Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 02 avril 2022 01:39

Chủ nghĩa xã hội là gì ?

Lời người dịch Leszek Kolakowski (1927-2009) là một triết gia Ba Lan nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào phản kháng ở Đông Âu, đặc biệt tại Ba Lan. Ông bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Ba Lan năm 1966 và bị cấm dạy tại Đại học Warsaw năm 1968, sau khi ông phê phán chủ nghĩa Stalin qua các bài viết được lưu hành bí mật. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời lưu vong, và lần luợt giảng dạy tại các đại học như Berkeley, Yale, Chicago, và cuối cùng Oxford. Trong năm thập niên, ông viết hơn 30 cuốn sách, chủ yếu về triết học, nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là bộ sách 3 tập, Main Currents of Marxism : Its Rise, Growth and Dissolution (1976). Tác phẩm này là "giấy khai tử" về trí thức của tư tưởng Mác-xít viết ra 13 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đi vào nghĩa trang lịch sử năm 1989. Các nhà lãnh đạo phong đoàn Công đoàn Đoàn kết tranh đấu bền bỉ dựa trên các tư tưởng chống Mác-xít của ông. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng lớn, là người đầu tiện nhận Giải thưởng John W. Kluge, trị giá 1 triệu đô-la, được xem như là Giải Nobel cho các ngành nhân văn và xã hội. Ông là "người đánh thức hy vọng của con người" và là một Socrates của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi.

Tác phẩm dưới đây được tác giả viết vào năm 1956 cho tờ tuần báo sinh viên. Toàn bộ bài bị kiểm duyệt. Sau đó báo bị đình bản. Sinh viên liền dán bài trên bản thông báo của trường đại học Warsaw, nhưng liền bị gỡ xuống ngay. Từ đấy bài được chép tay và lưu hành rộng rãi.

Tác giả nhận xét : "Dù ngắn, tác phẩm châm biếm này đủ dài để khích thích sự giận dữ của những nhà lãnh đạo đảng cộng sản – điều đáng tự hào".

Độc giả có thể đọc bài viết khác của tác giả nhan đề "Chủ nghĩa xã hội còn lại gì" trên trang mạng Talawas blog cũng cùng người dịch. (TQV)

***

cnxh1

Chúng tôi định nói cho bạn biết chủ nghĩa xã hội là gì. Nhưng trước tiên chúng tôi phải nói cho bạn biết chủ nghĩa xã hội không phải là gì đã – và quan điểm của chúng tôi ngày xưa về vấn đề này đã rất khác với quan điểm hiện nay.

Vậy sau đây chủ nghĩa xã hội không phải là :

- xã hội nơi người không phạm tội gì ngồi ở nhà chờ công an đến ;

- xã hội nơi người ta có tội vì họ là anh chị em, con, hay vợ của tội phạm ;

- xã hội nơi nhiều người đau khổ vì họ nói ra điều họ nghĩ còn những người khác lại đau khổ vì họ không nói ;

- xã hội nơi có nhiều người khá lên nhờ họ hoàn toàn chẳng suy nghĩ gì ;

- xã hội nơi nhiều người đau khổ vì họ là người Do Thái còn những người khác hạnh phúc hơn vì họ không phải là người Do Thái ;

- Nhà nước nơi bộ đội là những người đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ nước khác ;

- Nhà nước nơi người ta khá lên nhờ họ biết khen ngợi lãnh đạo ;

- Nhà nước nơi người ta có thể bị kết án mà không cần xét xử ;

- xã hội nơi các nhà lãnh đạo tự phong lẫn nhau ;

- xã hội nơi mười người sống trong một phòng ;

- xã hội có những cơn dịch bệnh và dịch mù chữ ;

- Nhà nước không cho phép người ta đi ra nước ngoài ;

- Nhà nước có nhiều gián điệp hơn y tá và nhà tù nhiều hơn bệnh viện ;

- Nhà nước nơi số lượng cán bộ tăng nhanh hơn số lượng công nhân viên ;

- Nhà nước nơi người dân buộc phải nói láo ;

- Nhà nước nơi người dân buộc phải ăn cắp ;

- Nhà nước nơi người dân buộc phải phạm tội ;

- Nhà nước sở hữu thuộc địa ;

- Nhà nước nơi nước láng giềng của họ nguyền rủa địa lý ;

- Nhà nước sản xuất ra máy bay phản lực siêu phàm và những đôi giày quá tệ ;

- Nhà nước nơi những kẻ hèn nhát lại khá hơn những người can đảm ;

- Nhà nước nơi luật sư biện hộ thường đồng ý với công tố ;

- Nhà nước độc đoán, Nhà nước do nhóm nhỏ cầm quyền, Nhà nước quan liêu ;

- xã hội nơi đại đa số nhân dân hướng về Chúa để an ủi họ trong cảnh khổ ;

- Nhà nước trao các giải văn học cho những nhà văn quèn bất tài và là Nhà nước biết rõ hơn các hoạ sĩ tranh nào là kiệt tác ;

- quốc gia thống trị quốc gia khác ;

- quốc gia bị quốc gia khác thống trị ;

- Nhà nước muốn tất cả các công dân của mình đều có cùng quan điểm về triết học, chính sách ngoại giao, kinh tế, văn học, và đạo đức ;

- Nhà nước quyết định các quyền của công dân nhưng các công dân không được quyết định các quyền của Nhà nước ;

- Nhà nước nơi người ta chịu trách nhiệm về tổ tiên của mình ;

- Nhà nước nơi có người có thu nhập cao hơn bốn mươi lần người khác ;

- là chế độ chính quyền bị đa số người dân ghét ;

- một quốc gia bị cô lập ;

- nhóm các quốc gia kém phát triễn ;

- Nhà nước xử dụng các khẩu hiệu đề cao dân tộc ;

- Nhà nước nơi chính quyền tin rằng không có gì quan trọng bằng việc mình phải nắm được quyền hành ;

- Nhà nước ký kết hiệp ước với các tội phạm và thay đổi thế giới quan của Nhà nước theo các hiệp ước này ;

- Nhà nước muốn bộ ngoại giao hình thành thế giới quan cho tất cả nhân loại ở một thời điểm nhất định ;

- Nhà nước không phân biệt giỏi lắm giữa nô lệ và giải phóng ;

- Nhà nước hoàn toàn cho phép ủng hộ kỳ thị chủng tộc ;

- Nhà nước hiện đang tồn tại ;

- Nhà nước có quyền tư hữu phuơng tiện sản xuất ;

- Nhà nước coi mình là Nhà nước xã hội chủ nghĩa vì Nhà nước đã xóa bỏ tư hữu phương tiện sản xuất ;

- Nhà nước không phân biệt giỏi lắm giữa cách mạng xã hội và xâm lược vũ trang ;

- Nhà nước không tin rằng nhân dân dưới chủ nghĩa xã hội nên hạnh phúc hơn nhân dân ở các nơi khác ;

- xã hội rất buồn ;

- hệ thống các giai cấp ;

- Nhà nước nơi chính quyền luôn luôn biết ý muốn của nhân dân trước khi hỏi ý kiến của nhân dân ;

- nơi người dân có thể bị xô đẩy, bị nhục mạ, và bị bạc đãi mà Nhà nước không bị trừng phạt ;

- Nhà nước nơi áp đặt quan điểm nhất định về lịch sử thế giới ;

- Nhà nước nơi các triết gia và nhà văn luôn luôn nói những điều giống như các vị tướng và bộ trưởng nói, nhưng luôn luôn nói sau khi các vị tướng và bộ trưởng đã nói trước ;

- Nhà nước nơi các bản đồ thành phố là bí mật quốc gia ;

- Nhà nước nơi kết quả các cuộc bầu cử quốc hội có thể luôn luôn được tiên đoán không bao giờ sai ;

- Nhà nước nơi lao động như nô lệ tồn tại ;

- Nhà nước nơi các mối quan hệ phong kiến tồn tại ;

- Nhà nước độc quyền cho người dân biết tất cả những gì họ cần biết về thế giới

- Nhà nước nghĩ tự do có nghĩa là phục tùng Nhà nước ;

- Nhà nước không thấy sự khác biệt giữa những gì là sự thật và những gì vì quyền lợi của Nhà nước nhân dân phải tin theo ;

- Nhà nước nơi người ta có thể tuỳ tiện chuyển toàn bộ quốc gia từ nơi này đến nơi khác ;

- Nhà nước nơi công nhân không có ảnh hưởng gì đối với chính quyền ;

- Nhà nước cho rằng chỉ có Nhà nước mới có thể cứu được nhân loại ;

- Nhà nước cho rằng Nhà nước luôn luôn đúng ;

- Nhà nước nơi lịch sử phục vụ chính trị ;

- Nhà nước nơi công dân không được phép đọc các kiệt tác văn học đương thời, hay xem các kiệt tác nghệ thuật đương thời, hay nghe kiệt tác âm nhạc đương thời ;

- Nhà nước cực kỳ tự mãn ;

- Nhà nước tuyên bố thế giới rất phức tạp, nhưng thật ra lại tin rằng thế giới rất đơn giản ;

- Nhà nước nơi ta phải trải qua rất nhiều đau đớn trước khi ta gặp được bác sĩ ;

- Nhà nước có kẻ ăn xin ;

- Nhà nước tin tưởng chắc chắn rằng không có ai đã từng có thể phát minh ra được điều gì tốt hơn ;

- Nhà nước tin rằng tất cả mọi người đều tôn sùng Nhà nước, mặc dù ngược lại mới đúng ;

- Nhà nước cai trị theo nguyên tắc dân ghét cũng chẳng sao miễn là dân phải sợ ;

- Nhà nước quyết định ai có thể phê bình và phê bình như thế nào ;

- Nhà nước nơi ta mỗi ngày được yêu cầu nói ngược lại điều ta đã nói ngày hôm trước nhưng vẫn tin rằng ta luôn luôn nói cùng một điều ;

- Nhà nước hoàn toàn không thích khi công dân đọc báo cũ ;

- Nhà nước nơi kẻ dốt thành học giả ;

- Nhà nước nơi nội dung của tất cả các tờ báo đều giống y như nhau ;

- Nhà nước nơi chính quyền muốn kiểm soát tất cả các hình thức tổ chức xã hội ;

- Nhà nước nơi có nhiều người ngay thẳng và can đảm, nhưng nghiên cứu về chính trị của chính quyền sẽ không cho phép ta khám phá ra điều này ;

- Nhà nước hoàn toàn không thích khi các học giả phân tích chế độ, nhưng lại rất vui khi các kẻ nịnh hót phân tích chế độ ;

- Nhà nước luôn luôn biết rõ hơn các công dân hạnh phúc của mỗi công dân là ở đâu ;

- Nhà nước, dù không hy sinh bất kỳ điều gì cho những nguyên tắc cao hơn, lại tin rằng Nhà nước là ánh sáng soi đường cho sự tiến bộ.

Thế là xong phần thứ nhất. Bây giờ, hãy chú ý, vì chúng tôi sẽ cho bạn biết chủ nghĩa xã hội là gì. 

Chủ nghĩa xã hội là như thế này :

Chủ nghĩa xã hội là hệ thống mà… Nhưng có ích gì khi đi sâu vào tất cả các chi tiết này ? Thôi nói thế này với nhau cho dễ hiểu: chủ nghĩa xã hội quả thực là quá tuyệt.

Leszek kolakowski

Nguyên tác : "What is left of socialism", tạp chí First Things, số tháng Mười năm 2002

Trần Quốc Việt dịch

(02/04/2022)

Published in Diễn đàn

Con đường dài nhất bắt đầu ở Nga mở đầu bằng tuyên ngôn của nhà thơ vô sản Vladimir Kirillov vào năm 1917 :

"Nhân danh ngày mai, chúng ta sẽ đốt cháy Raphael,

Hủy diệt các viện bảo tàng, dẫm nát dưới chân những đóa hoa nghệ thuật" (1).

Khởi đi từ đấy, chiếc kim đồng hồ văn minh của nhân loại ở Nga bắt đầu quay ngược chiều.

lamnguoi0

"Con khỉ nhỏ thường sống ở đây đã bị mù vì sự tàn ác vô ý thức của một người khách đến xem. Kẻ độc ác đã ném thuốc lá vào mắt con khỉ thuộc họ Macaque Rheus".

Con đường bắt đầu đổ xuống dốc mà dường như dài vô tận như được diễn tả qua lời thơ của Vladimir Mayakovsky vào năm 1920 :

"Chúng ta sẽ hủy diệt ngươi,

thế giới lãng mạn cũ !


Thay thế đức tin

trong tâm hồn mình chúng ta có

điện

và hơi nước.

Thay thế nghèo khổ, 

hãy nhét vào đầy túi tất cả của cải trên toàn thế giới !

Những người già ? Hãy giết họ.

Để lấy sọ làm gạt tàn thuốc !" (2)

Thế giới ngày hôm qua kết tinh qua hàng ngàn năm tiến hóa đã chết. Con người trần trụi hơn loài dã thú khi những vàng son đạo đức, tinh thần, đức tin, nghệ thuật tự ngàn xưa tan biến như những hạt bụi thảo nguyên trong cơn cuồng phong cách mạng Nga.

Cuối dốc là cửa hang tiền sử, nơi con người không đánh nhau bằng dùi cui hay đá mà bằng sự phân loại bạn thù, cách mạng và phản động.

Trước tiên người thân tố cáo nhau rồi từ nhau :

"Mọi người sống trong môi trường phản bội - và dùng hết lý trí để biện minh hành động phản bội. Vào năm 1937 vợ chồng nọ đang chờ bị bắt giam - vì vợ đến từ Ba Lan. Và đây là điều họ thỏa thuận : Trước khi bị bắt thật sự chồng sẽ tố cáo vợ với công an ! Rồi vợ đã bị bắt còn chồng được tự do vì "trong sạch" dưới mắt an ninh. Cũng trong năm vinh quang ấy, người tù chính trị tiền cách mạng Adolf Mezhov khi đi tù dặn dò con gái yêu duy nhất, Izabella : "Chúng ta đã cống hiến đời mình cho chính quyền Xô Viết, cho nên con không để ai lợi dụng vết thương của con. Con hãy vào Đoàn !". Theo điều khoản bản án, Mezhov không bị cấm viết thư cho con gái, nhưng Đoàn cấm con gái thư từ với cha. Và theo tinh thần lời chứng của ông con gái đã tố cáo cha.

Vào thời đó có biết bao nhiều lời tố cáo như thế ! Nhiều tố cáo diễn ra công khai, nhiều tố cáo đăng trên báo : "Tôi, người ký tên dưới đây, kể từ ngày tháng năm này tôi từ cha tôi và mẹ tôi vì họ là kẻ thù của nhân dân Xô Viết". Như thế họ đã mua sinh mạng của mình" (3).

Trong cảnh đói quay quắt mẹ ăn thịt con :

"Bác tôi, giờ đã khuất, kể rằng lúc còn nhỏ bác tôi lê bước, vì đi không nổi, đến nhà bạn", một bác sĩ ở Murmansk nhớ lại. Khi bác tôi bước vào sân, bác thấy bạn mình nằm ở dưới đất gần giếng nước. Mẹ của bạn đang lấy rìu chặt xác bạn ra từng miếng nhỏ rồi xếp vào thùng vì, tôi nghĩ, bà muốn giữ cho thịt tươi trong nước lạnh ở dưới giếng".

Một người quê ở tỉnh Saratov phục vụ trong Hồng Quân vào năm 1933, nhớ lại một người lính tên Kirill Shilov nhận được thư mẹ gởi từ làng quê :

"Đời lính con thế nào ?", bà mẹ viết. "Mẹ nghĩ con ít ra cũng có đủ bánh mỳ mà ăn. Còn ở đây, Praskovya đang ăn thịt các con mình đấy. Bà ta đã ăn đứa con gái và khi họ tìm kiếm đứa kia, họ thấy một nồi đầy thịt ở trên lò".

Chỉ huy nghe về lá thư này liền báo cáo lên chính ủy. Shilov bị kêu lên Phòng Đặc Biệt rồi bị tống giam về tội tuyên truyền dối trá chống Xô Viết. Khị họ gởi thư chính thức về làng hỏi thì ủy ban làng xác nhận mọi thứ đều đúng. Họ thả anh ra khỏi tù nhưng cảnh cáo anh không được nói gì" (4).

Năm 1934 một người mẹ khác cũng ăn con mình và công khai thừa nhận một cách thách thức : "Đúng, tôi ăn con tôi đấy. Ai cũng ăn con hết đâu phải chỉ mình tôi. Nếu tôi không ăn con mình thì tôi sẽ chết. Nhờ ăn con có thể ngày nào đấy tôi sẽ sinh ra đứa con khác, có thể có nhiều con nữa" (5).

Tuy nhiên trong những năm đói kém ấy Liên Xô xuất khẩu sang Tây Âu gần 2 triệu tấn lúa mỳ vào năm 1932 và 1 triệu tấn vào năm 1931 (6).

Trong cảnh tù đày đói rét nhiều người tù rơi nhanh xuống tận cùng tủi nhục của kiếp người để tồn tại :

"Lev Razgon cũng kể chuyện ông tình cờ thấy cô gái rất trẻ tóc vàng hoe đang quét sân ở trước phòng y tế trại. Lúc ấy ông là công nhân tự do ghé thăm người quen làm bác sĩ ở đấy. Dù không đói ông vẫn được trao phần ăn trưa thịnh soạn. Ông cho cô gái phần ăn trưa của mình. Cô "ăn lặng lẽ gọn gàng và ta có thể biết cô đã được nuôi dạy tử tế trong gia đình". Cô gái gợi ông nhớ tới con gái mình.

"Cô ăn xong, xếp dĩa bát gọn gàng trên cái khay bằng gỗ. Rồi cô vén váy lên, cỡi quần lót ra, cầm trên tay, quay mặt không có nụ cười về hướng tôi.

"Nằm xuống hay làm sao ?", cô hỏi.

Thoạt đầu không hiểu, rồi sợ hãi trước câu trả lời của tôi, cô nói chống chế, và cũng không cười, "Người ta không cho tôi ăn nếu không có chuyện đó" (7).

Năm 1959 nhà văn Nga Andrei Sinyavsky đã in tác phẩm tựa đề Bàn về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của mình ở Tây Phương dưới bút danh khác. Trong đó ông nói đến chủ nghĩa xã hội - con đường đau khổ rất dài ở Nga :

"Để những nhà tù nên biến mất mãi mãi, chúng ta đã xây những nhà tù mới. Để tất cả các biên giới nên sụp đổ, chúng ta tự giam cầm trong Vạn Lý Trường Thành. Để công việc nên là sự nghỉ ngơi và là niềm vui, chúng ta đặt ra cưỡng bức lao động. Để không có giọt máu nào đổ nữa, chúng ta đã giết và giết và giết.

Nhân danh Mục đích, chúng ta viết những lời dối trá trên báo Sự Thật, chúng ta đặt một Sa hoàng mới trên ngai vàng giờ trống rỗng.

Chúa ơi, Chúa ơi - Hãy tha thứ tội lỗi của chúng con !"(8).

Cuối cùng Chúa đã tha thứ khi con người biết nhận thức trở lại giá trị vĩnh cửu của thiện và ác và bắt đầu xé tan những ngụy từ làm băng hoại đạo lý và nhân tính của con người - bạn thù, cách mạng và phản động - mà tất cả để nhằm biện minh và che giấu tội ác của chế độ. Người thắp lên ngọn lửa soi đường lương tâm ấy là nhà văn Alexander Solzhenitsyn.

Người tù thoát được căn bệnh ung thư, trong tác phẩm Khu Ung Thư của ông, sau khi xuất viện trên đường về ghé vào sở thú :

"Oleg chẳng thấy gì hấp dẫn ở chuồng khỉ. Hắn vội bỏ đi và sắp bắt đầu rời khỏi chuồng khỉ thì chợt nhìn thấy một thông báo gắn ở một trong những chuồng ở đằng xa, và có vài người đang đứng đọc.

Hắn bước đến. Lồng trống rỗng nhưng nó có cái bảng ghi "Macaque Rheus". Bảng thông báo được viết vội vàng nguệch ngoạc và được đóng lên miếng ván ghép. Thông báo ghi : "Con khỉ nhỏ thường sống ở đây đã bị mù vì sự tàn ác vô ý thức của một người khách đến xem. Kẻ độc ác đã ném thuốc lá vào mắt con khỉ thuộc họ Macaque Rheus".

Oleg sững sờ. Cho tới lúc ấy hắn vẫn còn vừa đi vừa mỉm cười, nhưng bây giờ hắn cảm thấy muốn kêu lên và la lên thật to cho vang vọng khắp sở thú, như thể người ta vừa ném thuốc lá vào mắt hắn, "Tại sao ? tại sao lại ném như thế ! Tại sao ? Vô ý thức ! Tại sao ?".

Điều làm hắn xúc động là lời thông báo được viết ra giản dị như trẻ em viết. Người viết không nói thủ phạm vô danh ấy là "kẻ chống loài người", hay "gián điệp của đế quốc Mỹ" ; chỉ ghi rằng đó là kẻ độc ác. Điều này rất ấn tượng : sao con người chợt trở nên "độc ác". Trẻ em, không lớn lên để trở thành ác độc. Trẻ em, không giết những sinh vật không tự bảo vệ được" (9).

Tiếng kêu vang vọng thấu trời xanh "Tại sao" ấy là sự thức tỉnh của lương tri trong lòng chế độ toàn trị. Và một khi người dân thức tỉnh họ bắt đầu thoát ra khỏi sự mông muội tăm tối đã che kín đời họ từ trước nay.

Từ đây nước Nga bắt đầu đi trở ngược lên dốc thăm thẳm để trở lại thế giới văn minh tinh thần nhân văn và đạo lý của con người.

Sau các cuộc cách mạng diễn ra vào năm của phép lạ 1989 ở Nga và Đông Âu, có người nói rằng "chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất đi từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa tư bản". Các sử gia như sử gia người Anh Tony Judt (10) cho rằng chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất dẫn đến địa ngục. Hay có thể nói không quá rằng chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất để trở lại làm Người.

Trần Quốc Việt

(30/03/2022)

Tài liệu tham khảo :

(1) Andrei Sinyavsky, Soviet Civilization, Arcade Publishing, New York 1988, trang 8

(2) Sách đã dẫn, trang 44

(3) Alexander Solzhenitsyn, Quần Đảo Ngục Tù, Harper & Row, New York 1975, tập 2, phần 4, chương 3, trang 639-640

(4) & (5) Leon Aron, Roads to the Temple, Yale Univerisity Press, 2012 trang 110

(6) Sách đã dẫn, trang 111

(7) Anne Applebaum, Gulag, Doubleday, 2003 trang 314

(8) Andrei Sinyavsky (dưới bút danh Abram Tertz), The Trial Begins and On Socialism Realism, University of California Press, Berkeley and Los Angeles, California, 1960 trang 162

(9) Alexander Solzhenitsyn, Khu Ung Thư (Cancer Ward), Bantam Books, 1972, trang 506

(10) Tony Judt, The Longest Road To Hell, New York Times, 22/12/1997

Published in Văn hóa

Chủ nghĩa xã hội được coi là "huyền thoại" nhưng không ai hiểu thực sự là gì

Hai sự kiện vừa diễn ra trong tháng 12/2021, liên quan đến tính đại diện quyền lực khác nhau của hai người cộng sản thu hút sự ‘tò mò’ của dư luận. Một là, vì sao ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được Đảng Cộng sản Liên bang Nga, không phải là đảng cầm quyền, trao Giải thưởng Lenin, biểu tượng quá khứ của mô hình Xô-viết vào dịp 30 năm ngày Liên Xô sụp đổ. Hai là, vì sao bà Elke Kahr – một người cộng sản được bầu làm thị trưởng ở Graz, thành phố lớn thứ hai nước Áo.

cnxh1

Hình ảnh các biểu tượng của chủ nghĩa xã hội là Karl Marx và Lenin được bán tại một cửa hàng ở Hà Nội năm 2019 - Reuters

‘Huyền thoại’ xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) từng được ví như một tấm đệm hơi : ‘không có gì trong đó nhưng nó giảm xóc và tạo ra một cảm giác an ủi dễ chịu’ và, một khi nó được thiết lập và được dung dưỡng, nó có thể trở thành một phần của bạn. ‘Huyền thoại’ đó chứa đựng hệ tư tưởng, theo đó, bình đẳng xã hội và sự sung túc có thể đạt được, đã tạo nên sự hấp dẫn tinh thần : ‘của cải tuôn ra dào dạt’, ‘làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu’. Tuy nhiên, trên thế giới cho đến nay xã hội chủ nghĩa chưa từng có, chưa khi nào hoạt động, không thể hiện thực hóa dù cuộc thử nghiệm ở nhiều quốc gia thất bại.

Một số yếu tố của chủ nghĩa xã hội có nguồn gốc xa xưa, trong các tôn giáo cổ đại như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Cơ đốc giáo hay trong nền cộng hòa của Plato… Một vài nơi trong lịch sử cổ đại cũng sử dụng ý tưởng này để giải quyết các vấn đề kinh tế. Ở đây, bản chất xã hội của con người, dù chủ ý hay tình cờ được thừa nhận, sự bình đẳng được thúc đẩy và sự quan tâm đến người nghèo và sở hữu chung.

Tuy nhiên, thuật ngữ xã hội chủ nghĩa chỉ được sử dụng ở Tây Âu vào đầu thế kỷ XIX trong bối cảnh Cách mạng Pháp (1789–1799) đang phá hủy ý thức hệ phong kiến và quan hệ tư bản chủ nghĩa phát triển bùng nổ nhờ nền tảng tư tưởng tự do của Thời kỳ khai sáng trong các lĩnh vực cuộc sống, từ kinh tế, chính trị đến khoa học, nghệ thuật và, sau đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Ngoài ra, mặt trái của sự phát triển cũng bộc lộ : công nhân bị bần cùng hoá, bóc lột sức lao động, tư bản tích luỹ cao độ… Có hai khuynh hướng tư tưởng kinh tế chính trị đối nghịch : hoàn thiện thể chế tư bản chủ nghĩa hiện hành dựa trên tự do cá nhân và thiết kế xã hội chủ nghĩa như một triết lý mà xã hội ‘có thể hoặc nên’ vận hành phục vụ tập thể thay vì chỉ nghĩ đến cá nhân.

Trước hết, chủ nghĩa tư bản đã hoàn thiện dựa trên các khám phá chủ yếu. Thứ nhất, nhận thức về sự vận hành của kinh tế dựa vào cạnh tranh thể chế và quy luật ‘bàn tay vô hình’ theo cách gọi của Adam Smith (1723-1790), thị trường là thuật ngữ thay thế sau này. Thứ hai, vai trò nhà nước chỉ là trung gian bảo vệ các quan hệ kinh tế - xã hội dựa trên tự do cá nhân, bởi vậy quyền lực nhà nước phải bị kiểm soát để ngăn ngừa ‘rủi ro’ đạo đức và những mặt trái của thị trường quá trình phát triển tự nhiên. Tư tưởng này được thể chế hoá, từ Lý thuyết về khế ước xã hội của Thomas Hobbes (1588-1679) đến Lý thuyết nhà nước trong Tinh thần pháp luật (1748) của Montesquieu, hình thành nên chế độ tam quyền phân lập, nhấn mạnh nguyên tắc tối thượng "quyền lực thuộc về nhân dân" của nhà tư tưởng John Locke (1632-1704) và lời cảnh báo về "quyền lực tuyệt đối có xu hướng tha hóa tuyệt đối" của Lord Acton (1834-1902). Ngoài ra, sự ra đời và nỗ lực hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa sau này cũng khiến chủ nghĩa tư bản cải thiện.

Hai là, tư tưởng chủ nghĩa xã hội. chủ nghĩa xã hội không tưởng là trường phái đầu tiên cho rằng các tư liệu sản xuất được kiểm soát bởi các nền dân chủ tập thể và phi tập trung bằng cách đối thoại và thuyết phục các nhà tư bản và những người chủ khác sẽ tự nguyện giao phương tiện sản xuất cho công nhân. Tiếp đến là tư tưởng Karl Marx (1818-1883), trong đó quan điểm kinh tế chính trị của ông phê phán sự bất công của chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy đấu tranh giai cấp để hướng tới tương lai sẽ là chủ nghĩa cộng sản dựa trên lý thuyết duy vật lịch sử. Tuy nhiên những trước tác chuẩn bị còn ‘sơ sài’ của ông khiến Vladimir Lenin (1870-1924) và các lãnh đạo cộng sản kế tục phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tạo ra các thể chế mới giúp điều phối đời sống kinh tế sau khi đã quyết định thay thế tư hữu, thị trường và nhiều thể chế tư bản chủ nghĩa khác của nước Nga thời Sa Hoàng. Lenin đã áp dụng mô hình huy động phục vụ chiến tranh của Đức mà ông ấy quan sát được trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Và sau đó, như đã biết, mô hình Xô-viết hình thành và biến đổi, trong đó chế độ toàn trị, sở hữu toàn dân và kế hoạch hóa tập trung nền kinh tế là cốt lõi, cho đến khi sụp đổ hoàn toàn năm 1991 ở Đông Âu.

Chủ nghĩa xã hội là ‘huyền thoại’ bởi vậy khi nó được bảo vệ bởi chế độ độc đoán với quyền lực tuyệt đối, thì bất kỳ ai động đến và khác với chúng, mâu thuẫn với chúng, người đó có thể sẽ phải gặp rủi ro, bị trừng phạt. Sau sự sụp đổ mô hình Xô-viết các biến thể như mô hình xã hội chủ nghĩa "bản sắc Trung Quốc", "định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam ra đời và gây tranh cãi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chính sách ‘cải cách và mở cửa’ thay thế kế hoạch hóa tập trung bằng công cụ thị trường đã mang lại thành công kinh tế ấn tượng, tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo. Thành phần kinh tế tư bản lớn đến mức mô hình Trung Quốc được gọi là nhà nước tư bản thân hữu hay chủ nghĩa tư bản chính trị. Tập Cận Bình đang hướng chính sách quay lại chủ nghĩa xã hội kiểu Mao khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng đối đầu với các giá trị tự do dân chủ phương Tây khiến cuộc chiến ý thức hệ 2.0 trở nên căng thẳng. Trong nước, chế độ toàn trị đàn áp tự do dân chủ để bảo vệ sự cai trị trong bối cảnh khủng hoảng trong nội bộ.

Ngoài ra ‘huyền thoại’ chủ nghĩa xã hội cũng bị các chính trị gia thường lợi dụng, níu kéo cho mục đích riêng. Sự cố hữu tìm kiếm mô hình dân chủ chủ nghĩa xã hội ở Bắc Âu đã không được biện minh. Sự thử nghiệm chủ nghĩa xã hội ở Venezuela đã phá huỷ đất nền kinh tế và dân chủ ở quốc gia Nam Mỹ này. Chế độ dân chủ ở một số nước phương Tây bất ổn vì sự đối đầu ‘cánh tả - cánh hữu’, giới trẻ ủng hộ Bernie Sanders với cương lĩnh ‘xã hội chủ nghĩa’ khi tranh cử, Donald Trump chỉ trích dữ dội chủ nghĩa xã hội, nhưng công kích bầu cử dân chủ Mỹ có gian lận… Tất cả sự ‘lộn xộn’ phức tạp này dường như phản ánh một điều là mặc dù là ‘huyền thoại’ nhưng người ta không thực sự hiểu chủ nghĩa xã hội là gì !

Quay lại với hai sự kiện được nêu ở đầu bài viết. Sau khi bà Elke Kahr đắc cử Thị trưởng Graz, thành phố lớn thứ hai ở Áo, trong một cuộc phỏng vấn bà cho rằng ‘chủ nghĩa Marx và thế giới quan của nó đầy tính nhân văn’, nhưng chủ nghĩa xã hội khi "thực nghiệm ở Đông Âu đã phạm những tội ác kinh khủng" và rằng, trong bối cảnh ‘cử tri đã quá chán ngán khi không còn đảng phái nào đáng tin cậy đối với họ nữa’, bà đã kiên trì thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe người dân và hiểu rằng : "Bởi vì người ta không thể chỉ an ủi mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn ; bạn phải hàng ngày sẵn sàng làm mọi việc vì nhân dân". Bà nói : "tôi nhận ra rằng mọi người là chính họ chứ không phải là thứ bạn muốn họ trở thành". Bà Elke Kahr hiểu chủ nghĩa xã hội theo cách làm lãnh đạo để làm ‘đày tớ của dân’ chứ không phải giành lấy quyền lực để bắt nhân dân làm theo ý chí cá nhân lãnh đạo.

Đối với sự kiện người lãnh đạo cao nhất Đảng cộng sản Việt Nam được trao Giải thưởng Lenin. Nhân dịp này truyền thông nhà nước ca ngợi ông "vì sự nghiệp bảo vệ và hiện thực hóa những giá trị của chủ nghĩa xã hội..". trong bối cảnh chỉnh đốn đảng vì bất ổn thể chế chính trị. Trong chế độ toàn trị ông được đại hội đại biểu đảng cộng sản toàn quốc bầu ra, không phải bởi nhân dân, ông có quyền lực tuyệt đối được Hiến định trong Điều 4. Ý thức hệ phức tạp để diễn giải chủ nghĩa xã hội như huyền thoại và quyền lực tuyệt đối mà ông theo đuổi suốt sự nghiệp chính trị để thực hành nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có lẽ, là điều mà ông được tôn vinh như sự vận dụng ‘sáng tạo’ chủ nghĩa Mác Lenin. 

Với cả hai người cộng sản này, chủ nghĩa xã hội đã trở thành cuộc sống của họ mặc dù trong lịch sử nhân loại xã hội chủ nghĩa chưa hề tồn tại và hiện nay qua hơn thế kỷ thử nghiệm nhưng thất bại. chủ nghĩa xã hội chỉ là ‘huyền thoại’ và người ta không hiểu nó thực sự là gì.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 10/01/2022

Published in Diễn đàn