Vụ 231 cái tát : Nền giáo dục ‘nát’, bộ trưởng 'nên từ chức' (VOA, 26/11/2018)
Một tuần sau khi xảy ra chuyện một giáo viên ở Quảng Bình ra lệnh cho cả lớp học tát một học sinh hàng trăm cái, gây phẫn nộ trong xã hội, công an địa phương hôm 26/11 đã khởi tố vụ án "hành hạ người khác", theo tin tức trên báo chí Việt Nam.
Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (tỉnh Quảng Bình), nơi xảy ra vụ học sinh bị tát 231 cái
Vụ việc đã làm bùng nổ nhiều cuộc thảo luận, trong đó không ít người cho rằng nguyên nhân của nạn bạo lực học đường nằm ở chính sách "dốt nát" về giáo dục và bộ trưởng đương nhiệm "cần phải từ chức".
Các báo trong nước hồi tuần trước đưa tin rằng hôm 19/11, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường trung học cơ sở Duy Ninh tại một xã thuộc tỉnh Quảng Bình, đã chỉ đạo cả lớp "tát liên tiếp" một học sinh nam 230 cái để phạt em này về tội "nói tục". Bản thân cô Thủy cũng tát em này 1 cái.
Tin cho hay, sau cuộc "trừng phạt", em học sinh lớp 6 rơi vào tình trạng "mặt mũi tím sưng, không nói được" nên gia đình đã phải đưa em đi cấp cứu ở bệnh viện.
Không lâu sau khi tin được đăng, rất nhiều người đã lên án cô giáo Thủy trên mạng xã hội hoặc trong mục ý kiến của các trang web báo chí. Họ gọi cô giáo là "ác quỷ"hay "quái vật" vì đã ra lệnh cho học sinh thực hiện một "trận đòn man rợ", đồng thời họ kêu gọi nhà chức trách "khởi tố"và bắt cô giáo "chịu hình phạt thích đáng".
Cùng lúc, một số người đòi hỏi bộ trưởng giáo dục lên tiếng về vụ việc này nói riêng và các vấn đề khác của ngành giáo dục nói chung.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất cứ tin bài nào trên báo chí Việt Nam cho thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra ý kiến gì. VOA cố gắng liên lạc với ông qua điện thoại, nhưng ông không nhấc máy.
Trong bối cảnh dư luận sôi sục giận dữ không ngừng suốt mấy ngày nay, hôm 26/11, vị trưởng công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nơi có trường học của cô Thủy, cho báo chí biết công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án "hành hạ người khác", căn cứ vào một điều trong Bộ Luật Hình sự, để điều tra vụ việc do cô Thủy gây ra.
Quyết định khởi tố vụ án hiện đang chờ Viện Kiểm sát Nhân dân của huyện phê duyệt, vị lãnh đạo công an cho hay.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, và nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh, hai trong số nhiều người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội, đặc biệt là đã có những ý kiến mạnh mẽ về vụ việc nói trên, bày tỏ với VOA rằng việc khởi tố là "cần thiết".
Bà Hoàng Ánh nói :
"Tôi nghĩ cái này rõ ràng đã phạm vào tội làm nhục và hành hung người khác. Việc công an phải khởi tố, tạm giam, sau đó đưa ra tòa thì tôi nghĩ đấy là cách xử lý của xã hội văn minh".
Bà Hoài Anh có chung suy nghĩ :
"Đó là hành vi bạo hành, hành hạ trẻ em. Tôi không chấp nhận được hành vi đó của một người giáo viên. Ngoài chuyện khởi tố ra, tôi cũng muốn là cô giáo này phải chịu hình phạt về hình sự, tức là phải có án tù. Bởi vì ngoài chuyện đau đớn, thì còn vấn đề nữa là vấn đề tâm lý của cháu".
Theo các báo, vụ việc đang gây bão trong dư luận không phải là lần đầu tiên hay duy nhất cô Thủy buộc học sinh của mình phải ra tay đánh một số học sinh khác như là một biện pháp phạt. Các bản tin nói thông tin họ thu thập từ nhiều nguồn cho thấy tổng cộng có 11 học sinh trong cùng lớp "đã hứng trọn 901 cái tát rất mạnh".
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, người ra lệnh phạt tát một học sinh lớp 6 gây phẫn nộ trong xã hội
Khi chuyện gây chấn động này vỡ lở trong mấy ngày qua, nữ hiệu trưởng của trường được các báo Người Lao Động và Tiền Phong trích lời nói rằng một mặt bà "thừa nhận toàn bộ sự việc" song mặt khác bà "xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia".
Trên mạng xã hội, nhiều người lên án sự đối phó của bà hiệu trưởng, xem đó không khác gì hành vi "che giấu tội bạo hành"và cho rằng chính bà hiệu trưởng cũng phải bị "kỷ luật" hoặc "hạ chức". Ở một khía cạnh khác, họ chỉ trích bà vì "chạy theo thành tích".
Từ vị trí một giảng viên có thâm niên hơn 30 năm và am hiểu nền giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Hoàng Ánh phân tích với VOA về yếu tố "căn bệnh thành tích" trong vụ việc này :
"Thể chế của chúng ta dung túng cho chuyện đấy. Trường nào cũng ra sức tìm cách bao che những sai phạm của mình vì danh hiệu, vì huân chương. Tất cả những người dám nói lên gì đấy đều bị kỳ thị. Cô giáo có thể nóng nảy, tát người ta một cái, nhưng mọi người phản ứng ngay, thì cô sẽ không sai phạm nữa. Nhưng đằng này cô tát 1 cái không sao, ngày mai cô tát 2 cái, xong rồi lâu dần cô tát 10 cái".
Cũng liên quan đến vấn đề thể chế trong ngành giáo dục, bà Hoàng Ánh lưu ý đến điều mà bà gọi là "cơ chế đánh giá sai"đang được áp dụng với giáo viên.
Bà nói :
"Giáo viên được đánh giá dựa trên những con số như số học sinh giỏi, số em không vi phạm, số em không nói tục… Vì thế người ta sẽ chạy theo những chỉ tiêu đấy. Không có giáo viên nào được tôn vinh về những điều như học sinh đánh giá là cô nhân ái. Chúng ta không có cơ chế nào như vậy cả. Nhưng cái này không phải chuyện riêng của ngành giáo dục. Nói thẳng thắn ra thì Luật Thi đua - Khen thưởng của Việt Nam là sai rồi".
Nữ giảng viên đại học lâu năm khẳng định đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo "phải chủ động" xem xét lại việc đánh giá thành tích của giáo viên nói riêng và của ngành giáo dục nói chung. Bà đề xuất "nên học" cách đánh giá của các nước tiên tiến để có kết quả thực chất và tránh "bệnh thành tích".
Trong khi đó, dư luận xã hội và báo chí điểm lại hàng loạt các vụ bạo lực học đường hoặc hành hạ, xâm hại học sinh trong vài năm nay, như giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, liếm ghế, ăn ớt hay thậm chí nhúng đầu học sinh vào hố xí v.v… Từ đó, họ đòi hỏi Bộ Giáo dục-Đào tạo phải có những thay đổi mạnh mẽ, không loại trừ cả việc thay thế lãnh đạo.
Góp tiếng nói về điều này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA :
"Để xảy ra một loạt các vụ trong ngành giáo dục như thế này, kể cả các vụ điểm giả, bằng giả ở Hà Giang, Sơn La v.v…, tôi nghĩ người đứng đầu ngành giáo dục nên từ chức. Không thể nói là ‘tôi không biết", ‘đấy là do cấp dưới làm'. Đó chính là từ chính sách và những vấn đề về theo dõi, giám sát. Người đứng đầu ngành giáo dục và các sở giáo dục phải chịu trách nhiệm. Tôi đòi hỏi ông Bộ trưởng Bộ giáo dục phải nên từ chức".
Song song với các ý kiến mổ xẻ, chỉ trích chính sách của ngành giáo dục, nhiều người trong đó có giảng viên đại học Nguyễn Hoàng Ánh cũng nhắc nhở về một thực tế là lâu nay một phần lớn các phụ huynh vẫn làm theo tôn chỉ "yêu cho roi cho vọt", và điều này được xem như là một nguyên nhân quan trọng của nạn giáo viên đối xử bạo lực hoặc xâm hại học sinh.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân, nữ tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, viết : "Mình không nghĩ là trách nhiệm chỉ thuộc về ngành giáo dục. Triết lý phát triển xã hội nói chung đã sai rồi, đó là nguyên nhân sâu xa của sự bế tắc về tinh thần, sự xuống cấp về đạo đức và của bạo lực xã hội nói chung và bạo lực nhà trường nói riêng".
https://youtu.be/pIyU7OcD7EQ
******************
Tát học trò 231 cái vì áp lực thi đua : Quảng Bình khởi tố vụ án (BBC, 26/11/2018)
Trưởng Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đại tá Đoàn Thanh Tuyên được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói quyết định khởi tố vụ án được ký vào sáng 26/11.
Nhà chức trách Quảng Bình sẽ khởi tố vụ án với tội danh "Hành hạ người khác" theo điều 140 Bộ Luật Hình sự.
Một trường học ở Việt Nam (hình minh họa)
Cùng ngày, Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Bình đã thành lập tổ công tác để làm việc với Phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh, trường Trung học cơ sở Duy Ninh cũng như cô giáo Nguyễn Thị Phương Thuỷ (chủ nhiệm lớp 6.2).
"Tổ công tác sẽ làm rõ trước đó cô Thuỷ có phạt các học sinh khác như thế hay không", báo VnExpress dẫn lời ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Bình.
Trước đó, hôm 19/11, giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy, dạy toán và công nghệ của lớp 6.2 do nghi một học sinh nói tục trong giờ học đã cho cả lớp tát học sinh này.
Em học sinh này bị tát tổng cộng 231 cái (23 học sinh mỗi người tát 10 cái) và người tát cái cuối cùng là cô giáo Thủy.
Cô giáo Phương Thủy thừa nhận mình có nói với cả lớp là mỗi học sinh cần "vả 10 cái" vào mặt bạn, báo Lao động tường thuật, nhưng nói cô không có mặt chứng kiến những gì xảy ra vì đang có giờ dạy ở lớp khác.
"Vì bị tát quá nhiều nên má em học sinh này sưng tím. Tâm lý em bị ảnh hưởng nặng", báo Tuổi trẻ viết.
Cô giáo Phương Thủy được báo Dân Trí dẫn lời đã 'thừa nhận hành động này là sai và nguyên nhân là do nóng giận, chịu áp lực thi đua vì lớp mình chủ nhiệm luôn đứng cuối bảng'.
Cộng đồng mạng lên án vụ việc
Cộng đồng mạng cũng "dậy sóng" trước vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy bắt cả lớp tát bạn 230 cái.
Nền giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn nặng về áp lực thành tích và thi đua (hình minh họa)
Facebooker có tên Lê Thị Hiền cho rằng :
"Một cô giáo như thế làm sao còn xứng đáng là một người thầy ? Không thể có trường hợp bạo lực học đường như thế mà không xử lý được không vì thành tích của nhà trường mà bỏ qua hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy được ! Cô Thủy không xứng đáng là một giáo viên đứng trên bục giảng ! Nên đuổi khỏi ngành giáo dục mới phải ! !'"
Trong khi đó Văn Tâm Uyên Đan bình luận :
"Như thế này gọi là trồng người ư ? Làm ô uế ngành giáo dục quá, cần xử lý nghiêm".
Bạo hành với trẻ em là việc đã từng xảy ra ở nhiều nước, kể cả ở Việt Nam, nhưng thường là trong hoàn cảnh tại gia đình, ngoài đường phố.
Nhưng vụ việc này tại Quảng Bình lại xảy ra trong lớp học và người khởi xướng là giáo viên.
Được biết cô Thủy sau đó đã đến nhà xin lỗi học sinh và gia đình.
***************
'Sẽ xử lý' vụ cô giáo phạt 'tát hội đồng’ (BBC, 24/11/2018)
Một thứ trưởng Bộ giáo dục nói lãnh đạo Bộ yêu cầu xử lý vụ cô giáo phạt tát một học sinh tới mức nhập viện.
Mẹ và con tại bệnh viện lúc điều trị
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng dù bất kỳ nguyên nhân là gì thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt tát là sai và hoàn toàn không chấp nhận được và rằng nhà trường phải xem xét và xử lý thật nghiêm.
Tin cho hay vào hôm 19/11, giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy, dạy toán và công nghệ của lớp 6.2 do nghi một học sinh nói tục trong giờ học đã cho cả lớp tát học sinh này.
Được biết em học sinh này bị tát 231 cái (23 học sinh mỗi người tát 10 cái) và người tát cái cuối cùng là cô giáo Thủy.
Mẹ của học sinh bị tát phát hiện con mình hai bên má bị thâm tím và được con kể về vụ việc.
"Sau trận đòn "man rợ" từ bạn và cô giáo của mình, em N. mặt mũi tím sưng, không nói được nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hai má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 24/11, N. đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định", báo Người Lao động viết.
Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, được dẫn lời nói về sự chậm trễ trong xử lý vụ việc cũng như thiếu sự quan tâm đối với em học sinh bị tát và hứa sẽ xử lý nghiêm vụ việc.
Tuy nhiên bà Phạm Thị Lệ Anh "xin báo chí đừng lên tiếng" bởi trường "sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II", theo Soha.
Truyền thông trong nước cho hay chiều 24/11, Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng họp để xem xét sự việc trên cơ sở giải trình của những người liên quan.
Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, Quảng Bình
Được biết thời dạy tại một trường khác trước khi về Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, cô Thủy cũng có cách "giáo dục mạnh tay".
Bộ Giáo dục Đào tạo hồi tháng 5/2018 ban hành một chỉ thị về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo.
Chỉ thị này qui định tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động với những trường hợp giáo viên vi phạm các qui định đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất trong đợt lấy phiếu hồi tháng 10, cho biết sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt để đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.
Đây không phải lần đầu xảy ra việc giáo viên phạt tát học sinh.
Hồi tháng 12/2016 tại một trường tiểu học tại Thường Tín, Hà Nội đã xảy ra việc 40 học sinh lớp bốn được lệnh của giáo viên chủ nhiệm cho tát một học sinh vì cáo buộc "chửi bậy".