Việt Nam : Vận động trưởng thôn làm Đảng viên (BBC, 01/12/2018)
Nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam đang có phong trào vận động trưởng phó thôn làm Đảng viên Cộng sản, theo truyền thông trong nước.
Sinh hoạt thôn làng ở Việt Nam - Ảnh minh họa (LINH PHAM)
Riêng tại Thủ đô Hà Nội, hiện còn hơn 3.000 người không phải là đảng viên, trong tổng số 7.970 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, theo Dân Trí.
Chính quyền Hà Nội do đó vừa có chỉ đạo cho các cấp xã, phường, thị trấn "đánh giá vai trò của những trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không phải là đảng viên này".
Sau đánh giá, nếu đủ điều kiện, các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố đó sẽ được kết nạp làm thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, các Đảng viên Cộng sản có uy tín, năng lực, sức khỏe sẽ được "bố trí, giới thiệu" để "ứng cử" chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội được dẫn lời trên Dân Trí hôm 30/11 rằng thành phố "phải có chính sách tuyên truyền vận động" để trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố vào Đảng Cộng sản.
Phong trào cả nước ?
Thôn quê Việt Nam - Ảnh minh họa (Hoàng Đình Nam)
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác trên toàn Việt Nam cũng đang có những cuộc vận động để "khắc phục tình trạng trưởng thôn không phải Đảng viên".
Tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thì tới gần 500 người không phải Đảng viên.
Nhiều huyện, số trưởng thôn không phải Đảng viên chiếm đa số. Như ở huyện Sơn Tịnh, có tới 40 trong số 61 trưởng thôn không phải là Đảng viên.
Hay như ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, có tới 60 tổ trưởng dân phố, trưởng thôn không phải Đảng viên trong tổng số 142.
Hoặc ở Quy Nhơn, hiện có 151 thôn, khu phố, trong đó có 86 trưởng thôn, trưởng khu phố thì có tới 64 người chưa phải Đảng viên, theo Báo Bình Định.
Lý do được cho là suốt một thời gian dài, công tác cán bộ ở thôn, tổ dân phố chưa được quan tâm.
Ngoài ra, còn có lý do là khi địa phương giới thiệu Đảng viên ra ứng cử chức trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì những người này lại còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên chưa có uy tín, bài báo trên tờ Quảng Ngãi cho hay.
Cách khắc phục được địa phương đưa ra là "phân loại, nắm chắc chất lượng trưởng thôn". Trường hợp đủ điều kiện thì kết nạp Đảng, nếu không thì sẽ "từng bước thay thế".
Ngoài ra còn có các biện pháp khác như "tuyên truyền, giác ngộ" cho đội ngũ trưởng thôn.
"Hiện nay, các cấp ủy trong tỉnh đang tập trung khắc phục tình trạng này, tiến tới thực hiện linh hoạt mô hình bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận", báo Quảng Ngãi cho hay.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bắc Giang thậm chí đã có đề án "nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, khu phố" từ năm 2011 - 2015.
Chính quyền thành phố Quy Nhơn cũng cho hay đang phấn đấu và lập kế hoạch để "sang năm 2019, 100% tổ trưởng dân phố là Đảng viên".
Cả nước hiện có tới 41,1% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên. Việc này gây khó khăn trong truyền đạt các chủ trương, nghị quyết của chi bộ tới người dân, theo Tạp chí Xây dựng Đảng năm 2017.
Bộ Nội Vụ từ năm 2012 đã có thông tư chỉ đạo các cấp xã, phường, thị trấn phải "rà soát" và sắp xếp lại cho phù hợp để "kiện toàn các tổ chức trogn hệ thống chính trị".
Mạng xã hội nói gì ?
Thông tin trên truyền thông chính thông của Việt Nam về cuộc vận động trưởng thôn, tổ trưởng dân phố làm Đảng viên được đăng tải rộng rãi chỉ ít lâu sau các vụ việc Đảng Cộng sản công khai tuyên bố xóa tên một số trí thức như GS Chu Hảo, tiếp đó là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn Trà Huỳnh Tấn Vinh.
Mới đây nhất, là vụ báo Thanh Niên cho thôi chức 13 cán bộ, phóng viên không phải Đảng viên Cộng sản.
Cùng với đó là làn sóng bỏ Đảng trong giới trí thức, với các nhân vật có tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Mặc Văn Trang, v.v...
Mạng xã hội ngay lập tức có các bình luận quanh vấn đề này :
Facebooker Phùng Chí Kiên : "Định dùng bọn này lấp vào chỗ Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang... ư ? Vậy là đủ hiểu cái đảng Cộng sản Việt Nam nó thế nào. Đúng là "cẩu vĩ tục điêu" !
Facebooker Thanh Ton : Không lẽ đảng, đảng viên giờ đã xuống cấp thê thảm dữ vậy sao ?
"Vận động tổ trưởng, trưởng thôn vào đảng"... mà lỡ họ không thèm vào ; họ còn bảo giờ mấy người tốt, tài đức, lý lịch bà đời và từng là cán bộ cấp cao, thứ trưởng, tổng biên tập báo này báo nọ như mấy ông Chu Hảo, Nguyên Ngọc... còn công khai bỏ đảng ra dân hết, thì đảng lôi mấy tổ trưởng, trưởng thôn tình độ, tài năng, đạo đức, uy tín... chẳng đâu vào đâu vô đảng để làm cái gì.
"Hay là thấy đảng viên đã ăn sạch hết, phá nát hết... tài nguyên, ngân khố ; lòng tin trong nhân dân cũng cạn kiệt hết rồi nên giờ tình lôi mấy tổ trưởng, trưởng thôn vô cho đông để thế mạng ?"
Facebooker Phạm Đăng Quỳnh : "Ngoài tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, Đảng cần kết nạp hết các chú dân phòng, dân quân tự vệ. Bảo đảm trung thành và sai đâu đánh đó".
******************
Thêm 9 người biểu tình chống luật Đặc khu bị kết án tù (VOA, 01/12/2018)
Một tòa án ở Bình Thuận vừa kết án thêm 9 người từng tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hồi tháng 6, theo truyền thông trong nước.
Dương Văn Ngoan (giữa, bị còng tay) là một trong 9 người bị xét xử tại phiên tòa hôm 29/11 vì tội "gây rối trật tự công cộng" do tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Chín người này, cùng ngụ tại huyện Tuy Phong, bị tòa án huyện Bắc Bình kết án hôm 29/11 vì tội "gây rối trật tự công cộng".
Đây là phiên tòa thứ ba liên quan đến việc gây rối ở khu vực Phan Rí. Trước đó, 25 người đã nhận án tù cùng tội danh trên.
Theo cáo trạng, vào sáng ngày 11/6, nhiều người dân lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu đã tập trung trên Quốc lộ 1 qua xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Bản tin của VnExpress và ZingNews trích dẫn cáo trạng cho biết "lực lượng cảnh sát cơ động và chính quyền đã triển khai bảo vệ an ninh trật tự, kêu gọi đám đông giải tán, tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, các bị cáo cùng một số người quá khích đã dùng gậy, gạch đá, bom xăng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ". Họ bị kết tội "dùng bom xăng đốt xe chuyên dụng của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đập phá làm hư hỏng nhiều tài sản" của trụ sở đội cảnh sát PCCC của công an tỉnh Bình Thuận đóng tại xã Phan Rí Thành.
Tuy nhiên, vẫn theo cáo trạng, các bị cáo do "chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ".
Bị cáo Dương Văn Ngoan, 40 tuổi, nhận mức án cao nhất với 5 năm tù và những người còn lại, tuổi từ 18 đến 46, bị kết án tù từ 3 năm cho đến 3 năm 6 tháng tù với cùng tội danh "gây rối trật tự công cộng".
Hồi cuối tháng 9, cũng tòa án huyện Bình Thuận tuyên phạt mức án 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc tương tự vì tham gia biểu tình hồi tháng 6.
Trước đó hai tháng, mười người khác cũng đã bị tuyên án tù vì tham gia bạo động tại thị trấn Phan Rí Cửa.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 15/6 kêu gọi Việt Nam chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cho thuê đất dài hạn trong các đặc khu kinh tế.
Hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, tỉnh Bình Thuận và một số khu vực khác. Kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu vào ngày 9/6/2018, cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.