Bộ 4T quyết tâm thu phục dân dùng mạng xã hội ‘made in Vietnam’ (VOA, 09/11/2018)
Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 50% người dùng mạng xã hội sử dụng mạng trong nước vào năm 2020, đồng thời lên kế hoạch để ngăn chặn ‘thông tin xấu, độc’ trên Facebook, Google, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Ứng dụng Zalo 'made in Vietnam' đang cạnh tranh mạnh với Facebook ở Việt Nam. (ảnh chụp màn hình bizLive)
Tại buổi họp báo hôm 6/11, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ đã hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường "lành mạnh và an toàn" trên mạng. Đây là một phần trong kế hoạch "ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội".
Tân Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho biết mục tiêu của bộ là trong 12 năm nữa, "thuê bao mạng xã hội Việt Nam chiếm 50% tổng số thuê bao mạng xã hội", theo truyền thông trong nước.
Liệu mục tiêu này có khả thi ?
Một người dùng mạng xã hội từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phần mềm ứng dụng, Lã Việt Dũng, nhận định với VOA rằng mục tiêu này có khả thi hay không còn "phụ thuộc vào cách mà chính quyền Việt Nam sẽ đối xử với các mạng (xã hội) quốc tế như thế nào".
"Nếu (chính quyền) quyết tâm đóng cửa Facebook thì tôi cho rằng có thể họ sẽ xây dựng một mạng xã hội cho người dân dùng và như vậy (mục tiêu) 50% người dùng mạng xã hội trong nước là toàn toàn có thể".
Tuy nhiên ông Dũng, cũng là một nhà hoạt động dân chủ, bày tỏ lo lắng rằng mạng xã hội do nhà nước lập ra sẽ bị kiểm duyệt chặt chẽ và người dân sẽ không được tự do ngôn luận như bây giờ.
Mặc dù có những cải cách kinh tế và một mức độ cởi mở về những thay đổi trong xã hội nhưng Đảng cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam vẫn tìm cách siết chặt kiểm soát trên mạng xã hội, đặc biệt đối với giới bất đồng chính kiến.
Tuần trước, chính phủ công bố nghị định hướng dẫn việc thực hiện Luật An ninh mạng dù đã được thông qua hồi tháng 6 nhưng vẫn đang gây tranh cãi. Luật này vấp phải phản đối từ các công ty công nghệ toàn cầu cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế, vì bị coi là một công cụ của nhà cầm quyền để siết chặt kiểm soát tự do ngôn luận trên mạng.
Công nghệ Trung Quốc ?
Một mối quan ngại khác của việc phát triển mạng xã hội trong nước mà ông Dũng nêu ra là khả năng nhà mạng Việt Nam do "không đủ năng lực để làm" nên sẽ dùng công nghệ của Trung Quốc.
"Khi họ sử dụng công nghệ mua của Trung Quốc thì rất nhiều khả năng là cơ sở dữ liệu số của người dân Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc và điều đó là cực kỳ nguy hiểm", theo ông Dũng.
Giải thích về mối nguy này, ông Dũng, người đã từng viết thư đề nghị giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đừng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để dập tắt những tiếng nói bất đồng, cảnh báo không nên để "thông tin của một cộng đồng, một quốc gia rơi vào tay người khác".
"Những thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân hay nhân trắc học như luật An ninh mạng vừa nêu, hay những thông tin mang tính riêng tư khác mà chính quyền Cộng sản Việt Nam bắt người dân phải đưa lên mạng xã hội do họ kiểm soát sau đó bị lọt vào tay Trung Quốc thì cực kỳ nguy hại".
Zalo, mạng xã hội ‘made in Việt Nam’ hiện đang có hơn 100 triệu người dùng, theo ông Dũng, là một "công cụ/app đã bị kiểm soát" và là sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Zalo của VNG là một trong 3 nhà mạng, cùng với VCCorp và Mocha của Viettel, được Bộ Thông tin và truyền thông – thường được gọi là Bộ 4T – giao nhiệm vụ thực hiện mục tiêu "50%" nói trên.
Tân bộ trưởng Thông tin và truyền thông hồi tháng 9 nói rằng cần phát triển các mạng xã hội ‘made in Vietnam’ thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook hay Google. Theo số liệu của Statista, Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng Facebook, được ước lượng vào khoảng 70 triệu người.
****************
TAND Đồng Nai y án 20 thanh niên xuống đường vì luật đặc khu : nước ta còn đó (VNTB, 09/11/2018)
Vào lúc 08 giờ sáng ngày 09/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án "20 thanh niên Biên Hòa - Đồng Nai xuống đường biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu" với Tội danh : "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1 Điều 218 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, địa chỉ : đường Nguyễn Du, khu phố 1, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phiên tòa phúc thẩm có 15 người kháng cáo, những thanh niên này đã bị tuyên phạt từ 8 tháng đến 18 tháng tù tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/7/2018. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa : ông Nguyễn Văn Thành ; Kiểm sát viên : ông Phan Hoàng Quân.
Có 3 luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho tất cả 12 bị cáo, riêng 3 bị cáo còn lại không liên lạc được với gia đình để mời luật sư.
Bản Cáo trạng 15 trang truy tố 20 người vào ngày 10/6/2018 "lợi dụng" việc Quốc hội đưa ra thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, cùng với khoảng hơn 200 người tụ tập thành đám đông mang theo băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ Quốc đi bộ, cùng nhiều xe mô tô diễu hành và hô "Phản đối", "Phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm", "Phản đối Quốc hội thông qua luật đặc khu",.. xuất phát từ khu vực Công viên 30/4 theo Quốc lộ 1A tiến về ngã tư Tam Hiệp. Các bản ảnh trong hồ sơ cho thấy công an đã đồng hành với đoàn biểu tình trong trật tự, chia cắt nhỏ đoàn biểu tình, ép họ vào con đường Nguyễn Ái Quốc và cuối cùng dồn họ vào con đường Dương Tử Giang hốt họ lên xe chở về đồn công an.
Hành vi của các bị cáo đều giống nhau, lái xe mô tô, chở người cầm cờ, cầm khẩu hiệu và hô "Phản đối" được Cáo trạng liệt kê mỗi người chỉ độ 5 - 7 dòng.
Ngày 6/11/2018, các luật sư đã tiếp xúc với 12 bị cáo có kháng cáo, bao gồm 5 nam và 7 nữ, tại Nhà tạm giữ và Trại B5 - Công an thành phố Biên Hòa. Tất cả các bạn trẻ đều nhận có đi biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu xuất phát từ lòng yêu nước, không bị ai xúi giục và không có 300 nghìn đồng.
Trần Nguyễn Duy Quang sinh năm 1983, Hồ Công Di sinh năm 1995, Diệp Út Tiền sinh năm 1994, cả ba đều nhỏ con nhưng không ngờ lại có những suy tư về thời cuộc sâu sắc hơn người. Quang có tiền sử về bệnh động kinh, được coi là người dẫn đầu đoàn biểu tình, bị xử phạt nặng nhất 18 tháng tù.
Đinh Mã Phong sinh năm 1990, Đoàn Văn Thưởng sinh năm 1974, cả hai vốn là một quân nhân đã từng cầm súng bảo vệ Tổ Quốc nói tụi em không có lợi dụng để gây rối như Cáo trạng quy kết.
Bảy bị cáo nữ tuy là thân phận nữ nhi, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng mang trong mình dòng máu của Bà Trưng, Bà Triệu. Điển hình như Phạm Ngọc Huyền sinh năm 1995, nghề nghiệp công nhân, có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn cả, nói một cách tự tin : Cháu đi biểu tình vì chỉ vì cháu nghĩ "nước mất thì nhà tan".
20 thanh niên xuống đường phản đối dự luật đặc khu đã bị tuyên án tù vào ngày 9/11
Phạm Ngọc Hạnh sinh năm 1973, là mẹ của 5 con nhỏ, là cán bộ phụ nữ phường, đang nằm bệnh xá B5 hơn 1 tháng nay do cao huyết áp, khó thở và đau đầu gối, được coi là nhân vật quan trọng thứ 2 với mức án 16 tháng tù đã rất mạnh mẽ kể về hành động của mình vào ngày 10/6/2018.
Đinh Mã Phong và Phạm Ngọc Huyền muốn nhờ các luật sư bào chữa luôn cho 3 bị cáo mà gia đình họ không mời luật sư, nhưng tiếc rằng thời gian mở phiên tòa cận kề và phải có yêu cầu của chính bị cáo hay gia đình họ. Chúng tôi hứa sẽ lên tiếng bảo vệ hết cho tất cả 15 bị cáo tại phiên tòa.
Kết quả phiên tòa phúc thẩm ngày 9/11/2018 dù có thế nào đi chăng nữa chúng ta vẫn trân quý họ.
Nguyễn Văn Miếng
Chú thích :
(*) Mượn tên một tựa sách của Nguyễn Ngọc Lan, Saigon, 1973
*********************
Cưỡng chế Chùa An Cư theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đà Nẵng (RFA, 09/11/2018)
Chùa An Cư tại phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng vào sáng ngày 9/11/2018 bị lực lượng chức năng địa phương cưỡng chế. Thượng tọa Thích Thiện Phúc, vị trụ trì Chùa An Cư, phải miễn cưỡng giao Chùa cho đoàn cưỡng chế để về Huế xin tá túc.
Chùa An Cư ở Đà Nẵng - Courtesy Blogger Tuấn Khanh
Biện pháp cưỡng chế được thực hiện theo văn bản của Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Quận Sơn Trà ký ngày 2/11 mà theo đó là căn cứ theo các quyết định vào tháng 9 của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ.
Lý do cưỡng chế Chùa An Cư với diện tích 332,7 m2 mà UBND Thành phố Đà Nẵng nêu ra là để phát triển đô thị, văn hóa.
Yêu cầu của chư tăng trong chùa cho biết xin nhường một phần đất và xin phần còn lại để tiếp tục hoạt động nhưng chính quyền vẫn không đáp ứng. Thượng tọa Thích Thiện Phúc trụ trì chùa An Cư giải thích với RFA.
Vì công ích của xã hội, mở đường mở xá, trường học, bệnh viện… thì bây giờ tôi cho nhà nước 100m, không nói về tính toán tiền bạc nhưng đó cũng khoảng mười mấy tỷ. Còn bao nhiêu đất ngay ở chùa còn lại thì để tôi làm lại. Số tiền 400 triệu (hỗ trợ) thì cũng không là bao.
Thượng tọa Thích Thiện Phúc nhấn mạnh với chúng tôi lý do cưỡng chế là vì chùa An Cư thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất không được Chính quyền Việt Nam công nhận.
Biết và đọc được ý nghĩ của họ là họ sẽ tìm cách phá tất cả các cơ sở của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Họ không muốn tồn tại. Các thành viên của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất thì bị họ đàn áp khốc liệt. Nhà nước thì họ không thể thiếu bao nhiêu đó mà không thể cung cấp cho mình, nhưng mà vì lý do đó nên họ phá.
Qua cuộc trò chuyện với RFA, Thượng tọa Thích Thiện Phúc nhắc đến chùa Liên Trì và cho rằng trường hợp đó cũng giống như chùa An Cư, bị chính quyền xem là ‘cái gai’ trong mắt và cần phải ‘nhổ bỏ.’
Vào ngày 8/9/2016, một cơ sở khác của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất là Chùa Liên Trì tại Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa Thượng Thích Không Tánh trụ trì cũng đã bị cưỡng chế.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được cho thành lập từ năm 1964 và không được chính quyền Việt Nam công nhận.
********************
Tài sản tu sĩ Cao Đài không theo Nhà nước lại bị đốt phá (RFA, 09/11/2018)
Ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết nhà sản xuất cà phê của ông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa bị công an đốt sau khi ông đi gặp phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11 vừa qua tại Sài Gòn cùng một số vị lãnh đạo tôn giáo khác.
Ông Hứa Phi và dụng cụ bị đốt cháy. Courtesy of FB Hứa Phi
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào ngày 9 tháng 11, Chánh trị sự Hứa Phi cho biết diễn biến :
"8/11/2018 tôi có vô thăm rẫy cà phê của chúng tôi. Tôi vô thấy cái nhà trong vườn cà phê để sản xuất cửa đã bung ra rồi, bên trong cháy hết 3 phòng. Trong đó gồm dụng cụ sản xuất nông nghiệp, tủ lạnh, máy giặt này kia cũng cháy tan hoang hết".
Ông Chánh trị sự Hứa Phi đưa ra lập luận về đối tượng gây ra vụ phá hoại như vừa nêu mà theo ông là công an địa phương :
"Trước đó ông Thịnh và ông Vinh, công an huyện Đức Trọng, nghĩa là những người công an mật, an ninh, cũng đã vô nhà hỏi rồi. Chiều mùng 4 tây đến khuya mùng 4 rạng mùng 5, người ta thấy tôi đang ở Sài Gòn, đang ở trong đó thì người ta tức giận vì canh gác cả đêm mà giữ tôi không được nên người ta tức, người ta đốt tất cả những dụng cụ tôi sản xuất".
Ông Hứa Phi là người mạnh mẽ lên tiếng phản đối những đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với Đạo Cao Đài không theo phái nhà nước lập nên ; cũng như đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Theo Chánh trị sự Hứa Phi, đây không phải là lần đầu tiên ông bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp, ngăn cấm đi gặp các phái đoàn ngoại giao, tổ chức nhân quyền.
Gần đây nhất, Chánh trị sự Hứa Phi cho biết ông đã bị công an địa phương mặc thường phục đến nhà vào chiều ngày 22/6, đánh đập đến bất tỉnh rồi cắt râu của ông. Nguyên nhân được cho biết là do ông nhận được giấy mời từ Đại sứ quán Úc để gặp các viên chức đại sứ quán vào ngày 25/6.