Vụ Trịnh Xuân Thanh : Cựu Bộ trưởng Nội vụ đòi kiện Tổng thống Slovakia (VOA, 08/12/2018)
Cựu Bộ trưởng nội vụ Robert Kalinak vừa lên tiếng đe dọa sẽ kiện Tổng thống Slovakia, đồng thời yêu cầu truyền thông phải xin lỗi vì đã cáo buộc sai các nhân viên Bộ Nội vụ là tham gia vào vụ bê bối bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hãng thông tấn chính thức của Slovakia cho biết hôm 7/12.
Cựu Chủ tịch PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải ra tòa án ở Hà Nội vào ngày 8/1/2018.
TASR dẫn phát biểu của ông Kalinak tại một cuộc họp báo hôm 6/12 nói rằng ông sẽ kiện Tổng thống Andrej Kiska ra tòa vì phát biểu đề cập đến "lạm dụng quyền lực" trong vụ bê bối này.
"Ông ấy [Tổng thống Kiska] đồn rằng tôi đã có được cả một khu khách sạn trong vụ này", tờ Spectator dẫn lại lời ông Kalinak nói trên bản tin của hãng thông tấn SITA. "Có những nhân chứng sẵn sàng làm chứng trước tòa".
"Tôi sẽ rất vui được gặp ông ấy tại tòa án. Ông ấy sẽ có cơ hội để giải thích lời nói của mình", TARS dẫn lời ông Kalinak nói trong cuộc họp báo có chủ đề "Đặt dấu chấm hết cho vụ Việt Nam".
Cựu Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia nói thêm rằng vụ bắt cóc doanh nhân-quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Đức, rồi được đưa qua Slovakia và đi trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia, với sự thông qua của nhà chức trách Slovakia là một cáo buộc bịa đặt và là tin giả.
Ông Kalinak lặp lại rằng ông vẫn tin Việt Nam không lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia khi yêu cầu mượn chiếc máy bay của chính phủ nước này cho phái đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sử dụng trong thời gian công tác tại đây.
Ông Kalinak nhấn mạnh : "Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng Slovakia không tham gia vào vụ này, và không có một chính trị gia, cảnh sát hay công chức nào tham gia vào. Câu hỏi đặt ra không phải là liệu có ai đó bị bắt cóc hay không, mà là liệu chúng ta có giúp đỡ họ hay không, và đã có xác nhận rằng chúng tôi đã không giúp họ", vẫn theo TARS.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia cũng chỉ trích truyền thông đã tạo ra một "trò lừa bịp" từ vụ bê bối liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ám chỉ bài báo mô tả việc ông Thanh đã bị bắt cóc như thế nào ở Bratislava mà nhật báo Denik N đăng trước đây, và yêu cầu truyền thông phải xin lỗi những người trong Bộ Nội vụ đã bị cáo buộc sai về việc tham gia vào vụ bắt cóc.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, người phát ngôn của Tổng thống Andrej Kiska, Roman Krpelan, nói rằng "Tổng thống không làm việc với cựu Bộ trưởng Nội vụ, nhưng ông hiểu nỗi sợ hãi của ông ấy".
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra cuộc "khủng hoảng ngoại giao" giữa Việt Nam với Đức và với Slovakia. Tuy nhiên cho tới nay, Việt Nam vẫn khẳng định ông Thanh tự về nước đầu thú, bất chấp những bằng chứng và kết luận điều tra từ Đức.
****************
Hà Nội lên tiếng trước thông tin chính quyền Trump ngừng trục xuất di dân Việt (VOA, 08/12/2018)
Việt Nam muốn chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho người Việt nhập cư hội nhập và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố trên hôm 6/12 khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng trục xuất người nhập cư từ Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tháng trước, báo New York Times cho biết chính quyền Trump đã lặng lẽ ngừng việc trục xuất một số người nhập cư Việt Nam – những người đã sống ở Mỹ trong nhiều năm. Chính sách này được coi là đã gây ra tranh cãi giữa Mỹ và Việt Nam cũng như dẫn tới việc một đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ chức vào cuối năm ngoái.
Theo một thỏa thuận được ký vào năm 2008 giữa hai chính quyền cựu thù, những người Việt tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – cũng là ngày hai nước bình thường hóa quan hệ trở lại – không thể bị trục xuất.
Nhận định về việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam từ Mỹ, bà Hằng nói việc này "được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam". Theo người phát ngôn BNG, việc tiếp nhận này "đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".
Mặc dù vậy, chính quyền Trump vào năm ngoái bắt đầu bắt giữ những người nhập cư từ Việt Nam đã sống lâu dài ở Mỹ và chuẩn bị trục xuất họ. Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 trong số khoảng 8.000 di dân Việt thuộc diện chờ bị trục xuất.
Theo diễn giải của chính quyền Trump đối với hiệp định ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà thỏa thuận 2008 đề cập đến. Điều này cũng đã được vị đại sứ đương nghiệm của Mỹ tại Hà Nội, Daniel Kritenbrink, khẳng định với VOA khi ông cho biết "thỏa thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995".
Để phản đối việc phải tiếp nhận hàng nghìn người Việt bị trục xuất, đại sứ tiền nhiệm của ông Kritenbrink, Ted Osius, đã từ chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 10/2017.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú Mỹ.
Trả lời phỏng vấn VOA tiếng Việt, Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, có khoảng 125.000 người tị nạn rời khỏi Việt Nam trong một chương trình di tản do chính phủ Mỹ tài trợ, theo Viện Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC. Con số thống kê của viện này cho thấy lượng người Việt nhập cư vào Mỹ đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1975 và tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tính đến năm 2017, đã có hơn 1,3 triệu người Việt tới an cư ở Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân trên toàn nước Mỹ.
***************
Thêm quan chức, tướng công an và tướng quân đội bị đề nghị kỷ luật (RFA, 07/12/2018)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ 32 kéo dài từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12 vừa qua ngoài đề nghị kỷ luật Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, còn đề nghị kỷ luật đối với một số tướng lĩnh Công an, Quân Đội và quan chức một số tỉnh thành khác.
Kỳ họp 32 Ủy ban Kiểm tra Trung ương 32 tại Hà Nội -Courtesy ubkttw.vn
Cụ thể có 3 ông tướng Công an bị cảnh cáo gồm Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát ; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội, nguyên đảng ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.
Cả ba bị kết luận tại kỳ họp thứ 30 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là có những vi phạm, khuyết điểm trong vụ án liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo Tổng Cục và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công Nghệ Cao- C50 ; tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên Internet.
Một ông tướng bị kỷ luật cảnh cáo nữa tại kỳ họp thứ 32 là Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội. Theo kết luận, trong thời gian giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế từ tháng 4 năm 2005 đến tháng giêng năm 2012, ông này đã có những vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông- A Lưới mà hệ quả là công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng không sử dụng được.
Hai cán bộ cao cấp tỉnh Dak Nong bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật tại kỳ họp thứ 32 gồm Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bốn và tỉnh ủy viên Trương Thanh Tùng bị qui phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Dak Nong nhiệm kỳ 2016-2021 về những sai phạm trong quản lý, bảo vệ đất rừng.
Vào ngày 7 tháng 12, Thành ủy Đà Nẵng tiến hành hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành đảng bộ khóa XXI. Tại hội nghị, đại tá Lê Văn Tam, nguyên giám đốc Công an Thành phố bị quyết định kỷ luật khiển trách.
Ông này bị kết luận có vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập không đúng qui định trong suốt thời gian làm giám đốc Công an Đà Nẵng.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, ông đại tá Lê Văn Tam bị Bộ Công an cho nghỉ việc chờ hưu trí.
Một trong những xôn xao của người dân thành phố Đà Nẵng đối với ông Lê Văn Tam là việc sở hữu căn biệt thự giá gần 100 tỉ đồng tại làng biệt thực Châu Âu (Euro Village). Đích thân ông này sau đó xác nhận thông tin đó là chính xác.
******************
Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Tất Thành Cang (VOA, 07/12/2018)
Vào chiều 6/12, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang sau khi ông này vừa bất ngờ được bổ nhiệm thêm chức vụ hồi tháng trước.
Bản đồ khu Đô thị mới Thủ Thiêm, nơi diễn ra nhiều sai phạm gây bức xúc trong dân chúng. Ảnh : NamPhatLand
Thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương được công bố trên báo chí vào cuối kỳ họp thứ 32 của Ủy ban (kéo dài từ ngày 3/12 – 6/12) nói rằng "xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, cơ quan kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang". Tuy nhiên, hình thức kỷ luật cụ thể có thể sẽ áp dụng đối với ông Cang, một trong những lãnh đạo dính dáng trực tiếp đến vụ bê bối đất đai ở Thủ Thiêm, vẫn chưa được hé lộ.
Ông Tất Thành Cang, 47 tuổi, là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong kỳ họp tháng trước, ông Cang đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ", "vi phạm thẩm quyền", "vi phạm các quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố".
Ủy ban của Trung ương nói thêm rằng ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra nhiều vi phạm dân đến thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
Tin cho hay những vi phạm của ông Cang diễn ra trong thời gian ông giữ các cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó bí thư thường trực Thành ủy. Nổi bật là vụ ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường "dát vàng" ở Thủ Thiêm để đổi lấy đất "kim cương" ở vị trí đắc địa trong thành phố và vụ chuyển nhượng khu đất của Thành ủy ở huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Vào đầu tháng 11, trước khi Ủy ban đưa ra kết luận, ông Tất Thành Cang đã bất ngờ được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao thêm chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ban này có nhiệm vụ thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp.
Việc bất ngờ thêm chức cho ông Cang, sau khi cư dân mất đất ở Thủ Thiêm phanh phui công khai các sai phạm và kêu gọi trừng trị các lãnh đạo liên quan trực tiếp, đã khiến dư luận đưa ra so sánh và dự đoán về tương lai của quan chức này với số phận của ông Đinh La Thăng, quan chức cấp cao nhất của Đảng cộng sản đã bị kết án tù lên đến 30 năm tù trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn ngày 27/11, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân được báo Dân Trí dẫn lời nói việc kỷ luật các lãnh đạo cấp cao vi phạm thể hiện "sự quyết liệt của Đảng đối với vấn đề tham nhũng" và "không có vùng cấm" trong việc xử lý tham nhũng, như tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng.