Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

08/05/2023

Nhìn lại xu hướng bỏ chữ Hán ở Đông Á

Nguyễn Hải Hoành

I. Trường hợp Nhật Bản

Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 25/04/2023

Khái niệm "Bỏ chữ Hán ở các nước Đông Á" có nghĩa là không tiếp tục dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức của nước mình. Dĩ nhiên, muốn bỏ chữ Hán đang dùng thì nhất thiết phải làm ra được một loại chữ viết mới có thể thay thế chữ Hán. Làm chữ viết ở thời xưa là một công trình lao động trí óc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi trí tuệ và thời gian rất nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm. Nếu không làm được một loại chữ mới thích hợp thì chẳng thể bỏ được chữ Hán đang dùng.

chuhan3

Các nước Đông Á như Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam thời cổ không có chữ viết, về sau đều tiếp nhận chữ Hán của Trung Quốc làm chữ viết chính thức của nhà nước mình. Tuy rằng các nước trên đều sùng bái chữ Hán nhưng sau một thời gian sử dụng thứ chữ này họ đều nhanh chóng nhận thấy chữ Hán không ghi được ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Như một tất yếu lịch sử, các nước này đều lần lượt tự tìm cách tạo ra chữ viết riêng cho dân tộc mình, và do đó xuất hiện xu hướng bỏ chữ Hán, dùng chữ viết của mình.

Người Nhật tiếp nhận chữ Hán muộn hơn người Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam nhưng lại trước tiên có ý tưởng bỏ chữ Hán, thay bằng loại chữ viết riêng của họ. Tiếp đó đến bán đảo Triều Tiên, Việt Nam. Cuối cùng, Trung Quốc – nơi khai sinh chữ Hán lại xuất hiện trào lưu bỏ chữ Hán với quy mô rầm rộ nhất, xuất phát từ quan điểm cho rằng chữ Hán lạc hậu, cản trở sự phát triển nền văn minh nước này. Tại Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam, xu hướng bỏ chữ Hán chủ yếu xuất phát từ mong muốn có một loại chữ viết ghi được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, thay cho chữ Hán đi mượn không làm được chức năng đó.

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, xu hướng bỏ chữ Hán tại Đông Á trở thành phong trào lớn mạnh lan rộng với quy mô lớn, tốc độ ngày một nhanh. Phong trào này lúc lên lúc xuống, có nơi thành công, có nơi thất bại. Thập niên 1950, chính quyền Trung Quốc tổ chức công tác nghiên cứu bỏ chữ Hán với quyết tâm cao, quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngôn ngữ thế giới, nhưng cuối cùng, vào thập niên 1980, công tác này lại kết thúc một cách lặng lẽ khó hiểu.

Nhìn chung phong trào nói trên thu được kết quả rất hạn chế. Cho tới nay Trung Quốc và Nhật vẫn dùng chữ Hán như cũ nhưng có cải tiến đôi chút, chỉ bán đảo Triều Tiên và Việt Nam đã bỏ chữ Hán với mức độ khác nhau. Duy nhất Việt Nam tuy là nước chịu ảnh hưởng lớn và lâu dài nhất của văn hóa Trung Quốc, tiến trình bỏ chữ Hán bắt đầu muộn nhất, thực thi lặng lẽ nhất nhưng lại thành công hơn cả, hoàn toàn bỏ được chữ Hán, chữ Nôm, triệt để "Thoát Hán" về ngôn ngữ.

Dư luận Trung Quốc cho rằng nguyện vọng bỏ chữ Hán ở Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam chủ yếu có động cơ chính trị, và bỏ chữ Hán là một chủ trương sai lầm, các nước này hiện đang hối tiếc về việc đó. Một số rất ít người Việt Nam cũng tán thành quan điểm ấy.

Theo chúng tôi, việc bỏ chữ Hán thành công hay không, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào tính chất ngôn ngữ của dân tộc muốn bỏ chữ Hán, nghĩa là phụ thuộc vào các nhân tố khách quan. Nói cách khác, không thể tiến hành thay đổi chữ viết theo ý chí chủ quan. Chữ Hán hầu như là chữ biểu ý duy nhất trên thế giới. Bỏ chữ Hán thì tất nhiên phải thay bằng một loại chữ biểu âm, như vậy nếu ngôn ngữ không thích hợp với chữ viết biểu âm thì không thể làm được chữ biểu âm cần có. Việt Nam bỏ chữ Hán thành công là do ngôn ngữ Việt thích nghi với chữ biểu âm. Nhưng Hán ngữ không thích nghi với chữ viết biểu âm nên tiến trình bỏ chữ Hán ở Trung Quốc bất thành.

Quá trình bỏ chữ Hán ở Đông Á kéo dài hơn nghìn năm để lại những bài học lịch sử có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt về ngôn ngữ học, rất đáng để mọi người ôn lại, rút ra những điều bổ ích. Bài này trình bày tổng quan tình hình tiến trình "Bỏ chữ Hán" tại Nhật, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, chủ yếu nói về mặt ngôn ngữ học trong tiến trình đó.

Tiến trình bỏ chữ Hán tại Nhật

Người Nhật thời cổ không có chữ viết. Thế kỷ 3 sau công nguyên, chữ Hán qua bán đảo Triều Tiên du nhập Nhật. Thế kỷ 4-5, chữ Hán chính thức vào nước này. Thế kỷ 6-9 thời Tuỳ-Đường (581-907), Trung Quốc đang giàu mạnh. Trong 264 năm từ năm 630 đến năm 895, chính quyền Nhật hơn chục lần cử các đoàn sứ giả "Khiển Tuỳ Sứ" rồi "Khiển Đường Sứ", mỗi đoàn trên trăm người, nhiều nhất trên 500 người, sang Trung Quốc ở lại nhiều tháng học văn hóa Trung Hoa –– học tiếng nói, chữ viết, khoa học kỹ thuật, pháp luật, văn học nghệ thuật, tìm mua nhiều thư tịch, kinh sách Phật giáo, Nho giáo. Họ bê nguyên xi chữ Hán về dùng, gọi là Kanji (Hán tự). Loại chữ này được giới quý tộc và trí thức Nhật sùng bái. Bộ chính sử đầu tiên của Nhật "Nhật Bản Thư kỷ" và "Cố sự ký" viết bằng chữ Hán ra đời vào thế kỷ 8, hình thành nền văn học chữ Hán ở Nhật.

Người Nhật dùng chữ Hán để ghi tiếng Nhật. Họ đọc chữ Hán theo hai cách khác nhau. Một là Cách đọc On (từ Hán-Việt là Âm độc), tiếng Nhật là On-yomi, tiếng Anh là On-reading, tức cách đọc âm Hán-Nhật. Hai là Cách đọc Kun (Huấn độc), Kun-yomi, Kun-reading, tức cách đọc âm thuần Nhật, đọc theo nghĩa tiếng Nhật. Ví dụ chữ Hán đọc âm On là "san", âm Kun là "yama".

Về sau, họ nhanh chóng thấy việc dùng chữ Hán như trên gây ra nhiều khó khăn, như phải dùng quá nhiều chữ, không ai có thể nhớ hết, hơn nữa chữ Hán không ghi được các từ thuần Nhật và thiếu nhiều từ Nhật như trợ từ, kính ngữ… Thế kỷ 9, người Nhật làm ra chữ Kana là loại chữ biểu âm kiểu âm tiết, gồm chữ Katakana và chữ Hiragana, ghi được các từ thuần Nhật. Từ đó họ dùng hỗn hợp cả 2 loại chữ biểu âm này cùng với chữ Kanji biểu ý, nhờ thế giảm được đáng kể (có số liệu nói giảm được khoảng 83%) số lượng chữ Kanji cần dùng.

Việc dùng chữ biểu âm ở Nhật không gặp trở ngại gây ra bởi tình trạng có nhiều chữ đồng âm như trong tiếng Trung Quốc, Triều Tiên. Đó là do Nhật ngữ thuộc loại ngôn ngữ đa lập (đa âm tiết, multisyllabic, mỗi đơn từ có không dưới 2 âm tiết), ví dụ yama (núi), kuruma (xe), mỗi từ có 2 và 3 âm tiết. Toán học cho biết : cấu tạo chữ kiểu tổ hợp nhiều âm tiết có khả năng tạo ra cực nhiều từ khác âm, nhờ đó tránh được nạn đồng âm.

Sau khi tiếp xúc văn hóa phương Tây, người Nhật nhận thấy, so với chữ Hà Lan, chữ Hán khó học khó dùng hơn nhiều. Trong thế kỷ 19, người Nhật bắt đầu có phong trào phê phán chữ Hán lạc hậu, dùng chữ Hán chỉ làm tốn thời gian, nên bỏ chữ Hán. Năm 1866, tổ sư ngành bưu chính Nhật là Maejima Hisoka đầu tiên kiến nghị bỏ chữ Hán, chỉ dùng chữ Kana, nhưng chính quyền Mạc Phủ không chấp nhận. Đến thời Minh Trị, hai năm 1869, 1873, ông lại kiến nghị lên Thiên Hoàng, kết quả vẫn thế. Ông lập Hội chữ Kana, phát động phong trào chỉ dùng chữ Kana, xuất bản tạp chí và sách chỉ in chữ Kana. Năm 1884 có học giả đề nghị bỏ cả chữ Hán và chữ Kana, chỉ dùng chữ Romaji (tức dùng chữ Latin phiên âm tiếng Nhật). Quan chức đầu tiên phụ trách giáo dục-văn hóa trong Chính phủ Minh Trị là Akira Mori từng đưa ra ý tưởng dùng tiếng Anh thay cho tiếng Nhật. Năm 1946, nhà văn nổi tiếng Shiga Naoya đề nghị toàn dân bỏ tiếng Nhật, dùng tiếng Pháp…Tuy vậy Nhà nước không chấp nhận các lời kêu gọi hoặc đề nghị ấy, vẫn dùng chữ Hán như cũ.

Thực tế cho thấy, do chữ Hán đã thâm nhập cả nghìn năm vào đời sống văn hóa Nhật nên ý tưởng bỏ chữ Hán rất khó thực hiện. Vả lại, bỏ chữ Hán có nghĩa là bỏ mất nền văn hóa truyền thống lâu đời rất phong phú của tổ tiên – không người Nhật nào chấp nhận sự đứt rời văn hóa ấy.

Chẳng những không bỏ chữ Hán, mà người Nhật còn sáng tạo ra "Hòa chế Hán ngữ" (Hán ngữ do Nhật làm), đặt ra ngót nghìn từ ngữ chữ Hán như văn hóa, văn minh, dân tộc, tư tưởng, pháp luật, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, v.v. để chuyển ngữ chính xác các từ ngữ của văn hóa phương Tây, là một cống hiến rất lớn cho sự phát triển Hán ngữ hiện đại. Việt Nam, Hàn Quốc cũng được hưởng lợi. Một học giả Trung Quốc nói các từ ngữ "Hòa chế" ấy chiếm 70% số từ vựng Hán ngữ hiện đại, "không có các từ ấy thì hiện nay chúng ta chẳng biết nói gì với nhau".

Năm 1900, Chính phủ Nhật bắt đầu thực thi kiến nghị của nhà tư tưởng Khai sáng nổi tiếng Fukuzawa Yukichi, là giảm lượng chữ Hán cần dùng xuống còn 2000-3000 chữ, bậc tiểu học chỉ còn học 1200 chữ.

Sau 1945, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật ra sức đẩy mạnh phong trào bỏ chữ Hán. Họ tổ chức điều tra tình hình dùng chữ Hán trong dân bản xứ. Kết quả thật bất ngờ : hơn 95% người Nhật biết chữ Hán, chứng tỏ chữ Hán có cơ sở rất vững tại nước này ; nếu bỏ chữ Hán, dùng chữ khác, thì 95% người Nhật lập tức trở thành mù chữ.

Rốt cuộc Chính phủ Nhật chỉ chủ trương hạn chế số chữ Hán sử dụng. Năm 1946 Chính phủ ban hành "Đương dụng Hán tự biểu" quy định chỉ dùng 1850 chữ Hán. Nhưng sự hạn chế đó gây ra một số bất tiện. Năm 1981, giới hạn 1850 được nới thành 1945 chữ, và không cấm dùng các chữ Hán khác. Năm 2010 lại mở rộng thành 2136 chữ Hán ; học sinh tiểu học phải biết 1026 chữ, trung học biết 1110 chữ.

Hiện nay người Nhật dùng kết hợp chữ Kanji với chữ Kana (gồm chữ Katakana, chữ Hiragana) và cả chữ Romaji –– dùng Romaji để ghi âm tên người, tên đất, thương hiệu, ví dụ Toyota, New York nhằm giảm số chữ Kanji cần dùng.

Tóm lại, chữ viết của người Nhật hiện nay vẫn rất phức tạp, vừa biểu ý vừa biểu âm và không thể bỏ được chữ Hán, tuy từ thời Minh Trị họ đã "Thoát Hán" sau khi thực hành đường lối "Thoát Á nhập Âu" của nhà tư tưởng Khai sáng Fukuzawa Yukichi.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/04/2023

************************

II. Trường hợp Triều Tiên và Hàn Quốc

Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 03/05/2023

Người Triều Tiên ngày xưa không có chữ viết. Từ thời Tây Hán (206 trước công nguyên - 23 sau công nguyên), chữ Hán bắt đầu vào bán đảo Triều Tiên và từ thế kỷ 2–3 sau công nguyên, trở thành chữ viết chính thức của xứ này, gọi là "Hanja" (Hán tự). Tiếng Triều Tiên khác ngữ hệ với Hán ngữ, chữ Hán không ghi âm được tiếng Triều Tiên. Chữ Hán mượn về chỉ dùng để viết, không dùng để nói, hơn nữa chữ Hán rất khó học, chỉ tầng lớp trên mới biết chữ, dân chúng đều mù chữ. Vào thời Tam Quốc (220-280), người Triều Tiên làm ra chữ Idu và Gugyeol cấu tạo trên cơ sở chữ Hán, tương tự chữ Nôm Việt Nam. Loại chữ này phức tạp hơn chữ Hán, cho nên không được phổ cập, ngày nay rất ít được nói tới.

chuhan2

Thế kỷ 15, Trung Quốc dưới triều nhà Minh bắt đầu sa sút trên nhiều mặt, kích thích người Triều Tiên nêu cao nguyện vọng độc lập về ngôn ngữ, muốn có chữ viết riêng của mình, ghi được tiếng Triều Tiên. Vua Thế Tôn (Sejong) triệu tập một số trí thức trong nước cùng nhà vua nghiên cứu làm chữ viết riêng cho nước mình. Sau nhiều năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Triều Tiên và tham khảo chữ viết của một số nước khác, nhóm này làm ra loại chữ biểu âm có thể ghi âm được tiếng Triều Tiên. Năm 1446, bộ chữ này được in ra trong một tài liệu có tên "Huấn dân chính âm", nghĩa là "những âm chính xác để dạy cho người dân", nay gọi là chữ Hangul. Loại chữ này dùng 28 chữ cái (nay là 40, gồm 21 nguyên âm và 19 phụ âm), hình dạng chữ cái rất đơn giản, gồm từ 1 đến 5 nét, có dạng  Ghép các ch cáy li theo th t nhđịnh v không gian, t trên xung dưới, t trái sang phi, s làm thành cáđơn t (chữ lẻ), mỗi đơn tự là một tổ hợp ghép bởi nhiều nhất 5 chữ cái, toàn bộ nằm trong một ô vuông. Các chữ cái này có thể ghép thành hàng chục nghìn đơn tự. Mỗi đơn tự là một âm tiết, gồm phụ âm kết hợp với nguyên âm.

Giới ngôn ngữ học quốc tế đánh giá rất cao sáng kiến làm chữ Hangul. Đây là lần đầu tiên vùng Đông Á xuất hiện một loại chữ biểu âm cấu tạo đơn giản và có tính hệ thống, tính khoa học, dễ học dễ viết, dễ dùng, không dựa vào nền tảng chữ Hán hoặc chữ Latin. Chữ Hangul rất dễ học, dễ nhớ, có tài liệu nói người thông minh có thể học xong bảng chữ cái trong một buổi sáng ; người chậm hiểu chỉ cần 10 ngày. Đặc biệt, Hangul là một trong số rất ít loại chữ viết trên thế giới mà loài người biết rõ ai làm ra và làm ra vào thời gian nào. Chữ Hangul được Nhà nước Hàn Quốc xác định là "Quốc bảo" (Báu vật quốc gia), tháng 10/1997 được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới (Memory of the world 1997), nhằm nhắc nhở loài người ghi nhớ thành tựu văn hóa -ngôn ngữ xuất sắc này.

Tuy vậy, trong 450 năm sau khi chữ Hangul ra đời, tầng lớp quý tộc và Nho sĩ ở Triều Tiên vẫn dùng chữ Hán, vì họ cho rằng chữ Hán cao cấp, sang trọng hơn, mỗi chữ hàm chứa một ý nghĩa nào đó chứ không vô nghĩa như chữ Hangul mà họ gọi là "Ngạn văn", tức "chữ thô tục". Họ nói bỏ chữ Hán tức là bỏ mất văn minh Trung Hoa, và bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại tình trạng dã man mông muội như xưa. Phải đến đầu thế kỷ 20 xứ này mới chính thức sử dụng chữ Hangul.

Sự kiện chữ Hangul ra đời được coi là đợt đầu của phong trào bỏ chữ Hán ở Triều Tiên nhằm tránh khả năng nước này bị văn hóa Trung Quốc đồng hóa.

Giai đoạn 1910-1945, bán đảo Triều Tiên bị sáp nhập vào Nhật. Chính quyền Nhật thi hành chính sách đồng hóa người Triều Tiên, cấm dạy chữ Hangul, chỉ cho phép dùng chữ Nhật, gồm nhiều chữ Kanji (chữ Hán ở Nhật). Chữ Hangul trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc Triều Tiên.

Chữ Hán vẫn được dùng rộng rãi trong thời Nhật chiếm bán đảo Triều Tiên. Một ví dụ : "Tuyên ngôn Độc lập" đọc trong lễ thành lập Chính phủ Lâm thời (chống Nhật) của Triều Tiên tổ chức tại Thượng Hải ngày 1/3/1919, vẫn viết bằng chữ Hán : "Kỷ Mùi Độc lập Tuyên ngôn thư". Hiện nay, vào ngày 1 tháng Ba hàng năm, Hàn Quốc đều tổ chức kỷ niệm Lễ Độc lập, và đều đọc lại Tuyên ngôn chữ Hán đó.

Sau ngày lập quốc (15/8/1948), hai nước Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc dần dần bỏ chữ Hán. Từ 1949, Bắc Triều Tiên triệt để bỏ chữ Hán, nhưng sau khi thấy việc đó gây ra một số rắc rối, năm 1968 lại phục hồi dạy chữ Hán. Hiện nay ngành giáo dục Bắc Triều Tiên yêu cầu học sinh tốt nghiệp phổ thông phải biết khoảng 2000 chữ Hán. Có trường đại học mở lớp học Hán ngữ cổ.

Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn (Lee Seung-man, cầm quyền từ 1948 đến 1960) chủ trương bỏ chữ Hán, ban hành "Luật Chuyên dùng chữ Hàn", quy định các văn bản của chính quyền chỉ dùng chữ Hangul, bãi bỏ việc dạy chữ Hán ở bậc tiểu học. Đây là đợt thứ hai của phong trào bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc.

Dưới thời Tổng thống Park Chung-hee (cầm quyền từ 1963 đến 1979), Hàn Quốc bỏ chữ Hán triệt để hơn, thậm chí đổi tên thủ đô từ "Hán Thành 漢城" ra "Seoul" (chữ Hán-Việt là "Thủ nhĩ 首爾", t"Thđô" trong tiếng Hàn) và cm hc sinh hc ch Hán. Đây làđợt th ba ca phong trào b ch Hán.

Người Trung Quốc cho rằng phong trào bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc có tính chính trị, nhằm nâng cao tính độc lập của Hàn Quốc với văn hóa Trung Quốc.

Tuy vậy, thay chữ Hán biểu ý bằng chữ Hangul biểu âm đem lại một số rắc rối do không còn phân biệt được nhiều từ đồng âm, tức hiện tượng có nhiều từ đa nghĩa, không biết nên hiểu theo nghĩa nào. Tiếng Hàn/Triều nghèo âm tiết, lại không có thanh điệu, cho nên tổng số âm đọc rất ít, hậu quả là tồn tại nhiều chữ/từ đồng âm. Ví dụ 4 từ chữ Hán "phòng thuỷ 防水" (không thm nước), "phóng thu放水" (x nước), "phòng th防守", và"phòng tú防銹" (phòng g sét) trong tiếng Hàn là tđồng âm, khi viết bng ch Hangul đều là cùng một từ, nhìn chữ không biết nên hiểu theo nghĩa nào, nếu hiểu sai có thể gây thiệt hại đáng tiếc như đã xảy ra trong thực tế. Khi viết bằng chữ Hán thì phân biệt được ý nghĩa của các từ đồng âm, vì các chữ khác nhau về tự hình.

Vì thế Nhà nước Hàn Quốc quy định những chữ/từ đồng âm khó phân biệt ý nghĩa đều phải ghi chú thêm bằng chữ Hán đặt trong ngoặc. Các văn bản cần chính xác cao đều dùng cách này. Vì thế, chữ Hán chiếm một phần đáng kể trong bản Hiến pháp Hàn Quốc. Các văn bản pháp luật đều phải chuẩn bị sẵn một văn bản hỗn hợp chữ Hán và chữ Hangul, dùng làm căn cứ giải thích sau cùng nếu có chỗ khó hiểu. Điều đó đòi hỏi những người hành nghề luật pháp phải tinh thông chữ Hán.

Hiện nay người Hàn thích ghi chú bằng tiếng Anh hơn bằng chữ Hán. Tuy cách ghi chú này có thể giải quyết được vấn đề từ đồng âm nhưng việc không dùng chữ Hán sẽ gây ra nguy cơ "đứt rời văn hoá", người Hàn Quốc dần sẽ không đọc hiểu được các tác phẩm chữ Hán tổ tiên để lại, tức bỏ mất nền văn hóa truyền thống lâu đời quý giá.

Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chủ trương đề cao văn hóa truyền thống. Điều đó đã kích thích phong trào học chữ Hán. Tháng 5/2016, một số nguyên Thủ tướng Hàn Quốc ký một thư chung đề nghị dạy chữ Hán ở cấp tiểu học. Hiện nay, học sinh trung học được học chữ Hán như một môn tự chọn, khi tốt nghiệp phải biết gần 2000 chữ Hán loại thường dùng. Thậm chí một số học giả Hàn Quốc còn tuyên bố chữ Hán là do người Hàn Quốc làm ra, nên dùng chữ của tổ tiên là đúng.

Tóm lại, tiến trình bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc có nhiều gian nan, trắc trở và không triệt để, rốt cuộc vẫn không hoàn toàn bỏ được chữ Hán.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 03/05/2023

************************

III. Trường hợp Trung Quốc

Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 08/05/2023

Chữ Hán ra đời vào khoảng năm 1300 trước công nguyên tại Trung Quốc, với hình thái đầu tiên là chữ Giáp Cốt, tức chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú vật. Người Trung Quốc xưa nay có truyền thống coi chữ Hán là biểu tượng, là đại diện, là vật mang văn hóa truyền thống của dân tộc Hoa Hạ, chữ Hán được tôn thờ như một báu vật của nền văn minh Trung Hoa.

chuhan1

Chữ Hán có tính biểu ý, tách rời tiếng nói, đặc điểm đó cho phép những người nói các thứ tiếng khác nhau có thể dùng chữ Hán như một thứ chữ viết chung để giao lưu với nhau. Trung Quốc đất rộng người đông, dân địa phương nào nói tiếng địa phương ấy (phương ngữ), nghe không hiểu nhau, nay cả nước có thể dùng chữ Hán viết ra để hiểu nhau. Trong tình hình đó, chữ Hán đã có cống hiến lớn cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc. Ngoài ra, chữ Hán còn được các nước xung quanh như Việt Nam, Triều Tiên… tiếp nhận làm chữ viết của họ, tạo nên vùng ảnh hưởng của chữ Hán, nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc. Hơn nữa, hầu như mỗi chữ Hán đều có ý nghĩa thâm sâu, thể hiện nền văn minh Trung Hoa cổ đại, hình dạng chữ lại tựa như bức hoạ, là nền tảng tạo nên nghệ thuật thư pháp độc đáo. Vì thế người Trung Quốc xưa nay đều tôn thờ chữ Hán, thậm chí cho rằng chữ Hán tiên tiến nhất thế giới.

Từ thế kỷ 19, văn minh phương Tây bắt đầu thâm nhập Đông Á, khiến vùng này nảy sinh trào lưu học tập phương Tây, đòi thay đổi tình trạng lạc hậu mọi mặt của nước mình. Nhiều học giả Trung Quốc nêu yêu cầu làm ra loại chữ phiên âm kiểu phương Tây thay thế chữ Hán. Phong trào này dựa trên "Thuyết chữ Hán lạc hậu", cho rằng chữ Hán lạc hậu, quá khó học, khiến cho hầu hết dân mù chữ, cam chịu làm nô lệ. Lỗ Tấn nói chữ Hán "là khối u trên con người tầng lớp đại chúng lao khổ Trung Quốc", "là lợi khí của chính sách ngu dân". Giới trí thức nói chữ Hán có "ba nhiều, năm khó" : Số lượng chữ nhiều, chữ có nhiều nét, nhiều âm đọc ; khó nhận mặt chữ, khó đọc, khó nhớ, khó viết, khó dùng, trong đó số chữ quá nhiều là khó khăn lớn nhất. Cũng vì thế mà chữ Hán không đánh máy được, không dùng được máy in sắp chữ, cản trở việc phổ biến kiến thức. Hậu quả làm Trung Quốc chậm tiến về mọi mặt, nước yếu dân nghèo, nền văn minh Trung Quốc phát triển sớm nhưng sau đó bị các nước phương Tây vượt qua. Cũng do khó học nên Hán ngữ không thể trở thành ngôn ngữ có tính quốc tế, làm cho sức mạnh mềm của Trung Quốc bị giảm đáng kể, tuy rằng số người dùng chữ Hán nhiều nhất thế giới.

Một số học giả quá khích nói chữ Hán lạc hậu sẽ đưa Trung Quốc tới chỗ diệt vong, họ đòi bỏ chữ Hán. Phát sinh phong trào cải cách chữ Hán diễn ra trong gần một thế kỷ, ngày một lên cao và được các thế hệ chính quyền Trung Quốc ủng hộ, huy động sức mạnh toàn dân thực hiện. Phong trào này chủ yếu thực hiện hai việc chính :

– Chỉnh lý chữ Hán, đơn giản hóa các chữ nhiều nét, nhằm để chữ Hán dễ học.

– Ghi âm chữ Hán, nhằm thống nhất cách đọc chữ, trên cơ sở đó, làm một loại chữ phiên âm dùng chữ cái (như chữ Latin hoặc chữ Slav), có thể thay thế chữ Hán.

Không ngờ, việc làm một loại chữ phiên âm nhằm mục tiêu bỏ chữ Hán lại cực kỳ khó. Thực tế cho thấy, sau hơn nửa thế kỷ cố gắng, người Trung Quốc chỉ mới làm được việc ghi âm chữ Hán bằng một phương án dùng chữ cái Latin – tức "Phương án phiên âm Hán ngữ" ban hành năm 1958. Nhiệm vụ quan trọng nhất — làm một loại chữ phiên âm thay cho chữ Hán, đã không thành công, đành bỏ dở. Dù sao, phương án phiên âm Hán ngữ cũng là một thành tựu đáng kể.

Trung Quốc đất rộng người đông, dân vùng nào nói tiếng vùng ấy, nghe không hiểu nhau, họ chỉ có thể giao lưu với nhau bằng chữ viết. Thế nhưng do chữ Hán không thể hiện âm đọc nên người ta có thể đọc chữ theo nhiều âm khác nhau. Vì vậy phải tìm cách đọc chữ Hán theo một âm thống nhất cả nước, từ đó tiến tới làm cho toàn dân cùng nói một tiếng nói thống nhất. Năm 1913, Nhà nước họp Hội nghị thống nhất âm đọc chữ Hán, họp liền ba tháng chỉ thẩm định được âm đọc của 6.500 chữ.

Muốn thống nhất âm đọc chữ Hán, trước hết phải ghi được âm đọc chữ. Thời xưa đã có phương pháp trực âm và phương pháp phiên thiết, nhưng cả hai cách này đều bất tiện, vì đều dùng 1 hoặc 2 chữ Hán khác để ghi âm ; vả lại có những chữ không thể ghi âm theo cách đó. Năm 1605, giáo sĩ người Ý truyền giáo tại Trung Quốc Matteo Ricci làm được phương án dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán. Từ đó trở đi giới học giả nước này có phong trào tìm cách phiên âm (tức ghi âm) chữ Hán. Trước năm 1946 đã đề ra khoảng 30 phương án, đều dựa trên cơ sở phương án Ricci. Trong đó Hệ thống ghi âm Wade-Giles (Wade-Giles system) sử dụng chữ cái Latin là hệ thống phiên âm chữ Hán phổ biến nhất trước thập niên 1980.

Năm 1918 làm được Bảng chữ cái ghi âm (Chú âm tự mẫu, từ 1930 gọi là Chú âm phù hiệu). Bảng này có 39 chữ cái, hiện nay dùng 37, các chữ cái có tự dạng của chữ Hán cổ ít nét nhất. Chú âm phù hiệu về cơ bản ghi được toàn bộ các âm của chữ Hán, đã sử dụng thành công ở đại lục thời gian 1920-1958, hiện vẫn sử dụng ở Đài Loan. Nhưng vì chữ cái ghi âm có tự dạng chữ Hán cổ nên người nước ngoài không đọc được.

Trước thập niên 1950, đã lập được một số phương án dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán, người nước ngoài có thể đọc được. Như phương án "Quốc ngữ La Mã tự" do Chính phủ Nam Kinh công bố năm 1928, là phương án Latin hóa ghi âm Hán ngữ pháp định đầu tiên. Năm 1984, phương án này được Đài Loan sử dụng thay cho Chú âm phù hiệu, nhằm Latin hóa ghi âm chữ Hán.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, phong trào phiên âm hóa chữ Hán dâng lên rất cao. Năm 1950, Mao Trạch Đông chỉ thị phải cải cách chữ viết theo hướng chung của thế giới là làm chữ phiên âm (tức chữ biểu âm). Tháng 12/1954, Chính phủ lập Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc, tập trung 23 học giả chỉ đạo công tác cải cách chữ viết. Ủy ban này lập Ban Phương án Phiên âm chữ Hán, phát động phong trào cả nước làm phương án phiên âm (pinyin) chữ Hán. Tổng cộng Ủy ban Cải cách chữ viết đã nhận được 655 phương án của 633 tác giả.

Tháng 10/1955, Hội nghị Cải cách chữ viết toàn quốc xem xét 6 phương án phiên âm Hán ngữ, gồm 4 phương án dùng chữ vuông, một dùng chữ cái Slav, một dùng chữ cái Latin (do Châu Hữu Quang đề xuất). Hội nghị chọn phương án chữ cái Latin. Ngày 12/2/1956, Ủy ban Cải cách chữ viết công bố Dự thảo phương án phiên âm Hán ngữ bằng chữ Latin. Sau khi thẩm định phương án, tháng 10/1957, Ủy ban đưa ra dự thảo sửa đổi. Ngày 11/2/1958, Quốc hội Trung Quốc thông qua Phương án phiên âm Hán ngữ (Scheme for the Chinese Phonetic Alphabet). Châu Hữu Quang được gọi là cha đẻ của phương án này.

Cho đến nay, Phương án trên đã được áp dụng rộng rãi để :

– Ghi chú âm đọc (phiên âm) chữ Hán, giúp người học chữ Hán tự đọc được âm của chữ ;

– Dạy tiếng Phổ thông trong toàn dân, dạy Hán ngữ cho người nước ngoài ;

– Làm biên mục trong các tự điển, từ điển ; khi đó chữ Hán được ghi chú âm đọc và được sắp xếp, tra chữ theo thứ tự chữ cái Latin hóa, tiện hơn tra theo bộ thủ ;

– Dùng làm cơ sở để tạo chữ viết cho các dân tộc thiểu số ;

– Dùng cho các lĩnh vực không thể hoặc không tiện sử dụng chữ Hán, như chữ nổi cho người mù, thao tác tay cho người câm điếc, đánh tín hiệu cờ, đèn, đưa chữ Hán vào máy tính v.v. ;

– Dùng trong giao lưu quốc tế, viết tên người, địa danh v.v.

Tính đến năm 2000 hơn 68% dân Trung Quốc đã nắm được chữ phiên âm Hán ngữ.

Từ 1958, Trung Quốc ngừng sử dụng Chú âm phù hiệu, tuy trong từ điển vẫn dùng để ghi chú âm đọc chữ Hán, song song với ghi chú bằng chữ phiên âm Latin. Từ 1/11/1967, Trung Quốc chính thức thực thi Phương án phiên âm Hán ngữ, dựa vào phương án này để sáng chế chữ phiên âm Latin hóa cho các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết. Trong quá trình sử dụng Phương án phiên âm Hán ngữ, Nhà nước thường xuyên nhắc nhở mọi người nhớ rằng chữ phiên âm Hán ngữ chỉ là công cụ bổ trợ cho chữ Hán, không phải là thứ chữ viết có thể dùng thay cho chữ Hán.

Tóm lại, việc nghiên cứu làm loại chữ biểu âm để thay thế chữ Hán đã không thành công. Nguyên nhân là do Hán ngữ không thích hợp dùng chữ biểu âm (phonograph), chỉ thích hợp dùng chữ biểu ý (ideograph). Nói cụ thể : Hán ngữ là ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic language) nhưng lại nghèo âm tiết, vì thế tồn tại rất nhiều chữ/từ đồng âm khác nghĩa, ví dụ riêng một âm [yì] có tới gần 200 chữ cùng âm khác nghĩa. Khi Hán ngữ dùng chữ phiên âm thì do các chữ/từ đồng âm có cùng tự hình nên không phân biệt được ý nghĩa các chữ/từ đó. Có học giả sáng tác một câu chuyện gồm hơn 90 chữ Hán toàn bộ đọc âm [shi], khi viết bằng chữ phiên âm, đọc lên không thể hiểu là gì. Riêng chữ Hán biểu ý thì phân biệt được các chữ/từ đồng âm, vì mỗi chữ Hán có một tự hình riêng. Tình trạng quá nhiều chữ/từ đồng âm là trở ngại khách quan không thể vượt qua trong việc nghiên cứu làm chữ biểu âm thích hợp Hán ngữ.

Từ năm 1986, Nhà nước Trung Quốc đình chỉ công tác nghiên cứu làm loại chữ biểu âm thay thế chữ Hán, coi việc đó chỉ là nghiên cứu học thuật và để cho các thế hệ sau giải quyết. Hiện nay và có lẽ là mãi mãi, chữ Hán vẫn là chữ viết pháp định của người Trung Quốc.

Thất bại trong công tác nói trên đã đánh dấu chấm hết cho tiến trình bỏ chữ Hán kéo dài hàng thế kỷ của Trung Quốc. Hiện nay người Trung Quốc tiếp tục sử dụng chữ Hán như cũ, nhưng có kết hợp dùng thêm Phương án Phiên âm Hán ngữ như một công cụ bổ trợ trong chế độ "Song văn" (hai loại chữ) đang thịnh hành ở nước này. Hầu như toàn bộ người Trung Quốc dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính đều thành thạo sử dụng Phương án Phiên âm Hán ngữ bằng chữ cái Latin.

Như để tổng kết tiến trình bỏ chữ Hán bất thành nói trên, nhà ngôn ngữ học Châu Hữu Quang đưa ra nhận định : Chữ Hán là "báu vật" của văn minh cổ đại, lại là "gánh nặng" của văn minh hiện đại. Coi chữ Hán là "gánh nặng" của văn minh hiện đại, có lẽ Châu Hữu Quang muốn nhắc nhở các thế hệ người Trung Quốc sau này sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu cải cách chữ viết theo hướng bỏ chữ Hán.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/05/2023

************************

IV : Trường hợp Việt Nam

Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 16/05/2023

Tiến trình bỏ chữ Hán ở Việt Nam chỉ bắt đầu sau khi nước ta dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức đã được hơn 2000 năm, tức muộn hơn so với Nhật và Triều Tiên/ Hàn Quốc, nhưng kết quả cuối cùng lại triệt để thực hiện được mục tiêu bỏ chữ Hán, tức "Thoát Hán" về ngôn ngữ.

chuhan1

Năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà thôn tính nước ta vào nước Nam Việt, sau đó chính quyền nhà Triệu bắt đầu dạy dân ta học tiếng nói và chữ viết của người Trung Quốc. Trước đó người Việt Nam chỉ có ngôn ngữ nói, chưa hề có ngôn ngữ viết. Chữ Hán là thứ chữ viết đầu tiên mà người Việt tiếp xúc ; tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhận thức được tính chất vô cùng quan trọng của phát minh này, và nảy ra ý tưởng tìm cách mượn chữ Hán về dùng. Muốn vậy, họ đã sáng tạo "cách đọc Hán-Việt" đối với chữ Hán : đặt cho mỗi chữ Hán một tên tiếng Việt gọi là "từ Hán-Việt", qua đó thực hiện đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình mà không đọc bằng tiếng Trung Quốc. Như vậy, người Việt Nam chỉ học chữ Hán mà không học tiếng Hán, qua đó mượn được chữ Hán về dùng mà vẫn nói tiếng mẹ đẻ của mình, nhờ thế dân tộc ta không bị văn hóa Hán đồng hóa.

Chữ Hán đọc bằng tiếng Việt được dân ta gọi là "Chữ Nho", chỉ dùng để viết, không dùng để nói. Từ Hán-Việt làm tăng ít nhất gấp đôi lượng từ vựng tiếng Việt nhưng hoàn toàn không làm thay đổi ngữ âm tiếng Việt. Chữ Nho trở thành chữ viết chính thức của các nhà nước phong kiến Việt Nam, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi thời tiền sử mông muội, tiến sang thời đại văn minh có chữ viết. Việt Nam trở thành nước Đông Á chịu ảnh hưởng lớn nhất của văn hóa Trung Hoa. Nhưng chỉ tầng lớp trên trong xã hội Việt Nam biết dùng chữ Hán/Nho, còn dân chúng đều mù chữ. Suốt hai nghìn năm, người Việt sùng bái chữ Hán, chưa hề có ý tưởng bỏ chữ Hán.

Thế kỷ 10, tổ tiên ta thử nghiệm dùng chữ Hán và chữ Hán tự tạo để ghi âm tiếng Việt, làm ra chữ Nôm vừa có tính biểu ý, vừa có tính biểu âm. Do chữ Nôm được tạo ra trên cơ sở chữ Hán nên biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì thế chữ Nôm khó hơn chữ Hán. Mặt khác, vì mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết, mà tiếng Việt có cực nhiều âm tiết, cho nên phải tạo ra và sử dụng cực nhiều chữ (ít nhất vài chục nghìn chữ) , khiến cho chữ Nôm quá khó nhớ khó dùng, không thể phổ cập được. Thời xưa tầng lớp trên ở ta sùng bái chữ Hán, khinh rẻ chữ Nôm, coi là thứ chữ "nôm na mách qué" của dân thường, hầu hết nhà nước phong kiến không công nhận. Vì thế chữ Nôm không được quan tâm phát triển, hoàn thiện. Nhưng chữ Nôm thể hiện được lời nói và tư tưởng tình cảm của người bình dân, nhờ thế bộ phận tầng lớp tinh hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v… đã xây dựng được một nền văn học chữ Nôm thành công vượt xa văn học chữ Nho.

Chữ Nôm thể hiện ý thức độc lập tự chủ về ngôn ngữ của người Việt, được sử dụng không chính thức cho tới đầu thế kỷ 20, nhưng do chữ Nôm được tạo chữ trên cơ sở chữ Hán, có sử dụng nhiều chữ Hán nguyên gốc, nên việc sử dụng chữ Nôm không đem lại kết quả bỏ được chữ Hán.

Tuy vậy, chữ Nôm có tính biểu âm đã trở thành nền tảng để đầu thế kỷ 17, các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đến nước ta truyền giáo, khi học tiếng Việt và chữ Nôm, họ đã phát hiện chữ Nôm có tính biểu âm – tức có điều kiện cho phép phiên âm hóa, Latin hóa chữ Nôm thành một loại chữ có thể ghi âm được tiếng Việt. Sau khoảng ba chục năm dầy công nghiên cứu, các giáo sĩ đã thực hiện thành công việc Latin hóa, phiên âm hóa, hiện đại hóa chữ Nôm, làm ra loại chữ biểu âm Latin hóa đầu tiên ở Đông Á, về sau được dân ta gọi là "Chữ Quốc ngữ", có đặc điểm ghi âm được 100% tiếng Việt, lại dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng, ưu việt hơn hẳn chữ Nho, chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ nhanh chóng được các nhà cách mạng, nhà trí thức Tây học và nhà Nho tiên tiến dẫn đầu toàn dân ta nhiệt liệt ủng hộ sử dụng chữ Quốc ngữ, bắt đầu khởi sự tiến trình bỏ chữ Hán ở Việt Nam.

Cần nhấn mạnh : chữ Nôm có thể phiên âm hóa, Latin hóa được, vì chữ Nôm tuy có gốc chữ Hán nhưng có tính biểu âm. Chữ Hán không có tính biểu âm, cho nên không thể phiên âm hóa, Latin hóa được – các thử nghiệm của người Trung Quốc đã chứng tỏ điều đó. Tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic) nhưng tiếng Hán nghèo âm tiết nên không thích hợp dùng chữ viết biểu âm. Còn tiếng Việt do giàu âm tiết –– lượng âm tiết cơ bản nhiều gấp chục lần tiếng Hán, lại có 6 thanh điệu (trong khi tiếng Hán có 4), cho nên thích hợp dùng chữ viết biểu âm. Vì thế tổ tiên ta mới làm và dùng được chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, các phong trào cách mạng như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ động mở trường mở lớp dạy chữ Quốc ngữ cho tầng lớp bình dân, lôi cuốn đồng bào cả nước hăng hái học chữ Quốc ngữ, dùng chữ Quốc ngữ.

Có thể coi hai sự kiện sau đây đánh dấu nước ta chính thức bỏ chữ Hán, dùng chữ Quốc ngữ : Cuối năm 1918 Triều đình Huế ra lệnh bỏ các kỳ thi chữ Hán ; và tháng 9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời lập Nha Bình dân học vụ, quyết định phổ cập chữ Quốc ngữ, mở đầu phong trào xóa nạn mù chữ trong cả nước.

Từ sau 1945, tất cả các ban ngành trong nước, mọi sách báo, văn bản, ấn phẩm của chính quyền và xã hội hầu như chỉ dùng chữ Quốc ngữ, không dùng chữ Hán, chữ Nôm. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ đã giúp dân tộc ta thực thi tiến trình "Bỏ chữ Hán" dưới hình thức phong trào xóa nạn mù chữ của dân chúng, không có sự cưỡng chế của chính quyền, thế nhưng lại thu được hiệu quả rất cao.

Bỏ chữ Hán là một bước ngoặt lịch sử đánh dấu quyết tâm để cây văn hóa Việt Nam ra khỏi bóng râm cớm nắng của đại thụ văn hóa Trung Hoa, vươn cao trong rừng cây văn hóa thế giới. Học giả Phạm Quỳnh nói : chữ Quốc ngữ "như chiếc bè cứu người Việt ra khỏi cảnh trầm luân là có nước của mình mà phải học mướn viết nhờ nước ngoài". Đúng là từ ngày dùng chữ Quốc ngữ, dân tộc ta mới được làm chủ thứ chữ viết hoàn toàn thích hợp với tiếng Việt, chấm dứt mấy nghìn năm chỉ học văn minh Trung Hoa, viết bằng chữ mượn của Trung Quốc, qua đó thực hiện một bước tiến thần kỳ : xây dựng nền văn minh Việt đích thực và hòa vào dòng chảy của văn minh thế giới.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam bỏ chữ Hán vì động cơ chính trị "bài Hoa". Thiển nghĩ, đó là một nhận xét phiến diện. Thực tế cho thấy, tiến trình bỏ chữ Hán tại Việt Nam diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật sinh tồn khách quan : nhân tố ưu việt hơn sẽ thay thế nhân tố lạc hậu –– chữ Quốc ngữ ưu việt sẽ thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Tiến trình đó đã diễn ra dù là trong thời kỳ nước ta ở dưới chính quyền cai trị của thực dân Pháp hoặc dưới chính quyền dân chủ nhân dân.

Sự thay thế chữ viết ấy hợp lý hợp tình, hợp lòng dân, sớm muộn cũng xảy ra như một tất yếu lịch sử không ai không nhận thấy. Ngay cả thực dân Pháp khi mới chiếm một phần nước ta, ngày 22/2/1869 đã ban hành nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ (do Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký). Tiếp đó ngày 28/12/1918, người đứng đầu chính quyền phong kiến nhà Nguyễn vốn sùng tín chữ Hán là vua Khải Định cũng ký đạo dụ ra lệnh từ năm 1919 bãi bỏ mọi kỳ thi Hán học. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công được vài tuần, chính quyền cách mạng đã ra sắc lệnh số 20 ngày 8/9/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký, quy định bắt buộc học chữ Quốc ngữ. Mấy sự kiện đó đã cho thấy việc dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm là một xu thế khách quan tất yếu của lịch sử mà các chính quyền thực dân Pháp, triều đình Huế và chính quyền cách mạng đều nhận thức được và đều thi hành.

Tóm lại, chữ Quốc ngữ đã góp phần quyết định đẩy nhanh tiến trình bỏ chữ Hán. Không có chữ Quốc ngữ thì người Việt không thể "Thoát Hán" về ngôn ngữ, một phần quan trọng của "Thoát Hán" về văn hóa.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hải Hoành
Read 631 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)