Việt Nam ‘xua đuổi’ tàu cá Trung Quốc (VOA, 03/03/2017)
Theo tin từ trong nước, hôm 3/3, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã "tổ chức truy đuổi, vây bắt" 2 tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biên Việt Nam và đã "tổ chức phóng thích" 2 tàu này và "xua đuổi" chiếc tàu thứ ba ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Theo VnExpress, sau khi nhận được tin báo có một tốp tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển cách cửa Gianh khoảng 40 cây số, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã đưa 2 tàu và 16 cán bộ "xuất kích", "đẩy đuổi" các tàu cá.
Lực lượng biên phòng đã bắt được 2 chiếc tàu và 9 ngư dân Trung Quốc. Sau khi kiểm tra, lập biên bản vi phạm, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phóng thích các tàu này và "xua đuổi" tàu cá còn lại ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc gần đây ra thông báo chính thức cấm đánh bắt cá trong thời gian từ ngày 1/5 đến 16/8 ở Biển Đông, bao gồm một số khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trả lời báo giới hôm 28/2, người phát ngôn Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói "Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" và "Việt Nam kiên quyết và bác bỏ Quy chế này của phía Trung Quốc".
Hôm 1/3, Hội nghề cá Việt Nam cũng có văn bản chính thức phản đối lệnh cấm của Trung Quốc. Tổ chức này nói quy định của Trung Quốc "càng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam".
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông. Từ năm 1999, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đối với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài. Ngoài việc lên tiếng phản đối, Việt Nam trong những năm qua vẫn chưa có biện pháp nào để chống lại lệnh cấm này một cách hữu hiệu. Nhiều ngư dân Việt Nam đã bị các lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tàu cá, bắt đóng các khoản tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
*******************
Việt Nam điều thêm tàu kiểm ngư bảo vệ ngư dân (RFA, 03/03/2017)
Tàu kiểm ngư Việt Nam. Courtesy LĐ
Nhiều tàu kiểm ngư Việt Nam sẽ được tập trung tại những khu vực biển mà Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 8 tại Biển Đông.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho biết mục tiêu của biện pháp đưa thêm tàu kiểm ngư đến khu vực chỉ định nhằm để bảo vệ và hổ trợ cho ngư dân Việt Nam.
Trong cuộc họp báo diễn ra vào sáng ngày 3 tháng 3 ở Hà Nội, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, ông Vũ Duyên Hải, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng Cục Thủy sản lặp lại quan điểm của chính quyền Hà Nội là quyết định đơn phương từ phía Trung Quốc cấm không cho đánh bắt hải sản tại Biển Đông đưa ra hôm 27 tháng 2 là vô lý, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các qui định quốc tế.
Theo ông Vũ Duyên Hải, hành động của Trung Quốc làm cho tình hình tranh chấp tại Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho việc khai thác hải sản tại các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Trước hành động phi lý của Trung Quốc, ngoài việc lên tiếng phản đối cơ quan chức năng Việt Nam huy động lực lượng kiểm ngư cũng như khuyến cáo ngư dân nên đi đánh bắt theo tổ đội, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau và liên lạc với lực lượng kiểm ngư để được hổ trợ.
Lực lượng Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vào ngày 2 tháng 3 phát hiện và truy đuổi 3 tàu Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Tin cho biết vào ngày 2 tháng 3 Trạm radar 535 Hải Quân thông báo ở khu vực 17 độ 55 vĩ độ bắt, 106 đô 50 kinh độ đông, cách Cửa Gianh khoảng 24 hải lý về phía Đông- Đông Bắc, cách đường giới hạn phía Tây vùng đánh cá chung khoảng 13 hải lý có một tốp tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Lực lượng Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ Huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình cử 2 tàu cùng 16 cán bộ, chiến sĩ xuất phát làm nhiệm vụ. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, lực lượng này đã vây bắt được 2 tàu cá và 9 ngư dân Trung Quốc.
Tin cho biết phía Việt Nam tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm vùng biển, cảnh báo và tổ chức phóng thích hai chiếc tàu bị bắt. Lực lượng biên phòng Việt Nam tiếp tục xua đuổi chiếc còn lại ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Cũng tin liên quan, ngành du lịch Hoa Lục vừa cho một tàu du lịch xuất phát đến quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn từ Việt Nam Cộng Hòa cách đây hơn 40 năm.
Tân hoa xã loan tin tàu du lịch có tên Trường Lạc Công Chúa vào ngày 2 tháng 3 bắt đầu chuyến đi từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Trên tàu có hơn 300 hành khách tham gia tuyến du lịch sinh thái bốn ngày ba đêm đến 4 đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm thuộc Hoàng Sa.
Đây là chuyến hành trình đầu tiên nằm trong chương trình của Tập đoàn Vận tải Eo biển Hài Nam mở vào năm 2013. Chiếc tàu Trường Lạc Công Chúa của Tập đoàn này có vốn đầu tư 230 triệu nhân dân tệ. Tàu có sức chứa gần 500 người. Tàu dài 126 mét, rộng 20 mét và cao hơn 7 mét, lượng giãn nước hơn 12 ngàn tấn.
Vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng những khách sạn, biệt thự và cửa hàng mua sắm trên nhóm đảo Lưỡi Liềm ; bên cạnh đó là những dự án du lịch nghỉ dưỡng sang trọng tại các đảo chiếm đóng ở Biển Đông.
**********************
Tàu đánh cá Trung Quốc vào sâu biển Việt Nam được thả (BBC, 03/03/2017)
Tàu đánh cá Trung Quốc (ảnh minh họa)
Hải đội 2 Biên phòng Quảng Bình hôm 3/3 đã phóng thích hai tàu cùng chín ngư dân Trung Quốc ra vùng hải phận quốc tế.
Hai tàu này bị lực lượng biên phòng Quảng Bình truy đuổi và vây bắt hôm 2/3 khi vào đánh bắt cá sâu trong vùng biển Việt Nam ngày 2/3, truyền thông trong nước đưa tin.
Sự việc xảy ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc hôm 27/2 công bố việc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 16/8 trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vịnh Bắc Bộ và "giao tuyến hải vực Mẫn Áo", là diện tích bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định "Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc".
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công Nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói Bộ sẽ "chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tập trung nhiều tàu kiểm ngư vào khu vực cấm biển để bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sản xuất đánh bắt hải sản", trang Dân Việt đưa tin ngày 3/3.
Chi cục Thủy sản Nghệ An, thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, đã ra công văn hôm 28/2 chỉ đạo chính quyền các cấp thông báo cho ngư dân "nắm rõ Lệnh cấm khai thác hải sản của Trung Quốc". Công văn này cũng cảnh báo ngư dân "không khai thác qua phía đông đường phân định tại Vịnh Bắc Bộ và không vượt qua các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển".
Văn bản của Chi cục Thủy sản Nghệ An về lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 28/2
Bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc
Có ba tàu đánh cá Trung Quốc bị radar của Hải quân Việt Nam phát hiện đã vào sâu trong vùng biển Việt Nam sáng hôm 2/3, chỉ cách đường giới hạn phía tây vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 13 hải lý, theo VnExpress.
Sau đó, phía Việt Nam đã cho hai tàu thuộc Hải đội 2 Biên phòng Quảng Bình "xuất kích, đẩy đuổi" nhóm tàu cá Trung Quốc, với kết quả hai tàu cùng chín ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ, một tàu đánh cá còn lại chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trước khi phóng thích các tàu và ngư dân Trung Quốc, lực lượng biên phòng Quảng Bình đã kiểm soát và lập biên bản cảnh cáo.
Tàu đánh cá Trung Quốc ra khơi (ảnh minh họa)
Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc
Từ năm 2009 tới nay, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Các tổ chức, hội đoàn thủy sản của Việt Nam nhiều năm nay đã cáo buộc rằng lệnh cấm của Trung Quốc gây thiệt hại đáng kể cho ngư dân Việt Nam. Có năm, hàng trăm hộ ngư dân phải ở lại bờ vì sợ bị bắt và đòi tiền phạt.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lệnh cấm đánh cá trong khu vực Biển Đông của các quốc gia đã kí kết vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là cần thiết để bảo vệ nguồn hải sản cho tương lai ở vùng biển này, nhất là trong ba tháng vào mùa cá sinh sản.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Hồi tháng 11/2016, Tổng thống Philippinnes Rodrigo Duterte tuyên bố vùng cạn trên bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một khu bảo tồn biển nơi các ngư dân Philippines và Trung Quốc bị cấm đánh bắt cá.