Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/11/2018

Trùm tài phiệt Trần Bắc Hà bị bắt, tăng trưởng tiền lương công nhân

Tổng hợp

Việt Nam : Công an bắt giam trùm tài phiệt Trần Bắc Hà (RFI, 29/11/2018)

Bộ Công an Việt Nam ngày 29/11/2018 loan báo đã bắt giam ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) vì vi phạm các quy định về ngân hàng.

vn1

Ảnh minh họa : Một chi nhánh của ngân hàng BIDV tại Hà Nội, 08/01/2016. Reuters/Kham/File Photo

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ trang web của bộ Công an Việt Nam cho biết, ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc "vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Tội danh này có mức án tối đa lên đến 20 năm tù.

Báo chí trong nước cho biết thêm, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng BIDV, và quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông Trần Bắc Hà.

Công an cũng khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Lục Lang, nguyên phó tổng giám đốc BIDV ; Kiều Đình Hòa, nguyên giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Bà Lê Thị Vân Anh, một cựu trưởng phòng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cũng bị khởi tố và quản thúc.

Trước khi bị bắt, ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc nhiều sai phạm trong vụ đại án Phạm Công Danh, liên quan đến việc BIDV cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vay 4.700 tỉ đồng.

Thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt đã bị rò rỉ trên mạng xã hội từ tối 28/11, gây chấn động lớn vì tuy chỉ là doanh nhân, nhưng được cho là ông trùm tài chính Việt Nam suốt gần một thập niên, trùng với hai nhiệm kỳ của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo blogger Huy Đức, ông Trần Bắc Hà bị bắt hôm 28/11 ở Pakse, Lào và bị dẫn độ về cửa khẩu Lalay, Quảng Trị vào nửa đêm.

Theo lời đồn đãi trên mạng, nhân vật này có quyền hành rất lớn trên thực tế và rất hống hách. Dư luận cho rằng như vậy cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị đe dọa.

Thụy My

*****************

Tăng trưởng tiền lương đối với người làm công ! (RFA, 29/11/2018)

Báo cáo tiền lương toàn cầu năm 2018/2019 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận dịnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng tiền lương thực tế cao nhất toàn cầu trong giai đoạn 2006 – 2017 và trong đó Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia dẫn đầu.

vn2

Ảnh minh họa. AFP

Phân tích của ILO chỉ ra rằng tăng trưởng tiền lương thực tế của các quốc gia phát triển trong nhóm G20 đã giảm từ 0,9% năm 2016 xuống còn 0,4% năm 2017. Ngược lại, ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi, tăng trưởng tiền lương thực tế dao động trong khoảng 4,9% năm 2016 và 4,3% năm 2017.

Tổng Giám đốc ILO ông Guy Ryder trả lời Reuters và nêu ra thắc mắc rằng : "Điều khó hiểu là ở các nền kinh tế có thu nhập cao, tình hình tăng trưởng GDP khôi phục và mức thất nghiệp giảm nhưng tăng trưởng tiền lương lại chậm lại. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, bất bình đẳng về tiền lương vẫn duy trì ở mức cao và tiền lương thường không đủ để trang trải nhu cầu của người lao động và gia đình họ".

Thực tế thu nhập tiền lương của lao động Việt Nam có đúng như thắc mắc của vị giám đốc ILO hay không ? Chúng tôi liên lạc với anh Khoa một tài xế xe tải chở hàng hóa tại khu vực chợ Lớn, Quận 5, Sài Gòn cho biết mức lương mỗi năm đều tăng nhưng tăng không có bao nhiêu và đủ chi tiêu hay không thì tùy vào cách của mỗi người.

"Nói chung là cũng có tăng nhưng ít lắm, nói chung là cũng do mình xài thôi nói chung là vừa đủ, vừa ngám chứ không có dư, là mình xài đúng chứ không có xài sang ăn uống ngoài đường, chỉ xài căn bản thôi đó, là làm xong ở nhà thôi không đi đâu là đủ. Lương phải ít nhất 6-7 triệu thì mới gọi là vừa ngám chứ dưới là không thể nào đâu. Tôi làm ở chợ lớn lương là 7 triệu đó. Một năm tăng lương cao lắm là 2 đợt mỗi đợt tầm 200 ngàn thôi và tùy theo năng lực mình làm nữa, tăng trung bình là vậy thôi chứ không có tăng nhiều đâu".

Còn đối với chị Hòa, một nữ công nhân hiện đang làm việc tại một nhà máy ở Đồng Nai, Việt Nam thì với mức lương của công nhân như chị hiện nay nếu lo cho thêm gia đình thì chắc chắn không bao giờ đủ nhiều khi nợ nần chồng chất.

"Theo chị biết thì mức lương lấy bản thân của chị ra, chị làm được 8 năm rồi mà mức lương của chị chỉ có 6 triệu 700 ngàn thôi. Với mức lương này mà nếu có nhà cửa mà không cần phải lo cho ai, chỉ sắm cho bản thân của mình thôi thì mới được gọi là tạm đáp ứng được nhu cầu sống của mình. Còn nếu có gia đình phải lo cho con cái, lo cho cha mẹ là không thể nào đủ, phải tiết kiệm dữ lắm luôn và không dám bệnh đó thì mới chỉ gọi là tạm đủ sống qua ngày thôi, không có dư nổi đâu".

Chị Hòa xác nhận mỗi năm đều có tăng lương nhưng thực tế mức lương được tăng so với mức tăng giá của các loại sinh hoạt đời sống hàng năm thì mức tăng lương không hợp lý và giống như ‘cho có’.

"Với bậc của chị tăng được khoảng 200 trăm mấy thôi và chị thấy nó không hợp lý tại vì so với vật gía ở ngoài nó tăng rất là cao, nó tăng nhiều hơn so với công ty và nhà nước tăng. Bởi vì mức lương của công ty cộng nhà nước một năm chỉ có 600 ngàn/người thôi mà vật giá xăng cộ, điện nước đua nhau tăng còn hơn mức lương nữa".

vn3

Ảnh minh họa. AFP

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính ngân hàng khi trao đổi với chúng tôi, cho rằng nếu Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhất trong khu vực về tiền lương thì đối với ông điều đó không có gì đáng phải ngạc nhiên, bởi vì xuất điểm tiền lương của Việt Nam đã quá thấp. Ông trình bày thêm :

"Đúng là do nguồn thu nhập của lao động Việt Nam thấp quá cho nên sống trong thành phố mà mức sinh hoạt nó ngày càng tăng, giá sinh hoạt tăng. Giá sinh hoạt ở đây là tiền điện, nước rồi giáo dục, y tế, vận chuyển thì tất cả các giá đó càng ngày càng tăng và với mức lương thu nhập thấp như thế thì những người sống trong thành thị rất khó khăn trong cuộc sống của họ, chính vì vậy việc tăng lương là hợp lý. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hiểu một điều rằng mức sống của người Việt Nam so với thế giới còn rất thấp thành ra với mức thu nhập thấp nhưng họ vẫn cố gắng xoay sở được".

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng đồng ý về thực tế đời sống của người lao động Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và cần nổ lực cải thiện thu nhập về tiền lương và nâng cao đời sống lao động. Tuy nhiên, để giải bài toán tăng lương thì cũng phải nâng cao hiệu quả trong sản xuất của các doanh nghiệp.

"Hơn thế nữa Việt Nam hiện nay đã mở cửa rất sâu rộng cho nên thị trường Việt Nam bây giờ không còn là thị trường của riêng các doanh nghiệp Việt Nam mà của các doanh nghiệp trong khối Asean cũng như sắp tới đây là doanh nghiệp trong khối CPTPP cho nên vấn đề then chốt, cốt lõi để nâng cao tiền lương là phải nâng cao năng suất lao động. Điều này cũng phụ thuộc vào đầu tư trang thiết bị máy móc và phụ thuộc vào việc nâng cao trình độ, đào tạo, tay nghề của người lao động Việt Nam".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ thêm với chúng tôi, một trong những lý do đến nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và đầu tư vào Việt Nam là vì nguồn lao động trẻ của Việt nam còn rất dồi dào và mức lương thu nhập tại Việt Nam tương đối thấp so với khu vực. Do đó, họ đầu tư trang thiết bị tốt và với mức lương đó thì họ sẽ có lãi to. Tuy nhiên người công nhân lại đòi hỏi cần phải có khoản lương có thể trang trải mọi chi phí cuộc sống, đồng thời còn phải có một khoản tích lũy nào đó nhằm khi ‘trái gió, trở trời’…

Quay lại trang chủ
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)