Vịnh Cam Ranh ô nhiễm, hơn 6.500 lồng tôm hùm chết sạch (Người Việt, 07/12/2018)
Nguyên nhân khiến hơn nhiều ngàn lồng tôm hùm nuôi trên vịnh Cam Ranh chết suốt tuần qua được xác định do ô nhiễm môi trường.
Bà Võ Thị Bảy thẫn thờ vì tôm hùm chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng. (Hình : Việt Nam Mới)
Ngày 7 Tháng Mười Hai, 2018, nói với báo VnExpress, ông Lê Minh Hải, trưởng Phòng Kinh Tế thành phố Cam Ranh, cho hay có hơn 6.500 lồng tôm hùm của các gia đình đang nuôi trên vịnh Cam Ranh bị chết, tổng thiệt hại khoảng 330 tỷ đồng.
"Số tôm chết nhiều, kéo dài nhiều ngày nên chưa thể thống kế số lượng con mà chỉ tính tổng quát", ông Hải nói và cho biết.
Bà Võ Thị Bảy (49 tuổi, ở phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh), chủ của hơn 30 lồng tôm cho tờ Việt Nam Mới biết, những ngày đầu tiên, mỗi ô lồng chết hơn chục con, đến nay thì gần như chết sạch từ tôm lớn đến tôm bé.
"Đỉnh điểm là ngày 3 Tháng Mười Hai, 30 lồng tôm của tôi gần như chết sạch. Nhiều lồng đã vào kích cỡ tôm để bán nhưng tôm chết nhanh quá không kịp trở tay", bà Bảy nghẹn ngào nói.
Bà Bảy cho biết, bao nhiêu năm tích cóp và vay mượn thêm ngân hàng để nuôi tôm nhưng đến nay gần như đã mất trắng.
Tương tự, ông Trịnh Bảy (56 tuổi, phường Cam Thuận) người vừa bị thiệt hại khoảng 70 lồng tôm hùm cho biết, ông nuôi tôm hùm hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy tôm chết nhiều như lần này.
Người dân bán tôm chết để mong gỡ lại ít vốn (Hình : Việt Nam Mới)
Theo ông Bảy, tôm hùm chết xuất hiện sau mưa lũ. "Có một dòng nước ngọt màu đỏ phía trên, lặn sâu khoảng 2-3 sải tay (khoảng 1,5 mét/sải) nước mới trong và mặn. Nhiều người kịp hạ lồng thấp hơn dòng nước này thì tôm chết ít hơn", ông Bảy cho biết.
Trong khi đó, nói về nguyên nhân khiến tôm chết, Chi Cục Thủy Sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau bão Usagi (bão số 9) ít hôm, vùng nuôi trên vịnh Cam Ranh, cách bờ biển 500 mét trở vào dày đặc chất thải và bùn đất. Nước cách mặt chừng 2-3 mét đục ngầu.
Các lần lấy mẫu kiểm tra cho thấy, các chỉ tiêu môi trường trong khu vực này, như : oxy hòa tan, độ mặn hay độ PH đều thay đổi, tác động đến quá trình hô hấp khiến tôm bị chết. Ngoài ra, nhiều lồng bè nuôi tôm dày đặc cùng thức ăn dư thừa và chất thải khiến vùng nước ô nhiễm cũng là nguyên nhân.
Tin cho biết, khoảng tuần trước, tôm hùm trọng lượng từ 0.3-1 kg quẫy nước mạnh, chết hàng loạt. Người dân phải vớt tôm bán tháo cho thương lái với giá rẻ để mong gỡ vốn. (Tr.N)
*******************
Thêm một vụ phạt tiền 40 triệu đồng vì đổi 100 đô la (RFA, 08/12/2018)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 8/12 cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với bà Trần Thị Việt, chủ một tiệm vàng ở xã Nghĩa Thuận, vì mua 100 đô la từ người dân. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 28/8/2009 : một tiệm vàng nơi người dân đổi tiền ở phố Hà Trung, Hà Nội - AFP
Bà Việt bị kết luận là vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối trong trường hợp mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau. Truyền thông trong nước cho biết bà Việt bị công an thị xã bắt quả tang khi đang đổi tiền.
Trung tá Trần Ngọc Tuấn - Trưởng Công an thị xã Thái Hoà được báo chí trích lời cho biết, sau khi bắt quả tang bà Việt với hành vi giao dịch ngoại tệ trái phép, đơn vị đã lập hồ sơ xử lý, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo lãnh đạo Công an tỉnh, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An để có quyết định xử phạt. Ông Tuấn cũng cho biết thêm chỉ có tiệm vàng bị xử phạt, còn người dân đổi tiền không bị phạt.
Truyền thông trong nước cho biết bà Việt thừa nhận tiệm vàng của mình không được phép đổi ngoại tệ.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên một người đổi 100 đô la bị phạt số tiền gấp nhiều lần ở Việt Nam. Hồi cuối năm ngoái, một người dân ở thành phố Cần Thơ bán 100 đô la cho tiệm vàng đã bị thành phố xử phạt 90 triệu đồng, bị tịch thu số tiền bán đô la. Tiệm vàng nhận đổi đô la bị phạt 180 triệu đồng về hành vi thu đổi ngoại tệ khi chưa được phép. Vụ việc đã gây bất bình trong dư luận khiến giới chức thành phố Cần Thơ sau đó phải rút lại quyết định xử phạt đối vời người dân đổi tiền.
***********************
Việt Nam xử lý các trường hợp lợi dụng cổ vũ bóng đá ‘kích động gây rối’ (RFA, 07/1/2018)
Truyền thông trong nước hôm 7/12/2018 cho biết đã có 78 trường hợp ra đường cổ vũ bóng đá bị công an thành phố Hồ Chí Minh xử lý phạt hành chính và tạm giữ phương tiện về các lỗi vi phạm bao gồm có hành vi kích động đám đông, nẹt pô, tụ tập gây rối làm ùn ứ giao thông, và một số lỗi khác về giao thông.
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ trước trận bán kết lượt về của AFF Suzuki Cup 2018 giữa Việt Nam và Philippines tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 6 tháng 12 năm 2018. AFP
Sau chiến thắng của Việt Nam trước Philippines trong trận đấu bóng đá vòng bán kết giải AFF Cup 2018 vào đêm 6/12, hàng vạn cổ động viên Việt Nam đã đổ ra đường hò reo ăn mừng thắng lợi ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông trong nước cho biết từ khoảng 9 giờ tối ngày 6/12, nhiều người dân đã đổ ra nhiều tuyến đường cổ vũ đội tuyển bóng đá, trong đó có nhiều thanh niên được cho rằng có dấu hiệu quậy phá. Đến 2 giờ sáng, nhiều người vẫn chưa về mà tụ tập thành nhóm, nẹt pô xe, kích động gây rối.
Nhiều tai nạn, ẩu đả, các vụ được cho là ‘kích động gây rối’ đã xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào tối 6/12. Đã có ít nhất hai người bị thương nặng do tại nạn xe ở Hà Nội trong đêm ăn mừng chiến thắng.
Tại khu vực Đống Đa, Hà Nội, một vụ ẩu đả cũng được cảnh sát ghi nhận. Trong lúc hò hét cổ vũ đã xảy ra xích mích, một người đã dùng dao đâm vào lưng một thanh niên rồi bỏ chạy. Nạn nhân sau đó đã được đưa đi cấp cứu.
Cơ quan chức năng cũng cho biết có trường hợp các thanh niên mang theo pháo đi cổ vũ vào tối 6/12. Hai người này đã bị cảnh sát bắt giữ tại Ngã năm Nguyễn Thái Học – Cửa Nam khi bị phát hiện trong người và cốp xe máy chứa 30 quả pháo sáng, một quả pháo nổ.
Đã có nhiều lần các cổ động viên Việt Nam đổ ra đường ăn mừng chiến thắng sau các trận đấu bóng đá trong khu vực trong thời gian qua. Nhiều hình ảnh trong các lần ăn mừng cho thấy giao thông bị tắc nghẽn, thậm chí có những cô gái đã cởi trần đi ăn mừng giữa đường gây phản cảm. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên truyền thông trong nước đưa tin về một số lượng lớn những người đi ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đã bị xử phạt vì kích động gây rối.
Trong khi đó, các cuộc tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thường bị công an và an ninh đàn áp mạnh tay. Đã có hàng trăm người tham gia những cuộc tuần hành này trong các năm qua bị đánh đập, bắt giữ với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Điển hình là những cuộc tuần hành của hàng ngàn người ở một số thành phố tại Việt Nam trong tháng 6 vừa qua phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng.