Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/12/2018

Ngư lôi "lạ, Yêu sách 8 điểm, thương mại Hàn-Việt, nhập xăng dầu

RFA tiếng Việt

Phát hiện quả ngư lôi có chữ Trung Quốc tại Phú Yên (RFA, 19/12/2018)

Một thiết bị lặn mang dạng ngư lôi có chữ Trung Quốc mắc lưới ngư dân cách bờ biển chừng 4 hải lý tại vùng biển xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, miền Trung Việt Nam.

nguloi1

Quả ngư lôi có chữ Trung Quốc phát hiện tại biển Phú Yên Courtesy of Vietnamnet

Truyền thông trong nước loan tin cho biết vào sáng 18/12, ngư dân Trần Minh Thanh, ngụ ở thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã phát hiện một ‘vật thể lạ’ giống như quả ngư lôi hình trụ tròn và dài trong lúc đánh bắt hải sản gần bờ.

Ngư dân này đã mang ‘vật thể lạ’ nói trên vào khu vực lao Mái Nhà, cách bờ biển Phước Đồng 1,2 hải lý và trình báo cơ quan chức năng.

Lực lượng Đồn Biên phòng An Hải sau đó có mặt tại hiện trường và đưa quả ngư lôi vào bờ an toàn.

Quả ngư lôi được mô tả có đường kính hơn nửa mét, dài gần 7 mét, có hai màu cam và đen. Một số bộ phận trên bề mặt vật thể có khắc 2 chữ Trung Quốc dịch ra Tiếng Việt là "Kết nối" và "Ngắt máy".

Cơ quan chức năng cho biết đang làm thủ tục bàn giao quả ngư lôi này cho phía Hải quân Việt Nam.

***********************

Người dân đưa Bản Yêu Sách 8 điểm đòi quyền căn bản (RFA, 19/12/2018)

100 tổ chức, cá nhân Việt Nam khởi xướng Bản Yêu sách tám điểm 2019 đòi các quyền tự do căn bản cho người dân trong nước.

nguloi2

Hình minh họa. Người dân biểu tình ở TP Hồ Chí Minh phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu hôm 10/6/2018 - AFP

Sáng ngày 19/12/2018, Bản Yêu Sách được công bố trên mạng xã hội Facebook. Bản Yêu sách tám điểm 2019 tương tự như Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam gửi tới chính quyền Pháp tại hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919.

Bản Yêu sách được Giáo sư Hoàng Dũng đăng tải, nhận định rằng hiện nay dưới sự cai trị của đảng Cộng sản các quyền căn bản đã được thể hiện trong Hiếp pháp và các hiệp tước Việt Nam tham gia, tuy nhiên "thực tế đã không được thực thi hoặc bị bóp méo, bị hạn chế tối đa khi thi hành, thậm chí thi hành trái ngược".

Tám điểm trong Bản Yêu sách được nêu ra cụ thể như sau : Thứ nhất là trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ; Cải cách căn bản nền pháp lý ; Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận ; Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp.

Ngoài ra, nhà nước còn phải đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về ; Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hoá trường học ; Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với hiến pháp. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế "đảng cử dân bầu".

nguloi3

Bản yêu sách 8 điểm 2019 của người dân Việt Nam Courtesy FB

Những người ký tên khởi xướng Bản Yêu sách bày tỏ tin tưởng rằng, việc Nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu Sách Tám Điểm về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa nước Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, và nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang.

Các tổ chức khởi xướng Bản Yêu sách bao gồm : Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, Bauxite Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Diễn đàn Xã hội Dân sự v.v… Đây là những tổ chức dân sự độc lập không được chính quyền Việt Nam công nhận.

Bản Yêu sách 2019 cũng được những người khởi xướng kêu gọi người dân ký tên và "gây sức ép để buộc chính quyền ban hành và thực thi các luật đảm bảo những quyền hiến định, nghiêm trị bất kỳ ai hay tổ chức nào cản trở việc công dân Việt Nam thực hiện những quyền thiêng liêng đó của mình".

Những người khởi xướng Bản Yêu Sách còn đề nghị Liên Hiệp Quốc và các nước đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.

*******************

Kim ngạch thương mại Hàn Quốc - Việt Nam tăng 7% tính đến tháng 11 năm 2018 (RFA, 19/12/2018)

Kim ngạch thương mại song phương Hàn-Việt tính đến hết tháng 11 năm nay tăng 7% so với năm 2017.

Yonhap trích thông tin từ Bộ Thương mại Hàn Quốc loan tin vừa nêu hôm 19/12.

nguloi4

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phó Thủ tướng Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự Lễ Động thổ xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội vào ngày 22 tháng 3 năm 2018. AFP

Kim ngạch thương mại song phương Việt - Hàn đã đạt 62,6 tỷ USD tính tới hết tháng 11, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 44,5 tỷ USD, nhập khẩu tăng 22% lên 18,1 tỷ USD, do nhu cầu màn hình và linh kiện điện tử sản xuất ở các nhà máy của Hàn Quốc ở Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hàn Quốc vào năm 2014, nhưng đã trở thành đối tác lớn thứ tư kể từ khi hiệp định thương mại song phương có hiệu lực vào tháng 12 năm 2015.

Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng đầu tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 2,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm 2017.

Ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc, trong đó có Công ty Điện tử Samsung, đã xây dựng nhà máy ở Việt Nam để lắp ráp các sản phẩm công nghệ tiên tiến, trong đó thiết bị bán dẫn, màn hình và điện thoại di động.

***************************

Việt Nam nhập hơn 7,2 tỷ USD xăng dầu (RFA, 19/12/2018)

Khối lượng xăng dầu nhập về Việt Nam trong 11 tháng qua tổng cộng trên 10,7 triệu tấn, trị giá tương đương 7,2 tỷ USD. Truyền thông trong nước đưa tin.

nguloi5

Một trạm bán xăng dầu ở Hà Nội. AFP

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 11 Việt Nam nhập 752 nghìn tấn xăng dầu, tăng 13% về số lượng và tăng 5% về kim ngạch so với tháng trước.

Malaysia tiếp tục là thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho Việt Nam với hơn 3,12 triệu tấn, tương đương 1,97 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc với 2,3 triệu tấn, Singapore 2,2 triệu tấn. Trung Quốc 1,33 triệu tấn. Còn lại là các nước Thái Lan, Nga và Hong Kong.

Tuy Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ tư về nguồn cung xăng dầu cho Việt Nam, nhưng nhập khẩu xăng dầu từ nước này lại tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với 50,8% về lượng và tăng 101,4% về kim ngạch so với cùng thời điểm năm 2017.

Cũng liên quan xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc tăng biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2019. Như vậy mỗi lít xăng sẽ chịu thêm 4.000 đồng tiền thuế môi trường. Đây là mức kịch trần so với mức cũ là 3.000 đồng.

Ngoài ra dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít.

Theo truyền thông trong nước thì số thu từ dòng thuế này sẽ khoảng 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.300 tỷ đồng /năm.

Báo Moitruong.net trích lời vị đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rằng vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản là những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất với mức thuế xăng dầu mới này.

Đơn vị này lý giải chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25% đến 35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35 % đến 45% đối với xe chạy dầu ; còn hàng không là 39,5%. Ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% đến 59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35 % đến 40% cơ cấu giá thành.

Như vậy việc áp thuế bảo vệ môi trường kịch khung sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các đơn vị liên quan.

Quay lại trang chủ
Read 443 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)