Huỳnh Tấn Vinh : 'Sơn Trà là miếng mồi ngon' (BBC, 24/11/2018)
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, người vừa bị Đảng cộng sản xóa tên, nói với BBC rằng bán đảo Sơn Trà là miếng mồi ngon luôn có nguy cơ bị các nhóm lợi ích xâu xé.
Ông Huỳnh Tấn Vinh đã nhiều năm nay lên tiếng bảo vệ bán đảo Sơn Trà khỏi bị tàn phá vì các dự án bê tông hóa
"Tôi khá ngạc nhiên vì sao họ lại công khai thông tin này cho báo chí, và vào thời điểm này", ông Nguyễn Thế Vinh nói với BBC hôm 22/11 về cảm giác của ông khi chính quyền Đà Nẵng công bố xóa tên ông khỏi danh sách Đảng viên Cộng sản Việt Nam.
"Tôi đã bỏ sinh hoạt đảng từ bốn năm nay. Có nhiều trường hợp người ta bỏ sinh hoạt đảng nhiều năm và xóa tên là việc bình thường trong nội bộ của Đảng, đâu nhất thiết phải đưa lên công luận ?"
"Tôi không thấy thật vọng hay tức giận gì, vì tôi cho rằng đó là việc đương nhiên. Khi không còn sinh hoạt nữa thì nên bỏ tên trong tổ chức đó".
Thông tin này được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi hôm 21/11.
Bị đe dọa vì bảo vệ Sơn Trà ?
Một góc của bán đảo Sơn Trà
"Nếu việc này liên quan đến việc tôi bảo vệ bán đảo Sơn Trà thì tôi cho rằng nó không được hay cho lắm", ông Sơn nói từ Đà Nẵng.
Về lý do bỏ đảng, ông Vinh nói bán đảo Sơn Trà là một phần của "những gì trong thực tế xảy ra không còn phù hợp với lý tưởng" mà ông từng phấn đấu, hi sinh để đi theo.
Ông Vinh cũng cho rằng dư luận đặt câu hỏi lý do đảng xóa tên ông liệu có liên quan đến việc ông bảo vệ Sơn Trà là do ông đã làm việc này nhiều năm nay và cũng gặp không ít sức ép.
"Vào cuối những năm 2016, đầu 2017, là một người dân sống ở Đà Nẵng, làm công tác du lịch, tôi nghĩ rằng cần phải gìn giữ bán đảo Sơn Trà như một tài sản thiên nhiên quý giá để hấp dẫn du khách, để Đà Nẵng phát triển bền vững".
"Tôi rất ngạc nhiên, bất ngờ khi thấy rằng chính quyền đã có một quy hoạch để phá vỡ bán đảo Sơn Trà bằng cách phá rừng để bê tông hóa với quy mô gần hết bán đảo".
Voọc chà vá quý hiếm tại Sơn Trà là một trong những loài mà ông Huỳnh Tấn Vinh lên tiếng bảo vệ
"Do đó tôi cùng cộng đồng ở Đà Nẵng, Việt Nam và quốc tế lên án việc này. Từ đó, chính phủ đã xem lại dự án, cho dừng quy hoạch để điều tra việc phá rừng, giao đất cho doanh nghiệp".
"Thanh tra chính phủ đang làm việc đó. Từ đó đến nay bán đảo Sơn Trà đã tạm thời được bảo vệ".
"Tôi nghĩ rằng nếu vào tháng 3/2017, cộng đồng không lên tiếng kịp thời thì năm 2018 Sơn Trà đã tan hoang".
"Chính vì thế mà tôi bị đe dọa và gây sức ép từ nhiều cấp độ ở khác nhau. Từ việc họ đe dọa, gây sức ép lên tôi để tôi dừng công cuộc bảo vệ đó, đến hăm dọa ba mẹ, vợ con tôi".
"Các mối nguy hiểm với gia đình nay đã giảm đi rồi. Nhưng những sức ép khác như từ các phía khác nhau thì vẫn còn".
"Dù vậy, với sức ép nào thì việc bảo vệ bán đảo Sơn Trà luôn luôn là tiếng gọi với tôi và cộng đồng và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh".
"Sơn Trà là một nơi hoang dã chỉ cách thành phố Đà Nẵng 15 phút chạy xe. Không có nơi nào trên thế giới mà ngay cửa sổ nhà mình có thể nhìn thấy Sơn Trà mỗi ngày".
"Đó sẽ luôn luôn là miếng mồi ngon cho những nhà đầu tư, những người muốn ăn xổi ở thì, muốn hái ra tiền ngay, bất chấp việc phá hủy môi trường hay thế hệ tương lai sẽ như thế nào. Nên đó luôn luôn là thách thức cho những người bảo vệ môi trường", ông Huỳnh Tấn Vinh nói với BBC.
"Mong cộng đồng, những người yêu tự nhiên hãy lên tiếng bảo vệ Sơn Trà cho đất nước".
'Làm ồn ào để hạ uy tín' ?
Bình luận về sự việc của ông Huỳnh Tấn Vinh, nhà báo Trương Duy Nhất nói với BBC rằng ông "cũng lấy làm lạ" với hành xử của chính quyền Đà Nẵng.
"Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi vì sao thành phố Đà Nẵng lại làm ồn lên như vậy trong khi ông Vĩnh đã tự ra khỏi đảng từ hơn bốn năm nay rồi ?
"Nhiều anh em báo chí bạn tôi là đảng viên khi nghỉ hưu cũng nghỉ sinh hoạt đảng ở các tổ hưu địa phương, tổ chức đảng cũng nghiễm nhiên coi họ không phải là thành viên nữa thì đây đâu phải là việc công bố ồn ào đâu ?"
"Yêu cầu xóa một điều đã không còn nữa là điều vớ vẩn".
"Có vấn đề gì đối với cá nhân ông Vinh hay không ? Hay là do ông ấy đã lên tiếng quá dữ dội, và được coi là thủ lĩnh trong vấn đề bảo vệ voọc chà và bán đảo Sơn Trà thời gian qua. Chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi có phải đó là lý do khiến người ta không ưa ông Vinh nên làm ồn ào để hạ uy tín của ông ?"
"Việc tự ra khỏi Đảng không phải là cá biệt. Theo tính toán của tôi, có tới hàng vạn người ra khỏi đảng trong vài năm qua".
Liên quan đến việc ông Huỳnh Tấn Vinh bị Đảng cộng sản xóa tên xảy ra chỉ ít sau khi Đảng tuyên bố xóa tên Giáo sư Chu Hảo, ông Nhất nói :
"Có lẽ đó là một chủ trương của đảng, mà lâu nay Trung ương đảng thường gọi ám chỉ là thành cho thành phần "tự diễn biến, tự chuyển hóa".
"Đã qua giai đoạn mà ý chí của những người cầm quyền trong đảng cho những người đó mặc nhiên ra đi một cách nhẹ nhàng. Nay họ muốn trừng phạt để răn đe những thành viên còn lại trong tổ chức của họ".
"Biện pháp răn đe này theo tôi có hiệu quả. Vì với những ai chán đảng rồi, tự ra khỏi đảng rồi thì họ chả làm sao. Nhưng với những quan chức còn trong hệ thống thì vì cái ghế, vì chức quyền đang có được thì họ phải sợ. Vì tổ chức chỉ chớm đặt vấn đề này với họ thì coi như đường tiến thân của họ không còn".
Bị xóa tên khỏi Đảng cộng sản
Truyền thông Việt Nam đăng tin rộng rãi việc ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng bị xóa tên khỏi Đảng Đảng cộng sản Việt Namhôm 21/11.
Theo đó, Quận ủy Hải Châu (Thành phố Đà Nẵng) đã chỉ đạo Ban Tổ chức Quận ủy phối hợp với các cơ quan chức tiến hành làm quy trình để xóa tên đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh.
Ông Vinh được cho là đã tự ý bỏ sinh hoạt đảng từ năm 2014.
Theo Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng, thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên.
Ông Huỳnh Tấn Vinh từng bị đề nghị xử lý năm 2017 vì có những phát biểu thiếu chính xác liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Theo đó, ông Vinh được cho là đã nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo...
Sau đó Bộ Văn hóa thu hồi văn bản này với lý do có một số nội dung "chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm".
Năm 2017, ông Vinh từng gửi tâm thư đến thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét về bản Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
****************
Tướng Tô Lâm ký cam kết mới chống buôn người với Anh Quốc (BBC, 23/11/2018)
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam và Bộ trưởng Nội vụ Anh đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người ở London trong tuần này.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid và Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người hôm thứ Tư 20/11 ở London - Ảnh VietnamPlus
Trang web Chính phủ Anh đưa tin hôm 21/11 hai nước ký một biên bản ghi nhớ về buôn bán người nhằm tạo điều kiện để cộng tác sâu rộng hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ nạn nhân và công tác phòng chống nạn buôn người.
Bản tin mô tả đây là quan hệ đối tác mới nhằm giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại.
Chính phủ của đảng Bảo thủ Anh và đích thân Thủ tướng Theresa May từ mấy năm qua luôn coi chống buôn người và 'nô lệ thời hiện đại' là nghị trình quan trọng hành đầu trong đối ngoại của họ.
Chỉ tính riêng năm 2017, nhà chức trách Anh đã xác định 738 nạn nhân được cho là 'nô lệ hiện đại đến từ Việt Nam'.
Phát biểu sau khi ký kết thỏa thuận với Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid được dẫn lời nói :
"Nạn nô lệ hiện đại là một tội ác ghê gớm hủy hoại cuộc đời của các nạn nhân.
"Chính phủ Anh cam kết làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân trước thực trạng bóc lột ở Anh và ở nước ngoài.
"Hợp tác với các quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam, nơi nhiều nạn nhân bị buôn bán, là hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn nạn nô lệ hiện đại đang diễn ra và có thể quyết tâm truy bắt thủ phạm", Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid nói.
"Sự hợp tác chặt chẽ này sẽ là một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống nạn nô lệ hiện đại".
Được biết Chính phủ Anh đã cam kết cấp vốn tổng cộng 200 triệu bảng để giải quyết nạn nô lệ hiện đại trên toàn cầu.
Cam kết chống buôn người và nô lệ thời hiện đại
Cam kết này bao gồm quỹ chống nạn nô lệ hiện đại trị giá 33,5 triệu bảng của Bộ Nội vụ với trọng tâm là các quốc gia như Việt Nam và Nigeria, nơi có nhiều nạn nhân bị buôn bán vào Vương quốc Anh.
Báo Công an Nhân dân hôm 21/11 đưa tin trong thời gian tới, hai nước nhất trí hàng năm duy trì, triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ trên các lĩnh vực về phòng, chống mua bán người.
"Các hoạt động này bao gồm trao đổi thông tin, điều tra các vụ án, đường dây, băng nhóm tội phạm, truy bắt, bàn giao đối tượng và giải cứu, bảo vệ, hồi hương nạn nhân bị mua bán ; tăng cường hợp tác trong đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền và phòng, chống di cư bất hợp pháp.
"Hai bên xúc tiến xây dựng, đàm phán và sớm hoàn thành các thủ tục để ký Hiệp định dẫn độ tội phạm và các văn bản hợp tác khác, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác song phương giữa hai Bộ".
Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết trong những năm gần đây tội mua bán người diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Mắc nợ và bị cưỡng bức lao động
Cảnh sát Anh thường xuyên phá các ổ trồng cần sa, nơi nô lệ thời hiện đại bị cưỡng bức lao động trong hoàn cảnh, điều kiện tồi tệ
Bên cạnh nhiều bức tranh người Việt du học, làm ăn thành công tại Anh cũng có nhiều trường hợp người ở Việt Nam bị mắc nợ hoặc bị băng đảng kiểm soát được đưa vào Anh để trồng cần sa.
Trong một ví dụ mà BBC Southeast kết hợp với BBC Tiếng Việt tại Anh điều tra hồi tháng 12/2017, một nạn nhân, ông Trần Văn Nam (không phải tên thật) từ Quảng Bình bị mắc nợ xã hội đen và phải đi bán sức lao động.
Sau khi sang một nước Đông Nam Á, ông đã được chuyển vào Anh bất hợp pháp, và làm việc gần một năm trong một cơ sở đóng gói hàng hóa.
Sang năm 2016, ông bị "bán" cho một băng đảng trồng cần sa, và bị bắt, ra tòa ở Southampton, Anh Quốc.
Sau khi ngồi tù được sáu tháng, ông Nam được xác nhận là nạn nhân của tệ buôn người, và được giao cho Salvation Army và hội từ thiện Hestia chăm sóc để chờ cứu xét tỵ nạn nhân đạo.
Mới trong tháng 11 năm nay, tin cảnh sát Anh đưa ra là họ tìm ra 21 người gồm 15 trẻ em 'đến từ Việt Nam' trong một xe chở nước đóng chai từ Pháp sang Vương quốc Anh.
Cảnh sát Anh phá vỡ trại trồng cần sa khổng lồ của người Việt - Ảnh minh họa
Nhóm này, được cho là từ Việt Nam, được giấu trong một xe tải tại cảng Newhaven ở Sussex hôm thứ Năm tuần trước.
Thông tin chi tiết của Cục Biên phòng Anh Quốc chỉ mới được công bố, nhưng một cuộc điều tra tội phạm ngay lập tức được tiến hành.