Trường hợp tù chính trị Nguyễn Văn Hóa được trình lên Liên Hiệp Quốc (RFA, 08/11/2018)
Kiến nghị về trường hợp tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa được tổ chức Freedom Now và Công ty luật toàn cầu Dechert LLP thay mặt gửi đến Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện và yêu cầu có hành động ngay lập tức về trường hợp này.
Tổ chức Freedom Now lên tiếng cho Nguyễn Văn Hóa - RFA
Thông báo đề ngày 6 tháng 11 do Freedom Now phát đi với nội dung vừa nêu.
Tổ chức này nêu rõ Việt Nam tiếp tục giam giữ anh Nguyễn Văn Hóa là vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như Tuyên Ngôn Nhân quyền Quốc Tế
Ông Kate Barth, Giám đốc pháp lý của Freedom Now nói rằng anh Nguyễn Văn Hóa không phải là tội phạm mà chỉ là một nhà báo công dân tường thuật về thảm họa môi trường, và việc tiếp tục giam giữ anh Hóa là một bằng chứng Việt Nam đang hình sự hóa hoạt động báo chí.
"Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả anh Hóa ngay lập tức và vô điều kiện. Chúng tôi tin rằng Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện cũng sẽ có kết luận tương tự", ông Barth nói thêm.
Vào tháng 4 năm 2016, bốn tỉnh miền Trung Việt Nam gánh chịu thảm họa môi trường do Nhà máy thép Fomosa Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra biển khiến cá chết hàng loạt, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có. Các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân phản đối nhà máy thép Fomosa diễn ra khắp nơi dưới sự đàn áp của nhà cầm quyền.
Anh Nguyễn Văn Hóa là nhà hoạt động tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối Nhà máy thép Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung và giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này.
Cũng theo Freedom Now thì trước khi bị bắt, Nguyễn Văn Hóa quay phim cho ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do. Hóa là người đầu tiên sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào tháng 10/2016.
Nguyễn Văn Hóa bị bắt vào ngày 11/1/2017 nhưng đến ngày 6/4/2017 chính phủ mới chính thức ra thông báo bắt giữ. Anh bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự trong phiên xử hôm 27/11/2017.
Phiên xử không hề được thông báo trước, không có luật sư bào chữa và diễn ra chóng vánh chỉ trong hai tiếng rưỡi.
Vào ngày 24/10 vừa qua, thân nhân anh Nguyễn Văn Hóa công khai bức thư anh gửi về cho gia đình, cho biết Phó giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã đánh đập anh tại phòng cách ly của Tòa án khi anh được đưa đến để làm chứng trong phiên xử ông Lê Đình Lượng vào ngày 16 tháng 8 năm 2018.
**********************
Tổ chức Mỹ kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa (VOA, 08/11/2018)
Tổ chức Freedom Now và công ty luật toàn cầu Dechert LLP, cả hai đều có trụ sở ở Mỹ, hôm 6/11 đã thay mặt cho anh Nguyễn Văn Hóa gửi kiến nghị đến Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện yêu cầu có hành động ngay lập tức để Việt Nam trả tự do cho anh Hóa.
Nguyễn Văn Hóa là nhà báo độc lập
Nguyễn Văn Hóa là người tường thuật về thảm họa môi trường ở các tỉnh miền Trung do nhà máy thép Formosa xả thải hồi năm 2016 để cung cấp tin bài cho các trang mạng. Anh bị chính quyền Việt Nam bắt giữ hồi tháng 1 năm 2017 và sau đó ra tòa vào tháng 11 cùng năm với tội danh ‘Tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trong phiên tòa này, Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án bảy năm tù cộng với ba năm quản chế.
Hai tổ chức này cho rằng việc chính quyền Việt Nam tiếp tục cầm tù anh Hóa là ‘vi phạm Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền’.
"Nguyễn Văn Hóa không phải là tội phạm. Anh ấy chỉ là nhà báo công dân tường thuật về thảm họa môi trường tai hại vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người", Kate Barth, giám đốc pháp lý của Freedom Now, nói. "Việc anh tiếp tục bị giam giữ là sự vi phạm những quyền cơ bản của anh và là một bằng chứng đáng buồn nữa của nỗ lực của Việt Nam hình sự hóa hoạt động báo chí".
"Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả anh Hóa ngay lập tức và vô điều kiện. Chúng tôi tin rằng Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện cũng sẽ có kết luận tương tự", Barth nói thêm.
Lúc đầu, anh Hóa bị bắt với cáo buộc ‘sở hữu ma túy’. Nhưng sau đó, tội danh của anh đã bị chuyển sang ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự và cuối cùng bị xử theo điều 88.
Trước khi bị bắt, anh Hóa là người quay phim làm việc cho Ban Tiếng Việt của Đài Á Châu Tự do (RFA). Anh cũng đăng tải những đoạn phim quay được về những cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng nhà máy Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh.
Vào tháng Tư năm 2017, truyền hình Việt Nam phát sóng cảnh quay sẵn cho thấy Nguyễn Văn Hóa ‘nhận tội’.
********************
Tù chính trị Nguyễn Văn Túc bị chuyển trại giam đến Nghệ An (RFA, 08/11/2018)
Tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, vừa bị chuyển trại vào sáng ngày 8 tháng 11 nhưng gia đình không hề được thông báo.
Tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc. AFP
Thông tin này được bà Bùi Thị Rề, vợ ông Túc đưa lên facebook cá nhân sau khi thăm vào chiều cùng ngày mà không gặp được ông Túc.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chị Nguyễn Thị Mai, con gái ông Túc cho biết :
"Người ta không thông báo gì cả. Lúc mẹ em lên gửi đồ và quần áo thì người ta mới báo chuyển đi từ lúc sáng mà lúc chiều mẹ em mới tới. Ở trại Thái Bình có cái bảng ghi chi tiết ngày hôm nay người nào chuyển đi trại nào, nhưng lúc gặp anh quản giáo anh ấy nói với mẹ em chuyển đi rồi, mẹ em xem chuyển đi đâu thì người ta không ghi. Thông tin rất mập mờ, anh ấy bảo hình như chuyển đi trại Nghệ An thôi chứ không phải chắc chắn".
Chị Mai cho biết thêm gia đình chị vẫn sẽ sắp xếp để đến Trại giam số 6, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An vào cuối tuần này theo như thông tin ghi nhận được, dù không biết chắc là ông Nguyễn Văn Túc có đang thật sự ở trại giam đó hay không.
"Hỏi mấy bác mà bị giam như bác Đức với chú Thức thì vợ bác ấy bảo là trại giam số 6 Nghệ An nhiều phân trại lắm, ở đâu mới vào được, mỗi phân trại cách nhau không phải là gần".
Ông Nguyễn Văn Túc bị tuyên y án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm tại Tòa án tỉnh Thái Bình hôm 14/9.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Túc, đồng thời giữ nguyên bản án và cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự 1999 tại phiên sơ thẩm đối với ông này.
Theo chính phủ Hà Nội, Hội Anh em Dân Chủ bị cáo buộc là tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.