Lở đất làm 13 chết, 4 người mất tích ở Nha Trang (VOA, 19/11/2018)
Ít nhất 13 người chết và 4 người mất tích trong trận lở đất, lũ quét ở tỉnh Khánh Hòa, sáng hôm 18/11, theo hãng tin AP.
Lở mất ở Nha Trang, Khánh Hòa sáng ngày 18/11/2018.
Một người dân địa phương nói với VOA rằng đa phần nạn nhân là người nghèo, sống trong khu nhà tạm do nhà của họ đã bị chính quyền giải tỏa trước đó.
Từ Nha Trang, ông Trần Nguyễn Thanh Nghiêm nói với VOA :
"Đây là khu vực gần chân núi, người dân xây nhà tạm để ở, không phép. Trước đây những người này có đất nhưng đã bị giải tỏa, nên họ phải ra đây cất tạm để ở. Lần này thì mưa lớn, lượng nước nhiều, đè sập nhà, gây chết người".
Tại điểm sạt lở xã Phước Đồng, nhiều nhà dân giờ chỉ còn đống đổ nát, tan hoang. Đây là nơi chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do sạt lở núi với 6 người chết, một người bị thương, 4 người mất tích, theo VnExpress.
Hôm 18/11, Báo Thanh Niên dẫn lời của Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho biết, phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án "phát triển đô thị".
Báo Tuổi trẻ trích lời Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Thiên tai (Nguyễn Trường Sơn nhận định chiều ngày 19/11 rằng công trình, hạ tầng, nhà cửa của người dân dày đặc chắn dòng thoát lũ cùng với lượng mưa cực lớn là nguyên nhân chính đã tạo ra lũ quét, sạt lở đất khiến 18 người chết và mất tích tại tỉnh Khánh Hòa.
Một người dân khác, đề nghị không nêu tên, nói với VOA rằng đây là thảm họa lớn nhất xảy ra ở Khánh Hòa từ trước đến nay :
"Với tình hình sạt lở, nhà bị sụp, và với số người chết như vậy là rất nghiêm trọng. Ở Khánh Hòa chưa từng xảy ra tình trạng nghiêm trọng như thế bao giờ".
Truyền thông trong nước nói, chính quyền địa phương đã phải huy động cả quân đội đến để đào bới những khu vực bị lở đất để tìm kiếm các nạn nhân và dọn dẹp đường lộ.
Lở đất ở Nha Trang, Khánh Hóa, 18/11/2018. Photo Zing.vn
Ông Thanh Nghiêm nói rằng việc cứu hộ của chính quyền thì "rất chậm chạp" nên người dân không thể mong chờ vào nhà nước.
"Bây giờ người dân phải tự lo trước, chính quyền thì chậm lắm, hơn nữa họ ở trái phép, nhưng chỉ có các nhà thiện nguyện vận động hỗ trợ, chứ không trông chờ vào nhà nước được, đặc biệt là trong trường hợp này".
Trong thời gian qua trên mạng xã hội đã xuất hiện các lo ngại về vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị ở Khánh Hòa.
Trong bài viết trên Facebook hôm 19/11 có tựa đề "Đừng đổ tại thiên nhiên", nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng nhấn mạnh ông từng cảnh báo về sự yếu kém trong quy hoạch và phát triển đô thị ở Khánh Hòa.
Một blogger tên Lưu Xuyên Phong viết : "Tôi ở Nha Trang mà hằng ngày còn phải kinh ngạc trước sự tàn phá thiên nhiên để lấy đất làm dự án của thành phố. Lấp đầm san đìa, phá núi, lấp biển, tàn phá môi sinh không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham của quan chức".
*******************
Khánh Hòa : Hơn 10 người tử vong do sạt lở đất là những người bị giải tỏa nhà đất (RFA, 19/11/2018)
Đã có ít nhất 17 người chết và mất tích tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do mư lũ, sạt lở đất, lốc xoáy, tính đến cuối giờ chiều ngày 19/11 theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hư hại do lũ quét ở phường Phước Đồng, Nha Trang hôm 18/11/2018 AFP
Thiên tai xảy ra cho Khánh Hòa hôm 18/11 là do ảnh hưởng của cơn bão số 8.
Sạt lở đất cũng khiến 34 người bị thương và 198 nhà đổ sập, hư hỏng, tốc mái, nhiều tuyến đường tại Ninh Thuận và thành phố Nha Trang bị ngập và hư hỏng.
Mạng báo Thanh Niên dẫn lời từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, nhận định đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong.
Cũng theo ban này, phần lớn các gia đình có người tử nạn là những hộ dân có nhà bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án "phát triển đô thị".
Tiền đền bù không đủ để mua đất, họ lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà.
Vì là nhà tự phát nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền.
Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi.
Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Lê Hữu Thọ cho biết sự việc này kéo dài hàng chục năm, sau thảm họa này, thời gian tới thành phố sẽ xin tỉnh di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và sẽ làm quyết liệt.
*******************
Người chết vì núi lở ở Nha Trang là nạn nhân của giải tỏa nhà đất (Người Việt, 19/11/2018)
Hơn chục người chết và mất tích khi đất đá lở từ núi đổ xuống sau cơn mua lớn ở Nha Trang là nạn nhân của các vụ giải tỏa nhà đất của nhà cầm quyền tại địa phương.
Đưa người bị nạn trong vụ sạt lở ở thôn Thành Phát đi cấp cứu. (Hình : Thanh Niên)
Các tin tức tiếp theo về hậu quả của mưa lũ sối sả, hệ quả của áp thấp nhiệt đới tức con bão số 8 giảm cường độ, các ngày 17 và 18/11/2018 làm lở núi, nước chảy như thủy điện xả lũ qua các khu dân cư làm nhà vô trật tự trên sườn núi tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa đã làm cho 13 người thiệt mạng và 4 người còn mất tích.
Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai 19/11/2018 cho hay "phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án ‘phát triển đô thị’. Nhận được một ít tiền đền bù, không đủ để mua miếng đất tại các khu đô thị, họ bèn ‘nhảy dù’ lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà".
Nguồn tin kể tiếp rằng "vì là nhà ‘tự phát’ nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền. Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi !"
Thành phố Nha Trang hiện có trên 500,000 dân, nhưng số "nhảy dù" theo tờ Thanh Niên "đã lên tới hàng ngàn gia đình. Các ngọn núi quanh thành phố, hoặc là bị hay được xúc đất để san lấp mặt bằng cho các dự án, hoặc là được san ủi để hình thành các khu dân cư nhưng hệ thống bờ kè chống sạt lở là rất mong manh, số còn lại là dành cho những người nghèo không đủ khả năng mua đất các dự án. Họ sống quá tạm bợ trước sự ‘bất lực’ của chính quyền thành phố. Các cuộc ‘nhảy dù’ của dân nghèo nay bắt đầu trả giá mỗi khi có lũ".
Cảnh tan hoang ở thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) (Hình : Thanh niên)
Cưỡng bách giải tỏa nhà đất của dân rồi đền bù bằng những số tiền nhỏ, không đủ cho người ta mua miếng đất khác ở chỗ khác, hoặc mua lại những căn nhà "tái định cư" do nhà cầm quyền xây dựng rất phổ biến tại Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Quan chức các cấp của chế độ Hà Nội lợi dụng chính sách để ăn hối lộ, ăn cắp đủ kiểu trong khi dân trở thành vô gia cư. Hàng đoàn người khiếu kiện khắp nơi và ngay cả trung ương Hà Nội trong vô vọng.
Hiện hàng ngàn gia đình ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn, đang chống đối quyết liệt, đòi bồi thường thiệt hại vì nhà cầm quyền địa phương cướp ngang nhà đất của dân nằm ngoài ranh giới "quy hoạch" đô thị mới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền chỉ muốn giải quyết khiếu kiện của những gia đình nằm trong diện tích hơn 4 ha trong khi hàng ngàn gia đình đã bị giải tỏa trên diện tích tới 160 ha.
Nhiều vụ chống đối giải tỏa đền bù xảy ra tại Việt Nam được dư luận báo chí quốc tế biêt đến như vụ cưỡng chế đầm nuôi thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, vụ đàn áp dân Dương Nội, quận Hà Đông ngay tại Hà Nội năm 2014. (TN)
*******************
Sạt lở ở Nha Trang : Nạn nhân bị giải tỏa nhà trước đó ? (BBC, 19/11/2018)
Đại diện chính quyền địa phương nói với BBC rằng vụ sạt lở đất chết người xảy ra ở "khu dân cư tự phát" trong lúc báo Khánh Hòa từng viết về một số lô đất nằm sát chân núi "bị người dân san ủi phân lô để xây dựng nhà cửa".
Cảnh đổ nát tại xã Phước Đồng, Nha Trang (ảnh chụp hôm 18/11)
Báo Khánh Hòa hôm 19/11 cho biết : Đã có 13 người chết, 4 người mất tích, 11 người bị thương do sạt lở đất các xã, phường Phước Đồng, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ và Vĩnh Hòa.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích, trợ giúp người dân khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lụt.
Khu nhà "nhảy dù"
Hôm 19/11, trả lời BBC qua điện thoại, ông Bùi Cao Pháp, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Đồng, khu vực được ghi nhận chịu thiệt hại nặng nề nhất trong vụ sạt lở, nói : "Thiệt hại nhân mạng diễn ra tại khu dân cư tự phát".
Tuy vậy, ông Pháp từ chối trả lời thêm các câu hỏi khác của phóng viên và nói : "Chúng tôi đang ở hiện trường tập trung khắc phục hậu quả".
Bản quyền hình ảnhXINHUA
Cùng ngày, nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Nha Trang nói với BBC : "Theo như tôi hiểu, các nạn nhân của vụ sạt lở đất hôm qua đều là người nghèo, sống trong những căn nhà dựng sát chân núi".
"Ở đây người ta gọi đó là nhà "nhảy dù", từ để chỉ những người bị thu hồi đất đai, không thể mua nhà ở khu bằng phẳng nên phải lên dựng nhà ở chân núi dù đường đi lại khó khăn".
"Qua vụ này, tôi thấy lẽ ra chính quyền nên điều chỉnh chính sách thu hồi đất đai, có quy hoạch tốt hơn và tìm vị trí an toàn cho người dân tái định cư".
"Tại sao thành phố cưỡng chế lấy đất cho đại gia làm dự án bất động sản ồ ạt được mà không cưỡng chế người dân nghèo ra khỏi những khu vực nguy hiểm cho tính mạng của họ ?"
"Hàng ngàn gia đình"
Báo Thanh Niên hôm 18/11 viết : "Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong. Phần lớn các gia đình có người tử nạn đều là những gia đình quá nghèo, nhà của họ bị giải tỏa để mở rộng đường hoặc bị giải tỏa từ các dự án "phát triển đô thị".
"Nhận được một ít tiền đền bù, không đủ để mua miếng đất tại các khu đô thị, họ bèn "nhảy dù" lên các sườn núi để chiếm đất làm nhà. Vì là nhà "tự phát" nên mạnh ai nấy làm, xây theo ý mình hoặc tùy vào túi tiền. Hầu như việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi !"
Việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho các khu dân cư này không có, mỗi lần lũ lớn là cư dân ở đây nơm nớp với chuyện lở núi - Bản quyền hình ảnhXINHUA
Cũng theo báo này, có "hàng ngàn gia đình" được ghi nhận trong tình trạng "nhảy dù" tại Nha Trang và những người nghèo không đủ khả năng mua đất tại các dự án đang phải "sống tạm bợ trước sự bất lực của chính quyền thành phố".
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Khí tượng dự báo, hiện ở phía Đông Philippines đang xuất hiện một vùng thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi di chuyển vào Biển Đông, trong ngày 20 và 21/11 có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 9 và có phạm vi ảnh hưởng từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được báo Khánh Hòa hôm 19/11 dẫn lời : "Diễn biến thời tiết trong những ngày tới đây sẽ rất nguy hiểm, vì vậy các địa phương phải kiên quyết di dời các hộ sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bên cạnh đó, cần phải cắt cử lực lượng túc trực tại các vị trí xung yếu, các cầu tràn để cảnh báo, ngăn chặn người dân không lưu thông qua những khu vực nguy hiểm".