Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/12/2018

Khu du lịch tâm linh, vụ án chạy thận nhân tạo, phong tỏa tài sản

Tổng hợp

Khu du lịch ‘tâm linh’ ở Chùa Hương, nhiều vấn đề cần suy ngẫm (RFA, 28/12/2018)

Một doanh nghiệp vừa đề xuất dự án xây dựng khu du lịch ‘tâm linh’ quy mô lớn ở khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ý kiến các nhà văn hóa lịch sử về dự án này như thế nào ?

tam1

Suối Yến, ở khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. AFP

"Phải giữ vẻ đẹp thiên nhiên của Chùa Hương, Suối Yến"

Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, với quy mô 1.000 ha, tổng vốn dự kiến lên tới 15 ngàn tỷ đồng.

Theo đề xuất, phía Bắc của dự án giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, nơi có chùa Tam Chúc của tỉnh Hà Nam, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình và phía Đông giáp sông Đáy…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về dự án này, Sử gia - Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, cho biết :

"Dự án này chỉ mới là doanh nghiệp gởi đề nghị đến các cơ quan chức năng, chứ dư luận xã hội thật sự chưa biết cụ thể sẽ xây gì và làm gì. Có hai dữ liệu là con số đầu tư 15 ngàn tỷ và địa danh Hương Sơn chắc chắn gây mối quan tâm xã hội là hết sức lớn. Con số tiền đầu tư lớn như thế luôn đặt câu hỏi là của ai, từ đâu ra? Chắc chắn không phải của nhà nước rồi. Vì lúc này nhà nước không thể chi tiêu cho những dự án mà nó thực sự không gắn với đời sống của nền kinh tế. Còn nếu của tư nhân thì đó là ý đồ về mặt xây dựng của họ. Còn thứ hai là Hương Sơn gắn liền với một danh thắng rất lớn, và tâm linh từ lâu đối với người Việt Nam. Cho nên vấn đề đặt ra là có vi phạm gì đối với di tích này không, nhất là di tích đã ăn rất sâu vào tâm thức của người Việt Nam".

Chùa Hương hay Hương Sơn bao gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp... Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

Nhà nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt cũng nhìn nhận việc nâng cấp khu vực Hương Sơn là nên làm tuy nhiên ông nói:

"Thật ra nâng cấp khu vực Chùa Hương cũng đáng làm, nạo vét Suối Yến cũng đáng làm, vì nó trầm tích lâu ngày rồi, bùn đất làm cho Suối Yến cạn đi. Thì cái ấy cũng cần thiết để tạo lại cảnh quan thiên nhiên. Nhưng nguyên tắc phải giữ cho được cảnh quan, làm hỏng nó đi, bê tông hóa chẳng hạn, thì không được. Phải giữ vẻ đẹp thiên nhiên của Chùa Hương và của Suối Yến, cho nên nếu cấy vào Chùa Hương quá nhiều công trình đồ sộ thì, biến cảnh quan Chùa Hương thành một thứ đô thị, văn minh, công nghiệp, bê tông hóa thì đấy gọi là chửi vào tổ tiên dân tộc, chửi vào thiên nhiên. Cho nên không được phép làm".

tam2

Khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. AFP

Theo Sử gia Dương Trung Quốc, hiện chưa đầy đủ thông tin để đánh giá có nên đầu tư một số tiền lớn vào dự án này không. Tuy nhiên nếu nhìn vào những gì doanh nghiệp Xuân Trường làm được ở Bái Đính, vừa trùng tu ngôi chùa cũ vừa xây dựng một ngôi chùa mới với quy mô rất lớn, thì ông cho rằng nó đã mang lại hiệu quả tích cực. Thứ nhất mang lại cho Ninh Bình một nguồn thu rất lớn, thứ hai bảo vệ được môi trường, vì trước khi có Bái Đính, trước khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới, thì Ninh Bình là một đại công trường khai thác đá vôi cho vật liệu xi măng rất lớn. Ông Dương Trung Quốc giải thích thêm:

"Rõ ràng khi công trình ở Tràng An dựng lên, nó không những thu hút du lịch, bảo vệ sinh thái, trở thành di sản thế giới… mà nó còn phát huy được vai trò của nó đối với tỉnh Ninh Bình. Vì thế tôi nghĩ rằng khi nói đến tâm linh thì nó không chỉ liên quan vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, mà nó còn đáp ứng du cầu du lịch hiện nay, cũng là một lĩnh vực về kinh tế. Còn vấn đề du lịch tâm linh nhiều hay ít còn phải nằm trong quy hoạch chung của các địa phương cũng như của quốc gia".

Giới văn hóa cần tham gia nghiên cứu

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ngoài những thành quả ‘đo đếm’ được, còn có những thiệt hại vô hình mà chúng ta không thể so sánh. Nếu xây dựng một khu du lịch tâm linh theo mô hình Yên Tử, Bái Đính ở Ninh Bình, thì bản trường ca thiên nhiên, văn hóa tuyệt mỹ Hương Sơn sẽ ra sao?

Liên quan vấn đề này, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, đưa ý kiến của mình :

"Tôi không phản đối việc nâng cấp, mà tôi chỉ phản đối việc làm vô văn hóa, lợi dụng để kiếm ăn, thì không nên làm, chẳng thà để nguyên sơ như thế còn hơn. Chứ lợi dụng kiếm ăn là vô đạo, vô văn hóa. Chúng ta đã làm hỏng nhiều khu vực tâm linh, ví dụ như không còn ‘sự mơ mộng’ như của Phạm Thái ngày xưa: ‘rất non cùng… lên Yên Tử rất non cùng…’ bây giờ nó làm hỏng đi, nó đô thị hóa đi. Cho nên những người quản lý văn hóa, quản lý tôn giáo, phải nâng cấp mình, phải làm tử tế hơn".

Tin cho biết, doanh nghiệp Xuân Trường cam kết nếu được Hà Nội đồng ý cho triển khai dự án, khu du lịch Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hoá thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên khi trả lời báo chí vào hôm 26/12/2018, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng cam kết của nhà đầu tư Xuân Trường là "hơi quá", vì việc xây dựng một công trình nhân tạo rất khó đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của việc bình chọn di sản văn hoá thế giới.

Sử gia Dương Trung Quốc cho biết, theo kinh nghiệm của ông ở Bái Đính Tràng An, thì việc khai thông các dòng chảy ở Hương Sơn rất cần thiết, vì vùng kề cận ở huyện Chương Mỹ thì vấn đề nguồn nước đang là quan trọng, mùa mưa thì ngập úng, mùa khô thì suối quan trọng nhất ở đó cũng bị ảnh hưởng. Ông cho rằng khi thực hiện phải có luận chứng, phải có đánh giá tác động môi trường… Ông nói tiếp:

"Tôi nghĩ rằng đầu tư một nguồn lực lớn trên tổng thể còn hơn là chúng ta làm từng cái nhỏ một. Nhưng đầu tư lớn cũng dẫn đến tác hại lớn nếu chúng ta không giám sát kỹ. Tôi cũng đã liên hệ được với chủ doanh nghiệp này để tìm hiểu. Với tư cách là thành viên Hội đồng di sản quốc gia, chúng tôi cũng rất quan tâm đến di sản ấy để thấy được mặt tích cực trong đóng góp cũng như hạn chế hoặc là những cái chúng ta phải lường trước được, nếu không sẽ dẫn đến vi phạm, nhất là ở những khu vực nhạy cảm như thế. Ngoài ra, tôi cũng có gọi điện thoại cho cả ông chủ tịch huyện Mỹ Đức để tìm hiểu thêm, nhưng ông ấy nói đây là một dự án vẫn còn ở thành phố, chứ ở địa phương chưa có thông tin gì đầy đủ cả, ông ấy cũng không bình luận gì chuyện này".

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì kêu gọi các giới văn hóa cần tham gia tích cực, nghiên cứu, suy nghĩ, có ý kiến. Ông cũng mong ước việc nâng cấp nếu có thực hiện sẽ không phá vỡ cảnh quan môi trường. Ông kết luận :

"Tôi nói thật nếu mà có tâm linh ở đó thì một làn khói cũng rất tâm linh, một dáng chiều cũng rất tâm linh. Cái ánh nước trên dòng Suối Yến ấy, vừa xanh biết vì có rong rêu ở dưới, vừa có bóng núi đổ xuống, sắc nước hết sức kỳ diệu. Không được đánh mất sự mơ màng trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp (‘Hôm nay đi Chùa Hương, Hoa cỏ mờ hơi sương, Cùng thầy me em dậy, Em vấn đầu soi gương…) Tôi nghĩ chúng ta nên lưu ý và đánh động dư luận văn hóa về vấn đề này".

Trung Khang

********************

Từ vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình : tất cả các bác sĩ đều có thể đi tù ? (VNTB, 28/12/2018)

Ngày 8/1/2019, phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị can trong vụ tai biến chạy thận tại bệnh viện (Bệnh viện ) đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người chết hồi tháng 5-2017 sẽ diễn ra.

tam3

Bác sĩ Nguyễn Hương (áo xanh dương đậm, đứng giữa trong ảnh)

Bài viết này muốn đặt một vấn đề mang tính cốt lõi : trách nhiệm của bộ trưởng bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến ở đâu, khi mà rất có thể còn nhiều vụ án tương tự khác lại xảy ra với những bác sĩ phụ trách khoa thận nhân tạo.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố với tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Phân tích giác độ chuyên môn ngành y cho biết (tóm tắt từ cáo trạng) : Nguyên nhân gây tử vong của các bệnh nhân trong vụ án chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/05/2017 đã được cơ quan giám định kết luận là do tồn dư hóa chất (HF) và (HCL) trong hệ thống nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo cao gấp 240-260 lần mức cho phép sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO.

Bác sĩ là người trực tiếp điều trị bệnh nhân, chịu trách nhiệm về chẩn đoán và điều trị về mặt y thuật. Bác sĩ thận nhân tạo phải hiểu rõ cấu tạo của máy thận nhân tạo, hệ thống RO và máy rửa màng lọc, hiểu để ra những y lịnh điều trị cho bệnh nhân. Nhưng vấn đề bảo trì máy móc, thay mới các màng lọc RO, các màng lọc tinh, các máy chạy thận phải là trách nhiệm của kỹ sư, phòng trang thiết bị của công ty và của bệnh viện.

Bác sĩ Hoàng Công Lương và tất cả các thầy thuốc ở khoa thận nhân tạo tại các bệnh viên có chuyên khoa này trên toàn quốc, đều không phải là kỹ sư hoặc kỹ thuật viên của phòng Vật tư - thiết bị y tế bệnh viện, càng không phải là người trực tiếp làm công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng thầu của bệnh viện để gây ra tồn dư hóa chất dẫn đến tử vong cho các nạn nhân.

Ở vào vị trí bác sĩ điều trị, sau khi thăm khám lâm sàng cho người bệnh và được bộ phận có trách nhiệm chuẩn bị trang thiết bị thông báo việc rửa máy thận, ‘test’ máy thận bình thường, đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống RO (điều kiện bắt buộc và duy nhất để nhận biết an toàn hệ thống trước khi y lệnh lọc máu cho người bệnh) trong giới hạn an toàn, xem xét chỉ số đồng hồ đã báo an toàn, thì bác sĩ mới ra y lệnh lọc máu cho người bệnh.

"Thực tế hoạt động lọc máu thận nhân tạo hiện nay, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khỏe lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn sau công tác rửa và ‘test’ máy của điều dưỡng viên, thì bác sĩ điều trị không có gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng an toàn hay không an toàn, càng không thể nhận biết được đồng hồ báo an toàn những vẫn có khả năng sai số. Vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát, chuyên môn và kiến thức của bác sĩ điều trị". Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thu, Bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn, nhận xét.

Bác sĩ Nguyễn Hương, khoa thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương cho biết đã bao nhiêu hội nghị về An toàn trong lọc máu được tổ chức sau sự cố Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nhưng rồi cho đến ngày hôm nay, không ai trả lời được câu hỏi : làm thế nào an toàn cho bệnh nhân và bảo vệ được bác sĩ ?

"Sau khi thay màng RO hay xử lý sát khuẩn hệ thống RO, theo quy chế của bộ Y tế, phải xét nghiệm nước RO thành phẩm đạt tiêu chuẩn AAMI của Mỹ, thì mới được phép chạy thận cho bệnh nhân. Thời gian chờ đợi để trả kết quả là 15 ngày. Trong thời gian đó, ở các nước phát triển, bệnh viện sẽ chạy thận cho bệnh nhân với hệ thống RO dự phòng. Còn ở Việt Nam thì không khả thi, vì khó có bệnh viện nào đầu tư một hệ thống RO dự phòng gần cả tỷ đồng.

Có ý kiến cho rằng trong khi chờ kết quả xét nghiệm nước RO, nên chuyển bệnh nhân qua trung tâm khác. Thực sự, các trung tâm đang quá tải. Chuyển bệnh nhân đi đâu bây giờ ? Bác sĩ thận nhân tạo đành phải chạy thận cho bệnh nhân với kết quả an toàn ‘đơn sơ’ bước đầu là ion đồ dịch lọc và conductivity (tạm dịch : cảm biến độ dẫn) của máy chạy thận. Nếu có sự cố, thì nguyên một dàn, từ giám đốc, bác sĩ cho tới trưởng phòng trang thiết bị kéo nhau ra toà. Khi ra toà, anh bác sĩ thân cô thế cô, trực tiếp điều trị bệnh nhân lại lãnh hậu quả nặng nhất. Ở tù vì lỗi không phải của mình ! Lỗi tại cơ chế hay sao ? Ôi ngán ngẩm ! !". Bác sĩ Nguyễn Hương chia sẻ nỗi niềm.

Tạm gác qua nghi vấn phía công ty bảo trì RO đã giải trình thiếu trung thực, tạm gác luôn khả năng ai đó ăn chặn bớt tiền mua màng RO mới, tái sinh màng cũ bằng acid HCl cực độc và… cực sai, vấn đề lớn nhất đặt ra là từ phía bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng cho đến bao giờ bà mới trả lời được câu hỏi : làm thế nào an toàn cho bệnh nhân và bảo vệ được bác sĩ chuyên trách chạy thân nhân tạo ?.

Thực tế thì ngay trong vụ án nhập khẩu thuốc ung thư giả đình đám nhất nước, mà tình tiết vụ án về kẻ thủ ác có liên quan trực tiếp đến người thân của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tiến, song bà bộ trưởng Y tế cũng vẫn chưa bao giờ phải hầu tòa với tư cách ‘người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan’.

Rồi giờ đây mặc dù có nhiều bệnh nhân chết vì chạy thận, đồng nghiệp của bà bị đe dọa tù tội, nhưng bà xem ra cũng chẳng bận tâm chi đến câu hỏi của các bác sĩ chuyên khoa thận nhân tạo như bác sĩ Nguyễn Hương, điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thu…

Đó là tội ác, thưa bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến.

Minh Châu

*****************

Công an phong tỏa tài sản của ông Trần Bắc Hà ở Quy Nhơn (RFA, 27/12/2018)

Tài sản đứng tên cá nhân hay doanh nghiệp ở thành phố Quy Nhơn liên quan đến gia đình ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, bị phong tỏa để phục vụ điều tra.

tam4

Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV. File photo

Truyền thông trong nước dẫn lời lãnh đạo tỉnh Bình Định loan tin vừa nêu hôm 27 tháng 12 năm 2018.

Cụ thể, cơ quan cảnh sát điều tra vừa yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cung cấp hồ sơ nhà đất đặt trụ sở các doanh nghiệp liên quan đến ông Trần Bắc Hà, gồm : Công ty cổ phần du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, Tập đoàn An Phú và Công ty Đầu tư chăn nuôi Bình Hà.

Ngoài ra, theo lãnh đạo tỉnh Bình Định khu resort 4 sao Hoàng Gia do Công ty Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn sở hữu cũng bị phong tỏa.

Những tài sản vừa nêu vợ ông Hà đã chuyển cho em gái nhưng vẫn bị phong tỏa.

Trước đó, ngày 29/11, công an đã bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà và 2 cấp dưới là Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV và Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại ngân hàng BIDV.

Nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh là bà Lê Thị Vân Anh bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Trần Bắc Hà, được xác định liên quan tới đại án Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, với 2 tư cách : người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người làm chứng, và đại án Phạm Công Danh xảy ra tại ngân hàng VNCB.

Ông Trần Bắc Hà được nhận định có mối quan hệ chặt chẽ với cựu thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Một số người chứng kiến thuật lại những hành động ‘quá tay’ của ông này đối với giới chức chính phủ, nhà báo, tiếp viên hàng không trước mặt nhiều người.

Quay lại trang chủ
Read 479 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)