Chính quyền Đà Nẵng phá nát chùa An Cư ở Đà Nẵng (Người Việt, 10/11/2018)
Chùa An Cư ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, hôm 9 tháng Mười Một, 2018, đã chịu số phận tương tự chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn, hai năm trước : Bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa.
Chùa An Cư sau khi bị phá hôm 9 tháng Mười Một. (Hình : Facebook Thích Thiện Phúc)
Từ nhiều năm nay, ngôi chùa được xây dựng từ giữa thập niên 1990 có khuôn viên chỉ 332 mét vuông bị coi là "cái gai" trong mắt chính quyền vì đây là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức tôn giáo độc lập mà cộng sản Việt Nam không công nhận.
Thượng tọa Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư, viết trên trang cá nhân : "Họ tiến hành phá dỡ, tôi và tất cả những người thân lần lượt bước ra, trong những lời niệm Phật âm thầm chen lẫn những tiếng khóc xót xa gào thét. Tôi khuyên : Không được khóc như thế ! Và những dòng nước mắt được hòa lẫn với cơn mưa mỗi lúc bắt đầu càng nặng hạt, một góc trời ám đạm. Vậy nối gót tiếp bước chùa Liên Trì, chùa An Cư cũng đã quỵ ngã thành một đống gạch nát dưới lưỡi hái thần chết của bạo quyền cộng sản Việt Nam. Nam mô a di đà Phật !"
Một đoạn video được đăng trên Facebook của vị thượng tọa cho thấy chính quyền dùng cần cẩu để san bằng chùa An Cư ngay trước mắt các tăng ni và Phật tử.
Có tin sau khi ngôi chùa bị phá, Thượng tọa Thích Thiện Phúc phải đi tá túc ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chùa An Cư trước khi bị phá. (Hình : Facebook Khanh Nguyen)
Vài ngày trước, Luật sư Võ An Đôn, người đã bị Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tước thẻ hành nghề, cho biết Thượng tọa Thích Thiện Phúc đến nhờ ông bảo vệ pháp lý cho nhà chùa nhưng mọi sự có vẻ đã quá trễ.
Luật sư Đôn, trên trang web cá nhân, cáo buộc chính quyền Đà Nẵng phá chùa An Cư lấy đất để làm đường và phân lô bán : "Năm 2014, Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 332 mét vuông đất chùa An Cư, để phân lô bán. Vì giá bồi thường quá thấp, chỉ 412 triệu đồng (hơn 17.687 USD), trong khi diện tích đất của chùa có giá thị trường hơn 40 tỷ đồng (hơn 1,7 triệu USD), nên nhà chùa không đồng ý. Qua xem hồ sơ, tôi thấy thời hiệu khởi kiện đã hết, vì quyết định thu hồi đất có từ năm 2014, luật quy định thời hiệu khởi kiện là một năm, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất".
"Phía quận Sơn Trà có nhiều điểm sai : Bồi thường quá thấp, thu hồi 332 mét vuông đất nhưng chỉ trợ giúp 160 mét vuông tái định cư, thu hồi đất mặt đường nhưng trợ giúp đất trong hẻm giá trị thấp… là không đúng pháp luật. Lẽ ra nhà chùa nên khởi kiện chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà ngay sau khi nhận được quyết định thu hồi đất, nhưng vì quan niệm từ bi không kiện thưa nên nhà chùa phải gánh thiệt thòi về mình", Luật sư Đôn viết.
Trên mạng xã hội, các blogger theo thuyết "tâm linh", trong số đó có cả giới hoạt động dân chủ, cho rằng việc phá chùa hay nhà thờ có thể đem lại "hậu quả nhãn tiền" đối với những giới chức đứng sau các vụ này.
Họ viện dẫn trường hợp ông Đinh La Thăng, cựu bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, chẳng bao lâu sau vụ phá chùa Liên Trì thì bị bắt và tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù giam.
Một số blogger còn viết thêm rằng Bí Thư Thành Ủy ở Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân nhìn vào trường hợp người tiền nhiệm mà "chùn tay" đối với Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, một cơ sở tôn giáo từng nhiều lần bị nhà cầm quyền đe dọa phá bỏ từ mấy năm nay. (T.K.)
*******************
Cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển Đà Nẵng (Người Việt, 10/11/2018)
Hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại khu vực bờ biển Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, kéo dài đến quận Liên Chiểu. Gần 1 cây số bờ biển xác cá trắng xóa, bốc mùi hôi thối, khiến người dân và du khách không dám xuống tắm.
Cá chết, chủ yếu là cá mòi, trôi dạt vào khu vực bãi biển từ cửa sông Phú Lộc đến khu du lịch Xuân Thiều chiều 10 tháng Mười Một, 2018. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo báo Infonet, khoảng 2 giờ chiều 10 tháng Mười Một, 2018, Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng nhận được báo cáo về tình trạng xuất hiện cá chết hàng loạt, chủ yếu là loại cá mòi, trôi vào khu vực bãi biển, từ cửa sông Phú Lộc đến bãi tắm Xuân Thiều, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Cơ quan này chưa phát hiện có hiện tượng gì đặc biệt gây ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Nói với báo VnExpress tối cùng ngày, ông Tô Văn Hùng, giám đốc sở, cho biết không phát hiện xả thải, gây ô nhiễm. Số cá chết chỉ là loài mòi vốn sống ngoài biển, không phải sống ở kênh Phú Lộc.
"Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thu gom được gần một xuồng 4 mét khối cá chết, còn Công ty Môi Trường Đô Thị quét dọn trên bờ được gần 250 kg. Tổng khối lượng ước tính hai tấn cá", ông Hùng nói.
Cá chết dạt vào bờ biển, bốc mùi hôi thối khiến người dân xung quanh khó chịu. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt có thể là do nổ mìn đánh cá ngoài biển. (Hình : Pháp lLuật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, một số ý kiến ban đầu của người dân và nhân viên cứu hộ tại khu vực, tình trạng này có thể do nổ mìn đánh cá ngoài biển.
Các ngư dân cho biết đêm qua do trúng luồng cá mòi lớn, một số tàu đã đánh mìn, vớt không hết nên cá chết mới dạt vào bờ biển với số lượng lớn.
Trước đó, báo này cho hay, trên trang Facebook Quản lý Đô thị Đà Nẵng, một người dân phản ảnh bãi biển Đà Nẵng, khu biển Hòa Minh-Xuân Thiều (quận Liên Chiểu), xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ biển, bốc mùi hôi thối gây khó chịu cho những người đi đường.
Chiều 10 tháng Mười Một, ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, xác nhận tin này với báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Mai Mã, tình trạng cá chết tại bãi biển Đà Nẵng vào ngày này được ghi nhận từ sáng, số cá này trôi vào bờ, nằm rải rác từ khu vực biển của quận Thanh Khê kéo dài lên khu vực Xuân Thiều của quận Liên Chiểu.
Nói về nguyên nhân cá chết, ông Mã cho rằng cần phải chờ kết luận từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thể xác định được chính xác. (Tr.N)