Miến Điện : Người Rohingya tiếp tục bỏ làng đi vượt biên (RFI, 01/10/2017)
Hơn 2000 dân làng Rohingya đang tập hợp dọc theo một vùng duyên hải Miến Điện, tìm cách vượt biển sang Bangladesh. Báo chí chính thức Miến Điện, sau một thời gian im lặng, bắt đầu đưa tin về số phận sắc dân thiểu số bị ngược đãi.
Thuyền nhân Rohingya trong đêm ngày 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh. Reuters
Theo nhật báo Nhà nước Global New Light of Myamar được AFP trích dẫn hôm thứ Bảy 30/09/2017, trong tuần đã có hơn 2000 người Rohingya kéo về bờ biển làng Lay Yin Kwin, chờ cơ hội vượt biển. Các bức ảnh cho thấy từng nhóm phụ nữ, trẻ em ngồi trên bãi cát dưới sự canh chừng của cảnh sát. Cảnh sát Miến Điện cho biết họ đã ngăn chận khoảng 20.000 dân Rohingya vượt qua biên giới sang Bangladesh.
Cũng theo nhật báo này, các viên chức chính phủ thuyết phục dân Rohingya ở lại với lời trấn an là cuộc sống của họ được an ninh và bảo đảm. Tuy nhiên, các dân làng trả lời là họ "dứt khoát đi Bangladesh".
Tình trạng người Rohingya tiếp tục bị truy bức đã gây tổn hại cho uy tín của bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, nay là người nắm thực quyền dân sự tại Miến Điện nhưng bị quân đội chi phối. Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện "thanh lọc sắc tộc".
Theo AFP, đại học Anh Quốc danh tiếng Oxford thông báo quyết định gỡ bức chân dung của người sinh viên cũ "Aung San Suu Kyi" cất đi , thay thế bằng một bức tranh của một danh họa người Nhật, Yoshihiro Takada.
Từ năm 1964 đến 1967, sinh viên Aung San Suu Kyi, theo học các môn chính trị, kinh tế và triết học tại Oxford.
Tú Anh
*************************
Gần 90 NGO lên án quân đội Miến Điện phạm "tội ác chống nhân loại" (RFI, 30/09/2017)
Miến Điện tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng người Rohingya. AFP ngày 29/09/2017 cho biết gần 90 tổ chức phi chính phủ, NGO, lên án các "tội ác chống nhân loại" nhằm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xem xét khả năng cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.
Thuyền nhân Rohingya trong đêm 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh.Reuters
Trong một thông cáo chung, 88 tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức bảo vệ nhân quyền uy tín trên thế giới như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế. khẳng định "Những bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy rõ ràng các hành động tàn bạo của lực lượng an ninh Miến Điện là những tội ác chống nhân loại".
Các tổ chức phi chính phủ nói trên đề nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về Miến Điện, đồng thời yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét một cách nghiêm túc việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Miến Điện và có các biện pháp trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm trong các vụ phạm tội ác đối với thường dân.
Thông cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi các nước "ngừng ngay lập tức viện trợ và hợp tác quân sự với Miến Điện".
Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cho biết, ít nhất có 60 người Rohingya, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em từ Miến Điện vượt biên giới qua Bangladesh đã bị chết hoặc mất tích trong vụ đắm phà trong vịnh Bengal.
Hôm 28/09/2017, Hội Đồng Bảo An đã mở phiên họp đầu tiên về tình hình Miến Điện kể từ khi cuộc khủng hoảng người Rohingya nổ ra cuối tháng 8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng yêu cầu Miến Điện ngừng các chiến dịch quân sự, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo người Rohingya và tổ chức hồi hương người tị nạn. Hội Đồng Bảo An tới đây sẽ xem xét hồ sơ Miến Điện theo đề nghị của Pháp, chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 10.
Anh Vũ
******************
LHQ yêu cầu Miến Điện cho tiếp cận nhân đạo giúp người Rohingya (RFI, 29/09/2017)
Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, thảm họa người Rohingya được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 08/2017 đến nay, khoảng nửa triệu người đã phải chạy sang Bangladesh để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc công khai nói đến khả năng trừng phạt các quan chức Miến Điện có liên quan trong hồ sơ này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong phiên họp Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Rohingya, New York 28/09/2017. TIMOTHY A. CLARY / AFP
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :
"Đó là một ác mộng nhân đạo và một ác mộng đối với các quyền của con người. Tổng thư ký Antonio Guterres đã tóm tắt tình hình như vậy. Vào lúc Rangoon lấy cớ thời tiết xấu để hủy chuyến thị sát của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại bang Rakhine, được dự kiến vào ngày hôm qua, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa yêu cầu Miến Điện phải cho phép tiếp cận nhân đạo, không được ngăn cản.
Ông nói : Trong những ngày vừa qua, chính quyền Miến Điện đã nhiều lần tuyên bố là chưa đến lúc để có thể cho tiếp cận nhân đạo và không bị cản trở. Thật sự là rất đáng tiếc vì tình hình tại đây có những nhu cầu lớn. Liên Hiệp Quốc cần phải được phép đến ngay lập tức những vùng bị tác động.
Phiên họp công khai này cũng là dịp để gia tăng áp lực đối với Rangoon. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố : "Không nên lo sợ khi gọi đúng tên các hành động của chính quyền Miến Điện. Đó là một chiến dịch quân sự tàn bạo và liên tục ở nước này nhằm thanh lọc một sắc tộc thiểu số. Và chính quyền lãnh đạo cấp cao tại Miến Điện lẽ ra phải hổ thẹn về những hành động này".
Rangoon đã điều cố vấn an ninh quốc gia đến dự phiên họp. Quan chức này bác bỏ danh từ thanh lọc chủng tộc và bảo đảm rằng đó chỉ là một chiến dịch chống khủng bố. Ông ta cũng hứa hẹn sẽ cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận nhân đạo ngay từ thứ Hai tuần tới, đồng thời mời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới đánh giá tình hình tại chỗ".
RFI tiếng Việt
***********************
Hồ sơ Rohingya : Trung Quốc ủng hộ Miến Điện vì lợi ích kinh tế (RFI, 29/09/2017)
Trong khi quốc tế phản đối việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, thậm chí Liên Hiệp Quốc còn coi đó là chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính phủ nước này lại có được sự ủng hộ quý giá của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 09/2017, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu là Bắc Kinh "ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước". Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục "con đường tơ lụa mới".
Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqianging) tại lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/08/2016 Reuters
Hồi tháng 04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho trải thảm đỏ đón tiếp đồng nhiệm Miến Điện Htin Kyaw và nhấn mạnh phải triển khai ngay lập tức các dự án hợp tác then chốt, trong đó có dự án "đặc khu kinh tế Kyaukpya". Kyaukpya là một thành phố thuộc bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nằm cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội nhất khoảng 200km về phía nam.
Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế tại miền tây nước này, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Bang Rakhine có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn dầu và khí ga tự nhiên từ Trung Đông tới tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, để tránh phải đi qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaisia và Indonésia.
Vào tháng 04/2017, sau bảy năm lắp đặt, đường ống dẫn dầu khồng lồ nối từ bang Rakhine - Miến Điện tới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã được hoàn thành. Theo cơ quan chủ quản, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc CNPC, Miến Điện đã đầu tư 1,2 tỉ đô vào công trình trên, còn Bắc Kinh đầu tư 1,24 tỉ đô la.
AFP cho biết, theo số liệu của tập đoàn nhà nước CITIC của Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới", từ nay tới năm 2038, Bắc Kinh phải đầu tư hơn 9 tỉ đô la vào một cảng nước sâu ở Kyaukpya và vào một khu kinh tế 1000ha.
Bà Sophie Boiseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Viện Quan Hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định là các "dự án kinh tế quy mô lớn" nói trên của Bắc Kinh chính là chìa khóa để chính quyền Miến Điện có được sự ủng hộ của Trung Quốc.
Đối với lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, phát triển kinh tế là vấn đề then chốt tại bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ đói nghèo lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ đói nghèo bình quân của cả nước.
Hồi tháng 01/2016, phó chủ tịch tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã từng nới tới việc "chia lãi dự án cho Miến Điện và người dân địa phương", xây dựng 50 bệnh viện tư và 50 trường học tại vùng này. Tuy nhiên, cho tới nay, các lời hứa của phó chủ tịch tập đoàn CITIC vẫn chưa được thực hiện.
Còn bà Alexandra de Mersan, nhà nghiên cứu của Viện Quốc Gia Về Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO), một chuyên gia về Miến Điện cho AFP biết : "Các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại bang Rakhine khiến người dân địa phương vô cùng bất mãn vì họ không thấy bất cứ một hệ quả tích cực nào". Theo một báo cáo hồi tháng 08/2017 của Ủy ban quốc tế về Miến Điện, do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lãnh đạo, lợi nhuận của các dự án kinh tế thường rơi vào tay chính quyền Naypyidaw và các doanh nghiệp nước ngoài, và hậu quả là chính phủ Miến Điện bị dân chúng coi là lợi dụng, bóc lột người dân.
Cũng như nhiều vùng khác ở Miến Điện, dưới lòng đất tại bang Rakhine rất giàu khoáng sản, nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Đối với nhiều chuyên gia, xung đột hiện nay có liên quan tới các lợi09/2017) ích kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần liên quan tới tôn giáo.
So với các khu vực khác, cho tới khi cuộc xung đột sắc tộc xảy ra, đất đai ở bang Rakhine vẫn không bị những người thân cận với chính quyền dân sự chiếm đoạt nhiều. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì theo nhà xã hội học Saskia Sassen, đất đai ở bang Rakhine đã trở nên quý giá do có các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và chính quyền quân sự Miến Điện rất quan tâm tới mảnh đất mà người Rohingya buộc phải bỏ lại để chạy trốn khỏi cuộc trấn áp của chính quyền.
Thùy Dương
**********************
Rohingya : Miến Điện cho các tổ chức nhân đạo LHQ vào vùng Rakhine (RFI, 28/09/2017)
Vào lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về hồ sơ người Rohingya, ngày 28/09/2017, Miến Điện trên nguyên tắc cho phép một số các tổ chức nhân đạo đến bang Rakhine, nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8/2017, gần một nửa triệu người Rohingya phải di tản sang Bangladesh. Nhưng theo tin giờ chót, họ đã hoãn chuyến đi này do thời tiết xấu.
Cố vấn an ninh quốc gia của Miến Điện Thaung Tun sau cuộc họp về tình hình người Rohingya tại Đại Hội Đồng LHQ ngày 18/09/2017. Reuters/Stephanie Keith
Trong cuộc họp báo ngày 27/09/2017 từ New York, đại diện Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric hy vọng đây là "bước đầu" thể hiện thiện chí của chính quyền Miến Điện, cho dù nhân viên Liên Hiệp Quốc sẽ được "hộ tống" đến bang Rakhine.
Nhiều tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Rangun đã được lệnh rời khỏi bang Rakhine vào tháng 08/2017 khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tấn công phe nổi dậy người Rohingya, với hậu quả là hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi giáo này phải chạy sang biên giới Bangladesh lánh nạn. Trong suốt một tháng qua, các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế liên tục yêu cầu được quay trở lại vùng đang có xung đột.
Có nhiều nguồn tin tố cáo quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc của người Rohingya và gài mìn dọc theo đường biên giới với Bangladesh để ngăn cản gần 500.000 triệu người tị nạn quay trở về.
Phía quân đội từ đầu tuần thông báo tìm thấy nhiều hố chôn tập thể tại những ngôi làng của người Ấn Độ giáo trong khu vực và tố cáo các phần tử nổi dậy người Rohingya là thủ phạm sát hại hơn 50 dân làng. Lực lượng vũ trang ARSA của người Rohinga "cực lực" bác bỏ những cáo buộc trên.
Thể theo yêu cầu của 7 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, chiều nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ người Rohingya dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres.
Thanh Hà
Miến Điện bác bỏ đàm phán với ‘những kẻ khủng bố’ (VOA, 10/09/2017)
Miến Điện hôm 10/9 bác bỏ tuyên bố ngưng bắn do các phần tử nổi dậy Hồi giáo Rohingya công bố nhằm cho phép đồ cứu trợ tới hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa ở Rakhine.
Người tị nạn Rohingya giơ tay nhận đồ cứu trợ ở Bangladesh hôm 9/9.
Reuters dẫn lời chính phủ Miến Điện tuyên bố "không đàm phán với những kẻ khủng bố".
Các cuộc tấn công do các chiến binh thực hiện nhắm vào đồn cảnh sát và căn cứ quân đội hôm 25/8 đã dẫn tới một cuộc phản công quân sự làm nhiều người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh, thêm vào con số hàng trăm nghìn người khác đã phải đi lánh nạn vì tình trạng bạo lực trước đó.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng có khoảng 294 nghìn người, nhiều người trong số đó bị bệnh hoặc bị thương, đã tới vùng phía nam của Bangladesh trong vòng 15 ngày qua, gây thêm áp lực lớn lên hoạt động của các cơ quan cứu trợ.
Hàng nghìn người Rohingya vẫn ở lại bang Rakhine ở tây bắc Miến Điện và không có nơi trú ngụ hoặc thức ăn, và nhiều người vẫn tìm cách trèo núi, vượt qua rừng rậm, các cánh đồng để tới Bangladesh.
Nhóm nổi dậy viết tắt là ARSA đã tuyên bố một tháng ngưng bắn đơn phương bắt đầu từ ngày 10/9 để viện trợ có thể tới được những người kể trên.
Chưa rõ ảnh hưởng của động thái trên, nhưng ARSA dường như không thể chống đỡ được với quân lực của chính phủ ở Rakhine, nơi hàng nghìn nhà cửa đã bị thiêu rụi và hàng chục ngôi làng bị phá hủy.
Tuyên bố của nhóm nổi dậy này không nhận được hồi đáp chính thứ từ quân đội hay chính phủ ở Miến Điện, nơi sinh sống của đa số tín đồ phật giáo.
Nhưng theo Reuters, phát ngôn viên của lãnh đạo nước này, bà Aung San Suu Kyi, tuyên bố trên Twitter : "Chúng tôi không có chính sách đàm phán với những kẻ khủng bố".
*************************
Liên Hiệp Quốc nói có 'thanh lọc sắc tộc' ở Myanmar (BBC, 11/09/2017)
Chiến dịch an ninh nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar "dường như là một ví dụ điển hình của thanh lọc sắc tộc", người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Raad Al Hussein nói.
Khoảng 300.000 người Hồi giáo Rohingya đã rời khỏi Myanmar kể từ ngày 25/8
Ông Hussein kêu gọi Myanmar chấm dứt "hoạt động quân sự tàn bạo" ở bang Rakhine, phía Tây Myanmar.
Hơn 300.000 người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh kể từ khi bạo lực bùng phát ở bang này hồi cuối tháng 8/2017.
Quân đội Myanmar nói họ đang đáp trả những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Rohingya và phủ nhận tin rằng họ đang nhắm vào thường dân.
Tình trạng bạo lực bắt đầu xảy ra hôm 25/8 khi dân quân Rohingya tấn công các đồn cảnh sát ở phía Bắc bang Rakhine và giết hại 12 cảnh sát.
Kể từ đó, người Rohingya bắt đầu chạy khỏi Myanmar. Họ nói quân đội Myanmar đánh trả bằng một chiến dịch tàn khốc, đốt làng và tấn công dân thường để đuổi họ đi.
Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo không có tổ quốc sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo. Từ lâu họ đã chịu sự đàn áp ở Myanmar, nơi mà họ bị cho là những người tỵ nạn trái phép.
Người tỵ nạn như bà Dil Bahar trong ảnh đã kiệt sức và trải qua nhiều điều khủng khiếp.
Ông Zeid, Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nói chiến dịch [của cảnh sát Myanmar] hiện tại ở bang Rakhine "rõ ràng là quá mức".
"Chúng tôi đã nhận được nhiều nguồn tin và hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng an ninh và dân quân địa phương đốt làng của người Rohingya, và nhiều lời kể nhất quán về những vụ giết người ngoài luật, kể cả các vụ bắn vào người dân thường đang bỏ chạy", ông nói.
"Tôi kêu gọi chính phủ [Myanmar] chấm dứt hoạt động quân sự tàn bạo đang diễn ra, chịu trách nhiệm về tất cả các vi phạm đã xảy ra và đảo ngược tình trạng ngược đãi trên diện rộng đối với người dân Rohingya", ông nói.
Những nguồn tin mới nhất, đã có khoảng 313.000 người Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh. Các cơ quan cứu trợ cho hay họ đang trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nơi tạm trú và trợ giúp y tế, và các nguồn cứu trợ hiện có là không đủ.
Từ nhiều năm nay, một tổ chức có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa theo đạo Hindu đã thực hiện một chương trình gây nhiều tranh cãi : Đó là hỗ trợ phụ nữ mang thai để có được những đứa con "hoàn hảo, to lớn và có nước da sáng sủa", áp dụng nghiêm ngặt những nguyên tắc của y học cổ truyền Ayurveda và chiêm tinh học.
Mohan Bhagwat, lãnh đạo một tổ chức có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa theo đạo Hindu, RSS, trước hàng ngàn tín đồ ở Pune, Ấn Độ, ngày 03/01/2016. REUTERS/Danish Siddiqui
Tất cả những yếu tố này làm cho người ta liên tưởng đến dự án điên rồ thanh lọc chủng tộc của Đức Quốc Xã. Từ New Dehli, thông tín viên RFI Sebastien Farcis giải thích :
"Nhóm Arogya Bharati, chi nhánh y học của ''Tổ chức thiện nguyện viên quốc gia – RSS'', một tổ chức bán vũ trang theo đạo Hindu, rất có thế lực tại Ấn Độ, đưa ra dự án này. Chương trình được tiến hành dưới sự chỉ đạo của các giáo sư tây y và y học cổ truyền ayurveda, thuộc bang Gujarat. Đối với những cặp vợ chồng tín đồ Hindu muốn có con, họ hướng dẫn kèm cặp qua nhiều giai đoạn.
Cụ thể là ba tháng trước khi thụ tinh, cặp vợ chồng phải tuân thủ chế độ ăn uống và lễ nghi tôn giáo chặt chẽ nhằm ''tinh lọc'' phối tử (tinh trùng). Nhà chiêm tinh quyết định ngày vợ chồng giao phối. Vợ chồng không được quan hệ tình dục trong suốt chín tháng người vợ mang thai ; chế độ ăn uống của người mẹ phải giàu chất canxi và dùng bơ tinh chế".
"Có một đứa con hoàn hảo"
Trả lời nhật báo Indian Express, nhóm thực hiện dự án cho biết, mục đích của phương pháp này là ''có một đứa con hoàn hảo, theo đúng ý muốn, để tạo ra một nước Ấn Độ hùng cường''. Họ khẳng định rằng quy trình nói trên giúp thanh lọc gen (ADN) ; nhờ vậy, một cặp vợ chồng nhỏ thó, có chỉ số thông minh thấp và nước da sậm mầu vẫn có thể sinh ra được những đứa con cao to, có chỉ số thông minh cao và có nước da sáng sủa.
Lời bảo đảm này đương nhiên là cường điệu, cho dù người ta có thể hiểu được rằng chế độ ăn uống giàu canxi và chất khoáng đối với một phụ nữ mang thai thì sẽ giúp có được đứa con khỏe mạnh hơn".
Dự án này gây tranh cãi mạnh mẽ, bởi vì các đệ tử Hindu giáo đã lấy cảm hứng từ thuyết chủng tộc nẩy sinh ở Châu Âu vào cuối thế kỷ 19 : đó là tính ưu việt của chủng tộc Aryen, một dân tộc gần như thần bí, có vóc dáng to cao và nước da sáng ; tộc người này dường như đã tới Trung Á và sinh sống trong các vùng núi Himalaya cách nay hàng ngàn năm.
Các tín đồ Hindu khẳng định không can thiệp vào quy trình sinh nở tự nhiên, nhưng phương pháp của họ chắc chắn là một dạng của thuyết ưu sinh dựa trên các nền tảng tôn giáo. Mục đích của họ là củng cố cái gọi là "chủng tộc Hindu" tại một quốc gia có tới 180 triệu người theo đạo Hồi.
450 trẻ được sinh ra theo phương pháp này
Dự án được khởi xướng cách nay khoảng chục năm, nhưng chỉ phát triển mạnh trên phạm vi quốc gia vào năm 2015, sau khi phe dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo thắng cử, lãnh đạo chính phủ trung ương, đứng đầu là thủ tướng Narendra Modi, xuất thân từ "Tổ chức tình nguyện viên quốc gia – RSS".
Tổ chức này khẳng định là cho đến nay, đã có 450 đứa trẻ được sinh ra trong khuôn khổ dự án và có ý định phát triển mở rộng sang các bang khác, với mục đích là từ nay đến năm 2020, chương trình sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Singapore : Mua ô tô hạng sang như mua kẹo
Mua một xe ô tô hạng sang như đi mua một thanh sô cô la tại một máy bán hàng tự động giờ không còn là chuyện khó. Mời quý vị cùng với tạp chí Thế Giới Đó Đây đến Singapore. Từ tháng 12/2016, một cửa hiệu bán xe ô tô tự động, cao 15 tầng, hoàn toàn trong suốt, luôn được thắp sáng đã xuất hiện trên đảo quốc. Tại đây, khách mua có thể tìm thấy đủ kiểu dòng xe hạng sang nổi tiếng như Ferrari, Porches hay như Lamborghini… Những chiếc xe này được xếp chồng lên nhau như là những lon sô đa trong chiếc tủ kính máy bán tự động.
Theo mô tả của thông tín viên Margaux Bédé, cứ như là một món đồ chơi, chỉ cần một bệ nâng đỡ trượt vào gầm xe, nâng lên hay hạ xe xuống 15 tầng lầu. Chỉ cần một cái nhấp chuột, Gary Hong, tổng giám đốc Autobahn Motors đặt ngay dưới chân cô một chiếc Ferrari mới cáu.
"Từ ứng dụng của chúng tôi trên máy tính bảng, khi quý vị nói muốn xem xe, tôi bấm chọn "xem", xe ô tô sẽ được đưa xuống từ gian bán hàng tự động. Từ lúc bấm lệnh gọi xe cho đến lúc đưa xe xuống từ tầng cao nhất chỉ mất có hai phút".
Một khi xe được đặt trước mặt, người mua có thể làm một vòng xem xe… Nhưng làm thế nào Gary Hong có ý tưởng về gian hàng bán xe tự động này ? Ông giải thích tiếp với Margaux Bédé.
"Đất đai ở Singapore rất đắt đỏ, chúng tôi buộc phải tìm một giải pháp để trưng bày được nhiều xe nhất có thể… Chúng tôi đã nghĩ đến nhiều cách, tòa nhà bán xe tự động hai tầng chẳng hạn,… Nhưng rồi một ngày tôi đi tìm mua một món đồ chơi cho con trai.
Lúc ấy con tôi đang tìm một chiếc xe ô tô, tôi đứng đợi và tôi tự nhủ "những chiếc hộp bày hàng được xếp chồng lên nhau, chính là giải pháp của tôi". Chính từ lúc đó, chúng tôi tự nói ‘chúng tôi có thể làm giống như thế nhưng mà là cho xe thật !’".
Một mô hình "bán hàng tự động" mới hấp dẫn, đang thu hút sự hiếu kỳ của đông đảo người dân đảo quốc. Vấn đề là làm thế nào thuyết phục người xem chấp nhận bỏ tiền túi để mua xe mà không có người giải thích, hay tư vấn, do trong tâm khảm của nhiều người yếu tố "con người là không thể thay thế được" !
Singapore nhìn từ xa. Từ 12/2016, người dân đảo quốc có thể mua xe tại một gian bán hàng tự động. REUTERS/Woo Yiming
Anh : Bố mẹ sắp phải đóng tiền căn tin cho con ?
Thời kỳ "ăn trưa miễn phí" ở các trường tiểu học ở Anh quốc là sắp qua ? Đây cũng là một phần trong chiến dịch vận động bầu cử Quốc Hội ngày 8/6 tới đây của nữ thủ tướng Anh Theresa May.
Đảng Bảo Thủ tại Anh của nữ thủ tướng cho rằng những bữa trưa miễn phí hiện tiêu tốn nhiều ngân sách nhà nước. Thay vào đó sẽ là những bữa điểm tâm, giá chỉ bằng có 1/10 so với bữa trưa. Ý định này đã từng được người tiền nhiệm là thủ tướng David Cameron đề xuất, nhưng sau đó buộc phải hoãn lại do gặp phải sự phản đối của phe đối lập, những người chủ trương tự do – dân chủ.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Marina Daras giải thích vì sao thủ tướng May trở lại với ý tưởng này :
"Cho đến trước năm 2014, con cái của những gia đình khó khăn có đi học có thể được hưởng chế độ ăn trưa miễn phí ở trường cấp tiểu học. Vấn đề là hiện có rất nhiều gia đình không đủ tiêu chuẩn để hưởng chế độ này nhưng lại không đủ khả năng đóng tiền căn tin cho con.
Với mức giá 2,30 £/bữa ăn/trẻ, nhà nước chi ra tổng cộng 480 £, tức hơn 560 euro/ trẻ/năm học. Do đó, đây là một trong những lý do chính để chính phủ Anh lúc bấy giờ muốn tìm cách xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng xã hội ở trường học, không còn sự cách biệt giữa những gia đình có đủ khả năng trả tiền căn tin và những gia đình không thể".
Đương nhiên đề xuất này của nữ thủ tướng Anh đã gặp phải nhiều lời chỉ trích từ các đảng phái chính trị đối lập. Đặc biệt là Jamie Olivier, một đầu bếp nổi tiếng nhưng lại là gương mặt rất bình dân. Ông đấu tranh cho chương trình vận động giảm tỷ lệ trẻ bị béo phì. Đối với ông, việc rút bữa ăn miễn phí, mà trước hết đó là những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là một hành động phớt lờ tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ đang bùng nổ ở Anh quốc.
Một quan điểm cũng được nhiều giáo viên hay hiệu trưởng các trường tiểu học đồng chia sẻ. Thứ nhất, các trường này cũng đã đầu tư tốn kém để trang bị một nhà bếp hoàn chỉnh cho phép hâm nóng và trữ thức ăn khối lượng lớn. Thứ hai, những nhà giáo này cảm thấy vui khi không còn nhìn thấy cảnh học trò ngủ gật trong các giờ học do không đủ ăn hay do tiêu thụ những nguồn thực phẩm nhiều đường, không đủ cung cấp năng lượng để trụ suốt cả buổi chiều. Một cuộc tranh cãi có nguy cơ khó tìm được giải pháp trong một sớm một chiều !
Canada : Báo động lạm dụng thuốc giảm đau
Chính quyền Canada đang phải đối mặt với một vấn đề y tế : đó là tình trạng lạm dụng chất opioide, có trong các loại thuốc giảm đau, được chỉ định cho các chứng đau nhức mãn tính. Việc sử dụng quá liều loại dược phẩm này đã làm 2300 người tử vong tính trên toàn quốc từ năm 2015, tức là cao hơn số nạn nhân qua đời vì SIDA trong những năm tồi tệ nhất.
Theo thông tín viên Pascale Guericolas, tại Québec, thị trưởng của 13 thành phố đã yêu cầu chính phủ có một kế hoạch khẩn cấp nhằm chống lại hiện tượng lạm dụng thuốc này.
"Chỉ cần một liều 150 mg de Fentany, đủ để giết chết một con nghiện lạm dụng thuốc này. Một loại dược phẩm mạnh gấp trăm lần chất morphine, và gây ra những cảm giác sảng khoái như là chất heroin.
Dù là để trị đau nhức hay là chích nghiện, chất opioide đang hoành hành tàn phá tại Canada. Đặc biệt là tại bang British Colombia. Mỗi tháng tại đây có 120 người chết vì sử dụng chất này. Kể từ giờ, lính cứu hỏa, cảnh sát, các nhóm cấp cứu đều có sẵn thuốc giải Nalaxone, để xử lý những ca sử dụng quá liều chất opioide.
Các thị trưởng trong Liên Đoàn Các Thành Phố Canada muốn có những biện pháp bổ sung để điều phối cuộc chiến tốt hơn. Họ yêu cầu được tiếp cận những cách điều trị thay thế khác nhanh chóng hơn cho những con nghiện.
Tại một số tỉnh như Ontario chẳng hạn vẫn còn thiếu các dữ liệu cụ thể về những ca tử vong liên quan đến chất gây nghiện trên. Các thành phố muốn biết rõ liều lượng Fentany mà các bác sĩ được quyền kê toa cho bệnh nhân, và mục đích chống lại tệ nạn này ra sao".
Xây đảo nhân tạo đón tị nạn khí hậu ?
Utopia (1516) của Thomas More, triết gia - sử gia người Anh ; Thành phố Mặt Trời (1602) của Tommaso Campanella ; Tân Atlantide (1624) của Sir Francis Bacon và Một thành phố nổi (1870) của Jules Verne… đều là những mô hình "thành phố nổi" trên những đảo nhân tạo mà các triết gia, nhà văn mơ tưởng đến từ bao thế kỷ nay. Nay giấc mơ này có lẽ sắp trở thành hiện thực.
Với lập luận nước biển dâng cao có nguy cơ xóa sổ nhiều quốc gia, tổ chức phi chính phủ Mỹ Institut Seastading trong một chiến dịch quảng bá thuyết phục ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp đã đề xuất một một dự án "điên rồ" : đó là tạo xây dựng các đảo nổi, mà trước mắt là đặt các đảo nhân tạo này ở vụng biển Tahiti. Một biên bản ghi nhớ đã được ký tại San Francisco giữa chính quyền Polynesia và tổ chức phi chính phủ Institut Seastading, hồi tháng Giêng năm 2017.
Ảnh chụp từ trên cao vụng biển Tahiti tại Polynesia thuộc Pháp - gettyimages
Các đảo này có thể tồn tại dưới dạng tự cung tự cấp và sẽ đón nhận các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đảo nhân tạo sẽ được hưởng quyền tự chủ về chính trị tương đối rộng rãi, và điều này cho phép thử nghiệm những kiểu chính phủ mới (trong lĩnh vực quản lý điều hành một vùng lãnh thổ). Trả lời câu hỏi của Elodie Largenton, phóng viên đài RFI, ông Randy Hencken, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Mỹ cho rằng tình hình đang trở nên khẩn cấp.
"Từ 25 đến 40 năm nữa, hàng chục đảo Polynesie có nguy cơ biến mất. Đó là trường hợp quần đảo Tuamotu. Chúng tôi đã đến đó hồi tháng Chín năm ngoái. Thị trưởng một đảo san hô đã đến gặp chúng tôi và đề nghị tiến hành ngay dự án này, bởi vì hòn đảo đã phải hứng chịu những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu".
Xây các đảo nổi, cụ thể là những khối bê tông có thể lắp ghép được với nhau, đặt trong các vụng biển, không bị ghìm giữ xuống đất. Dự án này có vẻ ngông cuồng nhưng thực ra không phải là mới mẻ gì. Ví dụ, năm 2011, một công ty của Nhật đã bắt đầu thử nghiệm dự án tương tự ở Kiribati, một quần thể các đảo và đảo san hô nhỏ ở Thái Bình Dương. Vấn đề đặt ra liệu xây đảo nhân tạo trên biển sẽ tác động ra đến hệ sinh thái và sự phát triển các loài san hô biển ? Một câu hỏi chưa được các nhà dự án đề cập đến.
Minh Anh
Nguồn : RFI, Tạp chí đặc biệt, 27/05/2017