Chữ viết là một phát minh vĩ đại của loài người. Dân tộc nào làm ra được chữ viết thì dân tộc đó sẽ thoát ra khỏi thời kỳ tiền sử mông muội, tiến sang kỷ nguyên văn minh có sử sách ghi lại sự phát triển của dân tộc mình. Cho tới nay, một số dân tộc vẫn chưa làm được chữ viết. Chữ Hán thuộc loại chữ viết ra đời sớm. Theo nhà ngôn ngữ học Trung Quốc Châu Hữu Quang, chữ Hán chính thức thành hình và ra đời cách đây khoảng hơn 3300 năm, chỉ sau một vài loại chữ viết của vùng Trung Đông. Trong hàng nghìn loại chữ viết hiện có trên thế giới, chữ Hán nổi bật với hình dạng tổ hợp đường nét giới hạn trong một ô vuông, là loại chữ viết duy nhất có tính chất biểu ý (ghi ý), khác với các loại chữ viết còn lại đều có tính chất biểu âm (ghi âm).
Một trang Hiến pháp Hàn Quốc, có quá nhiều chữ Hán xen lẫn chữ Hangul, bởi lẽ chữ Hangul không thể hiện chính xác ý nghĩa của những từ có tính pháp lý phức tạp và quan trọng. Ảnh https://baijiahao.baidu.com/
Hiện nay, chữ Hán đang được hơn 1,4 tỷ người trên thế giới sử dụng. Công luận phổ biến thừa nhận chữ Hán do người Trung Quốc làm ra, về sau du nhập Việt Nam, Triều Tiên/Hàn Quốc và Nhật Bản, được các nước này sử dụng theo cách riêng của mình trong hàng nghìn năm, và cuối cùng đều phải cải cách nhằm ghi được tiếng mẹ đẻ của mình. Tại Trung Quốc, chữ Hán sau khi ra đời hầu như không có thay đổi gì, mặc dù từ cuối thế kỷ 19 nước này từng tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô cực kỳ lớn. Cho tới nay, có thể khẳng định chữ Hán là loại chữ viết thích hợp với Hán ngữ và sẽ được mãi mãi sử dụng ở Trung Quốc. Hiện vẫn chưa biết ai là người sáng chế ra loại chữ viết độc đáo này. Người Trung Quốc lưu hành truyền thuyết chữ Hán là do Thương Hiệt (倉頡Cang Jie), một viên quan chép sử của vua Hoàng Đế đầu tiên, làm ra.
Vấn đề quyền tác giả của chữ Hán bắt đầu nổi lên sau khi trang mạng Trung Quốc "tv.sohu.com" ngày 3/2/2008 đăng bài "Giáo sư Hàn Quốc tuyên bố chữ Hán là do người Hàn Quốc phát minh".
Bài báo cho biết : Chẳng những tranh giành quyền sáng chế chữ Hán mà mấy hôm người Hàn Quốc triển khai một loạt hành động tranh giành thành tựu văn hóa của Trung Quốc, như họ báo cáo Liên Hợp Quốc rằng "Kỹ thuật in chữ rời" là do Hàn Quốc phát minh, Tết Đoan Ngọ là di sản văn hóa của Hàn Quốc ; Khổng Tử, người đẹp Tây Thi, thầy thuốc Lý Thời Chân… là người Hàn Quốc, Y học cổ Trung Hoa (Trung Y) cũng do người Hàn Quốc phát minh. Bài báo viết : Tờ "Nhật báo Triều Tiên" của Hàn Quốc, số ra ngày 10/10/2006, đưa tin ông Phác Chính Tú, Giáo sư lịch sử Đại học Seoul, nói sau 10 năm nghiên cứu khảo chứng, ông nhận định dân tộc Triều Tiên đầu tiên phát minh ra chữ Hán ; về sau khi người Triều Tiên di cư đến Trung Nguyên, họ mang theo chữ Hán vào Trung Quốc. Mọi người đều biết hiện nay trên lãnh thổ Trung Quốc có dân tộc Triều Tiên (Chaoxian, Korean) là dân tộc thiểu số lớn thứ hai (hơn 1,7 triệu người, chỉ sau dân tộc Tráng), trong cộng đồng 56 dân tộc nước này.
"Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc, số ra ngày 21/4/2011, đăng bài "Học giả Hàn Quốc tuyên bố : Tổ tiên họ phát minh ra chữ Hán". Bài báo cho biết : ông Trần Thái Hạ, 73 tuổi, nhà ngôn ngữ học số một Hàn Quốc, Giáo sư Đại học Nhân Tế Hàn Quốc, mới đây đăng bài trên truyền thông nước này, nói "Chữ Hán không phải là văn tự Trung Quốc mà là do tộc Đông Di tổ tiên chúng ta sáng tạo ra, là văn tự của chúng ta. Giới học giả Trung Quốc cũng thừa nhận sự thực lịch sử này, chỉ có Hàn Quốc chưa biết". Đông Di là tên mà các vương triều Trung Quốc ở Trung nguyên thời Tiên Tần gọi chung các bộ lạc sống ở miền đông vùng Trung nguyên, trong đó gồm cả người trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu của giáo sư Hạ đã gây ra tranh luận sôi nổi.
Theo Thời báo Hoàn cầu, mạng Newdaily Hàn Quốc ngày 17/4/2011 đăng một bài dài dẫn lời giáo sư Hạ nói : Tên gọi "chữ Hán" đâu phải vì đó là chữ viết do tộc Hán Trung Quốc sáng tạo ; thời nhà Hán cũng chưa có tên gọi "chữ Hán". Thứ chữ này là do tộc Đông Di của người Hàn Quốc phát triển trên cơ sở chữ viết trên mai rùa. Giáo sư Hạ còn nói : Các nhà văn-sử học Trung Quốc như Lâm Ngữ Đường [1895-1976], Vương Ngọc Triết, đều đã nghiên cứu khảo chứng nguồn gốc chữ Hán, cho rằng đó là di sản văn hóa của tộc Đông Di ; chữ viết của Trung Quốc là do người tộc Đông Di sáng tạo, Khổng Tử cũng là hậu duệ của nước Ân thuộc dân tộc Đông Di.
Giáo sư Hạ kể chuyện : Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục đầu tiên của Hàn Quốc, ông An Hạo Tương, từng than phiền với ông Lâm Ngữ Đường là chữ Hán đã đem lại cho Hàn Quốc nhiều vấn đề rắc rối, nhưng ông Đường đáp : "Ngài nói gì lạ thế ? Chữ Hán là do tộc Đông Di các ngài làm ra, lẽ nào các ngài không biết sao ?"
Giáo sư Hạ tuyên bố : Người Hàn Quốc hiện nay "coi chữ Hán là ngoại ngữ — cách làm đó là hành vi tự gây hại cho chính mình", "chữ Hán cùng với chữ Hangul có tính khoa học nhất, là đôi cánh của Hàn ngữ ; duy nhất chỉ Hàn Quốc là quốc gia có kết cấu ngôn ngữ lý tưởng như vậy".
Năm 1998, Giáo sư Trần Thái Hạ thành lập "Tổng hội liên hợp xúc tiến giáo dục chữ Hán toàn quốc", ra sức đẩy mạnh dạy và học chữ Hán. "Nhật báo Trung ương" Hàn Quốc năm 2006 đưa tin về quan điểm của Giáo sư Hạ, cho rằng "Môn Cờ vây có nguồn gốc từ Hàn Quốc". Năm 2009, hai chục vị cựu Thủ tướng Hàn Quốc ký tên vào bản kiến nghị do Giáo sư Hạ dự thảo, đề nghị đẩy mạnh việc giảng dạy chữ Hán ở Hàn Quốc.
Quan điểm "Hàn Quốc làm ra chữ Hán" của Trần Thái Hạ đã tạo ra niềm phấn khởi trong một số dân mạng Hàn Quốc, nhưng các cơ quan truyền thông chính thống của nước này đều im lặng. Mấy năm nay, dư luận trong dân gian hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra không ít tranh cãi về vấn đề di sản văn hóa, nhưng chưa rõ tại sao chính quyền hai nước đều ít nói về các vấn đề đó.
Phản ứng của dư luận Trung Quốc
Dư luận Trung Quốc hăng hái và phẫn nộ phê phán quan điểm "Chữ Hán do người Triều Tiên/Hàn Quốc sáng chế". Họ cho rằng chữ Hán từ Trung Quốc du nhập bán đảo Triều Tiên từ khoảng thế kỷ 3 sau công nguyên, khi chữ Hán đã ra đời ở Trung Quốc được khoảng 1500 năm (thế kỷ 13 trước công nguyên).
Thời cổ, người Triều/Hàn chưa có chữ viết của mình, phải mượn dùng chữ Hán, nhưng chỉ tầng lớp quý tộc và quan lại dùng, còn dân chúng thì mù chữ. Do ngôn ngữ Triều/Hàn thuộc ngữ hệ Altai, khác với Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan), nên chữ Hán không thể ghi được tiếng Triều/Hàn. Để giải quyết khó khăn đó, vua Sejong (tức Thế Tôn, trị vì Hàn Quốc thời gian 1418-1450) tập hợp một số quần thần và nhà trí thức nghiên cứu làm ra một bộ chữ viết riêng của người Triều/Hàn, gọi là "Huấn dân chính âm" (sau gọi là chữ Hangul) và công bố ngày 9/10/1446, nhằm thống nhất âm đọc tiếng Hàn trong cả nước. "Huấn dân" là "Dạy cho dân" ; "Chính âm" là "Chữ viết đúng của dân".
Chữ Hangul là chữ viết biểu âm đầu tiên ở Châu Á, là một phát minh sáng tạo lớn, niềm tự hào và biểu tượng cho sự độc lập của dân tộc này, chữ viết duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 1997). Đây là lần đầu tiên một dân tộc Châu Á phát minh ra cách dùng chữ cái để ghi tiếng nói của mình. Tuy rằng khoảng hai thế kỷ sau tại Việt Nam có xuất hiện loại chữ viết hiện đại hơn, là chữ biểu âm dùng chữ cái Latin được dân ta gọi là chữ Quốc ngữ, nhưng loại chữ này không phải do người Việt Nam tự làm ra, mà chủ yếu là kết quả sáng tạo của các nhà truyền giáo Châu Âu trong quá trình dùng chữ cái Latin phiên âm chữ Nôm Việt Nam.
Chữ Hangul là loại chữ biểu âm, ban đầu có 28 chữ cái (hiện nay chỉ dùng 24), dễ học dễ nhớ, dễ viết. Chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý, khó học, khó nhớ, khó viết. Nhưng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán nên trong lịch sử, tầng lớp trên người Triều/Hàn vẫn chủ yếu dùng chữ Hán, coi là chữ quý tộc, còn chữ Hangul bị coi là chữ của người ít học và của phụ nữ. Mãi đến sau Thế chiến thứ hai khi người Triều/Hàn giành được độc lập dân tộc, họ mới chính thức bỏ chữ Hán, chỉ dùng chữ Hangul.
Tại Bắc Triều Tiên, sau năm 1945, chính quyền ra lệnh bỏ hẳn chữ Hán. Tại Nam Triều Tiên (tức Hàn Quốc), năm 1948 ban hành "Luật chuyên dùng chữ Hangul", cấm công khai dùng chữ Hán. "Luật Quốc ngữ cơ bản" ban hành năm 2005 quy định các văn bản cơ quan nhà nước phải dùng chữ Hangul, nhưng khi viết các lệnh của Tổng thống, có thể dùng chữ Hán hoặc chữ nước ngoài ghi chú trong ngoặc. Trên thực tế, văn bản Hiến pháp Hàn Quốc vẫn dùng nhiều chữ Hán (ảnh). "Nhật báo Đông Á" và "Nhật báo Triều Tiên" của nước này vẫn in tiêu đề bằng chữ Hán phồn thể. Các văn bản cơ quan nhà nước Hàn Quốc tuy dùng chữ Hangul là chính nhưng có dùng thêm chữ Hán, chủ yếu để ghi chú trong trường hợp nếu chỉ dùng chữ Hangul thì không phân biệt được chính xác nội dung cần thể hiện. Ví dụ tên người (nhất là trong thẻ căn cước), tên đất, hoặc các văn bản pháp lý đòi hỏi tính chính xác cao thường có bổ sung thêm bằng chữ Hán trong ngoặc đơn.
Theo tin trên báo Trung Quốc, ngày 9/2/2005, Chính phủ Hàn Quốc ra thông báo tuyên bố phục hồi sử dụng chữ Hán trong tất cả các công văn nhà nước và biển báo giao thông. Ngoài ra, cũng đề xuất "Phương án đẩy mạnh kết hợp sử dụng chữ Hán", theo đó bất cứ tên người, tên đất hoặc từ ngữ lịch sử nào nếu không dùng chữ Hán sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn thì phải ghi chú thêm bằng chữ Hán. Các biển báo giao thông, biển tên di tích lịch sử, biển hướng dẫn nơi tham quan du lịch… đều phải viết bằng ba thứ tiếng Hàn, Anh, Trung.
Trên thực tế, vì tiếng Triều/Hàn có ít âm tiết lại không có thanh điệu, cho nên tồn tại rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa, nếu viết toàn bộ bằng chữ Hangul biểu âm sẽ khó phân biệt ý nghĩa của các từ đồng âm. Nhưng nếu ghi chú thêm bằng chữ Hán thì sẽ có thể phân biệt chính xác, bởi lẽ chữ Hán là chữ biểu ý. Người Hàn Quốc sử dụng chữ Hán đã ngót 2000 năm, chịu ảnh hưởng rất lớn từ chữ Hán, như 70% từ ngữ tiếng Hàn có gốc chữ Hán (tương tự từ Hán-Việt ở Việt Nam, nhưng tiếng Việt giàu âm tiết nên không tồn tại nhiều từ đồng âm khác nghĩa) [1]. Đây là lý do giải thích vì sao lượng chữ Hán chiếm tới một phần tư văn bản Hiến pháp Hàn Quốc hiện nay.
Tuy vậy, những điều nói trên không chứng tỏ chữ Hán là do người Triều/Hàn làm ra. Thật khó hiểu là một dân tộc từng sáng tạo ra Hangul – thứ chữ viết được ca ngợi là có tính khoa học "với các nguyên tắc ngữ âm vượt thời gian mà chưa dân tộc nào từng có" [2] giờ đây lại có ý định tranh quyền sáng tạo chữ Hán, một loại chữ bị chính người Trung Quốc vất vả cải cách sửa đổi suốt cả trăm năm qua chưa xong !
Việt Nam và Nhật không tranh quyền tác giả chữ Hán
Việt Nam mượn dùng chữ Hán khoảng hơn 2000 năm, kể từ sau khi tướng nhà Tần là Triệu Đà chiếm nước ta. Tình hình chữ Hán ở ta cũng tương tự như ở Hàn Quốc : tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khmer ở Đông Nam Á, một ngữ hệ khác hẳn tiếng Hán, vì thế chữ Hán không thể ghi được tiếng Việt.
Để khắc phục khó khăn trên, từ thế kỷ 12, tổ tiên ta dựa trên cơ sở chữ Hán đã sáng tạo ra chữ Nôm ghi được tiếng mẹ đẻ. Nhưng chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức ; chữ Nôm bị coi là chữ của dân thường, là loại chữ "nôm ma mách qué". Tuy vậy, nhờ chữ Nôm mà nước ta từng có một nền văn học rực rỡ, với các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
Có điều chữ Nôm khó học hơn chữ Hán, vì thế không được sử dụng rộng rãi như chữ Hangul ở Hàn Quốc. Từ thế kỷ 17, dân ta may mắn được tiếp nhận chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ Châu Âu rất giỏi ngôn ngữ học làm ra trên nền tảng Latin hóa chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ ghi được 100% tiếng Việt, rất dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng, về cơ bản đạt được yêu cầu nói thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy. Vì thế, từ cuối thế kỷ 19, nước ta nhanh chóng chỉ học và dùng chữ Quốc ngữ, dứt điểm bỏ hẳn được chữ Hán, thực hiện triệt để "Thoát Hán" về ngôn ngữ, không còn phải ít nhiều dùng tới chữ Hán như người Nhật, người Triều/Hàn. Tuy rất ưa chuộng chữ Hán và văn hóa Trung Hoa nhưng tổ tiên ta chưa bao giờ có ý định tranh giành các thành tựu văn minh, như chữ Hán hoặc các tác phẩm kinh điển như Kinh Dịch v.v.
Người Nhật dùng chữ Hán lâu hơn và với quy mô lớn hơn người Triều/Hàn, trong lịch sử chưa hề thấy họ nghi ngờ việc người Trung Hoa làm ra chữ Hán. Thời xưa, người Nhật sử dụng gần như toàn bộ chữ Hán, nhiều nhất tới 50 nghìn chữ, do đó gặp rất nhiều khó khăn. Thế kỷ 8 họ phát minh ra chữ Kana, một loại chữ biểu âm để dùng kết hợp với chữ Hán, nhờ thế giảm được đáng kể tổng số chữ Hán cần dùng. Hiện nay họ chỉ chính thức sử dụng gần 2000 chữ Hán. Cuối thế kỷ 19, trong quá trình chuyển ngữ các thuật ngữ của văn minh phương Tây, người Nhật đã có công lao rất lớn trong việc phát triển Hán ngữ hiện đại [3], tuy thế họ rất ít nói về thành tựu đó.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/02/2022
[1]韩国机构称将汉字视为外国文字违宪 , sina.com.cn
[2] Nguyễn Thị Minh Chung : "Hangul và chữ viết của Hàn Quốc", sách "Tiếng Việt 6", Nhà xuất bản Tri thức, 2015.
[3] Xem bài "Người Nhật phát triển Hán ngữ hiện đại"
I. Trường hợp Nhật Bản
Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 25/04/2023
Khái niệm "Bỏ chữ Hán ở các nước Đông Á" có nghĩa là không tiếp tục dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức của nước mình. Dĩ nhiên, muốn bỏ chữ Hán đang dùng thì nhất thiết phải làm ra được một loại chữ viết mới có thể thay thế chữ Hán. Làm chữ viết ở thời xưa là một công trình lao động trí óc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi trí tuệ và thời gian rất nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm. Nếu không làm được một loại chữ mới thích hợp thì chẳng thể bỏ được chữ Hán đang dùng.
Các nước Đông Á như Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam thời cổ không có chữ viết, về sau đều tiếp nhận chữ Hán của Trung Quốc làm chữ viết chính thức của nhà nước mình. Tuy rằng các nước trên đều sùng bái chữ Hán nhưng sau một thời gian sử dụng thứ chữ này họ đều nhanh chóng nhận thấy chữ Hán không ghi được ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Như một tất yếu lịch sử, các nước này đều lần lượt tự tìm cách tạo ra chữ viết riêng cho dân tộc mình, và do đó xuất hiện xu hướng bỏ chữ Hán, dùng chữ viết của mình.
Người Nhật tiếp nhận chữ Hán muộn hơn người Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam nhưng lại trước tiên có ý tưởng bỏ chữ Hán, thay bằng loại chữ viết riêng của họ. Tiếp đó đến bán đảo Triều Tiên, Việt Nam. Cuối cùng, Trung Quốc – nơi khai sinh chữ Hán lại xuất hiện trào lưu bỏ chữ Hán với quy mô rầm rộ nhất, xuất phát từ quan điểm cho rằng chữ Hán lạc hậu, cản trở sự phát triển nền văn minh nước này. Tại Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam, xu hướng bỏ chữ Hán chủ yếu xuất phát từ mong muốn có một loại chữ viết ghi được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, thay cho chữ Hán đi mượn không làm được chức năng đó.
Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, xu hướng bỏ chữ Hán tại Đông Á trở thành phong trào lớn mạnh lan rộng với quy mô lớn, tốc độ ngày một nhanh. Phong trào này lúc lên lúc xuống, có nơi thành công, có nơi thất bại. Thập niên 1950, chính quyền Trung Quốc tổ chức công tác nghiên cứu bỏ chữ Hán với quyết tâm cao, quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngôn ngữ thế giới, nhưng cuối cùng, vào thập niên 1980, công tác này lại kết thúc một cách lặng lẽ khó hiểu.
Nhìn chung phong trào nói trên thu được kết quả rất hạn chế. Cho tới nay Trung Quốc và Nhật vẫn dùng chữ Hán như cũ nhưng có cải tiến đôi chút, chỉ bán đảo Triều Tiên và Việt Nam đã bỏ chữ Hán với mức độ khác nhau. Duy nhất Việt Nam tuy là nước chịu ảnh hưởng lớn và lâu dài nhất của văn hóa Trung Quốc, tiến trình bỏ chữ Hán bắt đầu muộn nhất, thực thi lặng lẽ nhất nhưng lại thành công hơn cả, hoàn toàn bỏ được chữ Hán, chữ Nôm, triệt để "Thoát Hán" về ngôn ngữ.
Dư luận Trung Quốc cho rằng nguyện vọng bỏ chữ Hán ở Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam chủ yếu có động cơ chính trị, và bỏ chữ Hán là một chủ trương sai lầm, các nước này hiện đang hối tiếc về việc đó. Một số rất ít người Việt Nam cũng tán thành quan điểm ấy.
Theo chúng tôi, việc bỏ chữ Hán thành công hay không, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào tính chất ngôn ngữ của dân tộc muốn bỏ chữ Hán, nghĩa là phụ thuộc vào các nhân tố khách quan. Nói cách khác, không thể tiến hành thay đổi chữ viết theo ý chí chủ quan. Chữ Hán hầu như là chữ biểu ý duy nhất trên thế giới. Bỏ chữ Hán thì tất nhiên phải thay bằng một loại chữ biểu âm, như vậy nếu ngôn ngữ không thích hợp với chữ viết biểu âm thì không thể làm được chữ biểu âm cần có. Việt Nam bỏ chữ Hán thành công là do ngôn ngữ Việt thích nghi với chữ biểu âm. Nhưng Hán ngữ không thích nghi với chữ viết biểu âm nên tiến trình bỏ chữ Hán ở Trung Quốc bất thành.
Quá trình bỏ chữ Hán ở Đông Á kéo dài hơn nghìn năm để lại những bài học lịch sử có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt về ngôn ngữ học, rất đáng để mọi người ôn lại, rút ra những điều bổ ích. Bài này trình bày tổng quan tình hình tiến trình "Bỏ chữ Hán" tại Nhật, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, chủ yếu nói về mặt ngôn ngữ học trong tiến trình đó.
Tiến trình bỏ chữ Hán tại Nhật
Người Nhật thời cổ không có chữ viết. Thế kỷ 3 sau công nguyên, chữ Hán qua bán đảo Triều Tiên du nhập Nhật. Thế kỷ 4-5, chữ Hán chính thức vào nước này. Thế kỷ 6-9 thời Tuỳ-Đường (581-907), Trung Quốc đang giàu mạnh. Trong 264 năm từ năm 630 đến năm 895, chính quyền Nhật hơn chục lần cử các đoàn sứ giả "Khiển Tuỳ Sứ" rồi "Khiển Đường Sứ", mỗi đoàn trên trăm người, nhiều nhất trên 500 người, sang Trung Quốc ở lại nhiều tháng học văn hóa Trung Hoa –– học tiếng nói, chữ viết, khoa học kỹ thuật, pháp luật, văn học nghệ thuật, tìm mua nhiều thư tịch, kinh sách Phật giáo, Nho giáo. Họ bê nguyên xi chữ Hán về dùng, gọi là Kanji (Hán tự). Loại chữ này được giới quý tộc và trí thức Nhật sùng bái. Bộ chính sử đầu tiên của Nhật "Nhật Bản Thư kỷ" và "Cố sự ký" viết bằng chữ Hán ra đời vào thế kỷ 8, hình thành nền văn học chữ Hán ở Nhật.
Người Nhật dùng chữ Hán để ghi tiếng Nhật. Họ đọc chữ Hán theo hai cách khác nhau. Một là Cách đọc On (từ Hán-Việt là Âm độc), tiếng Nhật là On-yomi, tiếng Anh là On-reading, tức cách đọc âm Hán-Nhật. Hai là Cách đọc Kun (Huấn độc), Kun-yomi, Kun-reading, tức cách đọc âm thuần Nhật, đọc theo nghĩa tiếng Nhật. Ví dụ chữ Hán 山 đọc âm On là "san", âm Kun là "yama".
Về sau, họ nhanh chóng thấy việc dùng chữ Hán như trên gây ra nhiều khó khăn, như phải dùng quá nhiều chữ, không ai có thể nhớ hết, hơn nữa chữ Hán không ghi được các từ thuần Nhật và thiếu nhiều từ Nhật như trợ từ, kính ngữ… Thế kỷ 9, người Nhật làm ra chữ Kana là loại chữ biểu âm kiểu âm tiết, gồm chữ Katakana và chữ Hiragana, ghi được các từ thuần Nhật. Từ đó họ dùng hỗn hợp cả 2 loại chữ biểu âm này cùng với chữ Kanji biểu ý, nhờ thế giảm được đáng kể (có số liệu nói giảm được khoảng 83%) số lượng chữ Kanji cần dùng.
Việc dùng chữ biểu âm ở Nhật không gặp trở ngại gây ra bởi tình trạng có nhiều chữ đồng âm như trong tiếng Trung Quốc, Triều Tiên. Đó là do Nhật ngữ thuộc loại ngôn ngữ đa lập (đa âm tiết, multisyllabic, mỗi đơn từ có không dưới 2 âm tiết), ví dụ yama (núi), kuruma (xe), mỗi từ có 2 và 3 âm tiết. Toán học cho biết : cấu tạo chữ kiểu tổ hợp nhiều âm tiết có khả năng tạo ra cực nhiều từ khác âm, nhờ đó tránh được nạn đồng âm.
Sau khi tiếp xúc văn hóa phương Tây, người Nhật nhận thấy, so với chữ Hà Lan, chữ Hán khó học khó dùng hơn nhiều. Trong thế kỷ 19, người Nhật bắt đầu có phong trào phê phán chữ Hán lạc hậu, dùng chữ Hán chỉ làm tốn thời gian, nên bỏ chữ Hán. Năm 1866, tổ sư ngành bưu chính Nhật là Maejima Hisoka đầu tiên kiến nghị bỏ chữ Hán, chỉ dùng chữ Kana, nhưng chính quyền Mạc Phủ không chấp nhận. Đến thời Minh Trị, hai năm 1869, 1873, ông lại kiến nghị lên Thiên Hoàng, kết quả vẫn thế. Ông lập Hội chữ Kana, phát động phong trào chỉ dùng chữ Kana, xuất bản tạp chí và sách chỉ in chữ Kana. Năm 1884 có học giả đề nghị bỏ cả chữ Hán và chữ Kana, chỉ dùng chữ Romaji (tức dùng chữ Latin phiên âm tiếng Nhật). Quan chức đầu tiên phụ trách giáo dục-văn hóa trong Chính phủ Minh Trị là Akira Mori từng đưa ra ý tưởng dùng tiếng Anh thay cho tiếng Nhật. Năm 1946, nhà văn nổi tiếng Shiga Naoya đề nghị toàn dân bỏ tiếng Nhật, dùng tiếng Pháp…Tuy vậy Nhà nước không chấp nhận các lời kêu gọi hoặc đề nghị ấy, vẫn dùng chữ Hán như cũ.
Thực tế cho thấy, do chữ Hán đã thâm nhập cả nghìn năm vào đời sống văn hóa Nhật nên ý tưởng bỏ chữ Hán rất khó thực hiện. Vả lại, bỏ chữ Hán có nghĩa là bỏ mất nền văn hóa truyền thống lâu đời rất phong phú của tổ tiên – không người Nhật nào chấp nhận sự đứt rời văn hóa ấy.
Chẳng những không bỏ chữ Hán, mà người Nhật còn sáng tạo ra "Hòa chế Hán ngữ" (Hán ngữ do Nhật làm), đặt ra ngót nghìn từ ngữ chữ Hán như văn hóa, văn minh, dân tộc, tư tưởng, pháp luật, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, v.v. để chuyển ngữ chính xác các từ ngữ của văn hóa phương Tây, là một cống hiến rất lớn cho sự phát triển Hán ngữ hiện đại. Việt Nam, Hàn Quốc cũng được hưởng lợi. Một học giả Trung Quốc nói các từ ngữ "Hòa chế" ấy chiếm 70% số từ vựng Hán ngữ hiện đại, "không có các từ ấy thì hiện nay chúng ta chẳng biết nói gì với nhau".
Năm 1900, Chính phủ Nhật bắt đầu thực thi kiến nghị của nhà tư tưởng Khai sáng nổi tiếng Fukuzawa Yukichi, là giảm lượng chữ Hán cần dùng xuống còn 2000-3000 chữ, bậc tiểu học chỉ còn học 1200 chữ.
Sau 1945, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật ra sức đẩy mạnh phong trào bỏ chữ Hán. Họ tổ chức điều tra tình hình dùng chữ Hán trong dân bản xứ. Kết quả thật bất ngờ : hơn 95% người Nhật biết chữ Hán, chứng tỏ chữ Hán có cơ sở rất vững tại nước này ; nếu bỏ chữ Hán, dùng chữ khác, thì 95% người Nhật lập tức trở thành mù chữ.
Rốt cuộc Chính phủ Nhật chỉ chủ trương hạn chế số chữ Hán sử dụng. Năm 1946 Chính phủ ban hành "Đương dụng Hán tự biểu" quy định chỉ dùng 1850 chữ Hán. Nhưng sự hạn chế đó gây ra một số bất tiện. Năm 1981, giới hạn 1850 được nới thành 1945 chữ, và không cấm dùng các chữ Hán khác. Năm 2010 lại mở rộng thành 2136 chữ Hán ; học sinh tiểu học phải biết 1026 chữ, trung học biết 1110 chữ.
Hiện nay người Nhật dùng kết hợp chữ Kanji với chữ Kana (gồm chữ Katakana, chữ Hiragana) và cả chữ Romaji –– dùng Romaji để ghi âm tên người, tên đất, thương hiệu, ví dụ Toyota, New York nhằm giảm số chữ Kanji cần dùng.
Tóm lại, chữ viết của người Nhật hiện nay vẫn rất phức tạp, vừa biểu ý vừa biểu âm và không thể bỏ được chữ Hán, tuy từ thời Minh Trị họ đã "Thoát Hán" sau khi thực hành đường lối "Thoát Á nhập Âu" của nhà tư tưởng Khai sáng Fukuzawa Yukichi.
Nguyễn Hải Hoành
II. Trường hợp Triều Tiên và Hàn Quốc
Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 03/05/2023
Người Triều Tiên ngày xưa không có chữ viết. Từ thời Tây Hán (206 trước công nguyên - 23 sau công nguyên), chữ Hán bắt đầu vào bán đảo Triều Tiên và từ thế kỷ 2–3 sau công nguyên, trở thành chữ viết chính thức của xứ này, gọi là "Hanja" (Hán tự). Tiếng Triều Tiên khác ngữ hệ với Hán ngữ, chữ Hán không ghi âm được tiếng Triều Tiên. Chữ Hán mượn về chỉ dùng để viết, không dùng để nói, hơn nữa chữ Hán rất khó học, chỉ tầng lớp trên mới biết chữ, dân chúng đều mù chữ. Vào thời Tam Quốc (220-280), người Triều Tiên làm ra chữ Idu và Gugyeol cấu tạo trên cơ sở chữ Hán, tương tự chữ Nôm Việt Nam. Loại chữ này phức tạp hơn chữ Hán, cho nên không được phổ cập, ngày nay rất ít được nói tới.
Thế kỷ 15, Trung Quốc dưới triều nhà Minh bắt đầu sa sút trên nhiều mặt, kích thích người Triều Tiên nêu cao nguyện vọng độc lập về ngôn ngữ, muốn có chữ viết riêng của mình, ghi được tiếng Triều Tiên. Vua Thế Tôn (Sejong) triệu tập một số trí thức trong nước cùng nhà vua nghiên cứu làm chữ viết riêng cho nước mình. Sau nhiều năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Triều Tiên và tham khảo chữ viết của một số nước khác, nhóm này làm ra loại chữ biểu âm có thể ghi âm được tiếng Triều Tiên. Năm 1446, bộ chữ này được in ra trong một tài liệu có tên "Huấn dân chính âm", nghĩa là "những âm chính xác để dạy cho người dân", nay gọi là chữ Hangul. Loại chữ này dùng 28 chữ cái (nay là 40, gồm 21 nguyên âm và 19 phụ âm), hình dạng chữ cái rất đơn giản, gồm từ 1 đến 5 nét, có dạng ㄱㄴㄷ… Ghép các chữ cái ấy lại theo thứ tự nhất định về không gian, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, sẽ làm thành các đơn tự (chữ lẻ), mỗi đơn tự là một tổ hợp ghép bởi nhiều nhất 5 chữ cái, toàn bộ nằm trong một ô vuông. Các chữ cái này có thể ghép thành hàng chục nghìn đơn tự. Mỗi đơn tự là một âm tiết, gồm phụ âm kết hợp với nguyên âm.
Giới ngôn ngữ học quốc tế đánh giá rất cao sáng kiến làm chữ Hangul. Đây là lần đầu tiên vùng Đông Á xuất hiện một loại chữ biểu âm cấu tạo đơn giản và có tính hệ thống, tính khoa học, dễ học dễ viết, dễ dùng, không dựa vào nền tảng chữ Hán hoặc chữ Latin. Chữ Hangul rất dễ học, dễ nhớ, có tài liệu nói người thông minh có thể học xong bảng chữ cái trong một buổi sáng ; người chậm hiểu chỉ cần 10 ngày. Đặc biệt, Hangul là một trong số rất ít loại chữ viết trên thế giới mà loài người biết rõ ai làm ra và làm ra vào thời gian nào. Chữ Hangul được Nhà nước Hàn Quốc xác định là "Quốc bảo" (Báu vật quốc gia), tháng 10/1997 được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới (Memory of the world 1997), nhằm nhắc nhở loài người ghi nhớ thành tựu văn hóa -ngôn ngữ xuất sắc này.
Tuy vậy, trong 450 năm sau khi chữ Hangul ra đời, tầng lớp quý tộc và Nho sĩ ở Triều Tiên vẫn dùng chữ Hán, vì họ cho rằng chữ Hán cao cấp, sang trọng hơn, mỗi chữ hàm chứa một ý nghĩa nào đó chứ không vô nghĩa như chữ Hangul mà họ gọi là "Ngạn văn", tức "chữ thô tục". Họ nói bỏ chữ Hán tức là bỏ mất văn minh Trung Hoa, và bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại tình trạng dã man mông muội như xưa. Phải đến đầu thế kỷ 20 xứ này mới chính thức sử dụng chữ Hangul.
Sự kiện chữ Hangul ra đời được coi là đợt đầu của phong trào bỏ chữ Hán ở Triều Tiên nhằm tránh khả năng nước này bị văn hóa Trung Quốc đồng hóa.
Giai đoạn 1910-1945, bán đảo Triều Tiên bị sáp nhập vào Nhật. Chính quyền Nhật thi hành chính sách đồng hóa người Triều Tiên, cấm dạy chữ Hangul, chỉ cho phép dùng chữ Nhật, gồm nhiều chữ Kanji (chữ Hán ở Nhật). Chữ Hangul trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc Triều Tiên.
Chữ Hán vẫn được dùng rộng rãi trong thời Nhật chiếm bán đảo Triều Tiên. Một ví dụ : "Tuyên ngôn Độc lập" đọc trong lễ thành lập Chính phủ Lâm thời (chống Nhật) của Triều Tiên tổ chức tại Thượng Hải ngày 1/3/1919, vẫn viết bằng chữ Hán : "Kỷ Mùi Độc lập Tuyên ngôn thư". Hiện nay, vào ngày 1 tháng Ba hàng năm, Hàn Quốc đều tổ chức kỷ niệm Lễ Độc lập, và đều đọc lại Tuyên ngôn chữ Hán đó.
Sau ngày lập quốc (15/8/1948), hai nước Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc dần dần bỏ chữ Hán. Từ 1949, Bắc Triều Tiên triệt để bỏ chữ Hán, nhưng sau khi thấy việc đó gây ra một số rắc rối, năm 1968 lại phục hồi dạy chữ Hán. Hiện nay ngành giáo dục Bắc Triều Tiên yêu cầu học sinh tốt nghiệp phổ thông phải biết khoảng 2000 chữ Hán. Có trường đại học mở lớp học Hán ngữ cổ.
Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn (Lee Seung-man, cầm quyền từ 1948 đến 1960) chủ trương bỏ chữ Hán, ban hành "Luật Chuyên dùng chữ Hàn", quy định các văn bản của chính quyền chỉ dùng chữ Hangul, bãi bỏ việc dạy chữ Hán ở bậc tiểu học. Đây là đợt thứ hai của phong trào bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc.
Dưới thời Tổng thống Park Chung-hee (cầm quyền từ 1963 đến 1979), Hàn Quốc bỏ chữ Hán triệt để hơn, thậm chí đổi tên thủ đô từ "Hán Thành 漢城" ra "Seoul" (chữ Hán-Việt là "Thủ nhĩ 首爾", tức "Thủđô" trong tiếng Hàn) và cấm học sinh học chữ Hán. Đây làđợt thứ ba của phong trào bỏ chữ Hán.
Người Trung Quốc cho rằng phong trào bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc có tính chính trị, nhằm nâng cao tính độc lập của Hàn Quốc với văn hóa Trung Quốc.
Tuy vậy, thay chữ Hán biểu ý bằng chữ Hangul biểu âm đem lại một số rắc rối do không còn phân biệt được nhiều từ đồng âm, tức hiện tượng có nhiều từ đa nghĩa, không biết nên hiểu theo nghĩa nào. Tiếng Hàn/Triều nghèo âm tiết, lại không có thanh điệu, cho nên tổng số âm đọc rất ít, hậu quả là tồn tại nhiều chữ/từ đồng âm. Ví dụ 4 từ chữ Hán "phòng thuỷ 防水" (không thấm nước), "phóng thuỷ放水" (xả nước), "phòng thủ防守", và"phòng tú防銹" (phòng gỉ sét) trong tiếng Hàn là từđồng âm, khi viết bằng chữ Hangul đều là cùng một từ, nhìn chữ không biết nên hiểu theo nghĩa nào, nếu hiểu sai có thể gây thiệt hại đáng tiếc như đã xảy ra trong thực tế. Khi viết bằng chữ Hán thì phân biệt được ý nghĩa của các từ đồng âm, vì các chữ khác nhau về tự hình.
Vì thế Nhà nước Hàn Quốc quy định những chữ/từ đồng âm khó phân biệt ý nghĩa đều phải ghi chú thêm bằng chữ Hán đặt trong ngoặc. Các văn bản cần chính xác cao đều dùng cách này. Vì thế, chữ Hán chiếm một phần đáng kể trong bản Hiến pháp Hàn Quốc. Các văn bản pháp luật đều phải chuẩn bị sẵn một văn bản hỗn hợp chữ Hán và chữ Hangul, dùng làm căn cứ giải thích sau cùng nếu có chỗ khó hiểu. Điều đó đòi hỏi những người hành nghề luật pháp phải tinh thông chữ Hán.
Hiện nay người Hàn thích ghi chú bằng tiếng Anh hơn bằng chữ Hán. Tuy cách ghi chú này có thể giải quyết được vấn đề từ đồng âm nhưng việc không dùng chữ Hán sẽ gây ra nguy cơ "đứt rời văn hoá", người Hàn Quốc dần sẽ không đọc hiểu được các tác phẩm chữ Hán tổ tiên để lại, tức bỏ mất nền văn hóa truyền thống lâu đời quý giá.
Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chủ trương đề cao văn hóa truyền thống. Điều đó đã kích thích phong trào học chữ Hán. Tháng 5/2016, một số nguyên Thủ tướng Hàn Quốc ký một thư chung đề nghị dạy chữ Hán ở cấp tiểu học. Hiện nay, học sinh trung học được học chữ Hán như một môn tự chọn, khi tốt nghiệp phải biết gần 2000 chữ Hán loại thường dùng. Thậm chí một số học giả Hàn Quốc còn tuyên bố chữ Hán là do người Hàn Quốc làm ra, nên dùng chữ của tổ tiên là đúng.
Tóm lại, tiến trình bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc có nhiều gian nan, trắc trở và không triệt để, rốt cuộc vẫn không hoàn toàn bỏ được chữ Hán.
III. Trường hợp Trung Quốc
Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 08/05/2023
Chữ Hán ra đời vào khoảng năm 1300 trước công nguyên tại Trung Quốc, với hình thái đầu tiên là chữ Giáp Cốt, tức chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú vật. Người Trung Quốc xưa nay có truyền thống coi chữ Hán là biểu tượng, là đại diện, là vật mang văn hóa truyền thống của dân tộc Hoa Hạ, chữ Hán được tôn thờ như một báu vật của nền văn minh Trung Hoa.
Chữ Hán có tính biểu ý, tách rời tiếng nói, đặc điểm đó cho phép những người nói các thứ tiếng khác nhau có thể dùng chữ Hán như một thứ chữ viết chung để giao lưu với nhau. Trung Quốc đất rộng người đông, dân địa phương nào nói tiếng địa phương ấy (phương ngữ), nghe không hiểu nhau, nay cả nước có thể dùng chữ Hán viết ra để hiểu nhau. Trong tình hình đó, chữ Hán đã có cống hiến lớn cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc. Ngoài ra, chữ Hán còn được các nước xung quanh như Việt Nam, Triều Tiên… tiếp nhận làm chữ viết của họ, tạo nên vùng ảnh hưởng của chữ Hán, nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc. Hơn nữa, hầu như mỗi chữ Hán đều có ý nghĩa thâm sâu, thể hiện nền văn minh Trung Hoa cổ đại, hình dạng chữ lại tựa như bức hoạ, là nền tảng tạo nên nghệ thuật thư pháp độc đáo. Vì thế người Trung Quốc xưa nay đều tôn thờ chữ Hán, thậm chí cho rằng chữ Hán tiên tiến nhất thế giới.
Từ thế kỷ 19, văn minh phương Tây bắt đầu thâm nhập Đông Á, khiến vùng này nảy sinh trào lưu học tập phương Tây, đòi thay đổi tình trạng lạc hậu mọi mặt của nước mình. Nhiều học giả Trung Quốc nêu yêu cầu làm ra loại chữ phiên âm kiểu phương Tây thay thế chữ Hán. Phong trào này dựa trên "Thuyết chữ Hán lạc hậu", cho rằng chữ Hán lạc hậu, quá khó học, khiến cho hầu hết dân mù chữ, cam chịu làm nô lệ. Lỗ Tấn nói chữ Hán "là khối u trên con người tầng lớp đại chúng lao khổ Trung Quốc", "là lợi khí của chính sách ngu dân". Giới trí thức nói chữ Hán có "ba nhiều, năm khó" : Số lượng chữ nhiều, chữ có nhiều nét, nhiều âm đọc ; khó nhận mặt chữ, khó đọc, khó nhớ, khó viết, khó dùng, trong đó số chữ quá nhiều là khó khăn lớn nhất. Cũng vì thế mà chữ Hán không đánh máy được, không dùng được máy in sắp chữ, cản trở việc phổ biến kiến thức. Hậu quả làm Trung Quốc chậm tiến về mọi mặt, nước yếu dân nghèo, nền văn minh Trung Quốc phát triển sớm nhưng sau đó bị các nước phương Tây vượt qua. Cũng do khó học nên Hán ngữ không thể trở thành ngôn ngữ có tính quốc tế, làm cho sức mạnh mềm của Trung Quốc bị giảm đáng kể, tuy rằng số người dùng chữ Hán nhiều nhất thế giới.
Một số học giả quá khích nói chữ Hán lạc hậu sẽ đưa Trung Quốc tới chỗ diệt vong, họ đòi bỏ chữ Hán. Phát sinh phong trào cải cách chữ Hán diễn ra trong gần một thế kỷ, ngày một lên cao và được các thế hệ chính quyền Trung Quốc ủng hộ, huy động sức mạnh toàn dân thực hiện. Phong trào này chủ yếu thực hiện hai việc chính :
– Chỉnh lý chữ Hán, đơn giản hóa các chữ nhiều nét, nhằm để chữ Hán dễ học.
– Ghi âm chữ Hán, nhằm thống nhất cách đọc chữ, trên cơ sở đó, làm một loại chữ phiên âm dùng chữ cái (như chữ Latin hoặc chữ Slav), có thể thay thế chữ Hán.
Không ngờ, việc làm một loại chữ phiên âm nhằm mục tiêu bỏ chữ Hán lại cực kỳ khó. Thực tế cho thấy, sau hơn nửa thế kỷ cố gắng, người Trung Quốc chỉ mới làm được việc ghi âm chữ Hán bằng một phương án dùng chữ cái Latin – tức "Phương án phiên âm Hán ngữ" ban hành năm 1958. Nhiệm vụ quan trọng nhất — làm một loại chữ phiên âm thay cho chữ Hán, đã không thành công, đành bỏ dở. Dù sao, phương án phiên âm Hán ngữ cũng là một thành tựu đáng kể.
Trung Quốc đất rộng người đông, dân vùng nào nói tiếng vùng ấy, nghe không hiểu nhau, họ chỉ có thể giao lưu với nhau bằng chữ viết. Thế nhưng do chữ Hán không thể hiện âm đọc nên người ta có thể đọc chữ theo nhiều âm khác nhau. Vì vậy phải tìm cách đọc chữ Hán theo một âm thống nhất cả nước, từ đó tiến tới làm cho toàn dân cùng nói một tiếng nói thống nhất. Năm 1913, Nhà nước họp Hội nghị thống nhất âm đọc chữ Hán, họp liền ba tháng chỉ thẩm định được âm đọc của 6.500 chữ.
Muốn thống nhất âm đọc chữ Hán, trước hết phải ghi được âm đọc chữ. Thời xưa đã có phương pháp trực âm và phương pháp phiên thiết, nhưng cả hai cách này đều bất tiện, vì đều dùng 1 hoặc 2 chữ Hán khác để ghi âm ; vả lại có những chữ không thể ghi âm theo cách đó. Năm 1605, giáo sĩ người Ý truyền giáo tại Trung Quốc Matteo Ricci làm được phương án dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán. Từ đó trở đi giới học giả nước này có phong trào tìm cách phiên âm (tức ghi âm) chữ Hán. Trước năm 1946 đã đề ra khoảng 30 phương án, đều dựa trên cơ sở phương án Ricci. Trong đó Hệ thống ghi âm Wade-Giles (Wade-Giles system) sử dụng chữ cái Latin là hệ thống phiên âm chữ Hán phổ biến nhất trước thập niên 1980.
Năm 1918 làm được Bảng chữ cái ghi âm (Chú âm tự mẫu, từ 1930 gọi là Chú âm phù hiệu). Bảng này có 39 chữ cái, hiện nay dùng 37, các chữ cái có tự dạng của chữ Hán cổ ít nét nhất. Chú âm phù hiệu về cơ bản ghi được toàn bộ các âm của chữ Hán, đã sử dụng thành công ở đại lục thời gian 1920-1958, hiện vẫn sử dụng ở Đài Loan. Nhưng vì chữ cái ghi âm có tự dạng chữ Hán cổ nên người nước ngoài không đọc được.
Trước thập niên 1950, đã lập được một số phương án dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán, người nước ngoài có thể đọc được. Như phương án "Quốc ngữ La Mã tự" do Chính phủ Nam Kinh công bố năm 1928, là phương án Latin hóa ghi âm Hán ngữ pháp định đầu tiên. Năm 1984, phương án này được Đài Loan sử dụng thay cho Chú âm phù hiệu, nhằm Latin hóa ghi âm chữ Hán.
Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, phong trào phiên âm hóa chữ Hán dâng lên rất cao. Năm 1950, Mao Trạch Đông chỉ thị phải cải cách chữ viết theo hướng chung của thế giới là làm chữ phiên âm (tức chữ biểu âm). Tháng 12/1954, Chính phủ lập Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc, tập trung 23 học giả chỉ đạo công tác cải cách chữ viết. Ủy ban này lập Ban Phương án Phiên âm chữ Hán, phát động phong trào cả nước làm phương án phiên âm (pinyin) chữ Hán. Tổng cộng Ủy ban Cải cách chữ viết đã nhận được 655 phương án của 633 tác giả.
Tháng 10/1955, Hội nghị Cải cách chữ viết toàn quốc xem xét 6 phương án phiên âm Hán ngữ, gồm 4 phương án dùng chữ vuông, một dùng chữ cái Slav, một dùng chữ cái Latin (do Châu Hữu Quang đề xuất). Hội nghị chọn phương án chữ cái Latin. Ngày 12/2/1956, Ủy ban Cải cách chữ viết công bố Dự thảo phương án phiên âm Hán ngữ bằng chữ Latin. Sau khi thẩm định phương án, tháng 10/1957, Ủy ban đưa ra dự thảo sửa đổi. Ngày 11/2/1958, Quốc hội Trung Quốc thông qua Phương án phiên âm Hán ngữ (Scheme for the Chinese Phonetic Alphabet). Châu Hữu Quang được gọi là cha đẻ của phương án này.
Cho đến nay, Phương án trên đã được áp dụng rộng rãi để :
– Ghi chú âm đọc (phiên âm) chữ Hán, giúp người học chữ Hán tự đọc được âm của chữ ;
– Dạy tiếng Phổ thông trong toàn dân, dạy Hán ngữ cho người nước ngoài ;
– Làm biên mục trong các tự điển, từ điển ; khi đó chữ Hán được ghi chú âm đọc và được sắp xếp, tra chữ theo thứ tự chữ cái Latin hóa, tiện hơn tra theo bộ thủ ;
– Dùng làm cơ sở để tạo chữ viết cho các dân tộc thiểu số ;
– Dùng cho các lĩnh vực không thể hoặc không tiện sử dụng chữ Hán, như chữ nổi cho người mù, thao tác tay cho người câm điếc, đánh tín hiệu cờ, đèn, đưa chữ Hán vào máy tính v.v. ;
– Dùng trong giao lưu quốc tế, viết tên người, địa danh v.v.
Tính đến năm 2000 hơn 68% dân Trung Quốc đã nắm được chữ phiên âm Hán ngữ.
Từ 1958, Trung Quốc ngừng sử dụng Chú âm phù hiệu, tuy trong từ điển vẫn dùng để ghi chú âm đọc chữ Hán, song song với ghi chú bằng chữ phiên âm Latin. Từ 1/11/1967, Trung Quốc chính thức thực thi Phương án phiên âm Hán ngữ, dựa vào phương án này để sáng chế chữ phiên âm Latin hóa cho các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết. Trong quá trình sử dụng Phương án phiên âm Hán ngữ, Nhà nước thường xuyên nhắc nhở mọi người nhớ rằng chữ phiên âm Hán ngữ chỉ là công cụ bổ trợ cho chữ Hán, không phải là thứ chữ viết có thể dùng thay cho chữ Hán.
Tóm lại, việc nghiên cứu làm loại chữ biểu âm để thay thế chữ Hán đã không thành công. Nguyên nhân là do Hán ngữ không thích hợp dùng chữ biểu âm (phonograph), chỉ thích hợp dùng chữ biểu ý (ideograph). Nói cụ thể : Hán ngữ là ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic language) nhưng lại nghèo âm tiết, vì thế tồn tại rất nhiều chữ/từ đồng âm khác nghĩa, ví dụ riêng một âm [yì] có tới gần 200 chữ cùng âm khác nghĩa. Khi Hán ngữ dùng chữ phiên âm thì do các chữ/từ đồng âm có cùng tự hình nên không phân biệt được ý nghĩa các chữ/từ đó. Có học giả sáng tác một câu chuyện gồm hơn 90 chữ Hán toàn bộ đọc âm [shi], khi viết bằng chữ phiên âm, đọc lên không thể hiểu là gì. Riêng chữ Hán biểu ý thì phân biệt được các chữ/từ đồng âm, vì mỗi chữ Hán có một tự hình riêng. Tình trạng quá nhiều chữ/từ đồng âm là trở ngại khách quan không thể vượt qua trong việc nghiên cứu làm chữ biểu âm thích hợp Hán ngữ.
Từ năm 1986, Nhà nước Trung Quốc đình chỉ công tác nghiên cứu làm loại chữ biểu âm thay thế chữ Hán, coi việc đó chỉ là nghiên cứu học thuật và để cho các thế hệ sau giải quyết. Hiện nay và có lẽ là mãi mãi, chữ Hán vẫn là chữ viết pháp định của người Trung Quốc.
Thất bại trong công tác nói trên đã đánh dấu chấm hết cho tiến trình bỏ chữ Hán kéo dài hàng thế kỷ của Trung Quốc. Hiện nay người Trung Quốc tiếp tục sử dụng chữ Hán như cũ, nhưng có kết hợp dùng thêm Phương án Phiên âm Hán ngữ như một công cụ bổ trợ trong chế độ "Song văn" (hai loại chữ) đang thịnh hành ở nước này. Hầu như toàn bộ người Trung Quốc dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính đều thành thạo sử dụng Phương án Phiên âm Hán ngữ bằng chữ cái Latin.
Như để tổng kết tiến trình bỏ chữ Hán bất thành nói trên, nhà ngôn ngữ học Châu Hữu Quang đưa ra nhận định : Chữ Hán là "báu vật" của văn minh cổ đại, lại là "gánh nặng" của văn minh hiện đại. Coi chữ Hán là "gánh nặng" của văn minh hiện đại, có lẽ Châu Hữu Quang muốn nhắc nhở các thế hệ người Trung Quốc sau này sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu cải cách chữ viết theo hướng bỏ chữ Hán.
Nguyễn Hải Hoành
IV : Trường hợp Việt Nam
Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 16/05/2023
Tiến trình bỏ chữ Hán ở Việt Nam chỉ bắt đầu sau khi nước ta dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức đã được hơn 2000 năm, tức muộn hơn so với Nhật và Triều Tiên/ Hàn Quốc, nhưng kết quả cuối cùng lại triệt để thực hiện được mục tiêu bỏ chữ Hán, tức "Thoát Hán" về ngôn ngữ.
Năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà thôn tính nước ta vào nước Nam Việt, sau đó chính quyền nhà Triệu bắt đầu dạy dân ta học tiếng nói và chữ viết của người Trung Quốc. Trước đó người Việt Nam chỉ có ngôn ngữ nói, chưa hề có ngôn ngữ viết. Chữ Hán là thứ chữ viết đầu tiên mà người Việt tiếp xúc ; tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhận thức được tính chất vô cùng quan trọng của phát minh này, và nảy ra ý tưởng tìm cách mượn chữ Hán về dùng. Muốn vậy, họ đã sáng tạo "cách đọc Hán-Việt" đối với chữ Hán : đặt cho mỗi chữ Hán một tên tiếng Việt gọi là "từ Hán-Việt", qua đó thực hiện đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình mà không đọc bằng tiếng Trung Quốc. Như vậy, người Việt Nam chỉ học chữ Hán mà không học tiếng Hán, qua đó mượn được chữ Hán về dùng mà vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình, nhờ thế dân tộc ta không bị văn hóa Hán đồng hóa.
Chữ Hán đọc bằng tiếng Việt được dân ta gọi là "Chữ Nho", chỉ dùng để viết, không dùng để nói. Từ Hán-Việt làm tăng ít nhất gấp đôi lượng từ vựng tiếng Việt nhưng hoàn toàn không làm thay đổi ngữ âm tiếng Việt. Chữ Nho trở thành chữ viết chính thức của các nhà nước phong kiến Việt Nam, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi thời tiền sử mông muội, tiến sang thời đại văn minh có chữ viết. Việt Nam trở thành nước Đông Á chịu ảnh hưởng lớn nhất của văn hóa Trung Hoa. Nhưng chỉ tầng lớp trên trong xã hội Việt Nam biết dùng chữ Hán/Nho, còn dân chúng đều mù chữ. Suốt hai nghìn năm, người Việt sùng bái chữ Hán, chưa hề có ý tưởng bỏ chữ Hán.
Thế kỷ 10, tổ tiên ta thử nghiệm dùng chữ Hán và chữ Hán tự tạo để ghi âm tiếng Việt, làm ra chữ Nôm vừa có tính biểu ý, vừa có tính biểu âm. Do chữ Nôm được tạo ra trên cơ sở chữ Hán nên biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì thế chữ Nôm khó hơn chữ Hán. Mặt khác, vì mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết, mà tiếng Việt có cực nhiều âm tiết, cho nên phải tạo ra và sử dụng cực nhiều chữ (ít nhất vài chục nghìn chữ) , khiến cho chữ Nôm quá khó nhớ khó dùng, không thể phổ cập được. Thời xưa tầng lớp trên ở ta sùng bái chữ Hán, khinh rẻ chữ Nôm, coi là thứ chữ "nôm na mách qué" của dân thường, hầu hết nhà nước phong kiến không công nhận. Vì thế chữ Nôm không được quan tâm phát triển, hoàn thiện. Nhưng chữ Nôm thể hiện được lời nói và tư tưởng tình cảm của người bình dân, nhờ thế bộ phận tầng lớp tinh hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v… đã xây dựng được một nền văn học chữ Nôm thành công vượt xa văn học chữ Nho.
Chữ Nôm thể hiện ý thức độc lập tự chủ về ngôn ngữ của người Việt, được sử dụng không chính thức cho tới đầu thế kỷ 20, nhưng do chữ Nôm được tạo chữ trên cơ sở chữ Hán, có sử dụng nhiều chữ Hán nguyên gốc, nên việc sử dụng chữ Nôm không đem lại kết quả bỏ được chữ Hán.
Tuy vậy, chữ Nôm có tính biểu âm đã trở thành nền tảng để đầu thế kỷ 17, các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đến nước ta truyền giáo, khi học tiếng Việt và chữ Nôm, họ đã phát hiện chữ Nôm có tính biểu âm – tức có điều kiện cho phép phiên âm hóa, Latin hóa chữ Nôm thành một loại chữ có thể ghi âm được tiếng Việt. Sau khoảng ba chục năm dầy công nghiên cứu, các giáo sĩ đã thực hiện thành công việc Latin hóa, phiên âm hóa, hiện đại hóa chữ Nôm, làm ra loại chữ biểu âm Latin hóa đầu tiên ở Đông Á, về sau được dân ta gọi là "Chữ Quốc ngữ", có đặc điểm ghi âm được 100% tiếng Việt, lại dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng, ưu việt hơn hẳn chữ Nho, chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ nhanh chóng được các nhà cách mạng, nhà trí thức Tây học và nhà Nho tiên tiến dẫn đầu toàn dân ta nhiệt liệt ủng hộ sử dụng chữ Quốc ngữ, bắt đầu khởi sự tiến trình bỏ chữ Hán ở Việt Nam.
Cần nhấn mạnh : chữ Nôm có thể phiên âm hóa, Latin hóa được, vì chữ Nôm tuy có gốc chữ Hán nhưng có tính biểu âm. Chữ Hán không có tính biểu âm, cho nên không thể phiên âm hóa, Latin hóa được – các thử nghiệm của người Trung Quốc đã chứng tỏ điều đó. Tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic) nhưng tiếng Hán nghèo âm tiết nên không thích hợp dùng chữ viết biểu âm. Còn tiếng Việt do giàu âm tiết –– lượng âm tiết cơ bản nhiều gấp chục lần tiếng Hán, lại có 6 thanh điệu (trong khi tiếng Hán có 4), cho nên thích hợp dùng chữ viết biểu âm. Vì thế tổ tiên ta mới làm và dùng được chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, các phong trào cách mạng như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ động mở trường mở lớp dạy chữ Quốc ngữ cho tầng lớp bình dân, lôi cuốn đồng bào cả nước hăng hái học chữ Quốc ngữ, dùng chữ Quốc ngữ.
Có thể coi hai sự kiện sau đây đánh dấu nước ta chính thức bỏ chữ Hán, dùng chữ Quốc ngữ : Cuối năm 1918 Triều đình Huế ra lệnh bỏ các kỳ thi chữ Hán ; và tháng 9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời lập Nha Bình dân học vụ, quyết định phổ cập chữ Quốc ngữ, mở đầu phong trào xóa nạn mù chữ trong cả nước.
Từ sau 1945, tất cả các ban ngành trong nước, mọi sách báo, văn bản, ấn phẩm của chính quyền và xã hội hầu như chỉ dùng chữ Quốc ngữ, không dùng chữ Hán, chữ Nôm. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ đã giúp dân tộc ta thực thi tiến trình "Bỏ chữ Hán" dưới hình thức phong trào xóa nạn mù chữ của dân chúng, không có sự cưỡng chế của chính quyền, thế nhưng lại thu được hiệu quả rất cao.
Bỏ chữ Hán là một bước ngoặt lịch sử đánh dấu quyết tâm để cây văn hóa Việt Nam ra khỏi bóng râm cớm nắng của đại thụ văn hóa Trung Hoa, vươn cao trong rừng cây văn hóa thế giới. Học giả Phạm Quỳnh nói : chữ Quốc ngữ "như chiếc bè cứu người Việt ra khỏi cảnh trầm luân là có nước của mình mà phải học mướn viết nhờ nước ngoài". Đúng là từ ngày dùng chữ Quốc ngữ, dân tộc ta mới được làm chủ thứ chữ viết hoàn toàn thích hợp với tiếng Việt, chấm dứt mấy nghìn năm chỉ học văn minh Trung Hoa, viết bằng chữ mượn của Trung Quốc, qua đó thực hiện một bước tiến thần kỳ : xây dựng nền văn minh Việt đích thực và hòa vào dòng chảy của văn minh thế giới.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam bỏ chữ Hán vì động cơ chính trị "bài Hoa". Thiển nghĩ, đó là một nhận xét phiến diện. Thực tế cho thấy, tiến trình bỏ chữ Hán tại Việt Nam diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật sinh tồn khách quan : nhân tố ưu việt hơn sẽ thay thế nhân tố lạc hậu –– chữ Quốc ngữ ưu việt sẽ thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Tiến trình đó đã diễn ra dù là trong thời kỳ nước ta ở dưới chính quyền cai trị của thực dân Pháp hoặc dưới chính quyền dân chủ nhân dân.
Sự thay thế chữ viết ấy hợp lý hợp tình, hợp lòng dân, sớm muộn cũng xảy ra như một tất yếu lịch sử không ai không nhận thấy. Ngay cả thực dân Pháp khi mới chiếm một phần nước ta, ngày 22/2/1869 đã ban hành nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ (do Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký). Tiếp đó ngày 28/12/1918, người đứng đầu chính quyền phong kiến nhà Nguyễn vốn sùng tín chữ Hán là vua Khải Định cũng ký đạo dụ ra lệnh từ năm 1919 bãi bỏ mọi kỳ thi Hán học. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công được vài tuần, chính quyền cách mạng đã ra sắc lệnh số 20 ngày 8/9/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký, quy định bắt buộc học chữ Quốc ngữ. Mấy sự kiện đó đã cho thấy việc dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm là một xu thế khách quan tất yếu của lịch sử mà các chính quyền thực dân Pháp, triều đình Huế và chính quyền cách mạng đều nhận thức được và đều thi hành.
Tóm lại, chữ Quốc ngữ đã góp phần quyết định đẩy nhanh tiến trình bỏ chữ Hán. Không có chữ Quốc ngữ thì người Việt không thể "Thoát Hán" về ngôn ngữ, một phần quan trọng của "Thoát Hán" về văn hóa.
Chữ Hán ra đời cách nay hơn 3.300 năm, từng có đóng góp lớn cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc (Trung Quốc). Chữ Hán là thứ tượng trưng cho văn hóa Trung Hoa, là báu vật thiêng liêng tổ tiên để lại. Người Hoa coi chữ Hán như chữ của thần thánh, mấy nghìn năm qua không ai dám nhận xét, cải tiến, phát triển loại chữ này. Cho tới nay ai đánh giá không tốt về chữ Hán sẽ bị dư luận đả kích ngay. Thiển nghĩ, nếu cứ để chữ Hán phát triển tự nhiên trong đông đảo dân chúng thì rất có thể nó cũng có lịch sử tương tự các loại chữ viết cổ đại khác (chữ Ai Cập cổ, chữ hình Nêm), tức là biến mất và thay bằng loại chữ tiên tiến hơn. Tiếc rằng, chữ Hán sau khi ra đời đã bị tầng lớp vua quan và trí thức phong kiến coi là thứ công cụ độc quyền dùng để giữ vững chế độ phong kiến, thi hành chính sách ngu dân nhằm dễ dàng áp bức bóc lột nhân dân lao động.
Trẻ em Trung Quốc đang dần xa lạ với chữ Hán của cha ông.
Tính biểu ý là đặc điểm chủ yếu nhất của chữ Hán. Hầu hết chữ viết trên thế giới đều là chữ biểu âm (phonograph, còn goi là chữ ghi âm, chữ phiên âm), riêng chữ Hán là chữ biểu ý (ideograph, còn gọi là chữ ghi ý). Hán ngữ có đặc điểm là ngôn ngữ âm thanh (tiếng nói) không quan trọng bằng ngôn ngữ thị giác (tự hình, tức hình dạng chữ viết). Hán ngữ có rất nhiều phương ngữ (tiếng địa phương), tổng cộng có 7 phương ngữ lớn và hàng trăm phương ngữ nhỏ, người Trung Quốc phấn đấu đến năm 2020 mới phổ cập 100% tiếng Phổ thông thống nhất trong cả nước, nhưng tới nay mới đạt hơn 80%. Hán ngữ có rất nhiều chữ/từ đồng âm khó phân biệt khi nghe bằng tai, phải viết ra chữ mới phân biệt được. Bởi vậy chữ Hán có vai trò cực kỳ quan trọng. Nói đến Hán ngữ, chủ yếu là nói "chữ", chứ không phải "tiếng".
Chữ viết là công cụ ghi chép ngôn ngữ, mà công cụ thì phải đáp ứng yêu cầu càng đơn giản, càng tiện dụng càng tốt. Muốn vậy phải đánh giá xem công cụ chữ Hán đã tốt chưa. Đánh giá ngôn ngữ của dân tộc khác là một việc cần thận trọng. Bài này trình bày sơ qua về sự đánh giá của các học giả Trung Quốc đối với chữ Hán. Cần thấy rằng do tâm lý sùng bái tổ tiên quá nặng nên người Trung Quốc bắt đầu đánh giá chữ Hán quá muộn.
Năm 1894, nhà Thanh thua to trong cuộc chiến tranh với nước Nhật, giới trí thức Trung Quốc tỉnh dậy sau mấy nghìn năm ngủ say trong giấc mơ nước mình giỏi nhất, mạnh nhất thế giới. Thua trận, Trung Quốc phải mở cửa đất nước ; văn hóa phương Tây tràn vào. Nhờ đó người Trung Quốc có điều kiện so sánh chữ Hán với chữ phiên âm của phương Tây.
Học giả Đỗ Tử Kình nói : Nước người ta mạnh vì họ phổ cập giáo dục chứ không chỉ vì có tàu to súng lớn, mà "sở dĩ phổ cập được giáo dục là do họ dùng chữ viết kiểu phiên âm rất tiện lợi. Chữ viết của ta quá lạc hậu khiến cho giáo dục phát triển méo mó, quốc gia ngày càng suy yếu. Vì thế [các nhà ngôn ngữ] Tống Hành, Đàm Tự Đồng, Lương Nhiệm Công đều tuyên bố chữ Hán có tội và đề xướng cải tạo chữ Hán. Trong sách Nhân học, Đàm Tự Đồng chủ trương phế bỏ chữ Hán ; đây là phát súng đầu tiên bắn vào chữ Hán trong hơn 2.000 năm". Từ đó chữ Hán bị lôi ra khỏi điện thờ, bị phê phán thậm tệ.
Năm 1892, học giả Lô Tráng Chương (1854-1928) đầu tiên đưa ra phương án chữ phiên âm (thời ấy gọi là thiết âm) cho Hán ngữ. Lô nói : Chữ Trung Quốc khó nhất thế giới, ngoài Trung Quốc ra, các nước đều dùng chữ phiên âm chỉ có ba chục chữ cái.
Thực ra ngay từ năm 1602, nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đã bước đầu thành công dùng chữ cái Latin ghi được âm của chữ Hán, mở đầu phong trào Latinh hóa chữ Hán ở Trung Quốc và ở các nước trong vành đai Hán ngữ, như Nhật, Triều Tiên, Việt Nam.
Bút tích bảng đối chiếu chữ Hán với chữ Latin ghi âm chữ Hán, do Matteo Ricci làm năm 1602. Đây là kết quả đầu tiên của công trình Latin hóa chữ Hán.
Cho tới năm nổ ra Cách mạng Tân Hợi (1911) các học giả đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm, nhưng họ chủ trương không bỏ chữ Hán mà dùng song song chữ Hán và chữ phiên âm (Pinyin). Tuy 28 phương án này đều chưa được thực thi nhưng họ đã làm được hai việc : Đả phá "Thuyết chữ Hán thiêng liêng", xây dựng "Thuyết chữ Hán (là) công cụ" ; và đưa chữ phiên âm vào Trung Quốc dùng làm hệ tham chiếu để đánh giá chữ Hán.
Năm 1908 trên tờ "Tân thế kỷ chu san" nhà ngôn ngữ Ngô Trĩ Huy tuyên bố Trung Quốc cần bỏ Hán ngữ, dùng Thế giới ngữ Esperanto. Một số học giả đề nghị dùng chữ La Mã (tức chữ Latin).
Thời Ngũ Tứ là thời kỳ khai sáng, dân khắp nơi đòi khoa học và dân chủ, phủ định thuyết chữ Hán thiêng liêng, chủ trương bỏ chữ Hán. Phó Tư Niên (sinh viên Đại học Bắc Kinh) nói : Nguồn gốc chữ viết của Trung Quốc cực kỳ dã man, hình dạng hết sức kỳ dị, học chữ cực bất tiện, ứng dụng cực kỳ không kinh tế… tuyệt đối nên thay chữ Hán bằng chữ phiên âm, Hán ngữ tuyệt đối có khả năng biểu đạt bằng chữ phiên âm. Năm 1918 trên báo "Tân Thanh niên", lá cờ đầu của phong trào Ngũ Tứ là nhà ngôn ngữ Tiền Huyền Đồng (1887-1939, có con trai là Tiền Tam Cường, được gọi là Cha đẻ Bom nguyên tử Trung Quốc) nêu chủ trương cải cách chữ Hán, đề xuất chữ Giản thể (tức chữ bớt nét). Năm 1923 ông viết bài "Cách mạng chữ Hán" đăng trên "Quốc ngữ nguyệt san – Hán tự cách mạng", có tiếng vang lớn : Tuyệt đối có thể làm cách mạng chữ Hán, chuyển sang dùng chữ phiên âm với chữ cái La Mã thông dụng. Chữ Hán có tội ác khó học, khó viết, cản trở việc phổ cập giáo dục và truyền bá tri thức…, điều tồi tệ nhất là không hòa nhập với văn hóa thế giới hiện đại.
Cù Thu Bạch (1899-1935, nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc) nói : Chữ Hán đã trở thành thây ma cứng đờ ; ngôn ngữ Trung Quốc phải phát triển tiếp ; muốn có đời sống văn hóa mới hiện đại thì phải hoàn toàn bỏ chữ Hán ; như vậy mới có thể thực sự phát triển được văn bạch thoại nói và viết, đồng thời thoát khỏi sự trói buộc của chữ Hán – thứ chữ thực sự là hố phân bẩn thỉu nhất thời trung thế kỷ.
Đại văn hào Lỗ Tấn (1881-1936) nói : "Chữ Hán là báu vật thời cổ truyền lại, nhưng tổ tiên ta còn cổ xưa hơn cả chữ Hán, cho nên chúng ta càng là báu vật thời cổ truyền lại. Vì chữ Hán mà hy sinh chúng ta, hay là vì chúng ta mà hy sinh chữ Hán ?… Chữ Hán là khối u trên cơ thể đại chúng lao khổ Trung Quốc, con virus tiềm ẩn bên trong khối u ấy, nếu không cắt bỏ khối u thì kết quả sẽ chết. Tôi cho rằng chữ Hán khối vuông bản thân là một triệu chứng của sự chết, ăn chút nhân sâm hoặc nghĩ biện pháp nào đó cố nhiên có thể kéo dài sự sống nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được…" Khi ốm nặng, ông trăng trối : "Không diệt chữ Hán thì Trung Quốc ắt mất nước".
Trong nửa đầu thế kỷ 20 người Trung Quốc đã thiết kế một số phương án chữ phiên âm để thay cho chữ Hán, trong đó phương án Chữ Quốc ngữ La Mã và phương án Chữ mới Latin hóa tương đối có ảnh hưởng. Chính phủ Quốc dân không thừa nhận Chữ quốc ngữ La Mã là chữ viết, chỉ thừa nhận là ký hiệu chú âm quốc ngữ, lại càng phủ nhận Chữ Latin hóa. Nhưng tại chiến khu của Đảng cộng sản Trung Quốc, chữ phiên âm Latin hóa được ủng hộ mạnh.
Sau ngày nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949), việc đánh giá chữ Hán vẫn kế thừa truyền thống "Cách mạng chữ Hán" của phong trào Ngũ Tứ, tiếp tục cho rằng chữ Hán phức tạp rối rắm khó học khó dùng, cản trở phát triển giáo dục và khoa học, nhưng đã loại bỏ quan điểm lệch lạc phủ định toàn diện chữ Hán, bỏ chữ Hán. Tháng 3/1956, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách chữ viết Ngô Ngọc Chương nói : "Trong tương lai, chúng ta sớm muộn sẽ có một ngày phải chuyển sang dùng chữ viết phiên âm – đây là quy luật khách quan của sự phát triển chữ viết thế giới".
Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc về cải cách chữ Hán (10/1955) viết : Chữ Hán phải cải cách, việc cải cách căn bản cần phải theo phương hướng chung của thế giới là chữ phiên âm ; nhưng trước mắt phải dần dần đơn giản hóa chữ Hán đồng thời ra sức phổ cập tiếng Phổ thông lấy ngữ âm Bắc Kinh làm âm tiêu chuẩn – tức tiếng nói chung của dân tộc Hán.
Ngày 26/10/1955 Nhân dân Nhật báo ra xã luận "Cố gắng đẩy mạnh cải cách chữ Hán, phổ cập tiếng Phổ thông, thực hiện quy phạm hóa Hán ngữ". Xã luận viết : Ai cũng thừa nhận chữ Hán từng có cống hiến vĩ đại trong lịch sử văn hóa lâu đời nước ta. Mấy nghìn năm qua, các thư tịch của Trung Quốc cổ đại đều nhờ chữ Hán mà được bảo tồn. Sau đây, trong thời kỳ xây dựng và cải tạo chủ nghĩa xã hội, chữ Hán sẽ được đông đảo quần chúng sử dụng rộng rãi hơn. Trong tương lai lâu dài chữ Hán vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và được nhiều người nghiên cứu. Nhưng không thể phủ nhận chữ Hán có những khuyết điểm nghiêm trọng, vì thế đem lại khó khăn rất lớn cho việc học tập và sử dụng. Do chữ Hán khó nhận biết, khó viết, khó nhớ, làm cho giáo dục phổ thông của nước ta hao phí nhiều thời gian hơn vào việc dạy và học chữ. Chữ Hán là một gánh nặng trầm trọng trong giáo dục nhi đồng, giáo dục người lớn và công tác xóa nạn mù chữ. Nếu giữ nguyên hiện trạng của chữ Hán mà không cải cách thì sẽ nghiêm trọng cản trở việc phổ cập và nâng cao giáo dục văn hóa nhân dân, rất bất lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa và phát triển kinh tế.
Trong bài "Cải cách chữ Hán và cơ giới hóa chữ viết ở nước Nhật" đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 3/5/1964, Quách Mạt Nhược (1892-1978, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc) viết : "Chữ Hán là loại chữ viết sáng tạo độc đáo của Trung Quốc, thư pháp của Trung Quốc là một nghệ thuật có tính sáng tạo độc đáo. Nhưng thẳng thắn mà nói, xét trên mặt sử dụng chữ viết thì loại chữ tốt đẹp có tính sáng tạo độc đáo này đúng là một công cụ khó nắm bắt. Số lượng chữ quá nhiều, âm đọc không chính xác. Tuy đã dùng chữ Hán hơn 60 năm nhưng cho tới nay tôi vẫn còn gặp những chữ mình chưa biết, không tra tự điển thì không xong". "Chúng ta đang xây dựng CNXH nhanh nhiều tốt rẻ, yêu cầu thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật với tốc độ cao. Ở đây có một vấn đề mấu chốt là phải phổ cập và nâng cao giáo dục với hiệu suất cao hơn. Muốn giải quyết tốt vấn đề này thì xem ra việc đơn giản hóa hoặc hiện đại hóa chữ viết là không thể tránh được. […] Cơ giới hóa, tự động hóa và cao tốc hóa công tác chữ viết là một quá trình nổi bật trong sinh hoạt văn hóa hiện đại. Cơ giới hóa công tác chữ viết đòi hỏi số lượng đơn nguyên ký hiệu chữ viết không được quá nhiều ; chữ phiên âm rất thích hợp yêu cầu này. Số lượng đơn nguyên chữ Hán quá nhiều, tuy có thể chế tạo các loại máy chữ Hán nhưng sử dụng rất không thuận tiện linh hoạt, hiệu suất quá thấp mà giá thành quá cao".
Từ sau ngày Trung Quốc thi hành chính sách cải cách mở cửa (1979), giới học thuật Trung Quốc tranh luận sôi nổi hơn, việc nghiên cứu chữ Hán có phát triển mới, thảo luận rộng rãi hơn.
Dưới đây trình bày quan điểm đại diện cho những kết quả mới nhất về nghiên cứu đánh giá chữ Hán. Qua đó có thể thấy hiện nay việc nghiên cứu chữ Hán đã thoát ra khỏi các hạn chế trước đây, đi lên con đường khoa học.
Học giả Nghê Hải Thự nói (7/1979) : Trước đây nói không cải cách chữ viết thì không xóa được nạn mù chữ, không phổ cập được giáo dục… nay lại nói không cải cách chữ viết thì không thực hiện được hiện đại hóa. Nói như vậy phải chăng là thiếu phân tích. Các nước Mỹ Latinh đã cải cách chữ viết nhưng số người mù chữ còn rất nhiều… Đây là vấn đề chế độ giáo dục và chế độ xã hội. Một số nước chưa cải cách chữ viết như Nhật, Hàn Quốc đã thực hiện hiện đại hóa. Nhưng một số nước đã cải cách chữ viết như Mông Cổ, Indonesia, Việt Nam lại chưa thực hiện hiện đại hóa…. Phiến diện nói chữ Hán hoặc nói chữ phiên âm tốt, người ta đều không chịu. Chữ Hán có ưu điểm, chữ phiên âm có khuyết điểm, phải xem xét toàn diện. Thập niên 50 ta phiến diện phê bình, phủ định chữ Hán. Hồ Kiều Mộc nói chữ Hán như một đại thụ ; anh phê bình chỗ lá này của nó không tốt, chỗ cành kia không tốt ; sự phê bình ấy không rung chuyển được cái gốc của nó.
Năm 1985 Trương Chí Công nêu hai ưu điểm nổi trội của chữ Hán. Thứ nhất, chữ Hán thích ứng với Hán ngữ, thể hiện trên hai mặt : Hán ngữ là ngôn ngữ phi hình thái, không dùng âm tố để biểu thị sự biến đổi hình thái ; Hán ngữ chủ yếu là ngữ tố đơn âm tiết. Chính vì thế chữ Hán mới dùng một ký tự để biểu thị một âm tiết, một ngữ tố. Thích ứng với Hán ngữ là nguyên nhân căn bản nhất làm cho chữ Hán giàu sức sống. Nếu không thì chữ Hán không sống nổi. Thứ hai, không thể coi nhẹ tác dụng do "hình" của chữ Hán gây ra. "Hình" này có hai tác dụng lớn nhất : Có lợi cho việc đọc chữ ; và nếu vận dụng tốt sẽ có lợi cho phát triển trí lực.
Ông Trương nói chữ Hán ít nhất có 2,5 khó khăn rất không dễ giải quyết : 1) Mới học (trong khoảng 500-1000 chữ) thấy khó, vì trong giai đoạn này chữ Hán rất khó liên hệ với ngôn ngữ. Mới học đã thấy khó, điều này làm tổn hại sự tự tin và tự tôn, hứng thú học của trẻ, ức chế sự phát triển trí lực. 2) Khó giao lưu văn hóa quốc tế. Ta không thể ép người nước khác học chữ Hán, hơn nữa chữ Hán không thể ghi được ngôn ngữ các nước ; chữ Hán gây trở ngại cho việc giao lưu văn hóa với quốc tế. Ngoài ra, khó cơ giới hóa việc ghi và truyền chữ viết, mang lại rất nhiều khó khăn cho việc sử dụng máy chữ, máy tính, máy telex, dịch máy. Sở dĩ nói đây là một nửa (0,5) khó khăn, vì khó khăn này có thể dần dần giải quyết bằng kỹ thuật, tuy sẽ mất nhiều công sức, thời gian… Tóm lại chữ Hán vừa có tính ưu việt vừa có những khuyết điểm khá nghiêm trọng. Cũng nên thấy rằng một số mặt lợi của chữ Hán đồng thời tất nhiên đem lại một số mặt bất lợi. Ví dụ tự hình có mặt lợi, nhưng cũng có mặt hại như sinh ra bệnh nhìn chữ đoán nghĩa, tạo thuận tiện cho việc tự bịa ra từ ngữ, dễ lẫn lộn văn ngôn với bạch thoại v.v…
Tháng 12/1986, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Lã Thúc Tương (1904-1998) nói :
Chữ Hán có ưu điểm cũng có khuyết điểm. Chữ phiên âm cũng vậy. Tôi cần nói rằng : thứ nhất, dù chữ Hán hay chữ phiên âm, ưu điểm và khuyết điểm của chúng đều gắn với nhau ; thứ hai, ưu điểm của chữ Hán lại chính là khuyết điểm của chữ phiên âm ; khuyết điểm của chữ Hán lại chính là ưu điểm của chữ phiên âm.
Chữ Hán có những ưu điểm : 1) Mỗi chữ Hán đại diện cho một ngữ tố trong Hán ngữ, nó tập hợp ba yếu tố tự hình, âm đọc chữ và nghĩa chữ (tự nghĩa) vào một, tiện cho việc độc lập sử dụng ; 2) Âm như nhau mà nghĩa khác nhau, tiện cho việc phân biệt các chữ đồng âm ; 3) Âm đọc chữ Hán khác nhau tùy theo địa phương, tùy theo thời đại, vì thế văn viết bằng chữ Hán thì nơi nào, thời nào cũng hiểu được. 4) Dùng chữ Hán in sách, phần chữ chiếm ít diện tích, tiết kiệm được giấy in.
Thế nhưng các ưu điểm trên cũng đem lại những khuyết điểm tương ứng. Thứ nhất, ưu điểm đầu tiên cũng là đặc điểm cơ bản nhất của chữ Hán, đem lại nhiều khuyết điểm : 1) Do tự hình không biểu thị âm đọc chữ ("Chữ hình thanh" thực sự cùng âm chỉ là số ít) và cũng chẳng thể nhìn tự hình là biết tự nghĩa, vì thế phải có thầy dạy từng chữ, không tiện cho việc tự học ; 2) Vì một ngữ tố là một chữ nên số lượng chữ Hán vô cùng nhiều, việc phân biệt tự hình và nhớ âm đọc chữ cũng như tự nghĩa rất mất công sức ; 3) Do cấu tạo của tự hình lắm hình lắm dạng nên rất khó thu xếp được một thứ tự vừa rõ ràng chính xác vừa giản tiện, vì thế gây bất tiện cho việc soạn từ điển, soạn biên mục (index).
Thứ hai, ưu điểm âm như nhau mà chữ khác nhau tuy có tiện cho việc phân biệt các chữ đồng âm nhưng cũng dễ làm người ta viết sai chữ. Phần lớn chữ viết sai là do âm đọc như nhau hoặc gần như nhau gây ra.
Thứ ba, ưu điểm "văn viết bằng chữ Hán thì nơi nào, thời nào cũng hiểu được" phải trả giá bằng việc chữ viết tách rời lời nói (khẩu ngữ). Âm đọc chữ Hán khác nhau tùy theo địa phương, điều đó khiến cho không thể dùng nó làm công cụ phổ cập tiếng Phổ thông. Bạch thoại và văn ngôn đều viết bằng chữ Hán, do đó dễ sinh ra loại chữ chẳng văn ngôn cũng chẳng bạch thoại, nửa văn ngôn nửa bạch thoại.
Thứ tư, dùng chữ Hán in sách có thể tiết kiệm giấy in nhưng khi đọc sách sẽ tốn công và hại mắt bởi lẽ cùng con chữ chì (để sắp chữ trên máy in cổ), chữ Hán nhiều nét, chữ phiên âm ít nét. Hiện nay học sinh từ tiểu học đến trung học có tỷ lệ đeo kính cận tăng theo sự lên lớp, điều đó có phần do sách giáo khoa và sách in dùng chữ cỡ nhỏ.
Chữ phiên âm có những ưu khuyết điểm : Thứ nhất, ứng với các khuyết điểm ở nhóm 1 của chữ Hán : 1) Chữ Hán nhìn mặt chữ mà không biết âm đọc và nghĩa của chữ. Trong chữ phiên âm, nếu biết đánh vần thì sẽ biết đọc âm của chữ, đọc được thì biết nghĩa của chữ ; 2) chữ Hán phải phân biệt hàng nghìn tự hình còn chữ phiên âm chỉ cần phân biệt 26 chữ cái là được ; 3) chữ Hán không có thứ tự cố định còn thứ tự của chữ phiên âm thì cố định ; chữ dùng các chữ cái ghép lại đều có thứ tự cố định, rất tiện khi soạn tự điển, soạn biên mục (index). Thứ hai, chữ Hán có nhiều chữ đồng âm. Trong chữ phiên âm, do lấy từ làm đơn vị ghép vần nên ít chữ đồng âm (nếu không đánh dấu giọng thì cũng có khá nhiều chữ đồng âm, song vẫn ít hơn ở chữ Hán). Thứ ba, chữ Hán tách rời với lời nói còn chữ phiên âm kết hợp với tiếng nói nên có lợi cho việc phổ cập tiếng Phổ thông. Thứ tư, cùng một con chữ rời (để sắp chữ khi in), chữ cái phiên âm trông thanh thoát hơn (vì ít nét hơn chữ Hán).
Mọi người có thể từ các ưu điểm của chữ Hán mà suy ra khuyết điểm của chữ phiên âm, qua đó sẽ tự đánh giá tổng quan về hai thứ chữ này. Chú ý : trong chữ phiên âm không dễ phân biệt thấy ngữ tố của Hán ngữ. Nói chung một âm tiết đơn độc không thể biểu thị một ý nghĩa chính xác rõ ràng, nghĩa là không thể phân biệt các ngữ tố đồng âm….
Châu Hữu Quang (1906-2017, cha đẻ phương án Pinyin chữ Hán) nhận xét : Bản thân chữ Hán có tính kỹ thuật và tính nghệ thuật. Người coi trọng tính kỹ thuật chủ trương cải cách chữ Hán. Người coi trọng tính nghệ thuật không muốn cải cách chữ Hán. Bất cứ chữ viết nào cũng có tính hai mặt, nhưng chữ phiên âm có tính kỹ thuật mạnh mà tính nghệ thuật yếu. Chữ Hán yếu tính kỹ thuật, mạnh tính nghệ thuật. Đó là do chữ viết càng gần hình vẽ nguyên thủy thì tính nghệ thuật càng mạnh ; càng xa hình vẽ nguyên thủy thì tính nghệ thuật càng yếu. Chữ phiên âm cách hình vẽ nguyên thủy rất xa, "gene nghệ thuật" trở nên yếu, cho nên tuy chữ phiên âm cũng cần viết cho ưa nhìn, nhưng "nghệ thuật thư pháp" của nó không thể phát triển được. Khi kỹ thuật viết chữ từ viết tay tiến lên đánh máy rồi xử lý trên máy tính thì "nghệ thuật thư pháp" viết tay bị thoái hóa. Chữ Hán thì khác, nó cách hình vẽ nguyên thủy không xa cho nên "gene đồ họa" của nó không bị thoái hóa. Vì vậy sau khi các "chữ viết ý âm" (như chữ hình nêm, chữ Thánh thư) rút ra khỏi sân khấu lịch sử thì "nghệ thuật thư pháp" của chữ Hán thực sự một mình chiếm vũ đài. Nhưng vì thế mà nó mang lại tác dụng phụ như yêu thích lệch về nghệ thuật, coi nhẹ kỹ thuật, ưu thế nghệ thuật của chữ Hán đã che lấp nhược điểm về kỹ thuật. Trong thời gian chuyển tiếp từ văn minh cổ đại sang văn minh hiện đại, tính hai mặt của chữ Hán còn thể hiện ở mâu thuẫn giữa hai loại văn minh. Chữ Hán vừa là "báu vật" của văn minh cổ đại lại vừa là "gánh nặng" của văn minh hiện đại. Khi đã nhận thức được như vậy thì rất khó có thể lại khẳng định chữ Hán chỉ là "báu vật" mà không phải là "gánh nặng".
Nhìn chung quan điểm của Châu Hữu Quang được nhiều người tán thành.
Tóm lại, người xưa cho rằng chữ Hán là "báu vật", còn giới học giả Trung Quốc hiện đại cho rằng chữ Hán vừa là "báu vật" vừa là "gánh nặng". Dư luận Trung Quốc phổ biến coi sự chuyển biến này trong nhận thức đánh giá chữ Hán là một bước tiến.
Biên bản Hội nghị thảo luận học thuật vấn đề chữ Hán (12/1886) viết : Nhiều người có xu hướng sử dụng "Nhất ngữ lưỡng văn" [tức "chế độ Song văn". Nhất ngữ : phổ cập một thứ tiếng Phổ thông trong cả nước. Lưỡng văn hoặc song văn : đồng thời dùng hai thứ chữ viết, là chữ Hán và chữ Pinyin Latin hóa ; chữ Pinyin chỉ dùng với tính chất phụ trợ để ghi âm đọc của chữ Hán]. Từ nay Nhà nước không đặt vấn đề cải cách chữ Hán theo hướng phiên âm hóa nữa, coi đó là việc của các học giả ; tương lai của chữ Hán sẽ do con cháu sau này quyết định.
Thế hệ trẻ người Trung Quốc hiện nay đều được học và nắm được chữ Hán cùng chữ Pinyin Hán ngữ, thể hiện qua việc họ dùng thành thạo máy tính và điện thoại thông minh để đánh máy chữ Hán. Điều đó cho thấy chủ trương sử dụng "Nhất ngữ lưỡng văn" là đúng đắn và được dân chúng hoan nghênh.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/11/2020
Tài liệu tham khảo chính :
- Nghiên cứu chữ Hán hiện đại của thế kỷ 20 của Tô Bồi Thành (Nhà xuất bản Thư Hải, 8/2001) và
- một số tài liệu trên mạng Trung Quốc.
Tiếng Việt kỳ diệu
Hai dân tộc Kinh Việt Nam và Hán Trung Quốc (Trung Quốc) có nhiều điểm giống và khác nhau. Trong 1000 năm Bắc thuộc, nước ta bị Hán hóa toàn diện, các khác biệt bị xói mòn rất nhiều, kể cả về huyết thống. May sao tổ tiên ta vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất – ngôn ngữ. Giữ được thế cũng là nhờ tiếng Việt tiềm ẩn những tính năng kỳ diệu, chẳng hạn ngữ âm cực kỳ phong phú, có thể ghi âm hầu như mọi ngữ âm ngoại ngữ.
Sau 1.000 năm bị Hán hóa, ngôn ngữ Việt chấp nhận chữ Hán nhưng cấm cửa tiếng Hán. Tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt (gọi là từ Hán-Việt) mà không đọc bằng tiếng Hán, tức Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến thành chữ của mình, gọi là chữ Nho với ý nghĩa "Chữ của người có học". Chữ Nho chính là chữ Hán đượcphiên âm ra tiếng Việt, vì thế dễ học hơn. Tổ tiên ta có thể dùng chữ Nho bút đàm giao dịch với quan chức chính quyền chiếm đóng, đạt được yêu cầu bắt dân ta học chữ của chúng. Rốt cuộc người Việt có chữ để ghi chép và giao tiếp nhưng vẫn đời đời nói tiếng mẹ đẻ, không ai nói tiếng Hán. Mưu toan Hán hóa ngôn ngữ hoàn toàn thất bại.
Giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ và nhờ đó giữ được nòi giống và đất nước mình — đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, là tổ tiên ta đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng bản ngữ. Chữ Nho đã thầm lặng vô hiệu hóa quá trình Hán hóa ngôn ngữ. Từ Hán-Việt đã giúp kho tàng từ vựng tiếng Việt phong phú thêm nhiều lần cả về số lượng và mỹ cảm. Cho dù khoảng 60% từ vựng tiếng Việt hiện nay có gốc Hán ngữ nhưng đó chỉ là hiện tượng giao thoa ngôn ngữ bình thường. Chẳng hạn tại Trung Quốc, khoảng 70% từ ngữ tiếng Hán hiện đại có gốc tiếng Nhật.
Để sửa nhược điểm chữ Nho không ghi được tiếng Việt, vào khoảng thế kỷ 12 tổ tiên ta làm một thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo : sáng tạo chữ Nôm có yếu tố biểu âm, ghi được tiếng Việt. Chữ Nôm cấu tạo trên nền tảng chữ Hán, biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì vậy phụ thuộc Hán ngữ và khó phổ cập, lại chưa được nhà nước công nhận, thời gian tồn tại quá ngắn so với chữ Nho. Tuy vậy, do văn thơ chữ Nôm thể hiện được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tạo dựng được một nền văn học mới trội hơn hẳn văn học chữ Nho, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ nền văn hóa Việt. Thử nghiệm này còn hé lộ một tiềm năng cực kỳ quý giá của tiếng Việt — thích hợp chữ biểu âm(phonograph). Đây là điều kiện tất yếu để 5 thế kỷ sau các giáo sĩ Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes…làm được chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. Giả thử các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy đến Trung Quốc làm chữ biểu âm cho tiếng Hán thì chắc chắn họ sẽ thất bại, bởi lẽ tiếng Hán không thích hợp chữ biểu âm.
Với hai ưu điểm quý giá –– biểu âm và Latinh hóa, chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi hẳn đời sống ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền văn minh Việt. Loại chữ này ghi âm được 100% tiếng Việt, thực hiện nói/nghĩ thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy, lại dễ học dễ dùng chưa từng thấy. Giới tinh hoa nước ta ca ngợiChữ Quốc ngữ là hồn đất nước.
Nói chữ biểu âm Latin hóa là loại chữ viết tiên tiến chắc sẽ bị những người theo "Thuyết chữ Hán ưu việt" phủ định, nhưng lại được hai sự việc sau khẳng định :
1) Người Trung Quốc từng bỏ ra ngót 100 năm thực thi cải cách chữ viết theo hướng làm chữ biểu âm Latin hóa thay cho chữ Hán.
2) Toàn bộ 14 phương án chữ viết do Nhà nước Trung Quốc sau năm 1949 làm cho 10 dân tộc thiểu số chưa có chữ đều dùng chữ biểu âm Latin hóa. Dân tộc Tráng từ xưa đã có chữ vuông kiểu chữ Nôm, Nhà nước vẫn làm chữ mới biểu âm Latin hóa cho họ.
Chữ Quốc ngữ đã thúc đẩy nền văn minh Việt phát triển với tốc độ gấp trăm lần quá khứ. Thứ chữ này nhanh chóng được toàn dân chào đón và học tập, vừa nâng cao dân trí vừa có tác dụng thống nhất âm tiếng Việt trong cả nước, qua đó góp phần thống nhất dân tộc. Dùng chữ Quốc ngữ có thể dịch các từ ngữ Hán hoặc Nôm và ngoại văn ra tiếng Việt, nhờ thế dân ta được tiếp xúc với kho tàng văn hóa của tổ tiên, các trào lưu tư tưởng mới và khoa học kỹ thuật phương Tây. Các lĩnh vực văn học, giáo dục, nghệ thuật, báo chí, xuất bản nhanh chóng hình thành và phát triển, vượt xa mấy nghìn năm cũ. Cây văn hóa Việt Nam vươn cao, thoát khỏi nguy cơ còi cọc vì cớm nắng do ở cạnh đại thụ văn hóa Trung Hoa. Phạm Quỳnh nói Chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Đúng thế, dùng chữ Quốc ngữ có thể ghi lại mọi ý nghĩ, không bị gián đoạn do phải tra tìm chữ như khi dùng chữ Hán, chữ Nôm. Trí tuệ được giải phóng dẫn đến sự hình thành một tầng lớp trí thức tân tiến. Do chữ cái Latin dùng được kỹ thuật in chữ rời, các sách báo, ấn phẩm đua nhau xuất bản. Các tổ chức cách mạng đều dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền tư tưởng yêu nước chống thực dân phong kiến.
Chữ Quốc ngữ làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ hoàn toàn độc lập với Hán ngữ. Thời xưa Việt Nam, Nhật, bán đảo Triều Tiên đều dùng chữ Hán ; khi thấy mặt hạn chế của nó, cả ba đều cố "Thoát Hán" về ngôn ngữ. Bán đảo Triều Tiên thế kỷ 15 làm chữ biểu âm Hangul, nhưng Hàn Quốc hiện vẫn phải dùng chữ Hán để chú giải các từ ngữ cần chính xác (như về pháp lý). Người Nhật thế kỷ 9 làm chữ biểu âm Kana, nhưng hiện vẫn dùng gần 2000 chữ Hán. Riêng Việt Nam nhờ dùng chữ Quốc ngữ mà từ năm 1919 chính thức bỏ chữ Hán. Quá trình "Thoát Hán -Thoát Khổng" này nhanh gọn, không gây ra sự đứt gãy văn hóa, là một thắng lợi văn hóa-tư tưởng cực kỳ quan trọng của dân tộc ta.
Hán ngữ nhìn từ tiếng Việt
Sau khi tiếp xúc phương Tây, giới tinh hoa Trung Quốc nhận ra các nhược điểm nghiêm trọng của chữ Hán. Từ cuối thế kỷ 19, họ bắt đầu nghiên cứu cải cách Hán ngữ theo hướng phiên âm hóa chữ Hán do nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đề ra năm 1605. Đầu tiên họ làm ra chữ thiết âm (1892), đến 1911 đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm. Thời Ngũ Tứ, nhiều học giả đòi bỏ chữ Hán, dùng chữ phiên âm. Năm 1918, Trung Quốc ban hành phương án "Chú âm Tự mẫu" dùng 39 chữ cái ghi âm Hán ngữ, là công cụ để nghiên cứu phần ngữ âm tiếng Hán. Phương án này hiện vẫn dùng ở Đài Loan và trong các tự điển của Trung Quốc.
Năm 1952, Mao Trạch Đông chỉ thị cải cách chữ Hán phải theo xu hướng phiên âm chung của thế giới. Năm 1954 Trung Quốc lập Ủy ban Cải cách chữ viết, tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô lớn chưa từng có. Ngô Ngọc Chương, Chủ nhiệm Ủy ban, nói : Trung Quốc sau này sớm muộn sẽ phải chuyển sang dùng chữ phiên âm (tức chữ biểu âm), đây là quy luật khách quan phát triển chữ viết của thế giới ; nhưng Trung Quốc không chủ trương bỏ chữ Hán…
Cải cách chữ viết đã đạt được thành tựu quan trọng : – Đơn giản hóa (bớt nét) được vài nghìn chữ Hán để chữ trở nên dễ học dễ nhớ ; – Làm ra Phương án Pinyin Hán ngữ dùng chữ cái Latin có thể ghi chú âm (phiên âm) cho chữ Hán, mã hóa chữ Hán đưa vào máy tính, đánh chữ trên máy tính và smartphone, quốc tế hóa chữ Hán ; – Chuẩn hóa chữ Hán, xác định Tiếng Phổ thông (Standard Mandarin) là tiếng nói của toàn dân. Các thành tựu trên đã được luật hóa và áp dụng trong cả nước, giúp nâng cao tỷ lệ biết chữ, thống nhất ngôn ngữ. Hiện nay Trung Quốc đã áp dụng rộng rãi chế độ "Nhất ngữ Song văn" (Một tiếng nói, hai chữ viết) : Toàn dân nói một thứ tiếng Phổ thông ; chữ Hán là chữ viết pháp định, vẫn dùng như cũ, kèm theo dùng chữ Pinyin Hán ngữ để ghi âm chữ Hán.
Từ 1986, Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc ngừng đặt vấn đề làm chữ biểu âm thay chữ Hán, và nói tương lai chữ Hán sẽ do các thế hệ sau quyết định. Nghĩa là rốt cuộc Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.
Ở đây có hai vấn đề : có nên bỏ chữ Hán không và có thể làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ không. Rõ ràng, bỏ chữ Hán sẽ gây thảm họa bỏ mất di sản vĩ đại của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm ; 1,4 tỷ người Hoa không thể chấp nhận. Mặt khác, việc làm chữ biểu âm có nhiều khó khăn, chủ yếu do Hán ngữ có quá nhiều chữ hoặc từ đồng âm.
Chữ/từ đồng âm (homophonic words) là những chữ/từ khác nhau về tự hình và ý nghĩa nhưng đọc cùng âm, do đó mỗi chữ/từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, khi nghe đọc hoặc khi dùng chữ biểu âm sẽ không phân biệt được, gây hiểu lầm. Chữ đồng âm dẫn tới cụm từ đồng âm, làm cho ngôn ngữ kém chính xác. Đây là vấn đề của Hán ngữ chứ không phải của chữ Hán. Một ngôn ngữ chính xác thì không nên có chữ/từ đồng âm, nhưng thực tế ngôn ngữ nào cũng ít nhiều có hiện tượng này. Khi có nhiều chữ/từ đồng âm thì không thể dùng chữ biểu âm –– vì nhìn chữ sẽ chẳng hiểu gì. Như câu他叫她跟它走khi nhìn chữ Hán (chữ biểu ý, ideograph) thì có thể hiểu ý nghĩa, nhưng nhìn chữ biểu âm Ta jiao ta gen ta zou thì chẳng thể hiểu, vì ba chữ 他, 她, 它 (he, she, it) cùng đọc [ta]. Đoạn văn 施氏食狮史 cho thấy rõ nạn nhiều chữ/từ đồng âm đã giết chết chữ biểu âm.
Tổ tiên người Trung Quốc hiểu lẽ đó nên đã làm chữ viết có tính biểu ý (tức chữ Hán) mà không làm chữ biểu âm. Thế nhưng hiện nay một số học giả Trung Quốc vẫn hy vọng giải quyết được vấn đề chữ đồng âm và do đó làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ.
Qua nghiên cứu tiếng Hán từ trên nền tảng tiếng Việt, chúng tôi cho rằng hy vọng nói trên là không hiện thực. Ngay từ năm 1954 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc đã đặt nhiệm vụ tham khảo chữ Quốc ngữ Việt Nam. Nhưng năm 2009 một học giả hàng đầu Trung Quốc chê bai : "Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười".Do nhìn chữ Quốc ngữ với con mắt trọng tự hình, nhẹ ngữ âm nên họ chỉ thấy "giày, mũ" mà chưa thấy một điều quan trọng : tiếng Việt giàu âm tiết, tiếng Hán nghèo âm tiết, do đó Hán ngữ có quá nhiều chữ đồng âm, hậu quả là không làm được chữ biểu âm.
"Nghèo âm tiết" là nói số âm tiết của ngôn ngữ đó nhỏ hơn số đơn từ thông dụng.
Để xác minh Hán ngữ nghèo âm tiết, chúng tôi đã dùng "Tự điển Tân Hoa" bản thứ 10 新华字典第10版 双色本 (có 8.700 đơn tự) để thống kê số âm tiết có trong tự điển, kết quả được 415 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 393 âm tiết có 2 chữ trở lên (tức có chữ đồng âm) ; đổ đồng mỗi âm tiết có 22 chữ đồng âm. Một số âm tiết có quá nhiều chữ đồng âm : [yi] có 135, [ji] – 123, [yu] – 118, [xi] – 103,…. So với 8.105 chữ thông dụng Nhà nước Trung Quốc quy định thì 415 âm tiết rõ ràng là nghèo âm tiết
Số liệu trên không khác với số liệu của Trung Quốc [1]. Li Gong-Yi dựa "Hán tự Tin tức tự điển" (7.785 đơn tự) thống kê, được414 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 392 âm tiết có chữ đồng âm ; [yi] có 131, [ji] – 121, [yu] – 115, [xi] – 102, [fu] – 99 chữ. Khi thống kê theo "Từ Hải" (19.485 đơn tự), âm [yì] (khứ thanh) có 195 chữ ! Thống kê âm tiết có xét thanh điệu thì tiếng Hán có khoảng 1.400 âm tiết –– so với 8105 chữ thông dụng thì vẫn là quá nghèo âm tiết. Nếu xét toàn kho chữ Hán có khoảng 100 nghìn chữ (và không ngừng tăng) thì số chữ đồng âm quá nhiều.
Dễ thấy tiếng Việt giàu âm tiết : có 11 âm ă, â, b, đ, gh, ô, ơ, ư, v, ng, nh mà tiếng Hán không có ; về thanh điệu tiếng ta có 6, tiếng Hán 4. Thống kê âm tiết (không xét thanh điệu) bắt đầu bằng nguyên âm A : tiếng ta có 27, tiếng Hán có 5 âm tiết [2]. Hơn nữa tiếng ta có nhiều âm tiết chưa dùng, như đỉu, đĩu, bỉa, bĩa… Hiện chưa có số liệu âm tiết tiếng Việt do Nhà nước công bố. Một công bố trên mạng cho biết tiếng Việt có 17.974 âm tiết, trong đó quá nửa chưa dùng. Một công bố khác nói có hơn 6.000 âm tiết đã dùng.
Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn âm tiết (đơn lập, monosyllabic), mỗi tiếng một âm tiết, do đó cần dùng rất nhiều âm tiết, vì thế dễ xảy ra nạn lắm chữ/từ đồng âm. Như đã nói, tiếng Việt giàu âm tiết nên không có nạn đồng âm, do đó làm được chữ biểu âm ; tiếng Hán nghèo âm tiết nên có nạn đồng âm nghiêm trọng, do đó không làm được chữ biểu âm. Theo chúng tôi, chừng nào Hán ngữ còn là ngôn ngữ đơn lập và nghèo âm tiết thì còn chưa thể làm chữ biểu âm, suy ra không thể thay được chữ Hán. Kết luận này dường như không hợp với quan điểm của một số học giả Trung Quốc.
Đặc điểm của ngôn ngữ đa âm tiết
Có một sự thực khó hiểu : tiếng Nhật ít âm tiết hơn tiếng Hán (100 so với 415) mà vẫn làm được chữ biểu âm Kana –– điều đó chứng tỏ tiếng Nhật có số đơn từ khác âm nhiều hơn số đơn từ thông dụng.
Như đã biết, tiếng Nhật thuộc loại ngôn ngữ đa âm tiết (đa lập, multisyllabic), ví dụ từ samurai và Hiroshima có 3 và 4 âm tiết.
Trong ngôn ngữ đa âm tiết, mỗi đơn từ có thể là một chỉnh hợp (arrangement, tức tổ hợp có phân biệt thứ tự) gồm ít nhất 2 âm tiết khác nhau. Sau đây sẽ dùng toán học để chứng minh kết cấu chỉnh hợp có khả năng tạo ra tổng số đơn từ lớn hơn tổng số âm tiết của ngôn ngữ. Khi ấy được bài toán tính số chỉnh hợp chập k của một tập hợp chứa n phần tử. nlà lượng âm tiết của ngôn ngữ ; k là số âm tiết khác nhau trong một đơn từ, A là số lượng các chỉnh hợp (đơn từ) tạo ra từ n âm tiết. Kết quả A bằng n giai thừa (factorial) chia cho (n – k) giai thừa :
A (n, k) = n ! / (n-k) !
Rõ ràng A lớn hơn n rất nhiều ; k càng lớn thì A càng lớn. Khi k=2 thì A= (n-1) n ; khi k=3 thì A=(n-2) (n-1) n…
Tóm lại, kết cấu chỉnh hợp có ưu điểm tạo ra số lượng đơn từ rất lớn, khiến cho ngôn ngữ nghèo âm tiết vẫn làm được chữ biểu âm (chẳng hạn tiếng Nhật).
Ví dụ một ngôn ngữ có 415 âm tiết (n = 415), khi mỗi đơn từ là một chỉnh hợp 2 âm tiết (k = 2, như city, семья) thì tổng số đơn từ A sẽ bằng (415-1)(415), tức 171810 đơn từ, quá nhiều so với 415 âm tiết. Khi k = 3 (như minister, привычка) được 70957530 đơn từ.
Giả thử Hán ngữ là ngôn ngữ đa âm tiết, mỗi từ 2 âm tiết, thì do có 171810 đơn từ nên không có chữ đồng âm. Tiếc rằng không thể cải tạo ngôn ngữ đơn âm tiết thành đa âm tiết. Người Nhật có thể chỉ dùng chữ Kana mà không dùng chữ Hán, nhưng vì để thừa kế di sản văn hóa cổ mà hiện nay họ vẫn dùng gần 2000 chữ Hán kết hợp với chữ Kana.
Kết luận
Các trình bày nói trên đã chứng minh hai luận điểm của tác giả :
1. Ngôn ngữ đơn lập nếu nghèo âm tiết thì không thể làm được chữ biểu âm, nếu giàu âm tiết thì làm được chữ biểu âm.
2. Ngôn ngữ đa lập dù nghèo âm tiết vẫn có thể làm được chữ biểu âm.
Từ đó giải đáp được các câu hỏi vì sao cùng là ngôn ngữ đơn lập mà tiếng Việt làm được chữ biểu âm còn tiếng Hán thì không ; vì sao tiếng Nhật rất nghèo âm tiết lại làm được chữ biểu âm ; vì sao phần lớn các nước đều dùng ngôn ngữ đa lập và chữ biểu âm.
Xin nói thêm : cho dù hiện nay chữ Hán vẫn bị phê phán, song cần thấy rằng chữ Hán là lựa chọn hợp lý của tổ tiên người Trung Quốc. Chữ Hán có tính biểu ý thích hợp với một đất nước quá rộng và đông dân, nói hàng trăm phương ngữ khác nhau, hơn nữa ngôn ngữ nói có quá nhiều chữ/từ đồng âm, nếu chỉ dựa vào thính giác thì rất khó phân biệt (nhưng không thể tránh được tình trạng này, bởi lẽ Hán ngữ nghèo âm tiết). Những lý do ấy không cho phép Hán ngữ dùng chữ biểu âm ; từ đó suy ra chữ Hán sẽ không thể bị thay thế, –– nghĩa là chữ Hán sẽ không bao giờ bị từ bỏ. Giới học giả Trung Quốc ngày nay chấp nhận quan điểm Chữ Hán là báu vật của văn minh cổ đại lại là gánh nặng của văn minh hiện đại, nhưng người Trung Quốc sẽ không vì mang gánh nặng ấy mà tiến chậm trên con đường hiện đại hóa, bởi lẽ họ nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ lại được tiếp nguồn sức mạnh to lớn của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/06/2020
———–
[1]苏培成著 "二十世纪的现代汉语研究", 书海出版社2001版.
[2] Tiếng Việt : a, ac, ach, ai, am, an, ang, anh, ao, ap, at, au, ay ; ăc, ăm, ăn, ăng, ăp, ăt ; âc, âm, ân, âng, âp, ât, âu, ây (27 âm tiết). Tiếng Hán : a, ai, an, ang, ao (5 âm tiết).
Ngày xưa các nước Đồng Văn (cùng văn hóa, chữ viết), tức là các nước Trung Hoa, Nhật, Hàn và Việt ; dùng Hán tự làm chữ viết. Sau đó người Việt dựa theo chất liệu chữ Hán mà tạo ra chữ viết riêng của mình gọi là chữ Nôm để ghi chép tiếng Việt. Có nhiều minh chứng cho thấy chữ Nôm đã xuất hiện ở nước ta từ thời Lý Trần. Các bản văn quan trọng, như các văn bản của triều đình hay sách học và thơ phú cổ của Việt Nam, từ thời lập quốc cho đến những năm đầu thế kỷ 20, đều viết bằng Hán tự. Cũng cùng thời gian ấy nhiều bài thơ, văn và sách truyện đại chúng được viết bằng chữ Nôm. Chữ Nôm trông giống chữ Hán nhưng người Trung Quốc không thể đọc được.
Chữ Nôm viết theo thể Hành thư. Các chữ này đọc theo chiều dọc từ phải sang là ‘Lơ thơ dăm chồi quất, lớt phớt mấy điểm đào, lao xao vài giọt bụi, lúi húi cởi hầu bao’.
Cả chữ Hán cổ (tức là chữ Nho) và chữ Nôm của nền văn hóa hơn ngàn năm của người Việt đều bị xóa mất bởi chữ Quốc ngữ hiện nay, do các vị Giáo sĩ Công giáo người Ý, Pháp và Bồ Đào Nha lấy mẫu tự La tinh, Bồ Đào Nha và chữ số La Mã và Ả rập mà tạo ra, bắt đầu từ hồi thế kỷ 16-17. Và sau đó người Pháp ép buộc triều đình và dân chúng Việt Nam phải chấp nhận lối chữ viết này. Thâm ý của họ là khiến dân Việt rồi sẽ không còn đọc được văn, sách cũ trong nước để biết nền văn hóa của mình nữa. Một dân tộc đã mất văn hóa sẽ chấp nhận nền văn hóa mới, trong trường hợp này là của mẫu quốc, dễ hơn. Và như thế họ sẽ bớt chống đối nền đô hộ của ngoại bang hơn. Xem cách chính phủ Pháp và nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương hồi đó ráo riết thúc đẩy việc này thì thấy rõ ý đồ của họ.
Triều đình Việt Nam, ngay từ lúc người Pháp áp đặt chữ Quốc ngữ thời vua Khải Định, cũng như nhiều học giả Việt Nam sau này, vẫn cố gắng dịch tài liệu, văn sách cũ của nước ta bằng chữ Hán và chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ. Để người dân Việt có thể đọc và biết rõ hơn được nền văn hóa của nước mình. Nhưng làm sao có thể phiên dịch được cả hơn ngàn năm chữ nghĩa đó…
Trước năm 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam, các trường trung học vẫn dạy chữ Hán cho học sinh các năm đầu. Và các nhà trí thức Việt Nam ở cả hai miền trong các giai đoạn đó dù theo Tây học nhưng vẫn coi trọng và có căn bản Hán học. Cho nên nền tảng văn hóa dân tộc của họ rất vững.
Người Nhật hiện cũng vẫn dùng chữ Hán cổ (gọi là Kanji tức Hán tự)
Người Nhật hiện cũng vẫn dùng chữ Hán cổ (gọi là Kanji tức Hán tự) cho các văn bản quan trọng. Trong khi từ thế kỷ thứ 5 họ cũng bắt đầu tự tạo ra các hệ thống chữ viết cho ngôn ngữ riêng của mình mà ngày nay tổng hợp lại gọi là Kana, giống như trường hợp chữ Nôm của Việt Nam. May mắn cho người Nhật là họ không bị đô hộ bởi ngoại bang cho nên họ hiện vẫn dùng song song hai hệ thống Hán tự và quốc ngữ Kana. Trong tất cả những trường hợp quan trọng, họ vẫn dùng Hán tự. Thí dụ như bảng đề tên của Thủ tướng Nhật vẫn được viết bằng chữ Hán là ‘Thủ Tướng Các hạ Đại thần’. Các bộ trưởng Nhật vẫn dùng chức danh bằng Hán tự là ‘Đại thần’, v.v.
Thời xưa chữ viết chính của Hàn Quốc cũng là Hán tự (Hanja).
Hàn Quốc cũng tương tự. Thời xưa chữ viết chính của họ cũng là Hán tự (Hanja). Đến năm 1440 vua Sejong lập xong hệ thống mẫu tự ký âm để đọc tiếng Hàn quốc gọi là Hangul, tức Hàn ngôn (Bắc Triều Tiên sau này đặt ra hệ thống mẫu tự riêng gọi là Chosolgul, tức Triều Tiên ngôn, hay Uri Kulja, tức Quốc ngữ). Và từ đấy Hangul được sử dụng song song với Hán tự, dù Hangul bị chống đối bởi giới Nho sĩ đến nỗi đã có những lúc bị triều đình cấm sử dụng. Đến khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì Hangul chiếm thế thượng phong. Nhưng giới học giả trí thức Hàn Quốc cho đến giờ vẫn phải rành Hán văn để đọc văn sách, thơ phú và các tài liệu cổ của nước họ, vì trong cả ngàn năm cho đến lúc ấy đều viết bằng Hán tự.
Năm 1971 Hàn Quốc bãi bỏ việc dậy Hán tự ở cấp Tiểu học. Hán tự chỉ còn được dạy ở trung học, với 900 mặt chữ Hán được dậy ở bậc Cơ sở, và 900 chữ nữa ở bậc Phổ thông. Tổng cộng sinh viên Hàn Quốc có vốn liếng 1800 chữ Nho. Từ năm 2013 có phong trào đòi hồi phục sự giảng dậy chữ Hán cho bậc Tiểu học để giới trẻ Hàn Quốc biết và hiểu được văn hóa của họ sớm hơn.
Bắc Triều Tiên ngay khi độc lập tuyên bố bãi bỏ việc dậy Hán tự. Nhưng từ năm 1966 đã khôi phục lại vì thấy cần thiết. Và hiện nay học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 được dậy cả thẩy 1500 mặt chữ Hán. Bậc phổ thông thêm 500 chữ và bậc Đại học thêm 1000 chữ. Như vậy tổng cộng sinh viên Bắc Triều Tiên học được 3000 chữ Nho.
Chữ Hán hiện đại khác với chữ Hán cổ
Ở Trung Quốc thì Hán ngữ hiện đại khác với Hán ngữ cổ. Chữ viết giản thể sau này lại càng khiến cho chữ Trung Quốc hiện đại rời xa chữ Hán thời Đường, Tống. Chữ Hán cổ, tức là thứ chữ Hán được người Việt chính thức sử dụng trong các lãnh vực hành chính, giáo dục, văn chương thi phú… suốt hơn ngàn năm, có tính bao hàm. Nghĩa là một chữ có thể đọc được bằng nhiều âm và bao hàm nhiều nghĩa khác nhau. Hán ngữ cổ này không biến đổi theo thời gian và hiện nay tồn tại như một tử ngữ. Trong khi đó ngôn ngữ Hán biến đổi theo thời gian về cả cách phát âm lẫn ý nghĩa, nhất là qua các thời Nguyên, Thanh. Người Hoa bây giờ muốn hiểu Hán tự, Hán ngữ cổ và đọc được văn sách cổ của họ thì cũng phải đi học. Một giáo sư tiến sĩ khoa Nhân chủng học người Hoa của Đại học Hong Kong khi đọc các câu đối chữ Hán trong các đền, chùa Việt Nam đã gãi đầu gãi tai than chỉ hiểu lõm bõm. Đại khái Hoa ngữ hiện nay bên Trung Quốc so với Hán ngữ cổ thì cũng tương tự như tiếng Ý ngày nay so với tiếng Latin xưa, hay tiếng Ấn so với tiếng Phạn cổ.
Nên nhớ rằng vùng lãnh thổ cho đến Quế Lâm của Trung Quốc hiện nay ngày xưa thuộc về người Bách Việt. Quảng Đông và Quảng Tây xưa thuộc Việt cho nên vua Quang Trung mới có ý định đòi lại. Như vậy nền văn minh Điền cổ xưa ở vùng tây nam Trung Quốc, mà nhiều người Việt vẫn cho là của Trung Hoa, thật ra cũng phải là một nền văn minh Việt. Vì cư dân ở Vân Nam, Quảng Tây thời cổ là người Bách Việt. Và trong tam Hoàng thủy tổ của Trung Hoa, thì Thần Nông được cho là thủy tổ của giống Việt. Cho nên nền văn minh Hán chưa chắc đã của riêng nước phương Bắc.
Ngay bên Trung Quốc danh xưng ‘Hán’ không hẳn có nghĩa là người Hoa. Người Hoa tự xưng là Đường nhân chứ không gọi mình là Hán nhân. ‘Trang Hán tử’ có nghĩa là người đàn ông văn minh chứ không phải là người đàn ông Trung Quốc. Danh xưng Hán này có nghĩa là như vậy chứ không phải vì triều đại nhà Hán. Cho đến các thời Đường, Tống thì chữ viết ở các nước Đồng Văn vẫn chỉ gọi chung chung là Văn tự, nghĩa là chữ viết. Đến đời Nguyên mới có danh xưng chính thức ‘Hán tự’ để chỉ chữ viết của người Trung Châu, để phân biệt với ‘Mông tự’ là chữ viết của người Mông Cổ. Ngay ở Việt Nam hồi xưa chữ ‘Hán phủ’ có nghĩa là ‘chốn văn minh’, thí dụ như kinh đô Huế hay các đô thị lớn, để phân biệt với những nơi quê mùa man mọi không biết chữ nghĩa, lễ giáo…
Quả thật, các từ ngữ trong tiếng Việt, Hàn hay Nhật cũng có đại đa số là từ chữ Hán. Dù được viết bằng Quốc ngữ Bồ-La Tinh của Việt Nam, Kana Nhật, hay Hangul, đa số từ ngữ của các nước Đồng Văn này đều có gốc từ Hán ngữ. Thí dụ đơn cử là gần hết các tên hay họ của cả nam lẫn nữ ở Việt Nam đều là chữ Hán phát âm theo lối Hán Việt. Những tên họ phổ thông nhất như Hùng, Dũng, Cường, Văn, Dung, Hoa, Nguyệt, Lan ; hay Nguyễn, Trần, Lê, Phan, v.v, đều là chữ Hán. Rồi tử tế, công ty, du lịch, thành công, phúc đức, v.v, trong ngôn ngữ Việt Nam cũng là chữ Hán. Và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức khẳng định rằng âm đọc tiếng Hán thời Đường gần với âm đọc tiếng Hán Việt của người Việt hơn là âm đọc tiếng Trung Quốc hiện đại.
Một điều rất khả thi nhưng có thể trở thành không tưởng, vì tính cách và phong cách sống của người Việt mình hiện nay. Đó là nếu những ai thật sự đã có lòng tự hào dân tộc hết sức, thì nên quay về học chữ Nôm của tổ tiên. Để được tự hào như người Nhật tự hào với Kana và người Hàn với Hangul của họ, do chính họ tạo ra. Và để đọc được truyện Kiều đúng như cách Thi hào Nguyễn Du đã viết nó. Viết thư pháp hay đại tự, câu đối bằng chữ Nôm cũng rất đẹp. Trong khi đó câu đối viết dọc mà viết bằng chữ Quốc ngữ Bồ-Latin có khi bị vướng mắc, vì lối chữ này viết ngang chứ không viết dọc. Và nếu có nhiều những từ có nhiều chữ cái như nguyệt, trường, thường, chuyển,v.v, thì có khi vướng.
Bữa trước trên đài truyền hình công cộng PBS của Mỹ có chiếu chuyện một thanh niên Nhật sau 10 năm cố gắng học nghề làm răng giả bằng tay theo lối cổ truyền không thành công nhưng vẫn quyết chí học tiếp. Một chuyện nho nhỏ còn cần công sức và lòng kiên nhẫn như thế, huống chi việc khôi phục một nét văn hóa của cả một dân tộc như chữ Nôm. Không thể là chuyện mì ăn liền được. Nhưng muốn học chữ Nôm thì trước tiên phải học chữ Hán.
Phải cảm ơn các giáo sĩ Tây phương đã tạo ra cho chúng ta chữ Quốc ngữ rất dễ học (chỉ dễ với người Việt biết nói tiếng Việt thôi, còn đối với người ngoại quốc thì chữ Quốc ngữ Việt Nam được cho là rất rắc rối). Nhưng nếu chúng ta không bị người phương Tây đô hộ hơn một trăm năm thì người Việt vẫn còn có được 2 dòng chữ viết tương hình rất đẹp là Hán và Nôm đó. Không thấy người Nhật nào than việc học song song 2 bộ chữ Hán và Kana của họ là khó hay lạc hậu cả.
Trịnh Bách
Nguồn : VOA, 08/02/2017