Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/12/2018

Giáo dục Việt Nam, phải nói tôt cho Đảng, ăn óc voọc, du khách lao động

Tổng hợp

Viễn cảnh nào cho nền Giáo dục Việt Nam sau bao vết nhơ ? (RFA, 28/12/2018)

Có thể nói năm 2018 kết thúc với nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành Giáo dục bị công luận lên án mạnh mẽ. Tuy vậy vào những ngày cuối năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới và kể ra nhiều hy vọng tốt đẹp vào tương lai.

giaoduc1

Trường Duy Ninh, giáo viên chủ nhiệm và em học sinh bị tát. Edited

Viễn cảnh mới này ra sao trong mắt các chuyên gia, nhà giáo và các bậc phụ huynh ?

Lạc quan lẫn hoài nghi

Chiều 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới được mô tả là theo hướng hiện đại, tinh gọn, đảm bảo chất lượng, tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên bằng cách giảm đi số môn học, tiết học, và kiến thức kinh viện ; mặt khác tăng cường dạy học phân hóa – tự chọn.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên trường Đại học Bách Khoa Sài Gòn, hiện sinh sống tại Pháp cho biết cảm nhận của ông :

Nếu thực sự xảy ra như thế thì đây là một điểm tốt. Nhiều người đã phàn nàn rằng việc học ở Việt Nam ở cấp Tiểu học và Trung học quá nặng khiến các em lên tới Đại học thì đuối sức. Thứ hai nữa là các em học thì nhiều, nhưng thực sự có nhiều môn vô ba. Thứ ba là chương trình học của các em ở bậc Trung học thì tạm gọi đều đi vào một luồng khiến cho nhiều em không hứng thú.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói với truyền thông trong nước rằng chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích hóa hoạt động người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà xã hội kỳ vọng.

Chúng tôi liên hệ một giáo viên của một trường tư nhân hiện đang áp dụng chương trình giáo dục của Phần Lan cho học sinh tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, và được người này nhận xét :

Khi mình nói phát triển kỹ năng, phẩm chất thì phải có những kỹ năng gì, phẩm chất gì. Phẩm chất thì liên quan đến tự thân, kỹ năng thì liên quan đến cách làm việc với người khác. Nếu mọi người không nói rõ thì sẽ khó xây dựng chương trình.

Truyền thông trong nước cho biết chương trình mới sẽ phân rõ giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9, và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Mục đích nhằm phân luồng mạnh sau trung học cơ sở để trung học phổ thông tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Khi đặt vấn đề về việc phân chia giai đoạn giáo dục, người giáo viên tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi.

Không biết mọi người chia như vậy để giải quyết vấn đề gì. Nếu như thay đổi dựa theo một vài mô hình tiên tiến mà không có vấn đề giải quyết cụ thể thì sẽ khó vì mình không biết điều chỉnh khác nhau. Mỗi chương trình giáo dục sẽ có vấn đề riêng.

Hành xử vô giáo dục

Năm 2018 đánh dấu nhiều vụ bê bối Giáo dục tại Việt Nam. Có thể điểm qua như vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy trừng phạt học sinh bằng cách yêu cầu các học sinh cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào mặt ; vụ bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị dư luận phản đối ; vụ gian lận điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông ở các tỉnh phía Bắc ; hay gần đây nhất là vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô hàng chục nam sinh.

Một bà mẹ trẻ chia sẻ với chúng tôi sự bi quan hoàn toàn của cô đối với chương trình mới của Bộ Giáo dục.

giaoduc2

Pano tuyên truyền cho người dân rằng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác. AFP photo

Từ việc giáo viên không có đạo đức cho đến việc những người làm trong giáo dục không có đạo đức thì dạy ai, ra chính sách gì ? Tôi không tin. Bây giờ tôi không tin vào cái thay đổi của Bộ này nữa thì tôi sẽ cố gắng đưa con tôi ra nước ngoài đi học. Hoặc tôi có thể dạy nó ở nhà, rồi nó có thể đi học tập ở nước ngoài, tham gia kỳ thi tuyển quốc tế gì đó, không cần đến cái tiêu chí của Bộ Giáo dục Việt Nam nữa.

Giải thích về điểm cốt lỗi gây ra những tiêu cực Giáo dục, Giáo sư Phạm Minh Hoàng dẫn chứng Khoản 1 Điều 3 trong Luật Giáo Dục Việt Nam 2005 quy định "Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng". và ông nhấn mạnh :

Tất cả những cái đó tôi chung quy vào một mối thôi, đó là cơ chế của đất nước chúng ta như thế. Một khi chúng ta không giải quyết được cơ chế mà để ý thức hệ ràng buộc, ‘vòng kim cô’ trên đầu thì chúng ta đừng nghĩ gì xa hơn.

Dường như có cùng quan điểm với Giáo sư Hoàng, một nam phụ huynh học sinh bày tỏ sự bất bình :

Tôi không chấp nhận được chuyện để con tôi đi học mà được dạy phải tát bạn mình. Chừng nào thay đổi chế độ thì tôi nghe Bộ Giáo dục nói chuyện.

Viễn cảnh nào cho nền Giáo dục Việt Nam ?

Vấn đề cải cách giáo dục là đề tài được giới trí thức cũng như quan chức chính phủ thường xuyên bàn bạc để tìm hướng đi. Tại phiên chất vấn và trả lời trước Quốc hội vào sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phải đầu tư giáo dục chất lượng cao bằng cách nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến. Hôm 26/8, đích thân ông Nhạ dẫn đầu đoàn công tác sang Phần Lan để tìm hiểu kinh nghiệm giáo dục.

Trái ngược với quan điểm giáo dục của Hà Nội, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhắc tới triết lý giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và khẳng định.

Triết lý giáo dục rất ‘nhân bản’ của con người là đủ rồi. Chúng ta không nhất thiết phải chạy theo một cái khuôn khổ, khuôn mẫu nào cả. Nghe người ta nói sẽ mang sách lược giáo dục của nước ngoài về thì tôi thấy đây là chuyện hơi khôi hài. Tôi nghĩ con người Việt Nam đủ sáng suốt và đủ thông minh để tìm ra một hướng đi giáo dục ở Việt Nam.

Đánh giá về tương quan giữa giáo dục và xã hội trong tương lai, người thầy đang áp dụng chương trình của Phần Lan nhận định :

Trong tương lai và ngay thời điểm bây giờ mọi người đều thấy là ngành mới và nghề mới sinh ra liên tục, và hệ thống giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc mới rồi. Nếu như mình vẫn còn dạy theo định hướng nghề nghiệp cũ thì sẽ đào tạo ra một thế hệ không đủ kỹ năng đòi hỏi công việc cho tương lai.

Người thầy chia sẻ cách tiếp cận giáo dục của Phần Lan cho học sinh dựa trên 3 tiêu chuẩn : kiến thức nền tảng, kỹ năng và phẩm chất thế kỷ 21 như tính tò mò, tính sáng tạo, tính tự đánh giá bản thân, tính kiên định… và anh nhấn mạnh :

Thật ra là Việt Nam trễ hơn không phải một nhịp mà là hai nhịp rồi. Có nghĩa là mấy bạn nhỏ Việt Nam thậm chí còn không biết nghề mình thi vào là cái gì. Định hướng nghề trong chương trình mới có thể sẽ giải quyết, nhưng dù vậy thì vẫn trễ so với tốc độ phát triển ngành nghề.

Cũng theo anh, các bậc phụ huynh Việt Nam và các nước Đông Á vẫn nặng tâm lý ‘thành tích’, điểm số mà thiếu cái nhìn đa dạng trong tiềm năng của trẻ em.

******************

Lãnh đạo tuyên giáo cảnh báo đảng viên không đăng bài nói xấu đảng trên mạng (RFA, 29/12/2018)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hôm 29/12 lên tiếng cảnh báo tình trạng đảng viên viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.

giaoduc3

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biêu tại hội nghị Tổng kết công tác tuyên giáo 2018 ở Hà Nội hôm 29/12/2018 Courtesy Tạp Chí Tuyên Giáo

Ông Thưởng phát biểu điều này tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2018, chỉ khoảng 3 ngày trước khi Luật An ninh mạng vốn bị nhiều chỉ trích của Việt Nam đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói trước đó về nhiệm vụ quan trọng của ban là đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ; đấu tranh phản bác hiệu quả đối với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch.

Người đứng đầu Ban Tuyên giáo nói ban cần phải đấu tranh hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị củ cán bộ đảng viên, nhất là tình trạng viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.

Nói về an ninh mang, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển lực lượng đấu tranh trên mạng, ngăn chặn và triệt phá kịp thời mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Ông nói "internet giờ đây không còn chỉ là một khái niệm công nghệ, môi trường công nghệ mà đã trở thành một miền chiến sự mới, nơi mà cuộc đấu tranh trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá diễn ra mạnh mẽ".Người đứng đầu Ban Tuyên giáo cho biết hiện các cán bộ, đảng viên người nào cũng dùng smartphone, facebook nhưng chủ yếu chỉ vào đọc tin tiêu cực chứ ít truyền đi thông tin tích cực. Vì vậy, ông khuyến khích mỗi người dùng smartphone mỗi ngày gửi cho nhau một tin tốt sẽ làm cho môi trường trên internet tích cực hơn.

Cũng trong cùng ngày 29/12, nhiều báo ở Việt Nam đăng bài liệt kê các nhóm hành vi được cho là vi phạm Luật An ninh mạng sắp đi vào hiệu lực. Đáng chú ý trong các hành vi bị cấm theo luật mới là đăng tải, phát tán thông tin có nội dung tuyền truyền chống Nhà nước, tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối, an ninh, gây rối trật tự công cộng.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, Mỹ và Châu Âu trước đó đã lên tiếng cảnh báo Luật An ninh mạng Việt Nam góp phần bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt của người dân, gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh của các doan nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến những lo ngại đảng viên viết bài nói xấu Đảng, đi sai đường lối của Đảng, hôm 25/10, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có kết luận đề nghị xem xét kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức vì những vi phạm nghiêm trọng là không chấp hành quy định của Đảng, có hành vi chống đối va tự diễn biến. Ông Chu Hảo bị kết luận là đã có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng. Đến giữa tháng 11, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ đảng với giáo sư Chu Hảo.

Trước đó, sau khi có kết luận kỷ luật với giáo sư Chu Hảo, nhiều nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối vì cho rằng kết luận không có căn cứ. Một loạt các trí thức, đảng viên lâu năm bao gồm giáo sư Chu Hảo ngay sau đó đã quyết định bỏ đảng.

*******************

Sáu người giết và ăn voọc sống bị khởi tố (RFA, 28/12/2018)

Sáu người đàn ông giết, ăn óc sống một con voọc và phát video trực tiếp trên mạng xã hội hôm 17/11 đã bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú với cáo buộc ‘vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.’

giaoduc4

Sáu người đàn ông giết, ăn voọc sống tại cơ quan điều tra. Courtesy of Báo Hà Tĩnh

Công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho truyền thông biết tin trên hôm 27/12.

Sáu người đàn ông bị khởi tố gồm Phan Trọng Sơn (1973), Thái Kim Hồng (1967), Thái Văn Sáng (1977), Phan Văn Hợi (1983), Thái Đình Quy (1960) và Thái Vinh Quang (1959.) Sáu bị can đều trú tại huyện Hương Khê và Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Thông tin ban đầu cho biết vào ngày 17/11, ông Phan Trọng Sơn bẫy và bắt được một con voọc chà vá chân nâu tại vườn quốc gia Vũ Quang và bán cho ông Thái Kim Hồng với giá 1,1 triệu đồng.

Sau đó ông Hồng rủ các bị cáo còn lại giết con voọc để làm mồi nhậu và phát tán video trên mạng xã hội qua tài khoản của ông Phan Văn Hợi.

Tuy vụ việc xảy ra từ 17/11, nhưng đến 27/12 sáu người đàn ông nói trên mới bị bắt giữ. Một công an nói với hãng tin AFP rằng cần thời gian để họ tìm ra các nghi phạm liên quan.

‘Voọc ăn lá’ là một trong những loài thú bị liệt vào danh sách nguy cấp nhất trên thế giới và chỉ được tìm thấy ở phía Bắc của Việt Nam. Việt Nam cũng là nơi sinh sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác, bao gồm rùa mai mềm khổng lồ sông Hồng, linh dương núi Saola và khỉ mũi hếch.

AFP nói các nhà phê bình cho rằng luật bảo vệ, bảo tồn đã không được thực thi một cách hiệu quả khiến nạn săn trộm vẫn tiếp tục không được kiểm soát, tạo ra nguy cơ biến mất các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trong nước cũng như ở nước láng giềng Trung Quốc.

Gần đây, mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một người Việt Nam cầm hai con chim Hồng Hoàng quý hiếm đã bị giết và vặt lông.

Thói quen sử dụng động vật hoang dã xuất phát từ quan niệm những vật đó có khả năng chữa những chứng bệnh ; đặc biệt là những bệnh nan y cho con người. Đơn cử như xương hổ được nấu thành cao để trị chứng nhức xương, sừng tê giác chữa bệnh yếu sinh lý của nam giới…

Ngoài ra những động vật quí hiếm còn được cho là những món đặc sản thường được những thành phần có những nguồn thu nhập khủng chi để chứng minh đẳng cấp trong xã hội của họ.

Tình trạng đó khiến công tác bảo tồn các loài động vật quí hiếm tại Việt Nam trở nên khó khăn dù chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ… bỏ ra khá nhiều kinh phí để tuyên truyền cho công tác này.

****************

Cùng máu đỏ da vàng, nỡ nào buông lời cay nghiệt (Tiếng Dân, 30/12/2018)

152 đồng bào bỏ tổ quốc ly hương, đúng sai ai cũng đều biết cả. Luật pháp đương nhiên phải tuân thủ, nhưng thấy tội, thấy thương hơn là đáng trách. Năm cùng tháng tận, ai chẳng muốn sum vầy !!!

giaoduc5

Một số du khách Việt Nam mất tích ở Đài Loan đã được tìm thấy - Ảnh CNA / vietnamplus.vn

Hàng triệu đồng bào khác bỏ quê hương vượt biển ra đi, âu cũng là con đường họ chọn lựa. Tại sao phải luận đúng sai.

Cũng hàng triệu đồng bào khác từ Bắc, Trung vào Nam kiếm sống, ở một góc nhìn nào đó cũng là ly hương đấy thôi. Cũng quê hương bỏ lại, cũng nhớ nhung, day dứt và khắc khoải, nào có khác gì ?

Hèn nhát, nhược tiểu nhưng lại sĩ diện và đồng bóng, nghịch lý ấy luôn có trong tâm thế những con người dẫn dắt, luôn có trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bởi thế, cho nên khi người lớn thốt ra, mới có những câu từ sặc mùi hồng vệ binh : bỏ trốn là làm nhục quốc thể.

Lấy một cái mơ hồ để gán cho một sự việc hiện hữu, lấy một giá trị quá lớn để áp đặt cho những con người bé nhỏ, khổ đau là cách nghĩ của những người không có nhiều kinh nghiệm sống hoặc bột phát nhất thời. Nhất định không phải cách hành xử của người từng trải, học thức và bao dung.

Lấy cái ấm êm bình yên của mình để nhìn thân phân lênh đênh của người khác như những kẻ không phải đồng bào thì lại càng đáng trách. E rằng, tư duy và tầm nhìn có nhiều phần hạn chế.

Hàng tỷ đô kiều hối tăng đều hàng năm, vẫn quay về tổ quốc đấy thôi, sự trở về như thế là vô cùng cảm động, là quê hương vẫn luôn đau đáu ở trong tim. Đấy mới là quê hương, là tổ quốc. Nhất định, tổ quốc không thể là thứ đãi bôi hoặc tuỳ tiện thốt ra theo kiểu đầu môi chót lưỡi đơn thuần.

Chối bỏ quê hương hay quê hương chối bỏ ? Với những con người gạt nước mắt xuống tàu, điều ấy, thiết nghĩ chẳng cần phải luận bàn.

Nhục quốc thể chỉ có thể là Thủ Thiêm, Văn Giang, hay những nơi tiêu cực, tham nhũng tràn lan mà tất cả vẫn bế tắc chưa có lối thoát. Là ngân sách bị mất đi hàng tỷ đô la bởi những loại người cơ hội, đạp lên mồ hôi nước mắt đồng bào để vơ vét cho đầy túi tham.

Nhục quốc thể nhất định phải là bà con ngư dân bị đâm chìm tàu, bị đánh đuổi ngay tại ngư trường của mình, có chủ quyền hợp pháp mà không dám một lời, dù chỉ là nhẹ nhàng phản đối.

Nhiều nỗi nhục như thế đã một lần nào được lên tiếng ? Cũng chưa một lần được gọi đúng tên. Đấy mới là cái sự đê hèn, bạc nhược. À mà đã đê hèn và bạc nhược thì họ bợ đỡ cường quyền và chỉ trích đồng bào cũng hợp lý thôi nhỉ. Thượng đội hạ đạp luôn có trong tâm thế nhiều người, thôi thì họ chọn cách ấy, ta biết phải làm sao ?

Quê hương mà cay nghiệt thế thì quê hương có giá trị gì đâu. Kẻ tiểu nhân, luôn vật vã với nỗi nhục, còn người quân tử thì vẫn cứ bao dung, muôn đời là vậy. Dù bên kia Thái Bình Dương hay bất kể chân trời nào thì vẫn ngóng về quê nhà với tình yêu vô tận trong tim, chưa bao giờ phai nhạt.

Nguồn : FB Chất Lượng Sống

******************

16 người Việt bị bắt ở Đài Loan vì gian lận viễn thông (RFA, 29/12/2018)

Hãng tin CNA của Đài Loan hôm 29/12 trích nguồn tin từ Cơ quan Điều tra tội phạm (CIB) của nước này hôm 28/12 cho biết đã có 16 người mang quốc tịch Việt Nam bị bắt giữ cùng với 3 người Đài Loan ở miền trung nước này hồi đầu tuần rồi vì nghi ngờ có gian lận viễn thông.

giaoduc6

Nhân viên Cơ quan Xuất nhập cảnh Đài Loan dẫn 3 người đàn ông (đeo khẩu trang) bị cho là những người du lịch Việt Nam bỏ trốn hôm 28/12/2018 - Hình minh họa. AFP

Theo CIB, 14 người trong số này là những lao động Việt bỏ trốn ở Đài Loan, hai người còn lại là khách du lịch giả dạng là những người đã bỏ trốn khỏi các nhóm du lịch đến Đài Loan.

Đây được coi là vụ án đầu tiên liên quan đến gian lận qua biên giới tại Đài Loan có liên quan đến các công nhân người Việt, theo CIB.

Theo các bằng chứng mà CIB thu thập được, nhóm gian lận này đã lấy khoảng 15 triệu Đài tệ, tương đương 490.700 đô la từ 200 nạn nhân trong vòng 3 tháng qua.

Theo CIB, các thành viên người Việt gọi các cuộc điện thoại qua internet đến những người bất kỳ ở Việt Nam, giả vờ là các nhân viên chính phủ Việt Nam. Những kẻ tòng phạm ở Việt Nam chịu trách nhiệm thu tiền từ các nạn nhân.

Quay lại trang chủ
Read 461 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)