Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/12/2018

Đấu tố linh mục, phản đối pin mặt trời, nhân quyền Việt Nam

Tổng hợp

Linh mục Đặng Hữu Nam bị hội nghị xã ở Nghệ An 'đấu tố' ? (BBC, 03/12/2018)

Ý kiến của một luật sư rằng việc chính quyền một xã ở Nghệ An vừa tổ chức hội nghị lên án linh mục Đặng Hữu Nam là cách hành xử tạo tiền lệ xấu.

vn1

Linh mục Đặng Hữu Nam (cầm micro) trong một cuộc biểu tình phản đối vụ xả thải gây ô nhiễm của Formosa

Hội nghị tại xã Khánh Thành diễn ra hôm 30/11 tại Ủy ban Nhân dân xã, thu hút sự tham gia của "đông đảo người dân trong xã", theo báo địa phương.

Mục đích của hội nghị là nhằm "lên án, phản đối các hoạt động vi phạm pháp luật của linh mục Đặng Hữu Nam, quản giáo xứ Mỹ Khánh, huyện Yên Thành".

"Mong muốn lớn nhất của bà con nhân dân là cần phải xử lý nghiêm hành vi của linh mục Đặng Hữu Nam, trả lại cuộc sống bình yên vốn có tại địa bàn", bài báo trên tờ Công An Nghệ An cho hay.

Trong video đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội, hội nghị còn có sự tham gia của nhiều bạn trẻ trong áo xanh đồng phục của đoàn thành niên, và hội phụ nữ.

'Vô pháp' và 'tiền lệ xấu'

"Dù là một chức sắc tôn giáo thì linh mục Đặng Hữu Nam vẫn là một công dân sống trên đất Việt Nam và cần tuân thủ luật Việt Nam. Do đó, nếu ông vi phạm pháp luật thì người dân và chính quyền địa phương có quyền tố cáo ông tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền", luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC hôm 4/12.

"Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này có thể là công an xã Yên Thành, Nghệ An, hoặc cấp cao hơn, tùy mức độ vi phạm".

"Sau đó, cơ quan đó sẽ căn cứ vào hành vi của linh mục mà kết luận ông Nam vi phạm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính".

"Nhưng việc tố cáo này phải bằng đơn từ chứ không phải bằng tụ tập đông người để thị uy pháp luật".

"Việc xử lý cũng phải là trách nhiệm của cơ quan pháp luật chứ không phải của các cá nhân khác".

"Không thể lấy một hành vi vi phạm pháp luật để xử lý một hành vi vi phạm pháp luật khác".

"Có thể hành vi của linh mục Nam chưa đủ cấu thành tội phạm, nhưng chính quyền lo ngại gây ảnh hưởng tới người dân và việc quản lý của họ ở địa phương nên cho là hành vi xấu, có nguy cơ tiềm ẩn".

"Nhưng họ [chính quyền] lại làm một hành vi sai trái để giải quyết".

Luật sư Tuấn cho rằng việc tổ chức hội nghị "lên án" một cá nhân như vậy càng góp phần chia rẽ cộng đồng mạnh mẽ hơn.

"Đó là chưa nói việc này có thể làm bùng phát những vấn đề không lường trước được từ người dân mà rất khó giải quyết".

"Tôi cho rằng đây là cách hành xử vô pháp, không nên trở thành một tiền lệ xấu", luật sư Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.

"Đứng về phía sự thật"

vn2

Người dân tại giáo xứ Phú Yên tham gia đi kiện Formosa hồi tháng 10/2016

Trả lời BBC ngày 4/12, linh mục Đặng Hữu Nam cho hay hội nghị 'lên án' ông của xã Khánh Thành giống một cuộc 'đấu tố' thời xưa.

Ông nói cuộc 'đấu tố' này diễn ra ngay sau khi ông có cuộc gặp gỡ với các đại sứ quán Mỹ, Úc, châu Âu và liên minh châu Âu tại Hà Nội, nơi ông được hỏi về các vấn đề về nhân quyền và tự do tôn giáo và Hội Cờ đỏ của Việt Nam.

"Tại cuộc gặp gỡ này, đại diện các đại sứ quán cũng tỏ ra rất quan tâm khi nhìn thấy hình ảnh hàng ngàn người bao vây bà con giáo dân Mỹ Khánh khi chúng tôi tuần hành cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng hôm 16/8 và 18/10".

"Tôi cũng trình bày với họ về vấn đề lạm thu đối với người dân nghèo ở địa phương chúng tôi, như việc thu tiền sinh con thứ ba, hoặc thu tiền thuế nông nghiệp 200.000đ/người dù các công trình này là vốn ODA không phải đóng thuế theo luật."..

"Ngay sau đó, chính quyền đã có chủ trương dùng "ti vi, báo chí lề phải" để nói về tôi", linh mục Nam cho hay.

Cũng theo linh mục Nam, một bằng chứng nữa được chính quyền xã An Khánh đưa ra để 'tố' ông là các băng rôn, biểu ngữ "chống phá" mà nhà thờ Giáo xứ Mỹ Khánh sử dụng.

"Các băng rôn, biểu ngữ đó vẫn còn đây, vẫn được chúng tôi treo trong nhà thờ. Nội dung là "Không luật An ninh mạng", "Không luật Đặc khu", "Không bán đất cho Tàu cộng".

"Những điều đó có phản động không ?", linh mục Nam đặt câu hỏi.

Ông cũng cho hay đã đưa vấn đề này lên Đức Giám mục và sẽ trao đổi sự việc với Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Về việc có cố gắng để "hòa giải" với chính quyền và người dân lương ở địa phương hay không, linh mục Nam cho hay ông không phải là người tạo ra căng thẳng. "Tôi chỉ nói sự thật và đứng về phía sự thật".

'Chia rẽ đoàn kết lương giáo'

Báo Công an Nghệ an cho hay đây là "hội nghị lên án" và đăng kèm bài báo là hình ảnh nhiều người mang áo xanh bộ đội, giơ cao biểu ngữ với dòng chữ "Hội cựu chiến binh thành phố Vinh kịch liệt phản đối những hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng của linh mục Đặng Hữu Nam".

Bài báo cho hay linh mục Nam "có nhiều hoạt động gây chia rẽ mối đoàn kết lương giáo, xuyên tạc lịch sử, chống phá chính quyền" và "nhiều lần lên trang cá nhân, trả lời một số trang phản động nước ngoài nói xấu chế độ, xuyên tạc sự thật".

Một số người được bài báo trích dẫn, như bà Phạm Thị Thuận, Hội trưởng Hội Phụ nữ xóm Vân Đình nói "kịch liệt phản đối, yêu cầu linh mục Nam chuyển khỏi địa bàn" do từ hồi ông về địa phương đã "kích động bà con giáo dân, có nhiều hành động vi phạm thuần phong mỹ tục".

Hay ông Nguyễn Đình Thọ nói linh mục Nam "xúc phạm Đảng và nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết lương giáo."..

Ông Nguyễn Đình Thọ, người được nhắc đến trong bài báo của Công an Nghệ An, cũng là người bị tố cáo xông vào nhà thờ dọa giết linh mục Nam hồi tháng 10/2018.

Trong bài báo trên Công an Nghệ An, ông Thọ được dẫn lời cho hay ông làm vậy vì "bức xúc trước những hành động vi phạm phát luật của ông Nam".

BBC từ văn phòng Bangkok đã gọi điện cho Chủ tịch xã An Khánh, ông Nguyễn Đào Quý hôm 4/12 để tìm hiểu về hội nghị 'lên án' này nhưng ông Quý nói ông 'đang bận' rồi cúp máy.

Chính quyền với Giáo hội địa phương và Vatican

Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh Vatican hiện vẫn chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao dù đã có nhiều vòng đàm phán, giao tiếp.

vn3

Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình tặng quà cho Giáo Hoàng Francis tại Vatican hôm 20/10. Hai bên tiếp tục bàn thảo về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao

Tuy Trung Quốc cũng chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican nhưng diễn tiến quan hệ của Tòa Thánh với hai quốc gia cộng sản châu Á có thể đi theo các tiến độ khác nhau.

Báo Crux hồi tháng 9/2018 dẫn lời Henry Cappello, Chủ tịch tổ chức "CIV - Caritas in Veritate International" (Bác Ái Trong Chân Lý) nhận định về việc này :

"Có nhiều cách khác nhau để có mối quan hệ giữa một quốc gia và Vatican. Các chi tiết cụ thể của một thỏa ước có thể thay đổi".

"Thỏa ước Vatican-Trung Quốc có khả năng tương tự như mô hình Việt Nam,với những sửa đổi phù hợp với tình hình ở Trung Quốc".

"Việt Nam đã có một thỏa thuận riêng phù hợp với tình hình Việt Nam, do đó các nước khác có thể tiếp cận theo cách này".

Một trong các vấn đề Vatican cần suy tính là nhu cầu được công nhận và các hoạt động, quyền lợi của giáo hội địa phương tại Việt Nam và chính sách toàn cầu của Giáo hội trên toàn thế giới.

Đôi khi, hai vấn đề này không song hành.

Trên thực tế, hoạt động của Giáo hội Công giáo La Mã tại Việt Nam vẫn chịu những ràng buộc nhất định bởi chính quyền.

Đây không phải lần đầu giới chức Việt Nam hoặc qua báo chí hoặc các nhóm dân vận cấp địa phương lên tiếng phản đối linh mục Đặng Hữu Nam hoặc một số các dòng tu.

Năm 2017, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An có công văn gửi Thủ tướng Việt Nam phản đối "hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng" của linh mục Nam.

Vấn đề với giáo xứ Thái Hà, Hà Nội một số năm trước cũng trở thành chủ đề trong quan hệ Việt Nam - Vatican.

Hôm 17/11 vừa qua, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, hiện đang là giám mục giáo phận Hải Phòng, vừa được Tòa thánh La Mã bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng giám mục Hà Nội, theo quyết định được công bố lại Vatican buổi trưa cùng ngày giờ Rome.

Một số giới đánh giá quyết định bổ nhiệm tân TGM Hà Nội này gây ra ít nhiều bất ngờ trong giáo dân Việt Nam.

*****************

Nghệ An tiếp tục tổ chức hội nghị đòi trục xuất linh mục Đặng Hữu Nam khỏi địa phương (RFA, 03/12/2018)

Hôm 30/11, hội nghị của các tổ chức đoàn thể tỉnh Nghệ An họp tại UBND xã Khánh Thành, huyện Yên Thành lên án linh mục Anton Đặng Hữu Nam và đòi trục xuất ông ra khỏi địa phương.

vn4

Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam về cách giải quyết thảm họa môi trường biển do tập đoạn Formosa gây ra Courtesy FB Anton Đặng Hữu Nam

Mạng báo Công an Nghệ An ngày 3/12 tường thuật lại sự kiện nêu trên và cho rằng một số đại diện các đoàn thể gồm cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ nêu mong muốn lãnh đạo các cấp xử lý nghiêm hành vi của linh mục Đặng Hữu Nam mà theo họ gây xáo trộn cuộc sống người dân địa phương.

Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, người từng hỗ trợ hàng trăm ngư dân Nghệ An kiện công ty Hưng Nghiệp Formosa ra tòa, chiều 3/12 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :

"Trong phiên đấu tố đó tôi cũng có được một số tài liệu, video clip, hình ảnh ghi lại những người lên đọc bản cáo trạng tôi vi phạm pháp luật cũng như xuyên tạc lịch sử.

Tuy nhiên, điều hài hước ở đây mà người ta thấy là tất cả những gì mà người ta luận tội tôi, không có căn cứ pháp lý.

Điều thứ hai, người ta không trưng dẫn được là tôi đã làm gì sai ; ví dụ như nói tôi nói xấu chế độ, thì là nói xấu như thế nào. Tôi bôi nhọ lãnh tụ và xuyên tạc lịch sử như thế nào.

Thêm một điều hài hước nữa là trong phiên đấu tố đó người ta kể tội tôi dùng các bóng đèn cao áp để thắp sáng khu vực nhà thờ cũng như dùng camera an ninh để lắp ở nhà xứ, nhà thờ của tôi.

Họ phản đối cả điều đó thì thật là buồn cười, vì bóng đèn tôi mua, điện tôi trả để thắp sáng nơi tôi ở, nơi tôi làm việc và đất thánh của tôi thì liên hệ tới ai".

Những bức hình và video chụp tại hội nghị cho thấy phần đông người tham dự là những người lớn tuổi, nhiều người khoác áo cựu chiến binh, đeo huy chương của quân đội nhân dân Việt Nam.

Linh mục Đặng Hữu Nam cũng cho hay, hôm đó ông không được mời tham dự, thậm chí những xóm trưởng các xóm theo Công giáo mà ông biết cũng không hề biết đến sự việc.

Tờ Công An Nghệ An, tiếng nói của lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An, cáo buộc, sau khi chuyển từ giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu về làm giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, linh mục Đặng Hữu Nam đã có nhiều hoạt động mà theo báo này là gây chia rẽ mối đoàn kết lương giáo, xuyên tạc lịch sử, chống phá chính quyền.

vn5

Linh mục Đặng Hữu Nam ngoài cùng bên phải - Courtesy FB Anton Đặng Hữu Nam

Cũng theo trang mạng này, linh mục Đặng Hữu Nam còn nhiều lần lên trang cá nhân, trả lời một số trang phản động nước ngoài nói xấu chế độ, xuyên tạc sự thật.

Hội nghị tổ chức ở Nghệ An lần này là hành động tiếp diễn sau sự việc vị linh mục này nhiều lần cáo buộc trong 2 tháng qua bị những thành viên hội cờ đỏ địa phương dọa giết.

Hồi tháng 5 năm ngoái, một cuộc biểu tình có đến hơn 2000 người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, bao gồm phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên v.v… tham gia, để phản đối việc linh mục Đặng Hữu Nam rao giảng với giáo dân rằng : "Ngày 30 tháng 4 là ngày mà dân tộc Việt Nam mất đi tự do, ngày mà người dân không có quyền làm người, ngày đã làm cho đất nước tang thương, ngày đã đưa đất nước trở thành lạc hậu, nghèo đói, ngày mà Việt Nam mất đi cơ hội phát triển, ngày đã tạo nên bất công trên mọi miền đất nước…"

Trong sự kiện Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường năm 2016, vị linh mục này cũng ít nhất 2 lần dẫn đầu đoàn giáo dân từ Nghệ An đến tòa án huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nộp đơn để kiện công ty của Đài Loan ra tòa nhưng bị ngăn cản, thậm chí có giáo dân còn bị đánh đập.

https://youtu.be/-2RrsToaBJE

********************

Dân bắt giữ người để phản đối dự án điện mặt trời tại Bình Định (RFA, 03/12/2018)

Người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bắt giữ hai người vì nghi ngờ đến địa phương khảo sát làm dự án điện mặt trời. Biện pháp bắt giữ người như thế buộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, huyện Phù Mỹ phải tiến hành đối thoại với người dân sớm hơn một ngày so với kế hoạch. Truyền thông trong nước dẫn lời của Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ hôm 3/12.

vn6

Người dân lo ngại rằng dự án nhà máy điện mặt trời sẽ gây ô nhiễm môi trường - Ảnh minh họa. AFP

Theo kế hoạch trước đó, đối thoại và giải thích với người dân về những phản đối dự án điện mặt trời sẽ diễn ra vào ngày 4/12.

Truyền thông trong nước trích lời người dân địa phương cho biết, họ lo ngại rằng dự án nhà máy điện mặt trời sẽ gây ô nhiễm môi trường, đổ thải ra biển, làm cho hải sản nuôi của người dân bị tác hại. Ngoài ra, người dân nghi ngờ chủ đầu tư nói làm dự án điện mặt trời nhưng mục đích là để khai thác titan tại khu vực.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, giải thích rằng, đây là dự án lớn và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông Dũng nói dự án này hoàn toàn thân thiện môi trường, tăng thu ngân sách và giải quyết hàng trăm việc làm cho bà con địa phương. Ngoài ra, ông khẳng định và cam đoan với người dân rằng sẽ không có doanh nghiệp nào được khai thác Titan tại khu vực này. Đồng thời, ông cũng yêu cầu người dân trả tự do ngay cho hai người mà người dân đã tiến hành bắt giữ từ hôm 29/11 đến nay vì nghi ngờ họ vào địa phương để khảo sát làm dự án.

Trước đó, hôm 11/11 hàng trăm người dân cũng đã giữ một xe hơi của đoàn rà phá bom mìn cho dự án điện mặt trời và yêu cầu chính quyền phải cam kết không thực hiện dự án mới trả xe.

Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ do Công ty Phát triển Tầm Nhìn Năng lượng Sạch làm chủ đầu tư với công suất dự án 330 MW, dự kiến sử dụng diện tích khoảng 380ha đất. Đây là dự án được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020.

*****************

Việt Nam tuyên bố thực hiện hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (RFA, 03/12/2018)

Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNDP) vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.

vn7

Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 3/12/19, ở Hà Nội. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thanhnien.vn

Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, ông Đặng Hoàng Giang cho biết thông tin vừa nêu tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội. Ông Đặng Hoàng Giang còn cho biết thêm báo cáo này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã nộp lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi ngày 22 tháng 10.

Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam đã thực hiện xong 175 khuyến nghị, chiếm 96,2%, cao hơn tỉ lệ 78% của chu kỳ 1 năm 2009, và báo cáo UPR của Việt Nam chu kỳ 3 năm 2019 do 18 bộ, ngành và các tổ chức xã hội tham gia thực hiện trên tinh thần nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, bà Hoàng Thị Thanh Nga, cho biết Việt Nam thực hiện các khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc qua việc sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh về quyền con người ; như Hiến pháp 2013, Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Dân Sự…

Bà Hoàng Thị Thanh Nga nhấn mạnh Việt Nam thực hiện 100% khuyến nghị về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ; Việt Nam đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân thông qua các quyền dân sự ; Việt Nam có 857 cơ quan báo chí và 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số …

Đại diện của Bộ Ngoại giao, trong hội thảo vào ngày 3 tháng 12, cho biết sau khi báo cáo tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ thông báo về các khuyến nghị có thể chấp nhận được vào tháng 6 năm 2019.

Trong khi đó, một số tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch, Amnesty International… lên tiếng cáo buộc thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội ngày càng tồi tệ.

Hiện nay Việt Nam bị những tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đánh giá thuộc nhóm kém nhất ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á- Thái Bình Dương trong lĩnh vực thực thi quyền con người.

Quay lại trang chủ
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)