Tòa có bỏ sót tội tướng Vĩnh, tướng Hóa ? (BBC, 12/11/2018)
Sáng 12/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử 92 bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Tướng công an Phan Văn Vĩnh đối diện án tù 5-10 năm
Hơn 500 cảnh sát được huy động bảo vệ phiên tòa, cùng đội ngũ y tế túc trực.
Một số nhân vật được công luận đặc biệt chú ý trong phiên tòa này là tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên cục trưởng C50) , Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch VTC Online), và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC).
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị đưa ra xét xử tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Khung hình phạt theo quy định cho loại tội này là từ 5-10 năm tù.
Nguyễn Văn Dương, và Phan Sào Nam bị xét xử các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".
Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tội đánh bạc.
Cáo trạng nói gì ?
Theo cáo trạng đọc tại tòa, vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng do Nguyễn Văn Dương cầm đầu, với sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Sau 28 tháng vận hành game đánh bạc, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã kiếm được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi hơn 9.800 tỷ đồng.
Trong đó, ba nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone hưởng hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu đô la cùng nhiều hiện vật đắt tiền khác.
Dương cũng khai đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Phan Văn Vĩnh trả lời 'nhầm' hai lần
Ông Phan Văn Vĩnh hai lần đưa ra câu trả lời 'nhầm', theo tường thuật phiên tòa trên truyền thông Việt Nam.
Lần một, ông nói ông bị bắt năm 1998, sau đó đính chính là năm 2018.
Lần hai, ông nói năm sinh con lớn của ông là 1987, sau đó đính chính năm 1988.
Luật sư của ông Vĩnh cho hay ông đang mang nhiều bệnh trong người. Trước phiên tòa, ông Vĩnh được cho hay là phải điều trị ở bệnh viện và từng bị 'ngất', 'ngã sưng trán'.
Luật sư Huyền Trang bào chữa cho ông Vĩnh phát biểu tại tòa rằng trước đây ông là trung tướng công an, nhưng khi vi phạm pháp luật ông là một cá nhân không đại diện diện cho cơ quan nào, do đó đề nghị tòa "yêu cầu cơ quan báo chí không đưa những phát ngôn tiêu cực", theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Tòa bỏ sót tội ?
Một luật sư ở Hà Nội, ông Trần Vũ Hải, nhắc lại với BBC phần bình luận trước phiên tòa mà ông viết hồi tháng 7/2018 rằng dường như cơ quan điều tra đã bỏ sót một số tội danh với tướng Vĩnh và tướng Hóa.
Theo luật sư Hải, cơ quan điều tra bỏ sót một số tội danh đối với ông Vĩnh và ông Hóa, như : tội lạm quyền trong thi hành công vụ, tội tổ chức đánh bạc, tội không truy cứu trách hiệm hình sự.
"Cần xem xét hai ông này có vai trò đồng phạm "tổ chức đánh bạc" cùng hai ông Dương và Nam hay không, ít nhất là vai trò giúp sức. Cá nhân tôi cho rằng không loại trừ xem xét vai trò "đề xướng tổ chức" đối với hai vị này".
Các hình thức đánh bạc hiện nay tinh vi hơn, có thể online và xuyên quốc gia
Luật sư Hải cho rằng đối với cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa,nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát công nghệ cao, tòa đã đổi tội danh.
"Khi bị bắt, ông Hóa bị khởi tố bị can về tội tổ chức đánh bạc (đồng phạm với Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc qua Internet). Nay ông Hóa hầu tòa với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
"Có vẻ hai viên cựu tướng này khá được "ưu ái", tội danh và điều khoản bị truy tố khá nhẹ trong một vụ án họ là những nhân vật quyết định. Thậm chí có người chủ yếu ở bệnh viện trong thời gian tạm giam ! Dự đoán kết quả sẽ "làm hài lòng" họ, và sau vài năm "an dưỡng", sẽ trở về làm "người tử tế"", ông Hải viết trên Facebook cá nhân trước phiên tòa ngày 12/11.
Các mốc chính trong vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ :
30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.
Giữa năm 2015 : Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.
20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.
11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
9/4/2018 : Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
31/8/2018 : Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.
*****************
Xét xử vụ đường dây đánh bạc : Cựu tướng công an không muốn công bố bản án trên mạng (RFA, 12/11/2018)
Hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm khác vào ngày 12/11 đã ra tòa tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án đường dây đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (bên trái) và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá - RFA edit
Cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ Luật Hinh sự 2015. Ngoài ra hai viên tướng này còn bị trùm đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương khai là đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều đồ vật có giá trị. Hiện phía cơ quan điều tra vẫn chưa có căn cứ chứng minh hai viên tướng nhận hối lộ và tình tiết này sẽ được làm rõ trong giai đoạn hai.
Ông Phan Văn Vĩnh trước tòa hôm 12/11 đã yêu cầu không công bố bản án của mình lên mạng. Yêu cầu này của bị cáo đã được tòa đồng ý và cho biết các bị cáo có quyền được đề nghị từ chối việc công bố vì lý do cá nhân.
*****************
Giới luật sư : Bản án của tướng Vĩnh sẽ vẫn được công khai (RFA, 12/11/2018)
Tại phiên xét xử 92 bị cáo vụ án đánh bạc ngàn tỷ qua mạng diễn ra vào sáng ngày 12/11 tại tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, khi chủ tọa công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh đã đề nghị tòa không công khai bản án đối với ông và được chủ tọa đã lập tức chấp thuận đề nghị này.
Phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc qua mạng và cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh trước hội đồng xét xử. RFA
Theo chủ tọa cho báo chí biết, chỉ cần một người trong vụ án không đồng ý thì bán án vụ việc sẽ không được công bố trên mạng.
Giới luật sư trong nước ngay lập tức lên tiếng về quyết định này của chủ tọa.
Luật sư Trần Vũ Hải đoàn luật sư Hà Nội khẳng định với báo Dân Trí rằng, quy định hiện hành không có căn cứ nào để hội đồng xét xử chấp thuận đề nghị này. Bởi vì theo luật sư nếu chấp thuận đề nghị của ông Phan Văn Vĩnh thì bản án đối với 91 bị cáo còn lại sẽ công bố như thế nào ?
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với chúng tôi rằng, pháp luật Việt Nam có quy định đăng bản án phải hỏi ý kiến của bị cáo và ghi vào trong biên bản và khi có bản án phải coi lại biên bản bị cáo có đồng ý cho đăng hay không rồi mới tiến hành xem xét thực hiện.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử này chỉ có riêng bị cáo Phan Văn Vĩnh là có ý kiến đề nghị không công khai mà tòa đã đồng ý chấp thuận ngay là trái với quy định pháp luật.
Vị luật sư cho biết thêm :
"Ngay lúc đó đúng ra chủ tọa phải hội ý lại với hội đồng xét xử và xin ý kiến lại để tham khảo lại về pháp luật, còn ở đây chủ tọa lại nhanh nhảu phán luôn, nếu đơn sự không đồng ý thì bản án sẽ không được đăng như vậy đối với các bị cáo kia không có ý kiến thì họ mặc nhiên chấp nhận điều đó hay sao. Đây là sự thiếu xót của pháp luật không dự liệu được trường hợp này".
Ngoài ra, luật sư Mạnh cho hay việc chủ tọa phiên tòa thông báo bản án sẽ được đưa lên cổng thông tin điện tử của tòa án là đúng. Ông Vĩnh có quyền phản đối, nhưng việc đăng bản án không lệ thuộc vào ý kiến của các bị cáo.
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng dù luật pháp có quy định việc không công khai bản án vì lý do đời tư nhưng điều này có nghĩa là bản án hoàn toàn bí mật, không ai có thể tìm hiểu. Ông cho biết :
"Không công khai ở đây là không công khai trên trang điện tử của tòa án thôi, còn báo chí hoặc những người khác tham dự phiên tòa vẫn có quyền công khai bản án".
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh được đưa ra trước phiên tòa. RFA
Với luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ Sài Gòn, tuy bản án không công khai nhưng để tìm kiếm thông tin về bản án thì không phải khó. Bởi vì :
"Bản án không công bố trên cổng thông tin điện tử nhưng bản án vẫn là bản án công khai gửi đến bị cáo bị hại hoặc là người liên quan rồi các cơ quan chức năng, nên việc truy cập tìm kiếm bản án cũng không phải là khó vì không phải là vấn đề bí mật. Nó chỉ không đưa lên cổng thông tin điện tử thôi nhưng nếu có đưa lên người ta cũng mã hóa các tên của nhân vật mà xét thấy nếu cần thiết, để ai muốn quan tâm nghiên cứu hay tìm hiểu".
Điều 4, nghị quyết 3 của hội đồng thẩm phán có quy định các trường hợp không công bố bản án là phiên tòa xử kín hoặc bản án thuộc phiên tòa xét xử công khai nhưng có chứa các thông tin bí mật nhà nước, kinh doanh, gia đình và phiên tòa có người dưới 18 tuổi…
Luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên giải thích thêm về quy định này và đề nghị của tướng Vĩnh.
"Trong luật Việt Nam tất cả bản án đều công khai hết nhưng những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì có thể không công khai theo yêu cầu nhưng trong trường hợp này thì không có nằm trong các trường hợp đó".
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh là cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông bị truy tố với cáo buộc "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015. Nếu bị kết án, ông Phan Văn Vĩnh có thể đối mặt hình phạt tối đa lên đến 10 năm tù.
******************
Đại úy Cảnh sát Giao thông bị cho xuất ngũ vì cầm cố thẻ đảng (RFA, 12/11/2018)
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Đại úy Cảnh sát Giao thông tỉnh Tiền Giang vừa bị khai trừ Đảng và buộc xuất ngũ vì cầm cố thẻ đảng viên để vay nợ hơn 3 tỷ đồng.
Hình minh họa. Một cảnh sát mang súng đứng gác cạnh bức chân dung cố Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngoài nơi diễn ra đại hội đảng ở Hà Nội hôm 17/1/2011 - AFP
Báo mạng VTC loan tin này vào ngày 11 tháng 11, cho biết thêm Công an tỉnh Tiền Giang quyết định khai trừ đảng ông Nguyễn Thanh Liêm do vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng viên. Đồng thời cho thu hồi toàn bộ quân trang mà Đại Úy Liêm được cấp trước đó.
Tin cho biết, bà H.T.L.T., một trong những chủ nợ của ông Nguyễn Thanh Liêm do không nhận được đúng hẹn số tiền 90 triệu đồng mà bà cho mượn nên đã gửi đơn trình bày vụ việc lên Phòng Cảnh sát Giao Thông tỉnh Tiền Giang vào hồi tháng 8 vừa qua.
Đơn tố cáo ông Nguyễn Thanh Liêm, Đại úy Cảnh sát Giao thông tỉnh Tiền Giang. baomoi.com
Trong đơn, bà T. cho biết là ông Nguyễn Thanh Liêm đã đưa thẻ đảng viên để thế chấp khi mượn tiền. Nhưng sau đó ông Liêm mược lại thẻ đảng viên với lý do nộp cho chỉ huy và hứa đưa lại thẻ cho bà T. sau 10 ngày. Tuy nhiên ông Liêm không thực hiện lời hứa này nên bà T. đã gửi đơn tố cáo sự việc.
Sau khi nhận được đơn bà T., Phòng Cảnh sát Giao thông đã điều tra và xác định Đại úy Nguyễn Thanh Liêm không chỉ cầm cố thẻ đảng viên để mượn tiền với mỗi bà T. mà còn với nhiều người khác. Tổng số tiền được nói là hơn 3 tỷ đồng, nhưng ông Liêm vẫn chưa hoàn trả cho bất kỳ ai.
******************
Dân Bình Định phản đối dự án điện mặt trời vì nghi phá rừng (RFA, 12/11/2018)
Hàng chục người dân ở 4 thôn của xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong các ngày 10, 11 và 12/11 đã chặn xe khảo sát, chuẩn bị rà phá bom mìn để phản đối dự án mà chính quyền địa phương cho biết là dự án điện năng lượng mặt trời. Người dân yêu cầu lãnh đạo xã phải cam kết không được triển khai dự án tại địa bàn xã. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 12/11.
Dân chúng biểu tình phản đối do nghi ngờ khai thác titan. 18/4/2018. Courtesy Ảnh chụp từ video do người dân cung cấp.
Theo báo Người Lao Động, vào sáng ngày 12/11, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ đã tổ chức họp báo khẩn về sự việc này để bàn việc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ cho biết, thời gian qua chính quyền đã nhiều lần vận động người dân về hiệu quả của dự án nhưng vẫn có khoảng 15 đến 20 phụ nữ không ủng hộ dự án và phao tin đồn tuyên truyền không đúng về dự án.
Trước đó, vào ngày 27/9 chính quyền một xã lân cận là xã Mỹ An đã họp với dân chúng để thuyết phục họ rằng điện mặt trời là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường, không nên chống đối.
Tuy nhiên dân chúng cho rằng những dự án điện mặt trời, điện gió được công ty thực hiện dự án dùng làm bình phong để khai thác titan trên bờ biển gây ô nhiễm sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Vào ngày 21/4/2018 dân chúng cũng đã biểu tình tại hai xã Mỹ An và Mỹ Thọ, Huyện Phù Mỹ phản đối việc xây dựng một trạm quan trắc gió vì nghi ngờ việc này bị lợi dụng để khai thác titan.
Trong số ra ngày 11/9/2018, Báo Người Lao động cho biết là sau năm năm khai thác titan tại vùng ven biển Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vùng quê này trở nên hoang tàn, và có đến 10 người thiệt mạng do hoạt động khai thác titan.