Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/12/2018

Giải Nhân quyền 2018, Giải Lãnh đạo Cộng đồng 2018

Tổng hợp

Ba nhà hoạt động Việt được vinh danh nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế (VOA, 10/12/2018)

Ba nhà hoạt động ở Việt Nam vừa được vinh danh về "những đóng góp quan trọng" của họ cho nhân quyền tại một buổi lễ diễn ra hồi chiều ngày 9/12 ở thành phố Westminster, California.

giai1

Ba nhà hoạt động Việt Nam được vinh danh nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế ở Westminster, California, 9/12/2018

Đứng ra tổ chức buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền Quốc tế, cũng là Ngày Tù nhân Lương tâm Việt Nam, là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao Giải thưởng Nhân quyền 2018 cho ông Hoàng Đức Bình, bà Trần Thị Nga và bà Phạm Đoan Trang. Những người bạn bè của ba nhà hoạt động đã nhận giải thưởng thay mặt họ.

Ông Bình và bà Nga đang phải thụ án tù vì bị các tòa án của chính quyền khép vào các tội "chống người thi hành công vụ", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" và "tuyên truyền chống nhà nước".

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, bà Trang không thể rời Việt Nam, một mặt có thể do thương tật ở chân sau một lần bị đánh đập trong một cuộc biểu tình, và mặt khác là vì những rủi ro pháp lý có thể xảy ra nếu bà cố xuất cảnh. Tin cho hay, trong ít nhất hơn một năm tính đến nay, bà luôn trong tình trạng bị các nhân viên an ninh nhà nước theo dõi chặt chẽ.

Theo các trích đoạn video được chia sẻ trên Internet, trong đó có trang Facebook của Người Việt Online, các đại diện ban tổ chức long trọng tuyên bố rằng ba nhà hoạt động được vinh danh vì "sự hy sinh và đóng góp" của họ trong cuộc tranh đấu "bảo vệ công lý và quyền làm người" cũng như "bảo vệ người lao động và ngư dân" ở Việt Nam.

Việc ba nhà hoạt động được chọn để nhận giải thưởng đã được công bố trong một thông cáo báo chí của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hôm 30/11.

Theo thông cáo, kỹ sư Hoàng Đức Bình, 35 tuổi, là một nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường, và giúp dân khiếu kiện vụ Formosa gây thảm họa môi trường biển ở miền trung Việt Nam.

Các hoạt động gây nhiều tiếng vang nhất của ông diễn ra từ tháng 11/2015 cho đến khi ông bị công an Việt Nam bắt vào giữa tháng 5/2017. Đầu tháng 2 năm nay, một tòa án đã kết án ông 14 năm tù.

Vẫn theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, bà Trần Thị Nga, 41 tuổi, đã giúp đỡ những người lao động gặp nạn tại Đài Loan từ năm 2008-2010. Bên cạnh đó, bà cũng tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam và phản đối Formosa xả thải hủy diệt môi trường.

Vì các hoạt động đó, bà Nga bị công an bắt vào tháng 1/2017 và đến tháng 7 cùng năm bị kết án 9 năm tù.

Nhà báo và blogger Phạm Đoan Trang, 40 tuổi, thực hiện nhiều hoạt động vì tiến bộ xã hội từ năm 2011, theo thông cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.

Bà đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tham gia các cuộc vận động trong và ngoài nước cho nhân quyền ở Việt Nam, tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công quyền cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Bà cũng tham gia chiến dịch có tên "Cứu dân cứu biển" sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi năm 2016.

Cả hai bà Nga và Trang đều "bị công an đánh đập đến tàn tật", theo những cáo buộc của hai bà và nhiều nhà hoạt động khác.

Chia sẻ suy nghĩ của bà về việc được vinh danh với giải thưởng nhân quyền năm nay, bà Phạm Đoan Trang viết cho VOA qua email rằng trong khi bà "trân trọng cảm ơn" Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức của những người Việt hải ngoại "luôn ủng hộ và sát cánh" bên người Việt trong nước trong cuộc chiến đấu bền bỉ vì nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam, song bà "cũng không nén được cảm giác ngại và buồn".

Bà giải thích rằng bà có cảm xúc như vậy vì thực tế là hai trong ba người nhận giải nhân quyền 2018 hiện đang ngồi tù, hơn nữa, ngoài ông Bình và bà Nga ra, hàng trăm người khác cũng đang ngồi tù vì các tội do nhà nước công an trị khép, và "không được nhận giải thưởng nào, thậm chí không được ai biết đến".

Trong email gửi VOA, bà Trang bày tỏ rằng "cũng không ai trong chúng ta nên vui" vì theo bà khi một người Việt Nam được chúc mừng về một giải thưởng nhân quyền nào đó, "chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào", và thực tế đó "chẳng có gì đáng mừng".

Nhà hoạt động nữ nhấn mạnh là "cái thực tế ấy" cũng là lời nhắc nhở những người nhận giải và mọi người khác rằng "có rất, rất nhiều việc phải làm".

Bà cũng đưa ra quan điểm rằng giải pháp để tất cả tù nhân lương tâm đều được trả tự do và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa, không còn nạn nhân của bất công xã hội nữa chỉ có thể đạt được "với một thể chế mới, một chính quyền mới".

Vẫn trong email với VOA, bà Trang khẳng định "cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn" và bà cần "sự ủng hộ của tất cả những người đồng ý với tôi rằng Việt Nam phải thay đổi".

Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân Quyền Việt Nam đã được trao hàng năm cho tổng cộng tính đến nay là 42 cá nhân và 3 tổ chức có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải thưởng này còn là một cơ hội để người Việt hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những nhà hoạt động tại quê nhà.

giai2

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink hôm 10/12/2018 chia sẻ một video kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế

Cũng tại buổi lễ hôm 9/12 ở Westminster, California, Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn giáo Việt Nam cùng với Phong trào Yểm trợ Tự do Tôn giáo và Nhân quyền Việt Nam đã trao Giải Dân quyền cho 4 người Việt tham gia "ngày tổng biểu tình" 10/6/2018, ông Phạm Trần Anh, Chủ tịch của Hội cho VOA biết.

Những người nhận Giải Dân quyền gồm ông Hứa Hoàng Anh, bị đánh tử vong tại nhà và có cáo buộc rằng vụ này do công an ra tay ; 2 người bị đánh trọng thương là các ông Huỳnh Tấn Tuyên, Đinh văn Hải ; và ông Đoàn Huy Chương, Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, người bị bỏ tù 2 lần tổng cộng gần 10 năm tù.

Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam cũng gửi 50 phần quà Cây Mùa xuân Dân chủ tới những người bị xử án nặng nề sau cuộc biểu tình ngày 10/6, theo ông Phạm Trần Anh.

Trong một diễn biến liên quan đến việc kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế, 10/12, và cũng là 70 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink đã chia sẻ trên trang Facebook chính thức mang tên ông một video trong đó 21 đại sứ và phó đại sứ của các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Đại sứ Mỹ cho biết đây là một cách để "tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời" và ông kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội "cùng chia sẻ video này".

*********************

3 nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam nhận giải thưởng nhân quyền nhân ngày tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (RFA, 10/12/2018)

Nhân ngày Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 10/12/1948, vào ngày Chủ nhật, 9/12/2018, Mạng Lưới Nhân quyền Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng nhân quyền 2018 cho ba nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam là anh Hoàng Đức Bình, bà Trần Thị Nga và nhà báo Phạm Đoan Trang.

giai3

Lễ trao giải nhân quyền 2018 của Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam ở thành phố Westminster, California hôm 9/12/2018 - Photo : RFA

Cả ba người đều không thể đến nhận giải thưởng ở thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ. Anh Hoàng Đức Bình và bà Trần Thị Nga đang phải chịu án tù 14 năm và 9 năm với các cáo buộc là "chống người thi hành công vụ", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’, và "tuyên truyền chống nhà nước" theo các điều 257, 258 và 88 Bộ Luật Hình sự. Trong khi đó, nhà báo Phạm Đoan Trang luôn bị an ninh trong nước giám sát chặt chẽ.

Cả ba nhà hoạt động đều là những người tích cực tham gia vào các hoạt động ôn hòa bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, nông dân mất đất, và phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông.

Ngoài ra, vào ngày 7/12, tổ chức Việt Tân tại Mỹ cũng công bố việc trao giải nhân quyền Lê Đình Lượng cho bà Trần Thị Nga. Đây là người đầu tiên nhận giải thưởng này của Việt Tân kể từ khi giải thưởng được ra mắt vào tháng trước.

Nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng vừa bị chính quyền Việt Nam hồi tháng 8 năm nay kết án tù 20 năm với cáo buộc tội lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ. Đây được coi là án tù cao nhất mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, nhân ngày Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài viết được đăng tải trên các báo nhà nước khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy quyền của mọi người dân, cam kết ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ.

Nhà báo Phạm Đoan Trang trong video phát biểu tại buổi lễ trao giải nhân quyền hôm 9/12 nói rằng hiện vẫn còn rất nhiều nhà hoạt động đang bị cầm tù tại Việt Nam và có nhiều người ngày càng phải chịu những án tù nặng nề.

Theo Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam, hiện Việt Nam còn giam giữ khoảng 200 tù nhân lương tâm.

******************

Hai thanh niên gốc Việt nhận giải thưởng ở Canada và Úc (VOA, 10/12/2018)

Hai thanh niên gốc Việt, một tại Cananda và một tại Australia, vừa nhận được giải thưởng cao quí vì các cống hiến cho cộng đồng, và tích cực tham gia phong trào giới trẻ vì nhân quyền.

giai4

Paul Nguyễn nhận giải thưởng Lãnh đạo Cộng đồng năm 2018 do Thủ tướng Canada ký tặng.

Từ lãnh đạo cộng đồng...

Vào ngày 5/12, tại thủ đô Ottawa của Canada, Bộ trưởng Bộ Việc làm và Phát triển Xã hội, ông Jean-Yves Duclos đã trao Giải thưởng Tình nguyện viên Canada do Thủ tướng Canada Justin Trudeau ký thưởng cho anh Paul Nguyễn, biểu dương tinh thần làm việc tình nguyện trên 10 năm qua của anh, với tư cách là một nhà hoạt động cộng đồng qua những đóng góp to lớn của mình.

Paul Nguyễn, nhà hoạt động cộng đồng và sáng lập viên trang Jane-Finch.com, chia sẻ với VOA :

"Tôi được vinh danh nhưng giải thưởng không phải chỉ cho bản thân tôi, mà cho cả cộng đồng vùng Jane và Finch mà trong đó tôi làm đại diện cho cộng đồng người gốc Việt. Điều này cho thấy chính phủ rất quan tâm tới các sinh hoạt cộng đồng của chúng tôi".

Anh Paul cho biết, Giải thưởng Tình nguyện viên Canada là giải thưởng cao quý nhất dành cho những người làm công tác tình nguyện viên. Ngoài bằng khen, anh Paul Nguyễn còn được thưởng số tiền 5 ngàn đôla Canada, và anh đã quyết định tặng toàn bộ số tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận trong cộng đồng.

Năm 2010, anh Paul cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Đa Văn hóa Paul Yuzyk từ chính phủ Canada với số tiền thưởng là 20.000 đôla Canada.

Vào năm 2004, anh Paul khởi tạo trang web Jane-finch.com, nhằm cho thế giới biết sự thật về khu phố có sự tranh cãi này. Anh Paul nói : "Đây là một ý tưởng táo bạo của tôi. Thoạt đầu, tôi tải lên web một số đoạn nhạc rap bằng tiếng Việt, nhưng không ngờ lại nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng khắp nơi, mà tại thời điểm đó YouTube chưa phổ biến".

Anh Paul sinh năm 1980, một năm sau khi cha mẹ của anh đến Canada tị nạn. Anh kể : "Tôi lớn lên là một đứa trẻ rất nhút nhát, hầu như sống nội tâm, tôi thường không biết làm thế nào để thể hiện bản thân". Nhưng khi lên 10, với sự ủng hộ của gia đình, anh đã tham gia công tác tình nguyện đầu tiên trong đời, làm tuần tra an ninh cho trường học.

...tới sống vì tha nhân

Tại Sydney, Australia hôm 10/12, chị Trần Kiều Ngọc, một luật sư gốc Việt, đồng thời là Chủ tịch Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, đã được Liên Hội Vì Hòa Bình Thế Giới (UPF) trao giải thưởng Sống Vì Tha Nhân (Living For Others).

giai5

Giải thưởng của chị Trần Kiều Ngọc. Photo Facebook Hoang Van Nguyen

Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc là một trong 5 người nhận giải "Sống Vì Tha Nhân" của UPF vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12, theo một thông báo của Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền.

Cũng theo thông báo này, chị Kiều Ngọc còn được đề cử giải Đại Sứ Hòa Bình - UPF (UPF Ambassador For Peace).

Chị Kiều Ngọc từng lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình ở Australia, Châu Âu chống sự bá quyền của Trung Quốc và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Trong một clip trên trang Human Rights Youth, chị Kiều Ngọc nói: "Qua những sinh hoạt của phong trào, giới trẻ sẽ không còn thờ ơ trước những khổ đau của đồng loại, thay đổi não trạng của thanh thiếu niên về lý tưởng cần nhắm tới trong cuộc đời, và làm dấy lên những phong trào đấu tranh, sát cánh với cộng động, nhằm khôi phục quyền làm người".

Sinh năm 1980 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chị Trần Kiều Ngọc, đến Australia định cư khi 7 tuổi, từng là Hội trưởng của Hội Sinh viên Học sinh Việt Nam tại Đại học Adelaide.

Tháng 5/ 2016, chị Kiều Ngọc kêu gọi một số các bạn trẻ thành lập Phong trào Giới trẻ Vì Nhân quyền và chị giữ giai trò chủ tịch của tổ chức này.

An Hải

Quay lại trang chủ
Read 429 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)