Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/12/2018

Việt Nam 2018 : GDP, IPO, FTA, Phùng Xuân Nhạ

Tổng hợp

Tăng trưởng Việt Nam năm 2018 trên 7%, cao nhất từ một thập niên (RFI, 28/12/2018)

Theo con số của Tổng Cục Thống Kê công bố hôm qua 27/12/2018, tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay lên đến gần 7,1%, cao nhất kể từ một thập niên qua, nhờ lãnh vực sản xuất tăng cao.

gdp1

(Ảnh minh họa) - Một nhà máy lắp ráp xe gắn máy tại Hải Phòng. Ảnh chụp ngày 03/11/2018. Reuters

Lâu nay, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á. Trong 5 năm qua, GDP của Việt Nam luôn tăng trên 5%, nhờ sản xuất khẩu từ hàng tiêu dùng phổ thông như giày Nike, áo thun H&M cho đến sản phẩm công nghệ như điện thoại Samsung, bộ vi xử lý Intel cho máy tính.

Nhưng tăng trưởng năm nay đã vượt quá mục tiêu 6,7% của chính phủ Việt Nam, lên đến 7,08%. Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống Kê Nguyễn Bích Lâm cho biết : "Lãnh vực sản xuất và chế biến là điểm sáng và động cơ chính cho tăng trưởng chung", với tỉ lệ tăng 12,98%.

Theo ông Lâm, nền kinh tế trong năm tới vẫn tiếp tục vững chắc với sự đóng góp của các dự án công nghiệp như Vinfast, một công ty lắp ráp xe hơi trong nước, thuộc sở hữu của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup.

Được lãnh đạo bởi doanh nhân giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, Vingroup mới đây còn công bố loại điện thoại đầu tiên Made in Vietnam của tập đoàn này, với mục đích giành một phần thị trường béo bở này.

Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế Giới (WB) dự báo tăng trưởng sẽ giảm dần trong hai năm tới, nếu Việt Nam không tự bảo vệ trước tình hình leo thang căng thẳng trên thế giới. Ông Sebastian Eckardt, kinh tế gia trưởng của WB tại Việt Nam nói : "Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì một chính sách tiền tệ và ngoại hối linh hoạt, thâm hụt ngân sách thấp nhất để tăng cường sức kháng cự trước những cú sốc".

Trận chiến thương mại Mỹ-Trung đang gây tác động lên toàn vùng, khi Washington và Bắc Kinh thi nhau đánh thuế hải quan lên khoảng 300 tỉ đô la hàng hóa (tuy hai bên đang tạm hưu chiến).

Thụy My

***************

GDP 2018 của Việt Nam tăng cao nhất kể từ năm 2011 (RFA, 27/12/2018)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 của Việt Nam tăng 7,08%, đạt mức cao nhất tính từ năm 2011 cho đến nay.

gdp1

Giá xăng dầu được điều chỉnh, tác động đến nhóm giao thông giảm nhiều nhất - AFP

Số liệu vừa nêu được Tổng cục Thống kê công bố vào chiều ngày 27 tháng 12, cho biết mức tăng 7,08% vượt qua mục tiêu đề ra hồi đầu năm 2018 là 6,7%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất, ở mức 8,85%, đóng góp gần 50% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản cũng được báo cáo đạt mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2012-2018.

Khu vực dịch vụ tăng hơn 7% ; ngành bán buôn, bán lẻ tăng 8,51% ; ngành tài chính-ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21% ; ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 6,78%.

Tổng cục Thống kê còn cho biết năng suất lao động năm 2018 tăng gần 6% so với năm 2017 do số lao động có công ăn việc làm tăng cao và lực lượng lao động cũng được bổ sung. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế và hiệu quả đầu tư đều được cải thiện.

Tổng cục Thống kê cũng công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017 và lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm trước đó.

Tổng cục Thống kê cho biết với mức tăng vừa nêu thì mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2018 dưới 4% của Chính phủ Việt Nam đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được giá cả các mặt hàng do nhà nước quản lý đã đề ra trong năm 2018.

Theo đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất do hai đợt điều chỉnh giá xăng, dầu. Kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm do giá gas giảm.

Tổng cục Thống kê nêu lên nguyên nhân tác động đến CPI tăng trong tháng cuối năm 2018 là do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng, giá thịt heo tăng và nhóm thủy sản tươi sống cùng rau xanh tăng.

Trong khi GDP được báo cáo đạt mức tăng trưởng trên 7%, một số địa phương tại Việt Nam vẫn còn trong tình trạng khó khăn và phải xin chính phủ trung ương hỗ trợ gạo cho dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Cho đến thời điểm hiện nay có ba địa phương đề nghị hỗ trợ gạo nhân dịp Tết Kỷ Hợi vào đầu tháng hai năm tới gồm có Yên Bái, Nghệ An và Ninh Thuận.

Tại cuộc họp báo diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 12 ở Hà Nội, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dự trữ Nhà nước Việt Nam, cho biết Yên Bái xin hỗ trợ 380 tấn gạo, Nghệ An xin hơn 1260 tấn và Ninh Thuận xin 797 tấn.

Ông Lê Văn Thời cũng cho biết một số địa phương khác cũng đang thống kê, tổng hợp số gạo cần hỗ trợ để Bộ Lao Động- Thương Binh & xã Hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định ; sau đó báo cáo thủ tướng ban hành quyết định đề xuất cấp.

Thống kê cho thấy mỗi năm có chừng 15 đến 16 tỉnh trên cả nước xin hỗ trợ gạo cứu đói cho dân trong dịp tết nguyên đán và giáp hạt. Tổng số lượng từ 11.500 đến 12 ngàn tấn cho chừng 1 triệu người dân thiếu đói.

*********************

Việt Nam vươn lên đứng đầu thị trường IPO Đông Nam Á năm 2018 (RFI, 27/12/2018)

Trong năm 2018 sắp kết thúc, Việt Nam bất ngờ vươn lên đứng đầu danh sách thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á về việc "phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng" – thuật ngữ tiếng Anh gọi là IPO (Initial Public Offering). Theo hãng tư vấn tài chính EY (tức Ernst & Young), trong năm 2018, Việt Nam có 5 vụ IPO huy động được tổng cộng 2,6 tỉ đô la.

gdp2

Lắp ráp điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup tại Hải Phòng, 04/12/2018. Ảnh minh họa. Reuters/Kham

Theo dữ liệu của EY được CNBC trích dẫn, Việt Nam đã vọt lên đứng đầu danh sách 6 nước đáng chú ý tại Đông Nam Á về tổng trị giá các vụ IPO trong năm 2018, bao gồm cả Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Điều đáng ghi nhận là với tổng trị giá IPO đạt 2,6 tỉ đô la trong năm 2018, Việt Nam đã qua mặt Singapore, luôn được đánh giá là trung tâm tài chánh hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Một cách chi tiết, trong năm 2018, Việt Nam có 5 vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO, trong đó, lớn nhất là thương vụ phát hành IPO mang về 1,35 tỉ đô la của tập đoàn địa ốc Vinhomes, được đánh giá là vụ IPO lớn nhất Việt Nam và lớn thứ nhì Đông Nam Á trong năm nay.

Theo CNBC, một trong những nguyên nhân khiến thị trường IPO khởi sắc tại Việt Nam là cố gắng của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước được hứa hẹn từ lâu.

Với đà đẩy mạnh việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục đứng đầu danh sách thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á trong những năm tới đây.

Một bản dự báo của công ty luật và tư vấn Baker McKenzie và Oxford Economics công bố vào đầu tháng 12 này được CNBC trích dẫn, đã cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước Đông Nam Á huy động được nhiều vốn liếng nhất thông qua các vụ IPO.

Trọng Nghĩa

********************

2018 : Thành tích xuất siêu hay thất bại với FTA Hàn Quốc ? (VNTB, 27/12/2018)

Không có được lợi thế xuất siêu với nước ngoài, chính thể độc đảng ở Việt Nam đương nhiên phải chấp nhận số thặng dư ngoại tệ thu được ngày càng ít ỏi... 

gdp3

Việt Nam được gì từ FTA với Hàn Quốc ? Ảnh minh họa

Trong khi Thủ tướng Phúc đang say sưa với thành tích xuất siêu năm 2018 của Việt Nam có thể đạt đến 6 - 7 tỷ USD, thì mới chỉ qua 10 tháng đầu năm 2018 mà nền kinh tế Việt Nam đã phải nhập siêu đến 24 tỷ USD từ Hàn Quốc, trong khuôn khổ FTA (hiệp định thương mại tự do) với quốc gia này, đồng thời xác nhận một cách chắc chắn rằng Việt Nam sẽ phải nhập siêu có thể đến gần ba chục tỷ USD từ Hàn Quốc trong năm 2018 - năm thứ hai liên tiếp mà Việt Nam phải nhập siêu lớn từ Hàn Quốc.

Lịch sử quan hệ thương mại Việt Nam- Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại của Việt Nam với thị trường này đạt mức cao nhất từ trước tới nay vào năm 2017 với mức nhập siêu của nước ta lên đến khoảng 32 tỷ USD, tăng 54,8% so với năm trước và xấp xỉ với mức nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc của cả năm 2016.

Có đến 9 nhóm hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch lên đến gần 14,3 tỷ USD.

Một số nhóm hàng lớn khác có thể kể đến như : Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 5,1 tỷ USD ; điện thoại các loại và linh kiện gần 4,9 tỷ USD ; vải gần 1,77 tỷ USD…

Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đó là, điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,78 tỷ USD ; dệt may đạt 2,78 tỷ USD ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 2,13 tỷ USD ; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,025 tỷ USD.

Đầu năm 2017 sau khi TPP gần như tan vỡ, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã có một phát ngôn ấn tượng : "triển vọng phát triển còn tốt lắm".

Nhưng làm thế nào "triển vọng phát triển còn tốt lắm" để "đất nước đi tới không gì cản nổi" - như một thể loại "tự sướng" từng ra rả vào thời chiến tranh, trong lúc tình hình các FTA với đa số các nước vẫn rơi vào tình thế bất lợi ?

Cho dù Việt Nam vẫn luôn quảng cáo rằng chính thể này có đến 16 FTA, nhưng hiện trạng các FTA vẫn ngổn ngang, rất tương đồng với tình cảnh Việt Nam đã ký thỏa thuận với chẵn một tá đối tác chiến lược trên thế giới, nhưng trong ba vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, Bãi Tư Chính năm 2017 và cũng Bãi Tư Chính năm 2018 đã chẳng có một đối tác chiến lược nào chìa tay giúp Việt Nam để tránh thoát bàn tay lông lá đe dọa của đối tác chiến lược lớn nhất là Trung Quốc.

Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA).

Nhưng chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và Châu Âu là còn xuất siêu được - lần lượt là hơn 30 tỷ USD và 25 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là "dễ ăn", nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến 20 tỷ USD vào năm 2016 và 32 tỷ USD vào năm 2017.

Còn với Trung Quốc thì khỏi nói : con số nhập siêu chính ngạch lên đến 20 - 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 - 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.

Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam lại bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức "ăn dầy" của Việt Nam - những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc.

Tình thế càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn "thoáng nhất" !

Không cần nhắc lại, ai cũng biết giới quan chức Việt thuộc loại "ăn đủ" nhất trên thế giới.

Không có được lợi thế xuất siêu với nước ngoài, chính thể độc đảng ở Việt Nam đương nhiên phải chấp nhận số thặng dư ngoại tệ thu được ngày càng ít ỏi. Cùng tình cảnh lượng kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ gửi về Việt Nam ngày càng ít (dự kiến năm 2018 chỉ vào khoảng 8-9 tỷ USD so với mức đỉnh 13,2 tỷ USD vào năm 2015), ngân sách chế độ cầm quyền sẽ không thể nào có đủ ngoại tệ để trang trải các khoản nợ gốc lẫn lãi - chồng chất hàng năm đến 10 – 12 tỷ USD - cho nước ngoài, dẫn đến ‘triển vọng’ nền ngân sách này bị vỡ nợ là không còn quá xa vời.

Minh Quân

******************

Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ ‘chắc ghế’ đến năm 2023 ? (Người Việt, 27/12/2018)

Hôm 27 tháng Mười Hai, tin cho hay Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ tiếp tục được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm giữ chức chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023.

gdp4

Ông Phùng Xuân Nhạ được cho là bộ trưởng sống sót sau nhiều vụ bê bối liên tiếp trong ngành giáo dục năm 2018, điển hình là vụ em K., học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bình Hữu (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị cô giáo NTV đánh bầm tím ở phần hông. (Hình : Internet)

Hội đồng này được ghi nhận có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Ở Việt Nam, việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư liên quan đến hệ số lương và chức danh lãnh đạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Ngoài ra, người được phong hàm cũng được nhận thêm hàng loạt đặc quyền khác.

Ông Nhạ đã ngồi ở ghế chủ tịch tổ chức nêu trên từ năm 2016 đến nay và bị nhiều đàm tiếu xoay quanh việc ông ta bị cáo buộc đạo văn khi đăng bài ở các tạp chí khoa học quốc tế.

Nay với việc được Thủ Tướng Phúc "tín nhiệm" cho giữ chức chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đến năm 2023, ông Nhạ được giới quan sát cho là có thể an tâm tại vị thêm bốn năm nữa.

Ông Nhạ được cho là bộ trưởng sống sót sau nhiều vụ bê bối liên tiếp trong ngành giáo dục năm 2018, từ vụ gian lận điểm thi tú tài tại các địa phương đến vụ một hiệu trưởng bị phát giác lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh ở tỉnh Phú Thọ trong nhiều năm liền.

Hồi tháng Mười, 2018, ông Nhạ cũng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khi là quan chức nhận được nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất, với 137 phiếu. "Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành giáo dục cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo", ông Nhạ nói với báo VnExpress thời điểm đó.

Đến nay, có rất nhiều thư kêu gọi ông Nhạ từ chức sau mỗi vụ bê bối nhưng ông này vẫn "bình chân như vại".

Hồi tháng Hai, 2018, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội từng đăng cáo buộc ông Nhạ tổ chức tiệc mừng nhậm chức chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước trước khi thủ tướng ra quyết định phê chuẩn, đồng thời ông này còn tự ký công nhận mình đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế.

Thời gian qua, ông Nhạ cũng liên tục hứng chịu nhiều chỉ trích là người đứng sau hiện tượng số lượng phó giáo sư và giáo sư tăng vọt từ thời điểm ông ngồi vào ghế chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước : Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được ghi nhận là 1.226, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.

Trong một bài đăng trên báo VnExpress hồi năm 2015, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết : "Chúng ta nên trả lại từ giáo sư về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc. Nhà nước cũng nên trao quyền bổ nhiệm này cho các cơ sở giáo dục bởi phù hợp với chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường đại học… Tôi thấy một số người được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phong hàm nhưng lại không xứng đáng vì chức danh giáo sư gắn liền với việc nghiên cứu khoa học".

Nhìn vào thực trạng be bét của ngành giáo dục Việt Nam hiện tại, có thể thấy, phát ngôn của Giáo sư Châu cũng như của các học giả khác về việc phong hàm giáo sư ở Việt Nam và tư cách của ông Nhạ, đã không được giới chức lãnh đạo cộng sản Việt Nam đoái hoài (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 459 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)