Chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi không để phần tử xấu xâm nhập nội bộ công an (RFA, 05/01/2019)
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu trong Hội nghị Công an toàn quốc 2019 hôm 3/1/2019 trong đó nhấn mạnh vấn đề chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ngành này.
Tổng Bí thư : Chiến sĩ công an phải tự soi, tự sửa để không sa ngã - Báo VOV
Có 5 điểm được ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài nói chuyện của mình, trong đó có điểm thứ 3 được ông này nói với ngành công an như sau :
"Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu thâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải được thực hiện có hiệu quả trong thực tế.
Đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái ; vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực để làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân".
Bên cạnh đó, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nhắc đến điểm thứ 2 đó là" Không ngừng đổi mới các mặt công tác để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn ngừa khủng bố, gây rối, phá hoại ; ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự…".
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi "chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước".
Có thể thấy trong chỉ vài ngày đầu năm mới, 2 người đứng đầu Đảng cộng sản, nhà nước và chính phủ đều có bài phát biểu quan trọng tập trung vào điều mà họ gọi là các "thế lực thù địch" chống phá đảng và nhà nước Việt Nam.
********************
Báo nhà nước gỡ bài "Bộ Chính trị duyệt tăng mức đầu tư Metro Thành phố Hồ Chí Minh" (RFA, 05/01/2019)
Đến sáng ngày 5/1/2019, các bài viết về việc "Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đồng ý duyệt tăng 51.712 tỷ đồng (tương đương 2,23 tỷ USD) cho 2 tuyến Metro Thành phố Hồ Chí Minh" đã bị gỡ bỏ, hoặc dẫn qua 1 bài viết khác.
Bài báo trên Tiền Phong về Metro Bến Thành Suối Tiên bị gỡ Courtesy Tiền Phong
Theo một bài báo duy nhất còn lại trên mạng báo Nhịp cầu đầu tư, Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản ngày 4/1 có thông báo gửi Ban cán sự đảng Chính phủ, đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã đồng ý Chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2009 là 17.388 tỉ đồng, nay điều chỉnh tăng lên 47.325 tỉ đồng.
Dự án tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư được UBND Thành phố Hồ Chí Minh duyệt năm 2010 là 26.116 tỉ đồng, nay điều chỉnh tăng lên 47.891 tỉ đồng.
Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng - bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông và vận tải có ký trình Bộ Chính trị xem xét việc điều chỉnh tổng mức đầu của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.1 - Q.9) và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (Q.12).
Thông tin việc Bộ Chính trị đồng ý duyệt tiền ngân sách nhà nước khiến dư luận dậy sóng, luật sư Trần Vũ Hải viết trên FB cá nhân :
"Hoan hô Bộ chính trị 16 người đã làm thay việc của 490 đại biểu Quốc hội duyệt tăng vốn cho dự án Metro tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo tiền lệ này, sắp tới nước ta không cần cơ quan dân cử nữa nhỉ ? Cám ơn Bộ chính trị rất tài, đã tiết kiệm tiền dân !".
Theo luật Ngân sách 2015, Quốc hội mới là cơ quan "quyết định chính sách cơ bản về tài chính - ngân sách nhà nước".
******************
Kiến nghị thêm 2.500 tỷ để hoàn thành Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (RFA, 04/01/2019)
Tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) vừa có kiến nghị lên Bộ Công thương cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng để hoàn thành Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vì lý do bị thiếu vốn và chậm tiến độ.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang được thi công. Courtesy of Bộ Công thương Việt Nam
Báo trong nước loan tin hôm 4/1 cho biết hiện nay Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã giải ngân trên 31.200 tỷ đồng (đạt khoảng 82%) so với tổng mức đầu tư dự kiến là 41.000 tỷ đồng sau nhiều lần điều chỉnh.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư được xác định đang bị thiếu vốn và chậm tiến độ khoảng từ 55 đến 57 tháng.
Do đó PVN đề nghị được thêm 2.500 tỷ để hoàn thành dự án trích từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Lý do của việc chậm trễ được PVN nêu ra là vì Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than ; năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo thanh toán cho công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng với nhà thầu phụ.
Ngoài ra, PVN cho biết việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của dự án hơn 1.100 tỷ đồng vào mục đích khác làm thiếu hụt kinh phí dự án ; nhưng lại không nói mục đích khác cụ thể là gì.
Dự kiến sau khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt từ 55 triệu đến hơn 1 tỷ USD so với giá trị hợp đồng dự kiến.
Đáp lại đề nghị của PVN, Bộ Công thương yêu cầu PVN cần có báo cáo rõ và chuyển giao về Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước để giải quyết.
Dự Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 2x600MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình, được xây dựng tại Mỹ Lộc, Thái Thụy, Thái Bình, phê duyệt tại Quyết định 5844 ngày 2/7/2010 do Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC.
******************
Truy tố cựu quan chức Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (RFA, 04/01/2019)
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa có quyết định truy tố hai cựu quan chức dầu khí của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) với cáo buộc ‘Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến vụ đại án tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank.)
Màn hình website của Liên doanh Việt – Nga Vietsovptro chụp hôm 4/1/2019. Courtesy of vietsov.com.vn
Truyền thông trong nước loan tin trên hôm 4/1 cho biết hai bị can là ông Từ Thành Nghĩa (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc VSP) và Võ Quang Huy (sinh năm 1961, nguyên Chánh kế toán VSP.)
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2008 đến 2014, VSP thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) nên ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của Oceanbank và phát sinh nhiều hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn, thường xuyên duy trì số dư lớn trên phần tiền gửi không kỳ hạn tại Oceanbank chi nhánh Vũng Tàu.
Số liệu được công bố cho biết từ cuối 2008 đến đầu 2014, VSP ký 54 hợp gửi tiền VNĐ với tổng trị giá hơn 13 ngàn tỷ đồng, và ký 70 hợp đồng gửi tiền USD với tổng số tiền 1 tỷ 260 triệu USD. VSP đã duy trì số dư trong phần tiền gửi không kỳ hạn từ 200 tỷ đồng đến 900 tỷ đồng và từ 10 triệu USD đến 400 triệu USD, được Oceanbank trả lãi gần 50 tỷ đồng và gần 600 triệu USD.
Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao xác định hai bị can Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy đã quyết định việc gửi tiền của VSP vào Oceanbank và được chi tiền chăm sóc khách hàng. Cụ thể, Võ Quang Huy bị cáo buộc đã nhận và chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng và 130 ngàn USD ; Võ Thành Nghĩa đã nhận và chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng và 30 ngàn USD.
Hai cựu quan chức VSP nói trên bị xác định tội ‘Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’truy tố theo Điều 355 – Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi năm 2017.
Đại án Oceanbank cấu kết với các cán bộ Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) được xác định gây thất thoát cho chính phủ hơn 2 ngàn tỷ đồng.
Tháng 9/2017, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) bị án tử hình và ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank bị án tù chung thân.
Quan chức cao cấp nhất của ngành dầu khí bị án tù là Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, cũng đã bị tuyên tổng cộng 30 năm tù giam. Ông này bị buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng trong vụ án Oceanbank và 30 tỷ đồng trong vụ án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.