Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/11/2018

Sài Gòn thiếu cây xanh, Việt Nam cần 150 tỷ USD cho năng lượng

RFA tiếng Việt

Sài Gòn : Chặt cây xong, lại kêu thiếu cây xanh !? (RFA, 27/11/2018)

Cần khoảng 1.000 năm mới có đủ cây xanh

Phải cần khoảng... 1.000 năm thành phố Hồ Chí Minh mới thực hiện xong quy hoạch công viên cây xanh. Số liệu vừa nói được đưa ra tại Phiên họp giải trình về thực hiện quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức tại Sài Gòn hôm 27 tháng 11 năm 2018.

cay1

Bản đồ cho thấy rất ít mảng xanh tại Sài Gòn. Screen capture from Google Map

Theo báo cáo của Sở quy hoạch – kiến trúc trình Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh tại Sài Gòn thời gian qua chỉ đạt trung bình 9,8 hecta mỗi năm, được cho là rất ít so với quy hoạch là hơn 11 ngàn hecta. Với tiến độ này, Sài Gòn cần khoảng 1.000 năm mới có đủ 11 ngàn hecta cây xanh.

Báo cáo này cũng cho thấy việc đầu tư xây dựng công viên cây xanh là rất ít, chủ yếu là cải tạo, nâng cấp các công viên hiện hữu và cây xanh ven đường. Ngoài ra, cũng có một số công viên được đầu tư xây dựng mới, nhưng chỉ với quy mô nhỏ, gắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở như công viên phục vụ nhu cầu hàng ngày của cộng đồng dân cư khu vực đó.

Cũng theo báo cáo, tính từ năm 2012 đến nay, tổng diện tích quy hoạch công viên cây xanh được đầu tư xây mới là gần 70 hecta, trong đó công viên công cộng chỉ tăng hơn 10 hecta.

Từ Sài Gòn, Kiến trúc sư Trần Đình Nam đưa ra nhận xét :

"Chưa thấy họ trồng cây gì cả, mà thấy xung quanh họ cứ chặt cây quá trời. Đoạn đường Tôn Đức Thắng thì họ mới chặt xong để làm đường gì đó, trồng thì ít mà chặt quá nhiều".

Một bạn trẻ hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ :

"Cây xanh là tổng quan làm bóng mát cho công trình, chắn gió và lọc không khí. Nó tạo ra đối lưu về không khí. Mấy ông nội này làm thì tự duyệt với nhau chứ có cho dân biết đâu ! Thành phố Sài Gòn vẫn đang thiếu cây xanh trầm trọng".

Trong khi Sài Gòn đang thiếu mảng xanh trầm trọng thì vào ngày 23 tháng 3 năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh lại ra thông báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Mục tiêu để triển khai các dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son…

Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm.

cay2

Người dân Sài Gòn hôm 26/3/2016 tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt một số cây cổ thụ tại đó để triển khai dự án giao thông. Citizen photo

Khi đó, nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn đã tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng để phản đối việc chặt cây cổ thụ, những người phản đối giương biểu ngữ với những nội dung ‘Vì một thành phố trong lành, đừng chặt cây’ ; Tôi yêu cây, cây yêu tôi, chặt cây là một tội ác’… các bạn trẻ có hành động rất quyết liệt, đề nghị ngưng chặt cây và đi gắn những chiếc nơ vàng cho hàng cây, v.v…

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 27/11/2018, chị Thúy Nguyễn, người từng nhiều lần lên tiếng phản đối chặt cây xanh cho biết :

"Những cây xanh mà được bảo vệ là bảo vệ được lá phổi của người dân, nhất là trẻ con và người già. Nhà nước mà chặt cây xanh thì rất là bức xúc và toàn dân phải lên tiếng để làm sao có thể bảo vệ cây xanh cho tốt hơn. Kể cả nhà nước có quy hoạch thì phải nhìn dân trước, tại vì nếu thành phố mà không có cây xanh, thì rất là khắc nghiệt, và không thể nào bảo vệ sức khỏe cho dân được".

Một người dân sống ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, nhật xét với Đài Á Châu Tự Do :

"Cây từ một trăm tuổi trở lên thì đã thành di tích rồi. Cây trên đường Tôn Đức Thắng là một hàng cây xà cừ cổ rất là đẹp, giống như ở phố cổ Hà Nội. Muốn chặt bỏ hay di dời thì đúng ra cần phải hỏi ý kiến của người dân. Có thể nói đây là hàng cây, con đường đẹp nhất nhì thành phố Hồ Chí Minh".

Quy hoạch chệch choạc

Hiện trạng này cho thấy vấn đề quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh không đồng bộ, chệch choạc. Một phía thì quy hoạch công viên cây xanh nhưng tiến độ quá chậm, dẫn đến việc thiếu mảng xanh trầm trọng. Trong khi đó việc quy hoạch phát triển giao thông đô thị lại tàn phá nhiều cây xanh cổ thụ tại Sài Gòn.

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, hiện sống tại Sài Gòn, chuyên nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn không gian văn hóa đô thị, nhận xét :

"Tôi nghĩ rằng ở đất nước nào cũng có việc là phải phát triển. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là trong sự phát triển đó hy sinh cái gì. Có thể phải hy sinh một số di sản nào đấy, một số cây xanh nào đấy, nhưng thực sự đã tính toán hết chưa ? Thực sự đã đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích lâu dài của đô thị lên trên chưa ?"

Tuy nhiên, Kiến trúc sư Trần Đình Nam thì cho rằng vì nhu cầu phát triển mà chặt cây là không đúng :

"Tôi thấy chặt cây vì nhu cầu phát triển cũng không đúng. Vì ví dụ như Singapore, cũng là một nước phát triển, cái cách họ sử dụng quỹ đất rất là tốt, họ vẫn giữ được nhiều quỹ đất để cho cây xanh. Singapore có 5 triệu dân mà chỉ có 700 cây số vuông. Trong khi thành phố Hồ Chí Minh có 10 triệu dân mà có tới 2.000 cây số vuông. Thành ra quỹ đất của thành phố Hồ Chí Minh vẫn có rất nhiều. Nếu mình so với Singapore thì chắc chắn thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ hội trồng được cây xanh, chứ đâu phải tại nhu cầu phát triển mà phải chặt cây xanh".

Theo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cần thay đổi tư duy, nếu cứ trông cậy ngân sách nhà nước thì rất khó triển khai các dự án công viên cây xanh.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Trần Đình Nam thì cho rằng, trách nhiệm là ở bộ phận quản lý, phải tính toán quy hoạch, phải phân chia chức năng đất chặt chẽ, thì mới dành được một khoảng đất lớn để trồng cây xanh. Theo ông, nếu mà còn tính toán kiểu đất đai phung phí, không sử dụng đúng mục đích, hoặc cứ quy hoạch xây dựng các khu nhà ở làm tập trung dân quá đông tại đô thị, thì không thể có đất cho cây xanh.

********************

Ngân hàng thế giới : Việt Nam cần 150 tỉ đô la đầu tư cho năng lượng (RFA, 27/11/2018)

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, ông Oussmane Dione, nói Việt Nam cần đến 150 tỉ đô la Mỹ để phát triển ngành năng lượng từ nay đến năm 2030.

cay3

Việt Nam đang cần nhiều tiền để đầu tư vào ngành điện. Một cột điện tại Hà Nội, 2012. AFP

Ông Dione nói như vậy trong một cuộc họp với các viên chức nhà nước Việt Nam, và các công ty năng lượng hôm 26/11.

Theo số liệu được Giám đốc Ngân hàng thế giới đưa ra, từ năm 2010 ngành năng lượng Việt Nam đã đầu tư 80 tỉ đô la Mỹ cho việc phát triển nguồn phát điện, cơ sở hạ tầng cho chuyển tải, và phân phối. Theo ông Dione nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng 8% mỗi năm trong 10 năm tới đây.

Hãng tin Reuters trích lời ông Nguyễn Văn Bình, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Theo Reuters, ngành năng lượng của Việt Nam đã tận dụng gần như hết công suất của thủy điện, trong khi nguồn dự trữ từ dầu và khí đốt lại đang giảm. Việt Nam gần đây từ một nước xuất khẩu than đã thành nước nhập khẩu than.

Theo Bộ thương mại Việt Nam, đến năm 2030, 53% điện năng được sản xuất từ than. Đây là một mâu thuẫn vì việc phụ thuộc vào than sẽ làm cho mục đích giảm khí thải nhà kính của chính phủ trở nên khó khăn hơn.

Ông Dione nói rằng Việt Nam cần cho khu vực tư nhân đầu tư vào ngành năng lượng.

Quay lại trang chủ
Read 543 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)