Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/01/2019

Quan hệ Anh - Việt và Luật An ninh mạng

Tổng hợp

Anh - Việt và bình luận quanh chuyến thăm của ông Mark Field (BBC, 03/01/2019)

Quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Anh, ông Mark Field nói về tầm quan trọng của tự do truyền thông khi thăm Việt Nam nhưng vẫn bị một tờ báo Anh trích lời giới chỉ trích, nói ông không trực tiếp lên án Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực.

anhviet1

Hợp tác Anh - Việt : thương mại và các vấn đề liên quan sau Brexit

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Mark Field có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 2-3/1.

Trong một bài viết riêng cho báo Tuổi Trẻ hôm 2/1, ông Mark Field cho hay Anh Quốc sau khi rời EU sẽ thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam và ASEAN trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh mạng.

Cùng ngày, tờ The Guardian cho hay ông Mark Field bị chỉ trích vì ông nói ủng hộ tự do báo chí nhưng lại không lên án Luật An ninh mạng hà khắc của Việt Nam - có hiệu lực 24 giờ trước khi ông đặt chân đến Hà Nội.

Vào buổi sáng đầu tiên khi tới Việt Nam, ông Mark Field viết trên Twitter rằng "tự do báo chí và tự do internet giúp cho kinh tế phát triển, và tự do truyền thông sẽ giúp Việt Nam thực hiện hết tiềm năng to lớn của mình".

Bộ Ngoại giao Anh cho biết, ông Field đã đề cập đến tự do truyền thông, bao gồm quan ngại về Luật An ninh mạng, với các đối tác Việt Nam trong cuộc gặp hôm 2/1.

Đại sứ Anh, ông Gareth Ward nhắn trên mạng Twitter rằng trong chuyến thăm ngắn đến Việt Nam của ông Field, các vấn đề "thương mại, an ninh, biến đổi khí hậu và tự do truyền thông đều có mặt trong nghị trình".

Trả lời BBC News Tiếng Việt hồi tháng 12/2018, trong khi chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam, --đầu tiên, Quốc vụ khanh Mark Field nói rằng xu thế mạng xã hội bùng nổ tại Việt Nam là điều không thể đảo ngược.

"Tôi thấy rằng mạng xã hội ở Việt Nam rõ ràng có sự bùng nổ. Khi tôi đến Việt Nam tôi thấy giới trẻ có iPhone, có Linkedin. Đó là xu hướng không dễ đảo ngược lại với bất kỳ chính phủ nào. Nhưng tôi cho rằng chúng ta phải sống với điều đó và với hậu quả của nó nhất là khi giới trẻ muốn khám phá thế giới..".

Theo Bộ Ngoại giao Anh, khi sang thăm Việt Nam tuần đầu năm 2019, ông Mark Field cũng đã gặp các chuyên gia về tự do truyền thông và nhà hoạt động để thảo luận về vấn đề này tại Hà Nội cùng ngày.

Bộ Ngoại giao Anh cho hay dòng Tweet của ông được đăng cùng sự kiện đó.

Bình luận về chuyến thăm và các phát biểu của quốc vụ khanh Mark Field, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), được trang The Guardian trích lời nói rằng "không có cơ sở nào để tin rằng Việt Nam đã sẵn sàng chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận và xã hội dân sự".

"Thực tế là, tự do báo chí không tồn tại ở Việt Nam vì chính phủ kiểm soát chặt tất cả cơ quan truyền thông trong nước. Cho đến nay mạng xã hội là công cụ cho tự do ngôn luận ở Việt Nam nhưng chính phủ mới ban hành Luật An ninh mạng để dập tắt các cuộc thảo luận trực tuyến và truy tố các cá nhân vì những điều họ phát biểu trên mạng".

"Vương quốc Anh nên công khai yêu cầu hủy bỏ Luật An ninh mạng và nỗ lực để đảm bảo rằng không có chương trình nào của chính phủ Anh hoặc đầu tư nước ngoài tạo điều kiện cho việc đàn áp".

Anh Quốc và Châu Á sau Brexit

Anh Quốc sau Brexit muốn tăng cường giao thương và quan hệ ngoại giao, cùng sự hiện diện cả về an ninh hàng hải và quân sự trong vùng Đông Nam Á.

Chuyến thăm của ông Mark Field đến Hà Nội xảy ra cùng thời gian Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt thăm Singapore và Malaysia để mở rộng quan hệ với khu vực có các nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Tại Kualar Lumpur hôm 3/1, ông Hunt nêu cam kết Anh sẽ ủng hộ cho tự do ngôn luận ở Malaysia và thảo luận về hành động hỗ trợ cho người tỵ nạn Rohingya từ Myanmar.

Cũng trong phỏng vấn cuối năm 2018 tại London với BBC News Tiếng Việt, ông Mark Field nói về quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh Quốc và Việt Nam :

"Thương mại rất quan trọng. Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với EU. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng tham gia đàm phán để giúp đạt được thỏa thuận. Chúng tôi rất hy vọng rằng hiệp định sẽ càng sớm có hiệu lực càng tốt mà tôi cho rằng sẽ có vai trò với thỏa thuận Việt Nam và Anh.

Nói đến CPTTP mà Việt Nam đạt được trong những tuần gần đây đã được Quốc hội phê chuẩn. Do đó, về mặt thương mại tôi cho rằng có rất nhiều thứ cần phải làm. Nhưng một kết quả mà chúng ta nhìn thấy là tăng trưởng hai con số trong thương mại giữa hai quốc gia trong 2-3 năm qua".

Hồi tháng 9/2018, Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Trần Ngọc An được trang Vietnam Investment Review trích lời nói chỉ trong năm 2017, trao đổi thương mại hai nước đạt 6,1 tỷ USD, với xuất khẩu Việt Nam sang Anh đạt 5,4 tỷ, và từ Anh sang Việt Nam đạt 700 triệu.

Về quân sự, Anh Quốc đang muốn tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson phát biểu hôm cuối năm 2018 rằng Anh Quốc có kế hoạch xây một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và một ở vùng biển Caribbe.

Dự án nhằm đề cao vai trò của Anh sau khi rời Liên hiệp Châu Âu (EU), báo Anh dẫn lời ông Williamson hôm 31/12/2018.

Giới bình luận tin rằng một căn cứ như vậy có thể được chọn đặt ở Singapore hoặc Brunei trong vùng Đông Nam Á.

Tin này ngay lập tức đã thu hút chỉ trích từ một số nhà bình luận Trung Quốc.

Trong năm 2018, Anh Quốc đã cử các tàu HMS Albion và HMS Sutherland vào Biển Đông, đi qua các tuyến hàng hải Trung Quốc tìm cách hạn chế quyền đi lại.

Riêng về hợp tác an ninh, quốc phòng Anh - Việt, theo trang The Guardian, "dù tình hình nhân quyền ở Việt Nam có vấn đề, các quan chức Anh vẫn chăm lo cho khách hàng Việt Nam vì công nghệ quân sự và an ninh, và đã chuẩn thuận khoản bán hàng trị giá 77 triệu bảng vũ khí và công nghệ có thể sử dụng hai cách kể từ khi Đảng Bảo thủ lên cầm quyền năm 2015".

Bài báo trích lời ông Andrew Smith, phát ngôn viên cho tổ chức chống buôn bán vũ khí 'Campaign Against Arms Trade' nói họ lo ngại nhất về khoản trị giá 5 triệu bảng công cụ giám sát viễn thông Anh bán cho Việt Nam.

******************

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh bị chỉ trích do không lên án luật An ninh mạng Việt Nam (RFA, 03/01/2019)

Ông Mark Field, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bị chỉ trích vì không lên án luật An ninh mạng có hiệu lực một ngày trước khi ông này đến thăm Việt Nam.

anhviet2

Ông Mark Field, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - AFP

Mạng báo The Guardian đưa tin hôm 2/1/2019.

Theo mạng báo này, ông Mark Field đã đến Việt Nam vào sáng thứ Tư, ngày 2/1/2019 và gửi một tweet nói rằng tự do truyền thông "sẽ giúp Việt Nam nhận ra tiềm năng to lớn của đất nước". Đồng thời ông cũng nói với báo chí Việt Nam rằng Anh Quốc sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao với nhà nước độc đảng này sau khi London rút ra khỏi Liên Minh Châu Âu (Brexit).

Ông Field cũng cho biết Vương quốc Anh sẽ tăng cường hợp tác về an ninh mạng với Việt Nam. Kể từ năm 2015, Anh đã bán cho Việt Nam gần 5 triệu bảng các thiết bị viễn thông có công năng ‘nghe lén’.

Cũng theo The Guardian, ông Andrew Smith, phát ngôn viên của Chiến dịch chống buôn bán vũ khí cho rằng các thiết bị viễn thông ‘nghe lén’ đặc biệt "nhạy cảm" khi vào tay các quốc gia độc tài.

Lên tiếng về các bình luận của ông Field, ông Phil Robertson, phó Giám đốc Phân Ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), cho biết không có cơ sở chắc chắn nào để tin rằng Việt Nam sẵn sàng chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận và xã hội dân sự. Ông nói rằng trong thực tế ở Việt Nam không tồn tại tự do báo chí vì chính phủ kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông trong nước. Mạng xã hội là nơi thể hiện tự do thông tin nhưng luật An ninh mạng lại được sử dụng như một công cụ để truy tố những người lên tiếng trên mạng xã hội.

Ông nói rằng Vương quốc Anh nên công khai yêu cầu hủy bỏ luật An ninh mạng và đảm bảo rằng không có chương trình nào của chính phủ Anh có thể để tạo điều kiện cho việc đàn áp tự do internet.

Trong khi đó, một viên chức Bộ Ngoại giao cho biết hôm 2/1, ông Mark Field có đưa ra vấn đề tự do truyền thông bao gồm những lo ngại cụ thể về luật mới với phía Việt Nam. Ông cũng gặp gỡ các chuyên gia và nhà hoạt động để thảo luận về vấn đề này tại Hà Nội trong cùng ngày.

Vào tháng 11 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh, đã đến London để tham dự Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt - Anh cấp Thứ trưởng lần thứ nhất.

Một nguồn tin chính phủ cho biết tự do báo chí là một trong những vấn đề dự định nêu ra trong các cuộc họp riêng với các quan chức Việt Nam trong tuần này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh nói rằng tự do truyền thông là ưu tiên hàng đầu của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Jeremy Hunt, đó là lý do tại sao ông tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề này ở London trong năm nay.

Quay lại trang chủ
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)