Việt Nam trở thành nước thứ bảy phê chuẩn hiệp định CPTPP (RFA, 12/11/2018)
Quốc hội Việt Nam hôm 12 tháng 11, đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và là quốc gia thứ 7 thông qua hiệp định này.
Quốc hội Việt Nam hôm 12 tháng 11, đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và trở thành nước thứ 7 thông qua hiệp định này. AFP
Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore trước đó đã chính thức phê chuẩn CPTPP. Brunei, Chile, Malaysia và Peru là bốn thành viên còn lại chưa phê chuẩn hiệp ước. Hiệp ước sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo Reuters, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực, bởi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng được cho là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất trong thỏa thuận thương mại CPTPP.
Tuyên bố ngay sau khi vừa thông qua CPTPP, chính phủ Việt Nam cho rằng, đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại, CPTPP cũng đòi hỏi những đột phá trong việc thực hiện và thực thi pháp luật, trong việc quản lý nhà nước và quản trị xã hội…
Trước đó, Việt Nam đã ký khoảng hơn 10 hiệp ước thương mại tự do để xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu.
Chính phủ cho biết hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam sang Canada sẽ được giảm 43% thuế ngay lập tức sau khi thỏa thuận CPTPP có hiệu lực và giảm đến 100% sau bốn năm.
Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm giày dép và hải sản cũng sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.
Trả lời Reuters, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc đại diện tổ chức Lao động Quốc tế ở Việt Nam cho rằng, hiệp định CPTPP bao gồm các yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc, cũng được dự kiến sẽ giúp Việt Nam thăng tiến trong cải cách lao động và nhu cầu cải cách như vậy trước hết xuất phát từ bối cảnh nội bộ của đất nước.
Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm ngoái tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định này sau khi ông trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
****************
Việt Nam trở thành nước thứ bảy thông qua TPP-11 (VOA, 12/11/2018)
Quốc hội Việt Nam hôm 12/11 nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giữa 11 nước là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn được gọi là TPP-11.
Quốc hội Việt Nam hôm 12/11 nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giữa 11 nước là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 thông qua hiệp định sẽ giúp cắt giảm đáng kể thuế quan ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo Reuters.
Thông báo của Việt Nam đăng trên cổng thông tin của chính phủ có đoạn nói rằng "đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác".
Chính quyền Hà Nội nói thêm rằng "với CPTPP, 42,9% thuế đánh lên các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập vào Canada sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và đến năm thứ 4 thì 100% hàng dệt may Việt Nam bán cho Canada sẽ được miễn thuế hoàn toàn".
Dệt may là hàng xuất khẩu lớn thứ hai ở Việt Nam sau điện thoại thông minh.
Theo Reuters, xuất khẩu giày dép và hải sản của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi vì CPTPP.
Trước Việt Nam, Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đã chính thức thông qua CPTPP, vốn sẽ có hiệu lực vào cuối năm.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổ chức Lao động Quốc tế nói rằng hiệp định, vốn bao gồm các yêu cầu cụ thể về quyền và điều kiện làm việc, dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách lao động.
Thỏa thuận ban đầu với sự tham gia của 12 nước đã đổ vỡ đầu năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra để ưu tiên bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ.
Brunei, Chile, Malaysia và Peru là bốn nước còn lại chưa thông qua thỏa thuận.
Đại sứ quán Australia ở Hà Nội hôm 12/11 nói rằng Úc "hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP hiện là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà Việt Nam tham gia, có triển vọng thúc đẩy đà tăng trưởng và sự đa dạng của nền kinh tế Việt Nam".
********************
Công ty Việt cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả cho sinh viên du học (RFA, 12/11/2018)
Nhật Bản đã đưa vào danh sách đen 12 công ty tư vấn du học của Việt Nam vì đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả cho các hồ sơ xin visa của sinh viên du học.
Trẻ em Việt Nam vẫy cờ Việt Nam và cờ Nhật Bản trong lễ đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 16/1/2017 - AFP
Báo trong nước loan tin hôm 12/11 trích tờ Mainichi của Nhật cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có lệnh kể từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, đại sứ quán nước này tại Việt Nam sẽ từ chối đơn xin thị thực từ các công ty được nêu tên, vì nghi ngờ các công ty này đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả trong một thời gian dài.
Chính phủ Nhật Bản đã phát hiện 10% trong số 6 ngàn công dân Việt Nam phỏng vấn xin thị thực du học từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018 không đáp ứng được trình độ thông thạo tiếng Nhật.
Các quan chức Nhật tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các ứng viên từ Việt Nam và nhận ra cứ 10 ứng viên thì có ít nhất 1 người không hiểu tiếng Nhật tốt để xin thị thực visa. Tỷ lệ này được nói lên tới 30% trong số các ứng viên được 12 công ty Việt trong danh sách đen làm hồ sơ. Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói đã thông báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về 12 công ty tư vấn du học này.
Vào năm 2017, khoảng 26 ngàn công dân Việt được cấp visa du học để theo học các trường dạy tiếng Nhật, theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản cho biết.
Số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết năm 2017, cộng đồng người Việt đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nhóm nghi phạm nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản, chiếm 30,2% tổng số tội phạm của công dân nước ngoài. Trong số các tội phạm Việt Nam tại Nhật, có khoảng 40% đã đến bằng visa du học và cư trú bất hợp pháp tại đây.
Số người Việt tại Nhật đã tăng bốn lần từ 2012 đến năm 2017 với hơn 232 ngàn người. Bộ Tư pháp Nhật Bản báo cáo trong năm ngoái, người mang quốc tịch Việt Nam chiếm một nửa trong tổng số các công dân nước ngoài bị thu hồi quyền cư trú tại Nhật.
******************
Úc bắt nữ nghi can gốc Việt ‘gài kim khâu vào dâu tây’ (VOA, 13/11/2018)
Tòa án Australia hôm 12/11 ra lệnh tiếp tục giam giữ một giám sát viên trang trại 50 tuổi gốc Việt cho tới khi bà ra tòa lần tiếp theo vì bị coi là nghi phạm trong vụ gài kim khâu vào dâu tây đã khiến người tiêu dùng hoảng sợ và buộc nhà sản xuất phải thu hồi mặt hàng này.
Kim khâu bị phát hiện trong dâu tây Úc hồi tháng Chín năm nay.
Theo Reuters, bà My Ut Trinh trước đó đã bị truy tố vì liên quan tới vụ việc trên.
Hãng tin AP đưa tin rằng bà Trinh là một người tị nạn gốc Việt, tới Úc bằng thuyền hai thập kỷ trước và sau đó đã trở thành công dân Australia.
Người phụ nữ này bị cáo buộc gài kim khâu vào dâu tây trong khoảng thời gian từ ngày 2 tới 5/9 để "trả thù" do bất mãn tại nơi từng làm việc.
Ngành sản xuất dâu tây trị giá 116 triệu đôla của Australia hồi tháng Chín vừa qua đã rúng động vì gần 200 thông báo phát hiện kim khâu cài trong dâu tây.
Nhiều chuỗi siêu thị lớn đã phải thu hồi sản phẩm này vì khách hàng không mua, buộc nhiều nông dân phải đổ bỏ dâu tây, giữa lúc có nhiều cảnh báo về việc nhiều cơ sở sản xuất rơi vào cảnh phá sản.
Một nông dân Australia trước đống dâu tây đổ bỏ.
Ông Jon Wacker, một quan chức cảnh sát ở Queensland, vùng trồng dâu tây lớn nhất nước Úc, nơi bắt đầu cuộc khủng hoảng, nói với các phóng viên rằng "đây có lẽ là một trong những vụ điều tra khó khăn nhất mà ông từng tham gia thực hiện".
Cảnh sát nói rằng người phụ nữ là một cựu giám sát viên tại một trang trại trồng hoa quả của một trong các nhãn hàng bị ảnh hưởng, nhưng không cho biết cụ thể.
Lần tiếp theo bà Trinh sẽ phải ra tòa là ngày 22/11. Nếu bị kết tội, người phụ nữ gốc Việt này sẽ đối mặt tới 10 năm tù giam.
Những nông dân trồng dâu tây đã hoan nghênh việc truy tố bà Trinh nhưng cũng đổ lỗi cho truyền thông xã hội đã gây ra cuộc khủng hoảng đối với loại trái cây này.
*******************
Úc bắt một phụ nữ gốc Việt trong vụ 'dâu tây chứa kim khâu' (BBC, 12/11/2018)
Một phụ nữ Úc gốc Việt vừa bị bắt sau khi cảnh sát Úc điều tra vụ tìm thấy kim khâu trong trái dâu tây.
Úc bắt một phụ nữ gốc Việt bán dâu tây chứa kim khâu (Ảnh minh họa)
Cảnh sát nói hôm Chủ Nhật 11/11 rằng sự việc khiến toàn nước Úc 'kinh sợ'.
Theo AFP, cảnh sát cho hay một phụ nữ Úc gốc Việt 50 tuổi đã bị bắt sau một cuộc điều tra phức tạp và sâu rộng.
Người này được xác định có tên My Ut Trinh, đến từ Caboolture phía bắc Brisbane, bị bắt chiều Chủ nhật 11/11 tại một ngôi nhà ở Forest Lake.
Bà Trinh dự kiến sẽ phải hầu tòa vào tại Brisbane vào thứ Hai 12/11.
Cảnh sát chưa tiết lộ thêm chi tiết vụ việc, như việc bà này phải nộp phạt bao nhiêu hay lý do và động cơ phía sau vụ việc.
Bà My Ut Trinh bị bắt ở Queensland hôm Chủ Nhật 11/11/201
Chính phủ Úc đã nâng án tù tối đa cho tội này từ 10 đến 15 năm.
Vụ việc lần đầu được đưa ra ánh sáng khi một người đàn ông phải nhập viện vì đau bụng sau khi ăn dâu tây.
Khách hàng bàng hoàng phát hiện kim khâu trong quả dâu tây
Tới nay đã có hơn 100 vụ việc được cho là tìm thấy kim băng và kim khâu trong các loại quả, chủ yếu trái dâu tây. Các vụ này xảy ra trên khắp nước Úc và được báo cáo vào hồi tháng Chín.
Một vụ tương tự cũng được báo cáo xảy ra ở nước láng giềng New Zealand.
Vụ việc có tính phá hoại này đã khiến các siêu thị phải bỏ mặt hàng trái cây này, và nông dân Úc phải đổ bỏ hàng tấn dâu tây bị ế.