Người dân tố cáo đất Cồn Dầu bị Tập đoàn Sun Group ‘phân lô, bán nền’ (RFA, 19/12/2018)
Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân nơi có xóm đạo Cồn Dầu tọa lạc ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng từ nhiều năm qua trở thành "điểm nóng " về vấn đề đất đai.
Hình ảnh cưỡng chế các hộ dân ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 15/11/2018 - Photo : RFA
Hầu hết các hộ dân ở đây tố cáo chính quyền địa phương trên danh nghĩa là lấy đất dân để phục vụ cho việc xây dựng dự án mang tên ‘Khu Đô Thị Sinh Thái’ nhưng thực chất là giao cho nhà đầu tư- Tập Đoàn Sun Group, phân lô bán nền…
Mặc dù dự án đã triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành bởi tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư. Nhiều hộ dân ở đây, đặc biệt là những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực nhà thờ Cồn Dầu không chấp nhận việc giao đất, không di dời đến nơi ở mới và tiến hành khiếu kiện ra Trung ương. Lý do được nói rõ gồm áp giá đền bù quá thấp, dự án đang bị nhà tư Sun Group phân lô bán nền, bố trí nơi định cư xa nơi thực hành tín ngưỡng…Tuy nhiên, chính quyền thành phố từ thời ông nguyên bí thư Nguyễn Bá Thanh cho đến nay áp dụng biện pháp cưỡng chế bất chấp mọi khiếu nại.
"Nguyên gia đình tôi trước đây có 4.700 m2 đất thổ cư lẫn đất nông nghiệp. Nhưng nay, đất của gia đình tôi đã hiến 3.800m2 đất nông nghiệp rồi, giờ gia đình tôi còn lại 900m2 thổ cư, tôi cắt ra cho con cái ở là ba lô, số đất còn lại Nhà nước giao cho tôi được hai lô gồm một lô 10m5 và một lô 7m5. Vì vậy gia đình chúng tôi không đồng ý, nên sinh ra việc chính quyền cưỡng chế đất nhà tôi".
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Bông, một hộ dân sinh sống gần nhà thờ Cồn Dầu. Vào ngày 15/11/2018 vừa qua, hộ gia đình ông Bông và hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hải cùng ở tổ 21, phường Hòa Xuân bị UBND quận Cẩm Lệ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.
Vợ của ông Bông thuật lại :
"Trước ngày đưa giấy cưỡng chế, dùng quyền áp lực, đưa quân đưa công an đêm ngày tới gia đình chúng tôi. Có lúc 8h tối, thấy các anh công an tới hỏi thăm, tôi mới ra nói chớ các anh đi đâu mà tới đây ? Họ nói đi thăm dân, tôi nói đi thăm dân gì mà trong đêm hôm mà ban ngày không đi thăm. Các anh nói đi thăm dân thôi chứ không nói gì hết, rồi đứng quanh quanh đó, rồi đi ra đi vào, rồi tới buổi hôm sau cũng tới lại. Ngày 15/11/2018, họ lại tới áp lực gia đình chúng tôi để đọc lệnh cưỡng chế".
Vụ cưỡng chế được vợ ông Bông cho biết diễn ra mà gia đình không hề nhận được quyết định cưỡng chế. Theo lời bà này thì lực lượng lên đến cả ngàn người gồm cả cảnh sát cơ động, cả công an… Gia đình bà có 8 người bị bắt đưa về đồn, bản thân bà này đã 68 tuổi do phản kháng nên bị bấm huyệt, lôi kéo đi mà theo lời bà là lôi đi như một con vật.
Tại nơi tạm giữ, một số viên công an đã làm những hành động không thể chấp nhận như lời bà vợ ông Bông.
"Con tôi lên tới phường, khi xin đi vệ sinh thì có ba người công an vào trấn áp con tôi trong phòng vệ sinh, lột đồ con tôi ra để lấy điện thoại. Sau đó khoảng 20 phút thì lại áp tải con tôi, kẻ thì kẹp cổ người thì dùng sức mạnh để đè con tôi xuống để lấy thêm điện thoại. Làm những điều ô nhục như vậy, tôi thấy quá mức đi".
Cũng trong ngày 15/11/2018, UBND quận Cẩm Lệ còn thực hiện quyết định cưỡng chế đối với 03 hộ gia đình khác cùng cư trú tại phường Hòa Xuân. Tuy nhiên, việc cưỡng chế sau đó không diễn ra vì 03 hộ gia đình này chấp nhận việc giao đất, có hộ nói với chúng tôi là do họ sợ quá.
Theo các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Cẩm Lệ nói riêng thì địa bàn phường Hòa Xuân trước đây là vùng trũng thường hay bị ngập lụt vào mùa mưa, đời sống người dân khó khăn. Việc chính quyền Đà Nẵng phê duyệt cho xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, đã có trên 95% hộ dân đồng ý giao đất, di dời đến nơi ở mới và số hộ chậm hoặc không chấp nhận giao đất để phục vụ việc xây dựng Dự án chỉ còn khoảng dưới 100 hộ. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, có rất nhiều buổi đối thoại với các hộ dân này được lãnh đạo các cấp ở Đà Nẵng tổ chức nhưng kết quả hầu như không đem lại sự đồng thuận.
Các hộ dân này cho rằng, chính quyền lấy đất dân để giao cho nhà đầu tư Sun Group phân lô bán nền, phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư. Cụ thể việc áp giá đền bù chỉ khoảng mấy trăm ngàn đồng/m2 đất, trong khi giá bán ra thị trường hiện tại được nhà đầu tư rao từ hai chục triệu cho đến ba chục triệu đồng/m2 đất, chênh lệch giá quá lớn khiến cho các hộ dân thấy hết sức khó khăn nếu chuyển đổi nơi ở mới. Ông Bông nói :
"Lấy đất gia đình tôi, đưa ra giá đền bù là ba trăm năm mươi ngàn đồng (350.000VND)/m2 nhưng lại đem ra phân lô bán nền trị giá ba mươi mấy triệu/m2 khiến cho gia đình chúng tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất".
Không chỉ hộ gia đình ông Bông mà nhiều hộ dân ở khác ở Cồn Dầu khi tiếp xúc với chúng tôi cũng chia sẻ tương tự.
Mái nhà thờ Cồn Dầu, Đà Nẵng Photo : RFA
Thực tế mà chúng tôi ghi nhận được là có nhiều lán trại khi vừa qua khỏi cầu Hòa Xuân là đến những cung đường dẫn vào Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Đó là trụ sở của Công ty bất động sản Sunland, một thành viên của Tập đoàn Sun Group dựng lên để làm địa điểm giao dịch bất động sản. Hiện tại Sunland đang rao bán những lô đất nền nằm trong Dự án này với giá từ trên hai tỷ đồng cho đến trên bốn tỷ đồng, thậm chí có lô đất nền được rao bán với giá trên năm tỷ đồng. Với giá rao bán đất nền như thế này thì những hộ gia đình như hộ gia đình ông Bông khó có khả năng mua lại được một suất tái định cư tại chổ.
Đà Nẵng là một trong những thành phố lớn của Việt Nam, việc chính quyền các cấp ở đây chủ trương cho xây dựng và phát triển những dự án Khu đô thị sinh thái như dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân để đảm bảo sự cân bằng giữa mật độ xây dựng và thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân được đồng ý. Người dân ở phường Hòa Xuân hoàn toàn hưởng ứng chủ trương nhưng với điều kiện dự án phải hài hòa lợi ích của người dân, không bị lạm dụng để phân lô bán nền, làm lợi cho nhà đầu tư tư nhân thôi.
Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân có tổng diện tích là 450ha do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại ngã ba sông Hàn, sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò, nằm trong chiến lược quy hoạch phát triển đô thị về phía Nam của thành phố Đà Nẵng. Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án vào năm 2008.
***********************
Người Việt Nam bị cáo buộc trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh khai là nạn nhân buôn người (RFA, 19/12/2018)
Một thanh niên Việt Nam 23 tuổi, bị nghi vấn tham gia hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh, khai trước Toà án Cấp Cao rằng anh ta là nạn nhân của bọn buôn người.
Tòa án Cấp cao Belfast mở phiên tòa xét xử thanh niên Việt Nam bị cáo buộc trồng cần sa bất hợp pháp. Courtesy : Ảnh chụp màn hình belfastdaily.co.uk
Mạng báo Belfast Telegraph, vào ngày 18 tháng 12 loan tin vừa nêu, dẫn lời của công tố viên Tòa Cấp Cao cho biết bị cáo sinh sống và làm việc tại một nhà kho ở đường Glen Road, Comber, Co Down, nơi bị phát hiện trồng 1200 cây cần sa, trị giá lên đến 600 ngàn Bảng Anh hồi tháng 12 năm ngoái.
Cảnh sát Anh nói rằng vụ bắt giữ này là vụ bắt giữ lớn nhất trong những năm vừa qua, và họ tin rằng còn có những nơi khác trồng cần sa liên quan mà chưa bị phát hiện.
Luật sư Mark Farrell nói tại phiên tòa rằng bị cáo thanh niên Việt Nam được những người khác đưa đến nơi trồng cần sa, và được hướng dẫn để làm công việc này.
Bị cáo thanh niên Việt Nam khai nhận trong một cuộc thẩm vấn rằng anh ta rời Việt Nam và đến nước Anh bất hợp pháp. Anh ta vào Anh trên một chiếc xe tải và sau đó được đưa bằng máy bay đến Bắc Ái Nhĩ Lan.
Bị cáo thanh niên Việt Nam khai báo còn những người Việt Nam khác và những người đến từ Đông Âu liên quan trong đường dây trồng cần sa. Danh tính người thanh niên Việt Nam này không được nêu ra vì quan ngại sẽ bị hãm hại bởi những thành phần kiểm soát.
Mặc dù cảnh sát còn nghi ngờ về lời khai nhận của bị cáo thanh niên Việt Nam, nhưng Bộ Nội Vụ Anh cho rằng có thể có căn cứ chứng minh anh ta là nạn nhân của bọn buôn người.
Tổ chức chống nạn buôn người và nô lệ kiểu mới PSNI sẽ phỏng vấn bị cáo thanh niên gốc Việt này vào tháng tới để xem xét tính xác thực của những lời khai báo của anh ta.
Thẩm phán Maguire tuyên bố cần có một "thủ tục phù hợp " để xử lý vụ án vừa nêu.
*******************
Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí bị bắt (RFA, 18/12/2018)
Cơ quan Điều Tra - Bộ Công an Việt Nam vừa có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP).
Ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP.) Courtesy of pvdrilling.com.vn
Truyền thông trong nước loan tin hôm 18/12 cho biết việc bắt ông Đỗ Văn Khạnh nhằm điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Đại Dương (OceanBank.)
Theo đó, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí bị cáo buộc tội ‘Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến số tiền 4 tỷ đồng mà PVEP nhận chi lãi ngoài từ OceanBank.
Trước đó vào ngày 3/12, Bộ Công an đã khởi tố bị can ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị OceanBank và hai cấp dưới là bà Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng giám đốc, và bà Vũ Thị Thùy Dương, nguyên Giám đốc khối kế toán. Báo trong nước cho hay từ năm 2010 đến 2013, 3 bị cáo đã cấu kết, lập các hợp đồng khống chi lãi ngoài cho khách tổng cộng hơn 133 tỷ đồng, dẫn đến không còn nguồn tiền hoàn ứng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra vào hôm 10/12 cũng đã bắt tạm giam ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (tên mới của Vinashin) liên quan đến việc. Hai người này bị cáo buộc tội ‘Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ OceanBank.
Đại án OceanBank gây xôn xao trong dư luận vì các lãnh đạo của công ty này đã cấu kết với các cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí quốc gia làm thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng.
Vào tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) bị án tử hình và ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank bị án tù chung thân.
Tính đến nay quan chức cao cấp nhất của ngành dầu khí bị án tù là Ông Đinh La Thăng. Ông này là nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, cũng đã bị tuyên tổng cộng 30 năm tù giam và bị buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng trong vụ án Oceanbank và 30 tỷ đồng trong vụ án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
********************
Bí ẩn những tài sản triệu đô của doanh nhân trẻ ở Việt Nam (Người Việt, 19/12/2018)
Sự xuất hiện các "doanh nhân trẻ" sinh năm 199x mạnh tay chi tiền tỷ để thâu tóm cổ phần của những "ông lớn" ngân hàng, bất động sản ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã khiến dư luận tò mò và nghi ngờ.
Tòa lâu đài TajmaSago của Khải Silk giờ do doanh nhân trẻ Đặng Thị Bảo Phương (24 tuổi) quản lý. (Hình : Lao Động)
Theo báo Lao Động ngày 19 Tháng Mười Hai, 2018, mới đây Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) thông báo, ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp (24 tuổi) đã chi 66 tỷ đồng để sở hữu gần 6,6 triệu cổ phần, tương đương vốn sở hữu hiện tại của "ông trùm" ngân hàng Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).
Ông Hiệp là chủ sở hữu và là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty có cùng tên Phú Trì, đều có địa chỉ tại số 2 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Sài Gòn.
Tương tự, Khách sạn TajmaSago và Nhà hàng Cham Charm, hai bất động sản nổi tiếng và tâm huyết trị giá tỷ đô của doanh nhân Hoàng Khải- Tập đoàn Khaisilk đã chính thức về tay Công ty trách nhiệm hữu hạn Chloe Hospitality, mà người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc là cô Đặng Thị Bảo Phương mới 24 tuổi.
Điều bất ngờ là công ty kinh doanh bất động sản này mới bắt đầu hoạt động từ ngày 9 Tháng Sáu, 2018, tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, thành phố Sài Gòn.
Bên cạnh hai "doanh nhân trẻ " ở Sài Gòn mới trỗi dậy nêu trên, mới đây Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) thông báo gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB có giá trị lên tới hơn 1.700 tỷ đồng đã được "sang tay " từ công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý đầu tư Tín Tâm cho cá nhân anh Nguyễn Mạnh Cường (23 tuổi, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Doanh nhân Nguyễn Mạnh Cường mới 23 tuổi đã nắm gần 34,5 triệu cổ phiếu Ngân Hàng VPB. (Hình : VnEconomy)
Trước đó nữa, hồi Tháng Sáu, 2018, Tổng Công ty cổ phần Xây Dựng Điện Việt Nam – Vneco (VNE) cho biết, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn nắm giữ từ Công ty cổ phần Du Lịch Xanh Huế, đơn vị đang sở hữu Khách sạn Xanh Huế, tiêu chuẩn 4 sao.
Cụ thể, VnEconomy đã chuyển toàn bộ 20,77 triệu cổ phiếu (tương đương 99,86% vốn) tại Công ty cổ phần Du lịch Xanh Huế cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Khách Sạn Silk Path và hai cá nhân khác là bà Bùi Tú Phương và ông Tạ Đàm Hưng thu về gần 280 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Khách sạn Silk Path nhận 20,384 triệu cổ phiếu, bà Phương nhận 208.000 cổ phiếu, ông Hưng 178.000 cổ phiếu. Nữ doanh nhân Bùi Tú Phương (26 tuổi) đã chi ra 277 tỷ đồng để thâu tóm quyền điều hành khách sạn lớn nhất Thừa Thiên- Huế này và là người đại diện pháp luật của Công ty Khách sạn Silk Path – một doanh nghiệp quản lý chuỗi khách sạn Silk Path 4-5 sao, trãi dài từ Hà Nội cho tới Sapa và Huế. (Tr.N)
*******************
Trục xuất người tị nạn ‘gây tổn hại lòng tin’ Việt – Mỹ (VOA, 19/12/2018)
Một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói ông đồng tình với ý kiến cho rằng các vụ trục xuất người tị nạn gốc Việt khỏi Mỹ là điều "đáng khinh", "gây tổn hại lòng tin" giữa hai quốc gia.
Ông Ted Osius nói với VOA Việt Ngữ như vậy hôm 18/12, ít ngày sau khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng "5 nghìn người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ, không phải là công dân Hoa Kỳ, đã nhận được quyết định cuối cùng là bị trục xuất".
Cựu quan chức ngoại giao có nhiều duyên nợ với Việt Nam nói ông "vẫn tin rằng người dân Mỹ không ủng hộ việc trục xuất những người tị nạn từng chiến đấu cạnh các binh sĩ Mỹ trong những năm 60 và 70 ở Việt Nam, cũng như con cái của các binh sĩ Mỹ".
"Cựu Ngoại trưởng Mỹ] John Kerry đã gọi chính sách trục xuất mới này là điều 'đáng khinh', và tôi đồng tình", ông nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA Việt Ngữ, ngoài việc dùng từ "đáng khinh", ông Kerry còn viết thêm trên Twitter : "Sau khi quá nhiều người, từ ông George H.W.Bush tới ông John McCain và ông Bill Clinton, đã nhiều năm nỗ lực hàn gắn vết thương và để chiến tranh ở phía sau chúng ta, họ [chính quyền của ông Trump] đang quay lưng với những người bỏ chạy [khỏi Việt Nam] và nhiều người từng chiến đấu cạnh chúng ta. Để được lợi lộc gì ?".
Khi được hỏi rằng theo những gì ông biết, Việt Nam có sẵn lòng nhận lại những người bị trục xuất hay không, ông Osius trả lời rằng phía Hà Nội "đã nhận một số ít người tị nạn tới Mỹ trước năm 1995".
Ông nói tiếp : "26 thành viên Quốc hội đã viết thư gửi Tổng thống [Donald Trump], Ngoại trưởng [Mike Pompeo] và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa [Kirstjen Nielsen] để yêu cầu chính quyền 'tôn trọng tinh thần nhân đạo và mục đích' của thỏa thuận 2008. Thỏa thuận, do chính quyền của Tổng thống George W. Bush thương thảo và được chính quyền của ông Obama ủng hộ, không lường trước chuyện trục xuất người tị nạn tới Mỹ trước năm 1995".
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 "không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao".
Trong bức thư đề ngày 13/12, hơn hai chục nhà lập pháp, trong đó có nữ dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Hoa Kỳ, bà Stephanie Murphy, đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc " về việc Bộ An ninh Nội địa Mỹ có ý định tái đàm phán các điều khoản của bản ghi nhớ này.
"Kể cả những ai tới Mỹ sau ngày 12/7/1995, thỏa thuận cam kết xem xét khía cạnh nhân đạo, sự thống nhất gia đình và các hoàn cảnh", lá thư có đoạn.
"Sau khi tới Mỹ, những người tị nạn Việt Nam, nhiều người là trẻ em hoặc thiếu niên, đã được tái định cư trong các khu vực chật vật sống còn mà không có sự hỗ trợ hoặc các nguồn lực để đối mặt với chấn thương tâm lý vì chiến tranh".
Các dân biểu Mỹ viết tiếp rằng "chính vì lẽ đó, một số đã phạm sai lầm, đẩy họ phạm pháp", nhưng "những người tị nạn này đã thụ án xong và giờ đang đóng góp tích cực vào các cộng đồng của mình".
VOA Việt Ngữ đã liên lạc, đề nghị phỏng vấn đại diện của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Trả lời tạp chí The Atlantic, người phát ngôn của Bộ này, bà Katie Waldman, nói rằng "5 nghìn người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ" là "những người không phải là công dân [Hoa Kỳ], đã bị bắt, bị kết án dưới các chính quyền trước và cuối cùng đã bị một thẩm phán di trú liên bang ra phán quyết phải bị trục xuất".
Khi được hỏi về tác động của bước đi này đối với mối bang giao giữa Hà Nội và Washington, cựu Đại sứ Ted Osius nói : "Mối quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ, vốn mang lại lợi ích cho cả hai nước, đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Động thái này của chính quyền [của ông Trump] sẽ gây tổn hại lòng tin mà chúng tôi đã dày công gây dựng với Việt Nam".
Việt Nam chưa liên tiếng trước diễn biến mới nhất trên, nhưng Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà từng nói với VOA tiếng Việt rằng các cuộc thương thảo về trục xuất được thực hiện "trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".
Mới cuối tháng trước, ông Osius nói rằng ông "rất vui " sau khi có tin chính quyền của Tổng thống Trump "âm thầm ngưng trục xuất" những người tị nạn Việt Nam tới Hoa Kỳ trước năm 1995".
Viễn Đông
******************
Trộm hàng hiệu Uniqlo ở Singapore, 4 người Việt bị tuyên án tù (VOA, 19/12/2018)
Bốn người mang quốc tịch Việt Nam vừa bị tống giam sau khi bị bắt về tội ăn cắp quần áo thời trang từ nhiều cửa hàng tại nhiều trung tâm mua sắm ở Singapore, giá trị ước lượng lên tới 45.000 SGD, tương đương với 32.000 USD. Tòa án Singapore cho biết những người Việt này đã lên kế hoạch tới Singapore để đánh cắp hàng hiệu bởi vì họ không cần thị thực để đi du lịch ở đây. Hiện tượng người Việt ăn cắp hàng hiệu ở nước ngoài, đặc biệt ở Nhật Bản, phổ biến trong thời gian qua, đã gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.
Tang vật của vụ trộm. (Hình : Screenshot từ channelnewsasia.com/Fann Sim)
Tòa án Singapore tuyên án tù đối với 4 người có quốc tịch Việt Nam hôm 17/12, theo trang mạng Channel News Asia. Nguồn tin này cho biết hai người đàn ông và hai phụ nữ đã tới Singapore vào ngày 13/9 năm nay. Họ đã chọn điểm đến Singapore một cách có chủ ý bởi vì họ không cần có thị thực nhập cảnh để du lịch tại đây.
Tin tổng hợp nêu tên các bị cáo gồm Van Tu Nguyen (30 tuổi), DuongTuan Dat, 27 tuổi, và Nguyễn Thi Thu Huong, 31 tuổi, mỗi người lãnh mức án 1 năm 11 tháng tù. Án tù dành cho bị cáo thứ tư, Tran Thi Phuong Thao, 29 tuổi, là 1 năm 10 tháng.
Trang mạng independent.sg nhận diện Nguyen Thi Thu Huong là người cầm đầu nhóm trộm có tính cách khá "chuyên nghiệp" này. Nguồn tin dẫn lời Công tố viên Shana Poon cho biết 4 người đã tới Singapore với nhiều vali trống để mang hàng lấy trộm về nước. Khi vào các cửa hàng, họ "trang bị" sẵn những túi đặc biệt có trải lớp nhôm bên trong để tránh kích hoạt báo động khi bước ra khỏi cửa hàng. Họ mang theo cả đồ nghề để tháo gỡ nhãn cảm biến an ninh, nếu có.
Những sản phẩm bị lấy cắp gồm hàng trăm áo nịt ngực và quần áo ấm để mặc mùa đông.
Tang vật gồm gần 1,400 mảnh quần áo khác nhau, 4 kẻ cắp chủ ý chọn hiệu thời trang Uniqlo của Nhật, vì biết hãng này ít khi gắn nhãn cảm biến an ninh trên sản phẩm của mình.
Trang mạng independent của Singapore còn tiết lộ rằng nhóm trộm này làm việc một cách "có phương pháp". Một người bước ra khỏi cửa tiệm sẽ chuyển hàng sang tay một thành viên khác. Nhóm trộm bị bắt hôm 16/9 tại khách sạn Re dọc theo đường Chin Swee.
Trong nhiều năm qua, hiện tượng người Việt Nam ăn cắp ở các siêu thị nước ngoài, nhất là ở Nhật Bản, khả phổ biến. Du học sinh, nhân viên Hãng Hàng Không Việt Nam, đôi khi cả các cán bộ sang Nhật Bản dự hội thảo, cũng bị "bắt quả tang" khi ra khỏi cửa hàng với những món hàng "cầm nhầm" hoặc "quên" thanh toán.
Năm ngoái, một viên chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam sang Nhật Bản dự hội thảo đã được "mời đến làm việc tại cơ quan cảnh sát do gặp sự cố khi đi mua sắm".
Tin này và nhiều tin khác đã gây phẫn nộ trên mạng. Có người than phiền về "Bệnh Cầm Nhầm kinh niên" và "Bệnh Lãng Trí" của người Việt Nam bây giờ "quá nghiêm trọng và phổ biến". Nhiều người cho rằng hành động này "làm nhục quốc thể".