Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/12/2018

Thăm Nghĩa trang Biên Hòa, chết trong đồn công an, Mũi Kê Gà

Tổng hợp

Đại sứ Hoa Kỳ đến thăm nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa (RFA, 07/12/2018)

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Daniel Kritenbrink vừa đến thăm nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Biên Hòa vào hôm 6/12.

vn1

Đại sứ Daniel Kritenbrink, thứ tư từ phải sang, tại Nghĩa trang Biên Hòa 6/12/2018. Courtesy of Lê Nguyễn Hương Trà

Tin này cùng một số hình ảnh của cuộc viếng thăm được nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa lên trang cá nhân của mình, nhưng không thấy báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, Đại sứ Mỹ đến thăm nghĩa trang này, lần trước là vào tháng ba.

Đây là nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, nơi chôn cất những người lính và sĩ quan chết trận trong cuộc chiến Việt Nam từ năm 1955 đến 1975.

Sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản, nghĩa trang này do quân đội Việt Nam kiểm soát. Nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang Bình An. Những cuộc thăm viếng người đã khuất của thân nhân trở nên rất khó khăn, nhiều mộ phần và công trình trong nghĩa trang bị đổ nát.

Từ năm 2012 một tổ chức của người Việt tại Mỹ mang tên Sáng hội Việt Mỹ, Vietnamese American Foundation, đã được cho phép trùng tu những ngôi mộ đổ nát, trong tổng số 16 ngàn ngôi mộ tại đây. Theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, đến nay đã có khoảng 11 ngàn ngôi mộ được sửa sang.

Nghĩa trang này, cũng như việc trùng tu nó đã trở thành một biểu tượng của vấn đề hòa giải dân tộc Việt Nam sau chiến tranh. Hồi tháng 3/2013, viên chức đại diện chính quyền Việt Nam là ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã đến đây thắp hương và nói đến mong muốn hòa giải.

****************

Tây Ninh : Công an xô dân té chết tại chỗ nhưng chối tội (Người Việt, 09/12/2018)

Pháp y của công an Việt Nam nói bà Nguyễn Thị Bích ở Tây Ninh chết vì "thiếu máu cơ tim" chứ không phải do công an làm bà chết bất thường hồi tháng Tám, 2018 vừa qua.

vn2

Bà Nguyễn Thị Bích. (Hình : Người Lao Động)

Tờ Người Lao Động hôm 7 tháng Mười Hai nói, "Công an tỉnh Tây Ninh cung cấp toàn bộ nội dung bản kết luận giám định pháp y về tử thi bà Bích do Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh thực hiện". Trong đó nói "nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị Bích : Chấn thương sọ não trên người có bệnh lý thiếu máu cơ tim".

Bà Nguyễn Thị Bích, 52 tuổi, ngụ ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh, chuyên thu mua củ mì ngay tại nhà mình. Nhà cầm quyền địa phương cho là bà kinh doanh "bất hợp pháp" nên ngày 15 tháng Tám, 2018 đưa một "đoàn liên ngành" tới kiểm tra rồi tịch thu số củ mì bà đang có.

Bà phản đối không chấp nhận vì cho rằng có giấy phép do bà và người khác nữa cùng đứng tên kinh doanh. Trong sự giằng co, bà bị một công an viên xô ngã đập đầu xuống nền xi măng, chấn thương sọ não chết tại chỗ. Gia đình nạn nhân phản ứng quyết liệt nhờ luật sư đại diện và đòi công an khởi tố vụ án để quy trách nhiệm cho kẻ gây ra cái chết của bà Bích.

Sau khi lề mề kéo dài suốt bốn tháng, nay mới thấy công an thông báo vài chữ vắn tắt theo "Kết quả giám định pháp y" và lại do "pháp y" của công an đưa ra, cho người ta hiểu đây là một thứ kết luận mơ hồ nhằm chạy tội giết người cho đồng đảng.

Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Châu Văn Tài, chồng bà Bích, nói : "Tôi thấy lạ quá. Trước giờ tôi chưa thấy vợ tôi có triệu chứng gì về bệnh lý thiếu máu cơ tim. Không biết sao công an kết luận vậy ?".

center;">vn3

Thông báo công an vừa trao cho gia đình nạn nhân, đổ vạ cho bệnh "thiếu máu cơ tim". (Hình : Người Lao Động)

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, người nhận bảo vệ quyền lợi pháp lý cho gia đình bà Bích, theo Người Lao Động, cho rằng "thông báo trên của cơ quan công an là chưa phù hợp, không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm. Theo Luật sư Tuấn, bà Bích chết là do chấn thương sọ não, còn bệnh thiếu máu cơ tim không liên quan gì đến bối cảnh tử vong của nạn nhân".

Những gì diễn ra cho thấy Công an tỉnh Tây Ninh cố gắng nhận cho chìm xuồng thay vì điều tra và truy tố tên công an làm bà Bích đập đầu xuồng nền xin măng dẫn đến cái chết tức tưởi. Đổ cho một thứ bệnh nào đó, thường là tim mạch hay nói nạn nhân tự tử là cách chối tội giết người rất quen thuộc của công an Việt Nam trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Bích là nạn nhân thứ 6 trong số 11 nạn nhân chết bất thường trong tay Công an Việt Nam năm nay.

Bản "Kết quả pháp y" về cái chết bất thường của bà Bích được công an Tây Ninh đưa ra trong lúc chế độ Hà Nội phải giải trình về thi hành các điều khoản của "Công ước Quốc tế Chống Tra tấn và Đối xử bạo ngược" mà họ đã ký cam kết thi hành từ năm 2013. Hơn chục người chết oan khuất trong tay Công an Việt Nam mỗi năm vẫn xảy ra.

Trước những lời cật vấn về những trường hợp chết bất thường vì bị tra tấn nhục hình, tướng công an được chế độ Hà Nội cử tới Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chối hết tất cả bất chấp sự thực hiển nhiên. (TN)

*************

Bình Thuận : Kê Gà hoang phế do bất nhất trong qui hoạch (RFA, 07/12/2018)

Mũi Kê Gà thuộc vùng biển Bình Thuận với núi, nước xanh và cát vàng là điểm du lịch lý tưởng nếu được khai thác đúng qui chuẩn. Nhưng sau 18 năm nhiều khu nghĩ dưỡng cao cấp đang xây dở tại Kê Gà bị hoang hóa và xuống cấp nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân của sự việc được cho là hoang phí một cách đáng tiếc này.

vn4

Bình minh ở mũi Kê Gà - Courtesy kedulich.org

Từ "ốc đảo thiên đường" rồi "Hawaii Việt Nam", những danh xưng mỹ miều được báo chí trong nước gán cho vùng biển Kê Gà ở Bình Thuận, nay thì nơi đây có những khu resort xây cất dở dang và xuống cấp trầm trọng thì báo chí lãi gọi là khu du lịch ma.

Đây là khu du lịch Thuận Quí-Kê Gà nằm trên con đường ven biển nối thành phố Phan Thiết đến xã Tân Thanh, huyện Hàn Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Với những bãi biển còn hoang sơ, những bãi đá có nhiều hình thù độc đáo cùng điểm nhấn là ngọn hải đăng tạo cho Kê Gà một khung cảnh hấp dẫn.

Từ những năm 2000 chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận đã khuyến khích các nhà đầu tư chung sức phát triển những khu nghĩ dưỡng cao cấp, những biệt thự sang trọng. Khi đó những mỹ từ như Kê Gà là một Hawai của Việt Nam đã thu hút những tiền tỷ đầu tư và lượng khách du lịch đột nhiên tăng cao hơn trước.

Đến cuối 2007, chính quyền tỉnh Bình Thuận lại thông báo qui hoạch cảng Kê Gà, yêu cầu tạm ngưng mọi dự án du lịch để chuyển giao cho Tập Đoàn Than Khoáng Sản làm cảng biển tổng hợp có tầm vóc quốc gia.

Tuy nhiên đến 2013 dự án cảng biển Kê Gà được lệnh ngừng xây dựng vì xét thấy không hiệu quả. Hậu quả là cảng biển không xong thì hàng chục biệt thự và resort cao cấp ở Kê Gà cũng lâm cảnh hoang phế, các công trình dở dang để đó càng ngày càng hư hại xuống cấp.

Ở đâu không rõ chứ ở địa phương thì người dân tiếc mãi, là lời bà Nga, cư dân mà cũng là giáo viên về hưu ở Bình Thuận :

"Về vấn đề Kê Gà thì tiếc chứ, có thời gian bữa rày hỏi lại thì câu trả lời là tiếc, đang xây dựng mà ngừng thì tiếc chứ, không chỉ uổng phí mà còn hoang phí nữa. Đã đầu tư vô trong đó một số tiền lớn như vậy mà ngưng lại thì phải có lý do chính đáng chứ".

Theo ông Ngô Minh Chính, giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, lý do chính đáng mà người dân muốn biết trong vụ việc liên quan là :

"Khi mà qui hoạch cảng Kê Gà thì các dự án hoạt động dịch vụ du lịch đang xây dựng này đều phải dừng. Sau một thời gian nghiên cứu thì công ty than khoáng sản thấy rằng không có khả năng làm được cảng Kê Gà, chính vì vậy người ta tạm dừng dự án".

Báo chí trong nước đưa tin đơn vị đầu tư cảng biển Kê Gà là Tập Đoàn Than Khoáng Sản đã chuyển giao qua chính quyền Bình Thuận hơn 65 tỷ đồng để bồi thương cho các doanh nghiệp đầu tư khu du lịch Kê Gà bị thiệt hại thua lỗ do lệnh ngưng xây dựng hồi năm 2007. Với câu hỏi chừng ấy tiền bồi thường có thỏa đáng không, ông Ngô Minh Chính nói :

"Nhà nước và đặc biệt Công ty Than- Khoáng sản là đơn vị đền bù cho các dự án du lịch đó. Nhưng trong cái thời gian dài thực sự mà nói cái đền bù đó chưa đáp ứng được những yêu cầu của các nhà đầu tư du lịch, bởi một lẽ người ta đang làm rồi lại dừng, dừng rồi giờ đền bù để người ta tổ chức lại thì đây là một việc cũng có những khó khăn nhất định. Cho nên Bình Thuận sẽ kiến nghị Công ty Than- Khoáng sản phải đền bù thích đáng cho các dự án này có điều kiện để tiếp tục phát triển".

Đối với một người hoạt động và viết sách du lịch bao năm nay, ông Nguyện Văn Mỹ, chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt, chuyên gia tư vấn du lịch CBT, thì thực tế nên tránh cường điệu thái quá khi gọi dự án du lịch Kê Gà là một Hawaii Việt Nam :

"Kê Gà là một địa danh gắn liền với một trong những hải đăng xưa và đẹp của Việt Nam. Vùng biển ở đó gọi là đẹp nhưng không phải là đẹp đến mức nổi trội hơn hẳn những vùng khác. Sau các vùng Mũi Né, Hòn Rơm thì Kê Gà mới là lựa chọn tiếp theo, để thấy rằng nó không phải là số một. Tôi đã đi khảo sát Kê Gà từ những năm mà chưa có điện, đường đi cực kỳ khó khăn vất vả, biển thì hoang sơ mà nói rằng nó là Hawaii của Việt Nam thì hơi quá. Có khá nhiều dự án ở biển đó, thậm chí nhiều dự án mình cứ tưởng không làm được nhưng họ đã cải tạo thành những bãi rất đẹp".

Về sự kiện những công trình xây dựng biệt thư cao cấp hay khu nghĩ dưỡng sang trọng ở Kê Gà bị gián đoạn trước qui hoạch cảng biển của chính phủ, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định :

"Đây là nhược điểm tôi cho là có thế cố hữu ở Việt Nam. Đó là thiếu sự qui hoạch đồng bộ và lâu dài. Nếu có qui hoạch cảng tổng hợp trước thì chắc chắn không ai đầu tư vào đây, kể cả Bình Thuận họ không bết họ mới cấp giấy phép, nhưng khi trung ương đùng một phát qui hoạch cảng biển tổng hợp mà chủ yếu là cho dự án vận chuyển Bauxite thì tỉnh phải chấp hành ngưng các dự án thôi. Đáng buồn là sau gần cả chục năm thì dự án không khả thi, thì ở đây là bộc lộ điểm yếu của nhà nước về quản lý nhà nước và về qui hoạch".

Vẫn theo lời ông, đó là sự thiệt thòi kinh tế cho các nhà đầu tư, và thiệt thòi thứ hai là tỉnh mất niềm tin :

"Sau thời gian đầu tư nửa chừng họ phải để nguyên, biển Bình Thuận thì gió như phang và nắng như rang, công trình xây dựng để phơi mưa nắng thì nó xuống cấp, bỏ hoang. Nhà nước có đền bù nhưng chắc chắn khó tương xứng với những thiệt hại như vậy. Thực tế là như thế, thiếu một sự ổn định về chính sách về qui hoạch. Tỉnh Bình Thuận chẳng làm gì được vì trung ương chỉ đạo như thế, tỉnh chỉ là cấp thưa hành thôi".

Đó là câu chuyện đằng sau những dự án du lịch gọi là tầm cỡ ở Kê Gà , nay là khu bỏ hoang sau khi bị ảnh hưởng bởi qui hoạch cảng biển của chính phủ hồi năm 2007. Xem ra giải pháp cho vấn đề vừa nêu hãy còn nằm ở phía trước.

Quay lại trang chủ
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)