Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/11/2018

Thân phận nông dân Việt : nạn nhân của cường hào, gian thương và sạt lở

RFA tiếng Việt

Nỗi niềm người dân mất đất tại Long Hưng (RFA, 09/11/2018)

Long Hưng từ một vùng quê trù phú trước đây, nay trở nên hoang tàn sau 10 năm thực hiện dự án ‘Khu Đô thị Kinh tế mở Long Hưng’. Đây là dự án mà vào năm 2008, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho Tập đoàn DonaCoop làm Chủ đầu tư.

vn1

Ông Hòa, người dân xã Long Hưng, không ngừng chảy nước mắt khi chia sẻ về cuộc sống gia đình sau khi bị cưỡng chế nhà. RFA

Cưỡng chế nhà, đất

Có mặt tại nơi gọi là "Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng" vào một buổi trưa nắng nhẹ chúng tôi chẳng thấy "Kỳ quan vùng sông nước" ở đâu ? Hay cũng chẳng thấy "thành phố mơ ước" như những câu slogan, biển pa-nô mà Tập đoàn doanh nghiệp DonaCoop quảng bá cho dự án mà họ nói sẽ triển khai tại khu vực này. Thay vào đó là cả một vùng đất rộng lớn với lác đác vài công trình xây dựng dang dở.

Nằm cách QL51 khoảng vài ba phút đi bằng phương tiện xe máy, chúng tôi được người dân hướng dẫn đi vào con đường gồ gề đất đá để đến dãy nhà trước kia là trụ sở hành chính của xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nay là nơi tạm cư của những người cho rằng họ là nạn nhân do dự án DonaCoop gây nên trong khoảng thời gian gần mười năm trở lại đây.

Cả một vùng quê vốn được cư dân địa phương nhớ lại là ‘yên lành, trù phú’ phút chốc biến thành nơi kêu khóc dậy trời, đau khổ tột cùng bởi biện pháp cưỡng chế.

"Họ nhào vào hết tất cả để uy hiếp vợ chồng tôi, cách giống như là đuổi bắt kẻ thù. Sau khi tấn công được kẻ thù xong là lập tức trói, xô ngã. Phụ nữ của xã với lại hai người nữa mà tôi không biết tới thúc ké tôi, trong đó có ông Tuấn an ninh thành phố Biên Hòa nhìn như giang hồ xã hội đen, rất là gian ác, đối xử với dân bị cưỡng chế rất là tàn bạo.

Xua người vào đập nhà tôi ngay tức khắc. Tôi nói thật, rất là đau lòng, chưa bao giờ tôi ở trong một trạng thái mà có thể tưởng tượng một đất nước, một chính quyền mà có thể đối xử người dân thô bạo tàn nhẫn đến như thế. Trong khi sổ đỏ đất đai nhà tôi vẫn còn giữ đó, tự nhiên giờ đất lại không còn, phải đi ở một cái nơi không phải là của mình, tạm bợ".

Đó là chia sẻ của bà Ngô Thị Xuân Thu, hộ gia đình ở xã Long Hưng buộc phải chống khoảng hơn hai trăm công an, lực lượng chính quyền các loại của tỉnh Đồng Nai khi đến cưỡng chế đất và nhà vào ngày 8/9/2016.

Trong khi đó "Ăn cơm nhà không muốn, muốn ăn cơm tù" đó là câu nói của lực lượng cưỡng chế tỉnh Đồng Nai vào thời điểm cưỡng chế hộ gia đình bà Phan Thị Giàu.

"Nó cưỡng chế đất tôi, tôi ra tôi cản. Tôi không cho đổ đất thì khi đó tất cả lực lượng đông lắm. Họ nói tôi chống người thi hành công vụ. Tôi nói tôi không có chống, đất tôi tôi giữ chứ tôi không có chống ai hết. Họ hỏi đất tôi ở đâu ? Tôi nói đất tôi ở đây nè thì họ đi ra. Có hai người công an đè tôi và một an ninh tên Tuấn ở đâu tỉnh ấy, tôi chỉ biết vậy thôi. Bắt đầu họ dí tôi chạy, đem xe tới bắt tôi lên xe, tôi bỏ chạy vòng vòng quanh đất của tôi mà tôi là phụ nữ chạy đâu có lại. Họ hỏi tôi ăn cơm nhà không muốn, muốn ăn cơm tù hả ?"

Hộ gia đình bà Phan Thị Giàu cư trú ở Khu 1, ấp Phước Hội có 742 m2 đất thổ cư cùng tài sản nhà cửa, cây cối bị DonaCoop áp đền bù hết thảy là hơn 300 triệu đồng. Hộ gia đình bà Giàu thấy nhiêu đó không đủ để mua chỗ ở mới, không di dời đâu được nên không đồng ý giao đất. Bà Giàu chia sẻ thời điểm gia đình bị chính quyền tỉnh Đồng Nai cưỡng chế vào năm 2012.

"Bữa đó cưỡng chế, là người dân tôi nghe đến cưỡng chế, đập nhà là tôi sợ lắm ! Rất là sợ ! Công an, cảnh sát, xe chữa cháy, cứu thương nhiều lắm, đông lắm. Tôi thấy từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới thấy một lần đầu tiên như vậy tôi rất là sợ. Cho nên nó vào đập làm gì rồi nó chở đồ đạc của tôi đi đâu tôi cũng không biết. Con tôi đi theo xe xuống đây, nó vứt ở đây thì xuống ở thôi chứ lúc đó tôi như người mất hồn không biết chuyện gì nữa hết".

Theo chị Trịnh Thị Nhàn, người dân thì rất ôn hòa. Căng thẳng và đụng độ xảy ra khi có một nhóm người lạ mặt không biết từ đâu đến đã có hành động quá khích, đập phá trụ sở Ủy ban gây thiệt hại được nói khoảng 650 triệu đồng. Đây là nguồn cơn để sau đó, Ủy ban xã gọi cảnh sát 113, cơ động đến đàn áp người dân.

"Lúc đó dân có một số người bị ngất xỉu thôi vì bị chích roi điện, dân tưởng chết nên la lên giống như là cảnh sát cơ động với dân giáp lá cà vậy đó. Cuối cùng có một số người lạ mặt tôi không biết, tôi cũng nghe nói là số người lạ mặt đó đập phá ủy ban, đốt xe gì đó. Cuối cùng là nguyên cả cái xã này, người mà ở tù thì trong vòng năm, sáu chục người, còn chết trong tù cũng vài người, một số người như gia đình tôi có mấy anh bị mời lên làm việc bị đe dọa bắt phải nhận tội là có tham gia trong sự việc đó. Nhưng nhà tôi không có chuyện đó, cuối cùng không bắt nhà tôi, một số nhà bị án treo nói chung rất là nhiều".

vn2

Công trình Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng. RFA

Chị Trịnh Thị Nhàn trình bày tiếp :

"Đập nhà, tôi vào đây ở cũng gần bảy năm rồi nhưng cứ đền cho tôi sáu mươi mấy triệu đồng mà thôi. Tôi không lấy, mà tôi đang kiện tụng. Tôi ở đây cũng bị đe dọa, bắt tôi phải ra ở ngoải đăng ký nhà nhưng tụi tôi quyết định không đi được, không có tiền đủ để mà cất nhà".

Theo chị Nhàn, vì gia đình chị phản kháng quyết liệt, không chấp nhận giao đất cho nhà đầu tư DonaCoop để thực hiện dự án "Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng" trái pháp luật nên vào tháng 12/2011, Ủy ban nhân dân Thành phố .Biên Hòa đã ra quyết định số 5045/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế đối hộ gia đình chị. Chống trả với lực lượng cưỡng chế được mấy ngày, cuối cùng gia đình chị Nhàn phải thất thủ để đoàn cưỡng chế tầm khoảng mấy trăm người tiến vào đập phá nhà cửa.

"Tôi quyết định phản kháng. Tôi không chấp nhận, tôi phản đối quyết liệt bằng cách tôi dùng xăng, bình ga để phản đối, không cho đập nhà tôi. Trong vòng một ngày kéo dài, bao vây tôi cả năm, sáu trăm công an, cảnh sát, tất cả các lực lượng cơ động, an ninh bao vây nhà tôi trong vòng một ngày làm không được. Qua mấy ngày sau cứ cho người đi tới đe dọa tôi đủ điều, cuối cùng tôi mệt quá tôi đi bệnh viện thì ở nhà tự vào cưa phá nhà tôi, tẩu tán tài sản của tôi cho đến hiện bây giờ một số tài sản của tôi chính quyền xã xác nhận chưa trả cho tôi, mất của tôi mà đến giờ vẫn không trả".

Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng

Những người cho rằng họ là nạn nhân của DonaCoop mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định việc Chính quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án "Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng" là trái thẩm quyền, qua mặt Chính phủ. Họ dẫn chiếu Khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định "Dự án khu đô thị mới thuộc mọi nguồn vốn có quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép đầu tư…" Cho nên người dân xã Long Hưng không chấp nhận giao đất vì nếu giao sẽ tiếp tay cho hành động sai trái.

Ông Phan Văn Hoa, sinh năm 1959, cư dân xã Long Hưng trình bày :

"Thà rằng nếu mình không biết gì hết thì buông tay buông xuôi, mà giờ mình hiểu pháp luật quy định rõ ràng như ban ngày vậy mà. Dự án kinh doanh là phải thỏa thuận chứ đâu phải dự án kinh doanh đi thu hồi đất, phá nhà dân, cưỡng đoạt tài sản…".

Sau khi hoàn thành công việc cưỡng chế, DonaCoop và chính quyền tỉnh Đồng Nai cấp tốc cho san lấp mặt bằng, phân lô bán nền và tập trung cả ngàn hộ dân xã Long Hưng vào nơi ở mới, phân lô đất dự án bán lại giá cao gấp trăm lần thậm chí là gấp mấy trăm lần như lời chị Nhàn nói :

"Giá mà họ đền cho tụi tôi là 60.000 đồng/m2 mà hiện bây giờ chủ đầu tư bán thấp nhất là từ 7 triệu đồng/m2 và giá cao nhất là 38 triệu đồng/m2".

Ông Hòa không ngừng chảy nước mắt khi chia sẻ với chúng tôi, vì lúc chưa có DonaCoop đến thì cuộc sống gia đình của ông có thể nói là tương đối khá sung túc. Còn bây giờ…

"Bây giờ tôi rất là khổ, phải lăn lóc tìm đủ mọi cách để sống".

"Nó bắt nó nhốt mình. Nói mình chống người thi hành công vụ, bắt đóng phạt một triệu mấy. Bắt hết cả nhà, thử hỏi làm sao chịu nổi… còng mình y như là tội phạm vậy, nó còng mình y con chó, y tội phạm vậy".

Người dân xã Long Hưng ôm đơn đi cầu cứu khắp nơi trong vô vọng, không còn tin tưởng vào pháp luật là bức xúc của chị Nhàn hiện tại :

"Mỗi khi chúng tôi tới đa phần bị đe dọa, giống như là đập bàn đập ghế đe dọa. Nói chung là càng đi kiện chúng tôi càng không tin tưởng vào cái pháp luật này nữa".

Theo trình bày thì cả xã Long Hưng vào đêm 18/2/2009 có đến 680 người bị bắt, trong đó có 46 người bị kết án tù với tổng mức án lên đến 140 năm và sau này có trường hợp được cho biết "tự tử" trong trại giam, cũng có số sau khi mãn án tù về nhà không ngừng kêu oan.

Anh Hiệp, một trong số 46 người bị kết án tù trong sự kiện này chia sẻ :

"Rồi bắt đầu họ bắt ra tuyên án, ở tù. Thì cũng vấn đề đất đai này không rõ ràng, dân không đồng tình, chưa bàn bạc mà tràn xuống làm ẩu làm tả rồi mồ mả của người ta chưa có gì mà ra đánh dấu trên mộ bia tùm lum. Tôi thì cũng có lên mà đi vòng vòng đó, cuối cùng nó để tôi là gây rối trật tự công cộng, kết án nếu đàng hoàng là hai năm tù giam mà treo thì bốn năm, nhờ gia đình liệt sĩ nên nó kêu án treo là bốn năm".

Dự án "Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng" nằm ở vị trí được nhìn nhận là đắc địa tức giáp sông Đồng Nai và quận 9 Thành phố .Hồ Chí Minh, cách ngã ba Vũng Tàu khoảng 2 km… Khu vực này hiện đã rộng đến 1.276 ha đất, với tổng số vốn đầu tư được Tập đoàn DonaCoop thông tin là 12 tỷ USD bao gồm 5 dự án chính gồm : Khu đô thị Long Hưng với diện tích 227 ha, dự án Waterfront có quy mô 366 ha liên doanh với tập đoàn Keppel Land, dự án Aqua city có quy mô 305 ha liên doanh với Vina Capital, dự án Đảo Phụng Hoàng 286 ha và dự án Bán Đảo Cường Hưng 92 ha.

Tập đoàn doanh nghiệp DonaCoop được thành lập vào ngày 20/10/2005 từ việc liên kết của 9 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và trụ sở giao dịch chính đặt tại Khu 2, ấp Phước Hội, xã Long Hưng với 30 xã viên sáng lập và vốn điều lệ ban đầu là 450 triệu đồng.

*********************

Lãnh đạo Việt Nam sao phải trần tình "vì dân" ? (RFA, 09/11/2018)

Hôm 7/11 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố ông Nguyễn Thành Phong tại buổi tiếp xúc người dân Thủ Thiêm khi bị chất vấn lãnh đạo thành phố có thực tâm giải quyết vấn đề Thủ Thiêm hay không, ông Nguyễn Thành Phong trần tình rằng : "Tôi làm Chủ tịch Thành phố mà không xuất phát từ lợi ích của người dân thì làm cái gì ? Không quan tâm đến lợi ích của người dân thì làm sao đủ tư cách làm chủ tịch".

vn5

Ông Nguyễn Thành Phong chủ tịch UBND thành phố tại buổi tiếp xúc người dân Thủ Thiêm. Screen Capture from Video

Ông Lê Văn Lung, một trong những người đại diện nhóm người dân khiếu kiện tại Thủ Thiêm, khẳng định rằng ông không tin vào lời nói đó, bởi thật sự nếu vì dân thì việc giải quyết khiếu nại của hàng trăm người dân bao năm qua đã không kéo dài cho đến hiện nay và không biết đến bao lâu nữa.

Nhà báo Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cho rằng, đa phần các quan chức lâu nay tại các diễn đàn họ nói rất nhiều về việc bảo vệ quyền lợi người dân nhưng trong thực tế hoàn toàn khác.

"Bây giờ có vì ai, vì dân, vì nước hay vì ông nào thì phải xem lại thực sự các việc làm của họ, chứ nói một đường làm một nẻo thì hãy nhìn vào việc làm của họ chứ không phải dựa vào lời nói lâu nay".

Đồng quan điểm với nhà báo Trương Duy Nhất, luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ với chúng tôi rằng, các lãnh đạo Việt Nam đều mắc chung một triệu chứng :

"Có lẽ lãnh đạo Việt Nam bị mắc một căn bệnh chung là hay quên những điều mà họ nói trước dân. Cho nên, công chúng Việt Nam thường phải chứng kiến những hành xử của lãnh đạo trái ngược với điều họ đã nói".

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật làm việc tại rừng Nam Cát Tiên cho rằng lời nói phải được kiểm chứng qua hành động, chứ như những việc xảy ra thời gian gân đây, thì người dân không còn tin vào chính quyền.

"Nếu vì dân thì xã hội phải thật dân chủ, mọi người cùng thức tỉnh bầu một cách dân chủ thì cái điều đó gần như sẽ đúng nhưng mà cái xã hội mình qua quá trình bầu cử và qua quá trình đụng đâu dính đó của ông Trọng về việc chống tham nhũng như thứ trưởng rồi các lãnh đạo công an… những người được gọi là tinh khiết nhất cũng tham nhũng".

Chỉ riêng trong vụ Thủ Thiêm, sau khi có những phát biểu của lãnh đạo như của ông bí thư Nguyễn Thiện Nhân ‘chúng tôi không gạt bà con đâu’ cho đến lời trần tình của ông Nguyễn Thành Phong ‘không làm vì dân thì vì cái gì’, hầu hết mọi ý kiến của người dân trong cuộc đều nêu rõ họ không cần lời nói họ cần một hành động thật sự từ phía chính quyền, nhất là ban lãnh đạo phải làm gương để người dân noi theo.

Đồng ý về điều này luật sư Mạnh cho biết :

"Tôi nghĩ rằng, trong quan hệ thông thường giữa con người với nhau, thì sự thành tín, nhất quán giữa lời nói và việc làm là hết sức cần thiết và phải xem là tiêu chuẩn ứng xử bình thường. Huống chi là lãnh đạo thì càng phải gương mẫu về điều này".

Buổi tiếp dân Thủ Thiêm hôm ngày 7/11 có mặt Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương. Hình ảnh được truyền đi trên mạng cho thấy giữa những người dân, ông này cầm một điếu xì gà, đeo đồng hồ Rolex nhận khá nhiều ‘búa rìu dư luận’.

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho rằng hình ảnh đó cho thấy thực tế lời nói của cán bộ không đi đôi với hành xử hằng ngày của họ đối với người dân :

"Tôi nghĩ rằng với hình ảnh đó nó đã chứng minh được hơn tất cả mọi lời bình, mọi nhận xét đánh giá. Tôi cho rằng quan chức đi tiếp dân ai cho cầm điếu thuốc, hình ảnh như vậy đã tố cáo hết tất cả rồi".

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật làm việc tại rừng Nam Cát Tiên cho rằng bản chất của chính trị là thủ đoạn. Tại Việt Nam lâu nay người ta chỉ hô hào suông ‘vì dân, vì nước’ ; chức mục đích chính là phục vụ cho quyền lợi của chính những người lãnh đạo và nhóm lợi ích cùng họ trục lợi.

"Nói thẳng ra cho dễ hiểu là chỉ vơ vét thôi chứ họ chả có lý tưởng gì đâu, nếu cần thiết họ sẵn sàng đuổi những người đổ xương máu, gia đình thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng ra chỗ khác để họ lấy đất để cấu kết với doanh nghiệp làm dự án họ bỏ túi. Khắp cả nước chỗ nào cũng có cả. Đó là vì sao các lãnh đạo chóp bu của Việt Nam luôn luôn hò hét là phải ổn định chính trị, bởi vì ổn định thì mới vơ vét được chứ, đa nguyên đa đảng thì làm ăn được gì nữa".

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định :

Ông này nêu ra thực trạng hễ cứ làm quan chức lãnh đạo là sẽ phất lên một cách chóng mặt.

Gần đây vô số cơ ngơi lộng lẫy, hoành tráng của nhiều quan chức cả đã nghỉ hưu hay còn tại chức bị bóc mẽ. Truyền thông và người dân đều phân tích rõ với mức lương hiện nay họ không thể có được những ngôi biệt thự mang dáng vẻ ‘cung điện’ của giai cấp quí tộc, phong kiến, tư bản trước đây.

Đó là giai cấp mà hiện nay trong sách vở, giáo trình về cách mạng Việt Nam vẫn còn ghi là ‘thống trị, bóc lột…’ mà quần chúng nhân dân bị chúng đàn áp phải vùng lên đánh đổ, tiêu diệt.

********************

Củ tỏi và thân phận người Lý Sơn (RFA, 09/11/2018)

Vài năm trở lại đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi phát triển bộc phát, ngoài đèo Eo Gió ở Nghĩa Hành, thác Trắng ở huyện Minh Long, đảo Lý Sơn được nhắm đến như là điểm mạnh du lịch của tỉnh này. Và có thể nói rằng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái trên đảo Lý Sơn khá thành công. Đây cũng là niểm hi vọng cho rất nhiều gia đình ngư dân bám biển lâu đời, chịu sóng chịu gió, chịu hiểm nguy và không ít người đã trả giá bằng tính mạng. Chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt sang đánh bắt phục vụ du lịch hoặc bỏ hẳn đánh bắt sang phục vụ du lịch là lựa chọn của rất nhiều ngư dân Lý Sơn.

vn3

Tỏi Lý Sơn còn tồn đọng hàng trăm tấn mặc dù sắp sang vụ mới - RFA

Tỏi Lý Sơn : giả và thật !

Ngành nông nghiệp với cây tỏi làm chủ lực cũng nhanh chóng bắt nhịp phục vụ du lịch, bán cho khách vãng lai với giá tương đối cao và nguồn cung luôn luôn không đủ cầu trong vài năm. Thế rồi mọi chuyện đột ngột thay đổi trong vài tháng trở lại đây, cụ thể là từ khi các quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trở nên "êm đềm" hơn, người Trung Quốc được lái xe sang Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc được thông quan mạnh hơn và hàng tiểu ngạch từ hai phía Việt – Trung cũng tăng động. Củ tỏi Lý Sơn từ chỗ nổi tiếng lành tính, thơm ngon trở thành mối nghi ngại của người tiêu dùng bởi không thể phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi Trung Quốc, người nông dân Lý Sơn điêu đứng vì tỏi thật tỏi giả. Hiện tại, ở Lý Sơn sắp sang mùa trồng tỏi nhưng tỏi của vụ trước vẫn tồn đọng hàng trăm tấn.

Một nông dân trồng tỏi tên Nguyên, ở Đảo Lớn, chia sẻ : "Tỏi đẹp hồi xưa là 80 ngàn đồng mỗi ký, bữa nay còn có 40 ngàn à, rớt dữ lắm, khó sống lắm, nhưng mà đỡ cái là còn có hành nó bù qua chứ tỏi vậy khó sống lắm. Trước phơi qua xong thì tỏi đẹp được 75 ngàn một ký chứ giờ còn có 40 ký thì chết a, người nông dân chết a, bữa nay Lý Sơn khổ lắm, lý do là điêu đứng tỏi, ứ đọng như nhà tôi đã là mấy trăm ký đây. Mà may cũng có du lịch, ở đâu có du lịch thì ở đó tiến bộ hơn chứ, họ rinh đi một mớ rồi chứ không có du lịch thì khổ nữa… !

Ông Nguyên than thở rằng hiện tại, chuyện củ tỏi Lý Sơn tưởng như đơn giản nhưng thực ra, ông cảm nhận một mối nguy hiểm khó lường. Bởi trước đây người Lý Sơn yêu biển đảo, yêu chủ quyền đất nước bao nhiều thì bây giờ, cũng chính những con người khốn khó từng vào sinh ra tử ấy lại thấy yêu tiền bấy nhiêu. Tiền khiến cho nhiều người bất chấp. Hơn nữa, đã làm du lịch thì khách hàng luôn là Thượng Đế, mà khách du lịch Trung Quốc luôn chiếm con số rất cao trong các lượt khách thăm Việt Nam nói chung và thăm đảo Lý Sơn nói riêng. Một khi đã chấp nhận xem người Trung Quốc là Thượng đế thì cũng đồng nghĩa với việc các Thượng Đế sẽ tìm cách tác oai tác quái trên đảo này.

Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu du lịch ra vào đảo, đều qua cửa an ninh và được kiểm sóa t gắt gao. Vậy tại sao tỏi Trung Quốc có thể vượt 15 hải lý để vào đảo và đóng vai tỏi Lý Sơn với giá rẻ bèo, cuối cùng, củ tỏi Lý Sơn mất uy tín trên thị trường và mất cả đầu ra. Người nông dân Lý Sơn điêu đứng ?

Du lịch hái ra tiền, nguy hiểm cũng cao hơn…

Một người làm kinh doanh du lịch trên đảo Lý Sơn, không muốn nêu tên, chia sẻ : 

"Du lịch về phát triển kinh mà, đồng ý có những thứ phải thay đổi chứ. Như Hội An thì dù muốn dù không, cái thay đổi của Hội An là theo xã hội, tiến bộ còn Lý Sơn thì thay đổi vì nếu không cứ theo cái đà cù lần là đi xuống thôi nên buộc nó thay đổi, khác xưa nhiều chứ. Còn chuyện tỏi, hành thì tệ quá, căn bản là do biến động thị trường, chứ một số tỏi ở trên đất liền mang ra đảo bán thì chẳng đáng gì nhưng do biến động thị trường kinh quá, đọng, ứ đọng, nhất là thị trường Trung Quốc, nó ăn nhiều, nó nhập nhiều, nó nhập về quá mức luôn, nó ép !".

vn4

Củ tỏi gắn liền với đời sống cư dân Lý Sơn. RFA

Vị này chia sẻ thêm rằng nếu với đà hiện tại, nghĩa là người ta thi nhau làm du lịch, lấy lợi nhuận làm kim chỉ Nam và bất chấp mọi chuyện… thì nguy cơ người Trung Quốc núp bóng một nhà đầu tư nào đó vào thao túng các diện tích đất vàng trên đảo Lý Sơn không phải là chuyện tưởng tượng mà đó phải là sự thật. Hiện tại, có một tập đoàn kinh tế nổi tiếng đã vào thao túng toàn bộ bờ biển Lý Sơn để xây dựng du lịch. Và theo vị này, với mức độ thao túng như vậy, đến một lúc nào đó các dự án này đi vào hoạt động thì cơ may hái ra tiền từ du lịch của người dân Lý Sơn sẽ teo tóp trở lại. Đó là chưa muốn nói đến các chuyến tàu đặc cách chỉ chở khách Trung Quốc vào thăm Lý Sơn.

"Lo chứ, sợ chứ… ví như vừa rồi có một tập đoàn FLC đó, nó định mở ra Lý Sơn, quy hoạch ngoài này, dân Lý Sơn phản ảnh, sợ lắm ! Làm gì thì làm nhưng Trung Quốc đứng sau thì dân đả đảo. Lý Sơn làm gì thì làm cũng có truyền thống là ngày xưa ông bà đi giữ đảo vậy mà giờ Trung Quốc nó lấy Hoàng Sa rồi, tức giữ lắm mà không biết làm sao. Giờ nhiều khi cán bộ tham nhũng, ăn hối lộ rồi cái gì vào cũng có Trung Quốc đứng đằng sau thì dân bức xúc lắm, ghét ghê lắm ! Nói chung là nếu để bọn nó núp bóng vào, tương lai nếu mà để nó thay thế thì mất đảo (Lý Sơn) luôn á !".

Ông nhấn mạnh thêm, sở dĩ ông không nhắc đến khách các nước mà chỉ nói đến khách Trung Quốc bởi hai chữ này là nỗi ám ảnh lâu dài của người Lý Sơn. Đã có không biết bao ngư dân vì chén cơm manh áo, và vì cả chủ quyền biển quốc gia đã đương đầu sóng gió, hiểm nguy để đánh bắt, giữ ngư trường Hoàng Sa thần thánh. Và cũng từng có một hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn thề không bao giờ để mất Hoàng Sa. Thế nhưng mọi chuyện trở nên khôi hài một khi đồng tiền phá sạch mọi thứ.

Củ tỏi Lý Sơn bị điêu đứng trên thị trường, nông dân Lý Sơn tuyệt vọng, câu chuyện ấy không đơn giản là câu chuyện kinh tế. Ông cho rằng sâu xa bên trong mùi vị, màu sắc và giá trị của củ tỏi Lý Sơn cũng là mùi vị dân tộc, màu sắc lòng yêu nước, quyết tâm giữ nước và giá trị trung kiện của nhiều thế hệ. Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.

Nhóm phóng viên

*****************

Tình trạng sạt lở ở Việt Nam, nguyên nhân và làm sao để hạn chế ? (RFA, 09/11/2018)

Tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung ngày càng gia tăng nghiêm trọng thời gian gần đây. Các chuyên gia nói gì về hiện trạng này và đưa ra những giải pháp nào ?

vn6

Bờ biển Cửa Đại, Hội An, bị xói lở nghiêm trọng. Courtesy kttvqg.gov.vn

Gia tăng bất thường

Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung tại trụ sở chính phủ hôm 7 tháng 11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp với mức độ nhận định ngày càng gia tăng.

Từ Nghệ An đến Bình Thuận có 13 tỉnh, thành phố ven biển, với chiều dài bờ biển hơn 1.600 km cùng mạng lưới sông ngòi với 48 cửa sông đổ ra Biển Đông.

Tính đến tháng 7 năm 2018, toàn bộ bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. Khu vực sạt lở nghiêm trọng nằm ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giảng dạy tại Đại học Cần Thơ đưa ra nhận định về vấn đề này :

"Thật ra thì sạt lở đã xảy ra lâu rồi, nhưng những năm gần đây nó gia tăng rất là rõ rệt. Các báo cáo về sạt lở từ miền bắc miền trung đến miền nam xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Có rất nhiều cách để lý giải nguyên nhân sạt lở, thứ nhất là do thời tiết bất thường hơn, gió bão nhiều hơn, sóng mạnh hơn. Thứ hai là hoạt động con người, những chỗ xung yếu, chúng ta mất đi rừng bảo vệ, việc khai thác cát tràn lan, hoặc xây dựng công trình không chú ý việc thay đổi dòng chảy cũng làm khả năng sạt lở gia tăng. Tóm lại nguyên nhân gây sạt lở vừa là do con người và cũng do thiên nhiên".

Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, tình trạng sạt sở không chỉ xảy ra ở bờ biển miền trung, miền bắc, mà còn xảy ra rất nhiều ở các sông đổ ra biển tại Việt Nam. Nguyên nhân theo bà là do biến đổi khí hậu, làm bầu khí quyển nóng lên, làm ảnh hưởng hoàn lưu khí quyển, tức làm các khối không khí gia tăng hoạt động gây mưa giông bão gió mùa ngày càng nhiều hơn và làm thay đổi các dòng chảy. Bà cho rằng, những xáo trộn khí hậu làm sạt lở ngày càng tăng lên, bà nói tiếp :

"Triều cường mỗi tháng hai lần ở Việt Nam, nhất là vùng ven biển miền trung cho đến Cà Mau là bán nhật triều, tức là ngày hai lần nước lớn và nước ròng, với biên độ triều biến động quá lớn và nhanh, tạo ra một cái lực tác động đến bờ biển Việt Nam, nhất là miền trung và miền nam do hai vùng này nằm gần xích đạo. Theo tôi,vì Việt Nam là kinh tế biển, nhất là ở miền trung, nên việc tác động đến bờ biển tương đối lớn. Ngoài ra do việc phát triển du lịch nên xây dựng ở khu vực bờ biển cũng ngày càng nhiều, mà đất ven biển thường yếu, nên nếu không nghiên cứu kỹ địa hình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn khẳng định, sạt lở tại Việt Nam hiện nay là vấn nạn quốc gia, vì rất nhiều nơi phải đối diện hiện trạng này. Chính phủ Việt Nam đã bỏ ra một số tiền rất là lớn để khắc phục việc sạt lở, nhưng theo ông có vẻ như chưa hiệu quả.

vn7

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở làm đổ cây. Courtesy quangnam.gov.vn

Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển của chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân ở các khu vực như huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, sạt lở bờ biển Cửa Đại ở Hội An, Tuy Hòa, Phú Yên…

Chúng tôi hỏi chuyện anh Thành, sống làm việc tại khu vực biển Cửa Đại và Cù Lao Chàm, Hội An và được anh cho biết tình hình sạt lở tại địa phương như sau :

"Đoạn đường từ biển Cửa Đại đến Vinpearl người ta đang xây dựng kè lại cho nó khỏi sạt lở. Việc sạt lở cũng lâu rồi, chính quyền cũng cho kè một số, và các resort thì doanh nghiệp họ cũng tự làm. Biển Cửa Đại thì không có nhà dân nhiều, chỉ có những quán bán, nhưng nhà nước cũng không có hỗ trợ gì cho các hộ đó. Chỗ đường từ biển Cửa Đại xuống bến cảng là sạt lở nghiêm trọng nhất, họ đang kè, nếu sạt lở nhiều sẽ mất luôn con đường xuống bến cảng. Ngoài ra, ở Cù Lao Chàm cũng bị nước biển xâm thực, mùa đông gió mạnh, nước biển vô cả nhà dân".

Giải pháp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn những giải pháp mà chính phủ đang thực hiện như xây dựng hệ thống bờ kè để bảo vệ hay quy hoạch những chỗ nguy cơ để di dời người dân đi chỗ khác, chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 11, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, cũng đề nghị một số giải pháp :

"Trước mắt để giải quyết tình thế thì chỗ nào có sạt lở đe dọa cuộc sống thì nhà nước cần nghiên cứu phải pháp thích nghi hoặc giải pháp thích ứng. Thích nghi là nhà nước tập trung đầu tư một số công trình mềm, cứng để để giảm thiểu tác động ấy. Còn thích ứng là di dời người dân và cho chỗ đó phát triển tự nhiên như vậy. Còn lâu dài thì phải xem lại việc phát triển trong nội địa có gì bất cập, thí dụ như thủy điện, xây dựng đê điều có hợp lý chưa…".

Nếu muốn làm hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp thật là chặt chẽ giữa người dân địa phương và chính quyền. Đó là nhận định của Bà Lê Thị Xuân Lan, Bà nói :

"Vì nếu một bên làm và một bên phá thì không được. Cái thứ hai là cần phải có kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng bờ kè, chứ không làm chắp vá, mạnh ai nấy làm. Muốn vậy cần phải có cơ quan ban ngành có trình độ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng. Còn nếu mỗi địa phương nào cứ bị sạt lở thì mạnh ai nấy đắp thì sẽ bị hoài, mỗi năm sạt lở hoài".

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thì cho rằng trước mắt cần lập bản đồ các điểm sạt lở, bản đồ càng chi tiết càng tốt. Để phân biệt các điểm sạt lở, cái nào nguy cấp thì xử lý trước. Từ bản đồ sạt lở sẽ đưa ra các loại cảnh báo thích hợp cho tàu bè, người dân…

Quay lại trang chủ
Read 454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)