3. Một tên cán bộ quèn không thể làm chuyện ngang ngược, nếu không có sự đồng lõa, hay thái độ chấp nhận hèn yếu của hiệu trưởng.
Một tên cán bộ quèn không dám lộng hành nếu không nghĩ sẽ được che chở. Điều đó giải thích tại sao có người ngạc nhiên, bất mãn khi thấy mình có thẻ Đảng mà vẫn bị đưa ra toà về tội hiếp dâm con nít.
Thẻ Đảng, trong đầu họ, là lá buà cho phép làm bất cứ chuyện gì phạm pháp, bất lương.
Ở những nước văn minh, một đảng viên có lỗi nặng sẽ bị khai trừ trong 24 giờ. Một Đảng CS bi dân chán ghét, bịt mắt làm ngơ, dung túng đảng viên bạo hành, bởi vì, thứ nhất, họ có chung một não trạng, thứ hai, họ cần một bọn lâu la trung thành, để bảo vệ, sống chết cho chế độ.
4. Cô giáo bị bắt quỳ 40 phút, nhẫn nhục quỳ 40 phút. Không một chút tự trọng. Người dân, nhất là một nhà giáo, không còn một gramme tự trọng, xã hội sẽ đi về đâu ?
Honoré de Balzac nói người ta kính trọng những người biết tự trọng. Biết tự trọng là bài học đạo đức đầu tiên. Bởi vì sự kính trọng người khác bắt đầu bằng sự kính trọng chính mình.
Tinh thần tự trọng giúp cho con người có tư cách. Nhất là trong một xã hội hỗn loạn, luật pháp là giấy vụn, cơ cấu chính quyền biến thành những băng đảng trôm cướp, chỉ còn sự tự trọng là cái thắng để giữ mỗi cá nhân không chìm sâu dưới đáy bùn. Cái tự trọng không còn nữa, dân tộc lao xuống vực. Như một chiến xe không bàn thắng.
5. Những đồng nghiệp của cô giáo không phản kháng thái độ mất dạy, ngang ngược, nói lên cái vô cảm của cả một thế hệ.
Nếu không phản đối, bênh vực một đồng nghiệp, ít nhất cũng phải bênh vực, bảo vệ cho nghề nghiệp của chính mình. Cho sứ mạng của người truyền bá kiến thức
Ở trường học, cũng như ở những nơi khác, triết lý" không nghe, không nhìn, không nói" để được yên thân, để được sống vật vờ qua ngày, đã trở thành nhân sinh quan của cả một dân tộc.
Văn hóa quỳ ngự trị. Dân đen quỳ trước cán bộ. Cán bộ quỳ trước tập đoàn lãnh đạo. Tập doàn lãnh đạo quỳ trước ông chủ Tàu. Chuyện cô giáo tỉnh lẻ quỳ gối không phải chỉ là một chuyện vặt dưới huyện (2).
Paris 9/3/2018
Từ Thức
(1) "La crise consiste justement dans le fait que le vieux monde se meurt et que le nouveau monde tarde à apparaître, et dans le clair-obscur surgissent les phénomènes morbides les plus variés".
(2) Bài này trích trong một bài dài, tựa đề "Văn hóa, văn hóa, văn hóa", nói về lý thuyết giải thích tất cả qua văn hóa của Antonio Gramsci, sẽ gởi tới độc giả trong những ngày gần đây.
Cuốn phim "Ile de Lumière" về chiếc tầu được đặt tên là Đảo Ánh Sáng, đã cứu vớt hàng trăm ngàn boat people Việt Nam sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp France 2, 23g05 đêm thứ ba 20/02/2018.
Chiếc tàu mang tên Ile de Lumière được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp France 2, 23g05 đêm thứ ba 20/02/2018
Cuốn phim của điện ảnh gia Nicolas Jallot đã gây xúc động lớn khi trình chiếu trong Đại hội Quốc Tế Phim Ảnh Lịch Sử (Festival International du Film d’Histoire) tại Pessac (Pháp) tháng 11 vừa qua.
Trong 65 phút, cuốn phim đã thuật lại cuộc vượt biển hãi hùng của hàng triệu người Việt đi tìm tự do khi cộng sản xâm chiếm miền Nam Việt Nam.
Nhiều khán giả tại đại hội đã không cầm được nước mắt, nhưng cũng đã hãnh diện vì dân tộc Pháp, trong dịp này, đã bày tỏ tinh thần quảng đại, nhân đạo đáng cảm phục.
Hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam đã được tàu Ile de Lumière cứu vớt trên Biển Đông trong năm 1979
Nicolas Jallot nói, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Frnce Inter, có nưóc Pháp trước và sau Ile de Lumière. Trước Ile de Lumière, người Pháp thường chia rẽ, tranh cãi về mọi vấn đề. Ile de Lumière là trường hợp hy hữu tất cả xã hội Pháp đã ủng hộ hết lòng một chương trình nhân đạo.
Trước Ile de Lumière, nước Pháp chia ra hai phe, tả và hữu. Những gì phe tả ủng hộ, phe hữu chống, và ngược lại. Với Ile de Lumière, hai lãnh tụ trí thức, hai triết gia hàng đầu của Pháp, Jean Paul Sartre, lương tâm của tả phái, và Raymond Aron, lương tâm của hữu phái, sau 30 năm bút chiến gần như hận thù, đã bắt tay nhau, vào điện Elysée để yêu cầu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đón nhận boat people.
Sartre trước đó đã từ chối giải Nobel văn chương, từ chối gặp gỡ bất cứ một chính trị gia nào bị ông ta cho là phản động.
Lần đầu tiên tất cả báo chí thuộc mọi khuynh hướng đều nồng nhiệt ủng hộ một chương trình nhân đạo. Trừ một bài báo rụt rè trên tờ L’Humanité của Đảng cộng sản Pháp, tờ báo vốn bênh vực ngưòi anh em cộng sản Việt Nam một cách nhiệt thành hơn, chỉ trích các đảng phái chính trị khác đã "lợi dụng một thảm kịch để bôi nhọ cuộc chiến đấu của người cộng sản Việt Nam". Nhưng đó chỉ là tiếng nói trong sa mạc.
Bác sĩ Bernard Kouchner đang cứu trợ thuyền nhân Việt Nam trên tàu Ile de Lumière năm 1979
Trước một phong trào nhân dân nhất trí chưa từng có, tổng thống Pháp đã quyết định đón nhận, giúp an cư lạc nghiệp cho 130.000 boat people, mặc dù chính sách của ông lúc đó là hạn chế tối đa di dân vì nước Pháp đang gặp khó khăn kinh tế và vấn đề di dân đã bắt đầu rắc rối trong xã hội Pháp.
Nicolas Jallot nói sau đó, nước Pháp đã đón nhận 300.000 thuyền nhân, và họ đã hội nhập, thành công, đóng góp cho xã hội Pháp, không gây một vấn đề gì.
Nicolas Jallot là một điện ảnh gia, một tác giả chuyên về những vấn đề hậu cộng sản. Ông đã viết hàng chục cuốn sách và nhiều phim tài liệu về Nga, Đông Âu, nhất là giai đoạn sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Ông nói lần đầu, thực tế phũ phàng về thiên đường cộng sản đã đập vào mắt người Pháp. Trước đó đã có những tác phẩm tố cáo, như những tác phẩm của Soljénitsyne, nhưng không có gì gây ấn tượng mạnh hơn là những hình ảnh.
Mỗi ngày, trong mỗi gia đình, người ta theo dõi hoạt động của con tàu Ile de Lumière, không cầm được nước mắt trước địa ngục trần gian và hãnh diện thuộc một dân tộc đã đứng ra cứu vớt người tỵ nan.
Hình ảnh boat people lần đầu đến với người Pháp đầu tháng 11/1978 với phóng sự về tàu Hải Hồng, một con tàu chờ 2.500 thuyền nhân bị chặn ở biển, không được phép vào hải phận Malaysia.
Hai ngàn 500 người đói khát, bịnh tật giữa trùng dương. Từ đó, các phóng sự liên tiếp trên các đài truyền hình nói về thảm cảnh của hàng triệu người Việt Nam bất chấp sóng biển, hải tặc cướp bóc, hãm hiếp đã vượt biển tìm tự do, chạy trốn một xứ sở mà trước đó báo chí thiên tả nói vừa được giải phóng.
Cả một thế hệ người Pháp, chứng kiến trực tiếp cuộc chạy trốn kinh hoàng của người Việt, đã coi như được chích ngừa vĩnh viễn giấc mộng "xã hội chủ nghĩa" kiểu Marx, Lénine.
Phim Con tàu Đảo ánh sáng (SBTN-DC News : iVNews, 22/02/2018)
Hình ảnh bi thảm của thuyền nhân tàu Hải Hồng đã khiến Bernard Kouchner, một "French doctor" nổi tiếng về những chương trình nhân đạo ở Châu Phi và Châu Á, nghĩ đến việc tạo con tàu Ile de Lumière đi cứu vớt thuyền nhân lênh đênh ngoài biển cả.
Sáng kiến của bác sĩ Kouchner được cả nước Pháp ủng hộ, khởi đầu là các nhà trí thức, nghệ sĩ tên tuổi như Michel Foucault, André Gluckmann, Yves Montand, Simone Signoret.
Ile de Lumière đã tuần tiễu cả vùng biển Đông Nam Á để cứu, chăm sóc và định cư hàng trăm ngàn thuyền nhân, mở đầu cho nhiều con tàu khác, nhiều chương trình nhân đạo lớn lao khác.
Sau 1975, đã có hàng triệu người vưọt biển. Ít nhất một phần ba đã bỏ mình trên biển cả.
Việc một đài truyền hình quốc gia chiếu một cuốn phim về thuyền nhân Việt Nam chứng tỏ, vói công luận thế giới, đó vẫn còn là một thảm kịch lớn nhất trong lịch sử cận đại
Từ Thức
(25/02/2018)
Ba nữ bộ trưởng Pháp, thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, đối lập nhau, sẽ lên sân khấu Paris đầu tháng 3 sắp tới, trở thành diễn viên trong vở kịch nổi tiếng của Eve Ensler, Les monologues du vagin (Lời độc thoại của âm hộ).
Ba nữ bộ trưởng Pháp thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau sẽ lên sân khấu Paris trình diễn vở kịch Les monologues du vagin (Lời độc thoại của âm hộ).
Đó là cách chào mừng Ngày Phụ Nữ 8 tháng 3 của ba chính trị gia, bà Evelyne Bachelot, cựu bộ trưởng y tế thời Nicolas Sarkozy, hữu phái, Myriam el Khomri, cựu bộ trưởng lao động thời François Hollande, tả phái, và Marlène Schiappa, đương kim thứ trưởng bộ bình quyền nam nữ của Emmanuel Macron, không hữu không tả.
"Lời Độc thoại của Âm hộ" (The Vagina Monologues) được trình diễn trên khắp thế giới từ trên 20 năm nay, được coi là tác phẩm tranh đấu cho nữ quyền ngang hàng với "Le Deuxième Sexe "của Simone de Beauvoir.
Tác giả, Eve Ensler, nhận thấy cuối thế kỷ 20, cái âm hộ, hay âm đạo, cái vagin, vagina, cái sexe của đàn bà, vẫn còn là một tabou, một điều cấm kỵ. Đàn bà, trong bất cứ văn hóa nào, được coi là một dụng cụ sinh đẻ để truyền giống.
Ba phụ nữ chính trị, bà Evelyne Bachelot, cựu bộ trưởng y tế, hữu phái, Myriam el Khomri, cựu bộ trưởng lao động, tả phái, và Marlène Schiappa, thứ trưởng bộ bình quyền nam nữ, không hữu không tả.
Phụ nữ không có quyền có lạc thú, nhất là lạc thú thể xác. Phụ nữ không dám tìm hiểu, đề cập tới một phần thân thể mình. Một nhân vật trong Les Monologues du Vagin nói chưa bao giờ dám nhìn cái sexe cuả mình.
Đó chỉ là đề tài đùa dỡn của đàn ông, những lúc tàn dư tửu hậu, và thường thường là những lời lẽ diễu cợt khoe khoang ngu dốt, của những người tưởng mình biết hết, tường tận vấn đề.
Tâm sự của 200 phụ nữ
Eve Ensler đi phỏng vấn 200 phụ nữ, nghe họ nói về cái âm hộ của họ. Những nhận xét khôi hài, tế nhị, thâm thúy, ranh mãnh hay đau xót, phẫn nộ, những câu chuyện đôi khi khôi hài, đôi khi bi đát, trở thành một vở kịch, trình diễn lần đầu tại kinh đô kịch nghệ Broadway ở New York năm 1996.
Những ngày đầu, chỉ đọc cái tên vở kịch, khán giả ngần ngại, diễn viên ngập ngừng. Dần dần, vở kịch trở thành một hiện tượng văn hóa, xã hội, được trình diễn liên tục trên 140 quốc gia, qua 50 ngôn ngữ, bởi nhiều thế hệ kịch sĩ, kể cả những nghệ sĩ uy tín nhất.
Tại bất cứ thành phố lớn nào ở những nước tự do cũng có một ban kịch đang trình diễn The Vagina Monologues
Ba năm sau, kịch bản của Eve Ensler được dịch ở Pháp, và năm 2000, buổi trình diễn đầu tiên.
Từ đó 3500 buổi trình diễn trên khắp nước Pháp đã thu hút trên 800.000 khán giả. Tại Toulouse chẳng hạn, vở kịch được trình diễn liên tục từ 13 năm nay tại Théâtre des 3T.
Bích chương quảng cáo vở kịch nổi tiếng của Eve Ensler, Les monologues du vagin
Vở kịch rất đơn sơ, không cần dàn cảnh phức tạp. Ba nữ diễn viên nói về cái âm hộ của mình. Đúng hơn là đọc lại lời tự thuật của những người đàn bà đã được phỏng vấn.
Vở kịch trở thành tiêu biểu cho cuộc tranh đấu cho quyền phụ nữ, vì bên cạnh mục tiêu giải phóng phụ nữ khỏi những cấm kỵ, những tabou, để tìm hiểu về thân xác, về chính mình, tác giả đề cập, tố cáo những tệ nạn nghiêm trọng mà đàn bà là nạn nhân : cắt xéo âm hộ, hiếp dâm, hôn nhân cưỡng bách, án tử hình phụ nữ bị kết án ngoại tình vv..
Các nhân chứng nói về thân thể phụ nữ, về dồn nén tình dục, về kinh nguyệt, về mang nặng đẻ đau, về thực tế đàn ông quên lãng : "đàn ông vượt biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình".
Coi xong vở kịch, phụ nữ thấy nhẹ nhõm, đàn ông cảm thông hơn, khám phá một thế giới xa lạ của một người sống bên cạnh mà mình tưởng là quen biết.
Mở đầu vở kịch, một diễn viên nói : tôi sẽ nói tới âm hộ, nói tới cái giống của đàn bà bởi vì đó là chuyện người ta dấu kín, che đậy, và cái gì dấu kín sẽ đưa tới lo sợ, bối rối, ngần ngại, khinh khi và ghê tởm (l’angoisse, le gêne, le mépris, le dégoût). Tôi sẽ nói tới bởi vì cái giống của đàn bà, người ta không thấy, không nhìn nhận, bỏ quên, từ đó đưa đến sự xấu hổ, sự sợ hãi, mặc cảm tội lỗi. Không, âm hộ là một cơ quan của thân thể phụ nữ. Gọi đích danh âm hộ, kể chuyện cái giống, là vượt khỏi bức tường cấm kỵ, trở thành người tự do. Mỗi năm hàng trăm ngàn đàn bà bị hiếp dâm, bị hành hạ, bị cắt xén cơ quan sinh dục trên thế giới. Nếu tất cả phụ nữ lên tiếng, bất chấp cấm kỵ, những bạo hành đó sẽ chấm dứt.
L’origine du monde
Trong Le Deuxième Sexe, cuốn sách gối đầu giường của những phong trào giải phóng phụ nữ, Simone de Beauvoir viết : "người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà" (On ne naît pas femme, on le devient). Nghĩa là tư duy phụ nữ, thái độ của phụ nữ, cách sống của phụ nữ không có gì tự nhiên, chỉ là sản phẩm của xã hội, giáo dục, văn hóa, tôn giáo của đàn ông tạo ra, áp đặt.
Một phụ nữ coi kịch xong, nói : từ nay, tôi hết mặc cảm tội lỗi, tôi thấy gần gũi, yêu cái giống của mình hơn
Một ông coi xong vở kịch, nói : cái âm hộ quả thực là cội nguồn của thế giới. Ám chỉ tác phẩm"L’Origine du Monde" (The Origin of the World), nổi tiếng không kém của Gustave Courbet, gần đây bị Google kiểm duyệt vì phô bày cái sexe của phụ nữ. Cái đạo đức giả ở những nước tân tiến đôi khi nó gặp cái đạo đức giả của các xứ độc tài, nơi The Vagina Monologues bị cấm.
Việc ba bà bộ trưởng Pháp tạm gác những bất đồng chính kiến, cùng lên sân khấu đồng diễn Les Monologues du Vagin chứng tỏ công cuộc giải phóng phụ nữ, ngay cả ở những nước tân tiến, vẫn còn đầy chông gai.
Paris 15/02/2018
Từ Thức
THƯ MỜI
Kính thân mời quý vị, quý bạn tham dự buổi hội thảo, do Hội Văn hóa nghệ thuật người Việt tự do Paris và vùng phụ cận tổ chức, với chủ đề :
Hiểm họa mất nước
Diễn giả : ký giả Từ Thức
Buổi hội thảo sẽ tăng thêm phần phong phú với bài tham luận (video) của chuyên gia môi sinh, tiến sĩ Mai Thanh Truyết về đề tài :
Formosa và đại họa môi trường
Thời gian và địa điểm :
Chủ Nhật 11/02/2018
từ 14 tới 18 giờ
tại : Église St Hyppolyte (Phòng Roulotte)
27 Avenue de Choisy - 75013 Paris
(métro Ligne 7 : Porte de Choisy
Tramway T3a - Bus 183)
Liên lạc :
Hồ Quang Khoa : Tel : 06 83 90 46 48
E–mail : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Sức mạnh "mềm" của Trung Quốc sẽ được tăng cường qua Cung hữu nghị Việt-Trung ?
Hiểm họa mất nước không xa vời, nhưng ngay trước mắt.
Đất nước không phải sẽ, nhưng đang từ từ rơi vào tay Tàu. Cuộc xâm lấn đại quy mô, có kế hoạch, đang được thực hiện từng bước, dưới mọi hình thức. Không phải chỉ ở ngoài khơi, biển đảo, nhưng ngay trên đất liền, Trung Quốc đang gậm nhắm dần đất nước. Nguy hại hơn nữa, dân Việt đang tự Hán hóa, đang từ bỏ văn hóa Việt để khoác áo Tàu.
1. Trên biển, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, xây đảo nhân tạo, bắn giết ngư dân Việt Nam, lộng hành như chốn không người, trước sự im lặng đồng lõa của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
2 . Chúng ta dồn mối quan tâm tới biển đảo, nhưng cuộc xâm lăng còn nguy hiểm hơn ở đất liền.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói : "Chúng ta sẽ không đánh chiếm Đài Loan. Chúng ta mua Đài Loan, dễ và rẻ hơn".
Điều đó sai với Đài Loan. Vì Đài Loan là một xứ dân chủ, với một giới lãnh đạo yêu nước, không để mất một thước đất.
Điều đó hoàn toàn đúng với Việt Nam. Tàu đang mua dần dần Việt Nam. Những tỉnh biên giới đã gần như trở thành Tàu, nhiều khu Tàu cấm người Việt càng ngày càng nhiều trên toàn lãnh thổ. Hiện tương đó sẽ càng ngày càng bành trướng, với một vận tốc càng ngày càng nhanh. Nhiều nơi thương gia nói tiếng Tàu, xài tiền Tàu.
Kế hoạch OBOR (One Belt, One Road, Nhất Đới Nhất Lộ) của Tập Cận Bình nhằm bành trướng thế lực của Trung Quốc qua dự án thiết lập :
- một xa lộ và đường xe lửa từ Vân Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ, nối Trung Quốc với Châu Á và Châu Âu và
- một vòng đai đường biển, từ Biển Đông qua Ấn Độ Dương, nối liền Trung Quốc với Châu Phi. Một đại họa cho Việt Nam, vì là quốc gia bị kẹp ở giữa.
Thêm vào đó, những dự án xây cầu Hoa Việt dọc vùng biên giới phía Bắc Việt Nam để người Việt tự thắt cổ mình. Người Tàu đã mỗi ngày tràn qua Việt Nam không cần chiếu khán, ra vào như chỗ không người.
3. Việt Nam đang thực sự bị Hán hóa.
Văn hóa Tàu tràn ngập trên màn ảnh truyền hình, trong sách vở. Những dự án sửa đổi chữ Việt lố bịch. Những trung tâm văn hóa Trung Quốc, những hội ái hữu Hoa Việt, những trung tâm nghiên cứu Khổng giáo, những tượng đài Quan Công, những đền miếu Tàu mọc lên như nấm với mục đích biến người Việt thành người Tàu, suy nghĩ như người Tàu, tự hủy những gì còn lại của văn hóa chính mình.
Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc thỏa ước đào tạo cán bộ cao cấp. Nghĩa là Bắc Kinh không chỉ nắm trong tay tập đoàn lãnh đạo Việt Nam mà đã và sẽ đào tạo cán bộ quản lý cho guồng máy cai trị các cấp ở Việt Nam.
Trước đại họa mất nước, chúng ta không thể thờ ơ. Một cách cụ thể, mỗi người trong chúng ta có thể làm gì, có thể đóng góp gì là nội dung của buổi hội luận. Mong quý vị, quý bạn tham dự đông đảo.
Bởi vì, các cường có thể quốc can thiệp ở Biển Đông để bảo vệ quyền lợi của chính họ (kiểm soát Biển Đông là kiểm soát một phần ba lượng thương mại thế giới), nhưng chúng ta không thể mong chờ ai ngăn chặn người Tàu đang mua dần lãnh thổ, từng thành phố, từng bãi biển và chiếm giữ những nguồn sinh sống chính của Việt Nam.
Bởi vì, trước dự án OBOR của Trung Quốc, những chính phủ tự trọng có chủ quyền, yêu nước như Ấn Độ, Pakistan phản đối, chống lại, gây trở ngại cho việc thực hiện, chúng ta không thể mong chờ ai giúp mình thoát khỏi văn hóa Tàu và tự Hán hóa, chính quyền cộng sản Việt Nam đang tự trói tay dân tộc Việt Nam để làm nô lệ cho Trung Quốc.
Không ai có thể cứu chúng ta, nếu chúng ta vong thân trước khi mất nước.
Đó là việc của chúng ta, của mỗi người trước khi quá trễ. Không nên thụ động, nghĩ mình không làm được gì.
"Nếu bạn nghĩ mình quá nhỏ bé, không làm được gì, hãy thử ngủ yên với những con muỗi vo ve ở bên cạnh".
(Đạt Lai Lạt Ma)
Văn phòng giám đốc Đại học Harvard, một ngày cuối thế kỷ 19. Một cặp vợ chồng rụt rè xin gặp ông giám đốc.
Cô thư ký nhìn vẻ quê mùa của hai người khách, chiếc quần sờn gấu của ông và bộ quần áo bình dân của bà, trả lời : ông giám đốc rất bận, chỉ tiếp khách có hẹn. Đúng ra, ông chỉ quen tiếp những trí thức danh tiếng, những người gia thế, có vai vế trong xã hội.
Tượng gia đình Stanford trong khuôn viên Đại học Stanford, California, Hoa Kỳ
Hai người khách nhất định xin được ở lại chờ, vì có chuyện muốn nói. Xế chiều, ông giám đốc Harvard mới hết khách, xách cặp ra về. Cặp vợ chồng xin được thưa chuyện vài phút.
Ông bà cho hay người con trai duy nhất của họ, sinh viên năm đầu của trường, vừa chết vì bịnh thương hàn, và muốn dựng một cái gì để tưởng nhớ đứa con.
Ông giám đốc thông cảm cái đau buồn của khách, nhưng trả lời : ông bà thử tưởng tượng, nếu mỗi gia đình có tang xây một mộ bia, bồn cỏ nhà trường sẽ thành một nghĩa trang.
Ông khách nói : chúng tôi không muốn xây mộ bia. Chúng tôi muốn nhân danh con, xây tặng một giảng đường, hay một nhà nội trú.
Ông giám đốc nhìn bộ quần áo bình dân, vẻ quê mùa của khách, mỉm cười : ông có biết xây một giảng đường tốn hàng trăm ngàn Mỹ kim ?
Bà khách nhìn chồng, nhỏ nhẹ : Nếu chỉ có vậy, tại sao mình không dựng luôn một trường Đại học ?
Hai ông bà ra về. Ít lâu sau, trường Đại học Stanford ra đời và trở thành một trong 3 đại học uy tín nhất thế giới. Ông giám đốc Harvard không biết mình vừa tiếp hai vợ chồng tỉ phú Stanford, vua xe lửa, sau này trở này trở thành Thống đốc bang California.
Trả lại cho xã hội
Giai thoại trên đây về Leland và Jane Stanford được kể đi kể lại, nói lên nhân sinh quan đặc biệt của người phương Tây, nhất là ở những xứ ảnh hưởng văn hóa Tin Lành (1), với phương châm được dạy dỗ và thấm nhuần từ nhỏ : trả lại cho xã hội những gì đã nhận được của xã hội.
Khía cạnh văn hóa đó giải thích tại sao ở Hoa Kỳ và Bắc Âu có những nhà tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Zuckerberg dành những ngân khoản khổng lồ làm việc từ thiện, tài trợ những dự án có công ích, trong khi ở những xã hội khác, những người giầu có, nhất là mới giầu, chỉ biết khoe của, phung phí một cách lố bịch, nham nhở.
Những ông bà hoàng dầu lửa, keo kiệt, tàn nhẫn với gia nhân, nhất là di dân lao động, không biết dùng tiền bạc làm gì hơn là xây phòng tắm, cầu tiêu bằng vàng, xây cất những trường đua ngựa vĩ đại với bồn cỏ xanh giữa sa mạc, ở một xứ Hồi giáo cấm cờ bạc, cấm cá độ.
Những tỷ phú Tàu xây lại lâu đài Versailles hàng trăm phòng cho hai vợ chồng với một cậu cả.
Những ông trời con, những cô bồ nhí của quan lớn ở Việt Nam làm thang máy bằng vàng, xây dinh thự xanh đỏ, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, lấy tiền gấp làm tàu giấy cho con thả chơi.
Những nhà độc tài Châu Phi dựng lại nhà thờ Vatican giữa một biển nghèo đói, dùng máy bay riêng chở thợ may, thợ đóng giầy nổi tiếng từ Paris, từ Rome (Roma) tới may bộ quần áo với giá cắt cổ thứ 200, hay áo lông thú hiếm (fourrure) cho các mệnh phụ sống ở những xứ nóng như lửa.
Hai tư duy khác nhau, đưa tới hai xã hội khác nhau : một bên thịnh vượng, tiến bộ, một bên nghèo đói, lạc hậu.
Từ kinh doanh tới việc nghĩa
Những nhà triệu phú Mỹ, khi kinh doanh, không ngần ngại dùng bất cứ thủ đoạn nào để thành công, kể cả đánh gục đối thủ cạnh tranh, để chiếm độc quyền. Đó cũng là một khía cạnh của văn hóa Tin Lành : không có mặc cảm với tiền bạc, với thương mạị.
Đó là một yếu tố văn hóa, nhưng nó giải thích phần nào cho sự thành công về kinh tế của những nước như Hoa Kỳ, Bắc Âu. Văn hóa Tin Lành đã tạo ra những xứ tư bản phương Tây.
Người Tin Lành không che giấu chuyện đã làm ra tiền, coi đó là dấu hiệu của thành công. Gặp người Mỹ, vài giờ sau biết họ lãnh bao nhiêu dollars mỗi năm, có bao nhiêu cái nhà, cái xe…
Văn hóa Thiên Chúa giáo có mặc cảm với tiền bạc. Không bao giờ người Pháp nói về lương bổng của mình, ít khi phô trương, gần như muốn che giấu nếu thành công trong đời.
Người Mỹ áp dụng những phương pháp hữu hiệu để kinh doanh, để làm giầu, nhưng khi đã thành công rồi, nghĩ tới việc trả lại cho xã hội những gì đã nhận của xã hội.
Khi Bill Gates trình bày với vợ, con về dự án dùng trên 40 tỷ dollars cho Foudation Bill & Melinda Gates, và quyết định chỉ để lại cho mỗi người con 10 triệu (ít quá, khó thành công ; nhiều quá, chỉ làm hư con cái), cả bà vợ và các con đều vui vẻ chấp nhận. Bởi vì họ được dạy dỗ, thấm nhuần văn hóa đó từ nhỏ.
Khi Bill Gates nói về dự án của mình, Warren Buffet đã hưởng ứng ngay, đóng góp phần lớn gia sản kếch sù cho Foudation Gates. Trên 50 tỷ phú, đa số là người Mỹ, đứng đầu là Zuckerberg, đã noi gương Bill Gates.
Các trường đại học Mỹ hay Anh đều giầu có, với những ngân sách khổng lồ, ngang với ngân sách một quốc gia nhỏ, mà nhà nước không tốn một xu, bởi vì những cựu sinh viên khi đã thành công ngoài đời đều quay lại, tự nguyện đóng góp. Đối với họ, đó là một chuyện tự nhiên, khỏi cần ai kêu gọi. Không làm, mới là chuyện bất bình thường.
Đơn giản như vậy, nhưng đem áp dụng ở những nước khác, rất khó. Phải bắt đầu bằng sự thay đổi văn hóa, thay đổi tư duy. Và văn hóa, không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là chuyện của hàng thế hệ.
Tinh thần "trả lại cho xã hội" giải thích tại sao vai trò của xã hội dân sự cực kỳ quan trọng trong các xã hội phương Tây. Nó nhân bản hóa các xã hội tư bản.
Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, tiêu biểu cho chế độ tư bản, nó xoa dịu những bất công của một xã hội cạnh tranh, mạnh được yếu thua. Đó là hai khuôn mặt mâu thuẫn của tư bản phương Tây. Mâu thuẫn hay bổ túc lẫn nhau.
Những foundations tư nhân, nhan nhản khắp nơi, với những số tiền nhận được ở khắp nơi gởi giúp, trợ cấp học bổng, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật văn hóa, giúp đỡ người nghèo, người sa cơ lỡ vận.
Truyền thống bác ái
Tại Pháp, nơi người Tin Lành chỉ chiếm trên dưới 3 %, cái tinh thần "trả lại cho xã hội" không mạnh như ở Hoa Kỳ, hay các nước có văn hóa Tin Lành ở Bắc Âu. Những trường đại học lớn, uy tín nhất của Pháp, những năm gần đây kêu gọi các cựu sinh viên đã thành đạt đóng góp cho trường, nhưng kết quả rất khiêm nhượng.
Không phải một sớm một chiều người ta có thể tạo một truyền thống.
Mặc dầu vậy, tinh thần bác ái ăn sâu tại các nước Thiên Chúa giáo như Pháp, Ý, Tây Ban Nha (Espagne, Spain) đã thúc đẩy các xã hội dân sự hoạt động tích cực.
Tại Pháp chẳng hạn, tổ chức Resto du Cœur mỗi năm tặng thực phẩm, bữa ăn cho hàng triệu người. Emmaüs, một tổ chức thiện nguyện do linh mục Pierre lập ra không những giúp đỡ người nghèo, còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người. Một trong những hoạt động của Emmaüs : nhận bàn ghế, TV, tủ lạnh, computers, quần áo cũ của thiên hạ gởi tặng, sửa lại, bán rẻ lấy tiền làm việc nghĩa. Nhân viên của Emmaüs đều là những người gọi là SDF (Sans Domicile Fixe, vô gia cư hay không có chỗ ở cố định, homeless), theo nguyên tắc dạy người ta câu cá hơn là cho tiền mua cá. Những người điều hành là những người có dư khả năng làm lương lớn trong các hãng tư, nhưng muốn làm việc công ích để đóng góp cho xã hội.
Tù gia đình tới xã hội
Người phương Tây, có tinh thần cá nhân chủ nghĩa, nhưng không ích kỷ như chúng ta nghĩ.
Rất nhiều người tích cực và nghĩ đến người khác, coi việc giúp đỡ người khác, cải thiện xã hội là một bổn phận.
Người Việt hy sinh, nghĩ tới người khác nhiều hơn chính mình, nhưng "người khác" chỉ luẩn quẩn trong nhà, cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái, nghĩa là không ra khỏi ngưỡng cửa gia đình. Gia đình Việt Nam chặt chẽ, nhưng xã hội Việt Nam lỏng lẻo. Gia đình phương Tây lỏng lẻo, nhưng xã hội của người ta chặt chẽ. Chữ liên đới, bác ái, huynh đệ không phải là những danh từ trống rỗng trên cửa miệng.
Người Việt dành trọng tâm đời mình cho gia đình. Tai họa xẩy ra cho người thân làm tiêu tan luôn đời mình. Mất một người thân, cuộc đời kể như chấm dứt. Ngồi rầu rĩ thương thân, oán phận.
Thái độ của người phương Tây tích cực hơn. Họ nghĩ tới xã hội. Họ không bi quan yếm thế. Tại họa cá nhân không đánh gục họ, trái lại, trở thành một động lực khiến họ lao đầu vào việc cải tiến xã hội.
"Our Children"
Hai ông bà Stanford, khi cậu con cưng chết, quyết định : từ nay, tất cả những đứa con California sẽ là con mình. "The children of California shall be our children".
Ở Pháp, những bà mẹ có con thơ ấu chết vì tai nạn xe hơi, thay vì ngồi than trời oán đất, hay oán thù người gây tai nạn, đã thành lập một hội rất thế lực, Ligue Contre La Violence Routière (Hội chống lại bạo lực lưu thông) hoạt động tích cực đòi quốc hội, chính phủ ban hành những luật lệ hạn chế vận tốc, kiểm soát, trừng phạt những người lái xe sau khi uống rượu, hút cần sa ma túy, mở những lớp về an ninh lưu thông, hỗ trợ các gia đình nạn nhân.
Các nạn nhân khủng bố lập những hội tương trợ các nạn nhân như mình. Một phụ nữ Pháp, thoát chết trong cuộc khủng bố Hồi giáo ở Paris, nói : chưa bao giờ tôi hạnh phúc hơn, vì có một gia đình trên 200 người.
Có người trong gia đình chết vì ung thư, họ lập những hội giúp bệnh nhân ung thư.
Những người cựu SDF (vô gia cư), khi có công ăn việc làm, mở hội giúp những người vô gia cư khác.
Người có con chết vì ma túy, gia đình tan nát vì rượu chè, bỏ tiền bạc, giúp những người nghiện ngập vượt qua. Họ làm việc đó tận tụy, âm thầm, coi như chuyện đương nhiên, ngạc nhiên khi có người ngạc nhiên trước các nghĩa cử đáng khâm phục đó.
Những thí dụ đó nhan nhản, ở mỗi góc phố, đếm không xuể.
Thí dụ điển hình nhất là tổ chức Télémathon. Một số gia đình có con bị các thứ bịnh hiếm, không có thuốc điều trị vì không có hãng bào chế thuốc nào bỏ ra những ngân khoản khổng lồ để điều nghiên, sản xuất thuốc cho một số rất ít bệnh nhân, đã thành lập Télémathon, mỗi năm vận động quyên góp được hàng trăm triệu euros. Với số tiền đáng kể đó, họ lập ra những hội tư tuyển dụng các y sĩ, các chuyên viên y khoa nổi danh, mở những phòng bào chế (laboratoires) tối tân để nghiên cứu phương pháp chữa trị, tìm tòi thuốc men. Tiền đóng góp từ khắp nơi gởi về, phần lớn là của những người có lợi tức thấp nhưng sẵn sàng giúp người thiếu may mắn hơn mình. Và những người hoạt động tích cực nhất là những người có con cái đã chết vì bạo bệnh, hoạt động để tránh cho người khác thảm kịch của chính mình.
Không quay đầu về quá khứ, tiến về phía trước, nghĩ đến việc cải thiện xã hội, đó là những yếu tố khiến xã hội phương Tây thành công. Cả về kinh tế lẫn chính trị. Bởi vì dân chủ không phải chỉ xây dựng trên giấy tờ, qua hiến pháp, bầu cử, luật lệ. Nó phải được thực thi, bảo vệ, nuôi dưỡng bởi xã hội dân sự, bởi từ mỗi cá nhân.
Cha chung không ai khóc
Người Việt Nam hy sinh cho gia đình, đó là một đức tính đáng cảm phục. Đó là một điều may, khiến xã hội Việt Nam không hoàn toàn băng hoại. Hay xã hội đã băng hoại, nhưng vẫn còn những ốc đảo hàng triệu gia đình đang âm thầm cố thủ.
Ngưòi Việt hết lòng với gia đình, nhưng hoàn toàn thờ ơ với xã hội.
Phương châm của người Việt : vườn ai nấy rào. Người ta đốn cây, tôi mặc kệ, vì là cây ngoài đường. Người ta xẻ núi, phá rừng, xây chung cư, khách sạn, tôi ngoảnh mặt đi để tránh vạ lây. Hậu quả là Việt Nam được trời cho một giang sơn gấm vóc, ngày nay bị tàn phá một cách thô bạo. Nha Trang, Đà Lạt, Sapa…, những thắng cảnh tuyệt vời đang trở thành những đống xi măng, cốt sắt thô kệch, trước sự thờ ơ của mọi người. Cha chung không ai khóc.
Tại các nước phương Tây, các di tích lịch sử được bảo trì một phần lớn nhờ các quỹ tư nhân (foundations), hay bởi các tư nhân. Ở Việt Nam, ngược lại, người ta biến của công thành của riêng, không nương tay tàn phá di sản của đất nước để làm giầu, để trục lợi cho riêng mình hay phe nhóm của mình.
Khi nào tình thương, sự liên đới, lòng bác ái, tinh thần trách nhiệm của người Việt ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, lúc đó Việt Nam sẽ có một xã hội lành mạnh, lạc quan, tích cực. Đủ lành mạnh, lạc quan, tích cực, để xây dựng một chế độ dân chủ đích thực. Để xây dựng lại đất nước đang trở thành một bãi rác, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.
Paris, tháng 31/01/2018
Từ Thức
(1) Bài này không có dụng ý ca ngợi đạo Tin Lành. Tôn giáo nào cũng có ưu và khuyết điểm, sẽ đề cập trong một bài tới.
Các thiếu nữ đang phơi ngực diễn hành ở trong nước, bày tỏ sự kiêu hãnh của đội bóng tròn Việt Nam đã "đặt Á Châu dưới chân" (theo một tờ báo lề phải ), nên biết ở nước ngoài, người ta ít nói tới chuyện đó hơn là chuyện tòa Đại sứ Việt Nam ở Chile phơi vây cá trên nóc nhà.
Vi cá mập được phơi ngay trên tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chile - Ảnh chụp ngày 18/01/2018, lúc 16g (giờ địa phương)
Chuyện hy hữu trong lịch sử ngoại giao : một cơ quan đại diện cho quốc gia, dân tộc, làm chuyện bất hợp pháp để kiếm tiền như một tổ chức trộm cướp. Làm chuyện man rợ, góp phần vào việc tàn phá môi trường trong khi nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải chung sức với thế giới bảo vệ môi sinh.
Dưới đây là tóm tắt bài của tờ báo địa phương Elmostrador :
Xác cá mập còn tươi phơi trên nóc nhà tòa đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hàng trăm vây cá mập phơi trên nóc nhà Sứ quán khiến cộng đồng khoa học quốc gia và thế giới phẫn nộ
Ngỡ ngàng, khó tin và kinh ngạc. Ba từ ngữ này tóm tắt phản ứng của cộng đồng khoa học ở Chile và trên khắp thế giới khi đọc tin, ngày 18/01, vây cá mập phơi trên nóc nhà tòa đại sứ Việt Nam ở Chile, Nam Mỹ.
Những vây cá mập, phơi trên nóc nhà một trụ sở của sứ quán đã khiến người trong khu để ý vì mùi hôi thối.
Cá mập là sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng
Việc bắt giết cá mập, bất hợp pháp ở Chile cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới vì luật pháp bảo vệ một sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Mỗi năm 100 triệu cá mập bị giết, nhiều hơn số cá sinh nở. Một số dân chài lưới làm chuyện bất hơp pháp này vì vây cá mập rất được giá trong những tiệm ăn Tàu và Việt.
Đây là lần đầu tiên người ta thấy chuyện phơi vây cá mập còn tươi ngay trong thành phố. Alex Munoz, giám đốc vùng Mỹ Châu La tinh của tổ chức Pristine Seas, thuộc National Geographic Society, nói : "Tôi không tin nổi. Tôi vẫn muốn biết người ta đã phơi vây cá ở đâu, nhưng không bao giờ nghĩ có thể ở ngay trong thành phố. Đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện này ở Chile".
Việc khám phá vây cá mập phơi trên nóc nhà một tòa đại sứ gây tiếng vang lớn, vì rơi đúng lúc bà Sylvia Earle, một trong những chuyên viên bảo vệ môi trường được kính nể nhất thế giới, đang thuyết trình về hiểm họa diệt chủng của cá mập, và từ đó, hiểm họa mất cân bình của biển cả, tại hội nghị về tương lai của trái đất, một hội nghị khoa học quan trọng nhất tại Nam Mỹ.
Bà nói phá sự cân bằng sinh sôi nẩy nở ở biển cả là tàn phá nguồn sống của nhân loại.
Max Bello, người đại diện cho tổ chức The Pew Charitable Trust
Max Bello, một trong những chuyên viên đã bỏ cả đời trong việc bảo vệ cá mập, nói : giết hại cá mập kiểu này là gây đại họa cho biển cả. Cá mập giữ thăng bằng môi sinh, loại trừ bệnh tật và những hiện tượng bất bình thường ở loài cá.
Matias Asun, giám đốc Greenpeace tại Chile, nói bắt cá, chặt vây là một hành động man rợ, đe dọa môi trường, việc bảo vệ cá mập phải được sự công tác của tất cả các quốc gia.
Việc khám phá vây cá mập phơi trên nóc nhà tòa đại sứ có thể gây một vấn đề ngoại giao, vì nhân viên sứ quán đã lạm dụng quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở lãnh sự để làm chuyện phi pháp.
Trước áp lực của các hội đoàn bảo vệ môi trưòng, Bộ ngoại giao Chile cho hay đã tìm mọi cách liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề, nhưng tòa đại sứ không trả lời. Mỗi lần vấn đề được nêu ra, họ ngang nhiên cúp điện thoại.
Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tuyên bố chính quyền địa phương phải có thái độ, phải làm sáng tỏ chuyện này. Phải coi là rất hệ trọng một chuyện như vậy có thể xẩy ra trên lãnh thổ Chile.
Từ Thức
21/01/2018
Nguyên văn bài báo trên tờ Elmostrador :
http://www.elmostrador.cl/cultura/2018/01/19/cientos-de-aletas-de-tiburon-sobre-tejado-en-providencia-conmociona-a-la-comunidad-cientifica-nacional-e-internacional/
Bản dịch Pháp ngữ bài nói trên (rất ngây ngô, vì dịch tự động, kiểu Google :
https://translate.google.fr/translate?hl=fr&sl=es&u=
http://www.elmostrador.cl/cultura/2018/01/19/cientos-de-aletas-de-tiburon-sobre-tejado-en-providencia-conmociona-a-la-comuni
Một người bạn nói : ông là người Việt, sống ở ngoại quốc, hiểu cả người Việt lẫn người nước ngoài, nên làm một cẩm nang cho những du khách muốn thăm viếng Việt Nam.
Mới đầu, thấy đó là một ý hay. Làm thử vài trang dưới đây, không biết có nên làm tiếp không, không biết có giúp gì cho du khách để hiểu Việt Nam hơn hay không.
- Nếu ăn tiệm, thấy ngon, đừng khen. Người ta sẽ tăng giá gấp hai
- Mua hàng, phải trả giá. Trả giá bao nhiêu cũng hớ. Nhưng nên an ủi : có người còn hớ hơn mình.
- Để quên iPhone hay ví tiền, đừng quay trở lại, hỏi có ai lượm được không. Bạn đang ở Việt Nam, không ở Nhật.
- Đi đường, chỉ nên đeo nhẫn hay đồ trang sức giả. Có thể bị mất ngón tay, nhưng không mất nhẫn.
- Đừng lễ phép, chào hỏi, cám ơn, xin lỗi. Đó là dấu hiệu của người yếu. Không có chỗ sống cho người yếu trong một xã hội toàn những người hùng.
- Nếu mất giấy tờ, khi khai báo, phải biết điều. Người công chức ngồi trước mặt bạn đã tốn nhiều tiền mới được ngồi đó. Hãy giúp họ thu lại số tiền đã bỏ ra đầu tư. Đơn của bạn cũng chẳng có ai xét, nhưng nếu biết điều, đỡ mất công chờ đợi.
- Khi có người hỏi : có biết bác Hồ không, đừng kể lể những điều bạn biết về ông Hồ qua Wikipedia. Người ta chỉ nhắc khéo bạn đã quên chi tiền.
- Gặp một người lần đầu, cứ nói : chào tiến sĩ. Rất hiếm người không phải là tiến sĩ. Hay ít nhất phó tiến sĩ, nhưng người Việt không thích làm phó cho ai cả.
- Nếu gặp một ông tiến sĩ có trình độ thấp hơn học sinh tiểu học, đừng ngạc nhiên. Có thể ông ta chưa học xong tiểu học.
Ở Việt Nam bất cứ ra ngõ nào cũng gặp tiến sĩ... vì quá nhiều
- Nếu người ta đưa một tờ giấy khổ lớn, đầy chữ, đừng nghĩ đó là một thực đơn. Đó là một danh thiếp, liệt kê bằng cấp, chức vụ...
- Đừng hỏi chức vụ này nghĩa là gì, bằng cấp kia của trường nào. Chính đương sự cũng không biết.
- Nếu muốn mua lụa hay đặc sản Việt Nam làm kỷ niệm, đừng mua tại chỗ, vác nặng mệt xác. Chờ khi về, mua trong một tiệm Tàu cạnh nhà.
- Đừng làm gì, nói gì, nếu không muốn bị phiền phức. Nên nhớ ở nước bạn, người dân có quyền làm bất cứ điều gì luật pháp không cấm ; ở Việt Nam chỉ có quyền làm những gì luật pháp cho phép.
- Đừng làm gì, ngay cả khi luật pháp cho phép. Nhiều người ở tù mọt gông vì tưởng luật pháp làm ra để ứng dụng.
- Muốn biết ai thuộc giai cấp nào trong xã hội, nên nhìn móng tay họ. Câu nói nổi tiếng : tôi làm thối móng tay mới xây được nhà cửa. Nếu thấy ai có móng tay thối, nên bày tỏ sự kính trọng. Đó ít ra là một chủ tịch xã, chủ một dinh cơ, lớn gần như Dinh tổng thống Mỹ.
- Nếu bạn thấy một người diện complet, cà vạt trong khi trời nóng như lửa, nói những câu ngớ ngẩn khiến thiên hạ ôm bụng cười, đừng nghĩ đó là những anh hề. Đó là những đỉnh cao trí tuệ loài người, đang mô tả một thiên đường xã hội chủ nghĩa trong những tuần tới.
- Đừng ngạc nhiên khi thấy một người làm 100 dollars mỗi tháng, xài iPhone trên một ngàn đô, xe hơi trên trăm ngàn. Tại sao không ? Why not ?
- Thấy hàng trăm người tụ tập ồn ào, đừng nghĩ họ biểu tình đòi nhân quyền hay tranh đấu cho môi sinh. Họ đang tranh nhau một chỗ ngồi trong tiệm McDonal’s, Starbucks.
-Thấy hàng ngàn người ngoan ngoãn xếp hàng cả buổi, đừng nghĩ họ chờ vào thư viện, coi triển lãm… Họ chờ giờ mở cửa H&M hay GAP
-McDonald’s, H&M... đối với bạn là những tiệm bình dân, ăn cho mau, mặc cho tiện. Với người Việt, đó là những nơi sang trọng, dấu hiệu của thành đạt. Cái gì dính dáng tới hàng hiệu Âu Mỹ đều là sang trọng.
- Nếu thấy một người quỳ gối, hôn chân một người khác, người quỳ gối là người Việt. Vì không thể có chuyện ngược lại. Đó là một hành động vinh quang, nếu người ngoại quốc là tỷ phú. Là một niềm hãnh diện, nếu người ngoại quốc là… người ngoại quốc.
- Thử nêu tên Mandela, Gandhi : nhiều người trẻ nghĩ đó là một hiệu quần áo Tây, và hy vọng có ngày mở tiệm ở Việt Nam để được xếp hàng chầu chực. Nhưng họ sẵn sàng kể cho bạn tất cả những giai thoại về thần tượng Jack Ma, một thương gia Tàu trở thành tỷ phú nhờ bán hàng giả.
- Đi Air Việt Nam, nếu chờ quá một giờ trước W.C, đừng nghĩ có người táo bón bên trong. Nhân viên hàng không đã khóa cửa để lấy chỗ chở đồ lậu.
- Tại sao nhiều người Việt, kể cả người có chức sắc, bị bắt vì ăn trộm ở các cửa hàng nước ngoài ? Bởi vì họ biết xài, biết hàng hóa ngoại quốc có phẩm chất.
- Bạn thắc mắc : tại sao phải để 10 dollars vào sổ thông hành khi qua hải quan. Sự thực, không bắt buộc phải để 10 dollars. Người ta bịa đặt ra để nói xấu chế độ. Hai mươi đô cũng được. Nhưng chuyện đó là chuyện giữa người Việt. Bạn không cần làm. Người Việt giỏi bắt nạt nhau, nhưng rất nể người ngoại quốc.
- Bạn nghe thường xuyên chữ "đéo". Đừng tra từ điển. Chỉ nên biết đó là một chữ rất thơ mộng, rất lịch sự, trang nhã. Nếu không, tại sao họ xài trong bất cứ cơ hội nào ?
- Muốn băng qua đường, đừng chờ xe cộ ngưng lại. Cứ nhắm mắt lao đầu đi. Nếu gặp tai nạn, biết ngay. Đây cũng nằm trong chiến dịch bôi xấu chế độ. Tại sao không báo nào loan tin chuyện có người băng qua đường mà KHÔNG bị thương tích hay mất mạng xẩy ra mỗi ngày ? Vả lại, theo triết lý Đông phương, chết sống là số mệnh.
- Tại sao ở Việt Nam có nhiều nơi dành cho Tàu, cấm người Việt ? Bởi vì nếu cho người Việt vào, đâu còn là khu Tàu ?
- Tại sao thí mạng hàng triệu người, nói là để tranh đấu cho độc lập, ngày nay nước Việt thành nước Tàu ? Bởi vì, khi tranh đấu, không ai nói rõ là giành độc lập cho ai, cho người Việt hay người Tàu.
- Người ta nói nước Việt đang trở thành Tàu ? Đó là tuyên truyền để chống phá chế độ. Trên thực tế, người Việt vẫn đông hơn người Tàu. Tên TV, thỉnh thoảng vẫn có những chương trình văn hóa Việt Nam. Lố lăng thực, nhưng Việt Nam.
- Tại sao người Việt chặt hết cây, phá hết rừng để gây lũ lụt, nhà trôi, người chết ngập đồng ? Bởi vì gỗ bán được giá.
- Tại sao khi đốn rừng, người ta không trồng cây để thay, như ở các nước khác ? Bởi vì người Việt không ngu như thiên hạ. Trồng cây, mấy chục năm mới lớn. Đổ mồ hôi trồng cho thằng cán bộ khác nó chặt à ? Nếu lúc đó, hết cộng sản, trồng cây cho phản động nó chặt à ?
- Tại sao rừng núi có nhiều sinh vật quý, hiếm, ngày nay gần như tuyệt chủng ? Bởi vì nhậu thịt bò, thịt chuột, thịt chó, thịt mèo mãi cũng chán.
- Tại sao người ta chặt cây, đốn rừng mà ít người phản đối ? Bởi vì theo túi khôn của người Việt "ăn cây nào, rào cây đó". Anh đã hái trái cây ở ngoài đường bao giờ chưa ? Nếu có trái, thằng khác nó cũng hái trước rồi.
- Tại sao xúc cát… Thôi, đừng hỏi vơ vẩn nữa. Anh là bạn tôi hay bạn của cây, của rừng, của cát ?
- Người bị tai nạn hay bị đả thương nằm chờ chết trên đường, tại sao không ai dừng lại ? Bởi vì coi người bị xe cán chết hoài cũng chán. Nhân viên công lực ? Bạn đã thấy có ai sắp chết rút tiền tặng công an, cảnh sát ?
- Đừng thắc mắc tại sao người Việt hung bạo, tìm mọi cớ để đánh nhau vỡ đầu, bể trán. Suốt đời, họ bị những người có quyền đè nén, đánh giết nhau là một cách để xả hơi.
- Tại sao tàn nhẫn với đàn bà, trẻ con ? Bởi vì khùng hay sao mà đi kiếm chuyện với thằng tàn nhẫn, khỏe, hung bạo, quyền thế hơn mình
-Tại sao không tàn nhẫn với đàn bà ? Anh bớp tai một cô bán hàng, không ai làm phiền, hôm sau nổi tiếng. Van Gogh bỏ cả đời vẽ tranh, còn tự cắt lỗ tai, chết mới nổi danh.
- Tại sao khi người Việt quét sân, hay xả rác ra đường hay đùn sang hàng xóm ? Bởi vì nếu giữ rác trong nhà thì quét dọn làm gì ?
- Tại sao có quán lấy nước rửa chân pha trà cho khách ? Bởi vì mỗi người một sở thích. Có người thích trà hoa lài, trà sen, có người thích trà rửa chân.
- Tỷ số thất nghiệp chính thức ở Việt Nam là 2 hay 3%, trong khi ở các nước tân tiến 5 hay 10%, có tin được không ? Cố nhiên là phải tin, nếu không làm thống kê làm gì ? Số thất nghiệp thấp, vì Việt Nam là một nước bình đẳng, nghề nào cũng được coi trọng, cũng được nhìn nhận. Đánh giầy là một nghề, ăn xin là một nghề, rước mối là một nghề. Đánh ghen mướn, đòi nợ thuê, đánh bả chó…
- Việt Nam đứng thứ 175 trên 180 nước về tự do báo chí ? Luận điệu của phản động. Ở Việt Nam, trên lý thuyết cũng như trên thực tế, báo chí được hoàn toàn tự do ca tụng chế độ. Bạn đã thấy dư luận viên nào gặp khó dễ hay đi tù khi hành nghề chưa ?
- Việt Nam bị xếp hạng trong những nước đội sổ về nhân quyền, tự do tôn giáo, về lương bổng… So what ? Nếu ai cũng ngang nhau thì xếp hạng làm gì ? Việt Nam cũng đứng đầu nhiều địa hạt. Thí dụ : tỷ số người bị ung thư, thành phố ô nhiễm. Việt Nam là một trong ba nước có tiềm năng xuất khẩu nô lệ, đàn bà mại dâm lớn nhất thế giới.
- Tại sao Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Anh Ba Sàm… nằm tù hàng chục năm ? Bởi vì họ làm chính trị, chống nhà nước. Tại sao Việt Nam nói không có tù nhân chính trị ? Bởi vì khi vào tù, họ trở thành thường phạm theo Bộ Luật hình sự.
- Tại sao ai cũng muốn dân chủ, nhưng Việt Nam vẫn là một nước độc tài ? Bởi vì người nọ chờ người kia. Nếu anh làm, anh đi tù, người khác hưởng. Tiện nhất là chờ Tây, Mỹ nó làm giùm. Tây, Mỹ không hiểu sao nó thích buôn bán hơn là làm dân chủ. Khi nào Mỹ nó thay đổi, hết ham dollars, Việt Nam sẽ có dân chủ. Đó là vấn đề của Mỹ, không phải của người Việt.
Paris, 15/11/2017
Từ Thức
Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam, áo quần bảnh bao, đứng xếp hàng tưởng niệm Lénine (Lenin) và công đức của cuộc cách mạng tháng Mười, người Việt nên tìm hiểu về Lénine để biết các cụ, các bác tính dẫn dân tộc vào con đường nào.
"Lénine, l’inventeur du totalitarisme" (Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị).
Rất nhiều sách báo về Lénine đã ra đời nhân dịp 100 năm Cách Mạng Tháng Mười. Nếu chỉ cần đọc một cuốn, cuốn đó là một tác phẩm mới in của Stéphane Courtois, "Lénine, l’inventeur du totalitarisme" (1) (Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị).
Stéphane Courtois là một nhà nghiên cứu, một sử gia có thẩm quyền nhất về Công Sản, tác giả 30 cuốn sách về chế độ độc tài đỏ. Ông là người điều khiển ban biên soạn cuốn "Le Livre Noir du Communisme" (2) (Cuốn sổ đen của chủ nghĩa cộng sản) cách đây 20 đã gây tiếng vang lớn, đã được dịch ra 26 thứ tiếng, bán trên một triệu cuốn. Trong một hồ sơ trên 800 trang, các tác giả đã vạch trần, với sự chính xác của các nhà nghiên cứu khoa học và con mắt phân tích của sử gia, những tội ác đối với nhân loại của các chế độ cộng sản.
Trong "Lénine, l’inventeur du totalitarisme" do nhà xuất bản Perrin, Paris xuất bản, Stéphane Courtois thuật lại cuộc đời của Lénine, qua nhiều tài liệu chính tay Lénine viết, để chứng minh Lénine thực sự là cha đẻ của chủ nghĩa toàn trị, với những phương pháp tàn bạo sau này đã được những Mussolini, Hitler áp dụng, những đệ tử như Staline, Mao, Pol Pot thực thi.
Lénine, cha đẻ của bạo lực
Sau khi những tội ác kinh hoàng của chế độ cộng sản bị phát giác, guồng máy tuyên truyền của Nga Xô Viết, với sự đồng lõa của trí thức thiên tả Tây Phương, tìm cách đổ hết tội ác lên đầu đồ tể Staline, khoác cho Lénine cái áo một lý thuyết gia trí thức.
Sau khi Staline chết (1953), đổ hết tội ác lên đầu Staline là một cách bào chữa cho chế độ cộng sản. Những tội ác của Staline, và sau này, của Mao, Pol Pot… chỉ là những sai lầm cá nhân, chủ nghĩa cộng sản đích thực vẫn tốt đẹp với lý thuyết gia vĩ đại là Lénine. Rửa tay cho Lénine là rửa tay cho chế độ.
Trong "Lénine, l’inventeur du totalitarisme", Courtois, như nhan đề của cuốn sách, đã chứng minh Lénine mới chính là người đã sáng chế ra lý thuyết toàn trị và áp dụng những biên pháp tàn bạo nhất để cai trị.
Lénine là cha đẻ của lý thuyết dùng kinh hoàng để thống trị, của ý niệm chuyên chế vô sản, kinh tế chỉ huy, Đảng duy nhất, công an chính trị, Hồng quân, goulag, tẩy não, nông trường…
Lénine, trong nhiều năm trước khi cầm quyền, đã suy nghĩ và hệ thống hóa tất cả những ý niệm và phương pháp mới mẻ đó. Cũng chính Lénine đã sáng chế ra việc lập hồ sơ của mỗi người dân, coi chuyện dân tố giác, báo cáo lẫn nhau là một quốc sách...
Staline chỉ là một tên học trò, khát máu thiệt, nhưng chỉ là một tên học trò thi hành chính sách ông thầy Lénine đã vạch ra. Nắm quyền, bằng bất cứ giá nào. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Hàng triệu người chết chỉ là một chi tiết, những viên gạch cần thiết để xây dựng một xã hội mới.
Lénine là cha đẻ của hộ khẩu, cai trị dân bằng cai trị cái dạ dầy. Ghê rợn hơn nữa, Lénine dùng nạn đói như một lợi khí chính trị. Nhà nước nắm tất cả mọi phương tiện sản xuất, gây ra những nạn đói 1920-1922 ở Nga, 1932-1933 ở Ukraine không ngoài mục tiêu làm kiệt quệ những tiềm năng chống đối. Mỗi lần có hàng triệu người chết đói.
Lénine là người sẵn sàng gây nội chiến để chiếm chính quyền, sẵn sàng và đã thủ tiêu tất cả những đối thủ trên đường đi, bắt đầu là những đồng chí không tuyệt đối trung thành.
Đệ tử của Lénine, Dzierzynsky, người cầm đầu tổ chức công an chính trị, ra chỉ thị về nguyên tắc tuyển mộ : "hãy lựa những người dứt khoát lập trường, hiểu rằng không có gì hữu hiệu hơn để dân câm miệng, là một viên đạn vào đầu".
Hận thù
Thay vì dựa vào nhân dân theo lý thuyết cộng sản để làm cách mạng, Lénine chỉ tin một số tay chân thân tín, những tay cách mạnh nhà nghề. Lénine thù ghét tầng lớp lãnh đạo cũ, giới trí thức, trưởng giả, những kẻ lười biếng, ỷ lại (bọn nào không làm, sẽ không ăn), nhưng còn thù oán hơn nữa những người phe tả nhưng không cực đoan như mình.
Lénine khinh dân chúng. Cái gọi là cuộc cách mạng tháng Mười, thực sự chỉ là một cuộc đảo chánh của phe Lénine.
Sáu ngàn Hồng quân chiếm giữ những địa điểm huyết mạch, đã lật đổ chính quyền một cách êm thắm. Dân ngoài đường không hề hay biết, vẫn sinh hoạt như thường lệ. Sau đó, Lénine đã cho soạn kịch, dựng phim, tuyên truyền như một cuộc cách mạng được toàn dân Nga ủng hộ.
Lên cầm quyền, Lénine đóng cửa tất cả báo chí, hành quyết hay bỏ tù tất cả đối lập, hay những người bị nghi là đối lập. Lénine nói : "Nhân dân không cần tự do, vì tự do là sản phẩm của độc tài trưởng giả". Cũng Lénine : "Ở đâu có nhà nước, ở đó không có tự do. Khi có tự do, hết còn nhà nước".
Lénine lý thuyết hóa nghệ thuật lừa bịp chính trị : "Một sự dối trá nhắc đi nhắc lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực".
Cái ông Lenine khát máu đó, đã gây kinh hoàng hơn cả chủ nghĩa nazi, người ngày nay cả thế giới muốn quên lãng, là người mà toàn bộ lãnh đạo Việt Nam đứng xếp hàng kính cẩn tưởng niệm. Quên cả trận bão đang tàn phá, gây tang tóc trên một phần đất nước.
Sự thực, việc tập đoàn lãnh đạo Việt Nam dựng cái xác Lénine dậy để lễ bái cũng dễ hiểu. Họ có lý để tri ân một người đã dạy họ nắm quyền. Câu nói của Lénine được coi như một câu thần chú : "Muốn tồn tại vĩnh viễn, các đảng cộng sản phải biết đàn áp triệt để những kẻ chống đối".
Lenine là thần tượng, là mẫu hàng cuối cùng để bám víu cho một chế độ đã mệt mỏi, một thế giới đã sụp đổ.
Paris, 07 tháng 11/2017
Từ Thức
Chú thích :
(1) Lénine, L'inventeur du totalitarisme, S.Courtois, Ed Perrin, Paris, 20/09/2017.
(2) Le Livre noir du communisme, Dirigé par S. Courtois, Ed Robert Laffont/Calman Lévy, Paris, 1997.