Khởi tố hai cựu thứ trưởng công an vì liên quan Vũ ‘nhôm’ (RFA, 14/12/2018)
Cơ quan điều tra Bộ Công an vào ngày 14/12 đã tiến hành khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng Bộ Công an vì có liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm.
Ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng Bộ Công an (trái) và ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng. Courtesy of newsbeezer
Truyền thông trong nước loan tin nói hai cựu thứ trưởng công an vừa nêu bị cáo buộc ‘Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự 1999.
Trước đó, hai cựu thứ trưởng Bộ Công an đã nhiều lần bị cách chức, xóa tư cách, giáng cấp bậc hàm. Cụ thể vào ngày 31/7, Bộ Chính trị có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với Thượng tướng Trần Việt Tân.
Cùng ngày 31/7, Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam cũng có quyết định kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ Đảng (bao gồm Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an) đối với Trung tướng Bùi Văn Thành.
Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xóa tư cách Thứ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Trần Việt Tân, và cách chức Thứ trưởng Bộ Công an đối với ông Bùi Văn Thành.
Cùng ngày 8/8, Chủ tịch nước Việt Nam ban hành quyết định giáng cấp bậc hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Tân, và từ Trung tướng xuống Đại tá đối với ông Thành.
Ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quyết định xóa tư cách Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật đối với ông Bùi Văn Thành. Ông này được nói về hưu sau đó.
Vụ án ông Phan Văn Anh Vũ (có biệt hiệu là Vũ ‘nhôm) đang phải trong giai đoạn xét xử thứ hai liên quan đến việc thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Vũ ‘nhôm’, từng mang quân hàm thượng tá công an Việt Nam, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ mua bán đất đai nhà cửa công sản để kiếm lời.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Phan Văn Anh Vũ bị tòa sơ thẩm kết án 9 năm tù với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ ; sau đó phiên phúc thẩm vào cuối tháng 10 giảm án 1 năm cho ông này.
*******************
Liên quan vụ Vũ ‘nhôm’, 2 cựu thứ trưởng công an bị khởi tố (Người Việt, 14/12/2018)
Hai cựu thứ trưởng Bộ Công An là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đã bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về "những sai phạm nghiêm trọng từ khi còn công tác" liên quan đến Vũ ‘nhôm’.
Ông Bùi Văn Thành (trái) và ông Trần Việt Tân. (Hình 1 : VOV ; Hình 2 : Zing)
Ngày 14 tháng Mười Hai, 2018, Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, hai cựu thứ trưởng Bộ Công An, cùng về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 285, Bộ Luật Hình Sự năm 1999.
Báo Tuổi Trẻ cho hay, hai ông Tân và Thành bị khởi tố sau khi Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An mở rộng điều tra vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’ và đồng phạm thực hiện.
Trước khi có quyết định khởi tố, hai ông này đã bị tước danh hiệu "công an nhân dân".
Ngày 8 tháng Tám, 2018, chủ tịch nước đã ký quyết định giáng cấp bậc hàm với ông Trần Việt Tân từ Thượng tướng xuống Trung tướng và ông Bùi Văn Thành từ Trung tướng xuống Đại Tá.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trung tướng Trần Việt Tân (63 tuổi, quê tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nguyên ủy viên Ban chấp hành đảng bộ Công An Trung Ương, nguyên thứ trưởng Bộ Công An, trong thời gian giữ cương vị Thứ Trưởng Bộ Công An, cựu phó tổng cục trưởng Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật (Tổng Cục IV, Bộ Công An), đã "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng".
Đại Tá Bùi Văn Thành (59 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình), tổng cục trưởng, trực tiếp phụ trách Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật cùng chịu trách nhiệm về những khuyết điểm của Ban Thường Vụ đảng ủy Tổng Cục IV. Ông Thành "đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý ; thiếu kiểm tra để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục IV".
Cơ quan hữu trách còn phát hiện ông Thành "đã vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và quy chế làm việc của Bộ Công An".
Ông Thành ký văn bản đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng pháp luật và ký một số văn bản không đúng thẩm quyền.
Trước đó, theo báo Lao Động, ngày 28 tháng Bảy, 2018, Bộ Chính trị đã kỷ luật ông Thành bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong đảng (ủy viên Ban chấp hành đảng Bộ công an trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021 ; Uỷ viên Ban chấp hành đảng bộ Tổng Cục Hậu Cần – Kỹ Thuật Bộ Công An nhiệm kỳ 2010 – 2015).
Với ông Tân, Bộ Chính trị cách chức ủy viên Ban chấp hành đảng bộ công an trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cách chức Thứ Trưởng Công An đối với ông Bùi Văn Thành và xóa tư cách Thứ Trưởng Công An giai đoạn 2011-2016 của ông Trần Việt Tân. (Tr.N)
**********************
Khởi tố hai cựu thứ trưởng công an vì vụ án Phan Văn Anh Vũ (BBC, 14/12/2018)
Trong diễn tiến "chấn động" dư luận Việt Nam, hai cựu thứ trưởng công an bị khởi tố bị can vì liên quan ông Phan Văn Anh Vũ.
Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ 'nhôm')
Bộ Công an Việt Nam ngày 14/12 thông báo đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Ông Trần Việt Tân là con rể vị tướng huyền thoại của Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân.
'Không còn là công an'
Theo báo chí Việt Nam, trước khi có quyết định khởi tố, ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân.
Hai ông đều từng là thứ trưởng công an Việt Nam, nhưng vào tháng 8/2018, ông Tân, đã nghỉ hưu, bị xóa tư cách thứ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016, còn ông Thành đang là đương kim thứ trưởng thì bị cách chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó cũng ký Tờ trình Chủ tịch nước giáng cấp bậc hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Trần Việt Tân và giáng cấp bậc hàm từ Trung tướng xuống Đại tá đối với ông Bùi Văn Thành.
Vì vậy, thông báo của Bộ Công an ghi ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng Bộ Công an, bị khởi tố về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đây là một phần trong cuộc điều tra mở rộng vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm thực hiện.
Trung tướng Bùi Văn Thành trong một kiểm tra công tác Phòng cháy chữa cháy
Vi phạm
Hồi tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản thông báo về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV, Bộ Công an).
Theo kết luận này, ông Bùi Văn Thành với cương vị Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an, trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, đã để xảy ra nhiều vi phạm.
Trong đó có việc ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật ; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công.
Còn ông Trần Việt Tân bị cho là thiếu trách nhiệm, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản vào ngày 28/7 quyết định cách hết chức vụ trong Đảng với ông Bùi Văn Thành, và cách chức Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Việt Tân.
*****************
Vũ Nhôm cáo buộc cơ quan chức năng vi phạm tố tụng (RFA, 13/12/2018)
Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm và các công tố viên của Viện kiểm sát tranh cãi nhau tại tòa vào sáng ngày 13 tháng 12 trong phiên xử vụ án thất thoát hơn 3600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" tại phiên tòa xét xử. RFA
Ông Vũ cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng việc tố tụng, ông nói ông nhiều lần yêu cầu được đối chất với ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cũng là bị can trong vụ án, nhưng bị từ chối.
Ông Vũ còn nói ông bị đưa ra khỏi trại giam một cách trái pháp luật, và số tiền 200 tỉ đồng lấy từ Ngân hàng Đông Á là ông mượn ông Bình và là một quan hệ dân sự.
Viện Kiểm sát thì nói họ làm đúng pháp luật, nói ông Vũ đã vu khống cơ quan điều tra, số tiền 200 tỉ đồng không phải là quan hệ dân sự mà là sai phạm vì ông Bình đã làm một chứng từ khống về việc thu số tiền đó.
Luật sư của ông Vũ là ông Nguyễn Hữu Thế Trạch nói lời buộc tội vu cáo của Viện kiểm sát là chưa thực sự làm rõ sự thật khách quan. Ông Trạch còn đặt câu hỏi là tại sao những buổi đối chất lại không có băng ghi hình và âm thanh.
Luật sư Trạch cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
Ông Phan Văn Anh Vũ vốn là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Bắc Nam 79, và cũng mang quân hàm thượng tá công an Việt Nam. Ông bị bắt tại Singapore và dẫn về Việt Nam hồi đầu năm nay.
Ông bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ mua bán đất đai nhà cửa công sản rồi bán lại kiếm lời.
Vào tháng 7, Phan Văn Anh Vũ bị kết án 9 năm tù với cáo buộc tội làm lộ bí mật nhà nước. Sau đó tại phiên phúc thẩm vào cuối tháng 10, tòa giảm 1 năm cho Vũ Nhôm về tội danh này.
Tình trạng vi phạm thủ tục tố tụng trong những vụ án chính trị thường được những người trong cuộc và luật sư bào chữa nêu ra ; tuy nhiên đối với những vụ án kinh tế lớn như vụ Ngân Hàng Đông Á hiện đang diễn ra thường ít được nói đến.
Mệnh đề dùng làm tựa bài viết này phi lý, kỳ quái nhưng thú thật là kẻ viết bài này không thể tìm ra mệnh đề nào khác có thể khái quát rõ ràng và chính xác hơn quyết tâm chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam !
Phiên tòa xử 92 bị cáo phạm các tội đánh bạc và lạm dụng chức quyền
***
Tòa án tỉnh Phú Thọ đang xử 92 bị cáo phạm các tội : "Đánh bạc", Tổ chức đánh bạc", "Mua bán hóa đơn trái phép", "Sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ đã công bố Cáo trạng, theo đó, Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Công ty Đầu tư – Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), khẳng định đã "biếu" ông Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân) 1.750.000 Mỹ kim, 27 tỉ đồng, một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 Mỹ kim, một áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan.
Dương còn khẳng định đã "biếu" ông Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao 22 tỉ đồng và "nhiều món quà giá trị khác".
Nội dung Kết luận Điều tra của Công an Phú Thọ, Cáo trạng của Viện Kiểm sát Phú Thọ xác định, không có sự hỗ trợ, tiếp sức của ông Vĩnh và ông Hóa, Dương và các đồng phạm không thể tổ chức – điều hành mạng lưới đánh bạc trên Internet, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, thu 9.583 tỉ tiền lời.
Tuy nhiên cả Công an Phú Thọ lẫn Viện Kiểm sát Phú Thọ cùng gạt bỏ lời khai của Dương, miễn cho Dương trách nhiệm hình sự đối với hành vi "đưa hối lộ" vì ông Vĩnh chỉ thừa nhận đã nhận của Dương một áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan, mua của Dương đồng hồ Rolex và đã trả 1,1 tỉ đồng. Còn ông Hóa phủ nhận đã nhận "quà" của Dương.
Công an Phú Thọ và Viện Kiểm sát Phú Thọ giải thích, bởi ông Vĩnh, ông Hóa phủ nhận lời khai của Dương và dù việc Dương tổ chức – điều hành mạng lưới đánh bạc rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào ông Vĩnh, ông Hóa nhưng vì không đủ chứng cứ, cho nên "khi nào có thể làm rõ sẽ xử lý sau".
"Khi nào có thể làm rõ sẽ xử lý sau" đồng nghĩa với, thế là đã xong, không làm gì nữa. Ai chẳng biết tìm kiếm, củng cố chứng cứ liên quan đến đưa – nhận hối lộ khó ngang với bắc thang lên hỏi ông Trời, đặc biệt là trong những trường hợp mà toàn bộ sự nghiệp của người đưa hối lộ phụ thuộc hoàn toàn vào người nhận hối lộ như quan hệ Dương – Vĩnh – Hóa.
Đó cũng là lý do ai cũng thấy rõ ràng các viên chức Việt Nam nhận hối lộ nhưng gần như chẳng có viên chức nào bị khởi tố - truy tố - xét xử - lãnh hình phạt vì "nhận hối lộ" (từ 300 triệu trở lên đã đủ để phạt tử hình). Họa hoằn mới có một vài viên chức cấp thấp bị cáo buộc "tham ô". Nếu có hầu tòa, đa số chỉ bị cáo buộc : "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Cố ý làm trái qui định gây hậu quả nghiêm trọng", Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
***
Số phận ông Vĩnh, ông Hóa chắc chắn sẽ khác nếu năm 2009, khi bỏ phiếu phê chuẩn Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC), Quốc hội Việt Nam đừng đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, đừng khăng khăng từ chối áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAC, dứt khoát không chịu thực thi "hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính" vì… chưa phù hợp (2) !
Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ chắc chắn không cần phải phân bua với công chúng "khi nào có thể làm rõ" chuyện ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ "sẽ xử lý sau", nếu năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua "Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" - hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chấp nhận đề nghị của một số đại biểu Quốc hội, viên chức Bộ Tư pháp, đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường.
Thề chống tham nhũng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam điềm nhiên gạt bỏ đề nghị : Xem là phạm tội "làm giàu bất chính" tất cả những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản (3).
Năm 2015 - khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm.
Thậm chí tháng 4 vừa qua, sau một thời gian dài lặp đi, lặp lại chống tham nhũng là lĩnh vực "không có vùng cấm" nhưng khi cho ý kiến về Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng hiện hành, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam chính thức yêu cầu gạt chuyện xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối sang một bên.
Các đề nghị giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính) cũng đã được yêu cầu gom lại cho gọn để bỏ vào… thùng rác thêm một lần nữa (4).
Suốt từ 2015 đến nay, Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn không xong vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Tháng 9 vừa rồi, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, nhấn mạnh sự thất vọng của Ban Soạn thảo dự luật : Sau khi đề nghị buộc những viên chức giàu có bất minh nộp thuế theo tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị tài sản không thể giải trình về nguồn gốc, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự - như một giải pháp nhưng bị phản đối, Ban này mới đưa ra đề nghị khác – giao cho hệ thống tòa án xử lý tài sản mà những viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc – song đề nghị ấy cũng bị "can gián" !
Bà Nga lưu ý, suốt ba năm ròng rã, Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng đã đưa ra sáu phương án để xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh, đến nay, bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai và cả hai đều không phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn "yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (5).
***
Cho dù không "bắt tận tay, day tận trán" ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ của ông Dương nhưng nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đừng sử dụng các "động tác kỹ thuật" khi phê chuẩn UNCAC, đừng từ chối đặt định các hình thức chế tài nghiêm khắc với những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, đừng từ chối thực thi những hành động vốn có tính phổ quát trên toàn cầu, chấp nhận công bố rộng rãi tờ khai tài sản, tình trạng tài chính của các viên chức cao cấp để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát - chắc chắn ông Vĩnh, ông Hóa sẽ đền tội.
Công an Phú Thọ và Viện Kiểm sát Phú Thọ đã dễ dàng bác bỏ lời khai của ông Vĩnh : Thu nhập hợp pháp chỉ có 20 triệu đồng/tháng, cho nên bảo rằng đã trả ông Dương 1,1 tỉ đồng để "mua" đồng hồ Rolex là không chấp nhận được - thì chắc chắn chẳng khó khăn gì nếu "làm giàu bất chính" đã được hình sự hóa : Dựa vào những bất động sản với giá trị khổng lồ mà ông Vĩnh, ông Hóa đang làm chủ để truy cứu cả hai tội "làm giàu bất chính". Tòa án vừa có thể phạt tù, vừa có thể sung công các khối tài sản này.
Chống tham nhũng như thế may ra mới hiệu quả nhưng chống tham nhũng như thế thì còn bao nhiêu viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có thể tại vị ? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục vận hành sự nghiệp chống tham nhũng như trước nay thì càng… quyết liệt, các viên chức ở Việt Nam càng giàu.
Dân chúng Việt Nam chỉ có thể cảm thấy các công bộc rất giàu chứ không thể biết đích xác họ giàu thế nào vì các tờ khai tài sản đã được xác định là "nhạy cảm", không thể công bố. Tại sao các công bộc giàu ? Một số đã lý giải đó là nhờ : Bện chổi, nuôi heo, trúng số, chạy xe ôm, hưởng thừa kế, làm thối móng tay,… tuy nhiên chẳng ai chấp nhận bởi chênh lệch giữa những nguồn lợi vừa kể có thể đem lại, với giá trị thực của khối tài sản mà thiên hạ nhìn thấy vẫn quá lớn.
Chỉ có một cách lý giải : Họ ăn rau muống và… thải ra tiền ! Vâng, chỉ như thế thì họ mới giàu có đến thế và cũng chỉ như thế, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, xem tham nhũng là nội xâm, là quốc nạn, mới không làm gì những viên chức giàu có bất thường !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/11/2018
Chú thích
(3) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Tòa có bỏ sót tội tướng Vĩnh, tướng Hóa ? (BBC, 12/11/2018)
Sáng 12/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử 92 bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Tướng công an Phan Văn Vĩnh đối diện án tù 5-10 năm
Hơn 500 cảnh sát được huy động bảo vệ phiên tòa, cùng đội ngũ y tế túc trực.
Một số nhân vật được công luận đặc biệt chú ý trong phiên tòa này là tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên cục trưởng C50) , Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch VTC Online), và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty CNC).
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị đưa ra xét xử tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Khung hình phạt theo quy định cho loại tội này là từ 5-10 năm tù.
Nguyễn Văn Dương, và Phan Sào Nam bị xét xử các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".
Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội tổ chức đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tội đánh bạc.
Cáo trạng nói gì ?
Theo cáo trạng đọc tại tòa, vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng do Nguyễn Văn Dương cầm đầu, với sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Sau 28 tháng vận hành game đánh bạc, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã kiếm được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi hơn 9.800 tỷ đồng.
Trong đó, ba nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone hưởng hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu đô la cùng nhiều hiện vật đắt tiền khác.
Dương cũng khai đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Phan Văn Vĩnh trả lời 'nhầm' hai lần
Ông Phan Văn Vĩnh hai lần đưa ra câu trả lời 'nhầm', theo tường thuật phiên tòa trên truyền thông Việt Nam.
Lần một, ông nói ông bị bắt năm 1998, sau đó đính chính là năm 2018.
Lần hai, ông nói năm sinh con lớn của ông là 1987, sau đó đính chính năm 1988.
Luật sư của ông Vĩnh cho hay ông đang mang nhiều bệnh trong người. Trước phiên tòa, ông Vĩnh được cho hay là phải điều trị ở bệnh viện và từng bị 'ngất', 'ngã sưng trán'.
Luật sư Huyền Trang bào chữa cho ông Vĩnh phát biểu tại tòa rằng trước đây ông là trung tướng công an, nhưng khi vi phạm pháp luật ông là một cá nhân không đại diện diện cho cơ quan nào, do đó đề nghị tòa "yêu cầu cơ quan báo chí không đưa những phát ngôn tiêu cực", theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Tòa bỏ sót tội ?
Một luật sư ở Hà Nội, ông Trần Vũ Hải, nhắc lại với BBC phần bình luận trước phiên tòa mà ông viết hồi tháng 7/2018 rằng dường như cơ quan điều tra đã bỏ sót một số tội danh với tướng Vĩnh và tướng Hóa.
Theo luật sư Hải, cơ quan điều tra bỏ sót một số tội danh đối với ông Vĩnh và ông Hóa, như : tội lạm quyền trong thi hành công vụ, tội tổ chức đánh bạc, tội không truy cứu trách hiệm hình sự.
"Cần xem xét hai ông này có vai trò đồng phạm "tổ chức đánh bạc" cùng hai ông Dương và Nam hay không, ít nhất là vai trò giúp sức. Cá nhân tôi cho rằng không loại trừ xem xét vai trò "đề xướng tổ chức" đối với hai vị này".
Các hình thức đánh bạc hiện nay tinh vi hơn, có thể online và xuyên quốc gia
Luật sư Hải cho rằng đối với cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa,nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát công nghệ cao, tòa đã đổi tội danh.
"Khi bị bắt, ông Hóa bị khởi tố bị can về tội tổ chức đánh bạc (đồng phạm với Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương trong đường dây đánh bạc qua Internet). Nay ông Hóa hầu tòa với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
"Có vẻ hai viên cựu tướng này khá được "ưu ái", tội danh và điều khoản bị truy tố khá nhẹ trong một vụ án họ là những nhân vật quyết định. Thậm chí có người chủ yếu ở bệnh viện trong thời gian tạm giam ! Dự đoán kết quả sẽ "làm hài lòng" họ, và sau vài năm "an dưỡng", sẽ trở về làm "người tử tế"", ông Hải viết trên Facebook cá nhân trước phiên tòa ngày 12/11.
Các mốc chính trong vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ :
30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.
Giữa năm 2015 : Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.
20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.
11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.
9/4/2018 : Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.
31/8/2018 : Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.
*****************
Xét xử vụ đường dây đánh bạc : Cựu tướng công an không muốn công bố bản án trên mạng (RFA, 12/11/2018)
Hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm khác vào ngày 12/11 đã ra tòa tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án đường dây đánh bạc trên mạng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (bên trái) và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá - RFA edit
Cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ Luật Hinh sự 2015. Ngoài ra hai viên tướng này còn bị trùm đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương khai là đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều đồ vật có giá trị. Hiện phía cơ quan điều tra vẫn chưa có căn cứ chứng minh hai viên tướng nhận hối lộ và tình tiết này sẽ được làm rõ trong giai đoạn hai.
Ông Phan Văn Vĩnh trước tòa hôm 12/11 đã yêu cầu không công bố bản án của mình lên mạng. Yêu cầu này của bị cáo đã được tòa đồng ý và cho biết các bị cáo có quyền được đề nghị từ chối việc công bố vì lý do cá nhân.
*****************
Giới luật sư : Bản án của tướng Vĩnh sẽ vẫn được công khai (RFA, 12/11/2018)
Tại phiên xét xử 92 bị cáo vụ án đánh bạc ngàn tỷ qua mạng diễn ra vào sáng ngày 12/11 tại tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, khi chủ tọa công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh đã đề nghị tòa không công khai bản án đối với ông và được chủ tọa đã lập tức chấp thuận đề nghị này.
Phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc qua mạng và cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh trước hội đồng xét xử. RFA
Theo chủ tọa cho báo chí biết, chỉ cần một người trong vụ án không đồng ý thì bán án vụ việc sẽ không được công bố trên mạng.
Giới luật sư trong nước ngay lập tức lên tiếng về quyết định này của chủ tọa.
Luật sư Trần Vũ Hải đoàn luật sư Hà Nội khẳng định với báo Dân Trí rằng, quy định hiện hành không có căn cứ nào để hội đồng xét xử chấp thuận đề nghị này. Bởi vì theo luật sư nếu chấp thuận đề nghị của ông Phan Văn Vĩnh thì bản án đối với 91 bị cáo còn lại sẽ công bố như thế nào ?
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với chúng tôi rằng, pháp luật Việt Nam có quy định đăng bản án phải hỏi ý kiến của bị cáo và ghi vào trong biên bản và khi có bản án phải coi lại biên bản bị cáo có đồng ý cho đăng hay không rồi mới tiến hành xem xét thực hiện.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử này chỉ có riêng bị cáo Phan Văn Vĩnh là có ý kiến đề nghị không công khai mà tòa đã đồng ý chấp thuận ngay là trái với quy định pháp luật.
Vị luật sư cho biết thêm :
"Ngay lúc đó đúng ra chủ tọa phải hội ý lại với hội đồng xét xử và xin ý kiến lại để tham khảo lại về pháp luật, còn ở đây chủ tọa lại nhanh nhảu phán luôn, nếu đơn sự không đồng ý thì bản án sẽ không được đăng như vậy đối với các bị cáo kia không có ý kiến thì họ mặc nhiên chấp nhận điều đó hay sao. Đây là sự thiếu xót của pháp luật không dự liệu được trường hợp này".
Ngoài ra, luật sư Mạnh cho hay việc chủ tọa phiên tòa thông báo bản án sẽ được đưa lên cổng thông tin điện tử của tòa án là đúng. Ông Vĩnh có quyền phản đối, nhưng việc đăng bản án không lệ thuộc vào ý kiến của các bị cáo.
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng dù luật pháp có quy định việc không công khai bản án vì lý do đời tư nhưng điều này có nghĩa là bản án hoàn toàn bí mật, không ai có thể tìm hiểu. Ông cho biết :
"Không công khai ở đây là không công khai trên trang điện tử của tòa án thôi, còn báo chí hoặc những người khác tham dự phiên tòa vẫn có quyền công khai bản án".
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh được đưa ra trước phiên tòa. RFA
Với luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ Sài Gòn, tuy bản án không công khai nhưng để tìm kiếm thông tin về bản án thì không phải khó. Bởi vì :
"Bản án không công bố trên cổng thông tin điện tử nhưng bản án vẫn là bản án công khai gửi đến bị cáo bị hại hoặc là người liên quan rồi các cơ quan chức năng, nên việc truy cập tìm kiếm bản án cũng không phải là khó vì không phải là vấn đề bí mật. Nó chỉ không đưa lên cổng thông tin điện tử thôi nhưng nếu có đưa lên người ta cũng mã hóa các tên của nhân vật mà xét thấy nếu cần thiết, để ai muốn quan tâm nghiên cứu hay tìm hiểu".
Điều 4, nghị quyết 3 của hội đồng thẩm phán có quy định các trường hợp không công bố bản án là phiên tòa xử kín hoặc bản án thuộc phiên tòa xét xử công khai nhưng có chứa các thông tin bí mật nhà nước, kinh doanh, gia đình và phiên tòa có người dưới 18 tuổi…
Luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên giải thích thêm về quy định này và đề nghị của tướng Vĩnh.
"Trong luật Việt Nam tất cả bản án đều công khai hết nhưng những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì có thể không công khai theo yêu cầu nhưng trong trường hợp này thì không có nằm trong các trường hợp đó".
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh là cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông bị truy tố với cáo buộc "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015. Nếu bị kết án, ông Phan Văn Vĩnh có thể đối mặt hình phạt tối đa lên đến 10 năm tù.
******************
Đại úy Cảnh sát Giao thông bị cho xuất ngũ vì cầm cố thẻ đảng (RFA, 12/11/2018)
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Đại úy Cảnh sát Giao thông tỉnh Tiền Giang vừa bị khai trừ Đảng và buộc xuất ngũ vì cầm cố thẻ đảng viên để vay nợ hơn 3 tỷ đồng.
Hình minh họa. Một cảnh sát mang súng đứng gác cạnh bức chân dung cố Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngoài nơi diễn ra đại hội đảng ở Hà Nội hôm 17/1/2011 - AFP
Báo mạng VTC loan tin này vào ngày 11 tháng 11, cho biết thêm Công an tỉnh Tiền Giang quyết định khai trừ đảng ông Nguyễn Thanh Liêm do vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng viên. Đồng thời cho thu hồi toàn bộ quân trang mà Đại Úy Liêm được cấp trước đó.
Tin cho biết, bà H.T.L.T., một trong những chủ nợ của ông Nguyễn Thanh Liêm do không nhận được đúng hẹn số tiền 90 triệu đồng mà bà cho mượn nên đã gửi đơn trình bày vụ việc lên Phòng Cảnh sát Giao Thông tỉnh Tiền Giang vào hồi tháng 8 vừa qua.
Đơn tố cáo ông Nguyễn Thanh Liêm, Đại úy Cảnh sát Giao thông tỉnh Tiền Giang. baomoi.com
Trong đơn, bà T. cho biết là ông Nguyễn Thanh Liêm đã đưa thẻ đảng viên để thế chấp khi mượn tiền. Nhưng sau đó ông Liêm mược lại thẻ đảng viên với lý do nộp cho chỉ huy và hứa đưa lại thẻ cho bà T. sau 10 ngày. Tuy nhiên ông Liêm không thực hiện lời hứa này nên bà T. đã gửi đơn tố cáo sự việc.
Sau khi nhận được đơn bà T., Phòng Cảnh sát Giao thông đã điều tra và xác định Đại úy Nguyễn Thanh Liêm không chỉ cầm cố thẻ đảng viên để mượn tiền với mỗi bà T. mà còn với nhiều người khác. Tổng số tiền được nói là hơn 3 tỷ đồng, nhưng ông Liêm vẫn chưa hoàn trả cho bất kỳ ai.
******************
Dân Bình Định phản đối dự án điện mặt trời vì nghi phá rừng (RFA, 12/11/2018)
Hàng chục người dân ở 4 thôn của xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong các ngày 10, 11 và 12/11 đã chặn xe khảo sát, chuẩn bị rà phá bom mìn để phản đối dự án mà chính quyền địa phương cho biết là dự án điện năng lượng mặt trời. Người dân yêu cầu lãnh đạo xã phải cam kết không được triển khai dự án tại địa bàn xã. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 12/11.
Dân chúng biểu tình phản đối do nghi ngờ khai thác titan. 18/4/2018. Courtesy Ảnh chụp từ video do người dân cung cấp.
Theo báo Người Lao Động, vào sáng ngày 12/11, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ đã tổ chức họp báo khẩn về sự việc này để bàn việc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ cho biết, thời gian qua chính quyền đã nhiều lần vận động người dân về hiệu quả của dự án nhưng vẫn có khoảng 15 đến 20 phụ nữ không ủng hộ dự án và phao tin đồn tuyên truyền không đúng về dự án.
Trước đó, vào ngày 27/9 chính quyền một xã lân cận là xã Mỹ An đã họp với dân chúng để thuyết phục họ rằng điện mặt trời là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường, không nên chống đối.
Tuy nhiên dân chúng cho rằng những dự án điện mặt trời, điện gió được công ty thực hiện dự án dùng làm bình phong để khai thác titan trên bờ biển gây ô nhiễm sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Vào ngày 21/4/2018 dân chúng cũng đã biểu tình tại hai xã Mỹ An và Mỹ Thọ, Huyện Phù Mỹ phản đối việc xây dựng một trạm quan trắc gió vì nghi ngờ việc này bị lợi dụng để khai thác titan.
Trong số ra ngày 11/9/2018, Báo Người Lao động cho biết là sau năm năm khai thác titan tại vùng ven biển Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vùng quê này trở nên hoang tàn, và có đến 10 người thiệt mạng do hoạt động khai thác titan.