Tổng bí thư Trọng chỉ đạo Bộ Công an phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng (VOA, 03/01/2019)
Hôm 3/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 ở Hà Nội, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu lực lượng Công an phải tuân thủ mọi sự chỉ đạo của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội Nghị Công an Toàn quốc ngày 3/1/2019. Báo Nhân dân
Cổng Thông tin Bộ Công an trích lời ông Trọng nói : " Mọi hoạt động của lực lượng Công an phải tuân thủ và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước".
Ông Trọng, Tổng Bí thư đầu tiên tham gia vào thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương từ năm 2016, nhắc nhở bộ này : "Đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái ; vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực để làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân".
Ông chỉ đạo lực lượng Công an phải chủ động phối hợp các cơ quan chức năng " trong phòng ngừa, đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu thâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ".
Mặt khác, ông Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, biểu dương và chúc mừng những thành tích đã đạt được trên các mặt công tác của lực lượng Công an trong năm 2018 và nửa đầu nhiệm kỳ qua, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.
Cổng Thông tin Bộ Công an cho rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh Mạng, một bộ luật gây tranh cải nhằm tăng cường sự kiểm duyệt các phát biểu chống nhà nước trên mạng xã hội, là một "thành công trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật".
Báo Nhân dân trích lời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói : "Năm 2019, công việc của ngành Công an nhiều hơn và phức tạp hơn. Rất nhiều nhiệm vụ lớn, khó phải làm và làm tốt hơn nữa đang chờ đợi trước mắt".
************************
320 luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ bị xóa tên vì "không đóng phí liên tục nhiều năm" (RFA, 03/01/2019)
Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định "xóa tên khỏi danh sách của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh 320 luật sư vì đã không đóng phí thành viên liên tục nhiều năm".
Quyết định xóa tên 320 luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh - Courtesy HCBA
Các báo trong nước loan tin này vào ngày 2/1/2019, dẫn quyết định số 05 của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 27/12/2018.
Theo quy định, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư đối với các luật sư bị xóa tên.
Trước đó, ngày 12/3/2018, luật sư Phạm Công Út cũng bị Đoàn luật sư này khai trừ với lý do là ông Út bị cáo buộc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng rồi nhận ngay 1 tỉ đồng và sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được, nhưng ông này không có khả năng thực hiện hợp đồng, mà vẫn không hoàn trả tiền cho khách hàng.
Luật sư Phạm Công Út là người có sáng kiến thành lập Hội đồng bào chữa quy tụ các luật sư giỏi nghề với phương châm "nơi nào có oan sai, nơi đó có chúng tôi".
Một luật sư khác là ông Võ An Đôn, bị xóa tên khỏi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên hồi năm 2017. Lý do là vì ông bị kỷ luật liên quan đến cáo buộc "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, video clip, phát ngôn trả lời báo chí, đối tượng ở nước ngoài, bịa đặt nói xấu luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, đảng và nhà nước Việt Nam…". Luật sự Võ An Đôn đã bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 27/12/2018 vừa rồi, ông cũng có đơn khiếu nại Tòa án tỉnh Phú Yên vì không thụ lý đơn kiện Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Thành Long.
******************
Người Việt được sinh sống ở Biển Hồ đến tháng 7 năm 2019 (RFA, 03/01/2019)
Chính quyền tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia tuyên bố cho phép 750 gia đình người Việt Nam tiếp tục sinh sống ở Biển Hồ cho đến tháng 7 năm 2019, sau khi có hơn 3000 gia đình người Việt Nam khác tự nguyện di dời tới khu vực tái định cư trên đất liền.
Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ tại một làng chài trên sông Tonle Sap, Biển Hồ ở Campuchia. AFP
Tờ Phnompenh Post, vào ngày 3 tháng 1 dẫn lời của người đứng đầu tỉnh Kampong Chhnang, ông Chhour Chandoeun cho biết chính quyền tỉnh Kampong Chhnang ra quyết định vừa nêu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về ảnh hưởng của việc di dời các gia đình gốc Việt ra khỏi khu vực Biển Hồ.
Ông Chhour Chandoeun nói rằng những gia đình này sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng bè và cá sẽ chết nếu như họ di dời lên đất liền, do đó chính quyền tỉnh Kampong Chhnang đang chuẩn bị kế hoạch tái định cư vĩnh viễn cho các hộ dân đó trong vòng 6 tháng nữa và họ sẽ ở trên đất liền nhưng vẫn có thể tiếp tục nghề nuôi cá lồng bè của họ.
Trong một tuyên bố của tỉnh Kampong Chhnang, Phó tỉnh trưởng Sun Sovannarith cho biết chính quyền tỉnh thực hiện kế hoạch di dời trong hai giai đoạn. Hiện, chính quyền đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho các gia đình đã di dời. Và, chính quyền cũng đang làm việc kết hợp với các công ty tư nhân để tiêu chuẩn hóa những lồng bè nuôi cá, phục vụ trong lãnh vực du lịch. Ông Sun Sovannarith nói rằng tỉnh Kampong Chhnang có thêm nguồn thu từ việc bán vé tham quan cho du khách.
Người phát ngôn của Tổ chức nhân quyền Adhoc lên tiếng lo ngại rằng các gia đình đã di dời sẽ biểu tình phản đối vì có sự phân biệt trong kế hoạch tái định cư này của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang.
*****************
Bài toán chặt cây xanh để mở rộng đường phố (RFA, 03/01/2019)
Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa ra công bố thực hiện việc xén hè phố để mở rộng một số tuyến đường trong đó có khu vực đường Láng dọc sông Tô Lịch và một số tuyến đường khác tại nội đô.
Hàng cây Sà Cừ trên đường Láng, dọc sông Tô Lịch tại Hà Nội. RFA
Lý do được Sở Giao thông- Vận tải đưa ra nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe với mật độ dân cư ngày càng đông tại Hà Nội. Theo kế hoạch thì phải chặt và di chuyển 476 cây xanh các loại mà theo Sở này thì nhất là những loại cây sâu, rỗng thân, nghiên, cong có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. Tổng chi phí thực hiện dự án này được Sở Giao thông Vận tải công bố lên tới hơn 120 tỷ đồng và thời gian hoàn thành trước tết Nguyên đán sắp tới.
Dự án sau khi được công bố vấp phải phản đối mạnh mẻ từ công luận. Nhiều người cho rằng, việc chặt cây mở rộng tuyến đường là cần thiết tuy nhiên tại khu vực đường Láng với hàng cây cổ thụ khổng lồ nằm giữa hai tuyến đường, che bóng mát cho người đi đường nhưng bị chặt hết đi để mở rộng thêm một tuyến đường là điều không hợp lý.
Chúng tôi liên lạc với một bạn trẻ hiện đang sống tại Hà Nội để tìm hiểu thêm thông tin về khu vực này và được bạn cho biết việc chặt cây tại khu vực này là điều không cần thiết :
"Đoạn đường cây xà cừ đó đã có từ nhiều năm rồi và ai cũng biết được sự quý giá của cây cổ thu ấy, được coi như là di tích của lịch sử và nó cũng chỉ chiếm diện tích chỉ hơn 1m thôi nhưng bây giờ với mục đích là mở đường và tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỉ giờ chặt hết hàng trăm cây đó đi là điều thật sự vô lý và có ý đồ xấu và không ai kiểm soát cả. Cả Hà Nội bây giờ chỉ còn vài con đường có cây cổ thụ và cây xanh nhưng vì lý do mở đường, giảm ùn tắc giao thông mà thật ra là không cần thiết".
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thành viên của nhóm Green Tree từ Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng việc chặt cây nghiêm trọng nhất vào tháng 3-4/2015 và đó là dự án mà công luận phẩn nộ nhất nhưng nó lại không nhằm mục tiêu mở rộng tuyến đường. Do đó, đối với dự án vừa nêu của Sở Giao thông- Vận tải thì anh hoàn toàn không tin đó là lựa chọn tốt nhất.
Anh cho biết : "Một vốn dĩ các kế hoạch đường tại Việt Nam thật sự đã gây thất vọng rất là nhiều và thứ hai bản thân việc mở rộng đường với lựa chọn phải chặt cây thì chúng tôi không được tiếp cận thông tin đầy đủ là có những phương án nào được cân nhắc và liệu rằng có những phương án nào khác để khỏi chặt cây không, mà chỉ những thông tin hết sức mập mờ và không rõ ràng. Dường như việc thông báo mọi chuyện đã rồi là lựa chọn của thành phố Hà Nội nên chúng tôi không tin rằng đây là sự lựa chọn tốt nhất".
Dư luận cũng như cộng đồng mạng xã hội lên tiếng cho rằng nguyên nhân vì sao cơ quan chức năng Việt Nam luôn nhắm đến các loại cây cổ thụ lâu năm như cây xà cừ, có tuổi đời rất lâu và có khả năng giữ vững, có sức bền và chịu đựng mưa bão từ hàng chục năm nay và thay vào đó là những loại cây mới phải tốn nhiều năm mới phát triển.
Hàng cây Sà Cừ trên đường Láng, Hà Nội. RFA
Bạn trẻ từ Hà Nội cho biết : "Những lý do họ đưa ra là cây xà cừ này sẽ dễ gãy gây ra tai nạn giao thông, họ đã biện minh rất nhiều cho các hành động của họ. Bây giờ lấy lý do đấy và họ chặt đi từ Bắc vào Nam nơi nào có cũng triển khai các dự án chặt cây và trồng lại những cây con mà trong lúc chúng ta phải tốn thời gian rất là nhiều và thậm chí những cây được trồng lại cũng không phải là loại cây xà cừ".
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang giải thích với chúng tôi nguyên nhân vì sao người ta lại luôn chọn cây xà cừ trong khu đô thị để đốn hạ. Ông cho biết :
"Thực chất là thế này không chỉ riêng cây xà cừ đâu, mà tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang hoặc các thành phố lớn có thời gian người ta trồng cây xà cừ. Nó cũng chỉ là ngẫu nhiên thôi bởi vì khoảng 40-50 năm trước người ta hay trồng cây xà cừ, lúc đó người ta chưa nghiên cứu ra các loại cây khác. Cây xà cừ rất khỏe và sống rất là lâu, lá tương đối to và khi rụng cũng dễ dàng quét dọn vệ sinh, nhưng nhược điểm của cây xà cừ là nếu trồng ở phố thì nó dễ đâm ngang nên nhiều khi nó nứt vỉa hè và làm đường nó bị cong lên nhiều khi nó không đứng thẳng, nếu công ty quản lý không đi cắt xén thì nó dễ đỗ và gây tại nạn rồi sập nhà…. Nên nhiều khi những lý do đó nên chặt cây để đỡ phá đường".
Ngoài ra nhà báo Tạo còn cho biết thêm, việc phát triển đô thị là xu thế không thể cưỡng lại được và việc chặt cây để mở rộng tuyến đường đô thị cũng là một trong những vấn đề mở rộng, nếu Việt Nam lâm vào tình huống đó thì ông cho rằng cũng đành cắn răng chịu đựng.
"Có thể 1,5m đường nó cũng khá là quan trọng với từng tuyến phố, trong trường hợp hiếm hoi đó thì cũng phải buộc lòng hy sinh hàng cây đó. Nếu con đường 30m mà anh chặt hàng cây để mở thêm 1,5m nữa thì chuyện hoàn toàn phi lý, nhưng ví dụ những tuyến phố có 4-5m thôi thì mở 1,5m là rất quan trọng để cho 2 xe có thể tránh nhau dễ dàng, thì những trường hợp như thế thì mình đành phải chấp nhận chặt đi những cây mấy chục năm".
Đối với dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì có ý kiến cho rằng, anh đồng ý việc mở rộng các tuyến đường là cần thiết đối với thực trạng giao thông đô thị hiện nay tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo anh đó không phải là nguyên nhân cốt lõi.
"Tại Hà Nội không phải nguyên nhân chính là vì đường hẹp hay do có cây lớn khiến đường bị hẹp mà nguyên nhân chính là do quy hoạch các khu dân cư, các khu cao tầng trong khu vực nội đô nên tôi thấy nhắm vào việc chặt cây để mở rộng đường không phải là gốc của vấn đề. Thứ hai cây xanh là một vấn đề cần thiết cho đời sống và môi trường nên lựa chọn này tôi cho rằng không phải là tối ưu".
Một số chuyên gia và dư luận cho rằng còn nhiều biện pháp khác để mở rộng các tuyến đường không nhất thiết phải chặt hàng trăm cây cổ thụ để mở rộng vài mét đường.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết "Tôi cho rằng việc cần phải làm là quy hoạch các khu dân cư mới hay là di chuyển các nhà máy xí nghiệp, trường đại học ra khỏi khu vực nội thành, hay các cơ quan thật sự không cần thiết phải nằm trong nội thành thì mới là nguyên nhân cốt lõi để giải quyết các vấn đề giao thông đô thị. Tôi tin rằng để giải quyết các tình trạng giao thông tại Hà Nội thì chắc chắn còn nhiều giải pháp khác chứ không nhất thiết là phải chặt cây".
Đồng thời, anh Tuấn cho rằng việc tiếp cận các nguồn thông tin trên mạng, trên các cổng thông tin điện tử, báo chí thì người dân không có đủ thông tin để xem xét và đồng thuận ý kiến với lãnh đạo. Anh có nguyện vọng là lãnh đạo thành phố nên cung cấp đầy đủ thông tin hơn đến với người dân trước khi lựa chọn phương án để có thể đi đến đồng thuận với một giải pháp tốt nhất.
*******************
Liệu doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng cho CPTPP ? (RFA, 03/01/2019)
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019 với những hy vọng tươi sáng cho nền kinh tế khi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường 10 nước trong hiệp định sẽ được giảm hoặc miễn thuế ngay lập tức. Tuy vậy, CPTPP được đánh giá cũng sẽ đặt ra không ít thách thức và cạnh tranh khắc nghiệt cho các doanh nghiệp trong nước.
Các nhà đàm phán của các nước thành viên TPP tại Chile hôm 8/3/2018. AFP
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã thực sự sẵn sàng trước khi CPTPP có hiệu lực ?
Khâu chuẩn bị
Hiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia ký kết hiện nay đã có hiệu lực với 6 quốc gia đầu tiên là Úc, Cananada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore kể từ ngày 30/12/2018.
Quốc hội Việt Nam biểu quyết phê chuẩn CPTPP hôm 12/11/2018 khiến Việt Nam trở thành nước thứ 7 thông qua hiệp định này. Bốn nước thành viên còn lại là Brunei, Chile, Malaysia và Peru.
Việt Nam được các chuyên gia đánh giá sẽ là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất trong thỏa thuận thương mại này đối với các mặt hàng xuất khẩu như gỗ, da giày, may mặc, nông sản, thủy hải sản, điện tử.
Trong một hội thảo gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam tham gia CPTPP, nhắc lại rằng bên cạnh những cơ hội rộng mở, thì thách thức mà hiệp định này đặt ra cho các doanh nghiệp Việt là rất lớn.
Trả lời câu hỏi về khâu chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước trước khi CPTPP có hiệu lực ở Việt Nam, Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định các doanh nghiệp ít nhiều đã chuẩn bị về mặt tinh thần, và ông nói tiếp :
Thật ra nếu doanh nghiệp nào đã có tham gia xuất khẩu vào các thị trường cao ví dụ như Mỹ, Châu Âu, Nhật thì đối với hiệp định CPTPP, họ sẽ không tốn quá nhiều công sức để chuẩn bị đâu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp chưa tham gia thì chắc chắn họ sẽ có khó khăn ở những thị trường thuộc hiệp định này.
Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự với doanh nhân Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Hoàng Long, và được ông khẳng định về cam kết chất lượng sản phẩm của công ty mình.
Cái đó là tiêu chí số một của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bao giờ cũng có định hướng chiến lược để làm sao làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp rất khắt khe chuyện này và phải làm cho được chuyện đó.
Ngoài ra, các thách thức lớn khác mà CPTPP đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và chưa có kinh nghiệm được các chuyên gia nhiều lần phân tích là tiêu chuẩn về lao động và yêu cầu về môi trường. Đặt vấn đề này với một công ty sản xuất nội thất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương, chủ doanh nghiệp trẻ giấu tên chia sẻ :
Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) Courtesy VASEP
Thứ nhất là nhà xưởng phải chuẩn bị để có những tiêu chuẩn về môi trường. Mình cũng đang chuẩn bị để áp dụng, tìm hiểu để có chứng nhận ISO. Còn lao động thì cũng ổn, vì thật ra nhân sự khoảng 50 người thì mình cũng lo về Luật Lao động ví dụ như ký hợp đồng lao động, bảo hiểm, công đoàn… Thật ra ở Việt Nam làm mấy cái đó chi phí khủng khiếp lắm.
Trái ngược với sự mong chờ từ CPTPP của nhiều phía, chủ doanh nghiệp Thủy sản Hoàng Long, doanh nhân Phạm Phúc Toại bày tỏ sự không quan tâm đến CPTPP như lời của ông :
Nói chung, nếu nói về kinh tế của đất nước, về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam thì những hiệp định đó là tốt cho Việt Nam. Nhưng tôi thì không quan tâm nhiều vì trong lĩnh vực của tôi thì tôi thấy cũng chẳng có gì gọi là giúp cho doanh nghiệp tốt.
Ông Phạm Phúc Toại nói mặt hàng xuất khẩu của công ty ông từ trước đến nay chỉ bị đánh thuế khi nhập vào thị trường Mỹ, còn ở các nước khác như Mexico thì vẫn được miễn thuế, nên CPTPP sẽ không có tác động gì tới doanh nghiệp của ông.
Những bất cập
Đánh giá về bất cập lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và chưa có kinh nghiệm hiện nay, ông Lê Thành Kiệt nói :
Vấn đề chính của các doanh nghiệp nhỏ này là sự tuân thủ, vì trước nay họ không làm ở những thị trường này hoặc ở những thị trường không đòi hỏi, mà chủ yếu là luật lệ trong nước. Mà luật lệ trong nước thì mặc dù tiêu chuẩn đưa ra không thấp hơn các nước khác nhiều lắm nhưng vấn đề tuân thủ, kiểm soát của chính phủ ta vì nhiều lý do nên không thể kiểm soát chặt chẽ được.
Ngay sau khi thông qua CPTPP, chính phủ Việt Nam khẳng định trên truyền thông rằng hiệp định này đỏi hỏi những đột phá trong việc thực thi pháp luật, quản lý nhà nước và quản trị xã hội. Tuy vậy, chủ doanh nghiệp gỗ được chúng tôi phỏng vấn thổ lộ :
Muốn đúng tiêu chuẩn ISO thì Việt Nam có bao nhiêu xưởng đủ tiêu chuẩn đó ? Phải lách hết, phải lo hết. Ví dụ như xử lý nước thải đi, giờ bỏ ra mấy triệu đô bỏ ra xử lý nước thải, trong khi doanh nghiệp khác thì không làm mà nó vẫn sản xuất ra được sản phẩm đó.
Ông Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh từng nhấn mạnh việc các thị trường cao cấp của CPTPP đòi hỏi tính bền vững, thân thiện của sản phẩm, vật liệu với môi trường và cộng đồng sẽ là những thách thức cho doanh nghiệp Việt. Để đáp ứng, người chủ doanh nghiệp gỗ cho biết hiện nay các doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ đã bắt đầu kế hoạch trồng rừng và thu hoạch gỗ đúng tiến độ, còn trước đây thì khác. Anh nói :
Xe chở gỗ tròn từ Cam Pu Chia sang Việt Nam. AFP
Hồi trước nay thì không hề có chuyện đó. Toàn là lấy gỗ khai thác rừng vô tội vạ rồi làm giấy tờ hợp thức hóa. Thật ra Châu Âu hay Mỹ biết hết nhưng thả dần dần để mình thay đổi mà mình không thay đổi thì nó mới cắt.
Mới hôm 15/11, Bộ Công thương Việt Nam ban hành quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia, vì vấp phải các cáo buộc của quốc tế về trình trạng nhập các loại gỗ quý hiếm lậu với giấy phép giả. Chủ doanh nghiệp gỗ khẳng định với chúng tôi điều đó là thật và nói công ty của anh chỉ nhập gỗ từ Mỹ và Châu Âu để chế biến và xuất ngược lại vì có nguồn gốc và kiểm định rõ ràng.
Doanh nghiệp : Tự lực cánh sinh
Chủ trì Hội nghị chuyên ngành gỗ và lâm nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/8/2018, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành ngành mũi nhọn. Chủ doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu phân trần với chúng tôi.
Thật ra là như vầy : Hồi xưa chính quyền không có để ý đến ngành gỗ của mình gì hết. Nhưng ba năm gần đây thì đột nhiên xuất khẩu gỗ của mình lớn từ 3, 4 tỷ đô lên 9 tỷ nên nhà nước mới để ý và thấy là một nguồn thu ngon lành.
Hôm 21/11/2018, báo trong nước loan tin Bộ Công thương dự đoán doanh thu gỗ xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 chắc chắn sẽ đạt mức kỷ lục 9 tỷ USD. CPTPP được đánh giá sẽ là cơ hội để sản phẩm gỗ Việt tiếp tục ‘vươn mình’ ra thế giới. Trả lời câu hỏi liệu đã có sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền, chủ doanh nghiệp gỗ khẳng định chưa hỗ trợ nhiều mà chỉ ‘góp tiếng nói thôi’, và anh cho biết :
Thật ra là tự trong Hiệp Hội Gỗ Miền Nam gây dựng lên hết đó, khá là OK rồi thì nhà nước mới để ý đó.
Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự về vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thì được doanh nhân Phạm Phúc Toại thẳng thắn trình bày :
Nói thì nói thế thôi nhưng chính phủ thì quản lý vĩ mô, nói ra nhiều giải pháp vậy thôi chứ thực sự cái gì cũng vậy, chúng ta nên nỗ lực từ bản thân, từ doanh nghiệp ‘tự lực cánh sinh’ là chủ yếu. Về mặt lý thuyết, bề mặt của đất nước thì nhìn thấy vậy thôi chứ tôi không quan tâm.
Người chủ doanh nghiệp hải sản nhấn mạnh ông chưa bao giờ tham gia, sinh hoạt trong các hội đoàn của chính phủ để mong có sự trợ giúp cho doanh nghiệp của mình.