Liên Hiệp Quốc : Campuchia phải công bằng khi tái di cư người gốc Việt (BBC, 10/11/2018)
Đặc sứ của Liên Hiệp quốc về Nhân quyền tại Campuchia kêu gọi chính quyền Campuchia phải công bằng và minh bạch trong việc tiến hành tái di cư các hộ gia đình gốc Việt ở tỉnh Kampong Chhnang, lo ngại vi phạm nhân quyền.
Một gia đình người gốc Việt ở Kampong Chhnang
Theo tờ Phnom Penh Post, bà Rhona Smith đưa ra tuyên bố này hôm 8/10 trong cuộc họp báo tại Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trong chuyến thăm 11 ngày đến vương quốc.
Campuchia đang thực hiện kế hoạch di dời khoảng 2000 hộ tương đương khoảng 10.000 người gốc Việt đang sống trên các nhà thuyền ở tỉnh Kampong Chhnang lên các huyện khác trên bờ.
Giới chức Campuchia quyết tâm thực hành kế hoạch tái di cư quy mô này dẫn chứng lí do là để nguồn nước và môi trường ở dọc
Bà Smith đã đích thân đến tỉnh Kampong Chhnang để điều tra về kế hoạch di cư, và kết luận rằng :
"Giới chức tỉnh [Kampong Chhnang] cũng phải nhận ra sự cấp thiết trong việc đảm bảo kế hoạch tái di cư không khiến cuộc sống của họ tệ hơn, như vậy sẽ đi ngược lại nỗ lực giảm nghèo của chính quyền", bà Smith nói.
Khoảng 2000 hộ dân gốc Việt buộc phải đi tái di cư lên bờ
Bà nói thêm những một số những người bị ảnh hưởng nằm trong nhóm nghèo nhất trong khu vực và phần lớn trong số họ không có giấy tờ tùy thân để được tiếp cận các dịch vụ và quyền lợi cơ bản.
Bà Smith nói rằng giới chức đang làm việc với một công ty tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá và cung cấp điện và nước sạch tại một trong các khu tái di cư. Tuy nhiên bà nhận thấy các khu vực này vẫn thiếu các cơ sở vật chất cần thiết.
Trước đó, nhiều người gốc Việt tại Campuchia cũng chia sẻ với BBC về nguyện vọng cho phép họ di chuyển tới địa điểm tạm cư mới đủ điều kiện sống tối thiểu, bảo đảm vệ sinh môi trường và có thể mưu sinh trong thời gian chờ đợi chính quyền tìm các biện pháp cho họ tái định cư lâu dài.
Nếu chưa có địa điểm phù hợp thì cho phép họ quay tạm trở lại nơi ở cũ.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng hôm thứ tư, bà Smith bày tỏ lo ngại về kế hoạch tái định cư, nói rằng nó có thể vi phạm nhân quyền.
Rất nhiều người dân ở đây nằm trong những hộ nghèo nhất
Nhưng ông Sar Kheng lập luận rằng chính quyền cần có trách nhiệm cải thiện vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Ông nói rằng các nhà chức trách đã quan tâm nhiều đến các khía cạnh nhân quyền. Không sự vi phạm quyền lợi hay tài khoản bị tịch thu vì họ tuân theo luật pháp để giữ gìn trật tự.
Trong khi đó thống đốc tỉnh Kampong Chhnang, Sun Sovannarith, nói tỉnh có kế hoạch rõ ràng để di dời.
"Sẽ không có vấn đề gì cho con cái họ tiếp cận giáo dục bởi vì [trường] gần nhà của họ và không có sự phân biệt đối xử với người Việt", ông Sovannarith nói với tờ Phnom Penh Post.
Hầu hết người dân sống bằng nghề đánh cá, cuộc sống mưu sinh cần có nguồn nước của Biển Hồ
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh thì cho biết, phía Việt Nam ủng hộ chính sách bảo đảm vệ sinh môi trường Biển Hồ.
Nhưng cũng mong muốn chính quyền sở tại có sự chuẩn bị chu đáo để bảo đảm không tạo ra vấn đề môi trường mới tại địa điểm di dời, có cơ sở hạ tầng, thoát chất thải, nước sạch... tối thiểu để đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân di dời.
Trước đó, được biết hôm 11/10, tại cuộc gặp ở Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Thủ tướng Campuchia Samdech Hunsen về việc di dời làm xáo trộn đời sống người dân.
**********************
LHQ kêu gọi Campuchia công bằng trong việc di dời các gia đình người Việt (VOA, 10/11/2018)
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền ở Campuchia, Rhona Smith, kêu gọi chính phủ nước này công bằng và minh bạch khi xử lí vấn đề các gia đình người Việt Nam bị dời cư tại tỉnh Kampong Chhnang, báo The Phnom Penh Post đưa tin.
Rhona Smith (trái), Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, ngày 8 tháng 11,
Báo này cho biết bà Smith đưa ra phát biểu này trong một cuộc họp báo ngày thứ Năm tại Văn phòng Trưởng Cao ủy Nhân quyền vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm 11 ngày ở Campuchia, nơi bà gặp gỡ các quan chức chính phủ cao cấp, các đại diện xã hội dân sự và các thành viên cộng đồng ngoại giao.
Sau khi đi đến tỉnh Kampong Chhnang để điều tra kế hoạch di dời, bà kết luận "chắc chắn" cần phải bảo đảm có nước và hệ thống vệ sinh cũng như quản lí bền vững nước và hệ thống vệ sinh cho những người bị di dời, và bảo tồn Hồ Tonle Sap và các nguồn tài nguyên sông.
"Chính quyền tỉnh cũng công nhận sự cần thiết phải bảo đảm rằng kế hoạch di dời sẽ không làm cho người dân khổ cực hơn, điều sẽ đi ngược lại nỗ lực giảm nghèo của chính phủ", bà được dẫn lời nói.
Bà nói thêm rằng một số người bị ảnh hưởng thuộc diện nghèo nhất trong khu vực và đa số không có giấy tờ tùy thân cho phép họ tiếp cận được các dịch vụ và các quyền cơ bản.
Bà Smith cũng lưu ý rằng chính quyền đã làm việc với một công ty tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, và cung cấp các dịch vụ công ích như điện và nước sạch tại một trong các khu tái định cư được đề xuất.
Tuy nhiên, bà kết luận rằng các địa điểm tái định cư khác vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp.
"Tôi kêu gọi chính phủ cải thiện các cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp về quyền sử dụng đất, bằng sự minh bạch và công bằng hơn, và bằng cách bảo đảm áp dụng một phương thức tổng thể để giải quyết tranh chấp đất đai khi cân nhắc việc di dời. Chỉ có bằng cách này thì không ai bị bỏ lại phía sau", bà được dẫn lời nói.
Báo Phnom Penh Post cho biết trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng hôm thứ Tư, bà Smith bày tỏ lo ngại về kế hoạch tái định cư, nói rằng việc này sẽ vi phạm nhân quyền.
Nhưng ông Sar Kheng lập luận rằng chính quyền có trách nhiệm cải thiện vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Ông nói rằng nhà chức trách đã chú ý nhiều hơn đến các khía cạnh nhân quyền của bất cứ việc gì họ làm. Không có nhân quyền nào bị vi phạm hoặc tài sản nào bị tịch thu vì họ tuân thủ luật pháp trong khi duy trì trật tự.
Một số cư dân người Việt từng sống trên Hồ Tonle Sap (Biển Hồ) trước đó nói với VOA rằng cuộc sống ở nơi tái định cư rất cơ cực và thiếu thốn đủ thứ. Một số người nói họ xin rời đi nhưng bị nhà chức trách cản trở, thậm chí bị phạt và bị tước giấy tờ.
Hàng ngàn người Việt ở Campuchia đã trở về Việt Nam bằng thuyền và hiện đang tạm cư trong tình trạng nghèo khổ và vô tổ quốc tại hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, cũng như các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Kiên Giang.