Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh giao thương và hợp tác quốc phòng (RFI, 20/11/2018)
Việt Nam và Ấn Độ đạt đồng thuận thúc đẩy thương mại song phương, mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind (trái) được chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp tại Hà Nội ngày 20/11/2018. Reuters/Kham/Pool
Trong chuyến thăm Việt Nam, phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp báo chung tại thủ đô Hà Nội, tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind hôm 19/11/2018 tuyên bố ông tin rằng tổng giá trị giao thương hai nước sẽ tăng từ 12,8 tỷ đô la vào năm 2017 lên thành 15 tỷ đô la vào năm 2020.
Theo ABC News, tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam đang trên đà phát triển và cam kết hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Ấn Độ cũng cam kết hỗ trợ đào tạo cho lực lượng vũ trang Việt Nam. Tổng thống Ấn Độ cho biết thêm là ông và chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã xem xét hạn mức tín dụng 100 triệu đô la để chế tạo tàu tuần tra cao tốc bảo vệ bờ biển Việt Nam.
Hiện tại, Ấn Độ có 182 dự án đầu tư trị giá 816 triệu đô la ở Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 7 dự án trị giá 6 triệu đô la ở Ấn Độ.
Thùy Dương
****************
Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam, New Delhi muốn tăng cường hợp tác quốc phòng (VOA, 19/11/2018)
Ấn Ðộ mong muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Ram Nath Kovind đến quốc gia Ðông Nam Á này.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind (ảnh tư liệu)
Tổng thống Ram Nath Kovind đi thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 20/11 trong lúc New Delhi hy vọng kích hoạt một khoản tín dụng trị giá 500 triệu đô-la cấp cho Hà Nội để tăng cường quan hệ quốc phòng với quốc gia Đông Nam Á này theo Chính sách Hướng đông của Ấn Độ.
Thủ tướng Narendra Modi đã công bố khoản tín dụng trên cách đây hơn hai năm và bất chấp nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn-Việt, hai nước vẫn chưa thể ký được thỏa thuận khung cần thiết để thực hiện khoản tín dụng đó.
Điều này càng trở nên khó hiểu khi Việt Nam gần đây đã thừa nhận hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọngtrong quan hệ với Ấn Độ và đã khuyến khích trao đổi các phái đoàn cấp cao, cơ chế tham vấn và hợp tác chặt chẽ hơn với lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Khi loan báo khoản tín dụng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Modi được cho là đã tái khẳng định mối quan tâm "lớn" của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Ông cũng công bố khoản tài trợ 5 triệu đô la cho dự án xây dựng một công viên phần mềm của quân đội tại Đại học Viễn thông ở Nha Trang.
Các nguồn tin chính thức nói rằng sự chậm trễ trong việc thực hiện khoản tín dụng có thể là do việc Việt Nam gần đây tằng cường giám sát các khoản vay nước ngoài. Việt Nam không muốn nợ nước ngoài vượt quá 50% GDP và nợ công vượt quá 65% GDP.
Ngoài ra còn những vấn đề khác có liên quan, như các nguồn tin ngoại giao nói với Thời báo Ấn Ðộ rằng Việt Nam sẽ không muốn sử dụng các khoản vay nước ngoài vào việc phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, mặc dù Thủ tướng Modi đã nói với Hà Nội rằng khoản tín dụng này chủ yếu là nhằm tăng cườnghợp tác quốc phòng sâu rộng hơn.
New Delhi muốn Việt Nam sử dụng khoản tín dụng đó để mua vũ khí của Ấn Độ. Đã có một bản mẫu trước đó với khoản tín dụng 100 triệu đôla New Delhi cấp cho Việt Nam, và Hà Nội đã dùng để mua tàu tuần tra cao tốc của Ấn Độ.
Tuyên bố chung Ấn-Việt trong chuyến thăm Ấn Độ của chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là ông Trần Đại Quang vào tháng 3 năm 2018 thúc giục sớm ký một thỏa thuận khung cho khoản tín dụng 500 triệu đôla cho công nghiệp quốc phòng.
Thời báo Ấn Ðộ nói rằng các nguồn tin ngoại giao ở New Delhi bác bỏ gợi ý rằng Việt Nam trì hoãn thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ấn Độ vì sợ làm phật lòng Trung Quốc. Tuy nhiên Hà Nội từng nói rõ rằng Việt Nam không "liên kết" quân sự với bất kỳ một quốc gia nào, và Việt Nam không ủng hộ bất kỳ liên minh quân sự nào và cũng tránh tham gia bất kỳ cuộc tập trận quân sự chung nào của một liên minh như vậy. Trong quan hệ song phương, Việt Nam đồng ý với Ấn Độ rằng điều cần thiết là phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm chống cướp biển, bảo vệ an ninh các hải lộ và trao đổi thông tin vận tải trên biển.
(Theo The Times of India, VOV)
*******************
Ấn Độ mong muốn Việt Nam ký thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 500 triệu USD (RFA, 19/11/2018)
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind trong chuyến thăm Việt Nam cho biết chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ thực hiện được khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD mà Ấn Độ đã cam kết cho Hà Nội vay để tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Tờ Thời Báo Ấn Độ loan tin này hôm 18/11.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) nói chuyện với Chủ tịch Trần Đại Quang trong cuộc gặp ở Hà Nội hôm 3/9/2016. AFP
Đây là khoản vay mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố cho Hà Nội vay hơn 2 năm về trước nhưng cho đến giờ hai bên vẫn chưa ký được một thỏa thuận khung để có thể thực hiện khoản vay.
Gần đây Việt Nam đã thừa nhận hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ với Ấn Độ và đã khuyến khích các cuộc trao đổi của phái đoàn cấp cao, cơ chế tham vấn, và hợp tác chặt chẽ với lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Tờ Thời báo Ấn Độ trích các nguồn tin chính thức của Ấn Độ cho biết sự chậm trễ ký kết thỏa thuận khoản vay 500 triệu USD này có thể vì Việt Nam đang đẩy mạnh giám sát các khoản vay nước ngoài. Theo đó, Việt Nam không muốn nợ nước ngoài vượt quá 50% GDP và nợ công vượt quá 65% GDP.
Các nguồn tin ngoại giao nói với Thời Báo Ấn Độ rằng Việt Nam cũng có thể sẽ dùng khoản vay 500 triệu USD cho các mục đích khác như phát triển cơ sở hạ tầng công cộng. Tuy vậy, Ấn Độ nói với Hà Nội rằng khoản vay chỉ được dùng cho mục đích hợp tác quốc phòng.
Trước đó, Ấn Độ đã từng cho Việt Nam vay 100 triệu đô la để mua các tàu tuần tra trên biển tốc độ cao.
Các nguồn tin của Thời báo Ấn Độ loại trừ khả năng Việt Nam chậm trễ việc ký thỏa thuận vì lo ngại người láng giềng Trung Quốc.