Chính quyền Đà Nẵng phá nát chùa An Cư ở Đà Nẵng (Người Việt, 10/11/2018)
Chùa An Cư ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, hôm 9 tháng Mười Một, 2018, đã chịu số phận tương tự chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn, hai năm trước : Bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa.
Chùa An Cư sau khi bị phá hôm 9 tháng Mười Một. (Hình : Facebook Thích Thiện Phúc)
Từ nhiều năm nay, ngôi chùa được xây dựng từ giữa thập niên 1990 có khuôn viên chỉ 332 mét vuông bị coi là "cái gai" trong mắt chính quyền vì đây là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức tôn giáo độc lập mà cộng sản Việt Nam không công nhận.
Thượng tọa Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư, viết trên trang cá nhân : "Họ tiến hành phá dỡ, tôi và tất cả những người thân lần lượt bước ra, trong những lời niệm Phật âm thầm chen lẫn những tiếng khóc xót xa gào thét. Tôi khuyên : Không được khóc như thế ! Và những dòng nước mắt được hòa lẫn với cơn mưa mỗi lúc bắt đầu càng nặng hạt, một góc trời ám đạm. Vậy nối gót tiếp bước chùa Liên Trì, chùa An Cư cũng đã quỵ ngã thành một đống gạch nát dưới lưỡi hái thần chết của bạo quyền cộng sản Việt Nam. Nam mô a di đà Phật !"
Một đoạn video được đăng trên Facebook của vị thượng tọa cho thấy chính quyền dùng cần cẩu để san bằng chùa An Cư ngay trước mắt các tăng ni và Phật tử.
Có tin sau khi ngôi chùa bị phá, Thượng tọa Thích Thiện Phúc phải đi tá túc ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chùa An Cư trước khi bị phá. (Hình : Facebook Khanh Nguyen)
Vài ngày trước, Luật sư Võ An Đôn, người đã bị Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tước thẻ hành nghề, cho biết Thượng tọa Thích Thiện Phúc đến nhờ ông bảo vệ pháp lý cho nhà chùa nhưng mọi sự có vẻ đã quá trễ.
Luật sư Đôn, trên trang web cá nhân, cáo buộc chính quyền Đà Nẵng phá chùa An Cư lấy đất để làm đường và phân lô bán : "Năm 2014, Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 332 mét vuông đất chùa An Cư, để phân lô bán. Vì giá bồi thường quá thấp, chỉ 412 triệu đồng (hơn 17.687 USD), trong khi diện tích đất của chùa có giá thị trường hơn 40 tỷ đồng (hơn 1,7 triệu USD), nên nhà chùa không đồng ý. Qua xem hồ sơ, tôi thấy thời hiệu khởi kiện đã hết, vì quyết định thu hồi đất có từ năm 2014, luật quy định thời hiệu khởi kiện là một năm, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất".
"Phía quận Sơn Trà có nhiều điểm sai : Bồi thường quá thấp, thu hồi 332 mét vuông đất nhưng chỉ trợ giúp 160 mét vuông tái định cư, thu hồi đất mặt đường nhưng trợ giúp đất trong hẻm giá trị thấp… là không đúng pháp luật. Lẽ ra nhà chùa nên khởi kiện chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà ngay sau khi nhận được quyết định thu hồi đất, nhưng vì quan niệm từ bi không kiện thưa nên nhà chùa phải gánh thiệt thòi về mình", Luật sư Đôn viết.
Trên mạng xã hội, các blogger theo thuyết "tâm linh", trong số đó có cả giới hoạt động dân chủ, cho rằng việc phá chùa hay nhà thờ có thể đem lại "hậu quả nhãn tiền" đối với những giới chức đứng sau các vụ này.
Họ viện dẫn trường hợp ông Đinh La Thăng, cựu bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, chẳng bao lâu sau vụ phá chùa Liên Trì thì bị bắt và tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù giam.
Một số blogger còn viết thêm rằng Bí Thư Thành Ủy ở Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân nhìn vào trường hợp người tiền nhiệm mà "chùn tay" đối với Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, một cơ sở tôn giáo từng nhiều lần bị nhà cầm quyền đe dọa phá bỏ từ mấy năm nay. (T.K.)
*******************
Cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển Đà Nẵng (Người Việt, 10/11/2018)
Hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại khu vực bờ biển Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, kéo dài đến quận Liên Chiểu. Gần 1 cây số bờ biển xác cá trắng xóa, bốc mùi hôi thối, khiến người dân và du khách không dám xuống tắm.
Cá chết, chủ yếu là cá mòi, trôi dạt vào khu vực bãi biển từ cửa sông Phú Lộc đến khu du lịch Xuân Thiều chiều 10 tháng Mười Một, 2018. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo báo Infonet, khoảng 2 giờ chiều 10 tháng Mười Một, 2018, Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng nhận được báo cáo về tình trạng xuất hiện cá chết hàng loạt, chủ yếu là loại cá mòi, trôi vào khu vực bãi biển, từ cửa sông Phú Lộc đến bãi tắm Xuân Thiều, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Cơ quan này chưa phát hiện có hiện tượng gì đặc biệt gây ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Nói với báo VnExpress tối cùng ngày, ông Tô Văn Hùng, giám đốc sở, cho biết không phát hiện xả thải, gây ô nhiễm. Số cá chết chỉ là loài mòi vốn sống ngoài biển, không phải sống ở kênh Phú Lộc.
"Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thu gom được gần một xuồng 4 mét khối cá chết, còn Công ty Môi Trường Đô Thị quét dọn trên bờ được gần 250 kg. Tổng khối lượng ước tính hai tấn cá", ông Hùng nói.
Cá chết dạt vào bờ biển, bốc mùi hôi thối khiến người dân xung quanh khó chịu. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân cá chết hàng loạt có thể là do nổ mìn đánh cá ngoài biển. (Hình : Pháp lLuật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, một số ý kiến ban đầu của người dân và nhân viên cứu hộ tại khu vực, tình trạng này có thể do nổ mìn đánh cá ngoài biển.
Các ngư dân cho biết đêm qua do trúng luồng cá mòi lớn, một số tàu đã đánh mìn, vớt không hết nên cá chết mới dạt vào bờ biển với số lượng lớn.
Trước đó, báo này cho hay, trên trang Facebook Quản lý Đô thị Đà Nẵng, một người dân phản ảnh bãi biển Đà Nẵng, khu biển Hòa Minh-Xuân Thiều (quận Liên Chiểu), xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ biển, bốc mùi hôi thối gây khó chịu cho những người đi đường.
Chiều 10 tháng Mười Một, ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, xác nhận tin này với báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Mai Mã, tình trạng cá chết tại bãi biển Đà Nẵng vào ngày này được ghi nhận từ sáng, số cá này trôi vào bờ, nằm rải rác từ khu vực biển của quận Thanh Khê kéo dài lên khu vực Xuân Thiều của quận Liên Chiểu.
Nói về nguyên nhân cá chết, ông Mã cho rằng cần phải chờ kết luận từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thể xác định được chính xác. (Tr.N)
Lũ lụt tàn phá vùng núi Tây Bắc Việt Nam (RFA, 25/06/2018)
19 người chết và mất tích do lũ quét và đất chuồi trong hai ngày qua tại các tỉnh khu vực miền núi Tây Bắc, Việt Nam.
Lũ lụt tại Hà Giang trong hai ngày 24-25/06/18. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vnexpress.net
Số liệu vừa nêu được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai ghi nhận tính đến 8 giờ sáng ngày 25 tháng 6. Ngoài ra còn có 5 người khác bị thương ; hơn 800 căn nhà bị sập, hư hỏng, ngập nước ; gần 400 héc-ta lúa và hoa màu bị thiệt hại và 8 tuyến đường quốc lộ bị sạt lở, ngập nước do mưa lũ.
Lai Châu và Hà Giang là hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất so với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên và Thái Nguyên, Cao Bằng.
Tổng thiệt hại do mưa lũ trong hai ngày 24 và 25 tháng 6 tại các tỉnh khu vực miền núi Tây Bắc ước tính lên đến 80 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai truyền tải yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương ứng phó và khắc phục hậu quả cũng như tìm kiếm người mất tích và nhanh chóng hỗ trợ cho các gia gia đình nạn nhân của mưa lũ.
Trong cùng diễn tiến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết Công ty Thủy điện Sơn La tiến hành xả lũ vào lúc 13 giờ chiều ngày 25 tháng 6 để đảm bảo an toàn cho hồ đập.
Nước trong các hồ thủy điện gồm Lai Châu, Sơn La, Bản Chát và Tuyên Quang bị dâng lên do lũ từ đêm 24 tháng 6. Nước tại hai hồ thủy điện Lai Châu và Tuyên Quang đang tiếp tục lên.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tiến sĩ Hoàng Đức Cường dự báo lượng mưa tại các tỉnh ở miền núi Tây Bắc sẽ tiếp tục đến ngày 27 tháng 6 và sẽ giảm dần. Do mưa lớn nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tiếp tục gia tăng, trong đó rủi ro sạt lở đất trên diện rộng tại 4 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang và Cao Bằng.
**************
Lũ lụt miền Bắc : Nhiều người chết, mất tích, Thủ tướng chỉ đạo ‘không để dân đói’ (VOA, 25/06/2018)
Mưa lũ, sạt lở đất đã làm ít nhất 14 người chết, 11người mất tích, 5 người bị thương và nhiều khu vực bị cô lập vào cuối tuần qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, theo thống kê sơ bộ tính đến chiều ngày 25/6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Một mảng đường Quốc lộ 32 qua huyện Tân Yên, Lai Châu bị cuốn trôi.
Trước tình hình mưa lũ vẫn đang tiếp diễn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra công điện yêu cầu các cơ quan chức năng "tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ" và "hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói", theo Người Lao Động.
Thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu các bộ Công an, Quốc phòng, Công thương, Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia cứu hộ cứu nạn, sơ tán, di dời dân, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương, kiểm tra, vận hành an toàn đê điều, hồ đập và cập nhật thông tin về diễn tiến mưa lũ cho người dân.
Mưa lớn bắt đầu từ đêm 23/6 đã gây ra lũ lụt và sạt lở đất, khiến 67 ngôi nhà bị đổ và cuốn trôi, hơn 379 ngôi nhà bị hư hỏng, phải di dời khẩn cấp, và 769 ngôi nhà bị ngập, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Chỉ riêng tại Lai Châu, đã có 11 người chết, 11 người mất tích và 5 người bị thương do mưa lũ. Các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang cũng có người thiệt mạng và hàng chục căn nhà bị nước cuốn trôi.
Một số tuyến đường quốc lộ ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang bị vùi lấp hoàn toàn, khiến một số khu vực bị cô lập, chia cắt, giao thông tắc nghẽn ở nhiều nơi.
Theo báo chí Việt Nam, do đợt lũ rơi đúng vào dịp tốt nghiệp phổ thông trung học tại Việt Nam, nên có gần một chục em học sinh ở Lai Châu đã không đến được địa điểm thi tốt nghiệp. Chính quyền địa phương cho biết đang xem xét để đặc cách cho những học sinh này tốt nghiệp, căn cứ theo kết quả học tập của các em.
Dự báo mưa dông sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho đến hết ngày 26/6, đặc biệt tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang. Cảnh báo nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở một số huyện tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên.
Theo tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện lưu lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện tại Lai Châu, Sơn La, Bản Chất và Tuyên Quang đang dâng lên cao. Các cơ quan chức năng dự kiến sẽ vận hành mở cửa xả ở các hồ chứa thủy điện để đảm bảo an toàn.
Ước tính thiệt hại do đợt lũ gây ra đối với cơ sở vật chất và mùa màng lên đến hơn 110 tỉ đồng.
Việt Nam là quốc gia thường xuyên gặp thiên tai, khiến hàng trăm người thiệt mạng hàng năm. Số liệu thống kê vào năm ngoái cho hay có đến 389 người chết và 668 người bị thương vì mưa bão, lũ lụt.
Cá nuôi chết hàng loạt tại khu vực gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (RFA, 25/06/2018)
Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận vào ngày 25 tháng 6 cho biết xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Screenshot from video
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận, từ ngày 15 tháng 6 tới nay hiện tượng các chết bất thường tại khu vực nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong cách trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 1 km và cách bờ biển khoảng 1,2 km.
Cũng theo báo cáo, hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực này chủ yếu là cá nhỏ dưới 50 ngày tuổi với số lượng bị chết từ 10% đến 20% mỗi hộ. Đặc biệt có một hộ nuôi cá bị chết hoàn toàn với hơn 2000 con.
Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận cho hay đang tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt và bất thường tại khu vực này. Được biết, cơ quan chức này đã đo một số chỉ tiêu về hàm lượng trong nước tại nơi xảy ra cá chết cho rằng mọi chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành thu thập các mẫu nước, mẫu cá, thức ăn và nguồn con giống mang đi kiểm nghiệm và báo cáo kết quả chậm nhất vào ngày 27 tháng 6.
******************
Một tàu chở hàng của Trung Quốc đã "bất ngờ chìm" trên vùng biển của Việt Nam.
Sự cố đối với tàu Trung Quốc chở 116 tấn thịt trâu đông lạnh xảy ra trên vùng biển Móng Cái (Quảng Ninh) hôm 23/6, theo truyền thông Việt Nam.
Báo điện tử VnExpress đưa tin rằng trước khi bị chìm, nước tràn vào khoang lái của tàu hàng của Trung Quốc có tên Quế Bắc mang số hiệu 0345.
Theo tờ Tiền Phong, ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng Hải Quan, Cảng vụ Việt Nam đã điều người và phương tiện ra ứng cứu, nhưng "do vị trí xảy ra tai nạn nằm khá xa bờ và nước tràn vào khoang lái của tàu Quế Bắc quá nhanh nên lực lượng chức năng không thể tiếp cận sớm để ứng cứu con tàu".
Tin cho hay, một tàu khác của Trung Quốc có tên Quế Khâm đi ngang qua lúc tàu chở thịt trâu đông lạnh gặp nạn nên đã cùng với lực lượng của Việt Nam tham gia cứu hộ.
Toàn bộ thuyền viên sống sót và đã theo tàu Quế Khâm trở về Trung Quốc, theo VnExpress.
Báo chí trong nước đưa tin thêm rằng vụ tai nạn của tàu Quế Bắc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, và theo phản ánh của người dân, "hiện xung quanh vị trí tàu đắm đã xuất hiện tình trạng dầu loang".
Trang tin Kiến Thức dẫn thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chỉ hai tiếng sau khi tàu Quế Bắc bị chìm trên vùng biển Móng Cái, một vụ tai nạn liên hoàn tại vùng biển thuộc tỉnh này đã dẫn tới một vụ tàu chìm khác.
*******************
Nỗi lo ô nhiễm do dầu loang sau vụ chìm tàu Trung Quốc ngoài khơi Việt Nam (RFA, 25/06/2018)
Một tàu hàng của Trung Quốc chở theo 117 tấn thịt trâu đông lạnh vừa bị chìm ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh vào trưa ngày 23/6.
Hình chụp hôm 23/4/2017 : thuyền chở khách du lịch thăm vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. AFP
Theo truyền thông trong nước, tàu chìm cách bờ biển Quảng Ninh khoảng 3 miles. 2 thủy thủ trên tàu đã được cứu. 520 trên tổng số 4.650 kiện hàng đã được trục vớt. Tuy nhiên dầu loang và thịt đông lạnh từ chiếc tàu chìm đang đe dọa môi trường biển của Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long nổi tiếng thu hút nhiều du khách quốc tế hàng năm.
Giới chức quản lý môi trường biển của tỉnh Quảng Ninh cho báo chí biết đã phát hiện dầu loang từ tàu và các cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp để ngặn chặn dầu loang xa. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang chờ phản hồi từ chủ và thuyền trưởng của tàu để xác định biện pháp giải quyết.
Tàu Trung Quốc có tên Quế Bắc, số hiệu 0345, được cho biết đang đi từ cảng Vạn Gia ở thành phố Móng Cái đến đảo Bạch Long của Trung Quốc thì phát hiện nước tràn vào và chìm rất nhanh.